Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5002/BKHĐT-PTDN
V/v duy trì/không duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn”

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian vừa qua, một số địa phương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hướng dẫn về việc tăng vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” đã cổ phần hóa trước khi Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành.

Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương báo cáo đánh giá về nội dung này, cụ thể như sau:

1. Quy định pháp lý về tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại các DNNN hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn”.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTgđiểm 1 Mục III Phụ lục kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” thuộc danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

- Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định: “2. Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Tiêu chí phân loại kèm theo Quyết định này, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác”.

- Ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” sẽ giữ nguyên phần vốn nhà nước trong giai đoạn 2022 - 2025 (Mục 2 Phụ lục III Quyết định số 1479/QĐ-TTg).

- Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” không thuộc ngành, lĩnh vực được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần.

2. Vướng mắc trong việc duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cấp nước đã cổ phần hóa:

- Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020, điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua: “1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định: a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;”

+ Đối với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 35% vốn điều lệ trở xuống: Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp thực hiện theo Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông/hội đồng quản trị, cổ đông nhà nước (nắm giữ dưới từ 35% vốn điều lệ trở xuống) không có vai trò, quyền phủ quyết đối với các quyết định của đại hội đồng cổ đông/hội đồng quản trị, theo đó không có căn cứ để đảm bảo tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 35% vốn điều lệ: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn, cổ đông Nhà nước có quyền không biểu quyết các quyết định của đại hội đồng cổ đông/hội đồng quản trị trong trường hợp các cổ đông khác (sở hữu dưới 65% vốn điều lệ) thực hiện biểu quyết đối với nội dung này để đảm bảo phù hợp với quy định tại Mục 2 Phụ lục III Quyết định số 1479/QĐ-TTg và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc không biểu quyết của cổ đông Nhà nước có thể ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo cung cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.

3. Kiến nghị, đề xuất:

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương:

(i). Rà soát, báo cáo tình hình hoạt động (trước cổ phần hóa, sau cổ phần hóa), tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” đang được giao quản lý.

(ii). Đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị giải pháp về việc duy trì/không duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

(iii). Có quan điểm, ý kiến về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” từ địa phương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 6818/VPCP-ĐMDN ngày 12/10/2022 của Văn phòng Chính phủĐề nghị Quý Cơ quan gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) trước ngày 07/7/2023 để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Tài chính, Xây dựng và Tư pháp (để phối hợp);
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (để b/c);
- Lưu: VT, PTDN.(Thảo)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Duy Đông