Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5267/BCT-KH
V/v góp ý Đề án phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Trả lời công văn số 480/UBND-KTN ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng sơn về việc xin ý kiến về Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

Về cơ bản, Đề án đã bao gồm đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn tại công văn số 1845/BKHĐT-KTĐTLT ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, để hoàn thiện Đề án, Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện và chỉnh sửa một số nội dung nhằm thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời phù hợp với định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại tại địa phương, cụ thể như sau:

1. Một số vấn đề chung:

- Tại phần I, mục 2, căn cứ pháp lý, đề nghị bổ sung các căn cứ văn bản:

+ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

+ Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

+ Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

+ Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa.

+ Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

+ Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

- Tại phần II, mục 2.1, khoản d, hệ thống kết cấu hạ tầng, nội dung đánh giá điện sinh hoạt, đề nghị đánh giá thêm mức độ an toàn điện đối với lưới điện hạ thế khu vực nông thôn để có kế hoạch nâng cấp sửa chữa; đánh giá việc tổ chức bán điện theo quy định hiện hành; kế hoạch cấp điện đến các hộ dân cần phù hợp với chương trình điện nông thôn của Bộ Công Thương.

- Tại phần II, mục 2.3, đánh giá thực trạng và nguyên nhân đói nghèo:

+ Khoản a, thực trạng: đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng số hộ đói nghèo, phân bố hộ đói nghèo theo địa bàn, theo dân tộc, thu nhập bình quân của hộ nghèo, số hộ nghèo ở nhà tạm...

+ Khoản b, nguyên nhân đói nghèo: đề nghị tách riêng nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong đó, đối với nguyên nhân chủ quan, đề nghị bổ sung đánh giá đối với các cơ chế và chính sách hỗ trợ...

- Tại phần III, mục tiêu cụ thể: đề nghị bổ sung mục tiêu phấn đấu đến năm 2017 có bao nhiêu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu...

- Tại phần V, mục 1, nội dung hỗ trợ: đề nghị bổ sung nội dung đầu tư xây dựng chợ theo Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ...

- Tại phần VI, mục 2, dự kiến nguồn vốn: đề nghị tính toán tới khả năng huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp... vào việc phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Tại phần VII, mục “Các giải pháp khác”: đề nghị bổ sung giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến công để góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công có quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ các chương trình, đề án thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các huyện nghèo).

- Tại phần VIII, mục 2, phân công nhiệm vụ: đề nghị bổ sung trách nhiệm của Sở Công Thương.

2. Một số nội dung cụ thể

2.1. Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Bình Gia

- Tại phần II, mục “c. Hoạt động thương mại, dịch vụ” (trang 7): đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu....

- Tại phần II, mục 2.4, khoản “a. Kết quả đạt được” (trang 11): đề nghị bổ sung các kết quả cụ thể đạt được từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư xóa đói giảm nghèo như số công trình được đầu tư, tổng vốn đầu tư...

- Đề nghị cân nhắc mục tiêu đến năm 2017 (trang 13), thu nhập bình quân đầu người khoảng 31,0 triệu đồng/người/năm, trong khi năm 2012 mới là 11,3 triệu đồng/người/năm và mục tiêu năm 2015 mới là 19,8 triệu đồng/người/năm.

- Theo Chương trình cung cấp điện cho các hộ dân khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020 (Chương trình này hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ), tỷ lệ hộ nông thôn có điện trên toàn quốc năm 2015 khoảng 98% và đến năm 2020 khoảng 99,5%. Vì vậy, đề nghị cân nhắc mục tiêu số hộ được sử dụng điện năm 2015 là 85% và năm 2017 là 92%.

2.2. Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đình Lập

- Tại phần II, mục 2.1, khoản d, hệ thống kết cấu hạ tầng (trang 8), đề nghị kiểm tra lại số liệu về điện sinh hoạt, số thôn được sử dụng điện lưới là 82,7% trong khi số hộ được sử dụng điện lưới là 89%.

- Tại phần IV, mục 3, định hướng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch (trang 15), Đề án đã xác định định hướng phát triển chiến lược ưu tiên phát triển ngành dịch vụ mang tính đột phá, phục vụ phát triển giao lưu ngoại thương, kinh tế cửa khẩu bao gồm xuất nhập khẩu, thương mại... Vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế có chung đường biên giới với Trung Quốc, đề nghị bổ sung mục tiêu cụ thể về kim ngạch xuất nhập khẩu, mặt hàng xuất nhập khẩu, đồng thời bổ sung nội dung này tại phụ lục 1.

- Trên địa bàn huyện hiện tại không có xã nào có chợ và mục tiêu đến năm 2017 có 5 xã có chợ, tuy nhiên tại phần V, mục 1, nội dung hỗ trợ, (trang 19), không có hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ. Vì vậy cần cân nhắc mục tiêu này.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Công Thương, kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổng hợp, hoàn thiện Đề án./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, KH (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cẩm Tú

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5267/BCT-KH năm 2013 góp ý Đề án phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 5267/BCT-KH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/06/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Cẩm Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản