Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 73/2011/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP TẠI CÁC CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

Căn cứ Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình;

Căn cứ Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng - CVN 5308-91, Thiết bị nâng - Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng TCVN 5863:1995;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 7991/TTr-SXD-QLCLXD ngày 19 tháng 10 năm 2011 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 4620/STP-VB ngày 19 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

VỀ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP TẠI CÁC CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về việc sử dụng cần trục tháp phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị trong quá trình thi công tại các dự án xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Quy định này không áp dụng đối với các cần trục tháp là một phần bộ phận công trình hoặc thuộc dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư (sẽ được điều chỉnh theo các quy định pháp luật khác có liên quan).

2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong sử dụng cần trục tháp các loại tại mọi công trường xây dựng trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Phạm vi công trường xây dựng: là phạm vi mặt bằng thi công xây dựng, trên đó có công trình xây dựng, các công trình phụ trợ và công trình hạ tầng kỹ thuật.

2. Đơn vị chủ quản cần trục: là đơn vị chủ sở hữu, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy đăng ký cần trục tháp.

3. Vùng nguy hiểm vật rơi: quy định căn cứ theo Bảng 1 - Mục 2.1.8 – TCVN 5308-91, là những vùng nguy hiểm do vật, tính cả tay cần và đối trọng của cần trục tháp, có thể rơi tự do từ trên cao xuống, theo bảng sau:

Độ cao có thể rơi các vật (m)

Giới hạn vùng nguy hiểm (m)

Đối với nhà hoặc công trình đang xây dựng
(tính từ chu vi ngoài)

Đối với khu vực di chuyển tải (tính từ hình chiếu bằng theo kích thước lớn nhất của tải di chuyển khi rơi)

Đến 20

5

7

Trên 20 đến 70

7

10

70-120

10

15

120-200

15

20

200-300

20

25

300-450

25

30

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP

Điều 3. Mặt bằng công trường xây dựng

1. Thiết kế và phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng:

Nhà thầu thi công phải lập thiết kế và phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng trước khi triển khai thi công, theo Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Bộ Xây dựng.

Đối với công trường có sử dụng cần trục tháp, thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng phải thể hiện giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục.

2. Niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng:

Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, kích thước tối thiểu bằng khổ A0 với vật liệu khó bị hư hỏng, bạc màu khi thấm nước, mưa, nắng. Trong nội dung sơ đồ tổng mặt bằng phải đảm bảo có các nội dung sau:

a) Hình chiếu bằng phạm vi di chuyển của tay cần và đối trọng của cần trục tháp;

b) Hình chiếu bằng vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động;

c) Thời gian hoạt động của cần trục tháp tương ứng khi vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng;

d) Vị trí cần trục tháp ở trạng thái nghỉ (không hoạt động), phải thể hiện cả tay cần và đối trọng;

đ) Tên và số điện thoại liên lạc của người có trách nhiệm thuộc đơn vị thi công và đơn vị chủ quản cần trục.

Điều 4. Điều kiện sử dụng cần trục tháp

1. Lựa chọn loại cần trục sử dụng:

Cần trục tháp phải được lựa chọn chủng loại phù hợp với địa điểm xây dựng, thuận lợi cho công tác thi công. Hạn chế tối đa sử dụng cần trục có các bộ phận vươn ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.

Đối với mặt bằng chật hẹp, ưu tiên sử dụng cần trục leo trong, cần trục có tay cần dạng nâng hạ (cánh tay cần điều chỉnh tầm với bằng cách nâng lên hạ xuống, có đối trọng đặt trên cao hoặc bên dưới nhưng sát với thân tháp đứng).

2. Điều kiện sử dụng cần trục tháp:

a) Phải đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

b) Phải có hồ sơ thiết kế lắp dựng cần trục tháp (móng, giằng, neo…) đảm bảo về an toàn, sự phù hợp được nhà sản xuất hoặc đơn vị chủ quản cần trục chấp thuận, được phê duyệt cùng lúc với việc phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng.

c) Sau khi lắp dựng, phải có phiếu kiểm định có hiệu lực do đơn vị có chức năng thực hiện kiểm định. Khi chuyển cần trục tháp sang vị trí mới hoặc thay đổi cơ cấu nâng, hạ, phải được kiểm định lại.

d) Phải mua bảo hiểm cho cần trục tháp.

đ) Phải có phương án, quy trình kỹ thuật của nhà cung cấp cho việc lắp dựng, vận hành, nâng, hạ và tháo dỡ cần trục. Phương án phải được chuyển giao đầy đủ cho đơn vị sử dụng cần trục và tư vấn giám sát, đồng thời phải được lưu tại công trường.

e) Phải có sổ theo dõi vận hành thiết bị, được lưu tại công trường.

g) Công nhân vận hành cần trục (lái, ra tín hiệu), phụ cẩu phải được đào tạo (có bằng hoặc giấy chứng nhận) phù hợp với loại cần trục thao tác, đã được huấn luyện kỹ thuật an toàn, được cấp thẻ an toàn lao động và có quyết định cử bố trí vận hành cần trục.

h) Công nhân tham gia tháo lắp, nâng, hạ cần trục phải được huấn luyện, thạo việc.

3. Đảm bảo an toàn cho khu vực ngoài phạm vi công trường xây dựng trong trường hợp khi vận hành cần trục tháp, vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.

Chủ đầu tư công trình tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch vận hành cần trục, trong đó phải xác định rõ các thông tin:

- Thời gian cụ thể mà khi vận hành, vùng nguy hiểm vật rơi do các bộ phận của cần trục và vật tải tạo ra vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng;

- Phạm vi đường giao thông công cộng, những công trình hạ tầng kỹ thuật (truyền tải điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc…) và các công trình khác nằm trong vùng nguy hiểm vật rơi;

- Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình trong vùng nguy hiểm vật rơi ngoài phạm vi công trường xây dựng.

Trên cơ sở kế hoạch đã có, chủ đầu tư phải liên hệ trước với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Tổng Công ty Điện lực thành phố Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi có công trình để phối hợp thực hiện các công tác đảm bảo an toàn như ngăn đường giao thông, di dời tạm thời người trong các công trình trong vùng nguy hiểm, tổ chức rào chắn, đặt biển báo, làm mái che bảo vệ trong suốt thời gian vận hành.

Chi phí thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn trên do chủ đầu tư công trình chi trả.

Điều 5. Vận hành cần trục

1. Cần trục phải được vận hành theo phương án kỹ thuật của nhà cung cấp; các tiêu chuẩn, quy phạm có liên quan, kế hoạch vận hành đã lập trước.

2. Sau khi có mưa bão, có gió lớn hoặc ngừng hoạt động hơn 30 ngày, cần trục tháp phải được kiểm tra lại toàn bộ kết cấu thân, tay cần, đối trọng và các hệ thống kỹ thuật vận hành, đảm bảo đủ điều kiện sử dụng theo quy định. Kết quả phải được lập biên bản ở hiện trường.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sử dụng cần trục tháp chấp hành việc thực hiện đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lắp đặt và sử dụng cần trục theo đúng Quy định này.

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng cần trục tháp; công tác bảo đảm an toàn sử dụng cần trục tháp đối với các chủ thể liên quan như chủ sở hữu cần trục tháp, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, giám sát xây lắp. Buộc phải dừng thi công để khắc phục thiếu sót nếu có; xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

2. Sở Xây dựng:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc kiểm tra, quản lý việc sử dụng cần trục tháp trên địa bàn thành phố.

Đình chỉ thi công các công trình xây dựng sử dụng cần trục tháp vi phạm những quy định trong Quy định này và các quy định có liên quan về an toàn trong thi công xây dựng.

3. Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Tổng Công ty Điện lực thành phố Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên:

Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc có biện pháp đảm bảo điều tiết giao thông, hỗ trợ chủ đầu tư (khi nhận được yêu cầu) thực hiện công tác an toàn cho cộng đồng, tính toán các chi phí liên quan để chủ đầu tư công trình chi trả.

4. Ủy ban nhân dân quận - huyện:

Hỗ trợ công tác di dời tạm thời người ở trong các công trình thuộc phạm vi vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động, khi nhận được thông báo của chủ đầu tư.

5. Chủ đầu tư:

Buộc nhà thầu xây dựng phải sử dụng cần trục tháp có đủ điều kiện hoạt động và phù hợp với tổng mặt bằng công trường, kế hoạch vận hành.

Tổ chức giám sát, kiểm tra hoạt động bảo đảm an toàn vận hành cần trục tháp của nhà thầu.

Quản lý chặt chẽ hoạt động cần trục tháp trong mùa mưa bão. Yêu cầu nhà thầu lập biện pháp an toàn, chủ đầu tư xem xét chấp thuận. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực, có thể ủy quyền cho tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thẩm tra trước.

6. Nhà thầu thi công xây dựng:

Thuê, sử dụng cần trục tháp tuân thủ Quy định này và các quy định liên quan khác.

Thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành thiết bị. Theo dõi tình hình hoạt động, kịp thời phát hiện, xử lý những hư hỏng có thể xảy ra, ngăn ngừa những tác động bất lợi đối với hoạt động bình thường của cần trục, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ đầu tư.

7. Tư vấn giám sát thi công:

Phải theo dõi tình hình hoạt động của cần trục tháp trên công trường, báo cáo đầy đủ, kịp thời cho chủ đầu tư và nhà thầu khi có dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới sự cố. Kiên quyết dừng vận hành nếu phát hiện yếu tố không bảo đảm an toàn cho con người, công trình, thiết bị và các ảnh hưởng liên quan khác.

8. Đơn vị chủ quản cần trục tháp:

Tổ chức kiểm định an toàn cần trục tháp theo đúng quy định; lưu trữ và cung cấp hồ sơ kỹ thuật của cần trục tháp; bảo trì, bảo dưỡng cần trục tháp; quản lý, sử dụng cần trục tháp theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan; cung cấp nhân viên vận hành, lắp dựng cần trục đảm bảo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Các Sở - ban - ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng, vận hành, kiểm định, bảo dưỡng cần trục tháp thực hiện nghiêm nội dung Quy định này và theo các quy định đã được Nhà nước ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có các vấn đề phát sinh, vướng mắc, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, hướng dẫn và báo cáo, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội để giải quyết kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 73/2011/QĐ-UBND về Quy định sử dụng cần trục tháp tại công trường xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 73/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/11/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 71
  • Ngày hiệu lực: 25/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 19/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản