Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
CỤC KIỂM LÂM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 276/KL-ĐTXL
V/v hướng dẫn áp dụng Nghị định số 40/2015/NĐ-CP của Chính phủ

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi:

- Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.

 

Ngày 27/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây viết tắt là Nghị định 40/2015/NĐ-CP), có hiệu lực từ ngày 20/6/2015; Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia chỉ đạo thực hiện đầy đủ Nghị định này, trong đó lưu ý một số vấn đề sau:

1. Tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị định 40/2015/NĐ-CP quy định: “Nghị định này không điều chỉnh đối với động vật rừng, thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ”, việc áp dụng thực hiện như sau:

- Áp dụng Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm đối với thực vật rừng, động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (sau đây viết tắt là Nghị định 32/2006/NĐ-CP) nhưng không thuộc thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 160/2013/NĐ-CP).

- Hành vi vi phạm đối với động vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP phải bị xử lý hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

2. Tại Khoản 9 Điều 1 của Nghị định 40/2015/NĐ-CP quy định: Bãi bỏ Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP. Do vậy, để đảm bảo tính liên tục trong xử lý đối với các hành vi vi phạm: khai thác rừng, gây cháy rừng, phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái pháp luật thì phải xác định hậu quả của từng hành vi vi phạm cụ thể, nếu đến mức gây “hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng và bảo vệ rừng và quản lý lâm sản hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì xem xét khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại các Điều 175,189 của Bộ luật Hình sự.

3. Về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 của Nghị định 40/2015/NĐ-CP “Vi phạm các quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”:

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 7/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và việc tổ chức thực hiện các quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện những quy định của Nhà nước về chi trả dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng để kịp thời phát hiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 của Nghị định này.

4. Nghị định số 40/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định không điều chỉnh đối với thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Do vậy, hành vi vi phạm đối với thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị
định 160/2013/NĐ-CP thì áp dụng Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời thông tin về Cục Kiểm lâm để hướng dẫn giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Hà Công Tuấn (để báo cáo);
- PTCT Nguyễn Bá Ngãi (để báo cáo);
- Lưu: VT, ĐTXL.

PHÓ CỤC TRƯỞNG
PHỤ TRÁCH CỤC




Đỗ Trọng Kim

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 276/KL-ĐTXL năm 2015 hướng dẫn áp dụng Nghị định 40/2015/NĐ-CP do Cục Kiểm lâm ban hành

  • Số hiệu: 276/KL-ĐTXL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/05/2015
  • Nơi ban hành: Cục Kiểm lâm
  • Người ký: Đỗ Trọng Kim
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 20/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản