Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 583/NHNN-TD | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2024 |
Kính gửi: | Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; |
Đồng kính gửi: | Thủ tướng Chính phủ. |
Bộ Tài chính có Công văn số 553/BTC-TCT ngày 12/01/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C). Qua rà soát nội dung công văn số 553/BTC-TCT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xin có ý kiến như sau:
1. Về quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động L/C:
1.1. Theo quy định của pháp luật, L/C vừa là dịch vụ thanh toán, vừa là hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể:
- Về tính chất dịch vụ thanh toán: Khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”.
- Về tính chất cấp tín dụng: Khoản 14 Điều 4 Luật Các TCTD 2010 quy định: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiến theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 98 Luật các TCTD 2010 quy định ngân hàng thương mại cấp tín dụng dưới các hình thức: Cho vay; bảo lãnh; phát hành thẻ tín dụng,... và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo đó, tại các văn bản quy phạm pháp luật[1], đặc biệt tại Khoản 11 Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định rõ phát hành L/C thuộc hoạt động cấp tín dụng: “Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, bảo lãnh, cho thuê tài chính, bao thanh toán, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C) ...”.
Liên quan đến vướng mắc về thuế GTGT đối với các khoản thu L/C kể từ thời điểm Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực, NHNN đã có nhiều văn bản[2] gửi Bộ Tài chính nêu rõ căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thì L/C có tính chất lưỡng tính.
1.2. Bên cạnh đó, Điều 91 Luật Các TCTD 2010 quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD: “1. TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của các TCTD; 2. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”; theo đó, TCTD được quyền ấn định và niêm yết công khai các mức phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD (trong đó bao gồm cả phí đối với hoạt động L/C).
1.3. Hiện nay, Luật các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua năm 2024 đã quy định: “Thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua các nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng” (khoản 36 Điều 4).
2. Về thực tiễn việc thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối với L/C của TCTD:
2.1. Thực tế thời gian qua, các TCTD kê khai, nộp thuế GTGT đối với L/C theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010[3]. Từ khi Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực (01/01/2011), Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn mới đối với việc thu thuế GTGT đối với L/C thay thế Công văn 11754; Chỉ đến khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị thì mới có Công văn 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 đề nghị Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương “Rà soát hướng dẫn TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định”.
2.2. Tại Công văn 553/BTC-TCT, Bộ Tài chính cho rằng: “Công văn số 11754 hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với thư tín dụng, bảo lãnh ngân hàng căn cứ theo Luật Các tổ chức tín dụng số 07/1997/QH10. Kể từ ngày 01/01/2011 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH11 có hiệu lực thi hành thì các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo quy định của Luật này và không áp dụng theo hướng dẫn tại công văn 11754/BTC-CST ngày 06/09/2010 của Bộ Tài chính.”
Tuy nhiên, giai đoạn sau khi Luật các TCTD 2010 có hiệu lực, tại các Công văn 1092/CT-TTHT ngày 16/02/2011, Công văn 7576/CT-TTHT ngày 15/09/2014 của Cục thuế TP.HCM vẫn viện dẫn Công văn 11754; đồng thời tại Công văn 4520/TCT-DNL ngày 04/10/2017 của Tổng Cục thuế gửi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hướng dẫn việc nộp thuế GTGT đối với L/C, cũng có nội dung hướng dẫn việc áp thuế GTGT đối với các khoản thu L/C như Công văn 11754.
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM, các TCTD vẫn tiếp tục thực hiện tính thuế GTGT đối với L/C với phí thu có tính chất thanh toán và phí khác, không thuế GTGT đối với phí thu có tính chất cấp tín dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754.
3. Về khó khăn, vướng mắc của các TCTD khi thực hiện truy thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C
3.1. Tại công văn 2032/NHNN-TD ngày 29/3/2021 (đính kèm) gửi Bộ Tài chính, NHNN đã nêu một số bất cập và tác động của việc truy thu thuế theo Công văn 1606 của Bộ Tài chính như:
- Thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp thì TCTD phải thu lại từ khách hàng tiền thuế đã phát sinh từ năm 2011. Điều này không khả thi do khách hàng có thể không còn giao dịch với ngân hàng hoặc đã phá sản, giải thể. Trường hợp TCTD vẫn phải kê khai, nộp thuế cho những khoản thu phí L/C từ năm 2011 thì còn có thể phát sinh tiền chậm nộp.
- Việc truy thu thuế sẽ tạo áp lực và gánh nặng rất lớn cho việc kê khai và điều chỉnh thuế của khách hàng và ngân hàng trên tờ khai hàng tháng của giai đoạn 10 năm trước, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp không còn hoạt động, ảnh hưởng đến báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các TCTD vì các TCTD đã phát hành báo cáo tài chính, quyết toán thuế, chia cổ tức.
- Việc truy thu thuế và tiền phạt sẽ tăng thêm gánh nặng cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
- Nếu TCTD không thu được của doanh nghiệp thì TCTD phải tự bỏ tiền thanh toán hoàn thuế, hạch toán vào chi phí của TCTD làm giảm doanh thu, dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Nhà nước.
3.2. Khi Tổng Cục thuế có Công văn số 5366/TCT-DNL ngày 30/11/2023 đề nghị các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C[4], NHNN đã nhận được công văn của Hiệp hội Ngân hàng, một số TCTD trong nước (Vietcombank, Agribank) và TCTD nước ngoài (thông qua nhóm Công tác Ngân hàng) về những vấn đề bất cập, vướng mắc và những tác động của hướng dẫn tại Công văn 5366 đối với hệ thống ngân hàng về một số vấn đề như: (i) nguồn nộp thuế, hạch toán tiền nộp thuế do trường hợp phải nộp thuế phát sinh từ 2011, không có cơ sở pháp lý yêu cầu người mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán bổ sung tiền thuế nếu khách hàng không đồng thuận do TCTD đã niêm yết biểu phí L/C liên quan đến dịch vụ cấp tín dụng không chịu thuế GTGT, khách hàng đã hoàn tất báo cáo tài chính, kiểm toán và thanh tra thuế; (ii) việc kê khai thuế bổ sung, điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, số liệu kê khai, khấu trừ với số lượng công việc rất lớn, mất nhiều thời gian, nguồn lực do phải bóc tách, tính toán, tổng hợp số liệu phát sinh hàng tháng trong các năm kể từ 2011 tới nay; (iii) việc này cũng ảnh hưởng tới BCTC đã được kiểm toán các năm trước của TCTD, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, các chỉ số an toàn,...; (iv) Cách tính thuế GTGT; mã số thuế khi kê khai nộp thuế,...
Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc nêu trên, các TCTD có một số kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Công văn 5366/TCT-DNL như: (i) Tạm hoãn thực hiện Công văn 5366/TCT-DNL của Bộ Tài chính; (ii) Không truy thu tiền chậm nộp thuế GTGT cũng như phạt vi phạm hành chính; (iii) Chỉ nộp thuế GTGT cho các nghiệp vụ L/C không có tính chất tín dụng; (iv) Kê khai tập trung tại trụ sở chính và hạch toán một lần vào năm 2024; (v) Hạch toán số tiền thuế GTGT truy thu đối với nghiệp vụ L/C vào chi phí hợp lý, hợp lệ;...
Các công văn kiến nghị, đề xuất đã được Hiệp hội Ngân hàng, Nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài, các TCTD gửi đến Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế[5]. NHNN xét thấy các khó khăn vướng mắc và kiến nghị của Nhóm CTNH nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Công văn 5366/TCT-DNL ngày 30/11/2023 của Bộ Tài chính là thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Về xử phạt vi phạm hành chính và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế
4.1. Ý kiến của Phó TTCP và các bộ, ngành (Kiểm toán Nhà nước, NHNN)
- Chỉ đạo của Phó TTCP Lê Minh Khái: Tại điểm 1b thông báo số 324/TB-VPCP ngày 12/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã kết luận: “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xem xét, xử lý việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C), bảo đảm đúng thẩm quyền, quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn.”
- Ý kiến của Kiểm toán Nhà nước (tại Công văn số 1454/KTNN-CNVII ngày 28/11/2023 tham gia ý kiến với Công văn 12622/BTC-TCT của Bộ Tài chính): về xử phạt vi phạm hành chính và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế, đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, cân nhắc quyết định phù hợp với tình hình thực tế và trên cơ sở rà soát quá trình hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ: “không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn,...”
- Ý kiến của NHNN (tại Công văn số 9463/NHNN-TD ngày 11/12/2023): NHNN cũng đồng quan điểm và có ý kiến như KTNN.
4.2. Tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính
Tại Công văn 553/BTC-TCT, Bộ Tài chính cho rằng: “ngày 22/4/2020 (trước thời điểm Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành[6]) Tổng Cục Thuế đã có công văn số 1606/TCT-DNL đề nghị thực hiện kê khai, nộp thuế đối với hoạt động theo đúng quy định, Do đó, theo ý kiến Bộ Tài chính thì không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 khi xem xét vấn đề về xử phạt VPHC và tiền chậm nộp tiền thuế của các tổ chức tín dụng.”
4.3. Ý kiến của NHNN đối với ý kiến của Bộ Tài chính:
Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định về việc không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế trong một số trường hợp. Cụ thể: Tại Khoản 3 Điều 141 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 năm 2019 về hành vi vi phạm thủ tục thuế cho phép không xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế và giao cho Chính phủ quy định chi tiết[7], theo đó, tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định: “2. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực),...”
Qua nghiên cứu quy định của pháp luật, NHNN thấy rằng trường hợp TCTD kê khai, nộp thuế GTGT đối với L/C được áp dụng quy định “không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế” tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP vì các lý do sau:
- Một là, việc TCTD kê khai, nộp thuế GTGT đối với L/C trong thời gian qua là trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM) như đã nêu tại mục 2 công văn này. Theo đó, các công văn: 1092/CT-TTHT ngày 16/02/2011, 7576/CT-TTHT ngày 15/09/2014; 4520/TCT-DNL ngày 04/10/2017 được hướng dẫn ngay cả khi Luật Các TCTD 2010 đã có hiệu lực.
- Hai là, các văn bản hướng dẫn của ngành thuế nêu trên được ban hành trước thời điểm Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP vẫn cho phép sử dụng văn bản hướng dẫn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực là căn cứ để không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế.[8]
- Ba là, việc Tổng cục Thuế có Công văn 1606 không loại trừ trường hợp được áp dụng khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để không xử phạt và không tính tiền chậm nộp thuế. Mặt khác, Công văn 1606 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) để thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định. Do đó, cần bảo đảm tuân thủ cả quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về việc không xử phạt và không tính tiền nộp chậm tiền thuế tại thời điểm tiến hành rà soát, hướng dẫn thực hiện kê khai, nộp thuế.
Bên cạnh đó, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 324/TB-VPCP yêu cầu việc xem xét, xử lý việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng bảo đảm đúng quy định pháp luật. Trong đó, việc đúng quy định pháp luật cần được hiểu là bảo đảm cả việc không xử phạt và không tính tiền chậm nộp tiền thuế tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
Như vậy, với các căn cứ nêu trên, ý kiến của Bộ Tài chính về việc không đủ căn cứ để áp dụng khoản 2 Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP với lý do Tổng Cục thuế đã có Công văn 1606 là chưa phù hợp.
Trong quá trình tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với hoạt động L/C, NHNN đã đề nghị Bộ Tài chính đồng thời xin ý kiến các TCTD (là các đối tượng chịu tác động của chính sách). Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa thực hiện lấy ý kiến các TCTD theo như đề nghị của NHNN tại Công văn số 9463/NHNN-TD ngày 11/12/2023 và chưa báo cáo thực tiễn các vấn đề phát sinh khi thực hiện truy thu thuế GTGT đối với L/C như đề cập của Nhóm Công tác ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD.
NHNN xin báo cáo và kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét và đề xuất phương án thu thuế GTGT đối với L/C trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để có đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn trong quá trình xem xét, xử lý việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế, đảm bảo quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 324/TB-VPCP.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trân trọng báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ./.
| KT. THỐNG ĐỐC |
[1] Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN, Thông tư 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 28/2012/TT-NHNN, Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
[2] CV 5496/NHNN-TD ngày 30/7/2020; CV 2032/NHNN-TD ngày 29/3/2021; CV 7390/NHNN-TD ngày 18/10/2021; CV 576/NHNN-TD ngày 28/01/2022; CV 1912/NHNN-TD ngày 21/3/2023; CV 4527/NHNN-TD ngày 13/6/2023; CV 9463/NHNN-TD ngày 11/12/2023.
[3] “Thư tín dụng (L/C): Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngán hàng phát hành (ngân hàng phục vụ người mua), bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các Khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là Khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.”
[4] Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại điểm 1a Văn bản số 324/TB-VPCP.
[5] Phản ánh của Hiệp hội, TCTD trong và ngoài nước tại các Công văn: 532/HHNH-PLNV; 08122023BWGVBF; 16621/NHNo-TCKT (đính kèm)
[6] Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2020 và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 05/12/2020.
[7] Điều 141. Hành vi vi phạm thủ tục thuế
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
[8] Điều 9. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
2....(kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực)...
- 1Công văn 2667/NHNN-TCKT hướng dẫn kế toán miễn, giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Công văn 1295/NHNN-QLNH hướng dẫn miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước
- 3Công văn 6204/NHNN-QLNH năm 2018 về đóng tiền giao dịch tại cửa hàng miễn thuế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 1Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành
- 2Luật các Tổ chức tín dụng 1997
- 3Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 4Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 5Công văn 2667/NHNN-TCKT hướng dẫn kế toán miễn, giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 6Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 7Công văn 11754/BTC-CST về thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh do Bộ Tài chính ban hành
- 8Công văn 1092/CT-TTHT năm 2011 về thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Thông tư 28/2012/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 10Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 11Công văn 1295/NHNN-QLNH hướng dẫn miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước
- 12Công văn 7576/CT-TTHT năm 2014 về thuế giá trị gia tăng do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 13Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 14Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 15Công văn 4520/TCT-DNL năm 2017 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với phí L/G hàng xuất khẩu do Tổng cục Thuế ban hành
- 16Luật Quản lý thuế 2019
- 17Công văn 6204/NHNN-QLNH năm 2018 về đóng tiền giao dịch tại cửa hàng miễn thuế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 18Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 19Công văn 1606/TCT-DNL năm 2020 về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các Tổ chức tín dụng do Tổng cục Thuế ban hành
- 20Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
- 21Luật Các tổ chức tín dụng 2024
- 22Công văn 5366/TCT-DNL năm 2023 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C) do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 583/NHNN-TD năm 2024 thuế giá trị gia tăng đối với khoản thu từ nghiệp vụ L/C do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 583/NHNN-TD
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 25/01/2024
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Người ký: Đào Minh Tú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra