Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 4210/BGDĐT-KTKĐCLGD
V/v Giải đáp một số vấn đề liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng;
- Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng).

 

Tiếp theo Công văn số 3012/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 09/4/2009 về việc Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 (gọi tắt là Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009) và Công văn số 3690/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 06/5/2009 về việc Giải đáp một số vấn đề liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gửi tới các đơn vị nội dung các câu hỏi của các sở GDĐT, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trả lời của Bộ, làm cơ sở để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

I. COI THI

Câu 1: Nếu mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm (M15), quy định trong Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 của Bộ, không phù hợp với máy chấm thi trắc nghiệm của đơn vị thì giải quyết thế nào?

Trả lời: Mẫu M15 chỉ quy định các mục cần có trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Các đơn vị cần thiết kế phiếu trả lời trắc nghiệm phù hợp với máy chấm, có đủ các mục quy định trong mẫu M15; số ô để tô số báo danh, mã đề và số lượng các câu trả lời trong phiếu cũng cần phải thống nhất với mẫu M15.

Câu 2: Việc xếp phòng thi cuối cùng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 của Quy chế 04 được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Điểm a khoản 4 Điều 10 của Quy chế 04 quy định:

“Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo các bước sau:

- Bước 1. Xếp theo thứ tự ban: Thí sinh Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Ban cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có);

- Bước 2. Xếp theo thứ tự ưu tiên của môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên): Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật;

- Bước 3. Lập danh sách thí sinh cho mỗi môn thi ngoại ngữ và dành riêng cho giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c,.. của tên thí sinh”.

Điểm a khoản 4 Điều 10 của Quy chế 04 quy định:

“ Sắp xếp thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi 24 thí sinh; riêng phòng thi cuối cùng, xếp theo Bước 3 tại điểm a khoản 3 của Điều này, có thể xếp đến không quá 28 thí sinh”.

Để tránh khó khăn cho các đơn vị còn hạn chế về cơ sở vật chất phòng thi, sau khi sắp xếp thí sinh theo 3 bước trên, Bộ cho phép ghép cơ học các phòng thi cuối không đủ 24 thí sinh/phòng theo nguyên tắc:

- Chỉ được ghép các phòng thi cuối trong cùng một hội đồng coi thi;

- Các phòng thi cuối trong một phòng ghép vẫn có riêng các danh sách thí sinh, túi đề thi và túi bài thi;

- Các túi số 1 (đựng bài thi của của thí sinh) của các phòng thi cuối được xếp riêng theo môn ngoại ngữ.

Các đơn vị, tùy theo tình hình thực tế, phải bổ sung số lượng giám thị và cử giám thị có nghiệp vụ tốt coi thi tại phòng thi ghép này.

Câu 3: Trong các buổi thi tự luận, giám thị có phải ghi vào ô Số thứ tự trong Tờ giấy thi của thí sinh không?

Trả lời: Giám thị và thí sinh không ghi bất cứ thông tin gì vào ô Số thứ tự trong Tờ giấy thi của thí sinh trong các buổi thi tự luận.

Câu 4: Đối tượng nào được mang theo và sử dụng điện thoại di động trong khu vực thi khi các buổi thi đang tiến hành?

Trả lời: Khoản 6 Điều 18 của Quy chế 04 quy định: “Tất cả những người làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; giám thị không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang tiến hành ”.

Để đảm bảo chặt chẽ kỷ cương trường thi, Bộ yêu cầu thống nhất thực hiện như sau: Tất cả những người làm nhiệm vụ trong khu vực thi khi Hội đồng coi thi đang làm việc đều không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân. Trước mỗi buổi thi, Chủ tịch Hội đồng coi thi thu các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân của các đối tượng trên và lưu giữ tại phòng trực của Hội đồng. Khi cần thông tin khẩn cấp, cán bộ làm nhiệm vụ thi phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng coi thi để sử dụng điện thoại cố định đã được đăng ký của Hội đồng coi thi.

Câu 5: Lực lượng thanh tra của Bộ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ tại các Hội đồng coi thi có thực hiện việc quản lý thí sinh trong các buổi thi không?

Trả lời: Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc tăng cường lực lượng thanh tra của Bộ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ tại các Hội đồng coi thi, khoản 11 Phụ lục 3 Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009 quy định: “Trong các buổi thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, trừ trường hợp đặc biệt chỉ được ra ngoài sau 2/3 thời gian làm bài thi. Nếu phải cho thí sinh ra ngoài, giám thị trong phòng thi giao thí sinh cho thanh tra, thanh tra giao cho giám thị ngoài phòng thi trực tiếp giám sát thí sinh cho đến khi thí sinh trở lại phòng thi. Đối với các trường hợp thí sinh ốm đau đột xuất, phải đề nghị giám thị bên ngoài phòng thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng coi thi để giải quyết”.

Tuy nhiên, để cán bộ thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát các buổi thi, trong trường hợp phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi thì giám thị trong phòng thi trực tiếp giao thí sinh cho giám thị ngoài phòng thi (chốt ở đầu hành lang) dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thanh tra.

Câu 6: Khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi tự luận, thí sinh được phép nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp và ra khỏi phòng thi. Vậy có được ra khỏi khu vực thi không?

Trả lời: Khoản 12 Điều 21 của Quy chế 04 quy định:

“ Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp”.

Trong trường hợp này, sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi, Hội đồng coi thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vòng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của bên ngoài vào khu vực thi.

Câu 7: Khi thu bài, các bài thi của thí sinh trong phòng thi có được lồng vào nhau không?

Trả lời: Để khắc phục triệt để hiện tượng làm mất bài thi của thí sinh tại một số Hội đồng coi thi trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây và hạn chế đến mức thấp nhất nhầm lẫn, sai sót trong khi làm phách bài thi tự luận tại các địa phương, Công văn số 3690/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 06/5/2009 về việc Giải đáp một số vấn đề liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã yêu cầu thống nhất thực hiện như sau:

“Khi thu bài thi, các tờ giấy của mỗi bài thi được lồng vào nhau. Các bài thi, trước khi đưa vào tíu đựng bài thi), được xếp (không lồng vào nhau) theo thứ tự số báo danh từ nhỏ đến lớn.”

Câu 8: Trường hợp thí sinh vi phạm quy chế đến mức kỷ luật hủy kết quả thi thì xử lí bài thi của thí sinh này như thế nào?

Trả lời: Trong trường hợp này, bài thi của thí sinh bị vi phạm và biên bản xử lý thí sinh vi phạm được được niêm phong trong các túi riêng theo từng buổi thi để đưa vào túi số 3 của Hội đồng coi thi rồi chuyển giao cho sở GDĐT; Giám đốc sở GDĐT hoặc người được ủy quyền lưu giữ các bài thi và biên bản xử lí thí sinh vi phạm quy chế, lập danh sách thí sinh vi phạm quy chế bị hủy kết quả bài thi (theo mẫu M16); nếu là bài thi tự luận, phải gửi danh sách này tới cho tỉnh chấm bài như đã quy định tại điểm a, khoản 13, Phụ lục 3 kèm theo công văn số 3012/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 09/4/2009 về việc Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Cần lưu ý cập nhật đầy đủ thông tin về thí sinh vi phạm quy chế bị xử lí kỷ luật hủy kết quả thi (cùng với việc cập nhật thông tin về các thí sinh vắng thi, thí sinh được miễn thi, đặc cách…) vào cơ sở dữ liệu gửi cho tỉnh chấm bài tự luận.

II. CHẤM THI VÀ XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Câu 9: Trong khi chấm thi (cả tự luận và trắc nghiệm) thực hiện việc xử lý vi phạm quy chế của thí sinh thuộc giáo dục THPT khi làm phần đề thi riêng như thế nào?

Trả lời: Khoản 7 Điều 21 của Quy chế 04 đã quy định rõ: “ (...); thí sinh làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.”

Câu 10: Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ có được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên theo Quy định của Quy chế 04 không?

Danh mục các văn bản quy định các đối tượng được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên theo vùng miền quy định tại Điều 31 và Điều 35 Quy chế 04 đã được nêu rõ tại Công văn số 3012/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 09/4/2009 về việc Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 :

“- Danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được quy định tại các Quyết định của Uỷ ban Dân tộc và miền núi hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, còn hiệu lực thi hành.

- Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II được quy định tại Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II); Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 giai đoạn 1999-2005) và Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999 - 2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010.

- Thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn không thuộc các xã đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chế độ ưu tiên như thí sinh có hộ khẩu thường trú ở xã đặc biệt khó khăn.

Theo tinh thần đó, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên theo Quy định của Quy chế 04.

III. CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Câu 11: Khoản 1 Điều 9 của Quy chế 04 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi như sau:

“1. Cán bộ, công chức và nhân viên tham gia kỳ thi phải là những người:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;

b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

c) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng; người giám hộ hoặc đỡ đầu; người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi;

d) Không đang trong thời gian bị kỷ luật về thi”.

Khi thực hiện quy định này, nếu gặp khó khăn về việc điều động cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi thì giải quyết thế nào?

Trả lời:

- Khi điều động coi thi, nếu không đủ cán bộ, giáo viên cấp THPT, các đơn vị huy động cán bộ, giáo viên cấp trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 của Quy chế 04:

“d) Giám thị: giáo viên có tinh thần trách nhiệm, nắm vững Quy chế thi, đang dạy tại các trường phổ thông và trường trung học cơ sở; cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động;”

- Do toàn quốc thực hiện chấm bài thi tự luận theo phương thức đổi chéo bài thi giữa các địa phương, nên có thể vận dụng quy định của Quy chế để điều động cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi nếu đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 9 của Quy chế 04. Trước khi thực hiện, các đơn vị phải có công văn báo cáo Bộ (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục).

Trước ngày 25/5/2009, Bộ sẽ có công văn hướng dẫn riêng về việc sử dụng kinh phí cho một số công việc trong kỳ thi theo ý kiến đề nghị của các đơn vị.

Nhận được văn bản này, các đơn vị nghiên cứu và triển khai thực hiện trên cơ sở quán triệt Quy chế 04 và Công văn số 3012/BGDĐT- KTKĐCLGD ngày 09/4/2009, Công văn số 3690/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 06/5/2009 của Bộ GDĐT. Các vấn đề cần trao đổi thêm, liên hệ với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục theo số điện thoại: 04.38683992; fax: 04.38683700./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các trường ĐH, CĐ có cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi;
- Ban chỉ đạo thi phổ thông;
- Website Bộ;
- Lưu: VT, Cục KTKĐCLGD.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Văn Nghĩa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4210/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc giải đáp một số vấn đề liên quan đến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 4210/BGDĐT-KTKĐCLGD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/05/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Văn Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản