Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1957

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC KHAI BÁO VỀ LƯƠNG VÀ CÁC QUYỀN LỢI KHÁC CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các liên khu, khu, thành phố và tỉnh
- Các ông Giám đốc các Khu, Sở, Trưởng Ty và Trưởng phòng lao động

Điều 7 của Bản điều lệ tạm thời quy định việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp tư doanh đã quy định: “Tiền lương và các khoản phụ cấp của người làm công do người làm công và chủ xí nghiệp thương lượng mà định trong hợp đồng và báo cho cơ quan lao động biết”.

Việc khai báo về tiền lương và các quyền lợi của người làm công trong các xí nghiệp tư nhân đã được đặt thành một nguyên tắc. Bộ giải thích rõ như sau: “Người làm công và chủ xí nghiệp trên cơ sở hiểu rõ chính sách, cùng nhau thương lượng quy định tiền lương và các khoản phụ cấp, phải báo cáo cho cơ quan lao động địa phương biết và phải đợi sự chuẩn y của cơ quan lao động mới được thi hành, trái lại nếu cơ quan lao động đó xét thấy chưa được hợp lý (hoặc quá thấp, hoặc quá cao) thì sẽ góp ý kiến để 2 bên xét và thương lượng để cùng nhau thỏa thuận lại một mức lương hợp lý hơn, có lợi cho hai bên, có lợi cho sản xuất, phục vụ quốc kế dân sinh”.

Từ trước đến nay, người làm công và chủ xí nghiệp trong các xí nghiệp tư nhân chưa thi hành đúng đắn quy định trên. Bộ nhắc lại và quy định cụ thể trách nhiệm khai báo của chủ xí nghiệp tư nhân như sau:

1. - Trừ các cơ sở lao động độc lập và sản xuất có tính chất gia đình hoặc dùng ít người làm công, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân có dùng máy động lực có từ 7 người làm công trở lên, thủ công có từ 20 người làm công trở lên kể cả các xí nghiệp mà chủ là người ngoại kiều phải khai báo về lương và các khoản quyền lợi của người làm công trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thành lập.

2. - Tất cả các cơ sở sản xuất theo quy dịnh trên, đến ngày ban hành thông tư này mà chưa thi hành thì phải báo.

3. - Sau khi khai báo xong, trong những trường hợp sau đây, chủ xí nghiệp phải khai lại:

a) Có sự thay đổi về tình hình lương và các quyền lợi khác của người làm công.

b) Tuyển thêm hoặc bớt người làm công (không kể người làm tạm thời).

4. - Mỗi xí nghiệp phải làm một bản khai báo theo mẫu kèm theo thông tư này và gửi cho cơ quan lao động địa phương do chủ xí nghiệp hoặc người đại diện công ty đứng khai.

Việc khai báo tình hình lương và các khoản phụ cấp của người làm công là một việc rất cần thiết và quan trọng. Ủy ban Hành chính các tỉnh và thành phố cần ra thông báo giải thích cho các xí nghiệp tư nhân thi hành. Các cơ quan lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thi hành thông tư này.

Cần nhận rõ việc bắt buộc khai báo là để cho cơ quan lao động nắm vững tình hình lương bổng về phụ cấp và giúp hai bên giải quyết thỏa đáng những mắc mức có lợi cho hai bên và cho sản xuất.

Sau khi nhận được các bản khai báo của các chủ xí nghiệp, các cơ quan lao động các địa phương sẽ tổng hợp từng đợt báo cáo về Bộ.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

MẪU BÁO CÁO

TÌNH HÌNH LƯƠNG TIỀN CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TRONG XÍ NGHIỆP TƯ DOANH
(Thi hành Thông tư số 09-LĐ/TT ngày 01-07-1957 của Bộ Lao động)

1. – Tên xí nghiệp …………………………….. Cá nhân hay công ty ............................................

2. – Địa điểm ........................................................................................................................................

3. – Sản xuất gì .....................................................................................................................................

4. – Tính chất sản xuất kinh doanh (1)...................................................................................................

5. – Tên họ, địa chỉ chủ (hoặc ban quản trị) .......................................................................................

6. – Tổng số người làm công(2).................................................................................................. người

Nam …………………………………….. người, Nữ .…………………………… người

7. – Tình hình lương tiền và các khoản phụ cấp của người làm công.

Số thứ tự

Họ và tên

Tuổi

Nghề nghiệp

Tình hình lương tiền

Ghi chú

Lương tháng

Công nhật thường xuyên

Khoán thường xuyên

(3)

8. – Các chế độ xã hội khác (ghi tóm tắt)(4) .......................................................................................

Ngày …… tháng …… năm ……

CHÚ THÍCH:

(1) Nói rõ dùng dùng máy động lực hay sản xuất thủ công.

(2) Khai rõ số người làm công như sau:

a) Số học việc

b) Số người làm tại xưởng

c) Số người lãnh việc về nhà làm.

d) Số người trong gia đình tham gia lao động như: vợ, con, cha, mẹ, cháu sống chung huê lợi với xí nghiệp.

e) Số người thuê mượn.

(3) Lương khoán thường xuyên: lấy mức khoán trung bình trong 03 tháng để định lương khoán thường xuyên cho mỗi tháng.

Ví dụ:

Tháng 1

lãnh được

37.000đ

(Lương khoán mỗi tháng là: 39.000đ)

Tháng 2

40.000

Tháng 3

40.000

117.000đ

(4) Nói rõ các quyền lợi khác như:

- Trợ cấp thuốc men hàng tháng (nước uống, trợ cấp vào lò, ra lò (bát) – các tập quán cũ như lễ Tổ ở các lò bát, trợ cấp Thanh minh - Tết Nguyên đán v.v… kể rõ loai người nào được hưởng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09-LĐ/TT năm 1957 quy định về khai báo lương và các quyền lợi khác của người làm công trong các xí nghiệp tư doanh do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 09-LĐ/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/07/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: 31/12/1957
  • Số công báo: Số 57
  • Ngày hiệu lực: 16/07/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản