Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 703/LĐTBXH-TCGDNN
V/v đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề, cụ thể như sau:

1. Truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp

a) Thông tin, tuyên truyền kịp thời các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề;

b) Ban hành kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, thúc đẩy sự chủ động của các cơ quan liên quan trong công tác truyền thông; bố trí kinh phí cho công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp;

c) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp. Quan tâm, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phân luồng, hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp.

2. Đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo

a) Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến; ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo;

b) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện phân luồng theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”;

c) Chỉ đạo các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tăng cường phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp kết hợp học văn hóa trung học phổ thông theo quy định;

d) Căn cứ quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị quyết, Quyết định, Kết luận của Trung ương, phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo.

3. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

a) Rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc trên cơ sở dự báo nhân lực của ngành, lĩnh vực, địa phương; đảm bảo thống nhất giữa mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 19 -NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; ưu tiên thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài;

b) Tổ chức bộ máy và quan tâm bố trí cán bộ đủ năng lực cho đơn vị tham mưu giúp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu thành lập Tổ tư vấn về giáo dục nghề nghiệp của địa phương.

4. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp

a) Rà soát, đẩy mạnh triển khai, quản lý hiệu quả các chương trình, dự án, đề án liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Quan tâm, bố trí nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển của địa phương;

b) Thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt;

c) Ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp và hỗ trợ học phí học văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện của địa phương.

5. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Sở LĐTBXH các tỉnh/thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 703/LĐTBXH-TCGDNN năm 2021 về đẩy mạnh triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 703/LĐTBXH-TCGDNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/03/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản