Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 507/BTP-PLDSKT
V/v đẩy mạnh việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp.

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020 là “Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn và dành nguồn lực thích đáng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Đồng thời, tại Văn bản số 98/VPCP-TH của Văn phòng Chính phủ thông báo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026 theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị: tại các cuộc họp của Bộ Tư pháp với đại diện các bộ, ngành, tổ chức có liên quan về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, các hội nghị triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP tại một số địa phương và kết quả khảo sát về công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV do Bộ Tư pháp, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 585) tổ chức vào cuối năm 2019, Bộ Tư pháp đề nghị:

1. Đối với bộ, cơ quan ngang bộ:

1.1. Rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

1.2. Khẩn trương công bố công khai Mạng lưới tư vấn viên pháp luật (là một bộ phận của mạng lưới tư vấn viên theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) của Quý bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu về văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và triển khai thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (bao gồm: thông báo công khai địa chỉ đơn vị đầu mối (tổ chức pháp chế), phương thức điện tử tiếp nhận hồ sơ đề nghị trên cổng thông tin điện tử...).

1.3. Quan tâm bố trí nhân sự và kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

2.1. Chỉ đạo Sở Tư pháp làm đầu mối tham mưu, triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương, trong đó cần đề xuất xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

2.2. Cân đối, bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân ban hành chính sách (nghị quyết) về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại địa phương.

2.3. Chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan bố trí cán bộ làm đầu mối công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

3. Về xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026

Bộ Tư pháp đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp chủ động đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV từ thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Quý cơ quan, của Chương trình 585 trong thời gian qua để gửi đến Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2026; trong đó, cần tập trung vào các vấn đề sau:

3.1. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và trong quá trình triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nói riêng;

3.2. Các đề xuất, kiến nghị liên quan, bao gồm đề xuất cụ thể các nhóm hoạt động liên quan, gồm: (i) cung cấp thông tin; (ii) bồi dưỡng kiến thức pháp luật; và (iii) tư vấn pháp luật cho DNNVV để Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2026.

Văn bản của Quý cơ quan về các nội dung nêu tại Mục 3 Công văn này (và bản điện tử), xin gửi về Bộ Tư pháp trước 30/4/2020.

Trong trường hợp cần trao đổi thêm các thông tin liên quan, xin liên hệ: Đ/c Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội (ĐT: 024.62739640; ĐT: 098.777.0769, email: sontm@moj.gov.vn)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ; STP tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp t/h);
- Trang TTĐT Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PLDSKT (LĐAS&TH, Sơn).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu