Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4942/BTC-QLKT
V/v kiến nghị của Bà Trần Thị Kiều Ly - Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam - TP Hà Nội

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Trả lời công văn số 2686/VPCP-ĐMDN ngày 04/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc của Bà Trần Thị Kiều Ly - Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Showa Việt Nam (Thành phố Hà Nội) về việc hiểu về quy định hóa đơn, chứng từ kế toán, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về hóa đơn, chứng từ kế toán:

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Luật Kế toán:

“3. Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.”

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Kế toán:

“1. Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;

b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;

c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;

d) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;

đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;

g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.”

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Luật Kế toán:

“1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.”

2. Về dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định:

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán:

“5. Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật kế toán ra tiếng Việt. Đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của nội dung chứng từ kế toán được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Bản chứng từ kế toán dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.

Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác của đơn vị kế toán không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Trên đây là quy định của pháp luật liên quan đến chứng từ kế toán và dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, đề nghị độc giả nghiên cứu và thực hiện theo quy định nêu trên./.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý đơn vị./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu VT, QLKT. (6b)

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ, GIÁM SÁT KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN




Vũ Đức Chính