Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
CƠ QUAN THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3334/TTGSNH7
V/v: phúc đáp công văn số 10266/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính

Phúc đáp công văn số 10266/TCHQ-GSQL ngày 15/8/2014 của Quý Đơn vị về việc thực hiện Điều 9 Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền (Thông tư số 35), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến như sau:

1. Về việc xác định trị giá của kim loại quý, đá quý phải khai báo hải quan của người nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 35:

Một trong những biện pháp phòng, chống rửa tiền là phải kiểm soát được việc vận chuyển tiền tệ hoặc tài sản có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định qua biên giới, do đó việc thay quy định mức giá trị bằng mức khối lượng đối với từng loại kim loại quý, đá quý phải khai báo Hải quan dựa vào một mức giá trị được xác định (300 triệu đồng) là khá phức tạp vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, Cơ quan TTGSNH dự kiến sẽ phối hợp Bộ Công thương trao đổi và thống nhất cùng với Quý Đơn vị về vấn đề này. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 35 hoặc có văn bản hướng dẫn riêng về quy định này.

2. Về việc hướng dẫn cách nhận biết các công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu theo quy định của pháp luật nêu tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 04/2013/TT-NHNN ngày 1/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 04):

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhận thấy Điều 6 Thông tư số 04 không có khoản 4 mà chỉ có khoản 1 và khoản 2. Theo đó, điểm d khoản 1 quy định: “Các loại công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu theo quy định của pháp luật”. Đây là cách quy định mở tại các văn bản pháp luật để phòng khi có một công cụ chuyển nhượng mới khác với các công cụ chuyển nhượng đã được quy định ở điểm a, b, c khoản 1 Điều 6 thì không phải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04. Tuy nhiên, đến nay các công cụ chuyển nhượng phát hành ở Việt Nam hoặc phát hành ở nước ngoài được chuyển nhượng ở Việt Nam vẫn chỉ bao gồm: hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc như quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04 nêu trên, Do đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn các loại công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04.

Trên đây là ý kiến của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xin gửi Quý Đơn vị để biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Chánh TTGSNH (để b/c);
- Lưu: VT, TTGSNH7

KT. CHÁNH THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG
PHÓ CHÁNH THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG




Đào Quốc Tính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3334/TTGSNH7 năm 2014 phúc đáp Công văn 10266/TCHQ-GSQL do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ban hành

  • Số hiệu: 3334/TTGSNH7
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/2014
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Đào Quốc Tính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản