Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6095/SXD-QLCLXD
V/v thực hiện các giải pháp nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện;
- Các Ban Quản lý Khu đô thị mới, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
- Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn;
- Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh;
- Công ty TNHH Hoàng Nam;
- Công ty TNHH Xây dựng Môi trường Xanh;
- Công ty Cổ phần Chiếu sáng công cộng;
- Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị;
- Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV;
- Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn;
- Công ty Cổ phần B.O.O nước Thủ Đức;
- Công ty Cổ phần Cấp nước Kênh Đông;
- Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn;
- Công ty Cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp;
- Các chủ đầu tư công trình xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại các văn bản: Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21/4/2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 1218/KH-UBND ngày 21/4/2022 về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố; Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 ban hành Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xã lũ trên địa bàn thành phố; Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 ban hành Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên đại bàn thành phố; Văn bản số 1234/UBND-KT ngày 22/4/2022 về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố.

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện những nội dung sau:

I. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Thực hiện nghiêm túc các Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố (Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xã lũ trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên đại bàn thành phố (Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Quy định về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án điều tiết, vận hành hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ lưu (Quyết định số 2384/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố (Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Kế hoạch tổng hợp Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 (Kế hoạch số 629/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố); Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

2. Thường xuyên cập nhật, triển khai và báo cáo kịp thời các nội dung chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và các cơ quan có thẩm quyền.

II. Giải pháp thực hiện

1. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện:

- Theo dõi tình hình thời tiết và biện pháp hướng dẫn phòng, chống, ứng phó trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (http:/www.nchmf.gov.vn/kttvsite/), Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ (http:/www.kttv-nb.org.vn/) và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố (http:/www.phongchonglubaotphcm.gov.vn/) để kịp thời có biện pháp phòng, chống và ứng phó thiên tai hiệu quả.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai địa phương rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều; huy động nhân lực và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơ đắp bờ bao tại các vị trí xung yếu, chủ động ứng phó đối với tình trạng ngập úng, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, nạo vét, khai thông kênh, rạch, hệ thống thoát nước đồng bộ để phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu.

- Chỉ đạo công ty TNHH Dịch vụ Công ích, các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh ven đường, công viên trong khu dân cư được phân cấp quản lý; cây xanh trong công sở, trường học, bệnh viện... thuộc địa bàn quản lý để đốn hạ, trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cổi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm ...; lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn (nhánh xụ, cành vươn dài); chống, sửa cây nghiêng. Xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động khắc phục, xử lý ngay khi xảy ra sự cố cây xanh.

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa nô, áp phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa giông, gió giật xảy ra; xử lý đối với các công trình pa nô, áp phích, biển quảng cáo xây dựng không phép trên địa bàn quản lý.

- Tuyên truyền, hỗ trợ và yêu cầu người dân thực hiện gia cố, giằng chống, đặc biệt đối với các công trình thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo trên cao.

- Yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình đang thi công xây dựng, công trình lân cận; tổ chức triển khai các biện pháp này khi xảy ra mưa bão.

- Yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng công trình dạng tháp, trụ BTS chủ động kiểm tra, đánh giá và gia cố, giằng chống bảo đảm an toàn cho công trình; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo cao không đảm bảo an toàn khi có mưa bão và có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết.

- Đối với các công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện khẩn trương thực hiện các việc như sau:

Rà soát, thống kê công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp; chủ trì lập kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn lắp dựng, vận hành, đảm bảo điều kiện sử dụng cần trục tháp theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD Về an toàn trong thi công xây dựng, sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 20/6/2022 và theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản số 5591/SXD-QLCLXD ngày 24/5/2022 (đặc biệt đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, phải kiên quyết yêu cầu tháo dỡ).

Yêu cầu các đơn vị quản lý sử dụng kiểm tra cần trục tháp khi có dự báo bão vào thành phố, có biện pháp phòng ngừa tác động của gió giật; không được sử dụng cần trục tháp khi vận tốc gió từ cấp 5 trở lên (29-38 Km/h) hoặc theo quy định của nhà sản xuất.

Hỗ trợ chủ đầu tư trong trường hợp phải di dời tạm thời người ở trong các công trình nằm trong vùng ảnh hưởng, nguy hiểm khi cần trục tháp hoạt động trên phạm vi địa bàn quản lý.

2. Các Ban Quản lý Khu đô thị mới, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao Thành phố:

- Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và công trình trọng yếu trên địa bàn quản lý.

- Trường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình trên địa bàn quản lý có sử dụng cần trục tháp, đảm bảo điều kiện sử dụng cần trục tháp theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-BXD ngày 15/11/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố, các văn bản pháp luật khác có liên quan và hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản số 5591/SXD-QLCLXD ngày 24/5/2022; báo cáo và phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng xử lý vi phạm các trường hợp không đảm bảo điều kiện sử dụng, vận hành cần trục tháp.

- Yêu cầu các đơn vị quản lý sử dụng kiểm tra cần trục tháp khi có dự báo bão vào thành phố, có biện pháp phòng ngừa tác động của gió giật; không được sử dụng cần trục tháp khi vận tốc gió từ cấp 5 trở lên (29-38 Km/h) hoặc theo quy định của nhà sản xuất.

3. Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh, Công ty TNHH Hoàng Nam, Công ty TNHH Xây dựng Môi trường Xanh, Công ty Cổ phần Chiếu sáng Công cộng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần B.O.O nước Thủ Đức, Công ty Cổ phần cấp nước Kênh Đông, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp:

Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật năm 2022 của Sở Xây dựng tại Công văn số 1804/SXD-HTKT ngày 24/02/2022 và Công văn số 5027/SXD-HTKT ngày 12/5/2022 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu.

Báo cáo kịp thời các sự cố hạ tầng kỹ thuật về Sở Xây dựng theo hướng dẫn tại Công văn số 4449/SXD-HTKT ngày 27/4/2021 về báo cáo nhanh đối với các sự cố thuộc lĩnh hạ tầng kỹ thuật (đính kèm).

4. Thanh tra Sở Xây dựng:

Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) khi có yêu cầu phối hợp với các đơn vị.

Sở Xây dựng đề nghị các tổ chức và vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND Thành phố (để báo cáo);
- BCH PCTT và TKCN TP (để báo cáo);
- Sở Giao thông vận tải (để phối hợp);
- Sở Văn hóa và Thể thao (để phối hợp);
- Giám đốc Sở (để báo cáo);
- Thanh tra Sở (để thực hiện);
- Văn phòng Sở (để đăng tải trên website);
- Lưu: VT, PQLCLXD, Lợi.
* Đính kèm:
- Công văn số 5591/SXD-QLCLXD ngày 24/5/2022;
- Công văn số 5027/SXD-HTKT ngày 12/5/2022;
- Công văn số 1804SXD-HTKT ngày 24/02/2022;
- Công văn số 4449/SXD-HTKT ngày 27/4/2021.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đặng Phú Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6095/SXD-QLCLXD thực hiện các giải pháp nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6095/SXD-QLCLXD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/05/2022
  • Nơi ban hành: Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Đặng Phú Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản