Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 585/THA-VP
V/v chỉ đạo công tác thi hành án dân sự

Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2010

 

Kính gửi: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2010 là năm thứ hai triển khai thi hành Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật này. Để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của Chính phủ và của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự của Tổng cục Thi hành án dân sự, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định về phân cấp công tác quản lý cán bộ, tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản cho Tổng cục và quy định về mối quan hệ giữa Tổng cục với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những công việc trọng tâm sau đây:

1. Triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác thi hành án dân sự, Luật thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, của các Bộ, ngành hữu quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự. Từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự tích cực nghiên cứu, áp dụng đúng các văn bản đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng đến các văn bản mới được ban hành.

2. Tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự, phát huy vai trò của Cục trưởng trong việc giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương.

a) Đối với những nơi chưa bổ nhiệm đủ các chức vụ Phó Cục trưởng, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thì Cục trưởng phải chủ động, tích cực tìm nguồn, đề xuất bổ nhiệm để bảo đảm chậm nhất hết quý II năm 2010 hoàn thành việc bổ nhiệm đầy đủ các chức danh Lãnh đạo trong các cơ quan thi hành án dân sự.

b) Chuẩn bị nhân sự để cử tham dự tuyển ngạch Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp theo quy định của Luật thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ. Rà soát đối tượng, tiếp tục thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên đủ cơ cấu, số lượng đã được phân bổ. Chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi và bổ nhiệm ngạch Thư ký thi hành án dân sự năm 2010.

c) Thực hiện có hiệu quả việc tuyển dụng biên chế được phân bổ; bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch; đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự theo thẩm quyền và phân cấp quản lý của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự.

d) Chú trọng đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Cục và các Chi cục; gương mẫu thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức Chấp hành viên, quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo không khí, môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự được làm việc, cống hiến, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.

đ) Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thi hành án, nâng cao ý thức trách nhiệm; tăng cường giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự; xây dựng lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

4. Nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cục đối với Chi cục; tổ chức rà soát, phân loại, xác định một cách chính xác số vụ việc có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành án và có biện pháp thi hành xong đạt chỉ tiêu phân bổ 80% về việc và 60% về tiền (phấn đấu đạt chỉ tiêu thi hành xong 84% về việc và 63% về tiền) trên số vụ việc có điều kiện thi hành theo Quyết định số 809/QĐ-BTP ngày 01/03/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp “về việc phân bổ chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2010 cho Thi hành án dân sự địa phương”, làm giảm từ 5 đến 10% số vụ việc thi hành án tồn đọng so với năm 2009 (phấn đấu giảm 10 - 15% án tồn đọng).

a) Chậm nhất hết quý II năm 2010, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, xác minh và phân loại án, lên kế hoạch giải quyết cụ thể:

- Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành thì phải kiên quyết tổ chức thi hành dứt điểm. Những trường hợp có vướng mắc, khó khăn do có ý kiến khác nhau giữa các ngành ở địa phương thì báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để chỉ đạo phối hợp giải quyết. Nếu có vướng mắc về nghiệp vụ, cần xin ý kiến của cơ quan chuyên môn ở trung ương và kịp thời báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý kịp thời.

- Đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành án, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể phải xử lý đúng quy định của pháp luật về hoãn, tạm đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án hoặc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.v.v.

- Riêng đối với các vụ việc có giá trị không quá 500.000 đồng thuộc diện xét miễn thi hành án theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự, thì phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và kịp thời đề nghị Toà án xét miễn thi hành án ngay sau khi Thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành.

b) Lãnh đạo Cục phải tăng cường trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc thi hành án, nhất là những đơn vị có lượng án tồn đọng lớn, những vụ việc phức tạp, nổi cộm hoặc số tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị lớn.

c) Làm tốt công tác dân vận trong thi hành án, tích cực vận động, thuyết phục để các đối tượng tự nguyện thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ việc phải cưỡng chế thi hành án; những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng, Cục trưởng tổ chức và chỉ đạo các Chi cục tổ chức các “đợt cao điểm thi hành án” nhằm giảm tối đa lượng án tồn đọng.

5. Chú trọng tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan thi hành án, tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan thi hành án cấp trên đối với cấp dưới. Cục Thi hành án dân sự tổ chức các đợt kiểm tra chéo hoặc kiểm tra đột xuất đối với các Chi cục nhằm kịp thời phát hiện để có biện pháp uốn nắn những sai sót trong thi hành án; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà và hành vi tiêu cực khác của cán bộ, công chức thi hành án dân sự.

Thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng cơ quan thi hành án để xẩy ra việc Chấp hành viên, cán bộ thi hành án thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi vi phạm hoặc gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của đương sự trong thi hành án.

6. Nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

a) Cục trưởng, Chi cục trưởng phải tập trung chỉ đạo việc phân loại các đơn thư khiếu nại, tố cáo, xác định những vụ việc tồn đọng, bức xúc là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Nếu vụ việc tồn đọng, bức xúc do chủ quan thì phải tích cực, chủ động đề ra các biện pháp giải quyết, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, ấn định thời hạn giải quyết dứt điểm đối với từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp do nguyên nhân khách quan, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì tập hợp đầy đủ những vấn đề vướng mắc để trao đổi, kiến nghị với các cơ quan hữu quan hoặc báo cáo cơ quan cấp trên xin hướng dẫn, chỉ đạo biện pháp giải quyết.

b) Trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án phải lưu ý vụ việc nào thuộc thẩm quyền của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm ở cấp đó, tránh tình trạng giải quyết qua loa, đại khái hoặc đùn đẩy trách nhiệm, phải có biện pháp giải quyết hiệu quả ngay tại nơi phát sinh, với phương châm “quyết liệt, thận trọng”. Khi giải quyết phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đúng nội dung khiếu nại, tố cáo, phải xác minh làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ việc trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để hạn chế tối đa sai sót, khiếu nại kéo dài. Đối với trường hợp đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chây ỳ, lẩn tránh hoặc chống đối việc thi hành án thì cần phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa ra xử lý nghiêm, kể cả biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương.

c) Thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải thích, hướng dẫn cho công dân về quyền và nghĩa vụ, các quy định của pháp luật, thẩm quyền giải quyết và tiếp nhận ý kiến của công dân để xem xét, xử lý. Kịp thời xử lý thông tin báo chí phản ánh những khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án; báo cáo đầy đủ, kịp thời về kết quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan có thẩm quyền.

7. Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc song trùng trực thuộc trong quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự. Tham mưu, đề xuất và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự của địa phương.

Phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Toà án, Viện kiểm sát, Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành. Làm tốt công tác phối hợp kiểm sát và thực hiện nghiêm túc các kháng nghị về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản chặt chẽ, có hiệu quả, phục vụ tốt cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật, phân cấp của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự. Quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ thi hành án dân sự nhằm thu hút những người có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề thi hành án dân sự.

9. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về thi hành án dân sự, bảo đảm cập nhật chính xác số liệu thống kê kết quả thi hành án, các báo cáo tài chính, kế toán nghiệp vụ, đầu tư xây dựng cơ bản và phản ánh kịp thời, đầy đủ các thông tin, tình hình, kết quả thi hành án dân sự về Tổng cục Thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.

10. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án chủ động tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự thông qua hoạt động chuyên môn của mình, đặc biệt là thông qua việc vận động, giáo dục, thuyết phục các bên đương sự và nhân dân trong quá trình thi hành án; năm 2010, phối hợp với các cơ quan hữu quan (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, cơ quan Báo chí, Truyền hình, Truyền thanh.v.v) mở đợt tuyên truyền sâu rộng pháp luật về Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

11. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản của Cục, các Chi cục Thi hành án dân sự.

Chủ động, tích cực triển khai kế hoạch công tác, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, quy định của Bộ Tư pháp và Tổng cục trong Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự ở địa phương.

12. Cục trưởng có trách nhiệm quán triệt nội dung Công văn này đến toàn thể cán bộ, công chức thi hành án dân sự trên địa bàn để thực hiện. Định kỳ 03 tháng một lần, Cục Thi hành án dân sự báo cáo Tổng cục về việc thực hiện từng nội dung được nêu ở trên (trước ngày 30/6 và trước ngày 30/9). Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn phải kịp thời báo cáo về Tổng cục để tháo gỡ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Bộ Tư pháp;
- Vụ Tổ chức, cán bộ;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính;
- Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP. HCM;
- Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; 
- Vụ 10 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Lãnh đạo Tổng cục THADS; 
- Các đơn vị thuộc Tổng cục;
- Lưu VT.

Q. TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Luyện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 585/THA-VP về chỉ đạo công tác thi hành án dân sự do Tổng cục thi hành án dân sự ban hành

  • Số hiệu: 585/THA-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/03/2010
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thi hành án dân sự
  • Người ký: Nguyễn Văn Luyện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản