Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7316/BTC-QLBH
V/v hướng dẫn giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
- Các doanh nghiệp tái bảo hiểm
- Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 949/VPCP-KTTH ngày 30/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại (trong khoảng thời gian từ ngày 13/5/2014 đến ngày 15/5/2014) để áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) như sau:

1. Về nguyên nhân thiệt hại:

Căn cứ điểm a khoản 3 Công văn số 949/VPCP-KTTH ngày 30/5/2014 của Văn phòng Chính phủ, nguyên nhân gây ra thiệt hại của các doanh nghiệp là do một số người vi phạm pháp luật có hành động đập phá, đốt tài sản, chiếm đoạt tài sản, không phải yếu tố chính trị, bạo động, bạo loạn,...

2. Về hồ sơ bồi thường bảo hiểm bao gồm các tài liệu sau:

- Giấy thông báo tổn thất và yêu cầu bồi thường;

- Bản kê khai thiệt hại và các hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản bị thiệt hại. Trường hợp bị mất hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản bị thiệt hại, việc xác định thiệt hại dựa trên các hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan lưu trữ tại các cơ quan chức năng. Việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản bị thiệt hại là bộ phận đầu mối do UBND tỉnh, thành phố chỉ định theo quy định tại điểm a khoản 2 Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ.

- Biên bản giám định thiệt hại (tổn thất).

3. Về bồi thường thiện chí:

Trường hợp thiệt hại không thuộc phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại và khoản chi này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

4. Về sử dụng dự phòng dao động lớn:

Doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng dự phòng dao động lớn về tổn thất để chi trả bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong thời gian vừa qua.

5. Về tổ chức thực hiện:

Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, khẩn trương thực hiện công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm, tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

6. Đề nghị Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bồi thường bảo hiểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ CST, Vụ Pháp chế;
- Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, QLBH.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng