Hệ thống pháp luật

 

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1635 TCT/HTQT
V/v trả lời kiến nghị về miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2003

 

Kính gửi: Hiệp hội đại lý và môi giới Việt Nam

Tổng cục Thuế nhận được ý kiến của  Hiệp hội đại lý và môi giới tàu Việt Nam tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp vào ngày 23-24/3/2003 tạo thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng miễn giảm thuế thu nhập từ vận tải quốc tế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước (Hiệp định thuế). Vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng Hiệp định thuế đối với thu nhập từ hoạt động vận tải quốc tế.

Điều 8. Hiệp định thuế đã quy định rõ phạm vi áp dụng việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là lợi tức do một doanh nghiệp thu được từ hoạt động của tàu thủy hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

Điểm 3.3. phần II Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Hiệp định thuế quy định việc miễn thuế theo Điều 8 Hiệp định thuế được áp dụng cho doanh nghiệp “doanh nghiệp vận tải quốc tế là ... bên hoạt động của các phương tiện vận tải hay ...là bên thuê phương tiện vận tải định hạn để thực hiện việc vận chuyển hàng hoá, hành khách”.

Như vậy, một công ty kinh doanh vận tải biển quốc tế có thể có nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau như vận chuyển hàng hoá trực tiếp bằng tàu biển, dịch vụ giao nhận, xuất vận đơn, cho thuê thuỷ thủ đoàn nhưng doanh thu áp dụng miễn thuế theo Điều 8. Hiệp định thuế chỉ áp dụng cho hoạt động vận tải quốc tế trực tiếp bằng tàu biển (là tàu thuộc sở hữu của một công ty hoặc do công ty đi thuê). Điều này được giải thích cụ thể hơn là thu nhập của một hãng tàu từ các dịch vụ liên quan đến vận tải biển như giao nhận, xếp dỡ, gom nhận hàng hoá vận chuyển, xuất vận đơn... dù do cùng một người làm công trên đất liền của hãng tàu thực hiện nhưng nếu là  phục vụ cho hoạt động vận chuyển trực tiếp của hãng tàu khác thì các hoạt động này không thuộc phạm vi áp dụng miễn thuế đối với lợi tức từ hoạt động vận tải biển quốc tế theo Điều 8 Hiệp định thuế (tức là phải nộp thuế bình thường).

Ví dụ: đại lý tàu biển M ký hợp đồng đại lý với hãng tàu biển S của Singapore. Đại lý M có nhiệm vụ thay mặt hãng tàu S xuất vận đơn cho người gửi hàng và xếp hàng lên các tàu vận tải A, B và C là của hãng tàu N mà hãng tàu S đã mua chỗ. Như vậy, toàn bộ doanh thu mà đại lý M thu được từ hoạt động vận tải trên tàu A và B thuộc phạm vi áp dụng Điều 8 theo Hiệp định Singapore và doanh thu mà Đại lý M thu được từ hoạt động vận tải trên tàu C vẫn phải kê khai nộp thuế theo quy định thông thường.

Các quy định, hướng dẫn nêu trên là phù hợp với thông lệ quốc tế được thể hiện thông qua đàm phán Hiệp định thuế và các diễn đàn quốc tế hàng năm trao đổi về kinh nghiệm quản lý thuế và thực hiện Hiệp định.

Do đó, việc xét đối tượng miễn giảm thuế cước theo Điều 8 Hiệp định thuế không căn cứ vào đối tượng phát hành vận đơn vì các đối tượng không trực tiếp vận hành tàu biển (ví dụ: Công ty giao nhận) cũng có thể phát hành vận đơn cho người gửi hàng mà căn cứ vào đối tượng điều hành hoạt động vận chuyển trực tiếp bằng tàu thuỷ. Thông tư số 16/1999/TT-BTC ngày 4/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu thuế cước cũng đã yêu cầu đại lý tàu biển phải kê khai thuê cước theo tên tàu vận chuyển (Mẫu tờ khai cước tại phụ lục 2).

Hướng dẫn Mẫu biểu kê khai doanh thu miễn giảm thuế cước nêu tại công văn số 4870/TCT-HTQT ngày 25/12/2002 của Tổng cục Thuế được căn cứ trên các quy định hiện hành, cụ thể là các đại lý tàu biển đã kê khai thuế cước theo Mẫu tờ khai thuế cước nói trên có thể dựa vào cột (1). Tên tàu-để chọn ra các tàu thuộc quyền điều hành của hãng tàu làm căn cứ xác định doanh thu áp dụng miễn giảm thuế theo Hiệp định thuế và gửi kèm chứng từ điều hành hoạt động tàu (ví dụ: giấy đăng ký tàu, hợp đồng thuê tàu)- là những chứng từ mà hãng tàu phải có theo yêu cầu của cơ quan hải lý hàng hải.

2. Về hoạt động cho thuê, hoán đổi chỗ trong vận tải biển.

Hoạt động vận tải biển ngày nay phát triển rất đa dạng, chính điều này cũng tạo cơ hội cho việc tránh thuế và lạm dụng các quy định về miễn giảm thuế. Vì vậy, trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về hợp tác kinh tế và hàng hải (như OECI. Hiệp hội hàng hải quốc tế...), cơ quan thuế các nước giữ quan điểm chỉ dành ưu đãi thuế cho hoạt động vận tải trực tiếp bằng tàu biển (do chính hãng tàu sở hữu hoặc đi thuê) mà không mở rộng cho hoạt động dịch vụ vận tải nói chung.

Đối với các hình thức vận tải mới như kết hợp nhóm, hoán, đổi chỗ, cho thuê chỗ trong vận chuyển đường biển quốc tế của các hãng tàu biển, để ngăn ngừa khả năng lạm dụng để trốn và tránh thuế (ví dụ: kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không có tàu mà chỉ thuê/ mua chỗ), các hãng tàu biển chỉ được tính doanh thu từ ở các hoạt động này vào doanh thu áp dung miễn giảm thuế theo Điều 8. Hiệp định thuế khi các hoạt động hoán đổi, cho thuê chỗ là hoạt động hỗ trợ cho việc vận chuyển bằng tàu của mình.

Ví dụ: hãng tàu biển H của Đức thông qua đại lý VNL xuất vận đơn vận chuyển hàng của khách hàng A từ Hà Nội đi Paris. Chặng 1 từ Hà Nội đi Singapore, hàng được vận chuyển bằng tàu N của hãng tàu Trung Quốc và chặng 2 từ Singapore đi Le Havre hàng được vận chuyển bằng tàu P của Hà Lan. Như vậy, toàn bộ doanh thu mà hãng tàu H thu từ khách hàng A sẽ không được tính vào doanh thu miễn giảm thuế cước tại Việt Nam theo Điều 8 Hiệp định thuế. Nên hãng tàu H trực tiếp vận chuyển 1 trong 2 chặng bằng tàu của chính hãng (tức là mua/thuê chỗ của 1 trong 2 chặng) thì sẽ được miễn giảm thuế cước đối với phần doanh thu mà hãng thực nhận.

Trên cơ sở các quy định hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho các hãng tàu biển khi hoạt động tại Việt Nam, các hãng tàu cũng được tính doanh thu từ việc hoán đổi, bán chỗ vào diện xét miễn giảm thuế cước theo Điều 8 của Hiệp định thuế và được hạch toán theo hướng dẫn của công văn số 4870/TCT/HTQT ngày 25/12/2002 của Tổng cục Thuế để xác định đúng đối tượng thực hưởng miễn giảm thuế cước. Việc hạch toán như vậy khắc phục được tình trạng một con tầu phát sinh nhiều đối tượng xin miễn giảm thuế cước theo các Hiệp định khác nhau dẫn đến trùng lắp và ngăn ngừa tình trạng lợi dụng quan hệ liên kết kinh doanh để trốn thuế.

Ví dụ: Tàu Vạn Xuân là tàu quốc tịch Việt Nam do Công ty Liên doanh G tại Việt Nam điều hành chạy tuyến Hà Nội - Singapore. Hãng tàu S của Singapore mua chỗ trên tàu Vạn Xuân để chở hàng từ Hà Nội đến Singapore sẽ không được hưởng miễn giảm thuế cước mà phải nộp đủ thuế theo quy định hiện hành (doanh thu tính thuế không bao gồm chi phí đã trả cho việc mua chỗ).

3. Yêu cầu về hồ sơ áp dụng Điều 8 của Hiệp định thuế

Căn cứ  Điều 36, Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hạch toán riêng các khoản thu nhập được hưởng miễn giảm thuế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thuế thuế cước, các đại lý tàu biển đã không tuân thủ quy định này. Vì vậy, công văn số 4870/TCT/HTQT ngày 25/12/2002 nhằm tháo gỡ các vướng mắc của đại lý tàu biển trong việc xác định đúng số thuế cước được miễn giảm theo Hiệp định thuế, theo đó “hợp đồng vận chuyển” trong Mục II.1.f của công văn này giải thích cho Mục a (ii) Điểm 2, công văn số 713/TC/TCT có nghĩa là hợp đồng vận chuyển hàng hoá được ký kết giữa người gửi hàng và người trực tiếp vận hành  tàu chở hàng. Trường hợp giữa hãng tàu hoặc đại lý tàu biển và khách hàng (người gửi hàng) có hợp đồng vận chuyển hàng hoá nhưng trong hợp đồng không ghi rõ đối tượng thực tế điều hành hoạt động của tàu thì hãng tàu cần bổ sung trích dẫn các chứng từ có liên quan để chứng minh việc điều hành tàu (ví dụ:fixture note).

Hiện nay, số thuế cước nợ đọng của các hãng tàu biển nước ngoài còn rất lớn (có hãng nợ hàng chục tỷ VND). Vì vậy, Tổng cục Thuế đề nghị Hiệp hội, với tư cách là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, tích cực tuyên truyền hướng dẫn các đại lý tàu biển hợp tác với cơ quan thuế, căn cứ vào các quy định hiện hành xác định đúng số thuế miễn giảm theo Hiệp định thuế để sớm giải quyết được tình trạng nợ đọng thuế trong giai đoạn 1999-2001. Trường hợp các hãng tàu biển nước ngoài có kiến nghị về việc Việt Nam áp dụng không đúng Hiệp định thuế, đề nghị Hiệp hội đại lý và môi giới tàu Việt Nam chuyển các kiến nghị này cho Tổng cục Thuế để thực hiện cơ chế trao đổi thông tin và thủ tục thoả thuận song phương giữa cơ quan thuế các nước theo quy định của Hiệp định.

Vừa qua, đã có trường hợp tàu nước ngoài xin trực tiếp đăng ký nộp thuế cước với cơ quan thuế. Trong thời gian tới, cùng với yêu cầu về mở cửa và hội nhập kinh tế, các hãng tàu biển nước ngoài có thể được trực tiếp kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, sự hợp tác trong giải quyết nợ đọng thuế cũng tạo uy tín cho các doanh nghiệp đại lý với đối tác nước ngoài ký hợp đồng đại lý lâu dài.

Tổng cục Thuế trả lời để Hiệp hội được biết và phối hợp thực hiện./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thị Cúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 1635 TCT/HTQT ngày 13/05/2003 của Tổng cục Thuê - Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị về miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

  • Số hiệu: 1635TCT/HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/05/2003
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Nguyễn Thị Cúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản