Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Nghị quyết số: 57/2010/QH12

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN CÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP THEO CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 378/BC-UBTVQH12 ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 150/BC-CP ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

1. Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo số 378/BC-UBTVQH12 ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan về kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập và các kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới; đồng thời nhận thấy:

a) Qua 10 năm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan nói riêng, cùng với những kết quả bước đầu nhưng rất có ý nghĩa của quá trình triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30) đã có những cải cách quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan. Một số lượng lớn các thủ tục hành chính còn quá nhiều khâu, nhiều loại giấy tờ không hợp lý, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, lạm dụng đã được rà soát để loại bỏ hoặc sửa đổi; nhiều thủ tục hành chính mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội được đông đảo nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội đồng tình. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có bước trưởng thành cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, phẩm chất cũng như tinh thần phục vụ.

Đạt được kết quả như trên, trước hết phải khẳng định chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước là đúng đắn; đồng thời có sự chỉ đạo thường xuyên, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và huy động được các nguồn lực trong xã hội để thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

b) Tuy nhiên, tiến độ cải cách thủ tục hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đạt được yêu cầu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã đề ra. Trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, chồng chéo, không hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực còn khá phổ biến; kỷ cương, kỷ luật hành chính và việc xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm; người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần, tốn nhiều thời gian, chi phí, làm chậm hoặc mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh. Mô hình cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong một số lĩnh vực còn lúng túng, hình thức, chưa thực sự hợp lý; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong một số trường hợp còn thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính chưa cao, vẫn còn một số quy định chưa sát thực tế, chưa cụ thể. Việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính chưa rộng rãi, chưa đi vào chiều sâu.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên là:

Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức về vai trò, ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực của cải cách thủ tục hành chính trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế còn hạn chế; trách nhiệm thực thi công vụ, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa cao; mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và đạo đức, phẩm chất chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước còn chồng chéo hoặc bỏ trống, chưa phân định rõ quyền và trách nhiệm. Thói quen quản lý theo cơ chế tập trung, bao cấp (cơ chế xin - cho), vì lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương chưa được xóa bỏ triệt để trong việc xây dựng và hoạch định chính sách. Quá trình xây dựng, ban hành thủ tục hành chính chưa chú trọng đến việc đánh giá sự cần thiết, hợp lý, tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội; nhiều thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tư duy nghĩ thay, làm thay trách nhiệm hoặc làm hạn chế quyền chủ động của công dân, doanh nghiệp trong những lĩnh vực hoặc công việc mà lẽ ra Nhà nước cần phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho cá nhân, tổ chức thực hiện và cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức; việc kết nối, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin hiệu quả còn thấp; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ thông tin còn khá phổ biến.

Thứ tư, công tác giám sát, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện văn bản pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả thấp.

2. Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ, đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số công việc sau đây:

a) Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu những nội dung đã được kiến nghị trong các báo cáo để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; tiếp tục tổ chức rà soát để sửa đổi, hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ những quy định, thủ tục hành chính không phù hợp hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, loại bỏ những khâu trung gian, không cần thiết; tiến hành tổng kết việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu toàn diện các mặt và sớm ban hành đồng bộ, cụ thể các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các vi phạm;

b) Bố trí ngân sách hằng năm bảo đảm yêu cầu đẩy nhanh công tác cải cách hành chính; sớm cải cách cơ bản chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm và việc tinh giản hợp lý biên chế, bộ máy; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân;

c) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án 30 quyết liệt hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính đã đề ra; đồng thời Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong báo cáo công tác hằng năm trước Quốc hội;

d) Trên cơ sở các kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật được nêu trong các báo cáo, Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, trình Quốc hội quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và nhiệm kỳ để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2010.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 57/2010/QH12
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/11/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 719 đến số 720
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản