Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 358/UBDT-VP135
V/v hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư CSHT các xã ĐBKK, xã BG, xã ATK, thôn ĐBKK năm 2013 thuộc CT MTQGGNBV giai đoạn 2012-2015

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 8 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015,

Căn cứ Quyết định 1658/QĐ-BKHĐT ngày 6/12/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giao vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013,

Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn (dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 như sau:

1. Phạm vi, đối tượng đầu tư:

- Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định 164/2006/QĐ-TTg ; Quyết định 113/2007/QĐ-TTg ; Quyết định 69/2008/QĐ-TTg ; Quyết định 1105/QĐ-TTg nhưng chưa hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn II; các xã thuộc vùng CT229 được phê duyệt tại Quyết định 791/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008;

- Các thôn đặc biệt khó khăn được phê duyệt tại Quyết định 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008; Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19/10/2009 của Ủy ban Dân tộc; các thôn đặc biệt khó khăn của các xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 231/QĐ-TTg ngày 23/02/2012.

2. Các công trình đầu tư, xây dựng:

Các công trình đầu tư xây dựng bao gồm: Làm mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, thôn, bản thuộc đối tượng của dự án theo tiêu chí nông thôn mới (kể cả sửa chữa, nâng cấp công trình cũ đầu tư bằng nguồn vốn khác) như sau:

- Hệ thống công trình giao thông phục vụ sản xuất và dân sinh.

- Hệ thống các công trình điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

- Công trình nhà văn hóa; nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm chuyển tiếp phát thanh,

- Trạm y tế xã đồng bộ cả công trình phụ trợ điện, nước sinh hoạt, trang thiết bị thiết yếu theo chuẩn hóa cơ sở y tế cấp xã.

- Trường, lớp học tại trung tâm xã; lớp tiểu học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ ở thôn, bản đồng bộ cả điện, nước sinh hoạt, trang bị bàn ghế học tập, công trình phục vụ cho học sinh bán trú, nhà ở giáo viên.

- Công trình thủy lợi nhỏ, công trình thủy lợi kết hợp cấp nước sinh hoạt phục vụ trong phạm vi xã, thôn, bản hoặc liên xã, liên thôn bản.

3. Chủ đầu tư;

Công trình đầu tư có tính liên hoàn, sử dụng trên phạm vi liên xã hoặc công trình có yêu cầu kỹ thuật cao giao cấp huyện làm chủ đầu tư. UBND huyện thành lập Ban quản lý dự án riêng hoặc giao cho Ban quản lý dự án đã có thực hiện. Ban quản lý dự án huyện được mở tài khoản tại KBNN huyện và có con dấu riêng.

Công trình do một xã quản lý sử dụng, giao cho cấp xã làm chủ đầu tư. Ủy ban nhân dân xã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án trực thuộc UBND xã, có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại KBNN huyện và sử dụng con dấu của UBND xã để giao dịch. Thành phần gồm: Trưởng ban là Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND xã; kế toán; các thành viên khác gồm một số cán bộ đại diện các ban ngành trong xã, các Trưởng thôn bản, các hộ đại diện cho các cộng đồng dân cư hưởng lợi trong xã (do các cộng đồng dân cư đề cử). Ban Quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Trường hợp xã khó khăn trong việc làm chủ đầu tư, UBND huyện có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn giúp xã hoặc tham gia ban quản lý cấp xã để xã có đủ năng lực làm chủ đầu tư.

4. Cấp quyết định đầu tư:

UBND huyện là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình thuộc dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

5. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã:

- Trên cơ sở công trình đầu tư quy định tại mục 2 và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn, UBND xã thông báo và tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội để lựa chọn danh mục, địa điểm, mức vốn (vốn NSTW, NSĐP, huy động), quy mô công trình, tổng hợp thông qua thường trực Hội đồng nhân dân xã để trình UBND huyện phê duyệt. Căn cứ danh mục công trình được UBND huyện phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng kèm theo kế hoạch đấu thầu, tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản vẽ thi công, dự toán công trình, chủ đầu tư phải bàn bạc với dân, lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư (những người hưởng lợi trực tiếp) về nội dung đầu tư cũng như cơ chế huy động đóng góp xây dựng công trình.

- Trình tự, thủ tục và phê duyệt kết quả đấu thầu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng.

- Quản lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ.

6. Giám sát xây dựng chủ đầu tư tổ chức thực hiện giám sát thi công và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định. Giám sát cộng đồng thực hiện theo quy định của Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 14/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế giám sát đầu tư cộng đồng.

7. Nghiệm thu, bàn giao, khai thác, vận hành:

- Nghiệm thu, bàn giao công trình: Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành. Các thành phần tham gia nghiệm thu gồm;

+ Đại diện chủ đầu tư;

+ Đại diện đơn vị thi công xây dựng;

+ Đại diện giám sát của chủ đầu tư, đại diện Ban giám sát cộng đồng;

+ Đại diện tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng công trình;

+ Đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình,

Tùy từng trường hợp cụ thể, Chủ đầu tư có thể mời thêm thành phần có liên quan tham gia nghiệm thu.

- Sau khi nghiệm thu, Chủ đầu tư bàn giao công trình cho UBND xã để giao cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý sử dụng (Bàn giao tay ba: Chủ đầu tư - Bên thi công - Người hưởng lợi) và bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình cho UBND xã.

- Quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình

+ Những công trình hạ tầng phục vụ lợi ích chung toàn xã (đường liên thôn, trường học, trạm xá, trạm biến thế, kênh mương chính...) UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và bảo trì. Căn cứ số vốn được phân bổ cho duy tu, bảo dưỡng, UBND xã chỉ đạo lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng các công trình do xã quản lý, huy động công sức của nhân dân địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư duy tu, bảo dưỡng công trình.

+ Những công trình (còn lại) phục vụ lợi ích hộ và nhóm cộng đồng do các hộ và nhóm cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp quản lý, vận hành và tự huy động vốn bảo trì với sự kiểm tra của chính quyền xã.

8. Quản lý, thanh quyết toán vốn:

- Việc thanh toán vốn đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước.

- Việc quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BTC ngày 24/2/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn.

9. Tổ chức thực hiện ở địa phương:

- UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện về chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án trên địa bàn tỉnh.

- Giao cho cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành của tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án,

- Chỉ đạo Sở, ngành, các huyện trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên, kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện dự án theo quy định.

- Bố trí kinh phí quản lý dự án cho cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn thầu xây dựng trước ngày ký văn bản này được thực hiện theo các hướng dẫn phù hợp tại thời điểm phê duyệt.

10. Chế độ báo cáo:

Thực hiện chế độ báo cáo hàng quý và năm về kết quả thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ủy ban Dân tộc để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB (để b/c);
- Các Thứ trưởng, PCN UBDT;
- Các Bộ: KH&ĐT; TC; LĐTB&XH; XD; NN&PTNT;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Dân tộc;
- Website Ủy ban Dân tộc;
- Lưu: VT, VP135 (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Sơn Phước Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 358/UBDT-VP135 hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn năm 2013 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 358/UBDT-VP135
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/05/2013
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Sơn Phước Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản