Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THUỶ SẢN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 286/QLCL-KH
V/v báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Kế hoạch)

Thực hiện văn bản số 983/BNN-KH ngày 25/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo như sau:

1. Đẩy mạnh triển khai Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối giai đoạn 2011 – 2015: Đề án đã được triển khai tích cực và đang dần hoàn thiện 03 mục tiêu đặt ra bao gồm:

a) Kiện toàn và nâng cao năng lực cơ quan quản lý, củng cố và phát triển lực lượng kiểm soát về chất lượng và ATTP nông, lâm, thủy sản và muối từ Trung ương đến các địa phương: Cục đã tham mưu trình Bộ ban hành các văn bản phân công nhiệm vụ quản lý chất lượng VTNN, ATTP giữa các đơn vị thuộc Bộ, rà soát, sửa đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý Chất lượng NLTS; tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNV-BNN về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn; trình Bộ thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản trực thuộc Cục và hướng dẫn thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục QLCL NLS&TS thực hiện dịch vụ công về tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận quá trình và sản phẩm nông lâm thủy sản. Ở địa phương đã có 61/63 tỉnh/thành phố thành lập và đưa Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vào hoạt động, 02 địa phương còn lại (Hà Tĩnh, Tp HCM) thành lập Phòng QLCL nông lâm sản thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

b) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối, đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, cam kết quốc tế: Từ năm 2011 đến nay Cục đã tham mưu trình Bộ ban hành 17 Thông tư, 03 văn bản hợp nhất, 18 Chỉ thị và Quyết định cá biệt về lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối; cơ bản đã hoàn thiện đầy đủ hành lang pháp lý để có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, ATTP theo phân công của Quốc hội, Chính phủ.

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ yêu cầu của công tác quản lý và hội nhập trong giai đoạn mới.

Từ năm 2011 đến nay Cục đã và đang tổ chức thi công xây dựng công trình Trung tâm vùng 1, 2, 4, 6, Cơ quan Nam Bộ và chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thuỷ sản. Các công trình được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ công chức Cục, góp phần phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hàng năm Cục đều tăng cường năng lực kiểm nghiệm cho các PKN thuộc Cục như: bổ sung trang thiết bị kiểm nghiệm, mở rộng năng lực phân tích, tham gia thử nghiệm thành thạo quốc tế và nội bộ. Cục phối hợp với các Cục chuyên ngành tiếp tục đánh giá và chỉ định các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy; tính đến nay đã có 85 phòng thử nghiệm trong và ngoài ngành được chỉ định là phòng thử nghiệm chất lượng VTNN, ATTP.

2. Triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc: Ngày 27/12/2013 Cục đã trình Bộ ban hành Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”, hiện Cục đã trình Bộ xem xét, phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án và đang tổ chức triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại 10 tỉnh phía Bắc (10 chuỗi), 05 tỉnh miền Trung (5 chuỗi) và 07 tỉnh phía Nam (08 chuỗi).

3. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu:

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn dưới Luật theo hướng cải cách hành chính, hài hoà hơn với chuẩn mực thông lệ quốc tế; bổ sung các khung pháp lý còn thiếu, loại bỏ các khung pháp lý trùng lặp tại các văn bản khác nhau; khẩn trương hợp nhất các văn bản QPPL để dễ tra cứu, áp dụng.

- Phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động, tập huấn người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất đảm bảo ATTP nông lâm thuỷ sản theo chuỗi và hướng dẫn người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có nhãn nhận diện được xác nhận an toàn.

- Tổ chức triển khai thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT (thống kê, kiểm tra đánh giá, xếp loại; nghiêm túc thực hiện việc công khai kết quả đánh giá, xếp loại; tổ chức tái kiểm tra cơ sở loại C và xử lý kiên quyết theo đúng quy định đối với các cơ sở không chịu khắc phục sai lỗi kể cả đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh)

- Duy trì lấy mẫu giám sát trên diện rộng kết hợp với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá nguy cơ, xác định sản phẩm nguy cơ cao, công đoạn nguy cơ cao, địa bàn nguy cơ cao và tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý vi phạm (kể cả thu hồi sản phẩm không an toàn); kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang, đồng thời giúp người tiêu dùng trong phân biệt, lựa chọn sản phẩm an toàn

- Ưu tiên nguồn lực (kinh phí và nhân lực) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đại diện cho các vùng sinh thái. Sớm tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phổ biến nhân rộng.

- Thường xuyên theo dõi, xử lý các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam bị cảnh báo tại các thị trường (Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Châu Âu, Nga, Trung Quốc…) theo quy định; nhanh chóng thông báo, phối hợp, hướng dẫn Doanh nghiệp điều tra nguyên nhân và khắc phục sự cố mất ATTP. Làm việc với cơ quan thẩm quyền các nước Trung Quốc, Liên bang Nga, Ucraina đàm phán, hợp tác trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các nước này.

- Kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nông sản nhập khẩu (kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu kiểm tra tăng cường khi có dấu hiệu nghi ngờ ...) theo quy định tại Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trường hợp phát hiện lô hàng không đảm bảo an toàn, không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (tái xuất, tiêu huỷ), đồng thời thông báo đến cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu yêu cầu điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục nhằm tránh tái diễn.

- Chú trọng đào tạo/tập huấn cơ bản và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chuyên ngành chất lượng ATTP nông lâm thủy sản.

- Hỗ trợ nâng cấp, đào tạo cho một số phòng kiểm nghiệm trực thuộc Bộ để đến năm 2015 là phòng kiểm nghiệm kiểm chứng của Ngành, của quốc gia có năng lực tương đương phòng kiểm nghiệm kiểm chứng các nước trong khu vực. Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, mở rộng đánh giá, chỉ định phòng kiểm nghiệm tham kết hợp quản lý chặt chẽ đối với các phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định.

Kính gửi Quý Vụ tổng hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, KH.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Như Tiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 286/QLCL-KH năm 2014 báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 286/QLCL-KH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/02/2014
  • Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
  • Người ký: Nguyễn Như Tiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản