Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4051/BNN-VP
V/v báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013

 

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn trực tiếp các Đại biểu Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn (Nghị quyết số 52/2013/QH13 ngày 21/06/2013), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

1. Thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững:

1.1. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu như: Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013); Quy hoạch cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020 (Quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 07/7/2013); hoàn thành các quy hoạch: phát triển ngành muối đến năm 2020, phát triển bò sữa đến năm 2020, quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch tái canh cây cà phê, cải tạo thay thế giống điều, quy hoạch rừng phòng hộ ven biển…

Trong lĩnh vực thủy lợi, đã tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều chỉnh quy hoạch đê biển Quảng Ninh-Quảng Nam có tính tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết hợp giao thông; Rà soát quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Đối với kết cấu hạ tầng sản xuất, tập trung hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; quy hoạch hệ thống chế biến, dự trữ cà phê ; quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm…

Nhìn chung, các quy hoạch ngành nông nghiệp và PTNT thời gian qua luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng và từng thời kỳ. Các quy hoạch đều cập nhật các yếu tố mới, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong quá trình nghiên cứu, xác lập quy hoạch đều có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương; gắn quy hoạch nông nghiệp với quy hoạch các ngành kinh tế khác, bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và cả nước để phát triển nông nghiệp.

1.2. Thực hiện tái cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo; đẩy mạnh áp dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

* Về thực hiện tái cơ cấu Ngành: Triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013). Triển khai Đề án, Bộ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án (Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013) và ban hành Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 để hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai Đề án. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, các Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, đề án tái cơ cấu của các lĩnh vực, đơn vị, địa phương, lựa chọn các nội dung ưu tiên để thực hiện ngay từ cuối năm 2013 và năm 2014.

* Về sản xuất lúa gạo: Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc trực tiếp với các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong tháng 7/2013 đã có 02 cuộc họp, hội nghị bàn về sản xuất tiêu thụ lúa gạo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì được tổ chức tại vùng ĐBSCL nhằm tìm ra các biện pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị của Bộ thường xuyên chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa gạo tại các địa phương.

Vụ Hè Thu năm 2013, để đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, căn cứ tình hình thu hoạch và xu hướng biến động giá cả chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, đề xuất kịp thời với Thủ tướng Chính phủ mua tạm trữ 01 triệu tấn quy gạo. Việc mua tạm trữ đã góp phần ngăn chặn được tình trạng sụt giảm sâu của giá lúa, gạo vào thời điểm thu hoạch rộ, giữ được giá ổn định và có thời điểm tăng lên 800-1000 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Bộ đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trước mắt là các Tổng công ty Lương thực Nhà nước thực hiện ngay việc liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Để giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa, gạo, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành dự thảo chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, đã trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 3316/TTr-BNN-CB ngày 16/9/2013) ban hành thay thế Quyết định 63 và Quyết định 65, trong đó có hỗ trợ cả máy sản xuất trong nước và máy nhập khẩu.

Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo các tổ chức trực thuộc xây dựng Đề án phát triển sản xuất chế biến lúa gạo như một sản phẩm chủ lực của quốc gia, tập trung nguồn lực nghiên cứu chọn tạo các giống có giá trị thương phẩm và tính ổn định cao và các vấn đề khác có liên quan.

* Về đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp:

Trong 5 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rà soát lại các nhiệm vụ nghiên cứu và khuyến nông, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, trong đó:

- Chọn tạo và phổ biến các giống lúa có giá trị thương phẩm và tính ổn định cao, các giống ngô có năng suất cao, kỹ thuật tái canh cà phê, thâm canh cây điều, sản xuất thanh long an toàn hiệu quả.

- Chọn tạo và phổ biến các giống gia cầm phục vụ chăn nuôi nông hộ, phát triển vắc xin.

- Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống tôm, nhuyễn thể (ngao, tu hài), giảm tỷ lệ chết của cá tra.

- Chọn tạo và phổ biến giống cây trồng năng suất cao, cây lâm sản ngoài gỗ có ưu thế của mỗi vùng.

- Kỹ thuật và công nghệ tưới tiết kiệm, dự báo lũ, cấp thoát nước cho nuôi trồng thủy sản.

- Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch, tái cơ cấu sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đổi mới quản lý nhà nước về nông nghiệp và nông thôn.

- Phát triển và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến, làng nghề, sử dụng phụ phế phẩm, chất thải sinh hoạt trong nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời Bộ đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông đang triển khai đảm bảo có hiệu quả thiết thực. Bộ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các thông tư quản lý cây trồng biến đổi gen, phân cấp quản lý cho các Viện trực thuộc Bộ.

1.3.Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tổng kết đánh giá các mô hình liên kết hiệu quả gắn sản xuất với tiêu thụ lúa gạo và xây dựng cánh đồng lớn; trên cơ sở đó chỉ ra những mặt được, những hạn chế làm cơ sở hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân ra diện rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn xuất phát từ tỉnh An Giang. Hiện nay đã có 43 tỉnh, thành phố trong cả nước đang tổ chức nhân rộng mô hình này đối với cây lúa.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (QĐ số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013).

2. Tiếp tục kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu và các vật tư nông nghiệp khác; khắc phục tình trạng thực phẩm không an toàn

* Về kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu và các vật tư nông nghiệp khác và khắc phục tình trạng thực phẩm không an toàn:

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Bộ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; đang khẩn trương hoàn thiện để trình Dự thảo Luật Thú y, đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật , thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, giống cây trồng, thuỷ sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia cùng với Bộ Công thương xây dựng Nghị định mới về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Bộ tiếp tục đôn đốc hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT tăng cường kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản. Bộ đã thường xuyên tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra và xử lý các vi phạm về chất lượng trong việc sản xuất và sử dụng phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo khẩn trương rà soát chấn chỉnh việc thực hiện quy trình khảo kiểm nghiệm công nhận các loại vật tư được phép lưu hành.

* Về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Bộ đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BNNPTNT quy định phân tích nguy cơ và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản để chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tập trung kiểm soát, xử lý các cơ sở chưa đáp ứng điều kiện ATTP (xếp loại C) và sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật, động vật nhập khẩu; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản.

Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc", Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, Đề án phát triển sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Hàng tháng, Bộ tổ chức họp giao ban các cơ quan trực thuộc, trong tháng 8/2013 đã họp giao ban với các địa phương về công tác quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm; xác định và phân công rõ nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Bộ tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm có liên quan tới an toàn thực phẩm ở các địa phương, duy trì triển khai các chương trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, thuỷ sản.

Kết quả lấy mẫu giám sát trên diện rộng các sản phẩm tiêu thụ nhiều, nguy cơ cao trong các năm gần đây cho thấy tỷ lệ mẫu rau quả tươi có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép là 5,6% đến 6,8%; thịt gia súc, gia cầm có tồn dư hoá chất, kháng sinh, chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép là 2% đến 4,9%; thuỷ sản có tồn dư hoá chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép là 0,7% đến 2,6%. Tỷ lệ mẫu nhiễm như trên ở mức tương đương với các nước đang phát triển trong khu vực nhưng cao hơn so với EU, Nhật, Úc... và có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định. Riêng tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật còn cao (10% đến 38,7%) do còn nhiều bất cập ở khâu giết mổ, bày bán mất vệ sinh.

Đối với các trường hợp mất ATTP do cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra phát hiện hoặc do phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ngay lập tức thanh tra/điều tra, xác định nguyên nhân, mức độ, hậu quả và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin chính xác đến người tiêu dùng. Cụ thể trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các loại hạt (hướng dương, hạt dưa hấu, bầu, bí), rau (ngót, mướp đắng), gừng, khoai tây Trung Quốc; khảo sát, xác minh nguồn gốc xuất xứ và lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cá tầm, cá quả, cá trê được bày bán tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội; điều tra, lấy mẫu kiểm nghiệm tồn dư chất bảo quản đối với gạo tại thành phố Hồ Chí Minh; điều tra, xác minh phản ánh trên báo chí về “đường dây sản xuất trà bẩn” tại Lâm Đồng, sử dụng hoá chất độc hại làm chín chuối tại Hà Nội ...và đã kịp thời cung cấp thông tin chính xác phản hồi cho báo chí cũng như cảnh báo đến người tiêu dùng về các sản phẩm đã thẩm tra.

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết áp dụng các qui trình, quy định về đảm bảo ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm, Bộ đã chỉ đạo và hỗ trợ một số tỉnh trọng điểm xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đến nay đã hoàn thành khâu khảo sát, lựa chọn, thiết kế mô hình điểm chuỗi thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và tổ chức tập huấn cho các địa phương. Việc triển khai thí điểm mô hình tại 10 tỉnh phía Bắc (10 chuỗi), 05 tỉnh miền Trung (5 chuỗi) và 07 tỉnh phía Nam (08 chuỗi) được thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2013. Sản phẩm của các mô hình thí điểm này được kiểm soát về ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, được chứng nhận và gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và cơ quan chức năng có thể truy xuất được nguồn gốc, điều tra được nguyên nhân khi có sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra.

3. Tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

Nhằm phấn đấu để có nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm sạch, chất lượng cao làm cơ sở xây dựng thương hiệu, Bộ đã chỉ đạo:

- Phê duyệt quy hoạch hệ thống phân phối lương thực Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa xuất khẩu sản xuất theo VietGAP, hoàn chỉnh và khép kín từ khâu sản xuất, thu hoạch, tồn trữ, bảo quản, chế biến, bán (thu mua) sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có chất lượng cao, ổn định để phổ biến cho nông dân gieo trồng;

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản trong nước gắn liền với chỉ dẫn địa lí như: gạo tám xoan Hải Hậu, gạo thơm Chợ Đào, cà phê, chè, tiêu... tại các thị trường Mỹ và châu Âu, trong thờ gian tới.

- Khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch để hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản.

4. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể:

- Trong lĩnh vực đầu tư công: tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành trình Chính phủ tăng hỗ trợ vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn (sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước; vốn đối ứng ODA, vốn trái phiếu Chính phủ…); triển khai hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi bổ sung Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, trong đó đề nghị bổ sung áp dụng hình thức đối tác công tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đối với chính sách tín dụng: Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất và được Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (Tờ trình số 128/TTr-BTC ngày 03/10/2013 của Bộ Tài chính) theo hướng bổ sung mặt hàng cà phê, điều đã qua chế biến thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay vốn.

- Về chính sách bảo hiểm nông nghiệp: Đã rà soát, điều chỉnh bổ sung một số chính sách cho phù hợp hơn với thực tiễn như: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 27/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 315/QĐ-TTg. Theo đó, nâng mức hỗ trợ đối với hộ cận nghèo từ 80% lên 90%. Bộ đã chỉ đạo xây dựng các văn bản hướng dẫn các địa phương Quy trình xác nhận/ xác định và công bố dịch bệnh đối với chăn nuôi, nuôi thủy sản (tôm/cá); hoàn thiện xây dựng Sổ tay hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vào năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

- Chính sách cho ngư dân vùng biển gắn với chiến lược biển: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 sửa đổi, bổ sung Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết và tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Quyết định "38" của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục khảo sát thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

- Đối với các lĩnh vực khác:

+ Bộ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa;

+ Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 3316/TTr-BNN-CB ngày 16/9/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp) thay thế Quyết định 63 và Quyết định 65 trong đó có hỗ trợ cả máy sản xuất trong nước và máy nhập khẩu).

+ Tổ chức tổng kết đánh giá các mô hình liên kết hiệu quả gắn sản xuất với tiêu thụ lúa gạo và xây dựng cánh đồng lớn; trên cơ sở đó chỉ ra những mặt được, những hạn chế làm cơ sở hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

+ Phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản.

+ Tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ).

5. Về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

5.1. Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng

Thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng và các văn bản hướng dẫn liên quan, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 (hiện còn 05 tỉnh nhiều rừng chưa xây dựng Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Cao Bằng, Lạng Sơn).

5.2. Về việc sắp xếp lâm trường quốc doanh

Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát tình hình các nông lâm trường quốc doanh có báo cáo đề xuất với Bộ Chính trị về phương hướng tiếp tục sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Tới nay, hầu hết các địa phương, tổng công ty nhà nước, thực hiện sắp xếp, số lượng lâm trường từ 256 còn 148 công ty lâm nghiệp (CTLN), thành lập 3 công ty cổ phần (chủ yếu sản xuất giống cây trồng), thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ (đến nay còn 87 ban quản lý rừng), giải thể 14 lâm trường hoạt động yếu kém hoặc không cần thiết giữ lại.

5.3. Về khắc phục nạn phá rừng, phòng chống cháy rừng, phát triển rừng, chế biến xuất khẩu lâm sản, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn cho địa phương. hoàn thành công tác rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Trong tháng 9 năm 2013, tổ chức 02 đoàn kiểm tra việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích khác tại các tỉnh Miền núi phía Bắc, Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm 2012:

a) Khoán bảo vệ rừng: 56 tỉnh, thành phố đã triển khai hợp đồng khoán bảo vệ 4.148.648 ha rừng (vốn trung ương 2.122.877 ha, vốn địa phương 515.443 ha, vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng 1.448.588 ha, vốn ODA 31.502 ha, nguồn khác 30.238 ha). Công tác khoán bảo vệ rừng đã được các tỉnh chủ động triển khai sớm và đặc biệt là đã huy động được các nguồn vốn để triển khai nhiệm vụ này. Các tỉnh tích cực huy động, lồng ghép các nguồn vốn là: Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước.

b) Tình trạng ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật

- Về phá rừng trái pháp luật: tính đến hết tháng 9/2013, cả nước đã phát hiện 1.588 vụ (trong đó 993 vụ phá rừng làm nương rẫy), giảm 1.262 vụ so với cùng kỳ; 1.618 vụ khai thác rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị phá trái pháp luật là 667,51 ha, giảm 273,18 ha so với cùng kỳ.

- Phát hiện 9.504 vụ vi phạm về mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật (giảm 1.161 vụ so với cùng kỳ) và 801 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản trái pháp luật, tăng 100 vụ so với cùng kỳ; tịch thu 24.932 m3 gỗ các loại, trong đó 11.196 m3 gỗ tròn, 13.736 m3 gỗ xẻ.

c) Phòng cháy, chữa cháy rừng: phát hiện 242 vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó gây cháy rừng 201 vụ, giảm 177 vụ so với cùng kỳ. Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 884,94 ha, giảm 410,65 ha so với cùng kỳ năm 2012, trong đó vụ cháy rừng lớn nhất xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tỉnh Gia Lai, diện tích rừng thiệt hại 162 ha.

d) Về các chỉ tiêu phát triển rừng:

Bộ đã liên tục rà soát, đôn đốc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tạo rừng mới. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã chuẩn bị được 509 triệu cây giống các loại, tăng 143% so với cùng kỳ năm 2012; triển khai trồng 164.374 ha rừng tập trung, đạt 64% kế hoạch năm, cụ thể:

- Trồng rừng đặc dụng, phòng hộ: đã có 33 tỉnh và 02 đơn vị triển khai trồng, kết quả trồng được 10.774 ha, bằng 113% so với cùng kỳ, đạt 36% kế hoạch năm, ước thực hiện cả năm đạt khoảng 22.000 ha (bằng 73% chỉ tiêu kế hoạch giao);

- Trồng rừng sản xuất: đã có 38 địa phương triển khai trồng 153.600 ha rừng, trong đó trồng mới 82.990 ha, trồng lại sau khai thác 70.610 ha, bằng 111% so với cùng kỳ, đạt 68% kế hoạch năm. Ước cả năm đạt khoảng 180.000 ha (bằng 80% chỉ tiêu kế hoạch giao). Đáng chú ý là đến nay một số tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng sản xuất như Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình;

- Trồng cây phân tán: đã trồng được 49.117 ngàn cây, bằng 126% so với cùng kỳ, đạt 98% kế hoạch năm. Ước thực hiện năm 2013 trồng được 50.000 ngàn cây, đạt 100% kế hoạch.

- Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đã thực hiện 365.107 ha, đạt 109% kế hoạch năm, trong đó, diện tích chuyển tiếp từ các năm trước là 322.127 ha, khoanh nuôi mới 42.980 ha.

- Chăm sóc rừng: đã thực hiện 314.900 ha, bằng 112% kế hoạch năm.

e) Về khai thác, chế biến, xuất khẩu lâm sản:

Bộ luôn theo dõi sát sao, phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ duy trì phát triển chế biến xuất khẩu lâm sản; quản lý chặt chẽ khai thác lâm sản, nhất là từ rừng tự nhiên và việc nhập khẩu gỗ, đấu tranh kiên quyết với các vi phạm.

Về khai thác, chế biến lâm sản: đến hết tháng 9/2013, trên cả nước đã khai thác khoảng 5,65 triệu m3 gỗ rừng trồng (đạt 70,6% kế hoạch năm), ước cả năm khai thác được 8,0 triệu m3 (đạt 100% kế hoạch năm); khai thác gỗ rừng tự nhiên đạt 29 nghìn m3 (đạt 33% kế hoạch năm), ước cả năm khai thác được 89 nghìn m3, (đạt 100% kế hoạch năm).

- Xuất khẩu lâm sản: đến hết tháng 9/2013, giá trị xuất khẩu sản phẩm và lâm sản tăng nhanh, tổng kim ngạch ước đạt 3,788 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2012, cả năm ước đạt 5.000 triệu USD (đạt 116% kế hoạch năm); các thị trường lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh trừ thị trường Đức và Pháp, cụ thể: Hoa Kỳ tăng 13,18%, Trung Quốc 15,8%, Nhật Bản tăng 18,7%, và Hàn Quốc tăng 35,06%, Anh tăng 13,9%, đặc biệt thị trường Hồng Kông tăng 121,4% so với cùng kỳ năm 2012.

- Nhập khẩu gỗ và sản phẩm ước đạt 1.028 triệu USD, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2012.

g) Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR):

Bộ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, 36 tỉnh có nguồn thu từ DVMTR đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chính sách chi trả DVMTR, trong đó 31 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh từng bước ổn định bộ máy hoạt động hiệu quả trong đó có nhiệm vụ triển khai chính sách và tiếp nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Đến 20/9/2013, Quỹ Trung ương đã thu hơn 530 tỷ đồng, đạt 73.89% kế hoạch năm; đã chuyển cho các tỉnh 370 tỷ đồng. Số tiền còn lại tại Quỹ Trung ương đến nay hơn 160 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân cho chủ rừng thấp (Điện Biên 17%, Kon Tum 27,5%, Hòa Bình 49,12%, Lào Cai 5,2 %, Quảng Nam 3%, Tuyên Quang 6%); một số tỉnh chưa thành lập Quỹ ( Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh).

5.4. Về tổ chức thực hiện trồng bù diện tích rừng chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện

Thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Từ năm 2006 đến tháng 10/2013, cả nước đã có 205 dự án thuộc 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.805,3 ha, trong đó: rừng đặc dụng 3.189,2 ha; rừng phòng hộ 4.717 ha; rừng sản xuất 11.899,1 ha.

Kết quả tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế từ khi Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành:

- Các địa phương đã khẩn trương thực hiện việc trồng rừng thay thế theo quy định. Cụ thể đã có 3 tỉnh tiến hành trồng rừng thay thể theo hướng dẫn của Bộ, gồm Lào Cai trồng thêm được 76,5ha (tổng số diện tích đã trồng 279,5/279,5 ha đạt 100%), Quảng Ngãi trồng được 152,6 (tổng số diện tích đã trồng 599 ha/1.784,8 ha đạt 34%), Phú Yên trồng được 8 ha (tổng số diện tích đã trồng 13 ha/422 ha đạt 3%). Có 3 tỉnh thu tiền nộp vào ngân sách nhà nước để phân bổ kế hoạch trồng rừng được 10,682 tỷ đồng. Ngoài ra có 3 tỉnh đã phê duyệt phương án, chuẩn bị trồng với diện tích 888 ha (Lai Châu 795 ha, Tuyên Quang 27 ha, Hà Tĩnh 66 ha). Cho đến nay, đã có 11/27 tỉnh tiến hành trồng, phê duyệt phương án trồng rừng hoặc thu tiền vào ngân sách nhà nước tương ứng với diện tích rừng là 2.571,7 ha/19.805,3 ha đạt 13%.

- Tuy vậy, một số địa phương có diện tích chuyển đổi rừng sang xây dựng các công trình thủy điện nhiều nhưng chưa tiến hành trồng rừng thay thế theo quy định như: Hà Giang (548,5 ha), Nghệ An (3.676,8 ha), Quảng Nam (1.784,8 ha), Kon Tum (1.047,4 ha), Gia Lai (811,7 ha), Lâm Đồng (2.012 ha), Đắk Nông (3.861,8 ha), Bình Phước (634 ha).

Hiện nay Bộ đang tiếp tục phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện trồng bù rừng đúng theo các quy định của pháp luật.

6. Về các chính sách đặc thù cho người dân vùng lòng hồ thủy điện tái định cư:

Trên cơ sở kiểm tra tình hình thực tế tại các khu, điểm tái định cư một số công trình thủy điện, Bộ đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện có di dân, tái định cư trên địa bàn toàn quốc. Đến nay, Bộ đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc về di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang (Văn bản số 7377/VPCP-KTN ngày 04/9/2013), thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản số 8027/VPCP-KTN ngày 24/9/2013), thủy điện An Khê-KaNak (Văn bản số 900/TTg-KTN ngày 21/6/2013), phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Bản Vẽ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai xây dựng “ Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi kết thúc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.

Trên cơ sở đó, Bộ cũng đang chỉ đạo khẩn trương đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách về di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung.

7. Về xây dựng nông thôn mới

Bộ đã tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện cơ sở pháp lý của Chương trình MTQGXDNTM, soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế công nhận xã, huyện, tỉnh nông thôn mới; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; tiếp tục hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới; tổ chức hội nghị bàn chuyên sâu về thực hiện Chương trình ở các địa phương miền núi phía Bắc ngày 24/9/2013.

Hiện nay, về quy hoạch, đã có 93,1% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; có 79,2% số xã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn nhiều nơi được cải thiện rõ rệt, nhất là về giao thông nông thôn (trong 03 năm đã có 38.000 km đường giao thông nông thôn được làm mới). Về sản xuất, đã xây dựng được hơn 7.000 mô hình sản xuất, trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tổ chức sản xuất có hiệu quả: mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội;

Về nguồn lực, trong 3 năm 2011-2013, đã huy động khoảng 105 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp gần 5 nghìn tỷ; các địa phương lồng ghép và bố trí thêm khoảng 30.605 tỷ đồng (chủ yếu là ở các địa phương tự chủ ngân sách). Số tiêu chí bình quân cả nước đạt 7,87 tiêu chí/xã (tăng 3,29 tiêu chí so với năm 2010); trong đó có 67 xã đã đạt đủ 19 tiêu chí, số xã đạt dưới 05 tiêu chí giảm xuống 18,3%;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và thường xuyên của các vị Đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Quốc hội (720 bản);
- Văn phòng Chính phủ (5 bản);
- Lưu: VT, TH

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4051/BNN-VP năm 2013 báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4051/BNN-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/11/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản