Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TƯ PHÁP-BỘ CÔNG AN -VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

SỐ:19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN

Để áp dụng đúng và thống nhất một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là BLHS) về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng,

bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:

I. VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

1. Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 Điều 175, khoản 1 Điều 189 BLHS nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 Điều 175 hoặc khoản 1 Điều 189 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đó.

2. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 176, điểm b khoản 2 Điều 189, điểm b khoản 2 Điều 190 BLHS là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản mà sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 176, khoản 1 Điều 189, khoản 1 Điều 190 BLHS.

3. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản mà sử dụng chức vụ, quyền hạn vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao để thực hiện một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS.

4. Bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS nếu trước đó người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã bị xử lý kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn được coi là xoá kỷ luật mà lại thực hiện một trong các hành vi đó.

5. Bị coi là “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS nếu trước đó đã bị kết án về tội phạm quy định tại Điều 175 BLHS, nhưng chưa được xoá án tích mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều này.

II. VỀ MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THÔNG TƯ

1. “Mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính” là mức tối đa thiệt hại về diện tích rừng, khối lượng lâm sản, giá trị các loại lâm sản khác được tính bằng tiền theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với mỗi hành vi vi phạm tại thời điểm vi phạm hoặc tại thời điểm xử lý, nếu tại thời điểm xử lý quy định mới của Chính phủ có lợi hơn cho người vi phạm.

2. “Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB” là những loại thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.

Đối với các loài động vật rừng không thuộc nhóm IB nhưng thuộc

Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) thì xử lý như nhóm IB.

3. “Gỗdùng trong Thông tư này bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo.

III. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VỀ RỪNG, LÂM SẢN

1. Đơn vị tính để xác định thiệt hại

1.1. Diện tích rừng tính bằng mét vuông (m2).

1.2. Khối lượng gỗ tính bằng mét khối (m3) quy ra gỗ tròn. Việc quy đổi từ gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp ra gỗ tròn bằng cách nhân với hệ số 1,6.

1.3. Số lượng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB tính bằng cá thể (con).

1.4. Các loại lâm sản khác được tính bằng tiền Việt Nam (VNĐ).

1.5. Khối lượng củi các loại được tính theo đơn vị ste.

2. Cách xác định thiệt hại

2.1. Việc đo diện tích rừng được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.2. Việc đo, tính khối lượng gỗ và lâm sản được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.3. Việc xác định giá trị các loại lâm sản khác được tính theo giá thị trường tại địa phương vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp tại địa phương không xác định được giá loại lâm sản đó (do loại lâm sản đó không được mua bán trên thị trường) và pháp luật không có quy định khác thì giá trị các loại lâm sản đó được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

IV. MỘT SỐ TỘI PHẠM CỤ THỂ

1. Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS)

1.1. “Khai thác trái phép cây rừng” là một trong các hành vi sau đây:

a) Khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong trường hợp pháp luật quy định việc khai thác đó chỉ được thực hiện khi đã được cấp giấy phép và giấy phép còn trong thời hạn;

b) Khai thác cây rừng ngoài khu vực cho phép;

c) Khai thác cây rừng không có dấu búa bài cây (bài chặt) trong các trường hợp theo quy định của pháp luật phải có dấu búa bài cây (bài chặt);

d) Khai thác cây rừng vượt quá khối lượng cho phép (phần vượt quá khối lượng).

1.2. “Hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng” là ngoài hành vi khai thác trái phép cây rừng còn có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng.

Trường hợp khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ... thì bị xử lý như sau:

a) Nếu chủ rừng khai thác cây rừng trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 BLHS;

b) Nếu người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS.

1.3. “Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép” là hành vi vận chuyển,
buôn bán gỗ không đúng quy định của Nhà nước (như vận chuyển gỗ không có thủ tục, buôn bán gỗ không có giấy phép kinh doanh hoặc có giấy phép nhưng đã hết hiệu lực...).

Trường hợp buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo Điều 153 hoặc Điều 154 BLHS.

1.4. “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gây thiệt hại về lâm sản (trừ động vật rừng) từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định cho mỗi hành vi vi phạm;

Ví dụ: Mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với hành vi khai thác trái phép gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII ở rừng sản xuất là 20m3. Nếu khai thác trái phép từ trên 20m3 đến 40m3 là gây hậu quả nghiêm trọng.

b) Khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép từ hai loại gỗ trở lên (gỗ thông thường nhóm I - III với gỗ thông thường nhóm IV - VIII; gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm nhóm IIA) mà khối lượng của mỗi loại gỗ chưa vượt quá mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tổng khối lượng gỗ trong vụ vi phạm đó vượt quá mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII quy định cho hành vi tương ứng đó;

Ví dụ 1: Phạm Minh H khai thác trái phép ở rừng sản xuất 13m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII và 9m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm I đến nhóm III. Tổng cộng H đã khai thác trái phép 22m3. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với hành vi khai thác gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII ở rừng sản xuất là 20m3; do đó, hành vi của Phạm Minh H thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ 2: Trần Văn C khai thác trái phép ở rừng sản xuất 11m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII, 7m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm I đến nhóm III và 5m3 gỗ tròn quý, hiếm thuộc nhóm IIA. Tổng cộng C đã khai thác trái phép 23m3. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với hành vi khai thác gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII ở rừng sản xuất là 20m3; do đó, hành vi của Trần Văn C thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ 3: Trần Đức P vận chuyển trái phép 13m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII, 5m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm I đến nhóm III và 3m3 gỗ tròn quý, hiếm nhóm IIA. Tổng cộng P đã vận chuyển trái phép 21m3. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái phép gỗ thông thường từ nhóm IV đến nhóm VIII là 20m3; do đó, hành vi của Trần Đức P thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

c) Khai thác gỗ quý, hiếm nhóm IA ở rừng sản xuất đến 2m3; ở rừng phòng hộ đến 1,5m3; ở rừng đặc dụng đến 1m3;

d) Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA ở rừng sản xuất có giá trị đến ba triệu đồng; ở rừng phòng hộ đến hai triệu đồng; ở rừng đặc dụng đến một triệu đồng;

đ) Vận chuyển, buôn bán gỗ quý, hiếm nhóm IA đến 2m3.

1.5. “Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gây thiệt hại về lâm sản (trừ động vật rừng) từ trên hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định cho mỗi hành vi vi phạm.

Ví dụ: Mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với hành vi khai thác trái phép gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII ở rừng sản xuất là 20m3. Nếu khai thác trái phép từ trên 40m3 đến 80m3 là phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng.

b) Khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép từ hai loại gỗ trở lên (gỗ thông thường nhóm I - III với gỗ thông thường nhóm IV - VIII; gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm nhóm IIA) mà tổng khối lượng gỗ trong vụ vi phạm từ trên hai lần đến bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII quy định cho hành vi tương ứng đó.

Ví dụ: Trần Văn G khai thác trái phép ở rừng sản xuất 19m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII, 13m3 gỗ tròn thông thường thuộc nhóm I đến nhóm III và 9m3 gỗ tròn quý, hiếm thuộc nhóm IIA. Tổng cộng A khai thác trái phép ba loại gỗ là 41m3. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII ở rừng sản xuất là 20m3. Như vậy, trên hai lần mức tối đa này là trên 40m3; do đó, G phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng.

c) Khai thác gỗ quý, hiếm nhóm IA, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trên mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn tại các điểm c và d tiểu mục 1.4 mục 1 này đến hai lần mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng tương ứng đó.

Ví dụ 1: Đinh Văn T khai thác trái phép 2,5m3 gỗ quý, hiếm nhóm IA ở rừng sản xuất là phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng.

Ví dụ 2: Trịnh Đình Q khai thác trái phép thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA ở rừng phòng hộ có giá trị hai triệu năm trăm ngàn đồng là phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng.

d) Vận chuyển, buôn bán gỗ quý, hiếm nhóm IA trên mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn tại điểm đ tiểu mục 1.4 mục 4 này đến hai lần mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng tương ứng đó.

Ví dụ: Đào Văn K vận chuyển, buôn bán 3m3 gỗ quý, hiếm nhóm IA là phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng.

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 này và còn thực hiện một trong các hành vi: chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; đập phá nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện của cơ quan có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội độc lập.

1.6. “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gây thiệt hại về lâm sản (trừ động vật rừng) trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính quy định cho mỗi hành vi vi phạm.

b) Khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép từ hai loại gỗ trở lên (gỗ thông thường nhóm I - III với gỗ thông thường nhóm IV - VIII; gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm nhóm IIA) mà tổng khối lượng gỗ trong vụ vi phạm từ trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ thông thường thuộc nhóm IV đến nhóm VIII quy định cho hành vi tương ứng đó.

c) Khai thác gỗ quý, hiếm nhóm IA, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA trên mức tối đa của hậu quả rất nghiêm trọng;

d) Vận chuyển, buôn bán gỗ quý, hiếm nhóm IA trên mức tối đa của hậu quả rất nghiêm trọng;

đ) Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d và còn thực hiện một trong các hành vi nêu tại điểm đ tiểu mục 1.5 mục 1 này.

2. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (Điều 176 BLHS)

Thông tư này chỉ hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng gây thiệt hại về rừng, lâm sản.

2.1. “Giao rừng, thu hồi rừng trái pháp luật” là hành vi giao rừng, thu hồi rừng, không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2.2. “Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật” là hành vi cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2.3. “Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật” là hành vi cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng khối lượng, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2.4. “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Giao rừng, thu hồi rừng trái pháp luật với diện tích:

a.1) Rừng sản xuất từ trên 20.000m2 đến 25.000m2;

a.2) Rừng phòng hộ từ trên 15.000m2 đến 20.000m2;                    

a.3) Rừng đặc dụng từ trên 10.000m2 đến 15.000m2;                                            

b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật với diện tích:

b.1) Rừng sản xuất từ trên 10.000m2 đến 12.500m2;

b.2) Rừng phòng hộ từ trên 7.500m2 đến 10.000m2;

b.3) Rừng đặc dụng từ trên 5.000m2 đến 7.500m2;

c) Cho phép khai thác lâm sản trái pháp luật gây thiệt hại đối với rừng sản xuất:

c.1) Gỗ tròn nhóm IA đến 2m3;

c.2) Gỗ tròn nhóm IIA từ trên 10m3 đến 20m3;

c.3) Gỗ tròn loại thông thường nhóm I đến nhóm III từ trên 15m3 đến 30m3;

c.4) Gỗ tròn loại thông thường nhóm IV đến nhóm VIII từ trên 20m3 đến 40m3;

c.5) Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA có giá trị đến ba triệu đồng.

d) Cho phép khai thác lâm sản trái pháp luật gây thiệt hại đối với rừng phòng hộ:

d.1) Gỗ tròn nhóm IA đến 1,5m3;

d.2) Gỗ tròn nhóm IIA từ trên 7,5m3 đến 15m3;

d.3) Gỗ tròn loại thông thường nhóm I đến nhóm III từ trên 10m3 đến 20m3;

d.4) Gỗ tròn loại thông thường nhóm IV đến nhóm VIII từ trên 15m3 đến 30m3;

d.5) Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA có giá trị đến hai triệu đồng.

đ) Cho phép khai thác lâm sản trái pháp luật gây thiệt hại đối với rừng đặc dụng:

đ.1) Gỗ tròn nhóm IA đến 1m3;

đ.2) Gỗ tròn nhóm IIA từ trên 5m3 đến 10m3;

đ.3) Gỗ tròn loại thông thường nhóm I đến nhóm III từ trên 7,5 m3 đến 15m3;

đ.4) Gỗ tròn loại thông thường nhóm IV đến nhóm VIII từ trên 10m3 đến 20m3;

đ.5) Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA có giá trị đến một triệu đồng.

e) Cho phép khai thác lâm sản trái pháp luật là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

g) Cho phép vận chuyển lâm sản trái pháp luật là gỗ với khối lượng:

g.1) Gỗ tròn nhóm IA đến 2m3;

g.2) Gỗ tròn nhóm IIA từ trên 10m3 đến 20m3;

g.3) Gỗ tròn loại thông thường nhóm I đến nhóm III từ trên 15m3 đến 30m3;

g.4) Gỗ tròn loại thông thường nhóm IV đến nhóm VIII từ trên 20m3 đến 40m3.

h) Cho phép vận chuyển lâm sản trái pháp luật là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

2.5. “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 176 BLHS là gây thiệt hại từ trên mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 mục 2 này đến hai lần mức tối đa của hậu quả nghiêm trọng tương ứng đó.

Ví dụ: Nguyễn Mạnh V là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện A cho phép khai thác trái pháp luật 45m3 gỗ tròn loại thông thường nhóm V ở rừng sản xuất. Vậy, hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh V là thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng.

2.6. “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 176 BLHS là gây thiệt hại trên mức tối đa của hậu quả rất nghiêm trọng được hướng dẫn tại tiểu mục 2.5 mục 2 này.

2.7. Trường hợp giao rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng gồm có rừng sản xuất và rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng hoặc rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thì tổng diện tích các loại rừng được tính theo rừng sản xuất; trường hợp gồm có rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thì tổng diện tích các loại rừng được tính theo rừng phòng hộ.

2.8. Trường hợp cho phép vận chuyển lâm sản trái pháp luật là gỗ từ hai loại trở lên (gỗ thông thường nhóm I - III với gỗ thông thường nhóm IV - VIII; gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm nhóm IIA) mà khối lượng của mỗi loại gỗ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì lấy tổng khối lượng của các loại gỗ so sánh với mức tối thiểu đối với gỗ từ nhóm IV - VIII để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu là cho phép khai thác thì so sánh với mức tối thiểu đối với gỗ từ nhóm IV - VIII được khai thác ở rừng sản xuất.

2.9. Trường hợp cho phép khai thác lâm sản trái pháp luật hoặc cho phép vận chuyển lâm sản trái pháp luật là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB từ hai loài trở lên thì việc xác định gây hậu quả nghiêm trọng,gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này như sau:

a) Nếu căn cứ vào số lượng cá thể một loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì xác định trường hợp đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Số lượng cá thể các loài khác được xem xét khi quyết định hình phạt.

b) Nếu căn cứ vào số lượng cá thể từng loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chỉ là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng” thì lấy tổng số lượng cá thể của các loài so sánh với loài có số lượng cá thể cao nhất tại Phụ lục kèm theo Thông tư này để xác định trong trường hợp cụ thể đó là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

3. Tội huỷ hoại rừng (Điều 189 BLHS)

3.1. “Đốt rừng trái phép” là hành vi cố ý làm cháy rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3.2. “Phá rừng trái phép” là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì, trừ các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 Phần IV này.

3.3. “Hành vi khác huỷ hoại rừng” là đào bới, nổ mìn, san ủi, đào, đắp ngăn nước thuỷ triều, tháo nước hoặc xả chất độc hại vào rừng trái pháp luật... làm cho cây rừng bị chết hàng loạt, đất rừng bị ô nhiễm.

Trường hợp đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ... thì bị xử lý như sau:

a) Nếu chủ rừng đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 189 BLHS;

b) Nếu người đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS.

3.4. “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 189 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ: Mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với hành vi phá rừng sản xuất là 10.000m2. Nguyễn Văn V phá rừng sản xuất với diện tích là 15.000m2. Hành vi phạm tội của V thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

b) Gây thiệt hại về lâm sản có giá trị từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu.

Trong trường hợp huỷ hoại rừng mà còn gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác, tài sản của Nhà nước, tập thể, của cá nhân đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý về tội huỷ hoại rừng và tội tương ứng quy định trong BLHS.

3.5. Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 189 BLHS

a) “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn” là trường hợp huỷ hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ: Mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với hành vi phá rừng sản xuất là 10.000m2. Trần Đình S phá rừng sản xuất với diện tích là 30.000m2. Hành vi phạm tội của S thuộc trường hợp huỷ hoại diện tích rừng rất lớn.

b) “Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ” là chặt phá các loại thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA.

Trường hợp chặt phá các loại thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA, IIA không xác định thiệt hại bằng diện tích theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 3.4 mục 3 này (do chặt phá từng cây ở nhiều vị trí khác nhau trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu), nhưng giá trị thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị chặt phá từ trên ba mươi triệu đồng đến sáu mươi triệu đồng đối với nhóm IA hoặc từ trên năm mươi triệu đến một trăm triệu đồng đối với nhóm IIA thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 189 BLHS.

c) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” là gây hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn tại tiểu mục 3.4 mục 3 này và còn thực hiện một trong các hành vi: chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; đập phá nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện của cơ quan có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội độc lập.

3.6. Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS

a) “Huỷ hoại diện tích rừng đặc biệt lớn” là huỷ hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.

b) “Huỷ hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng” là huỷ hoại các loại rừng này với diện tích trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính.

c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” khi thuộc một trong các trường hợp sau:

c.1) Giá trị thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị chặt phá từ trên sáu mươi triệu đồng đối với nhóm IA hoặc từ trên một trăm triệu đồng đối với nhóm IIA, nếu không thuộc trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục 3.6 mục 3 này;

c.2) Gây thiệt hại quy định tại điểm a hoặc điểm b tiểu mục 3.5 mục 3 này và còn thực hiện một trong các hành vi: chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; đập phá nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện của cơ quan có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội độc lập.

4. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190 BLHS)

4.1. “Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ” là việc săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB không đượccơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

4.2. “Vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó là vận chuyển, buôn bán các loại sản phẩm như thịt, xương, sừng, da, lông, ngà, móng, vẩy, răng và các bộ phận khác từ cơ thể các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB mà không có giấy tờ hợp pháp. Trường hợp các loại sản phẩm này đã được chế biến, chế tác thành hàng hoá hoặc nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất... thì xử lý theo quy định của pháp luật đối với hàng cấm.

4.3. Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 190 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể dưới mức tối thiểu “gây hậu quả rất nghiêm trọng tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

b) Vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị đến năm mươi triệu đồng.

4.4. Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 190 BLHS

a) “Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm” là sử dụng các loại vũ khí quân dụng (kể cả đã được cải biến), các loại tên tẩm thuốc độc hoặc dùng chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy sập, dùng khúc gỗ lớn hoặc răng sắt lớn, dùng đèn soi, gài súng và các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt ở địa bàn đó hoặc đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đó.

b) Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc săn bắt trong các khu vực rừng có quy định cấm khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc vào mùa di cư đến của chúng.

d) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

d.1) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

d.2) Vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng;

d.3) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có số lượng cá thể dưới mức “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và còn vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị đến năm mươi triệu đồng.

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

đ.1) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

đ.2) Vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên một trăm triệu đồng;

đ.3) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có số lượng cá thể ở mức “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và còn vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

4.5. Trường hợp săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB từ hai loài trở lên thì việc xác định “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này như sau:

a) Nếu căn cứ vào số lượng cá thể một loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì xác định trường hợp đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Số lượng các cá thể các loài khác được xem xét khi quyết định hình phạt.

b) Nếu căn cứ vào số lượng cá thể từng loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chỉ là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “dưới mức gây hậu quả nghiêm trọng thì lấy tổng số lượng cá thể của các loài so sánh với loài có số lượng cá thể cao nhất tại Phụ lục kèm theo Thông tư này để xác định trong trường hợp cụ thể đó thuộc khoản 1 Điều 190 BLHS hay là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

5. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 240 BLHS)

5.1. Thông tư này chỉ hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến cháy rừng gây thiệt hại về rừng, sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác.

5.2. Các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng bao gồm:

a) Ở những khu rừng tập trung mà chủ rừng không có phương án phòng cháy, chữa cháy và công trình phòng cháy, chữa cháy rừng;

b) Đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu;

c) Đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô;

d) Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V;

đ) Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh;

e) Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng;

g) Không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng;

h) Các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng.

5.3. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 240 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gây thiệt hại một loại rừng mà diện tích thiệt hại từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính;

b) Gây thiệt hại từ hai loại rừng trở lên (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) mà diện tích mỗi loại rừng bị thiệt hại chưa vượt quá mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tổng diện tích các loại rừng bị thiệt hại trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng sản xuất;

Ví dụ: Hoàng Ngọc B đốt lửa trong rừng dẫn đến cháy rừng sản xuất với diện tích là 6.000m2, cháy rừng phòng hộ với diện tích là 3.000m2, cháy rừng đặc dụng với diện tích là 2.000m2. Tổng cộng diện tích 3 loại rừng bị cháy là 11.000m2. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng sản xuất là 10.000m2; do đó, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 240 BLHS.

c) Làm chết 1 người;

d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

h) Gây thiệt hại về tài sản khỏc có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

5.4. “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 240 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gây thiệt hại một loại rừng mà diện tích thiệt hại từ trên hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính;

b) Gây thiệt hại từ hai loại rừng trở lên (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không phân biệt diện tích mỗi loại rừng đã đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa) mà tổng diện tích các loại rừng bị thiệt hại từ trên hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng sản xuất;

Ví dụ 1: Trần Văn M đốt lửa trong rừng dẫn đến cháy rừng sản xuất với diện tích 9.500m2, cháy rừng phòng hộ với diện tích là 7.000m2, cháy rừng đặc dụng với diện tích là 4.000m2. Tổng cộng diện tích 3 loại rừng bị cháy là 20.500m2. Theo quy định hiện hành mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng sản xuất là 10.000m2; do đó, hành vi phạm tội của M thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng.

c) Gây thiệt hại về rừng thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b tiểu mục 5.3 mục 5 này và còn có một trong các tình tiết được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ, e, g và h tiểu mục 5.3 mục 5 này;

d) Làm chết hai người;

đ) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm d, đ, e, g và h tiểu mục 5.3 mục 5 này;

e) Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;

h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm đ, e, g và h tiểu mục 5.3 mục 5 này.

i) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

5.5. “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 240 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Gây thiệt hại một loại rừng trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính;

b) Gây thiệt hại từ hai loại rừng trở lên (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không phân biệt diện tích mỗi loại rừng đã đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa) mà tổng diện tích các loại rừng bị thiệt hại từ trên bốn lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng sản xuất;

c) Gây thiệt hại về rừng thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b tiểu mục 5.4 mục 5 này và còn có một trong các tình tiết được hướng dẫn tại các điểm d, đ, e, g, h và i tiểu mục 5.4 mục 5 này;

d) Làm chết ba người trở lên;

đ) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm d, đ, e, g và h tiểu mục 5.3 mục 5 này;

e) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm e, g, h và i tiểu mục 5.4 mục 5 này;

g) Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;

i) Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm i tiểu mục 5.4 mục 5 này;

k) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Đối với các trường hợp mà người phạm tội đã bị kết án đúng theo các văn bản hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác; nếu theo Thông tư này là họ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì giải quyết theo thủ tục miễn chấp hành hình phạt.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn, cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung.


KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG




Lê Thị Thu Ba

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG





Lê Thế Tiệm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

KT.VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Dương Thanh Biểu

KT.CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Đặng Quang Phương

 

 

để sao gửi trong ngành

 
Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (để sao gửi trong ngành và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định);
- Bộ Công an;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Văn phòng Chính phủ (hai bản để đăng công báo);
- Lưu: Cục Kiểm lâm (BNN&PTNT), Vụ PLHSHC (Bộ Tư pháp), V19 (BCA), V8 (VKSNDTC), VKHXX (TANDTC).

 

PHỤ LỤC:

VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH SỐ LƯỢNG CÁ THỂ ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IB
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số   19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày   08 / 3 /2007)

TT
Tên Việt Nam

Tên khoa học

Số  lượng cá thể để xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1
Điều 176
và truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 190 BLHS

Số  lượng cá thể để xác định “gây hậu quả rất nghiêm trọng”

Số  lượng cá thể để xác định “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”

 

LỚP THÚ

MAMMALIA

 

 

 

 

Bộ cánh da

Dermoptera

 

 

 

1

Chồn bay (Cầy bay)

Cynocephalus variegatus

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

 

Bộ khỉ hầu

Primates

 

 

 

2

Cu li lớn

Nycticebus bengalensis (N. coucang)

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

3

Cu li nhỏ

Nycticebus pygmaeus

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

4

Voọc chà vá chân xám

Pygathrix cinerea

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

5

Voọc chà vá chân đỏ

Pygathrix nemaeus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

6

Voọc chà vá chân đen

Pygathrix nigripes

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

7

Voọc mũi hếch

Rhinopithecus avunculus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

8

Voọc xám

Trachypithecus barbei (T. phayrei)

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

9

Voọc mông trắng

Trachypithecus delacouri

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

10

Voọc đen má trắng

Trachypithecus francoisi

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

11

Voọc đen Hà Tĩnh

Trachypithecus hatinhensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

12

Voọc Cát Bà (Voọc đen đầu vàng)

Trachypithecus poliocephalus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

13

Voọc bạc Đông Dương

Trachypithecus villosus (T. cristatus)

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

14

Vượn đen tuyền Tây Bắc

Nomascus (Hylobates) concolor

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

15

Vượn đen má hung

Nomascus (Hylobates) gabriellae

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

16

Vượn đen má trắng

Nomascus (Hylobates) leucogenys

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

17

Vượn đen tuyền Đông Bắc

Nomascus (Hylobates) nasutus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

Bộ thú ăn thịt

Carnivora

 

 

 

18

Sói đỏ (Chó sói lửa)

Cuon alpinus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

19

Gấu chó

Ursus (Helarctos) malayanus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

20

Gấu ngựa

Ursus (Selenarctos) thibetanus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

21

Rái cá thường

Lutra lutra

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

22

Rái cá lông mũi

Lutra sumatrana

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

23

Rái cá lông mượt

Lutrogale (Lutra) perspicillata

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

24

Rái cá vuốt bé

Amblonyx (Aonyx) cinereus (A. cinerea)

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

25

Chồn mực (Cầy đen)

Arctictis binturong

từ 1 đến 2 con

từ 3 đến 4 con

từ 5 con trở lên

26

Beo lửa (Beo vàng)

Catopuma (Felis) temminckii

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

27

Mèo ri

Felis chaus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

28

Mèo gấm

Pardofelis (Felis) marmorata

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

29

Mèo rừng

Prionailurus (Felis) bengalensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

30

Mèo cá

Prionailurus (Felis) viverrina

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

31

Báo gấm

Neofelis nebulosa

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

32

Báo hoa mai

Panthera pardus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

33

Hổ

Panthera tigris

 

 

từ 1 con trở lên

 

Bộ có vòi

Proboscidea

 

 

 

34

Voi

Elephas maximus

 

 

từ 1 con trở lên

 

Bộ móng guốc ngón lẻ

Perissodactyla

 

 

 

35

Tê giác một sừng

Rhinoceros sondaicus

 

 

từ 1 con trở lên

 

Bộ móng guốc ngón chẵn

Artiodactyla

 

 

 

36

Hươu vàng

Axis (Cervus) porcinus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

37

Nai cà tong

Cervus eldii

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

38

Mang lớn

Megamuntiacus vuquangensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

39

Mang Trường Sơn

Muntiacus truongsonensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

40

Hươu xạ

Moschus berezovskii

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

41

Bò tót

Bos gaurus

 

 

từ 1 con trở lên

42

Bò rừng

Bos javanicus

 

 

từ 1 con trở lên

43

Bò xám

Bos sauveli

 

 

từ 1 con trở lên

44

Trâu rừng

Bubalus arnee

 

 

từ 1 con trở lên

45

Sơn dương

Naemorhedus (Capricornis) sumatraensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

46

Sao la

Pseudoryx nghetinhensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

Bộ thỏ rừng

Lagomorpha

 

 

 

47

Thỏ vằn

Nesolagus timinsi

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

LỚP CHIM

AVES

 

 

 

 

Bộ bồ nông

Pelecaniformess

 

 

 

48

Gìa đẫy nhỏ

Leptoptilos javanicus

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

49

Quắm cánh xanh

Pseudibis davisoni

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

50

Cò thìa

Platalea minor

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

Bộ sếu

Gruiformes

 

 

 

51

Sếu đầu đỏ (Sếu cổ trụi)

Grus antigone

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

Bộ gà

Galiformes

 

 

 

52

Gà tiền mặt vàng

Polyplectron bicalcaratum

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

53

Gà tiền mặt đỏ

Polyplectron germaini

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

54

Trĩ sao

Rheinardia ocellata

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

55

Công

Pavo muticus

 

 

 

56

Gà lôi hồng tía

Lophura diardi

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

57

Gà lôi mào trắng

Lophura edwardsi

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

58

Gà lôi Hà Tĩnh

Lophura hatinhensis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

59

Gà lôi mào đen

Lophura imperialis

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

60

Gà lôi trắng

Lophura nycthemera

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

LỚP BÒ SÁT

REPTILIA

 

 

 

 

Bộ có vẩy

Squamata

 

 

 

61

Hổ mang chúa

Ophiophagus hannah

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

Bộ rùa

Testudinata

 

 

 

62

Rùa hộp ba vạch

Cuora trifasciata

1 con

từ 2 đến 3 con

từ 4 con trở lên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Bộ Tư pháp- Bộ Công An- Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao- Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành

  • Số hiệu: 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 08/03/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Đặng Quang Phương, Lê Thế Tiệm, Lê Thị Thu Ba, Hứa Đức Nhị, Dương Thanh Biểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 272 đến số 273
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 18/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản