Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2180/TCT-CS
V/v: hóa đơn

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2017

 

Kính gửi:

- Cục Thuế tỉnh Bến Tre;
- Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 491/CT-HCQTTVAC ngày 8/3/2017 của Cục Thuế tỉnh Bến Tre và công văn số 23822/CT-QLAC ngày 26/4/2017 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc sử dụng hoá đơn hay biên lai để thu học phí. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 9 Mục 2 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập:

"Điều 9. Giá, phí dịch vụ sự nghiệp công

1. Giá dịch vụ sự nghiệp công

a) Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

- Đơn vị sự nghiệp công được xác định giá dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy theo quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực;

- Riêng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá."

Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 21/0/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí quy định điều khoản chuyển tiếp:

"2. Các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí chuyển sang cơ chế giá theo Luật phí và lệ phí thực hiện theo quy định pháp luật về giá."

Tại Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có quy định:

"Điều 15. Lập hoá đơn

1. Khi bán hàng hoá, dịch vụ người bán phải lập hoá đơn. Khi lập hoá đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này.

6. Bộ Tài chính quy định việc lập hoá đơn đối với các trường hợp cụ thể khác.”

Tại Khoản 7 .a Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 sửa đổi bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

"b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)”

Tại điểm 2.1 khoản 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ như sau:

"2. Trong một số trường hợp việc sử dụng và ghi hóa đơn, chứng từ được thực hiện cụ thể như sau:

2.1. Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ."

Tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 có quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

"13 . Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật."

Tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

"Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội hoạ, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp..."

Căn cứ các quy định nêu trên, kể từ ngày 1/1/2017 khoản thu học phí không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội XIII mà chuyển sang cơ chế giá theo quy định pháp luật và thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thuế.

Theo đó, cơ sở giáo dục, đào tạo nhà nước khi cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo theo mức khung học phí và mức trần học phí theo quy định của nhà nước thì sử dụng hóa đơn theo quy định tại quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế cỏ ý kiến Cục Thuế được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT: Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Lưu: VT, CS (4b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
 VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2180/TCT-CS năm 2017 về việc sử dụng hoá đơn hay biên lai để thu học phí do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2180/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/05/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lưu Đức Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản