Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 4543/BTC-QLN
V/v bổ sung vốn cho Chương trình “Thoát nước và xử lý nước thải” tại các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình sử dụng vốn vay ODA của CP Đức

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Tài chính nhận được các văn bản số 1205/UBND-KTN ngày 13/12/2016 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn, văn bản số 400/TTr-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh Sơn La, văn bản số 206/UBND-CNXD ngày 2/3/2017 của UBND tỉnh Hòa Bình giải trình về việc thẩm định nguồn vốn và đề xuất điều chỉnh dự án nằm trong Chương trình “Thoát nước và xử lý nước thải tại các tỉnh, thành phố” (Chương trình) sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức và văn bản số 938/BKHĐT-KTĐN ngày 10/2/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có ý kiến về chủ trương điều chỉnh Chương trình. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về chủ trương bổ sung vốn vay ODA của Chính phủ Đức (thông qua KfW) cho Chương trình:

- Bộ Tài chính đã có công văn số 7923/BTC-QLN ngày 10/6/2016 góp ý về đề xuất điều chỉnh danh mục các dự án thuộc Chương trình. Theo đó, tại thời điểm góp ý, tiến độ giải ngân của các dự án rất chậm (khoảng 9% so với số vốn vay phân bổ cho các dự án). Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và tránh làm tăng nghĩa vụ trả nợ của Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã đề nghị các tỉnh tập trung sử dụng số vốn vay đã được phân bổ cho các dự án, không thực hiện điều chỉnh danh mục các dự án ở thời điểm tỷ lệ giải ngân các dự án rất thấp.

- Đến nay, qua rà soát, tỷ lệ giải ngân của các dự án đã có sự cải thiện (chiếm khoảng 23,5% số vốn vay phân bổ cho các dự án), riêng năm 2016 đã sử dụng hết kế hoạch vốn nước ngoài phân bổ cho các dự án.

- Theo giải trình của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, việc bổ sung vốn nhằm hoàn thiện toàn bộ mạng lưới hệ thống thoát nước, phát huy được hiệu quả đồng bộ của dự án. Bên cạnh đó, đây là khoản vay IDA (vốn vay ODA ưu đãi nhất của Chính phủ Đức với lãi suất vay 0,75%/năm, thời gian vay 40 bao gồm 10 năm ân hạn) cuối cùng của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam tài trợ cho lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.

Vì vậy, Bộ Tài chính nhận thấy có thể thống nhất chủ trương bổ sung vốn vay ODA cho Chương trình với điều kiện các chủ dự án chịu trách nhiệm và đảm bảo được các nguyên tắc sau:

- Rà soát lại các nội dung đầu tư cụ thể (bao gồm cả nội dung trượt giá), chỉ bổ sung vốn cho các hoạt động thực sự cần thiết, sử dụng nguồn vốn vay, nước ngoài của Chính phủ hiệu quả và tiết kiệm.

- Các dự án được tổng hợp vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, được bố trí kế hoạch vốn nước ngoài đầy đủ hàng năm để đảm bảo tiến độ thực hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Đầu tư công và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, chỉ sử dụng vốn vay nước ngoài cho các mục tiêu đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi hành chính sự nghiệp.

- Số vốn vay bổ sung cần áp dụng cơ chế cho vay lại một phần vốn vay nước ngoài. Do đó, đề nghị các địa phương chủ động rà soát, đảm bảo trong hạn mức huy động vốn quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

2. Về góp ý một số nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư:

2.1. Về vấn đề tài chính của Chương trình:

a. Cơ chế tài chính trong nước của Chương trình:

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và công văn số 786/TTg-KTTN ngày 11/5/2016 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng cơ chế cho vay lại các tỉnh tham gia thực hiện Dự án một phần và cấp phát một phần từ Ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ cho vay lại sẽ được xác định cụ thể theo quy định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh, thành phố được trực thuộc trung ương.

Qua rà soát, theo phương án dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, trong 03 địa phương tham gia Dự án, chỉ có tỉnh Sơn La được phép bội chi Ngân sách Địa phương, tỉnh Hòa Bình và Lạng Sơn đã không còn hạn mức vay năm 2017.

Theo Hiệp định tài chính năm 2013 ký giữa Bộ Tài chính và Đại sứ quán Đức, khoản tài trợ này của Chính phủ Đức sẽ hết cam kết hiệu lực vào cuối năm 2020. Đề nghị UBND các tỉnh chủ động rà soát chủ động hạn mức vay nợ của tỉnh đối với phần vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài bổ sung và thống nhất một thời điểm để tiếp cận khoản vay này phù hợp, đảm bảo hạn mức vay nợ của các địa phương tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

b. Về vốn đối ứng:

- Tổng nguồn vốn đối ứng phải bố trí cho các dự án là rất lớn trong khi 03 tỉnh thực hiện dự án là các tỉnh miền núi, khó khăn về ngân sách. Do đó đề nghị các tỉnh rà soát, cắt giảm chi phí các hạng mục không cần thiết để đảm bảo khả năng bố trí vốn đối ứng cho dự án.

- Đề nghị các tỉnh rà soát, có văn bản cam kết tự bố trí vốn đối ứng bổ sung (không bố trí vốn đối ứng từ ngân sách trung ương) và tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn của Dự án vào kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hàng năm của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2015 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

2.2. Về các nội dung đề xuất điều chỉnh:

- Đối với nguyên nhân bù trượt tỷ giá: Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 27/5/2015 về phê duyệt danh mục dự án tại 03 tỉnh của Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ phần vốn vay KfW để dự phòng trượt giá và kỹ thuật nhưng chưa được đề cập và giải trình trong đề cương điều chỉnh lần này của các dự án. Trường hợp không có giải trình phù hợp, Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm nội dung này để hạn chế làm tăng nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước với nước ngoài.

- Đối với hạng mục đầu tư mở rộng mới hệ thống thu gom nước thải cho giai đoạn 1b: Đề nghị có giải trình cho phần khối lượng thực hiện bổ sung, địa điểm lựa chọn và chứng minh cụ thể cách tính toán cũng như dự toán chi tiết cho phần bổ sung này.

- Ngoài ra, cần có so sánh tổng thể sự thay đổi trước và sau điều chỉnh đối với từng hạng mục đầu tư (số vốn tăng, tỷ lệ tăng...) phân chia theo nguồn vốn vay, vốn viện trợ và vốn đối ứng để làm căn cứ cho các cơ quan liên quan xem xét, xác định tính hợp lý của đề xuất tăng vốn.

2.3. Các góp ý khác về đề xuất điều chỉnh:

- Đề nghị báo cáo rõ về tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài từ các Hiệp định vay đã ký và dự kiến từ phần vốn bổ sung này, hạn chế tối đa phí cam kết phát sinh do Hiệp định được ký kết nhưng chưa được giải ngân.

- Đối với dự án Thoát nước và xử lý nước thải tại tỉnh Lạng Sơn: Đề nghị xác định lại vai trò chủ dự án của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn (trước đây là doanh nghiệp nhà nước và hiện nay đã được cổ phần hóa) phù hợp với quy định của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

- Đối với thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, đề nghị UBND các tỉnh rà soát, đảm bảo thực hiện theo các quy định tại Điều 61 Luật Đầu tư công, Điều 21 và Điều 53-Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Điều 7-Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Điều 34-Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với UBND các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình nghiên cứu các góp ý trên về việc điều chỉnh Chương trình.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND tỉnh Sơn La;
- UBND tỉnh Lạng Sơn;
- UBND tỉnh Hòa Bình;
- Lưu: VT, QLN (9).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4543/BTC-QLN năm 2017 bổ sung vốn cho Chương trình “Thoát nước và xử lý nước thải” tại các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình sử dụng vốn vay ODA của Đức do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 4543/BTC-QLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/04/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản