Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2487/TCT-CS
V/v chính sách đối với ngô hạt

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tổng cục Thuế nhận được vướng mắc từ Cục Thuế tỉnh Lào Cai về việc xác định chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số sản phẩm lưỡng tính vừa là sản phẩm trồng trọt vừa là nguyên liệu thức ăn truyền thống như ngô hạt. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế xin lấy ý kiến Quý Bộ như sau:

1. Nội dung vướng mắc:

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh (Công ty Nghĩa Anh) có hợp đồng kinh tế mua hàng với Công ty cổ phần Hóa chất công nghiệp Tân Long (Công ty Tân Long), mặt hàng Công ty Tân Long bán cho Công ty Nghĩa Anh là mặt hàng: Ngô hạt Nam mỹ hàng nhập khẩu để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phù hợp với Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT.

Căn cứ hồ sơ xuất trình đối với Công ty Tân Long do đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh có điều kiện “Nhập khẩu TĂCN” quy định tại Phụ lục 4 Ban hành kèm theo Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và mặt hàng ngô hạt nhập khẩu để bán ra đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại Danh mục thức ăn chăn nuôi do Bộ NNPTNT quy định (Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, Công ty Nghĩa Anh mua mặt hàng ngô hạt (Cam kết mặt hàng ngô hạt này chỉ dùng làm nguyên liệu sản xuất TĂCN gia súc, gia cầm, không dùng được cho mục đích nào khác) của Công ty Tân Long, khi bán bán mặt hàng ngô hạt này cho các hộ cá nhân kinh doanh, các hộ cá nhân kinh doanh sử dụng trực tiếp làm TĂCN quy định tại danh mục Thông tư số 26/2015/TT-BTC và Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT, Công ty Nghĩa Anh đang xuất hóa đơn là không chịu thuế.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan thuế có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1: mặt hàng ngô hạt là sản phẩm trồng trọt và chỉ là nguyên liệu sử dụng là thức ăn chăn nuôi không phải là TĂCN do đó áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng sản phẩm trồng trọt;

Quan điểm 2: Mặt hàng ngô hạt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam là TĂCN, do đó áp dụng chính sách thuế là TĂCN.

2. Cơ sở pháp lý:

a. Chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt và thức ăn chăn nuôi như sau:

Căn cứ quy định và các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì:

- Sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chi qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân lự sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế.

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua về bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai tính nộp thuế GTGT.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bản sản phẩm này cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở mức thuế suất 5%.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

- Sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến thương mại theo quy định từ ngày 01/01/2015.

b. Các quy định pháp luật về thức ăn chăn nuôi, thủy sản:

- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản (thay thế Nghị định số 08/2010/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2017 như sau:

“3. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất để tiêu thụ nội bộ hoặc theo tập quán không phải thực hiện đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó đưa ra những quy định về mức chất lượng tối thiểu và các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) để áp dụng trong sản xuất.”

- Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như sau:

“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản:

...4. Một số khoản của Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

b) Khoản 3 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất để tiêu thụ nội bộ hoặc theo tập quán và các nguyên liệu đơn không phải thực hiện đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán và các nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có quy định về mức chất lượng tối thiểu và quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) để áp dụng trong sản xuất.”

- Căn cứ quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ngày 11/02/2019 của Bộ NNPTNT ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 11/02/2019 đến ngày 14/02/2020 như sau:

“1. DANH MỤC SẢN PHẨM THỨC ĂN CHĂN NUÔI THEO TẬP QUÁN ĐƯỢC PHÉP LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM

1.1. Thức ăn có nguồn gốc thực vật

Số TT

Tên thức ăn chăn nuôi

Dạng sản phẩm

1.1.1

Ngô

Ngô hạt, ngô mảnh, ngô bột và các sản phẩm khác chỉ từ ngô được sản xuất làm thức ăn chăn nuôi

- Căn cứ quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ NNPTNT hướng dẫn một số Điều của Luật chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi quy định như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung quy định tại khoản 4 Điều 37, khoản 2 Điều 46, điểm d khoản 2 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 79 của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, bao gồm:

1. Chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng;

2. Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi;

3. Báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi;

4. Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

PHỤ LỤC VI

DANH MỤC NGUYÊN LIỆU ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. Danh mục nguyên liệu thức ăn truyền thống *

TT

Nguyên liệu

2

Nguyên liệu có nguồn gốc thực vật

2.1

Các loại hạt và sản phẩm từ hạt

2.1.1

Hạt cốc:

Ngô, thóc, lúa mì, lúa mạch, kê, hạt cốc khác; sản phẩm, phụ phẩm từ hạt cốc

3. Vướng mắc phát sinh

Như vậy, theo quy định của Bộ NN&PTNT có thay đổi về quy định liên quan đến nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như ngô hạt từ giai đoạn từ trước ngày 11/2/2019, giai đoạn từ 11/02/2019 đến 14/2/2020 và sau giai đoạn 14/2/2020.

Do đó, Tổng cục Thuế lấy ý kiến Bộ NN&PTNT về việc áp dụng chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm ngô hạt:

Trường hợp 1: xác định mặt hàng ngô hạt là sản phẩm trồng trọt và chỉ là nguyên liệu sử dụng là thức ăn chăn nuôi không phải là TĂCN do đó áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng sản phẩm trồng trọt;

Ở khâu tự sản xuất bản ra hoặc ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế; Ở khâu lưu thông tiêu thụ Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua về bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai tính nộp thuế GTGT; khi bán sản phẩm này cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở mức thuế suất 5%.

Trường hợp 2: xác định mặt hàng ngô hạt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam là TĂCN, do đó áp dụng chính sách thuế là TĂCN thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến thương mại.

Trên thực tế, ở khâu lưu thông sẽ rất khó phân biệt loại ngô hạt nào không đáp ứng điều kiện là danh mục sản phẩm TĂCN theo tập quán được phép lưu hành theo từng thời kỳ để áp dụng chính sách thuế cho phù hợp. Theo đó, Tổng cục Thuế đề xuất đối với những mặt hàng nông sản có tính chất vừa là sản phẩm TĂCN theo tập quán được phép lưu hành vừa là sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì áp dụng theo nguyên tắc nguồn gốc là sản phẩm trồng trọt. Do đó, Tổng cục Thuế kính đề nghị Quý Bộ có ý kiến mặt hàng ngô hạt nêu trên được xác định là sản phẩm trồng trọt hay TĂCN để Tổng cục Thuế áp dụng chính sách thuế phù hợp. Trường hợp xác định là TĂCN thì cần có tài liệu, giấy tờ gì để xác định.

Ý kiến tham gia xin gửi về Tổng cục Thuế (Vụ Chính sách) Địa chỉ 123 Lò Đúc, Phường Đống Mác, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trước ngày 24/6/2020. Số điện thoại liên hệ: 39712555 (Số máy lẻ: 4109).

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của Quý Bộ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế tỉnh Lào Cai;
- Lưu: VT, CS.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thế Mạnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2487/TCT-CS năm 2020 về xác định chính sách thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm lưỡng tính vừa là sản phẩm trồng trọt vừa là nguyên liệu thức ăn truyền thống như ngô hạt do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2487/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/06/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Nguyễn Thế Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản