Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5003 TC/TCT
V/v chính sách thuế

Hà nội, ngày 30 tháng 11 năm 2000

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Tổng cục Hải quan

Trả lời công văn số 3751/UB-TM ngày 2/10/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về những kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

I/ Chính sách thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu:

1/ Hàng tạm nhập - tái xuất:

1.1/ Hàng tạm nhập - tái xuất theo giấy phép của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh:

Theo quy định tại Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ thì hàng hoá được Bộ Thương mại cho phép tạm nhập để tái xuất khẩu được hoàn lại thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu khi tái xuất khẩu.

Tại Thông tư số 172/1998/TT/BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993, số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập - tái xuất, hàng ủy thác cho phía nước ngoài, trong hồ sơ xin hoàn thuế phải có giấy phép nhập khẩu do Bộ Thương mại (hoặc cơ quan được ủy quyền) cấp, ghi rõ hàng tạm nhập - tái xuất. Như vậy, đối với những trường hợp này, nếu giấy phép do cơ quan Hải quan cấp được Bộ Thương mại ủy quyền thì được giải quyết hoàn lại thuế nhập khẩu.

Đối với hàng tạm nhập để tái xuất khẩu theo các hình thức kinh doanh khác - do cơ quan Hải quan cấp giấy phép thì không được giải quyết hoàn thuế nhập khẩu. Việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu đối với các trường hợp này là vượt quá thẩm quyền của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp giải quyết phù hợp.

1.2/ Theo quy định tại Thông tư số 172/1998/TT/BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính nêu trên thì hàng tạm nhập khẩu để tái xuất theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập - tái xuất và một số hình thức kinh doanh khác được xét hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu khi tái xuất. Trường hợp nhập khẩu nữ trang vàng 18K có gắn đá quý để làm mẫu phục vụ cho việc dạy nghề, sau đó xuất khẩu và trường hợp nhập khẩu hàng sau đó xuất khẩu kèm theo sản phẩm xuất khẩu khác nhằm mục đích khuyến mại không thuộc các hình thức kinh doanh quy định tại Thông tư số 172/1998/TT/BTC nêu trên, vì vậy không thuộc diện được xét hoàn lại thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính sẽ trao đổi ý kiến với Bộ Thương mại để sửa đổi quy định này cho phù hợp.

1.3/ Trường hợp tạm nhập - tái xuất bao bì đóng gói hàng xuất khẩu:

Bao bì nhập khẩu để đóng gói hàng xuất khẩu thực chất là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi nhập khẩu bao bì lại kê khai theo hình thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất hoặc cơ quan cho phép xuất nhập khẩu hàng hoá lại chỉ định hình kinh doanh xuất nhập khẩu là tạm nhập tái xuất nên có vướng mắc về hồ sơ khi giải quyết hoàn thuế. Do đó, đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện quy trình quản lý và hoàn thuế nhập khẩu đối với bao bì nhập khẩu để đóng gói hàng xuất khẩu theo quy định đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu (quy định tại tiết g điểm 1 mục I phần E Thông tư số 172/1998/TT/BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính).

1.4/ Trường hợp tạm nhập - tái xuất phụ tùng sửa chữa tàu biển: Về việc nhập khẩu thiết bị, phụ tùng để sửa chữa tàu biển nước ngoài trong thời gian neo đậu tại cảng biển Việt Nam, đây là trường hợp đặc thù và đã được Bộ Tài chính có ý kiến tại công văn số 2351 TC/TCT ngày 9/6/2000 (có bản photocopy gửi kèm). Đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn, chỉ đạo Cục Hải quan địa phương thực hiện thống nhất.

2. Đối với trường hợp phân loại mã số hàng nhập khẩu:

Danh mục Biểu thuế nhập khẩu hiện hành về cơ bản được xây dựng trên Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Hội đồng hợp tác Hải quan thế giới. Hàng hoá của Danh mục này được phân loại theo cấu tạo, tính chất, đặc điểm của nhóm, phân nhóm sản phẩm. Một mặt hàng chỉ được xếp vào một mã số và có một mức thuế suất. Để phân loại mã số một mặt hàng phải căn cứ vào cấu tạo, đặc điểm, tính chất…của mặt hàng đó, căn cứ Biểu thuế nhập khẩu hiện hành và các nguyên tắc phân loại hàng hoá theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu quy định tại Thông tư số 37/1999/TT/BTC ngày 7/4/1999 của Bộ Tài chính. Trường hợp trong quá trình làm thủ tục, cơ quan Hải quan thực hiện đúng quy trình hành thu đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 383/1998/TCHQ-QĐ ngày 17/11/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

3. Đối với trường hợp hàng hoá phải trưng cầu giám định: Trường hợp phải trưng cầu giám định lần thứ 2 mà kết quả này lại khác kết quả giám định ban đầu, trong khi chờ kết quả giám định cuối cùng, cơ quan Hải quan tự quyết định căn cứ vào kết quả giám định nào để tạm phân loại mã số (không chỉ căn cứ vào kết quả giám định có mức thuế suất thấp) và thu thuế nhập khẩu, sau đó báo cáo xin ý kiến cơ quan cấp trên về các vướng mắc đề xử lý thống nhất việc phân loại mã số.

4. Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu:

4.1/ Về việc giải quyết không thu thuế giá trị gia tăng: Căn cứ Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu theo hợp đồng với nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp doanh nghiệp đem bán hoặc xuất dùng vào mục đích khác phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp như quy định đối với hàng hoá do doanh nghiệp kinh doanh. Thủ tục giải quyết không thu thuế giá trị gia tăng, đề nghị làm việc với Tổng cục Hải quan để được giải quyết cụ thể.

4.2/ Trường hợp thanh toán qua Công ty mẹ và Công ty mẹ sẽ cấn trừ nợ nên doanh nghiệp không bổ sung được chứng từ thanh toán cho lô hàng xuất khẩu: Về vấn đề bổ sung chứng từ thanh toán các lô hàng xuất khẩu khi xét hoàn thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã có công văn số 1482 TC/TCT ngày 11/4/2000 hướng dẫn thực hiện. Mọi hình thức thanh toán đối với lô hàng xuất khẩu đều phải thực hiện trên hợp đồng mua bán với khách hàng nước ngoài. Trường hợp xuất khẩu cho Công ty mẹ ở nước ngoài theo hình thức thanh toán cấn trừ thì cũng phải được thể hiện trên hợp đồng ngoại thương (hoặc thỏa thuận) và hàng năm phải có bản xác nhận đối chiếu công nợ với Công ty mẹ để nộp cho cơ quan Hải quan làm cơ sở đối chiếu, kiểm tra sau khi hoàn thuế theo chế độ quy định. trường hợp không thoả thuận hoặc bản xác nhận đối chiếu công nợ không hợp pháp hợp lệ thì sẽ bị truy thu số thuế nhập khẩu đã được hoàn.

5. Những vướng mắc được nêu tại điểm II.4, II.5, II.6 trong công văn của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Hải quan. Đề nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến giải quyết cụ thể.

II/ Về thuế thu nhập cá nhân:

Về thuế suất, Biểu thuế thu nhập của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định. Trong quá trình thực hiện, Biểu thuế thu nhập đã được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên việc điều tiết của cá nhân có ý kiến cho rằng còn cao. Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế và nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập bổ sung đối với người Việt Nam để phù hợp với tình hình thực tế và khuyến khích người lao động.

Để đảm bảo công bằng thì cá nhân có thu nhập khoản tiền thưởng hoa hồng tiêu thụ hàng hoá phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Quá trình sản xuất và tiêu thụ liên quan đến nhiều yếu tố như thị trường, giá cả, chất lượng…Do đó, không thể kết luận rằng thuế thu nhập cá nhân khoản tiền thưởng hoa hồng tiêu thụ làm triệt tiêu động lực thúc đẩy bán hàng.

III/ Về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Theo quy định của Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế bao gồm cả chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp dân, khánh tiết, giao dịch, đối ngoại, chi phí hội nghị và các khoản chi khác có liên quan đến sản xuất kinh doanh và phải có chứng từ theo quy định nhưng không vượt mức khống chế quy định: Không quá 7% trên tổng chi phí hợp lý cho hai năm đầu mới thành lập đi vào sản xuất kinh doanh, sau đó không quá 5% trên tổng chi phí hợp lý (đối với hoạt động thương nghiệp trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra). Mức chi phí này được xây dựng trên cơ sở thực tế tại Việt nam để đảm bảo nhu cầu chi tiêu nêu trên và thực hiện tiết kiệm chi phí.

IV/ Về thuế giá trị gia tăng:

1/ Hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Mức thuế suất này phù hợp vì đây là mặt hàng tiêu dùng. để khuyến khích phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, ví dụ: cho người sản xuất vay vốn ưu đãi, quy định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là 0%…

2/ Thuế giá trị gia tăng đối với phần mềm tin học:

Để khuyến khích sản xuất phần mềm máy tính, ngày 27/9/2000 Chính phủ đã có công văn số 881 PC/CP trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ, trong đó có bổ sung phần mềm máy tính bán trong nước thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp xuất khẩu thì phần mềm máy tính được áp dụng mức thuế suất 0% (Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ hoặc hoàn lại theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng).

3/ Theo quy định tại Thông tư số 91/1999/TT-BTC ngày 23/7/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá gia công xuất khẩu thì trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng gia công với nước ngoài theo hình thức gia công chuyển tiếp hoặc ủy thác gia công xuất khẩu nếu có đủ thủ tục hồ sơ như quy định tại Thông tư này sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Các trường hợp nhận sản phẩm để gia công tiếp, được xác định như tiêu thụ nội địa phải nộp thuế GTGT. Khi xuất khẩu, đơn vị xuất khẩu sẽ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 9% và sẽ được hoàn thuế GTGT theo quy định.

Bộ Tài chính trả lời để Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được biết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Phạm Văn Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5003 TC/TCT về chính sách thuế do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 5003TC/TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/11/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản