Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2208/TCT-CS
V/v xác định chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2009

 

Kính gửi: Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam.

Trả lời công văn số 299/CV ngày 17/04/2009 của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam về việc xác định một số khoản chi phí tính thu nhập chịu thuế TNDN, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại điểm l khoản 1 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 quy định: “Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các khoản chi phí khác được khống chế tối đa không quá 10% tổng số chi phí; đối với hoạt động thương nghiệp; tổng số chi phí để xác định mức khống chế không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra”.

Tại điểm 11 Điều 5 Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế bao gồm: Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, chi hoa hồng môi giới, chi hội nghị và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được khống chế tối đa không quá 10% tổng số các khoản chi phí từ khoản 1 đến khoản 10 của Điều này. Đối với hoạt động thương nghiệp tổng chi phí hợp lý đề xác định mức khống chế không bao gồm trị giá mua vào của hàng hóa bán ra”.

Tại điểm 11, Mục III Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau: Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến  mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác theo số thực chi nhưng tối đa không quá 10% tổng số các khoản chi phí hợp lý từ khoản 1 đến khoản 10 của mục này. Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp chi phí hợp lý để xác định mức khống chế không bao gồm giá vốn của hàng hóa bán ra”.

Tại Mục 2 Chương II Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định các hình thức khuyến mại như sau:

“Điều 7: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;

Điều 8: Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

Điều 9: Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó;

Điều 10: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ;

Điều 11: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố;

Điều 12: Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi;

Điều 13: Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên;

Điều 14: Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác”.

Tại khoản 11 Điều 5 Chương II Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, chi hoa hồng môi giới, chi hội nghị và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được khống chế tối đa không quá 10% tổng số các khoản chi phí từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này. Đối với hoạt động thương nghiệp tổng chi phí hợp lý để xác định mức khống chế không bao gồm giá trị mua vào của hàng hóa bán ra”.

Tại Điều 46 Chương VII Nghị định số 24/2007/NĐ-CP quy định: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2007. Nghị định này thay thế Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 152/2004/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 164/2003/NĐ-CP .”

Tại Điều 47 Chương VII Nghị định số 24/2007/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này”.

Ngày 23/11/2007 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại điểm 2.21 Mục III Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 quy định những khoản chi phí không tính vào chi phí hợp lý: “Chi phí quảng cáo, khuyến mại, chi phí giao dịch, đối ngoại (không bao gồm: Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu); Chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; Chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán (kể cả chi bằng tiền cho đại lý và người mua hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn); Chi báo hiếu, báo tặng của các cơ quan báo chí và các loại chi phí khác phần vượt quá 10 % tổng số các khoản chi phí hợp lý. Đơn vị hoạt động kinh doanh thương mại chi phí hợp lý để xác định mức khống chế không bao gồm giá vốn của hàng hóa bán ra”.

Tại điểm 1 Phần H Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 quy định: “Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2007 trở đi” là để thực hiện đúng quy định tại Điều 46 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP.

Tại điểm 10 Phần H Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 quy định: “Thông tư này thay thế các Thông tư:

- Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thông tư số 88/2004/TT-BTC ngày 1/9/2004 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính và các ngành ban hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này”.

Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 được ban hành vào cuối năm 2007, nhưng là văn bản pháp quy hướng dẫn Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ đã quy định rõ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2007. Mặt khác, thuế TNDN là loại thuế quyết toán theo năm: kỳ tính thuế TNDN được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Các khoản Chi phí mà Công ty TNHH LG Electronics nêu: “A. Chi phí quà tặng, quà khuyến mại và dịch vụ miễn phí và B. Chi phí liên quan đến tiền khuyến mại giảm giá, bao gồm cả tiền chiết khấu thanh toán nhanh cho đại lý hoặc người tiêu dùng” đã được quy định theo tỷ lệ khống chế 10% tại điểm 11 Mục III Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính.

Căn cứ các quy định nêu trên, kể từ kỳ tính thuế năm 2007 các khoản chi phí khuyến mại (chi phí mua hoặc sản xuất hàng hóa, dịch vụ tặng kèm theo sản phẩm bán ra) và chi phí chiết khấu thanh toán nhanh, kể cả chi tiền cho đại lý và người mua hàng hóa của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam biết và liên hệ với Cục thuế địa phương để được hướng dẫn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục thuế tỉnh Hưng Yên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Vụ PC; Vụ CST;
- Ban PC;
- Lưu: VT, CS (4b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2208/TCT-CS về việc xác định chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2208/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/06/2009
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản