Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0615-TM/QLTT

Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0615-TM/QLTT NGÀY 14 THÁNG 2 NĂM 1997 VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 657-TTg

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Vừa qua, liên Bộ Thương mại - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Tư pháp và Tổng cục Thống kê đi kiểm tra một số địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 657-TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên Bộ số 16-TT/LB ngày 25/10/1996. Sau khi kiểm tra, liên Bộ có nhận xét chung là hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã và đang tích cực triển khai thực hiện công tác kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của liên Bộ. Mặc dù cuối năm nhiều việc, một số địa phương còn phải triển khai thực hiện việc chia tách tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội và nguồn Ngân sách của địa phương còn hạn chế. .., nhưng ở nhiều nơi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện việc này chặt chẽ chu đáo trong từng bước, từng việc, đảm bảo đủ lực lượng cán bộ có năng lực và trách nhiệm tham gia công việc kê khai thống kê, chủ động giải quyết kinh phí phục vụ công tác ở địa phương. Song nhìn chung tiến độ triển khai không đồng đều và thống nhất như kế hoạch của liên Bộ, đặc biệt chất lượng bước kê khai ở hầu hết các địa phương chưa đạt yêu cầu như Chỉ thị số 657/TTg và Thông tư hướng dẫn của liên Bộ đã đề ra, còn bỏ sót nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa kê khai, chất lượng bản khai quá thấp, đặc biệt là các chỉ tiêu vốn, doanh thu, thuế, lao động và thu nhập.

Để khắc phục tình trạng trên đây, liên Bộ đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự quán triệt và triển khai ngay tinh thần chỉ đạo của liên Bộ tại Công văn số 0364-TM/QLTT ngày 22-1-1997 do Bộ Thương mại thay mặt liên Bộ ban hành và tiếp tục thực hiện một số việc sau đây:

1. Chất lượng bước kê khai có tính chất quyết định đến chất lượng của việc thực hiện Chỉ thị số 657/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy các ngành, các cấp có liên quan ở địa phương cần tập trung sức thực hiện tốt bước kê khai, đảm bảo chất lượng, không bỏ sót đối tượng kê khai. Những địa phương nào thiếu người thì huy động bổ sung cán bộ vào các Tổ công tác để có đủ cán bộ làm, không khoán trắng việc tổ chức kê khai cho một ngành nào hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường thực hiện. Nếu xã, phường nào để bỏ sót nhiều cơ sở không kê khai, chất lượng kê khai không đạt yêu cầu thì trước hết các Tổ công tác và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc đó.

2. Việc kê khai thống kê lần này nhằm mục đích chủ yếu là nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động kinh doanh của kinh tế ngoài quốc doanh hiện nay. Vì vậy các địa phương cần chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương thấu suốt chủ trương này, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn để các cơ sở sản xuất kinh doanh nắm được và tự giác chấp hành sự kê khai. Còn việc kê khai nộp thuế sẽ có sự phân loại và xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định của các Luật thuế.

3. Các Tổ công tác kê khai xã, phường cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc kê khai, phải dựa vào các Tổ dân phố, thôn xóm để soát xét lại các bản khai. Nếu sót hộ kinh doanh nào chưa kê khai hoặc kê khai chưa sát với thực tế kinh doanh thì Tổ công tác phải đến tận nơi để phát tờ khai, hướng dẫn cơ sở kê khai lại và thu bản khai. Các Tổ công tác quận, huyện cần thường xuyên xuống tận địa bàn kiểm tra tại chỗ hoạt động của các Tổ công tác kê khai, kiểm tra chất lượng của các bản khai, nếu phát hiện bỏ sót đối tượng kê khai hoặc chất lượng bản khai chưa đạt yêu cầu thì yêu cầu Tổ công tác kê khai tiếp tục tổ chức kê khai hoặc kê khai lại rồi mới nghiệm thu bản khai. Để đảm bảo chất lượng kê khai trên từng địa bàn cũng cần chỉ đạo từng cấp tiến hành việc phúc tra kết quả kê khai trong những trường hợp cần thiết rồi mới nghiệm thu kết quả kê khai của từng đơn vị.

Những cơ sở kinh doanh cố tình lẩn tránh việc kê khai, có thái độ chống đối kê khai, kê khai không trung thực thì phải lập biên bản để xử lý theo pháp luật, đồng thời áp dụng biện pháp hành chính đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh.

4. Để nâng cao chất lượng bản khai và để tổng hợp được kết quả kê khai, các Phòng Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các Tổ công tác kê khai về việc ghi chép các chỉ tiêu trong bản khai, kiểm tra lại từng bản khai trước khi các Tổ công tác xác nhận bản khai hoặc khi nghiệm thu bản khai do các Tổ công tác kê khai nộp lên. Các tỉnh, thành phố chưa triển khai bước kê khai có thể tổ chức kê khai thí điểm ở một quận, huyện rồi sau đó rút kinh nghiệm để triển khai việc kê khai trên toàn tỉnh, thành phố.

5. Xác nhận bản khai của cơ sở kinh doanh là cơ sở pháp lý để tiến hành việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, quản lý thu thuế và xem xét việc chấp hành pháp luật của Nhà nước của cơ sở kinh doanh. Vì vậy, các Tổ công tác kê khai phải nâng cao trách nhiệm và thận trọng khi xác nhận bản khai. Khi xác nhận bản khai, Tổ công tác kê khai cần lưu ý những điểm như sau:

- Phải soát xét bản khai và đối chiếu với thực tế kinh doanh của cơ sở để tiến hành xác nhận.

- Phải ghi bằng lời và bằng những số liệu có được qua thẩm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh. Không được phép chỉ có chữ ký và đóng dấu.

- Xác nhận bản khai là cuộc đấu tranh với cơ sở kinh doanh để có được những chỉ tiêu, số liệu sát với thực tế kinh doanh của cơ sở. Do vậy giữa các số liệu của cơ sở kê khai và số liệu của Tổ công tác xác nhận có thể khác nhau. Khi tổng hợp thống kê phải lấy số liệu của các Tổ công tác đã xác nhận trong bản khai.

- Nội dung xác nhận cần tập trung vào các chỉ tiêu chính trong bản khai của cơ sở như: người kinh doanh và người đứng tên trong GPKD, vốn, doanh thu, số thuế đã nộp và số thuế chưa nộp, số lao động và thu nhập bình quân. Nếu cơ sở kinh doanh kê khai không đúng doanh thu thực tế và thấp hơn cả mức doanh thu tính thuế thì Tổ công tác không xác nhận mà phải thuyết phục, khi cần thiết phải đấu tranh để cơ sở kê khai lại cho sát với thực tế kinh doanh.

- Cán bộ thuế trong các Tổ công tác kê khai có trách nhiệm xác nhận bản khai về các nội dung liên quan đến việc quản lý thu thuế đối với cơ sở kinh doanh và chịu trách nhiệm về sự xác nhận của mình. Đối với các cơ sở thuộc diện miễn thuế thì chỉ những trường hợp có văn bản miễn thuế của cấp có thẩm quyền mới được xác nhận là cơ sở thuộc diện được miễn thuế, nếu không thì phải xác nhận là cơ sở chưa nộp thuế.

- Các bản khai phải được các thành viên Tổ công tác thống nhất khi xác nhận và Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã, phường ký tên đóng dấu xã, phường vào phần xác nhận bản khai.

6. Theo đề nghị của nhiều địa phương và để bảo đảm chất lượng kê khai, liên Bộ đồng ý để các địa phương kéo dài thêm thời hạn bước kê khai, nhưng thời hạn tổng hợp báo cáo và thời điểm kết thúc đợt kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh vẫn như Thông tư liên Bộ số 16-TT/LB quy định.

7. Ở những nơi đã cơ bản đã hoàn thành bước kê khai và việc kê khai đã được xác nhận là sát đúng thì tiến hành bước đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn đã kê khai như Thông tư số 16-TT/LB và kế hoạch của liên Bộ đã hướng dẫn hoặc có thể kết hợp việc kê khai với việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh. Cần lưu ý như sau:

- Tập trung giải quyết dứt điểm việc rà soát đăng ký kinh doanh đối với các cá nhân và nhóm kinh doanh theo Nghị định số 66-HĐBT và hộ kinh tế gia đình theo Nghị định số 29-HĐBT. Những hộ nào Giấy phép kinh doanh (GPKD) cũ đã hết hạn thì cấp mới lại GPKD cho những hộ đó. Những trường hợp có sự thay đổi nội dung kinh doanh so với GPKD đã được cấp thì cũng thống nhất cấp mới lại GPKD.

- Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) hoặc GPKD đối với cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh đã được các văn bản Nhà nước quy định. Do vậy khi tiến hành việc xác nhận kiểm tra GCNĐKKD hoặc GPKD, cấp lại hoặc cấp mới GCNKD hoặc GPKD lần này thì cơ quan nào có thẩm quyền đã cấp GCNĐKKD hoặc GPKD thì cơ quan đó mới được ký xác nhận kiểm tra, cấp lại, cấp mới GCNĐKKD hoặc GPKD.

8. Căn cứ tinh thần Thông tư liên Bộ số 16-TT/LB ngày 25/10/1996 Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động đáp ứng yêu cầu kinh phí phục vụ công việc này ở địa phương từ nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố và quy định cụ thể định mức các khoản chi tiêu phù hợp với khả năng nguồn kinh phí và điều kiện thực tế ở địa phương, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả và đúng chế độ.

Sở Tài chính và Sở thương mại các tỉnh, thành phố chủ động lập dự trù kế hoạch kinh phí cho các ngành, các cấp ở địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và thực hiện.

Tổ chức triển khai công tác kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh lần này là công việc đòi hỏi có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và các lực lượng kiểm tra kiểm soát thị trường. Liên Bộ đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo để công tác kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh theo Chỉ thị 657/TTg của Thủ tướng Chính phủ thu được kết quả tốt.

 

Trương Đình Tuyển

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 657/TTg

  • Số hiệu: 0615-TM/QLTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/02/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Trương Đình Tuyển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản