Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1771/BTC-CST
V/v kiến nghị gia hạn chính sách gim thuế GTGT đến hết năm 2023

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại Việt Nam

Bộ Tài chính nhận được công văn số 1912/2022/MOF-GDT/EUC ngày 19/12/2022 của Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại Việt Nam về đề xuất gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% đến hết ngày 31/12/2023. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 cho đến nay, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Cụ thể như sau:

- Trong năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất: Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN)) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; Giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; Giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; Giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...; Giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí với mức giảm cao. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.

- Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tiếp tục giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; Thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 để quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 03 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, cụ thể: Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; Giảm 30% mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Đồng thời, tiếp tục giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.

Để các giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung được UBTVQH giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính cùng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Như vậy, tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

- Năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi và phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế có thể sớm phục hồi và tăng trưởng cũng như khắc phục những tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội... Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành để trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng, cụ thể như:

(i) Miễn, giảm thuế: Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không áp dụng việc giảm thuế); Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

(ii) Giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; Giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

(iii) Gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB và tiền thuê đất trong năm 2022; Giảm tiền thuê đất, thuế mặt nước của năm 2022.

Ngoài ra, trước tình hình biến động của giá dầu thế giới tăng cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành: Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 kể từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022, qua đó góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng hóa nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

- Năm 2023, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng, những biến động kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có tác động lớn tới sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết sô 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 với số giảm thu ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023 như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của doanh nghiệp, tổ chức; giảm tiền thuê đất phải nộp.

Bộ Tài chính trả lời để Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại Việt Nam được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCT);
- Lưu VT, CST (07b).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thanh Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1771/BTC-CST về kiến nghị gia hạn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1771/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/02/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản