Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1134/2001/TCT-QĐ-HTQT | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ SỐ 1134/2001/TCT-QĐ-HTQT NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN TRONG NGÀNH THUẾ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Nghị định số 281/HĐBT ngày 7/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập hệ thống thu thuế nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, Thông tư số 38 TC/TCCB ngày 25/8/1990 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 281/HĐBT;
Căn cứ Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16 tháng 8 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước và Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1133 TCT/QĐ/HTQT ngày 13 tháng 7 năm 2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Quy chế về tổ chức và quản lý thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong ngành thuế;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo - Tổng cục thuế.
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy trình quản lý và thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong ngành thuế".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông (bà) Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng phòng các phòng thuộc Văn phòng Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Văn Ninh (Đã ký) |
QUY TRÌNH QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN TRONG NGÀNH THUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1134 TCT/QĐ-HTQT ngày 13 tháng 7 năm 2001)
A. MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG QUY TRÌNH
Quy trình quản lý, thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được xây dựng nhằm thực hiện tốt hệ thống Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Chính phủ Việt Nam với các nước. Quy trình quản lý, thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần hệ thống hoá những nguyên tắc, quy định mà cán bộ quản lý thuế trong ngành thuế phải tuân theo trong quá trình triển khai tổ chức, thực hiện Hiệp định thuế; chuẩn hoá các văn bản, giấy tờ, thủ tục, quyết định áp dụng Hiệp định, quan hệ chỉ đạo công tác, thu thập trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan Tổng cục thuế và Cục thuế địa phương.
B. NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA QUY TRÌNH
1. Việc áp dụng Hiệp định phải được thực hiện theo cơ chế đối tượng nộp thuế có đơn yêu cầu áp dụng điều khoản Hiệp định, cơ quan thuế xem xét và ra quyết định cho phép áp dụng điều khoản Hiệp định có liên quan;
2. Tổ chức thực hiện Hiệp định phải theo nguyên tắc thống nhất tập trung qua đầu mối, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận có liên quan;
3. Tăng cường công tác báo cáo và kiểm tra việc thực hiện Hiệp định;
4. Đảm bảo nguyên tắc pháp lý, bảo mật thông tin, tránh tiết lộ thông tin gây thiệt hại cho đối tượng nộp thuế, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước. Mọi thông tin giao dịch với cơ quan thuế nước ngoài đều được thực hiện thống nhất qua Tổng cục Thuế
5. Thực hiện đúng các quy định tại Hiệp định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về Hiệp định;
6. Hồ sơ của các trường hợp áp dụng Hiệp định phải được tổ chức lưu giữ khoa học, đầy đủ tại cơ quan thuế để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
C. NỘI DUNG QUY TRÌNH QUẢN LÝ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH:
Quản lý thực hiện Hiệp định gồm những qui trình sau:
- Quy trình luân chuyển và phổ biến văn bản Hiệp định;
- Quy trình cấp giấy xác nhận cư trú;
- Quy trình cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập tại Việt Nam;
- Quy trình áp dụng điều khoản cho đối tượng cư trú tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được hưởng quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định;
- Quy trình cho khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập tại Việt Nam;
- Quy trình thanh tra, kiểm tra, thu thập thông tin theo yêu cầu trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài;
- Quy trình xử lý thông tin do cơ quan thuế nước ngoài định kỳ cung cấp;
- Quy trình giải quyết khiếu nại theo cơ chế Hiệp định.
Các bộ phận chính trong các quy trình:
Các phòng, bộ phận, đối tượng liên quan trực tiếp đến quy trình quản lý và thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần gồm:
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng cục Thuế;
- Lãnh đạo Cục Thuế gồm Cục trưởng và Phó Cục trưởng được uỷ quyền phụ trách Hiệp định (viết tắt là lãnh đạo Cục);
- Phòng Hành chính;
- Tổ chuyên trách Hiệp định đặt tại Phòng quản lý thu thuế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ở những Cục có phòng quản lý thu thuế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài); hoặc đặt tại phòng quản lý thu thuế doanh nghiệp quốc doanh (ở những Cục không có phòng quản lý thu thuế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài);
- Các phòng quản lý thu khác có liên quan;
- Phòng thanh tra và xử lý tố tụng (viết tắt là phòng TT-XLTT).
Mối quan hệ giữa các văn bản và trình tự áp dụng các văn bản về Hiệp định:
- Mối quan hệ giữa các văn bản:
Nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng chỉ phát sinh nếu có quy định trong luật thuế và các thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Quyền được hưởng các quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định của một đối tượng cư trú tại Việt Nam hay tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC và số 37/2000/TT/BTC. Tuy nhiên, những quy định này là những quy định chung và phổ biến nhất trong các Hiệp định đã có hiệu lực. Những quy định chi tiết trong Hiệp định với từng nước khác với quy định chung được cụ thể hoá tại Phụ lục riêng giải thích Hiệp định liên quan.
Các phụ lục cho từng Hiệp định quy định cụ thể những điểm khác nhau giữa Hiệp định liên quan và Thông tư 95/1997/TT/BTC, Thông tư 37/2000/TT/BTC. Những quy định khác thực hiện theo Thông tư 95/1997/TT/BTC và Thông tư 37/2000/TT-BTC.
Trường hợp có quy định trong một Hiệp định chưa được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 95/1997/TT/BTC và 37/2000/TT/BTC và phụ lục Hiệp định liên quan, Cục Thuế có thể yêu cầu Tổng cục có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định riêng của Hiệp định đó.
- Trình tự áp dụng các văn bản cụ thể như sau:
Bước 1: Căn cứ các chứng cứ pháp lý về hoạt động của đối tượng nộp thuế, áp dụng các quy định tại luật thuế hiện hành của Việt Nam để xác định nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng liên quan.
Bước 2: Nghiên cứu phụ lục Hiệp định liên quan và tham chiếu văn bản Hiệp định xem có điều khoản chi tiết trong phụ lục Hiệp định quy định riêng liên quan đến trường hợp của đối tượng nộp thuế đang xem xét. Trường hợp trong phụ lục liên quan có quy định riêng thì áp dụng theo quy định đó. Trường hợp không có quy định riêng tại phụ lục của Hiệp định liên quan thì áp dụng theo quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC và Thông tư số 37/2000/TT/BTC.
Bước 3: Nghiên cứu các quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC và 37/2000/TT/BTC và Hiệp định có liên quan để vận dụng các điều khoản vào trường hợp của đối tượng nộp thuế đang xem xét.
1. Quy trình luân chuyển và phổ biến văn bản quy định về hiệp định:
1.1. Thông báo hiệu lực và hướng dẫn Hiệp định:
Sau khi nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao thông báo Hiệp định có hiệu lực, phòng Hợp tác Quốc tế Tổng cục Thuế dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định trình Tổng cục để trình Bộ Tài chính ban hành. Đồng thời, phòng Hợp tác Quốc tế dự thảo văn bản thông báo cho các Cục Thuế thời điểm Hiệp định có hiệu lực trình Tổng cục ký.
Phòng Hành chính Tổng cục Thuế sao toàn văn hiệp định gửi cho các Cục Thuế kèm theo văn bản thông báo của Tổng cục về thời điểm Hiệp định có hiệu lực
1.2. Tiếp nhận, phổ biến văn bản:
Khi nhận được văn bản thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực, toàn văn Hiệp định, văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định, lãnh đạo Cục giao phòng Hành chính Cục Thuế sao gửi các văn bản trên cho tổ chuyên trách Hiệp định và các phòng quản lý thu thuế có liên quan, phòng TT-XLTT của Cục Thuế.
Tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục Thuế có trách nhiệm phổ biến nội dung Hiệp định trong phạm vi Cục thuế, cho cán bộ quản lý các đối tượng liên quan đến thuế quốc tế như bộ phận quản lý hàng không, hàng hải, ngân hàng, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế đầu tư nước ngoài.
2. Quy trình cấp giấy xác nhận cư trú:
2.1. Đối tượng nộp thuế có đơn xin cấp giấy xác nhận cư trú:
Việc xét và cấp giấy chứng nhận là đối tượng cư trú tại Việt Nam theo một Hiệp định trước hết căn cứ vào yêu cầu của đối tượng nộp thuế, tức là đối tượng nộp thuế phải nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận cư trú.
Đơn xin cấp giấy chứng nhận cư trú bao gồm các nội dung:
- Đối với cá nhân: giấy tờ chứng minh đối tượng thường trú tại địa bàn thuộc Cục Thuế quản lý, thời gian có mặt tại Việt Nam trong năm cần xác nhận cư trú, việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập trong thời gian xin xác nhận.
- Đối với các pháp nhân: bản sao giấy tờ về việc thành lập, đăng ký kinh doanh của đối tượng tại địa phương thuộc phạm vi quản lý của Cục Thuế.
2.2. Tiếp nhận đơn, kiểm tra và giải quyết
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận được đơn xin cấp giấy chứng nhận cư trú, ghi sổ nhận công văn đến, chuyển đến phòng có tổ chuyên trách về Hiệp định. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu thấy cần thiết, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục về việc phối hợp với phòng quản lý thuế có đối tượng xin cấp xác nhận cư trú để cung cấp cho tổ chuyên trách Hiệp định các thông tin và tài liệu cần thiết bằng văn bản làm căn cứ xem xét.
Việc xem xét và xác định một đối tượng theo Hiệp định được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam để áp dụng Hiệp định với nước liên quan được hướng dẫn cụ thể tại phần 1 khoản 2 Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29/12/1997.
Nếu xác định đúng đối tượng là đối tượng cư trú của Việt Nam theo Hiệp định có liên quan, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế ký giấy xác nhận đối tượng cư trú theo mẫu quy định tại phụ lục C Thông tư số 37/2000/TT/BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính (mẫu đính kèm tại Phụ lục số 1).
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin cấp giấy xác nhận cư trú, Cục Thuế phải hoàn thành việc cấp giấy xác nhận cho đối tượng hoặc có văn bản trả lời từ chối không cấp giấy xác nhận. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định thì trong vòng 5 ngày Cục Thuế phải có văn bản thông báo cho đối tượng xin cấp giấy xác nhận cư trú.
Giấy chứng nhận cư trú được làm thành 5 bản, 2 bản giao đối tượng nộp thuế, 1 bản lưu tại phòng hành chính và 1 bản lưu tại phòng có tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục Thuế, 1 bản lưu tại Phòng quản lý thuế có đối tượng xin xác nhận cư trú. Tổ chuyên trách Hiệp định có nghĩa vụ lưu hồ sơ đối tượng theo chỉ tiêu thời gian và theo nước ký kết.
3. Quy trình cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập tại Việt Nam
3.1. Đối tượng nộp thuế có đơn xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế.
Việc xét và cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo một Hiệp định trước hết căn cứ vào yêu cầu của đối tượng nộp thuế, tức đối tượng nộp thuế phải làm đơn xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế tại Việt Nam.
Đơn xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập của đối tượng phải kèm theo bảng tổng hợp số thuế thu nhập đã nộp trong kỳ nộp thuế của từng cá nhân, bản sao tờ khai nộp thuế, bản gốc hoặc bản sao chứng từ nộp thuế, giấy xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thuế đã nộp (theo mẫu giấy xác nhận quy định tại Thông tư số 25/2000/TT-BTC ngày 30/3/2000 của Bộ Tài chính).
3.2. Tiếp nhận đơn, hồ sơ, kiểm tra và giải quyết.
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận được đơn, hồ sơ xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập, ghi sổ nhận công văn đến, và chuyển đến phòng có tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục Thuế.
Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu thấy cần thiết, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục về việc phối hợp với phòng quản lý thuế có đối tượng xin cấp xác nhận cư trú để cung cấp cho tổ chuyên trách Hiệp định các thông tin và tài liệu cần thiết bằng văn bản làm căn cứ xem xét.
Tổ chuyên trách Hiệp định phối hợp với phòng Quản lý thu thuế có đối tượng xin xác nhận đã nộp thuế đối chiếu số thuế thực thu, kỳ nộp thuế với số thuế xin xác nhận đã nộp của đối tượng. Nếu xác định đúng số thuế đã nộp vào ngân sách, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế ký giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập theo mẫu quy định tại Phụ lục A Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính (mẫu đính kèm tại Phụ lục số 2).
Giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập được làm thành 5 bản, 2 bản giao đối tượng nộp thuế, 1 bản lưu tại phòng hành chính và 1 bản lưu tại phòng có tổ chuyên trách thực hiện Hiệp định tại Cục Thuế, 1 bản lưu tại phòng Quản lý thu thuế có đối tượng xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế. Tổ chuyên trách Hiệp định có nghĩa vụ lưu hồ sơ đối tượng theo chỉ tiêu thời gian và theo nước ký kết.
3.3. Tổng cục Thuế cấp giấy xác nhận:
Trường hợp đối tượng yêu cầu xác nhận phần thuế phải nộp nhưng được miễn, giảm theo các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam để thực hiện việc khấu trừ thuế tại nước ngoài theo Điều 23 của Hiệp định về thực hiện việc tránh đánh thuế hai lần, tổ chuyên trách Hiệp định xem xét, tổng hợp các giấy tờ, tài liệu có liên quan, trình phụ trách phòng để trình Cục Thuế có công văn chuyển hồ sơ về Tổng cục Thuế xem xét và quyết định.
Phòng hành chính Tổng cục Thuế nhận công văn, hồ sơ, ghi sổ công văn đến và chuyển cho phòng Hợp tác Quốc tế. Phòng hợp tác Quốc tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan của Tổng cục kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và đúng quy định phòng Hợp tác Quốc tế trình Tổng cục Thuế ký giấy xác nhận thuế thu nhập đã nộp thuế thu nhập tại Việt Nam cho đối tượng nộp thuế.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin phép cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập Tổng cục Thuế phải hoàn thành việc cấp giấy xác nhận cho đối tượng hoặc có văn bản trả lời từ chối xác nhận. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định, trong vòng 5 ngày Tổng cục Thuế phải có văn bản thông báo cho đối tượng xin cấp giấy xác nhận đã nộp thuế thu nhập.
4. Quy trình áp dụng điểu khoản cho đối tượng cư trú tại nước ký hiệp định với Việt Nam được hưởng quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại hiệp định.
4.1. Đối tượng có đơn, hồ sơ xin hưởng quy định không phải nộp thuế hoặc nộp thuế theo Hiệp định
a. Các đối tượng có thể được xét không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo Hiệp định:
(i) Doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không tạo thành một cơ sở thường trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 mục 1 Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(ii) Doanh nghiệp vận tải quốc tế theo quy định tại khoản 3 và khoản 8.4 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(iii) Cá nhân hành nghề độc lập tại Việt Nam không có cơ sở cố định tại Việt Nam và thời gian có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày theo quy định tại khoản 9.4 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(iv) Người làm công ăn lương tại Việt Nam nhưng không phải là đối tượng cư trú của Việt Nam và không thuộc diện điều chỉnh tại khoản 10.2 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(v) Thu nhập là tiền lương hưu theo quy định tại khoản 13.2 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(vi) Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề theo quy định tại khoản 15 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(vii) Thu nhập của giáo sư giáo viên và người nghiên cứu theo quy định tại khoản 16 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(viii) Thu nhập khác theo quy định tại khoản 17 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính.
b. Các đối tượng có thể được xét nộp thuế thu nhập thấp hơn mức thuế thu nhập quy định tại luật thuế của Việt Nam theo Hiệp định:
(i) Thu nhập từ tiền lãi cổ phần theo quy định tại khoản 5.2 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(ii) Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay theo quy định tại khoản 6.2 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(iii) Thu nhập từ tiền bản quyền theo quy định khoản 7.2 mục II Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
c. Đơn và hồ sơ:
Việc xét và áp dụng điều khoản cho đối tượng cư trú tại nước ký Hiệp định với Việt Nam được hưởng quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định trước hết căn cứ vào đơn yêu cầu của đối tượng nộp thuế, tức là đối tượng phải có đơn xin áp dụng điều khoản Hiệp định.
(i) Đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương hưu do Chính phủ của nước ký kết Hiệp định chi trả cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thu nhập có nguồn gốc từ nước ngoài của sinh viên, học sinh học nghề nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thu nhập từ tiền công của giáo sư, giáo viên và nhà nghiên cứu nước ngoài cư trú tại Việt Nam, hồ sơ cho hưởng quy định không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo Hiệp định được hướng dẫn tại điểm (a) khoản 2.2 mục V Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
(ii) Đối với các khoản thu nhập khác hồ sơ và đơn xin hưởng quy định không phải nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn theo quy định của Hiệp định được quy định tại điểm (a) khoản 2.1 mục V Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính và được sửa đổi và bổ sung tại khoản 6 và 8 Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính.
4.2. Tiếp nhận đơn, hồ sơ, kiểm tra và giải quyết:
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận đơn xin cho đối tượng cư trú tại nước ký Hiệp định với Việt Nam được hưởng quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định, ghi nhận vào sổ công văn đến, và chuyển cho phòng có tổ chuyên trách Hiệp định để chuyển cho tổ chuyên trách Hiệp định.
Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu thấy cần thiết, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục về việc phối hợp với phòng quản lý thuế có đối tượng xin áp dụng điều khoản theo Hiệp định để cung cấp cho tổ chuyên trách Hiệp định các thông tin và tài liệu cần thiết bằng văn bản làm căn cứ xem xét.
Việc xem xét và cho đối tượng cư trú tại nước ký Hiệp định với Việt Nam được hưởng quy định không phải nộp thuế tại Việt Nam hoặc nộp thuế với thuế suất thấp hơn mức thuế quy định tại luật thuế của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định quy định cụ thể tại khoản 2.1 mục V Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính và được sửa đổi và bổ sung tại khoản 6 và 8 Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính.
Nếu xác định đúng đối tượng được áp dụng quy định theo Hiệp định có liên quan, tổ chuyên trách về Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế quyết định cho áp dụng Hiệp định thuế theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục số 3. Trường hợp xác định tổng số tiền thuế được miễn hoặc giảm của một đối tượng nộp thuế cho năm tính thuế có liên quan trên năm trăm triệu đồng Việt Nam, hoặc đối với các đối tượng nộp thuế được cơ quan thuế tỉnh, thành phố xác định có địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố, hoặc các đối tượng nộp thuế được Cục Thuế xác định có các giao dịch, hợp đồng nội bộ không theo nguyên tắc giá thị trường giữa các chủ thể kinh doanh độc lập phụ trách phòng được giao chuyên trách về Hiệp định, sau khi đã tập hợp đủ hồ sơ và thông tin liên quan trong phạm vi quản lý của Cục Thuế, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế ký công văn chuyển hồ sơ về Tổng cục Thuế xem xét ra quyết định áp dụng nghĩa vụ thuế theo Hiệp định.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin áp dụng quy định thuế theo Hiệp định, Cục Thuế phải ra quyết định cho đối tượng được áp dụng quy định thuế theo Hiệp định hoặc có văn bản trả lời từ chối áp dụng điều khoản Hiệp định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì trong vòng 5 ngày nhận được đơn xin và hồ sơ xin áp dụng thuế theo Hiệp định Cục Thuế phải có văn bản thông báo cho đối tượng có đơn xin áp dụng quy định của Hiệp định. Trường hợp hồ sơ thuộc diện phải gửi về Tổng cục Thuế để xem xét thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của đối tượng và tập hợp đủ các thông tin có liên quan theo quy định từ các phòng quản lý thu và trong phạm vi chức năng quản lý của Cục Thuế có liên quan, Cục Thuế phải gửi văn bản kèm theo hồ sơ của đối tượng về Tổng cục Thuế để xem xét giải quyết. Tại Tổng cục Thuế trong vòng 20 ngày nhận được hồ sơ, phòng Hợp tác Quốc tế sẽ có trách nhiệm phối hợp với các phòng nghiệp vụ khác tại Tổng Cục trình Tổng Cục ra quyết định giải quyết.
Trường hợp đối tượng đã nộp thuế vào ngân sách và có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập trong các kỳ nộp thuế tiếp sau, số thuế chênh lệch giữa số thuế đã nộp và số thuế phải nộp theo quyết định sẽ được thanh toán bù trừ vào khoản thuế thu nhập tương ứng phải nộp trong những kỳ nộp thuế tiếp sau.
Quyết định cho áp dụng nghĩa vụ nộp thuế theo Hiệp định được làm thành 6 bản, 2 bản giao đối tượng nộp thuế, 1 bản giao phòng quản lý thuế liên quan, bản giao cho phòng KH-KT-TK (Máy tính) để thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp từng kỳ của đối tượng nộp thuế, 1 bản lưu tại phòng hành chính và 1 bản lưu tại phòng có tổ chuyên trách thực hiện Hiệp định tại Cục Thuế. Tổ chuyên trách Hiệp định có nghĩa vụ lưu hồ sơ đối tượng theo chỉ tiêu thời gian và theo nước ký kết.
4.3. Thoái trả thuế từ ngân sách:
Trường hợp đối tượng đã nộp thuế vào ngân sách và không có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập trong các kỳ nộp thuế tiếp sau, sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy trình nêu trên, căn cứ kiến nghị của phụ trách phòng chuyên trách Hiệp định, Cục Thuế sẽ chuyển hồ sơ đến Tổng cục Thuế để làm thủ tục thoái trả tiền thuế trực tiếp từ ngân sách. Hồ sơ chuyển về Tổng Cục phải kèm theo xác nhận của Cục Thuế về hoạt động của đối tượng tại địa bàn là xác nhận về số thuế thực nộp vào ngân sách.
Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Tổng Cục thụ lý hồ sơ, !ấy ý kiến Vụ Ngân sách Nhà nước, dự thảo trình Tổng cục Thuế, trình Bộ Tài chính ra quyết định cho thoái trả tiền thuế từ ngân sách theo mẫu tại Phụ lục số 4.
5. Quy trình cho khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam:
5.1. Đối tượng có đơn xin cho khấu trừ thuế nước ngoài:
Việc xét và áp dụng điều khoản cho đối tượng cư trú của Việt Nam được khấu trừ thuế thu nhập đã nộp tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam vào thuế phải nộp tại Việt Nam trước hết căn cứ vào đơn yêu cầu của đối tượng nộp thuế, tức đối tượng nộp thuế phải có đơn yêu cầu cho khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam.
(a) Hồ sơ và đơn xin được khấu trừ thuế thu nhập đã nộp tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam vào thuế phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định được hướng dẫn tại điểm (a) khoản 1 mục V Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính.
(b) Chữ ký, con dấu trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam (giấy chứng nhận cư trú, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký nộp thuế do cơ quan thuế nước ngoài cấp; giấy tờ thành lập doanh nghiệp, chứng từ nộp thuế) phải được hợp pháp hoá lãnh sự, tức là phải có dấu hợp pháp hoá lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Các hợp đồng kinh tế, giấy xác nhận của tổ chức chi trả thu nhập về thu nhập về số tiền và tính chất khoản thu nhập của đối tượng nộp thuế không cần phải hợp pháp hoá lãnh sự.
Các giấy tờ, tài liệu từ các nước sau đây đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam không phải hợp pháp hoá lãnh sự:
- Cộng hoà Ba Lan;
- Cộng hoà Séc;
- Cộng hoà Hung-ga-ri;
- Cộng hoà Bun-ga-ri;
- Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
5.2. Tiếp nhận đơn, hồ sơ, kiểm tra và giải quyết
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận đơn xin khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam, ghi vào sổ nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ phòng có tổ chuyên trách Hiệp định để chuyển cho tổ chuyên trách Hiệp định.
Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu thấy cần thiết, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục về việc phối hợp với phòng quản lý thuế có đối tượng xin khấu trừ thuế theo Hiệp định để cung cấp cho tổ chuyên trách Hiệp định các thông tin và tài liệu cần thiết bằng văn bản làm căn cứ xem xét.
Việc xem xét và cho một đối tượng được khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định được với nước liên quan được quy định cụ thể tại khoản 1 mục V Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính và được sửa đổi và bổ sung tại khoản 6 và 8 Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính.
Nếu xác định đúng đối tượng được khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định có liên quan, tổ chuyên trách Hiệp định trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế quyết định cho khấu trừ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5.
Trường hợp xác định tổng số tiền thuế được khấu trừ của một đối tượng nộp thuế cho năm tính thuế có liên quan trên năm trăm triệu đồng Việt Nam, phụ trách phòng được giao chuyên trách về Hiệp định, sau khi đã tập hợp đủ hồ sơ và thông tin liên quan trong phạm vi quản lý của Cục Thuế, sẽ trình lãnh đạo Cục Thuế ký công văn chuyển hồ sơ về Tổng cục Thuế để xem xét ra quyết định cho khấu trừ.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn xin khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định Cục Thuế phải ra quyết định cho đối tượng được khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì trong vòng 5 ngày nhận được đơn xin và hồ sơ xin khấu trừ thuế theo Hiệp định cục Thuế phải có văn bản thông báo cho đối tượng có đơn xin khấu trừ thuế theo Hiệp định.
Trường hợp hồ sơ thuộc diện phải gửi về Tống Cục Thuế để xem xét thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của đối tượng và tập hợp đủ các thông có liên quan theo quy định từ các phòng quản lý thu và trong phạm vi chức năng quản lý của Cục Thuế có liên quan, Cục Thuế phải gửi văn bản kèm theo hồ của đối tượng về Tổng cục Thuế để xem xét giải quyết, hoặc cho ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tại Tổng cục thuế trong vòng 20 ngày nhận được hồ sơ, phòng Hợp tác Quốc tế sẽ có trách nhiệm phối hợp với các phòng nghiệp vụ khác tại Tổng Cục trình lãnh đạo Tổng cục thuế ra quyết định giải quyết.
Quyết định cho đối tượng được khấu trừ thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam theo hiệp định được làm thành 6 bản, 2 bản giao đối tượng nộp thuế, 1 bản giao phòng quản lý thu thuế liên quan, 1 bản giao phòng KH-KT-TK (Máy tính) để thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp từng kỳ của đối tượng nộp thuế, 1 bản lưu tại phòng hành chính và 1 bản lưu tại phòng có tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục Thuế. Tổ chuyên trách Hiệp định có nghĩa vụ lưu hồ sơ đối tượng theo chỉ tiêu thời gian và theo nước ký kết.
6.1. Quy trình thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế nước ngoài:
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận được công văn yêu cầu của Tổng cục Thuế về việc trao đổi thông tin theo Hiệp định, hồ sơ được chuyển cho phòng có tổ chuyên trách về Hiệp định tại Cục Thuế để nghiên cứu và xem xét. Tổ chuyên trách Hiệp định phân tích yêu cầu thông tin cần thu thập, trình với phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế về việc tổ chức thu thập thông tin. Nếu cần thiết Cục Thuế có thể ra quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra đối tượng nộp thuế để thu thập thông tin theo yêu cầu.
Sau khi thu thập được thông tin theo yêu cầu, thông tin được chuyển về tổ chuyên trách Hiệp định tổng hợp trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế. Trường hợp nhận thấy thông tin của đối tượng không thể thu thập trong phạm vi Cục Thuế quản lý hoặc phát hiện đối tượng có hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố khác, cục Thuế có thể kiến nghị Tổng Cục chỉ đạo các địa phương khác phối hợp thanh tra, kiểm tra.
Căn cứ vào thông tin thu thập của Cục Thuế, Phòng hợp tác Quốc tế tại Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu trình Tổng Cục những nội dung có thể thông báo cho cơ quan thuế nước ngoài.
6.2. Quy trình yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài cung cấp thông tin:
Trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế đối với những đối tượng có hoạt động kinh doanh tại những nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, Cục Thuế có thể trình Tổng Cục xem xét yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài cung cấp những thông tin liên quan đến đối tượng. Trước khi có yêu cầu, Cục Thuế phải giao cho phòng có tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục thuế xem xét đối tượng cần thu thập thông tin là đối tượng cư trú hoặc đang có hoạt động kinh doanh, có thu nhập từ nước ký kết nào. Thông tin yêu cầu phải rõ ràng, cụ thể, bao gồm các thông tin về tên đối tượng, địa chỉ tại nước ngoài và tại Việt Nam, mã số thuế tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có), các thông tin cần thu thập từ nước ngoài và nêu rõ thông tin sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Căn cứ, yêu cầu của Cục Thuế, trong phạm vi 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cục Thuế, phòng Hợp tác Quốc tế tại Tổng cục Thuế sẽ xem xét trình lãnh đạo Tổng cục Thuế ký văn bản yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài cung cấp.
Trong phạm vi 20 ngày sau khi nhận được thông tin trả lời của cơ quan thuế nước ngoài, phòng Hợp tác Quốc tế có trách nhiệm xử lý thông tin, trình lãnh đạo Tổng cục Thuế văn bản thông báo cho Cục Thuế về đối tượng yêu cầu trao đổi thông tin.
Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được thông tin từ Tổng Cục thuế, tổ chuyên trách Hiệp định tại Cục Thuế có trách nhiệm trình lãnh đạo Cục Thuế ký văn bản gửi Tổng Cục xác nhận (theo mẫu đính kèm tại Phụ lục số 6) về việc nhận được thông tin. Tổ chuyên trách Hiệp định có trách nhiệm phân tích thông tin, phối hợp với các bộ phận quản lý đối chiếu thông tin với thông tin của đối tượng đang quản lý, kiến nghị với lãnh đạo Cục Thuế về việc tổ chức sử dụng thông tin theo chỉ đạo của Tổng Cục. Các thông tin nhận được từ Tổng Cục sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích do Cục Thuế yêu cầu liên quan đến đối tượng nộp thuế.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông tin, Cục Thuế địa phương phải có báo cáo Tổng cục Thuế bằng văn bản về tình hình xử lý thông tin đã được cung cấp. Định kỳ hàng quý, Cục Thuế phải có văn bản báo cáo Tổng Cục đánh giá và phân tích kết quả sử dụng những thông tin nhận được từ nước ngoài.
Trường hợp sau 3 tháng không nhận được thông tin từ cơ quan thuế nước ngoài theo yêu cầu, phòng Hợp tác Quốc tế tại Tổng cục Thuế có trách nhiệm trình lãnh đạo Tổng Cục ký văn bản yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài trả lời hoặc giải thích lý do không cung cấp được thông tin theo yêu cầu, đồng thời có thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương trình lãnh đạo Tổng Cục biện pháp xử lý.
Trong quá trình trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài, nếu phát hiện các vấn đề về thuế liên quan đến các đối tượng nộp thuế của Việt Nam, phòng Hợp tác Quốc tế báo cáo lãnh đạo Tổng Cục để có phương án xử lý.
7. Quy trình sử dụng thông tin do cơ quan thuế nước ngoài định kỳ cung cấp:
Trong quá trình quản lý đối tượng và thực hiện Hiệp định, cơ quan thuế các nước có thể định kỳ gửi cho cơ quan thuế Việt Nam thông tin về những đối tượng nộp thuế có liên quan đến cả hai nước như:
- Thông tin về các khoản thu nhập phát sinh từ nguồn của nước gửi thông tin của những đối tượng theo Hiệp định là đối tượng cư trú của Việt Nam;
- Thông tin về các khoản thu nhập phát sinh từ nguồn tại Việt Nam của các đối tượng theo Hiệp định là đối tượng cư trú của nước gửi thông tin;
Thông qua các thông tin trên, cơ quan thuế Việt Nam có thể so sánh đối chiếu với thông tin trong nước để xác định lại nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng. Việc khai thác sử dụng các thông tin này được thực hiện theo những nguyên tắc thông tin phải được sử dụng công bằng, minh bạch, chính thức và bảo đảm bí mật cá nhân, không phân biệt đối xử trên cơ sở nước cung cấp thông tin, quy mô, tính chất đối tượng nộp thuế.
Trong vòng 30 ngày sau khi nhận được thông tin của cơ quan thuế nước ngoài, phòng Hợp tác Quốc tế tại Tổng Cục thuế có trách nhiệm phân loại và trình Tổng Cục thuế phương án xử lý để gửi cho địa phương có liên quan. Tổng Cục thuế sẽ có văn bản thông báo cho Cục thuế và có chỉ đạo Cục thuế địa phương có liên quan về việc sử dụng thông tin.
Sau khi phòng hành chính của Cục thuế nhận được công văn của Tổng Cục thuế về thông tin nhận được từ cơ quan thuế nước ngoài, hồ sơ được chuyển cho bộ phận chuyên trách về Hiệp định tại Cục Thuế để nghiên cứu và xem xét. Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được thông tin từ Tổng cục Thuế, bộ phận chuyên trách Hiệp định có trách nhiệm trình Cục thuế văn bản gửi Tổng Cục xác nhận (theo mẫu đính kèm tại Phụ lục số 6) về việc nhận được thông tin. Bộ phận chuyên trách Hiệp định có trách nhiệm phân tích thông tin, phối hợp với các bộ phận quản lý đối chiếu thông tin với thông tin của đối tượng đang quản lý, kiến nghị với lãnh đạo Cục thuế về việc tổ chức sử dụng thông tin theo chỉ đạo của Tổng Cục. Nếu cần thiết Cục Thuế có thể ra quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra đối tượng nộp thuế để đối chiếu với thông tin thuế từ nước ngoài. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông tin, Cục Thuế địa phương phải có báo cáo Tổng cục Thuế bằng văn bản về tình hình xử lý thông tin đã được cung cấp. Các thông tin nhận được từ Tổng Cục sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích quản lý liên quan đến đối tượng nộp thuế. Định kỳ hàng quý, Cục Thuế phải có văn bản báo cáo Tổng Cục đánh giá về kết quả triển khai sử dụng những thông tin nhận được từ cơ quan thuế nước ngoài.
Trong quá trình trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài, nếu phát hiện các vấn đề về thuế liên quan đến các đối tượng nộp thuế của Việt Nam, phòng Hợp tác Quốc tế tại Tổng cục Thuế báo cáo lãnh đạo Tổng cục để có phương án xử lý.
8. Quy trình giải quyết khiếu nại thuế theo cơ chế hiệp định:
Quy định về giải quyết khiếu nại được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 3 Mục II Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16 tháng 8 năm 1997 của Bộ Tài chính. Đối tượng nộp thuế có thể khiếu nại theo trình tự quy định trong Luật thuế của Việt Nam (Cục Thuế đ Tổng cục Thuế đ Bộ Tài chính); hoặc có thể khiếu nại trực tiếp lên Tổng cục Thuế mà không theo trình tự quy định trong Luật thuế.
8.1. Khiếu nại theo trình tự của Luật thuế
Phòng hành chính của Cục Thuế nhận đơn khiếu nại của đối tượng nộp thuế theo Hiệp định, ghi vào sổ công văn đến và chuyển cho tổ chuyên trách Hiệp định.
Tổ chuyên trách Hiệp định nghiên cứu, phối hợp với phòng quản lý thuế có đối tượng khiếu nại trình phụ trách phòng để trình lãnh đạo Cục Thuế giải quyết khiếu nại. Trong quá trình giải quyết cần chú ý đến thời hiệu quy định tại điều khoản thủ tục thoả thuận song phương của từng Hiệp định.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại theo Hiệp định Cục Thuế phải có văn bản trả lời. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì trong vòng 7 ngày nhận được đơn và hồ sơ khiếu nại thuế theo Hiệp định Cục Thuế phải có văn bản thông báo cho đối tượng có đơn khiếu nại.
Công văn giải quyết khiếu nại được lập thành 4 bản, 2 bản giao đối tượng nộp thuế, 1 bản lưu tại phòng Hành chính và 1 bản lưu tại phòng có tổ chuyên trách thực hiện Hiệp định tại Cục Thuế. Tổ chuyên trách Hiệp định có nghĩa vụ lưu hồ sơ đối tượng theo chỉ tiêu thời gian và theo nước ký kết.
8.2. Khiếu nại trực tiếp lên Tổng cục Thuế.
Phòng Hành chính của Tổng cục nhận đơn, vào sổ công văn đến và chuyển cho phòng Hợp tác Quốc tế nghiên cứu trình Tổng cục có văn bản giải quyết khiếu nại. Trường hợp phát sinh tranh chấp, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức đàm phán với nhà chức trách có thẩm quyền của nước ký kết liên quan để giải quyết các khiếu nại bằng một thoả thuận song phương.
TỔNG CỤC THUẾ General Department of Taxation Cục thuế.... Department of Taxation of.... Số (No.): | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Independence - Freedom - Happiness ... ngày (day)... tháng (month)... năm (year) |
CERTIFICATE OF TAX RESIDENCE
Kính gửi:.....
To:...............
Căn cứ Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và..., Cục thuế tỉnh/thành phố.... chứng nhận đối tượng nộp thuế dưới đây là đối tượng cư trú của Việt Nam theo giác độ thuế trong các năm thuế....
Pursuant to the Agreement between Vietnam and... for the avoidance of double taxation and the prevention of fiscal evasion with respect to texes on income, the Department of Taxation of.... ceritifies that the following taxpayer is a resident for the tax purposes in Vietnam for the tax year(s) of....
Tên (Name)....
Địa chỉ (kinh doanh hoặc nơi cư trú):....
Address (of business or residence place):....
Mã số thuế (hoặc chứng minh thư/hộ chiếu):.....
Number of fax indentification (or I.D card/passport)
Cục trưởng Cục thuế
Director of Taxation Department of
(Ký tên và đóng dấu - Signed and sealed)
TỔNG CỤC THUẾ General Department of Taxation Cục thuế.... Department of Taxation of.... Số (No.): | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Independence - Freedom - Happiness ... ngày (day)... tháng (month)... năm (year) |
GIẤY XÁC NHẬN ĐÃ NỘP THUẾ THU NHẬP
(CÁ NHÂN HOẶC DOANH NGHIỆP) TẠI VIỆT NAM
Certificate of (Personal or Business)
Income Tax payment in Vietnam
Kính gửi:..............................................................................................
To:.... ...................................................................................................
Tên đối tượng nộp thuế Taxpayer name |
|
Đối tượng cư trú của nước Resident of |
|
Mã số thuế tại Việt Nam hoặc số hộ chiếu Number of Tax Identification in Vietnam or Passport |
|
Địa chỉ (ở Việt Nam và ở nước ngoài) Address (in Vietnam & abroad) |
|
Tổng thu nhập chịu thuế Amount of total taxable income |
|
Loại thu nhập (Nature of income) |
|
Kỳ tính thuế (từ ngày... đến ngày....) Taxable period (from... to...) |
|
Số thuế phải nộp (tax payable) trong đó (of which): - Số thuế thực phải nộp (Actual tax due): - Số thuế được giảm (Reduced amount): Số thuế đã nộp (Tax paid): |
|
Theo các quy định của luật thuế liên quan According to the relevant provisions of tax law |
|
Cục thuế tỉnh/thành phố.... xác nhận đã thu (và/hoặc miễn giảm) số thuế thu nhập của đối tượng nộp thuế nêu trên.
It is hereby certified that the Taxation Department of.... has received (and or granted the exemption, the reduction of) the mentioned fax amount from above taxpayer
Cục trưởng Cục thuế
Director of Taxation Department of
(Ký tên và đóng dấu - Signed and sealed)
CỤC THUẾ.... Số (No.): | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ... ngày... tháng... năm..... |
QUYẾT ĐỊNH CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ....
V/v: áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - ... (nước ký kết Hiệp định)
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ
Căn cứ quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ.... (nước ký kết Hiệp định) có hiệu lực thi hành từ ngày....;
Căn cứ Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16/8/1997 và Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
Căn cứ đơn xin hưởng quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ngày... của... (đối tượng yêu cầu);
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:..... (đối tượng yêu cầu) là.... (cơ sở pháp lý có liên quan tại Việt Nam); là đối tượng cư trú của... (nước ký kết Hiệp định) trong năm tính thuế... (năm có liên quan) theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam -... (nước ký kết hiệp định):
i. Không phải nộp thuế... (loại thuế yêu cầu) đối với... (hoạt động có liên quan) tại Việt Nam trong thời gian từ... đến... (năm có liên quan); và hoặc
ii. Nộp thuế... (loại thuế yêu cầu) với mức thuế suất là...% tính trên thu nhập chịu thuế.... (có thể nêu rõ số thuế phải nộp) trong thời gian từ... đến....
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký,.... (đối tượng yêu cầu),.... (các tổ chức, cơ quan có liên quan) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ
Nơi nhận:
- Đối tượng yêu cầu
- Lưu....
CỤC THUẾ.... Số (No.): | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ... ngày... tháng... năm..... |
QUYẾT ĐỊNH CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ....
V/v: áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - ... (nước ký kết Hiệp định)
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ
Căn cứ quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ.... (nước ký kết Hiệp định) có hiệu lực thi hành từ ngày....;
Căn cứ Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16/8/1997 và Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính;
Căn cứ đơn xin hưởng quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ngày... của... (đối tượng yêu cầu);
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:..... (đối tượng yêu cầu) là.... (cơ sở pháp lý có liên quan tại Việt Nam); là đối tượng cư trú của Việt Nam trong năm tính thuế... (năm có liên quan) và có thu nhập đã nộp thuế tại... (nước ký kết Hiệp định) theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam -... (nước ký kết Hiệp định) được khấu trừ số thuế là.... (loại thuế yêu cầu) đã nộp tại... (nước ký kết Hiệp định) đối với.... (hoạt động có liên quan) tại (nước ký kết hiệp định) trong thời gian từ... đến... (năm có liên quan) khi tính số thuế phải nộp tại Việt Nam;
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký,... (đối tượng yêu cầu),.... (các tổ chức, cơ quan có liên quan) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ
Nơi nhận:
- Đối tượng yêu cầu
- Lưu....
Số:... TC/QĐ-TCT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày... tháng... năm..... |
QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
V/v: Hoàn thuế cho... (đối tượng yêu cầu)
theo Hiệp định thuế Việt Nam -... (nước ký kết Hiệp định)
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ quy định của Điều.... Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ.... (nước ký kết Hiệp định) có hiệu lực thi hành từ ngày... và các quy định hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước tại Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16/8/1997 và Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính và Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 5/5/2000 của Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 25/2000/TT-BTC ngày 30/3/2000 của Bộ Tài chính;
Căn cứ đơn xin hoàn thuế ngày... của... (đối tượng yêu cầu) đề nghị hoàn lại số thuế... (loại thuế yêu cầu) đã nộp nhưng được miễn theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nói trên;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:... (Đối tượng yêu cầu) là... (cơ sở pháp lý có liên quan tại Việt Nam); là đối tượng cư trú của.... (nước ký kết Hiệp định) năm tính thuế từ năm.... đến... (năm có liên quan) theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam -.... (nước ký kết Hiệp định):
i. Không phải nộp thuế... (loại thuế yêu cầu) đối với... (hoạt động có liên quan) tại Việt Nam từ năm.... đến.... (năm có liên quan).
ii. Được ngân sách Trung ương hoàn lại số thuế.... (loại thuế yêu cầu) của... (đối tượng yêu cầu) từ năm.... đến... (năm có liên quan) đã nộp vào Ngân sách Nhà nước, tổng số tiền là... đồng.
Số tiền trên được chuyển vào tài khoản số....
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký,.... (đối tượng yêu cầu), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính... (địa điểm phát sinh hoạt động tại Việt Nam) và Chánh Văn phòng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT/Bộ trưởng Bộ Tài chính
Thứ trưởng
Nơi nhận:
- Đối tượng yêu cầu
- Vụ Ngân sách
- Sở Tài chính (địa điểm phát sinh hoạt động)
- Cục thuế (địa điểm phát sinh hoạt động)
- Lưu: VP (HC, TH)
TCT (HC, HTQT)
TỔNG CỤC THUẾ CỤC THUẾ Số:... | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ... ngày... tháng... năm..... |
Kính gửi: - Tổng cục thuế
Cục thuế... xác nhận đã nhận được Công văn số:.... ngày... tháng... năm.... của Tổng cục Thuế và hồ sơ kèm theo gồm.... trang về thông tin thuế liên quan đến các đối tượng nộp thuế sau:
1.....
2.....
3....
Các thông tin nói trên sẽ được xử lý và lưu giữ theo đúng quy định của quản lý hành chính hiện hành.
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ
Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu....
- 1Công văn số 1635 TCT/HTQT ngày 13/05/2003 của Tổng cục Thuê - Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị về miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
- 2Công văn số 3062/VPCP-QHQT ngày 19/06/2003 của Văn Phòng Chính phủ về việc Ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Séc-bi-a và Môn-tê-nê-grô
- 3Công văn số 256 TCT/HTQT ngày 06 /02/2004 của Tổng cục thuế về việc hướng dẫn và giải thích việc thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
- 4Công văn 3708/TCT-HTQT năm 2013 chính sách thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Công văn số 1635 TCT/HTQT ngày 13/05/2003 của Tổng cục Thuê - Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị về miễn giảm thuế cước theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
- 2Công văn số 3062/VPCP-QHQT ngày 19/06/2003 của Văn Phòng Chính phủ về việc Ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Séc-bi-a và Môn-tê-nê-grô
- 3Công văn số 256 TCT/HTQT ngày 06 /02/2004 của Tổng cục thuế về việc hướng dẫn và giải thích việc thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
- 4Nghị định 281-HĐBT năm 1990 về việc thành lập hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính
- 5Thông tư 52-TC/TCT-1997 hướng dẫn Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước do Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông tư 95/1997/TT-BTC hướng dẫn và giải thích nội dung Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 7Thông tư 37/2000/TT-BTC sửa đổi Thông tư 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 8Quyết định 1133 TCT/QĐ/HTQT về Quy chế về tổ chức quản lý và thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong ngành thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 9Công văn 3708/TCT-HTQT năm 2013 chính sách thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào do Tổng cục Thuế ban hành
Quyết định 1134/2001/TCT-QĐ-HTQT ban hành quy trình quản lý và thực hiện hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong ngành thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 1134/2001/TCT-QĐ-HTQT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/07/2001
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Nguyễn Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/07/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra