Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3327/LĐTBXH-PCTNXH
V/v góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2016

 

Kính gửi:

…………………………………………………
…………………………………………………

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới tại công văn số 3960/VPCP-KGVX ngày 26/5/2016 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Dự thảo kèm theo).

Để hoàn thiện Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu, góp ý kiến dự thảo Chỉ thị nói trên. Văn bản góp ý xin gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, tầng 10 tòa nhà D25, Ngõ 7, phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, tp Hà Nội và địa chỉ email: cucpctnxh@molisa.gov.vn và chinhsachcainghien@gmail.com) trước ngày 10/9/2016 để tổng hợp, chỉnh lý trình Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX);
- Lưu: VT, PCTNXH(2b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /CT-TTg

Hà Nội, ngày  tháng  năm 2016

DỰ THẢO

 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, nhiều chính sách, biện pháp nhằm tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy đã được ban hành và triển khai, trong đó có Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới và Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; những chính sách và biện pháp này đã có tác động tính cực đến công tác cai nghiện ma túy trong phạm vi cả nước, góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức về cai nghiện ma túy, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy còn có nhiều hạn chế như: chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy còn chậm; công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng còn chưa có chính sách tạo Điều kiện thuận lợi; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu; các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy chậm đổi mới; công tác nghiên cứu, sử dụng các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy còn chưa đáp ứng được Điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp.

Thực trạng đó có nguyên nhân khách quan là Việt Nam đang trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện ma túy, các mô hình tổ chức cai nghiện như cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở đa chức năng, Điểm tư vấn mới bắt đầu hình thành, đồng thời cũng xuất hiện nhiều loại ma túy mới gây khó khăn cho việc quản lý và tổ chức cai nghiện. Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là nhận thức về tầm quan trọng của công tác Điều trị, cai nghiện ma túy chưa được đầy đủ và sâu sắc, công tác bố trí nguồn lực, tuyên truyền, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chưa được chú trọng chỉ đạo tập trung và quyết liệt.

Để tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

I. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine, Ketamine, Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ”... và vai trò của công tác can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy, Điều trị cai nghiện ma túy đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cai nghiện và nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác cai nghiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động.

2. Khẩn trương rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách pháp luật về công tác cai nghiện, quy chế quản lý người nghiện ma túy tại địa phương từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, quy chế cho phù hợp với xu hướng và tình hình nghiện ma túy hiện nay. Chú trọng đến bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt là hỗ trợ, tạo Điều kiện đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.

3. Đẩy nhanh việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó chú trọng các yêu cầu sau:

a) Khi chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm 06) không dùng từ “Trung tâm” khi đặt tên đối với Cơ sở cai nghiện ma túy sau khi được chuyển đổi; sau khi chuyển đổi chế độ chính sách đối với người làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập được giữ nguyên theo các quy định của pháp luật; trong quá trình chuyển đổi cần chú trọng đến vấn đề môi trường và Điều kiện đảm bảo an ninh của cơ sở cai nghiện.

b) Khi xây dựng Đề án/Kế hoạch chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cần nghiên cứu, xây dựng thành lập Điểm vệ tinh hoặc Phòng công tác cộng đồng thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy để tổ chức tư vấn, tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ quản lý, hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy, người nghiện đang Điều trị, cai nghiện ma túy ngoại trú, người sau cai nghiện. Trong đó, tuân thủ nguyên tắc không phát sinh biên chế mà Điều động, tăng cường cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy ra Điểm vệ tinh hoặc sang Phòng công tác cộng đồng để làm việc.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp; chú trọng ứng dụng các bài thuốc hỗ trợ Điều trị, cắt cơn cai nghiện ma túy đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như Cedemex, Bông Sen, Heantos... nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu các phương pháp, bài thuốc Điều trị, cai nghiện ma túy của Việt Nam sản xuất.

5. Nghiên cứu, xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ xã hội đối với người nghiện ma túy, mô hình tổ chức cai nghiện ma túy phù hợp với đặc Điểm kinh tế - xã hội các vùng, miền khác nhau, gắn công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với trạm y tế cấp xã. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng về tư vấn, Điều trị, cai nghiện ma túy cho người làm công tác can thiệp, dự phòng và Điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng kiến thức, kỹ năng về Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp cho cán bộ làm công tác Điều trị, cai nghiện ma túy.

6. Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy, trong đó chú trọng nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện. Khuyến khích, tạo Điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế, cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực nhằm phục vụ công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.

7. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, báo cáo về công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt là hoạt động đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề nghị tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch công tác năm 2016 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

+ Xây dựng trình Chính phủ Nghị định tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện, trong đó ưu tiên đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc: đăng ký thành lập cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định của Luật đầu tư năm 2014; đăng ký Điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện; chính sách hỗ trợ kinh phí cho người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký đi Điều trị, cai nghiện ma túy.

+ Nghiên cứu, xây dựng Đề án thí Điểm chương trình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy trong tình hình mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

+ Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về việc phân loại người nghiện để xây dựng các chương trình Điều trị, cai nghiện phù hợp trong tình hình mới, trước mắt xây dựng các tiêu chí phân loại người nghiện phục vụ Tòa án nhân dân xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, để Tòa án nhân dân có căn cứ khoa học xem xét hình thức và thời gian áp dụng phù hợp, đảm bảo quyền và biện pháp tốt nhất đối với người nghiện ma túy.

+ Nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Luật dự phòng và phục hồi cho người nghiện ma túy để đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các nguồn lực, tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng về tư vấn, Điều trị, cai nghiện ma túy cho người làm công tác cai nghiện ma túy.

3. Bộ Công an

- Khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020 để các Bộ, ngành và địa phương có căn cứ xây dựng Kế hoạch phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020.

- Chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể với công an các tỉnh, thành phố về thủ tục xác định nơi cư trú, lập hồ sơ đề nghị áp dụng giáo dục tại xã phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

- Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy trong tình hình mới để có căn cứ, tham mưu, xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch về dự phòng can thiệp sớm đối với người sử dụng ma túy và hình thức Điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp.

4. Bộ Y tế

- Đẩy nhanh việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phương pháp Điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy tổng hợp trong hình hình mới.

- Chỉ đạo ngành y tế các cấp gắn công tác Điều trị, cai nghiện ma túy ở cộng đồng với trạm y tế cấp xã.

5. Bộ Tư pháp

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Luật dự phòng và phục hồi cho người nghiện ma túy để đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019.

6. Bộ Tài chính

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện trong quá trình xây dựng Nghị định cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Tiếp tục tăng cường huy động, ưu tiên bố trí nguồn vốn để bảo đảm thực hiện thành công việc đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013.

- Hàng năm ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch từ “Chương trình Mục tiêu về Hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội giai đoạn 2016-2020” đối với Dự án 4 “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị buôn bán” sau khi được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hàng năm ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch từ “Chương trình Mục tiêu về Hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội giai đoạn 2016-2020” đối với Dự án 4 “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị buôn bán” sau khi được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Bộ Nội vụ

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Cơ sở cai nghiện ma túy chuyển đổi theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới và vị trí việc làm của cán bộ trong các Cơ sở cai nghiện.

9. Bộ Tài nguyên và môi trường

Tăng cường phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án, ưu tiên đầu tư, xử lý môi trường tại các cơ sở cai nghiện ma túy được chuyển đổi.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị này, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ sở cai nghiện ma túy; thành lập các Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ Điều trị tại cộng đồng; huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đầu tư đổi mới công tác cai nghiện, đặc biệt đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc đầu tư, tổ chức cai nghiện ở cấp xã, gắn với trạm y tế xã.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ 6 tháng và một năm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, theo dõi tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương; định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:    /TTr-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày  tháng  năm 2016

 

TỜ TRÌNH

Về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương nghiên cứu và soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới với các nội dung chủ yếu sau:

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA CHỈ THỊ

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, nhiều chính sách, biện pháp nhằm tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy đã được ban hành và triển khai như: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2187/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Những chính sách và biện pháp này đã có tác động tích cực đến công tác cai nghiện ma túy trong phạm vi cả nước, góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức về cai nghiện ma túy, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo thống kê rà soát của Bộ Công an cả nước có 200.334 người nghiện, tăng 200 người so với năm 2015 (200.134). Người nghiện ma túy đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% trong số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, thì nghiện ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng tăng, (nhiều nơi chiếm hơn 50% số người Điều trị tại các Cơ sở cai nghiện). Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Điều trị, cai nghiện ma túy Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, đến nay, đã có hơn 53/63 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án, nhưng việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy còn chậm, mới chỉ có 27/63 tỉnh thành phố thực hiện chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội thành Cơ sở cai nghiện đa chức năng. Cán bộ tại các cơ sở cai nghiện còn thiếu kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác tư vấn, Điều trị nghiện ma túy. Công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng còn hạn chế do không được hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất và nhân lực nên nhiều địa phương chưa tổ chức được cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, công tác này chỉ được thực hiện tại một số tỉnh, thành phố được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo như: Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.... Việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương thực hiện bị cắt giảm (thực tế hỗ trợ là 380,960 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 586,540 tỷ đồng), nguồn lực đầu tư cho công tác cai nghiện tự nguyện lại chưa được quan tâm và hỗ trợ đúng mức. Các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy chậm đổi mới theo quan Điểm và khoa học về Điều trị, cai nghiện ma túy hiện nay. Công tác nghiên cứu, sử dụng các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy còn chưa đa dạng và chưa đáp ứng được Điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp. Trong Điều kiện người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng, chúng ta vẫn chưa có phác đồ Điều trị, hiện nay các cơ sở cai nghiện đang thực hiện các biện pháp y tế kết hợp với các biện pháp tư vấn, tâm lý xã hội để cắt cơn, Điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.

Thực trạng đó có nguyên nhân khách quan là Việt Nam đang trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện ma túy, các mô hình tổ chức cai nghiện như cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở đa chức năng, Điểm tư vấn mới bắt đầu hình thành, đồng thời cũng xuất hiện nhiều loại ma túy mới gây khó khăn cho việc quản lý và tổ chức cai nghiện. Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là nhận thức về tầm quan trọng của công tác cai nghiện chưa được đầy đủ và sâu sắc, chưa chủ động nghiên cứu, đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp. Bên cạnh đó, trong xã hội còn nhiều quan niệm khác nhau về việc Điều trị cai nghiện ma túy. Nhiều người vẫn giữ ý kiến: cai nghiện ma túy là phải Điều trị bắt buộc tại các cơ sở tập trung, mà quên đi tầm quan trọng của những biện pháp hỗ trợ từ cộng đồng. Những người đi cai nghiện ở trung tâm thường có mặc cảm do bị cách ly trong thời gian dài, gia đình họ cũng không thể tham gia quy trình trị liệu tâm lý cho con em, dẫn đến sự thiếu tin tưởng vào các trung tâm. Công tác bố trí nguồn lực, tuyên truyền, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện chưa được chú trọng chỉ đạo tập trung và quyết liệt.

Do vậy, để tập trung chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy, tăng cường công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, huy động các nguồn lực để thực hiện công tác cai nghiện ma túy thì việc phải ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỈ THỊ

Để tiến hành xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai các công việc, cụ thể:

- Rà soát, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để xây dựng dự thảo Chỉ thị;

- Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

- Tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Bộ, ngành, một số địa phương hoàn thiện Dự thảo.

- Trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới và tiếp thu ý kiến góp ý và hoàn thiện Dự thảo (Dự thảo Chỉ thị kèm theo).

III. NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHỈ THỊ

Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới có nội dung chính sau:

1. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine, Ketamine, Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ”... và vai trò của công tác can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy, Điều trị cai nghiện ma túy đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cai nghiện và nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác cai nghiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động.

b) Khẩn trương rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách pháp luật về công tác cai nghiện, quy chế quản lý người nghiện ma túy tại địa phương từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, quy chế cho phù hợp với xu hướng và tình hình nghiện ma túy hiện nay. Chú trọng đến bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt là hỗ trợ, tạo Điều kiện đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.

c) Đẩy nhanh việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

d) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy an toàn, hiệu quả, đặc biệt là Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp; chú trọng ứng dụng các bài thuốc hỗ trợ Điều trị, cắt cơn cai nghiện ma túy đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như Cedemex, Bông Sen, Heantos... nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu các phương pháp, bài thuốc Điều trị, cai nghiện ma túy của Việt Nam sản xuất.

đ) Nghiên cứu, xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ xã hội đối với người nghiện ma túy, mô hình tổ chức cai nghiện ma túy phù hợp với đặc Điểm kinh tế - xã hội các vùng, miền khác nhau, gắn công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng với trạm y tế cấp xã. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng về tư vấn, Điều trị, cai nghiện ma túy cho người làm công tác can thiệp, dự phòng và Điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng kiến thức, kỹ năng về Điều trị, cai nghiện ma túy tổng hợp cho cán bộ làm công tác Điều trị, cai nghiện ma túy.

e) Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy, trong đó chú trọng nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện. Khuyến khích, tạo Điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế, cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực nhằm phục vụ công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.

f) Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, báo cáo về công tác cai nghiện trong tình hình mới, đặc biệt là hoạt động đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ.

2. Phân công trách nhiệm thực hiện

Chỉ thị quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

IV. KIẾN NGHỊ

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Cục PCTNXH (02b).

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3327/LĐTBXH-PCTNXH năm 2016 góp ý dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác cai nghiện ma túy trong tình hình mới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 3327/LĐTBXH-PCTNXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/08/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản