Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4983/TCT-CS
V/v chính sách thuế tài nguyên

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Gia Lai.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1343/CTGLA-NVDTPC ngày 30/06/2023 của Cục Thuế tỉnh Gia Lai về vướng mắc tính thuế tài nguyên khai thác đá. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thuế tài nguyên đối với đá xây dựng:

1.1. Trường hợp sau khi nổ mìn, bán ra toàn bộ mà không đưa vào đập nghiền nêu tại điểm 1.1:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC, đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên khai thác trong kỳ tính thuế. Trường hợp doanh nghiệp khai thác đá sau nổ mìn thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mỗi loại theo hướng dẫn tại Ví dụ 1 khoản 1 Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm của từng loại đá (đá dăm, đá hộc, đá xô bồ) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Gia Lai căn cứ các quy định nêu trên để xác định thuế tài nguyên đối với trường hợp khai thác đá sau khi nổ mìn thu được đá dăm, đá hộc, đá xô bồ sau đó bán ra toàn bộ (không đưa vào đập nghiền) theo đúng quy định của pháp luật.

1.2. Trường hợp sau khi nổ mìn ra đá xô bồ, bán ra một phần, còn lại đập, nghiền rồi mới bán ra nêu tại điểm 1.2:

- Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 5 và khoản 1, khoản 3 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên;

- Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ)

Căn cứ các quy định nêu trên, tùy thuộc vào mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ, hàng tháng, doanh nghiệp khai thác, chế biến đá thực hiện kê khai nộp thuế tài nguyên phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác đá làm vật liệu xây dựng, sau nổ mìn thu được đá xô bồ, một phần sản lượng đá xô bồ được bán ra ngay sau khi khai thác, phần còn lại được đưa vào xay nghiền thành đá các ly (vật liệu xây dựng thông thường) mới bán ra thì sản lượng tính thuế kê khai trong kỳ là sản lượng quy về đá xô bồ, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị của đá xô bồ (nếu thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định).

Trường hợp trong kỳ kê khai không bán ra sản phẩm đá xô bồ thì cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện kê khai thuế tài nguyên theo sản lượng và giá bán của từng loại đá bán ra hoặc quy ra sản lượng của loại đá có sản lượng bán ra lớn nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC. Giá tính thuế tài nguyên được xác định theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Gia Lai căn cứ hồ sơ cụ thể để hướng dẫn Công ty thực hiện kê khai thuế tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật.

1.3. Một số trường hợp đặc thù nêu tại điểm 1.3:

- Trường hợp Công ty khai thác đá trong năm đầu chưa có sản lượng đá bán ra nêu tại điểm 1.3.1:

Giá tính thuế tài nguyên thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật thuế tài nguyên, Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CPkhoản 4 Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp công ty khai thác đá trong năm đầu không có sản lượng bán ra, không xác định được giá bán sản phẩm tài nguyên thì giá tính thuế tài nguyên là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

- Việc kê khai, quyết toán thuế tài nguyên nêu tại 1.3.2:

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, điểm d khoản 1, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CPkhoản 4 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 9 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, thuế tài nguyên thuộc loại khai theo tháng, quyết toán theo năm. Hàng tháng, người nộp thuế thực hiện khai thuế đối với toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng (không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến). Khi thực hiện quyết toán thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế là tổng sản lượng tài nguyên khai thác trong năm không phân biệt tồn kho hay đang trong quá trình chế biến hoặc vận chuyển.

Pháp luật về thuế tài nguyên và quản lý thuế không có quy định về việc xác định lại số thuế tài nguyên đối với sản lượng tài nguyên khai thác đã kê khai, quyết toán thuế tài nguyên trong năm trước, năm sau đưa vào đập, nghiền, ra các sản phẩm có giá bán cao hơn.

2. Về thuế tài nguyên đối với đá Granit:

2.1. Về căn cứ xác định sản phẩm công nghiệp nêu tại điểm 2.1.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC, việc xác định sản phẩm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải sản phẩm công nghiệp thuộc thẩm quyền của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành. Việc xác định sản phẩm có phải là sản phẩm công nghiệp hay không không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính (cơ quan thuế các cấp).

2.2. Trường hợp bán ra một phần đá Granit khối, phần còn lại đưa vào sản xuất thành đá Granit ốp lát nêu tại điểm 2.2.

Tương tự trường hợp khai thác đá sau nổ mìn thu được đá xô bồ, một phần sản lượng đá xô bồ được bán ra ngay sau khi khai thác, phần còn lại được đưa vào xay nghiền thành đá các ly mới bán ra tại điểm 1.2 nêu trên, đề nghị Cục Thuế tỉnh Gia Lai căn cứ quy định của pháp luật và mô hình khai thác, chế biến, tình hình kinh doanh thực tế để xác định thuế tài nguyên đối với trường hợp bán một phần đá Granit khối, phần còn lại đưa vào sản xuất thành đá granit ốp lát theo đúng quy định của pháp luật.

2.3. Về thuế tài nguyên với Đá Granit ốp lát khi xác định là sản phẩm công nghiệp nêu tại điểm 2.3.

Việc xác định giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ) và khoản 3 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp giá tính thuế mà NNT xác định thấp hơn giá tính thuế tại Bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định thì áp dụng giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Gia Lai được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c):
- Vụ CST, Vụ Pháp chế (BTC);
- Vụ Pháp chế (TCT);
- Website TCT;
- Lưu: VT, CS.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Hoàng Thị Hà Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4983/TCT-CS năm 2023 về chính sách thuế tài nguyên do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 4983/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/11/2023
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Hoàng Thị Hà Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản