Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2345/BTP-PBGDPL
V/v tiếp tục thực hiện Thông tư số 10/2016/TT-BTP về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

Ngày 22 tháng 7 năm 2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BTP quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Sau 01 năm thực hiện cho thấy, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đội ngũ này hoạt động vẫn chưa thường xuyên, chưa chủ động tham mưu triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để đưa chủ trương, chính sách pháp luật, nhất là quy định, chính sách mới vào cuộc sống...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là để thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số công việc sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt, phổ biến nội dung Thông tư số 10/2016/TT-BTP ; Quyết định số 705/QĐ-TTg , các quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, đề xuất việc công nhận, có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia tích cực, có nhiều đóng góp và miễn nhiệm đối với trường hợp không hoạt động; đảm bảo đủ về số lượng trên các lĩnh vực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tích cực, chủ động tham mưu triển khai nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

2. Định kỳ cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; bảo đảm có từ 80% trở lên số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật; được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin và cách thức, biện pháp khai thác, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác này hiện nay.

3. Phát huy đầy đủ vai trò, nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị gắn với lĩnh vực hoạt động chuyên sâu được phân công; có kế hoạch rà soát, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ, ưu tiên từ nguồn tại chỗ, người dân tộc thiểu số để tạo nguồn bổ sung tại vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng biên giới; có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để báo cáo viên pháp luật tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Tư pháp các cấp nâng cao trách nhiệm, chủ động theo dõi, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động cho Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; mạnh dạn đề xuất miễn nhiệm, cho thôi đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động không hiệu quả, không chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị theo phân công.

5. Đề nghị bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục rà soát danh sách báo cáo viên pháp luật Trung ương đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận, được cập nhật, đăng tải trên Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (http://pbgdpl.moj.gov.vn; chuyên mục Báo cáo viên pháp luật); chỉ đạo đơn vị chức năng chủ động rà soát, đề nghị công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật (nếu có nhu cầu) theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT- BTP; cập nhật đầy đủ các thông tin về báo cáo viên pháp luật (nhất là “Lĩnh vực pháp luật chuyên môn sâu dự kiến kiêm nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật”). Văn bản đề nghị công nhận, miễn nhiệm, bổ sung thông tin đề nghị gửi về Bộ Tư pháp (email: nguyenthuynhung@.moi.gov.vn) trước ngày 20/7/2017. Thông tin chi tiết đề nghị liên hệ Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng chí Nguyễn Thùy Nhung; số điện thoại 02.462.739.468).

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp, cộng tác của Quý cơ quan, tổ chức./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan TW các tổ chức chính trị - xã hội (để thực hiện);
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2345/BTP-PBGDPL năm 2017 tiếp tục thực hiện Thông tư 10/2016/TT-BTP về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 2345/BTP-PBGDPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Phan Chí Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản