Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1845 /BKHĐT-KTĐPLT
V/v xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2013

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Thực hiện Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đề án của các huyện, xác định cụ thể nhu cầu đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách để tổ chức phê duyệt đề án theo quy định; cân đối, bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thực hiện từ năm 2013; thẩm tra đề án do Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017 (đề cương Đề án gửi kèm công văn này).

- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, Sở, ban nhành liên quan trong tỉnh xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan chậm nhất trước 31/5/2013. Sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh gửi 07 bộ hồ sơ thẩm tra gồm: Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017; văn bản tham gia ý kiến của các Bộ, ngành; văn bản thẩm định đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm tra.

- Đối với các dự án đầu tư dự kiến thực hiện ngay trong kế hoạch năm 2013 từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ theo mục tiêu để thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp các dự án dự kiến đưa vào thực hiện đề án giai đoạn 2013-2017 theo thứ tự ưu tiên các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp kế hoạch năm 2013, đủ thủ tục theo quy định; trường hợp dự án đề xuất khởi công mới chưa đủ thủ tục thì gửi kèm hồ sơ đề nghị thẩm định nguồn vốn và mức vốn hỗ trợ theo đúng hướng dẫn tại công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định. Đối với các dự án còn lại, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổng hợp các dự án dự kiến đầu tư vào đề án giai đoạn 2013-2017, thực hiện thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo Ủy ban nhân dân tỉnh biết, chủ động thực hiện. (Mọi thông tin cần thiết liên hệ Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ điện thoại: 080.44363).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, KTĐPLT, Tr 3 .

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Quang Thu

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NHẰM GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CẤP HUYỆN GIAI ĐOẠN 2013-2017
(Ban hành kèm theo công văn số 1845/BKHĐT-KTĐPLT ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

I. MỞ ĐẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 2 năm 2013 về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhằm xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững trong 05 năm từ 2013 đến 2017; xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phân kỳ đầu tư, tính toán nguồn lực cần thiết thực hiện đề án theo đúng quy định về tiêu chí, định mức hỗ trợ; xác định các biện pháp phù hợp để huy động các nguồn lực thực hiện đề án, xác định biện pháp và tổ chức thực hiện đề án.

2. Căn cứ pháp lý

Trình bày các căn cứ pháp lý chính để xây dựng Đề án: các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 2 năm 2013 về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; các chính sách đang thực hiện và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, tỉnh, huyện đã được phê duyệt.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGHÈO ĐÓI CỦA HUYỆN ĐẾN NĂM 2012

1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên và nhân lực

Giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, diện tích tự nhiên, địa hình, khí hậu của huyện (nêu những vấn đề tự nhiên đặc thù của huyện như lũ lụt, lượng mưa, hạn hán, tần xuất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng); dân số, số xã, số trung tâm cụm xã, diện tích đất canh tác, đất rừng..... (tuỳ thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng huyện phân tích thêm những vấn đề khó khăn, đặc thù về điều kiện tự nhiên tác động tới phát triển kinh tế - xã hội và đói nghèo ).

1.1.Về tài nguyên, gồm một số loại tài nguyên chính sau:

- Tài nguyên đất: giới thiệu về quy mô đất đai của huyện như diện tích tự nhiên, trong đó gồm các loại đất: nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chưa sử dụng ... phân tích sơ bộ những đặc điểm thổ nhưỡng và loại đất ...;

- Tài nguyên nước: giới thiệu và phân tích sơ bộ về tài nguyên nước của huyện bao gồm nguồn nước mặt như hệ thống sông, ngòi, hồ chứa nước, lưu lượng nước ... và nguồn nước ngầm, trữ lượng ...;

- Tài nguyên khoáng sản: giới thiệu các loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, trữ lượng và khả năng khai thác của các loại khoáng sản như kim loại, phi kim, nước khoáng ...;

- Tài nguyên rừng: sơ bộ diện tích rừng của huyện, tỷ lệ độ che phủ rừng, diện tích các loại rừng như: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ...;

- Nguồn nguyên liệu: diện tích, loại cây được trồng trên địa bàn có thể sử dụng được để phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp như cây cao su, sắn, mía, cây nguyên liệu giấy ...;

1.2. Tài nguyên nhân lực

Giới thiệu sơ bộ về dân số, số hộ, số người bình quân/hộ, độ tuổi trung bình, mật độ dân số, phân bố dân cư, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tăng dân số cơ học của huyện; tổng số người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động nữ, ngành nghề và việc làm chính của lao động ...

2. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội huyện

Phân tích một số chỉ tiêu tổng hợp như: quy mô, chất lượng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế; cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động; thu ngân sách trên địa bàn, thu ngân sách huyện; tổng chi ngân sách huyện... Từ đó nêu thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến hết năm 2012, có so sánh với mục tiêu của quy hoạch, kế hoạch, làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm

2.1. Thực trạng phát triển một số ngành và lĩnh vực chủ yếu

Theo đặc thù của từng huyện, nêu những đặc điểm về thực trạng phát triển một số ngành lĩnh vực chủ yếu, tập trung làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn và hạn chế của từng ngành, cụ thể gồm:

- Sản xuất nông nghiệp: giá trị sản xuất, sản lượng lương thực và lương thực bình quân đầu người; cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề sản xuất, quy mô và mô hình sản xuất, sản phẩm chủ yếu, sản phẩm lợi thế; trình độ sản xuất của người dân...; Hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ như khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, thủy lợi, thủy nông ...; khó khăn, hạn chế và lợi thế để sản xuất nông nghiệp;

- Sản xuất lâm nghiệp: giá trị sản xuất, công tác trồng, chăm sóc, giao, bán, khoán và bảo vệ rừng, diện tích rừng các loại...; doanh nghiệp, cơ sở trồng rừng và chế biến gỗ ...; khó khăn, hạn chế và lợi thế để sản xuất lâm nghiệp;

- Nuôi trồng thuỷ sản (nếu có): giá trị sản xuất, quy mô và sản lượng, sản phẩm chủ yếu, sản phẩm có lợi thế ...; khó khăn, hạn chế và lợi thế để nuôi trồng thuỷ sản;

- Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: giá trị sản xuất, cơ cấu, ngành nghề sản xuất, quy mô sản xuất, sản phẩm chủ yếu, sản phẩm lợi thế, ...; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...; khó khăn, hạn chế và lợi thế để sản xuất công nghiệp xây dựng;

- Thương mại, dịch vụ, du lịch: hệ thống chợ, khu thương mại, hoạt động và quy mô giao thương, mua bán, xuất nhập khẩu ...; hoạt động, doanh thu, quy mô ngành du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông; dịch vụ ngân hàng, tín dụng ....; khó khăn, hạn chế trong phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch;

- Hệ thống kết cấu hạ tầng: hệ thống đường giao thông: đường từ huyện đến xã, đường liên xã, đường tới trung tâm xã, số xã chưa có đường đi lại trong 4 mùa...; Thuỷ lợi: hệ thống kênh mương tưới tiêu, kênh nội đồng, hồ chứa nước...; Hệ thống điện, số hộ chưa có điện, hệ thống cấp nước hợp vệ sinh phục vụ sản xuất và dân sinh ...; Hệ thống thông tin, bưu điện ...; Các công trình văn hoá, phát thanh ...; Công trình xử lý chất thải; Phân tích tác động của hiện trạng cơ sở hạ tầng đến phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo của huyện;

2.2. Thực trạng phát triển các lĩnh vực xã hội

Các vấn đề về dân số, số dân tộc, số tôn giáo, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, trình độ lao động, việc làm; giáo dục đào tạo, dạy nghề như số học sinh trong độ tuổi đến trường các bậc học, số lượng và trình độ giáo viên, hoạt động dạy nghề và học nghề; y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân như số trẻ được khám bệnh miễn phí, tiêm phòng, tiêm chủng, công tác y tế dự phòng, tình hình các bệnh dịch, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; văn hoá thông tin - thể dục thể thao, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần; công tác định canh định cư và sắp xếp dân cư như số hộ được di dời, ổn định đời sống ...; phát triển và nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ như số cán bộ được đào tạo nâng cao nghiệp vụ hàng năm ...;

2.3. Đánh giá thực trạng và nguyên nhân đói nghèo

Nêu rõ thực trạng đói nghèo của huyện, nguyên nhân đói nghèo;

- Thực trạng đói nghèo: số hộ đói nghèo và tỷ lệ hộ đói nghèo, phân bố hộ đói nghèo theo địa bàn, theo dân tộc; thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo; số hộ nghèo ở nhà tạm ...;

- Nguyên nhân đói nghèo: các nguyên nhân khách quan như: đất sản xuất, vốn đầu tư, trình độ sản xuất, điều kiện địa hình, phong tục tập quán lâu đời ...; nguyên nhân chủ quan như: cơ chế và chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, hỗ trợ còn phân tán, thiếu tập trung, quy trình và thủ tục đầu tư chưa phù hợp...;

2.4. Đánh giá kết quả đạt được từ các chương trình, dự án và một số chính sách đầu tư xoá đói giảm nghèo đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện và những tồn tại hạn chế

Tập trung vào: chương trình 135, quyết định 134, kiên cố hoá trường lớp học, kiên cố hoá kênh mương, ổn định dân cư, nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng trung tâm cụm xã; các chính sách xoá đói giảm nghèo; chính sách vay vốn tín dụng theo quyết định 32, vay vốn tạo việc làm xoá đói giảm nghèo, trợ cước trợ giá, đào tạo cử tuyển,... từ đó làm rõ những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Bao gồm một số nội dung chính sau:

- Kết quả đạt được từ việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án: nêu rõ kết quả đạt được từ các chương trình, dự án và một số chính sách đầu tư xoá đói giảm nghèo đã và đang thực hiện trên địa bàn tác động lên các mặt kinh tế như sự tăng trưởng của huyện, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu nhập người dân ...; khía cạnh xã hội như tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng và dịch vụ giáo dục, đào tạo và y tế...; nguyên nhân đạt được;

- Những tồn tại, hạn chế về chính sách, chương trình, dự án: hạn chế về vốn hỗ trợ, các quy định thực hiện (tính khả thi hoặc chưa khả thi)....; nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế như năng lực thực hiện ...;

2.5. Tình hình an ninh, quốc phòng

Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, củng cố và xây dựng lực lượng dân quân địa phương, công tác tuyển quân, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, huấn luyện đào tạo và nâng cao kỹ năng quốc phòng; công tác đảm bảo trật tự an ninh hàng năm, ngày lễ lớn, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc ...

III. MỤC TIÊU

Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, huyện được duyệt và kết quả thực hiện năm 2012; nội dung hỗ trợ tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; tuỳ thuộc điều kiện và đặc thù, từng huyện xác định các mục tiêu cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

1. Mục tiêu chung

Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, huyện được duyệt và kết quả thực hiện năm 2012; nội dung hỗ trợ tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, tuỳ thuộc điều kiện và đặc thù, từng huyện xác định mục tiêu chung đến năm 2017 thông qua một số chỉ tiêu như sau: giảm tỷ lệ hộ nghèo %, thu nhập bình quân đầu người đạt ... triệu đồng..., tỷ lệ % lao động được dạy nghề ..., số lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ % diện tích chủ động tưới tiêu ..., tỷ lệ % xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa ...

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

Định hướng mục tiêu cụ thể đến năm 2015 của huyện là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh. Trên cơ sở đó từng huyện xác định tỷ lệ hộ nghèo giảm còn ...%, phấn đấu trung bình mỗi năm giảm từ ...-...% (ví dụ từ 3-5%/năm); thu nhập bình quân tăng ...%; giảm hộ dân không còn ở nhà tạm .... hộ; tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện lên .... %; tỷ lệ xã có đường ô tô tới trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt .....%; ......;

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2017

Định hướng mục tiêu cụ thể đến năm 2017 của huyện là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức trung bình của khu vực. Trên cơ sở đó từng huyện xác định tỷ lệ hộ nghèo giảm còn ...%, phấn đấu trung bình mỗi năm giảm từ ....-....%; thu nhập bình quân tăng......%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn .....%; nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện lên .... %; chuyển dịch cơ cấu kinh tế: nông, lâm ngư nghiệp .....%, công nghiệp xây dựng ....%, thương mại dịch vụ ....%; tỷ lệ xã có đường ô tô tới trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt .....%; .....;

IV. PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC ĐẾN NĂM 2017

Phát triển các ngành và lĩnh vực đến năm 2017 được xây dựng dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, quy hoạch phát triển ngành, các chính sách, chương trình, quyết định, dự án của Chính phủ và địa phương

1. Định hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp

Định hướng các lĩnh vực như: Trồng trọt (cơ cấu và diện tích trồng các loại cây như: cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn ...); các loại cây rau màu và thực phẩm như đậu, rau ....; các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, vừng....; cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây nguyên liệu giấy....; cây ăn quả như vải, mận, đào ....;); Chăn nuôi (phát triển hệ thống chuồng trại, quy mô và số lượng, dịch vụ thú y, cơ cấu và số lượng gia súc như bò, trâu, lợn, gia cầm như gà, vịt ..;); Lâm nghiệp (quản lý và bảo vệ rừng, giao khoán rừng, trồng rừng và phát triển diện tích rừng, khai thác gỗ và lâm sản); Thuỷ sản (nếu có - quy mô và diện tích nuôi trồng, giống, ...:)

2. Định hướng phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

Phát triển hệ thống cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản có quy mô sản xuất phù hợp và sử dụng nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của địa phương; cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xây dựng thuỷ điện ...; cơ sở sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở ngành nghề truyền thống và sử dụng các sản phẩm sẵn có tại địa phương.

3. Định hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch

Xây dựng và phát triển hệ thống thương mại, chợ đầu mối nông lâm sản, khai thác các khu thương mại cửa khẩu; Phát triển mạng lưới dịch vụ vận tải gắn với hoạt động du lịch, tạo các điểm du lịch hấp dẫn tại các làng nghề, khu di tích lịch sử và cách mạng, phát triển du lịch sinh thái với phát triển bền vững ...phát triển hệ thống bưu chính viễn thông như nâng tỷ lệ máy điện thoại/100 dân, vùng phủ sóng điện thoại, dịch vụ internet, trung tâm và cụm văn hoá xã, báo chí .

4. Định hướng phát triển các lĩnh vực xã hội

- Định hướng quy mô dân số theo hướng giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ suất sinh tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực đặc biệt cho đồng bào dân tộc; trên cơ sở định hướng quy mô dân số, dân tộc xây dựng đội ngũ lao động theo các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...;

- Định hướng phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề: số lượng và quy mô trường, lớp học các cấp, trong đó có trường dân tộc nội trú; số lượng học sinh, sinh viên đào tạo hàng năm, tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi ...;

- Phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân: tỷ lệ trẻ được tiêm chủng, số trẻ được khám bệnh miễn phí, tiêm phòng, công tác y tế dự phòng, tình hình các bệnh dịch, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ...;

- Văn hoá thông tin - thể dục thể thao: số xã có nhà văn hoá, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, thư viện, số làng, thôn, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hoá; hệ thống phát thanh xã, tỷ lệ xã có truyền thanh cơ sở, tỷ lệ số hộ được nghe đài, tỷ lệ số hộ được xem truyền hình; số xã có sân vận động, điểm vui chơi, thể thao ...;

- Phát triển nguồn nhân lực: Phát triển và nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ như số cán bộ được đào tạo nâng cao nghiệp vụ hàng năm, số lao động được dạy nghề, tập huấn nâng cao tay nghề...;

5. Môi trường và bảo vệ môi trường bền vững

Quy hoạch các bãi chôn lấp rác thải, trạm xử lý và thu gom rác; tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh ....; quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ...; phổ biến quy định và chính sách về bảo vệ môi trường, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, các quy định xử phạt về gây ô nhiễm môi trường.

6. Quốc phòng, an ninh

Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, củng cố và xây dựng lực lượng dân quân địa phương, công tác tuyển quân, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, huấn luyện đào tạo và nâng cao kỹ năng quốc phòng; công tác đảm bảo trật tự an ninh hàng năm, ngày lễ lớn, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.

V. NỘI DUNG HỖ TRỢ

Các huyện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các quy định, tiêu chuẩn, định mức cụ thể tại Điều 1, Điều 2, và Điều 3, Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 2 năm 2013 về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015; Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, xác định, đề xuất và xây dựng danh mục dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư cụ thể, trong đó có các dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo mục tiêu theo các nhóm và tính chất nguồn vốn như sau:

A. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cấp huyện, cấp xã và dưới xã

1. Nội dung hỗ trợ

- Cấp huyện đầu tư các công trình trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú huyện (bao gồm cả nhà ở cho học sinh) có quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện (bao gồm cả nhà ở cho học viên); các công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã; đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã, liên xã.

- Cấp xã và dưới xã: Đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở tất cả các xã trên địa bàn huyện (trừ thị trấn), bao gồm: Trường học (lớp học, trường học, kể cả trường mầm non, lớp mẫu giáo, nhà ở bán trú dân nuôi, nhà ở cho giáo viên); trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn (gồm cả nhà cho nhân viên y tế); đường giao thông liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, sản xuất tập trung (gồm cả cầu, cống); thuỷ lợi phục vụ tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp (và kênh mương nội đồng và thuỷ lợi nhỏ); điện phục vụ sản xuất và dân sinh; công trình nước sinh hoạt (tập trung hoặc phân tán, đào giếng, xây bể).

Lưu ý: Huyện xác định rõ nhu cầu đầu tư, quy mô và thời gian đầu tư, hiệu quả đầu tư; trên cơ sở đó xây dựng danh mục thứ tự ưu tiên đầu tư; phân kỳ đầu tư và xây dựng kế hoạch phù hợp

2. Thời gian, nguồn vốn và mức vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo mục tiêu đối với các đề án của các huyện

- Thời gian hỗ trợ: 05 năm, bắt đầu từ kế hoạch năm 2013;

- Nguồn vốn: Nguồn hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương;

- Mức hỗ trợ: Dự kiến bằng 70% mức bình quân của các huyện theo Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP từ ngân sách trung ương, khoảng 18.000 triệu đồng/huyện/năm. Tổng số vốn hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương thực hiện đề án các huyện trong 5 năm dự kiến khoảng 90.000 triệu đồng, số vốn cụ thể hàng năm và 05 năm đối với từng huyện được phân bổ trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách trung ương và theo quy định về tiêu chí phân bổ tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các nguồn vốn khác ưu tiên đầu tư hỗ trợ trên địa bàn và theo đặc thù các huyện nghèo (lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đề án)

- Nguồn vốn hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương:

Các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh và huyện: Hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng, Quyết định số 120, 160, 193 ...

- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu, quốc gia: Các chương trình mục tiêu, quốc gia giai đoạn 2011-2015;

- Nguồn vốn ngân sách địa phương: cân đối ngân sách địa phương, nguồn thu từ xổ số và các nguồn hợp pháp khác;

- Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (dự án đang được đầu tư giai đoạn 2012-2015): Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư giao thông (đường ô tô đến trung tâm xã), thủy lợi (thủy lợi nhỏ, miền núi, kênh mương).

- Các nguồn vốn khác: ODA, NGO, ...

VI. NHU CẦU VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nhu cầu vốn thực hiện đề án và hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng của đề án (phụ lục số 2 đính kèm)

2. Dự kiến nguồn vốn

Dự kiến nguồn vốn chia ra: ngân sách trung ương hỗ trợ theo mục tiêu, ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn đối ứng cho đề án này), trái phiếu chính phủ (giao thông, thủy lợi, giáo dục), vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp.

VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tuỳ điều kiện và đặc thù của từng huyện, xác định và xây dựng các nhóm giải pháp phù hợp với nội dung hỗ trợ để thực hiện đề án hiệu quả, một số nhóm giải pháp chính được gợi ý như sau:

1. Giải pháp quản lý và sử dụng vốn đầu tư tập trung và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư; phối hợp và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn; thực hiện quản lý đầu tư và các dự án trên địa bàn đúng quy hoạch, đúng quy trình, đúng thủ tục, đảm bảo tuân thủ việc thực hiện các dự án đầu tư đúng thời gian quy định (không quá 3 năm đối với nhóm C, 5 năm đối với nhóm B) để đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường xã, liên xã, hồ chứa nước, kênh mương thuỷ lợi, trường học...

2. Giải pháp phát triển và nâng cao trình độ cán bộ tập trung, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, nhất là thôn bản, động viên trí thức trẻ về công tác tại địa phương, tuyển chọn luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ tỉnh, huyện về cơ sở, xây dựng chính sách đãi ngộ, phụ cấp, trợ cấp, tuyển dụng, bổ nhiệm, phù hợp đối với cán bộ tăng cường, luân chuyển.

3. Các giải pháp khác ...(tuỳ theo đặc điểm tình hình để bổ sung thêm)

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Phân công quản lý Đề án: Chủ quản đề án: Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ đầu tư đề án: Uỷ ban nhân dân huyện

2. Phân công nhiệm vụ

- Uỷ ban nhân dân tỉnh: phê duyệt đề án, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch hàng năm của các huyện nghèo; tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gửi các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ;

- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban dân tộc trợ giúp, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân huyện lập đề án theo đúng yêu cầu;

- Uỷ ban nhân dân huyện: xây dựng đề án theo mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách, định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm, tổng hợp từ dưới lên, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trình các cấp có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn và mức vốn hỗ trợ đối với từng dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trỡ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương đúng quy định; chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch hàng năm của cấp xã; thành lập Ban Chỉ đạo của huyện (gồm lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại diện các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp) để chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án;

- Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp liên quan; doanh nghiệp giúp đỡ huyện nghèo thực hiện đề án.

IX. CÁC PHỤ LỤC

Phụ lục số 1. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và xoá đói giảm nghèo;

Phụ lục số 2: Nhu cầu vốn thực hiện đề án và hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng của đề án.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1845/BKHĐT-KTĐPLT năm 2013 về xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện giai đoạn 2013-2017 do Bộ kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 1845/BKHĐT-KTĐPLT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/03/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Đào Quang Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản