Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4305/ĐKVN-TC
V/v hướng dẫn thực hiện Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính về thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới

Ngày 11 tháng 9 năm 2014, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 133/2014/TT-BTC hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (xin xem bản sao đính kèm). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014, thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Nhằm giúp các chủ phương tiện, người dân nắm rõ chủ trương của Nhà nước và thuận tiện trong việc khai, nộp phí đối với xe ô tô khi đến kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước thực hiện ngay các công việc sau đây:

- Niêm yết “Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ” ban hành kèm theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính với kích cỡ của bản niêm yết tối thiểu là A3 tại phòng chờ dành cho khách hàng đến kiểm định và phòng thu ngân ở vị trí khách hàng dễ quan sát.

- Trích dẫn quy định về các trường hợp phương tiện không chịu phí sử dụng đường bộ (Khoản 2, khoản 3 Điều 2), quy trình, thủ tục được trả lại hoặc bù trừ phí (Điều 10) và các phụ lục liên quan đến xe ô tô ban hành kèm theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính tại phòng chờ dành cho khách hàng đến kiểm định.

Để các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới nắm rõ các quy định mới tại Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý những vấn đề sau đây:

1. Về đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ mở rộng hơn so với các quy định trước đây, thêm các đối tượng sau:

- Xe bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe;

- Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên;

- Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống; giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.

2. Quy trình, thủ tục để được trả lại hoặc được bù trừ phí đối với xe được xác nhận thuộc đối tượng không chịu phí:

2.1. Đối với các xe ô tô bị hủy hoại do tai nạn, bị thiên tai, bị tịch thu, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe, bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên nếu đã nộp phí thì chủ phương tiện được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau.

- Đối với xe ô tô bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên trước khi mang xe đi sửa chữa, chủ phương tiện phải xuất trình Biên bản hiện trường tai nạn có xác nhận của cơ quan công an và nộp lại tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho cơ quan đăng kiểm gần nhất để có căn cứ trả lại phí sau khi phương tiện hoàn thành việc sửa chữa và kiểm định lại để tiếp tục lưu hành.

- Khi chủ phương tiện muốn được hoàn trả phí hoặc bù trừ phí vào kỳ sau thì ngoài việc phải làm Giấy đề nghị (theo mẫu quy định) còn phải cung cấp bản phô tô các giấy tờ chứng minh thời gian không được sử dụng phương tiện (như: Quyết định tịch thu hoặc tạm giữ xe của cơ quan có thẩm quyền, văn bản thu hồi giấy đăng ký và biển số xe), bản phô tô biên lai thu phí đã nộp. Riêng đối với các xe bị tai nạn phải sửa chữa, ngoài các giấy tờ nêu trên, chủ phương tiện còn phải cung cấp Biên bản thu tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Thời gian tính trả lại hoặc bù trừ phí từ thời điểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định. Khi nộp hồ sơ, đối với các giấy tờ phô tô, người đề nghị trả phí phải mang theo bản chính để cơ quan đăng kiểm đối chiếu.

- Chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị trả phí, căn cứ hồ sơ đề nghị trả phí của chủ phương tiện, thủ trưởng cơ quan đăng kiểm phải ra Quyết định trả phí hoặc Thông báo về việc không được trả phí cho chủ phương tiện.

2.2. Đối với xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.

* Khi tạm dừng lưu hành:

- Doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm: Đơn xin tạm dừng lưu hành (theo mẫu quy định) và bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ (kiểm tra các điều kiện: Các xe đề nghị tạm dừng lưu hành là xe kinh doanh vận tải và thuộc sở hữu của doanh nghiệp; thời gian đề nghị tạm dừng lưu hành của từng xe phải liên tục từ 30 ngày trở lên).

- Khi hồ sơ đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải ký xác nhận vào Đơn xin tạm dừng lưu hành, đồng thời lập Biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có).

- Doanh nghiệp lập hồ sơ nộp cho cơ quan đăng kiểm xe cơ giới bao gồm: Đơn xin nghỉ lưu hành bản chính (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải); biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có); biên lai thu phí sử dụng đường bộ (bản sao).

- Hồ sơ đủ điều kiện, cơ quan đăng kiểm lập Biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ. Trường hợp doanh nghiệp chưa nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe đề nghị tạm dừng lưu hành tính đến thời điểm tạm dừng lưu hành thì phải nộp đủ phí sử dụng đường bộ tính đến thời điểm dừng lưu hành.

* Khi doanh nghiệp muốn lưu hành lại:

- Doanh nghiệp gửi cơ quan đăng kiểm (nơi đã nộp hồ sơ đề nghị dừng lưu hành) hồ sơ đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ, gồm: Đơn đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ (theo mẫu quy định), biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ (bản chính).

- Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo hoặc số ngày thực tế xe dừng lưu hành (chưa đảm bảo thời gian liên tục trên 30 ngày) thì cơ quan đăng kiểm ra Thông báo chưa đủ điều kiện xét thuộc diện không chịu phí. Nếu doanh nghiệp vẫn đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ để được lưu hành xe thì thời gian dừng lưu hành xe đó không đủ điều kiện thuộc diện không chịu phí. Cơ quan đăng kiểm xem xét cấp lại tem nộp phí và tính số tiền phí phải nộp (nếu có).

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thời gian xe tạm dừng liên tục trên 30 ngày, cơ quan đăng kiểm tính toán số phí được bù trừ, số phí phải nộp bổ sung (nếu có) trên cơ sở mức thu của một tháng chia cho 30 ngày và nhân với số ngày nghỉ lưu hành, cụ thể như sau:

+ Trường hợp xe chưa được nộp phí kể từ ngày dừng lưu hành thì số phí phải nộp sẽ được tính từ thời điểm đăng ký lưu hành trở lại cho đến chu kỳ đăng kiểm tiếp theo, theo quy định.

+ Trường hợp xe đã được nộp phí thì sẽ được bù trừ số phí tương ứng trong thời gian nghỉ lưu hành vào số tiền phí phải nộp của kỳ tiếp theo. Cơ quan đăng kiểm ký Quyết định bù trừ phí sử dụng đường bộ và cấp tem nộp phí tính theo số tiền phí được bù trừ.

Ví dụ 1: Ngày 01/01/2015, doanh nghiệp X nộp phí cho xe ô tô với chu kỳ 18 tháng (đến ngày 30/6/2016). Sau 01 tháng hoạt động, doanh nghiệp xin dừng hoạt động xe và được cơ quan quản lý cho dừng hoạt động 11 tháng, ngày 01/01/2016, khi xe đăng ký lưu hành trở lại, cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí có thời hạn từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/5/2017 (cộng thêm 11 tháng kể từ ngày 30/6/2016).

Ví dụ 2: Cũng với giả định nêu trên, doanh nghiệp X xin dừng hoạt động xe 20 tháng (từ ngày 01/02/2015 đến ngày 30/9/2016). Đến ngày 01/10/2016, doanh nghiệp xin lưu hành xe, cơ quan đăng kiểm tính cấp tem nộp phí tính từ ngày 01/10/2016 đến 28/02/2018 (17 tháng).

- Trường hợp số tiền được bù trừ nhỏ hơn số phí phải nộp của kỳ nộp phí sau thì doanh nghiệp phải nộp số phí bổ sung cho khoảng thời gian chênh lệch giữa thời gian phải nộp phí theo chu kỳ và thời gian được tính đối trừ phí, cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí theo đúng kỳ nộp phí và cấp biên lai thu phí theo số tiền phải nộp bổ sung.

Ví dụ 3: Doanh nghiệp Y có xe ô tô đã nộp phí 12 tháng. Sau khi nộp phí 05 tháng, xe dừng hoạt động 07 tháng. Đến hết 12 tháng, Doanh nghiệp Y đưa xe vào hoạt động, được cơ quan đăng kiểm quyết định cho bù trừ phí vào kỳ sau. Kỳ nộp phí sau là 12 tháng, doanh nghiệp Y sẽ được bù trừ số phí của 07 tháng đã nộp (tương ứng thời gian nghỉ lưu hành) và phải nộp phí bổ sung thêm 05 tháng. Cơ quan đăng kiểm cấp tem nộp phí 12 tháng và cấp biên lai thu phí theo số tiền doanh nghiệp nộp 05 tháng.

2.3. Đối với xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) lập hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải gồm:

- Đơn đề nghị xác nhận xe ô tô không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp và xe dùng để sát hạch thuộc sở hữu của doanh nghiệp (theo mẫu quy định); Bản sao giấy đăng ký kinh doanh; Bản sao giấy đăng ký xe (của từng xe đề nghị);

- Sở Giao thông vận tải tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đủ điều kiện xem xét, Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra thực tế doanh nghiệp và xác nhận vào Đơn đề nghị nếu các phương tiện đủ điều kiện theo nội dung kê khai của doanh nghiệp. Trường hợp kết quả kiểm tra không đúng với đơn đề nghị, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, để Sở Giao thông vận tải xác nhận.

- Doanh nghiệp nộp 01 bản Đơn đề nghị (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải) cho cơ quan đăng kiểm, nơi doanh nghiệp đưa xe đến kiểm định.

- Khi đăng kiểm xe, doanh nghiệp nộp bản sao Đơn đề nghị (có đóng dấu chứng thực của doanh nghiệp). Cơ quan đăng kiểm kiểm tra, đối chiếu với Đơn đề nghị có dấu xác nhận của Sở Giao thông vận tải, nếu phù hợp sẽ không thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe này kể từ ngày Sở Giao thông vận tải xác nhận.

- Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nếu có sự tăng thêm về số lượng xe thuộc đối tượng này, doanh nghiệp làm đơn đề nghị xác nhận bổ sung gửi Sở Giao thông vận tải theo thủ tục nêu trên.

- Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cho phép lưu hành xe trên hệ thống giao thông đường bộ (từ diện không chịu phí sang chịu phí), doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Giao thông vận tải và cơ quan đăng kiểm. Sau đó, đến cơ quan đăng kiểm nộp phí sử dụng đường bộ để được tham gia giao thông. Cơ quan đăng kiểm kiểm tra, tính và thu phí cho phương tiện kể từ ngày chủ phương tiện đến đăng ký lưu hành trở lại.

Lưu ý: các xe ô tô nêu tại điểm này khi đi kiểm định, cơ quan đăng kiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận ATKT & BVMT, không cấp Tem kiểm định theo Quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BGTVT .

3. Một số thay đổi tại biểu mức phí:

- Bỏ quy định về thu phí đối với rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc (bỏ nhóm 3, 5, 7, 9 trong Biểu mức phí của TT197 trước đây);

- Điều chỉnh tăng mức phí đối với xe đầu kéo + trọng lượng cho phép kéo theo (thêm nhóm với xe đầu kéo + trọng lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên).

- Các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng đều thu ở mức phí xe dưới 10 chỗ (của tổ chức) và xe tải dưới 4.000 kg.

- Thêm nhóm xe chở hàng 04 bánh có gắn động cơ vào nhóm xe dưới 10 chỗ (của tổ chức) và xe tải dưới 4.000 kg.

4. Nộp phí theo năm dương lịch hoặc theo tháng

Ngoài phương thức nộp phí theo kỳ đăng kiểm, tại Thông tư này Bộ Tài chính còn cho phép chủ phương tiện có thể nộp phí theo năm dương lịch hoặc theo tháng, cụ thể như sau:

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu khai, nộp phí theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến cơ quan đăng kiểm và thực hiện khai, nộp phí theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình. Hàng năm, trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng kiểm khai, nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, cơ quan thu phí cấp Tem nộp phí cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện khai, nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi cơ quan đăng kiểm và thực hiện khai, nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đến cơ quan đăng kiểm (đã đăng ký khai, nộp theo tháng) khai, nộp phí cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, cơ quan thu phí cấp Tem nộp phí tương ứng thời gian nộp phí.

5. Về quy định chuyển tiếp:

- Đối với xe ô tô tạm dừng lưu hành từ 30 ngày trở lên, xe chạy trong nội bộ doanh nghiệp không tham gia giao thông đường bộ, xe đào tạo sát hạch lái xe chưa nộp phí tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải nộp phí cho thời gian này với mức thu phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012 TT-BTC.

- Đối với xe ô tô đã nộp phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC nhưng thuộc trường hợp không chịu phí hoặc được điều chỉnh mức thu phí theo quy định tại Thông tư này sẽ được đối trừ hoặc trả lại phí, cụ thể như sau:

+ Đối với xe đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc: Trường hợp đã nộp phí theo mức thu quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC , tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được đối trừ phí như sau: Số tiền phí được đối trừ = Số tiền phí đã nộp của rơ moóc, sơ mi rơ moóc (= Mức thu theo Thông tư 197/2012/TT-BTC x Số tháng đã nộp phí) - Số tiền phí phải nộp bổ sung đối với xe đầu kéo (=(Mức thu theo Thông tư này - Mức thu theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC) x Số tháng đã nộp phí).

Trường hợp số tiền phí được đối trừ nhỏ hơn 0 (âm) thì chủ phương tiện phải nộp bổ sung. Trường hợp số tiền phí được đối trừ lớn hơn 0 (dương), mà không phát sinh số phí phải nộp của kỳ sau thì chủ phương tiện được trả lại phí. Thời hạn nộp bổ sung khi khai, nộp phí cho chu kỳ tiếp theo.

Ví dụ 3: ông A có 02 xe đầu kéo (mức phí là 390.000 đồng/tháng/xe) và 04 sơ mi rơ moóc (mức phí là 620.000 đồng/tháng/xe) đã nộp phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC đến ngày 31/12/2014.

Như vậy, số phí ông A đã nộp tính từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/12/2014 như sau: Đối với xe đầu kéo, số tiền phí đã nộp = 2 xe x 2 tháng x 390.000 đồng/tháng/xe = 1.560.000 đồng; đối với sơ mi rơ moóc, số tiền phí phải nộp = 4 xe x 2 tháng x 620.000 đồng/tháng/xe = 4.960.000 đồng.

Tổng cộng số phí đã nộp 02 tháng là: 6.520.000 đồng.

Thông tư này quy định: phí đối với xe đầu kéo là 1.040.000 đồng/tháng/xe sơ mi rơ moóc không chịu phí. Theo đó, tiền phí ông A phải nộp từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/12/2014 như sau: Xe đầu kéo = 2 xe x 2 tháng x 1.040.000 đồng/tháng/xe = 4.160.000 đồng.

Số tiền phí ông A được đối trừ cho kỳ nộp phí lần sau = 6.520.000 đồng - 4.160.000 đồng = 2.360.000 đồng.

+ Đối với xe ô tô không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã và xe dùng để sát hạch nếu đã nộp phí theo Thông tư 197/2012/TT-BTC tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được trừ vào số phí phải nộp đối với phương tiện khác. Trường hợp không phải nộp phí cho phương tiện khác, thì được trả lại số tiền đã nộp.

Ví dụ 4: Doanh nghiệp B có 02 xe tải chỉ vận chuyển than từ mỏ đến nơi sàng tuyển (trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp), theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC xe có mức phí là 590.000 đồng/tháng/xe, công ty đã nộp phí đến ngày 31/01/2015.

Như vậy, số phí Doanh nghiệp B đã nộp tính từ tháng 11/2014 đến tháng 01/2015 là: = 3 tháng x 2 xe x 590.000 đồng/tháng/xe = 3.540.000 đồng.

Theo Thông tư này, xe của Doanh nghiệp B không chịu phí. Số tiền phí Doanh nghiệp B sẽ được đối trừ cho số phí phải nộp của xe khác hoặc được trả lại số tiền đã nộp: 3.540.000 đồng.

+ Đối với xe buýt: Trường hợp đã nộp phí theo Thông tư 197/2012/TT-BTC tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi, thì chủ phương tiện được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau: Số tiền phí được đối trừ = (Mức thu theo Thông tư 197/2012/TT-BTC - Mức thu theo Thông tư này) x Số tháng đã nộp phí (thời gian theo biên lai nộp phí).

Ví dụ 5: Công ty xe buýt Hà Nội đã nộp phí cho 10 xe buýt đến ngày 31/01/2015 theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC (mức phí là 390.000 đồng/tháng/xe).

Như vậy, số phí công ty đã nộp tính từ tháng 11/2014 đến tháng 01/2015 là: = 10 xe x 3 tháng x 390.000 đồng/tháng/xe = 11.700.000 đồng.

Theo Thông tư này, mức phí xe buýt là 180.000 đồng/tháng/xe. Số tiền phí đối với 10 xe của công ty phải nộp là: = 10 xe x 3 tháng x 180.000 đồng/tháng/xe = 5.400.000 đồng.

Số tiền phí được đối trừ = 11.700.000 đồng - 5.400.000 đồng = 6.300.000 đồng.

+ Trường hợp được trả lại phí theo quy định, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi cơ quan đăng kiểm gồm:

- Giấy đề nghị trả phí;

- Bảng kê chi tiết: phương tiện đã nộp phí tính từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực trở đi; phương tiện đề nghị được đối trừ tương ứng;

- Bản phô tô biên lai thu phí;

- Tem nộp phí sử dụng đường bộ.

Sau khi kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng kiểm sẽ ra Quyết định trả lại phí cho doanh nghiệp theo quy định.

Trên đây là những điểm cần lưu ý đối với các Trung tâm đăng kiểm khi triển khai thực hiện Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính. Các hướng dẫn thực hiện trước đây trái với quy định tại Thông tư số 133/2014/TT-BTC đều bị bãi bỏ.

Vậy thông báo để các Trung tâm được biết và nghiêm túc thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PCT Nguyễn Hữu Trí (để c/đ);
- Phòng VAR, TTTH (để ph/h);
- Lưu VP, TC.

CỤC TRƯỞNG




Trần Kỳ Hình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4305/ĐKVN-TC năm 2014 hướng dẫn thực hiện Thông tư 133/2014/TT-BTC về thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 4305/ĐKVN-TC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/10/2014
  • Nơi ban hành: Cục Đăng kiểm Việt Nam
  • Người ký: Trần Kỳ Hình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản