Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4171/BTTTT-VP | Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện phải đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tần số vô tuyến điện với tính chất là một tài sản công, có sự phân biệt rõ ràng trong quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh được xác định là tài sản công thuộc phân loại tài nguyên theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 7, Điều 4).
Nguyên tắc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 phù hợp với nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản công là tài nguyên theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công (khoản 1,3,5,6,7 Điều 61).
Dưới góc độ phổ tần số vô tuyến điện là tài sản công, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tần số vô tuyến điện mà Bộ TT&TT đang xây dựng đã thống nhất với các nguyên tắc, quản lý sử dụng tài sản công quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh với các quan điểm xây dựng Luật như sau:
Một là, nguyên tắc xây dựng Quy hoạch tần số vô tuyến điện đảm bảo tránh tích tụ tài nguyên tần số, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc tiếp cận tài nguyên trong sử dụng tần số cho phát triển kinh tế, xã hội.
Hai là, quy định công khai, minh bạch, trong công tác quản lý, phân bổ, cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong đó ưu tiên việc cấp quyền sử dụng tần số có giá trị thương mại cao, nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ thông qua phương thức đấu giá; đối với các trường hợp cấp trực tiếp, cấp thông qua thi tuyển đều có các quy định rõ ràng, cụ thể.
Ba là, quy định đầy đủ chế độ quản lý, sử dụng, khai thác các nguồn lực tài chính từ tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện.
Bốn là, quy định các chế tài đầy đủ, có biện pháp xử lý thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các trường hợp sử dụng không đúng cam kết, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. Các trường hợp sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện không hiệu quả cũng sẽ không được xem xét cấp lại khi hết hạn giấy phép.
Với quan điểm trên, dự thảo Luật đã bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ và đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan chuyên trách của Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Câu 2: Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác quản lý các nhà mạng và quyết liệt xử lý các đơn vị, cá nhân sử dụng mạng viễn thông để gửi tin nhắn hoặc trực tiếp gọi tới các thuê bao thông báo khuyến mại, chào bán bất động sản, chào mời dịch vụ tín dụng, mời tham gia thị trường chứng khoán... gây bức xúc cho các chủ thuê bao.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác như:
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP. Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác như: (1) Đưa ra định nghĩa mới về tin nhắn rác; cuộc gọi rác tại khoản 3, khoản 5, Điều 3; (2) Đưa ra 8 biện pháp quản lý nhằm hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong đó có việc xây dựng bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác và quy định về Danh sách không nhận quảng cáo (Do not Call).
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trong đó đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, ví dụ cụ thể: tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng khi có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại theo quy định tại khoản 6, Điều 94 (mức phạt của Nghị định 174/2013/NĐ-CP từ 40 - 50 triệu đồng). Ngoài phạt tiền còn có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 - 3 tháng; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 - 3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông (khoản 9, 10 Điều 94).
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai, nâng cấp các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác nhằm chủ động phát hiện và ngăn chặn tối đa nguồn phát tán các tin nhắn rác.
- Xây dựng và đưa vào khai thác Hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác (hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác tập trung hiện thu thập được số mẫu tin nhắn rác dùng chung đạt gần 370.000 mẫu, gấp hơn 2 lần so với lúc mới triển khai (2 năm trước)) giúp các hệ thống chặn lọc của các doanh nghiệp viễn thông di động lọc đồng bộ, hiệu quả tin nhắn rác phát tán.
- 100% các doanh nghiệp viễn thông của nhà mạng đều đã áp dụng công nghệ AI trong hệ thống chặn lọc tin nhắn rác để tăng cường tính chính xác của công tác chặn lọc tin nhắn rác.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác ghi nhận 111.710 phản ánh; trong đó 17.204 phản ánh tin nhắn rác; 94.506 phản ánh cuộc gọi rác; hệ thống các doanh nghiệp viễn thông chặn 352.6 triệu tin nhắn rác (trung bình mỗi tháng chặn 58.7 triệu tin). Trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp đã chặn, khóa hơn 25 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng ~ 2 lần so với trung bình năm 2021).
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Cử tri, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp:
- Chỉ đạo nhà mạng áp dụng công nghệ (AI) nhận biết tin nhắn rác; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các bộ tiêu chí rà soát, ngăn chặn chủ động các thuê bao phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cập nhật mẫu tin nhắn rác (hiện có khoảng 370 nghìn mẫu) để phát hiện hiệu quả hơn và ngăn chặn;
- Xây dựng, hoàn thiện Bộ công cụ đo lường để giám sát, cảnh báo kịp thời;
- Thúc đẩy việc cấp tên định danh cho các thuê bao thực hiện Quảng cáo qua điện thoại;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra, xử phạt các trường hợp không có tên định danh nhưng vẫn thực hiện nhắn tin, gọi quảng cáo;
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và xã hội để cùng phối hợp trong công tác ngăn chặn, xử lý.
Câu 3: Cử tri phản ánh hiện nay trên các trang mạng xã hội thường xuyên có những phát ngôn, bài viết, hình ảnh nói xấu người khác, nói xấu lãnh đạo các cấp, nói xấu chế độ... Kiến nghị Bộ TT&TT có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn phát tán các tin bài xấu, độc trên các trang mạng xã hội, đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm để ổn định tư tưởng cho Nhân dân.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp:
- Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các tỉnh chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh/ thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (truy cứu trách nhiệm hình sự); (2) Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các tỉnh phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
- Tiếp tục triển khai đồng bộ biện pháp về pháp lý, ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật... để đấu tranh quyết liệt với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, Tiktok... buộc các doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; buộc phải triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên các mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Bộ TT&TT.
- Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm ngăn chặn các nguồn tin xấu độc trên các nền tảng do nước ngoài cung cấp vào Việt Nam.
Kết quả từ 01/01/2022 đến 30/6/2022:
+ Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.374 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 91%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em như Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê,...
+ Google đã gỡ 5.363 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 95%). Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, Youtube đã ngăn chặn 05 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (khoảng 1.500 video). Đây là bước tiến đáng ghi nhận từ phía Youtube do từ cuối năm 2020, Youtube đã ngừng việc ngăn chặn nguyên kênh Youtube do vướng phải các phản đối, kiến nghị từ các tổ chức nhân quyền. Gồm các kênh: (1) "THẾ GIỚI TOÀN CẢNH": 230 nghìn người theo dõi; (2) "Saigon Post": 126 triệu lượt xem; 282 nghìn lượt theo dõi; (3) "XPS NEWS": 6,2 triệu lượt xem; (4) "TIN TỨC THỜI SỰ": 135 triệu lượt xem; 350 nghìn người theo dõi, (5) "Lisa Phạm Vấn Đáp Channel": 4,5 triệu lượt xem.
+ Tiktok đã chặn, gỡ: 182 video vi phạm (tỷ lệ 90%). Ngoài ra, Tiktok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.
- Sử dụng hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát Không gian mạng quốc gia để giám sát, rà quét liên tục 24/7 trên không gian mạng, nhờ đó phát hiện và cảnh báo kịp thời cho 63 tỉnh/thành phố các tin giả, thông tin xấu độc liên quan đến từng địa phương để nhanh chóng xử lý.
- Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền phạt 1,867,000.000 đồng.
+ Các Sở TT&TT đã ban hành 93 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền 1,084,000,000 đồng.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn thông tin trên mạng xã hội.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
1 Điều 6. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công
1. Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
3. Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
5. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
7. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giấm sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- 1Công văn 864/BTTTT-VP năm 2022 về kiểm tra, có giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm trọng phát sóng truyền hình quảng cáo sản phẩm hàng hóa qua các kênh truyền hình và trên thông tin mạng xã hội các sản phẩm thuốc chữa bệnh, các sản phẩm hàng hóa khác do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2Công văn 863/BTTTT-VP năm 2022 về quản lý truyền thông xã hội, quản lý mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Công văn 2501/BTTTT-VP năm 2022 về kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 4Công văn 4845/BTTTT-VP năm 2022 về sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5Nghị định 63/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tần số vô tuyến điện 42/2009/QH12, được sửa đổi theo Luật 09/2022/QH15
- 1Nghị định 90/2008/NĐ-CP về việc chống thư rác
- 2Luật tần số vô tuyến điện năm 2009
- 3Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác
- 4Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 5Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện
- 6Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 7Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử
- 8Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 9Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
- 10Công văn 864/BTTTT-VP năm 2022 về kiểm tra, có giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm trọng phát sóng truyền hình quảng cáo sản phẩm hàng hóa qua các kênh truyền hình và trên thông tin mạng xã hội các sản phẩm thuốc chữa bệnh, các sản phẩm hàng hóa khác do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 11Công văn 863/BTTTT-VP năm 2022 về quản lý truyền thông xã hội, quản lý mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 12Công văn 2501/BTTTT-VP năm 2022 về kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 13Công văn 4845/BTTTT-VP năm 2022 về sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 14Nghị định 63/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tần số vô tuyến điện 42/2009/QH12, được sửa đổi theo Luật 09/2022/QH15
Công văn 4171/BTTTT-VP năm 2022 về xây dựng Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện và tăng cường công tác quản lý các nhà mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 4171/BTTTT-VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 11/08/2022
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra