Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4845/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Đề nghị sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Viễn thông thời gian qua và phù hợp với xu thế đổi mới như việc xuất hiện các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, yêu cầu hạ tầng viễn thông mở rộng thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số dẫn đến việc cần mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông...

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trong đó Luật Viễn thông đã được Quốc hội phê duyệt đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tại Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ TT&TT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật, bổ sung thêm thành phần trung tâm dữ liệu vào cơ sở hạ tầng viễn thông và có chính sách quản lý, thúc đẩy kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu để phù hợp với xu thế mới và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã đề xuất phân chia rõ phạm vi của các Luật có liên quan như Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Công nghiệp công nghệ số để đảm bảo không chồng chéo.

Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi

Câu 2: Đề nghị sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

1. Ngày 24/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

2. Bộ TT&TT đã trình Chính phủ hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. (Tờ trình số 107/TTr-BTTTT ngày 17/12/2021).

Thực tiễn hiện nay có một số xu hướng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đòi hỏi cần có chính sách mới, Bộ TT&TT đang nghiên cứu xây dựng Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội ban hành năm 2023. Sau khi Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi, thông qua, căn cứ nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT để tham mưu đề xuất xây dựng, sửa đổi các quy định hiện hành cho phù hợp.

Câu 3: Tại Khoản 5 Điều 26 Luật Báo chí năm 2016 quy định đối tượng được xét cấp Thẻ Nhà báo bao gồm: “Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương”. Tuy nhiên, hiện nay đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện được sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện. Phóng viên, biên tập viên ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện trở thành cộng tác viên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, nên việc cấp Thẻ Nhà báo cho các đối tượng này còn vướng mắc, đề nghị Bộ xem xét hướng dẫn thống nhất.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

1. Quy định của Luật Báo chí 2016

- Theo quy định tại khoản 5, Điều 26 Luật Báo chí 2016 có đối tượng xét cấp Thẻ nhà báo là: Phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở Đài Truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương.

- Các điều kiện, tiêu chuẩn đối tượng xét cấp Thẻ nhà báo cho các đối tượng này được quy định tại khoản 2, Điều 27 Luật Báo chí 2016.

Theo đó, một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập ở đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương được xét cấp Thẻ Nhà báo phải đảm bảo là cộng tác viên thường xuyên của Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2018 đến nay, một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa, Thể dục thể thao và Thông tin hoặc Trung tâm Thông tin, Truyền thông và Văn hóa... cấp huyện trên cơ sở sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện với Trung tâm Văn hóa, Thông tin cấp huyện (sau đây gọi là Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện).

- Luật Báo chí 2016 không quy định đối tượng được xét cấp thẻ công tác tại cơ quan là “Trung tâm Văn hóa - Truyền thông” cấp huyện và tương đương.

2. Giải pháp xử lý của Bộ TT&TT

- Qua một số Quyết định thành lập các Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện được các Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh cung cấp, Trung tâm này có chức năng nhiệm vụ giống các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, có bộ phận nhân sự làm công tác phóng viên, biên tập viên sản xuất tin, bài cung cấp cho các Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh phát sóng. Do vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đủ pháp lý cho những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình tại địa phương, trên cơ sở đề nghị của một số Sở TT&TT và Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ TT&TT đã triển khai một số giải pháp sau:

+ Đối với các trường hợp đã được cấp Thẻ kỳ hạn 2016-2020:

Trên cơ sở hồ sơ theo đề xuất của Sở TT&TT và Đài Phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT&TT đã tiến hành xử lý cấp đổi Thẻ Nhà báo cho các trường hợp là phóng viên, biên tập viên, người phụ trách công tác phóng viên, biên tập viên của Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện đáp ứng: (i) đã được cấp Thẻ Nhà báo kỳ hạn 2016-2020; (ii) đáp ứng đủ, đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a, b, d Khoản 1, Điều 27 và điểm a, b, d khoản 2 Điều 27 của Luật Báo chí 2016.

+ Đối với trường hợp đề nghị cấp Thẻ Nhà báo lần đầu:

Đối với trường hợp đề nghị cấp Thẻ Nhà báo lần đầu (kỳ hạn 2021-2025) mà công tác tại các Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện: Sau khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, sẽ xem xét cấp khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

- Giải pháp lâu dài:

Khi sửa đổi Luật Báo chí 2016, Bộ TT&TT sẽ điều chỉnh lại quy định về đối tượng được xét cấp Thẻ Nhà báo công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện trước đây cho phù hợp với thực tiễn.

Câu 4: Khoản 3 Điều 43 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín của cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả tác phẩm báo chí, đồng thời thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết”. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể thời gian cơ quan báo chí phải gửi văn bản thông báo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đề nghị Bộ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ có quy định cụ thể về xử lý các vấn đề báo nêu cần giải trình của cơ quan liên quan, về thông tin sai sự thật trên báo chí, về thời gian gửi văn bản thông báo của cơ quan báo chí sau khi đã nhận được văn bản phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ ban hành Nghị định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật. Luật Báo chí năm 2016 không giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 43. Vì vậy, ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới đây, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên.

Câu 5: Đề nghị sớm trình sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 do có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và xu thế chuyển đổi số như các quy định về chữ ký số; chữ ký điện tử; thiếu các quy định về chứng thực chữ ký điện tử; thanh toán điện tử qua các nền tảng trung gian hoặc thanh toán di động; công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cần được quy định chặt chẽ hơn,...

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 23/7/2022, Bộ TT&TT đã có tờ trình số 80/TTr-BTTTT trình Chính phủ hồ sơ Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi hồ sơ trình Quốc hội tại Tờ trình số 267/TTr-CP ngày 09/8/2022 về Dự án Luật Giao dịch điện tử.

Tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ TT&TT đã tiếp thu các nội dung và đưa vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) những nội dung phù hợp. Cụ thể:

1. Về tính thống nhất với Luật Đầu tư

Bộ TT&TT đã nghiên cứu Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư tại thứ tự 119 đã quy định về dịch vụ chữ ký số công cộng (bao gồm dịch vụ cấp dấu thời gian). Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật và với pháp luật về đầu tư, dự thảo bổ sung 01 điều trong Chương VIII “Điều khoản thi hành” như sau:

“Điều 55. Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15”

Sửa đổi, bổ sung ngành nghề số thứ tự 119 của Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

“119. Kinh doanh dịch vụ tin cậy”

2. Khái niệm “chữ ký điện tử” và “chữ ký số”

Để phân biệt giữa “chữ ký điện tử” và “chữ ký số”, dự thảo bổ sung khái niệm “chữ ký số” vào Khoản 6 Điều 3 như sau:

“6. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”.

3. Trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước

Để thể hiện rõ hơn trong dự thảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng “Luật GDĐT không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong các lĩnh vực”. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:

“Điều 51. Trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì quản lý, ban hành quy định và tổ chức thực hiện giám sát hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Cơ quan có thẩm quyền giám sát theo khoản 1 Điều này thực hiện giám sát trực tuyến đối với hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hoạt động trực tuyến.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập, vận hành hệ thống thông tin tiếp nhận thông báo, báo cáo; là đầu mối tổng hợp thông tin, số liệu về giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật; chủ trì xây dựng, ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, mô hình tham chiếu kết nối phục vụ giám sát trực tuyến.”.

Dự án Luật trình Quốc hội về cơ bản đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới chữ ký điện tử, chữ ký số, định danh điện tử, giao kết và hợp đồng điện tử. Cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý để: Công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn; Quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Hiện nay, dự án Luật đang trong giai đoạn thẩm tra của Quốc hội.

Câu 6: Tại Điều 6 Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư ban hành quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí thì Tổng biên tập phải “có trình độ lý luận chính trị cao cấp”. Tuy nhiên Luật Báo chí năm 2016 không quy định điều kiện bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Đề nghị trình Quốc hội sửa đổi quy định này tại Luật Báo chí 2016 cho thống nhất.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Báo chí nước ta đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng. Cơ quan báo chí phải tuân thủ các quy định của Đảng và các quy định pháp luật có liên quan. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí ngoài quy định tại Điều 23 Luật Báo chí năm 2016 còn được quy định tại Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên.

Câu 7: Danh sách nhân sự văn phòng đại diện cơ quan báo chí đã được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 22 Luật Báo chí năm 2016, nhưng chưa cụ thể về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động của phóng viên, cộng tác viên. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung vào Luật Báo chí năm 2016 các quy định nêu trên, trong đó quy định rõ cơ chế quản lý của Trưởng văn phòng đại diện đối với phóng viên, cộng tác viên.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT có báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung; trong đó đã nêu ra một số nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn và đề xuất phương án đối với văn phòng đại diện, phóng viên thường trú: Điều kiện, cơ cấu, mô hình của văn phòng đại diện; số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng đại diện, trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú...

Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên.

Câu 8: Đề nghị trình Quốc hội bổ sung vào Luật Báo chí các quy định về quyền, trách nhiệm, thủ tục hoạt động của phóng viên, cộng tác viên chưa có Thẻ Nhà báo; cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở địa phương.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT có báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung; trong đó đã nêu ra một số nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn và đề xuất phương án đối với: Quyền, nghĩa vụ và yêu cầu, tiêu chuẩn phóng viên; điều kiện hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi chưa được cấp thẻ nhà báo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phối hợp, làm việc, cung cấp thông tin cho phóng viên; hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú...

Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về những vấn đề nêu trên.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4845/BTTTT-VP năm 2022 về sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4845/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/09/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản