BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2346/TCT-HTQT | Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2015 |
Kính gửi: Công ty Collecte Localisation Satellites.
Tổng cục Thuế nhận được Công văn ngày 26/1/2015 của Công ty Collecte Localisation Satellites (Công ty CLS) về việc miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pháp (Hiệp định) đính kèm theo Hợp đồng số 01-2013/LRIT-BP2/PMUGMDSS-CLS ngày 23/12/2012 (Hợp đồng). Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc xác định cơ sở thường trú của Công ty CLS
Điểm III. Thành phần, Biên bản Thương thảo Hợp đồng đính kèm theo Hợp đồng quy định:
“Đại diện Nhà thầu-Công ty Collecte Localisation Satellite
3. Ông Antoine Mongsaingeon, Phó chủ tịch điều hành.
4. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Cán bộ của CLS Việt Nam.”
Như vậy, Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là cán bộ của Văn phòng CLS Việt Nam (Nhà thầu CLS có Văn phòng đại diện tại Hà Nội) đã cùng với đại diện của Công ty CLS Pháp (ông Antoine) tham gia vào quá trình thương thảo Hợp đồng,
Khoản 5 Điều 5. Cơ sở thường trú Hiệp định quy định:
“5. Mặc dù có những quy định tại khoản 1 và 2, trường hợp một đối tượng(-) trừ đại lý có tư cách độc lập được điều chỉnh bởi khoản 6 - hoạt động thay mặt cho một xí nghiệp và thông thường có thẩm quyền ký kết các hợp đồng mang tên xí nghiệp đó tại một Nước ký kết, thì Xí nghiệp đó được coi như là có cơ sở thường trú ở Nước ký kết đó đối với bất kỳ các hoạt động nào mà đối tượng đó thực hiện cho xí nghiệp, trừ phi các hoạt động của đối tượng này giới hạn theo các hoạt động được nêu tại khoản 4 mà những hoạt động này nếu được thực hiện thông qua một cơ sở kinh doanh cố định, thì sẽ không làm cho cơ sở kinh doanh cố định này trở thành một cơ sở thường trú theo như các quy định tại khoản đó.”
Theo quy định nêu trên, do Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan-Cán bộ Văn phòng Công ty CLS tại Việt Nam đã tham gia thương thảo Hợp đồng, và Hợp đồng đã ràng buộc trách nhiệm pháp lý với Công ty CLS, nên Công ty CLS được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
2. Về việc xác định nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Công ty CLS
Hợp đồng nêu trên là hợp đồng thiết kế hệ thống phần mềm, cung cấp thiết bị phần cứng và thi công, lắp đặt thiết bị cho trạm xử lý dữ liệu (NDC) và ASP. Do đó, thu nhập của Công ty CLS từ việc thực hiện hợp đồng này theo Hiệp định gồm 02 loại thu nhập. Cụ thể như sau:
- Thu nhập từ việc cung cấp thiết bị phần cứng và thi công lắp đặt thiết bị cho trạm xử lý dữ liệu (NDC) và ASP được quy định cụ thể tại Khoản 1 (Các hạng mục công việc trong gói thầu) Phụ lục 1-Phạm vi công việc, Hợp đồng nêu trên là thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Do việc đàm phán và ký kết Hợp đồng của Công ty CLS đã tạo thành cơ sở thường trú tại Việt Nam nên nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh nêu trên của Công ty CLS sẽ theo quy định tại Khoản 1 Điều 7. Lợi tức xí nghiệp của Hiệp định. Cụ thể:
1. Lợi tức của xí nghiệp của một Nước ký kết chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ trường hợp xí nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia. Nếu xí nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi tức của xí nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước kia, nhưng chỉ trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú đó.”
- Thu nhập từ việc thiết kế hệ thống phần mềm cho trạm xử lý dữ liệu (KDC) và ASP được quy định cụ thể tại Khoản 2 (Thiết kế kỹ thuật và thiết kế chi tiết cho NDC và ASP) Phụ lục 1-Phạm vi Hợp đồng nêu trên là thu nhập có tính chất bản quyền vì Khoản 3 Điều 11. Tiền bản quyền của Hiệp định quy định:
“3. Thuật ngữ “tiền bản quyền” được sử dụng trong Điều này có nghĩa là các khoản thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho việc sử dụng, hoặc quyền sử dụng, bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim khác hoặc các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình, bằng phát minh, nhãn hiệu thương mại, thiết kế hoặc mẫu đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật hoặc quyền sử dụng hoặc việc sử dụng thiết bị công nghiệp thương nghiệp hoặc khoa học hay cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học.”
Do đó nghĩa vụ thuế TNDN đối với thu nhập nêu trên sẽ theo quy định tại Khoản 1, 2 và 4 Điều 11. Tiền bản quyền của Hiệp định. Cụ thể:
“1. Tiền bản quyền phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia sẽ phải chịu thuế tại Nước đó.
2. Tuy nhiên, những khoản tiền bản quyền đó cũng bị đánh thuế ở Nước phát sinh theo luật của Nước này, nhưng nếu người nhận là người thực hưởng thì thuế được tính sẽ không quá 10% tổng số tiền bản quyền được trả.
4. Những quy định tại khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng nếu đối tượng thực hưởng các khoản tiền bản quyền là đối tượng cư trú của một Nước ký kết tiến hành hoạt động công nghiệp hoặc thương mại ở Nước ký kết kia nơi mà có khoản tiền bản quyền phát sinh, thông qua một cơ sở thường trú nằm tại đó, hoặc tiến hành tại Nước ký kết kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định nằm tại đó, và quyền hay tài sản có các khoản tiền bản quyền được trả có sự liên hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định đó. Trong trường hợp này các quy định của điều 7 hoặc điều 13, tùy từng trường hợp, sẽ được áp dụng.”
Theo các quy định nêu trên và do Công ty CLS được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam và thu nhập có tính chất bản quyền của Công ty liên quan đến cơ sở thường trú này nên thu nhập có tính chất bản quyền này sẽ bị đánh thuế tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 7. Lợi tức xí nghiệp của Hiệp định.
3. Về nghĩa vụ thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) của các cá nhân do Công ty CLS cử sang Việt Nam
Các Khoản 1 và 2 Điều 14 của Hiệp định quy định:
1. Thể theo các quy định tại Điều 15, 17 và 18, các khoản tiền lương và các khoản tiền công tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó phải chịu thuế tại Nước kia.
2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công lao động của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ phải nộp thuế tại Nước thứ nhất nếu:
a) người nhận tiền công có mặt ở nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong một năm dương lịch; và
b) chủ lao động hay người đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú của nước kia; và
c) số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại nước kia.”
Theo quy định tại Khoản 1 nêu trên, thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng của các cá nhân do Công ty CLS cử sang Việt Nam sẽ chịu thuế TNCN tại Việt Nam. Trường hợp các cá nhân đó thỏa mãn đủ 03 điều kiện quy định tại Khoản 2 thì thu nhập của các cá nhân đó sẽ không chịu thuế TNCN tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế thông báo Công ty Collecte Localisation Satellites biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 5918/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Malaysia do Tổng cục Thuế ban hành
- 2Công văn 5956/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam-Singapore do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 313/TCT-HTQT năm 2015 xác định cơ sở thường trú theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hồng Kông do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 406/TCT-HTQT năm 2020 về hướng dẫn áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - Singapore do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam - Pháp
- 2Công văn 5918/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Malaysia do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 5956/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam-Singapore do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 313/TCT-HTQT năm 2015 xác định cơ sở thường trú theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hồng Kông do Tổng cục Thuế ban hành
- 5Công văn 406/TCT-HTQT năm 2020 về hướng dẫn áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - Singapore do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 2346/TCT-HTQT năm 2015 hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam-Pháp do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 2346/TCT-HTQT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 16/06/2015
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Nguyễn Đức Thịnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/06/2015
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết