Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1862/TY-TC
V/v trả lời đơn thư kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ.

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2015

 

Kính gửi: Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ.

Trả lời công văn số 45/HHCNĐNB/2015 ngày 22/6/2015 của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ kiến nghị các loại phí, lệ phí, quyền lực quá lớn của cơ quan thú y Việt Nam so với các nước trong khu vực và so với thế giới, Cục Thú y có ý kiến như sau:

1. Về công tác thú y:

- Pháp lệnh Thú y được thông qua năm 2004 khi dịch bệnh động vật đang diễn ra trên diện rộng.Trải qua hơn 10 năm, một số nội dung trong Pháp lệnh không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, Luật Thú y đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào ngày 19/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Luật đã có các quy định mới như sau: (i) không thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển nội tỉnh; (ii) không kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở đã được phòng bệnh bằng vắc xin, cơ sở đã được giám sát dịch bệnh; (iii) chỉ thực hiện kiểm dịch vận chuyển ra khỏi tỉnh đối với động vật, sản phẩm động vật ra khỏi tỉnh xuất phát từ nơi có nguy cơ về dịch bệnh. Việc vệ sinh tiêu độc khử trùng và niêm phong phương tiện vận chuyển do doanh nghiệp tự thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan thú y địa phương. Vì vậy, hàng loạt thủ tục hành chính về kiểm dịch sẽ được bãi bỏ; giảm tối đa thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

- Ngành thú y thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Pháp lệnh Thú y 2004 (nay là Luật Thú y) và Luật an toàn thực phẩm. Các quy định này phù hợp với luật pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực thú y (tham khảo phụ lục của văn bản này).

2. Về phí và lệ phí trong công tác thú y:

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức kiểm tra thực tế việc thu phí, lệ phí trong công tác thú y tại một số địa phương; đồng thời đã rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y (gọi tắt là Thông tư 04) theo hướng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu thực tế hiện nay, nhưng không trái với các quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đến ngày 07/8/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 113/2015/TT-BTC (có hiệu lực ngày 08/8/2015) về việc sửa đổi Thông tư 04 theo đó, bãi bỏ 13 khoản thu, sửa đổi 01 khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và bãi bỏ 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau.

- Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Thú y đang phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Thông tư quy định về việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y theo tinh thần của Luật Thú y và Dự thảo Luật phí, lệ phí. Trong khi xây dựng dự thảo thông tư này, chúng tôi sẽ nghiên cứu ý kiến của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ và các tổ chức, cá nhân khác để rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí, chuyển mạnh sang cơ chế giá nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục trưởng (để b/c);
- Các phòng: KD, TTrPC, DT, TYCĐ, QLT;
- Lưu VT, TC.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đàm Xuân Thành

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CÔNG TÁC THÚ Y CỦA THÁI LAN

(Kèm theo công văn số 1862 /TY-TC ngày 24/9/2015 của Cục Thú y)

Thái Lan đã có những chính sách lớn để củng cố, phát triển ngành sản xuất chăn nuôi bền vững; tạo thuận lợi tối đa cho ngành thú y hoạt động; định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi khép kín để bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ cho sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước.

Về văn bản quy phạm pháp luật:

Thái Lan có Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên động vật (ban hành năm 1956, sửa đổi năm 1999), Luật Kiểm soát giết mổ và Buôn bán sản phẩm thịt (ban hành năm 1992), Luật kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi (năm 1982),.... Theo quy định của Thái Lan, gia súc được quản lý theo thẻ tai, chăn nuôi với mục đích thương mại phải đăng ký và được cơ quan thú y cấp phép, chương trình tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm được nhà nước bao cấp một phần, động vật mắc bệnh nguy hiểm phải tiêu hủy sẽ được nhà nước hỗ trợ tới 75% theo giá thị trường, việc kiểm dịch động vật được cơ quan thú y Thái Lan thực hiện miễn phí, phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật phải đăng ký với cơ quan thú y và việc giám sát vận chuyển được thực hiện thông qua chương trình máy tính E-movement (theo dõi, giám sát vận chuyển 24/24h qua hệ thống camera).

Về nguồn lực thú y:

Thái Lan có nguồn nhân lực rất lớn và tiềm lực tài chính rất mạnh để thực hiện các hoạt động thú y, cụ thể: Thái Lan có hệ thống thú y đồng bộ, thống nhất và được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương cho tới cấp xã với số lượng gần 5.000 người làm việc trong các cơ quan thú y trung ương và 37.000 cán bộ thú y làm việc ở các cơ quan thú y cấp tỉnh, huyện, xã. Thái Lan có hệ thống Viện nghiên cứu thú y và Phòng xét nghiệm thú y hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật trong lĩnh vực thú y.

Nhiều năm qua, mỗi năm Chính phủ Thái Lan đã cấp khoảng 180 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng) cho ngành thú y hoạt động, bao gồm kinh phí để thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh động vật, đánh dấu nhận dạng gia súc, kiểm dịch vận chuyển, quản lý vận chuyển thông qua hệ thống trạm/ chốt kiểm dịch và camera giám sát tuyến đường, quản lý và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm,...