Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2562/TCT-DNL
V/v: nghĩa vụ thuế đối với hoạt động khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2017

 

Kính gửi: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1731/NHNo-TCKT ngày 9/3/2017 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vướng mắc về hóa đơn và nghĩa vụ thuế đối với hoạt động khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về hóa đơn đối với việc khai thác tài sản bảo đảm.

Tại Điều 64 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định:

“1. Trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm được khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm hoặc cho phép bên bảo đảm hoặc ủy quyền cho người thứ ba khai thác, sử dụng tài sản bảo đảm theo đúng tính năng và công dụng của tài sản. Việc cho phép hoặc ủy quyền khai thác, phương thức khai thác và việc xử lý hoa lợi, lợi tức thu được phải được lập thành văn bản.”

Tại điểm a, mục 8, Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013       của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định 209/2013 của Chính phủ, quy định về đối tượng không chịu Thuế GTGT như sau:

- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.”

Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa cung ứng dịch vụ quy định về nguyên tắc lập hóa đơn:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu...”.

Tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010  và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa cung ứng dịch vụ quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn:

“1. Người bán hàng được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập hóa đơn cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ ba lập vẫn phải ghi tên đơn vị bán là đơn vị ủy nhiệm và đóng dấu đơn vị ủy nhiệm phía trên bên trái của tờ hóa đơn (trường hợp hóa đơn tự in được in từ thiết bị của bên được ủy nhiệm hoặc hóa đơn điện tử thì không phải đóng dấu của đơn vị ủy nhiệm). Việc ủy nhiệm phải được xác định bằng văn bản giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hoặc ủy quyền cho bên thứ ba khai thác tài sản bảo đảm trong quá trình chờ xử lý với mục đích thu hồi nợ gốc thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT cho bên thuê tài sản hoặc ủy quyền cho bên thứ ba xuất hóa đơn cho bên thuê tài sản, trên hóa đơn ghi tên đơn vị bán là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

2. Nghĩa vụ thuế đối với việc khai thác tài sản bảo đảm Tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế GTGT không có trường hợp cho thuê tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý. Do vậy, hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Tại khoản 5 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định thu nhập khác gồm:

“5. Thu nhập từ cho thuê tài sản dưới mọi hình thức.

Thu nhập từ cho thuê tài sản được xác định bằng doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản trừ (-) các khoản chi: chi phí khấu hao, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản chi phí thuê tài sản để cho thuê lại (nếu có) và các chi được trừ khác có liên quan đến việc cho thuê tài sản”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp trong thời gian chờ xử lý tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát sinh khoản doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm thì khoản doanh thu đó thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Khoản doanh thu thu được từ hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản bảo đảm là khoản thu nhập của Ngân hàng, vì vậy Ngân hàng phải kê khai và nộp thuế TNDN theo quy định. Công văn này thay thế công văn số 3255/TCT-DNL ngày 14/8/2014 của Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế trả lời để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục thuế TP. Hà Nội, CT tỉnh Phú Thọ;
- Vụ CST, PC, TCNH(BTC);
- Vụ CS, PC, KK, TNCN (TCT);
- Lưu: VT, TCT (VT, DNL (2b)).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ
TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Ngọc Minh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2562/TCT-DNL năm 2017 về nghĩa vụ thuế đối với hoạt động khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2562/TCT-DNL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/06/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Đặng Ngọc Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản