Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1652/SGDĐT-GDTrH | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2023 |
Kính gửi: | - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; |
Thực hiện Kế hoạch số 3308/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm học 2023 - 2024 với nội dung như sau:
I. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông
1. Đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Trong tháng 5 năm 2023, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trung học tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2022 - 2023 trong đó chú trọng đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (CT GDPT 2018) đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 và Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (CT GDPT 2006).
Phòng GD&ĐT các quận huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện việc tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5 để học sinh được chuẩn bị học lớp 6 theo CT GDPT 2018 theo hướng dẫn tại Công văn số 3799/BGDĐT- GDTH ngày 01tháng 9 năm 2021 của Bộ GD&ĐT.
Các trường THCS thực hiện việc tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9 để học sinh được chuẩn bị học lớp 10 theo CT GDPT 2018 theo Công văn số 3699/BGDĐT ngày 27 tháng 8 năm 2021 “V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021 - 2022” của Bộ GD&ĐT.
Các cơ sở giáo dục đánh giá việc thực hiện Văn bản số 3995/SGDĐT- GDTrH ngày 20 tháng 10 năm 2022 về hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học năm học 2022 - 2023.
Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường THCS tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ theo định hướng phát huy quyền tự chủ cơ sở; hiệu trưởng trường THCS, THPT thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện ma trận, đặc tả và đề kiểm tra, đánh giá định kì theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Đánh giá việc thực hiện rà soát, điều chỉnh các tiêu chí thi đua nhằm tránh việc đánh giá thi đua giáo viên dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh; tăng cường ứng dụng CNTT cho dạy học và quả lý; tổ chức xây dựng, phê duyệt học liệu số đảm bảo theo qui định của Bộ GD&ĐT.
Các Tổ/nhóm chuyên môn thảo luận, rút kinh nghiệm việc tổ chức kiểm tra, đánh giá theo mục tiêu cần đạt được qui định trong Chương trình; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đánh giá rút kinh nghiệm việc điều chỉnh các quy chế, qui định kiểm tra, đánh giá nhằm đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực; lưu ý kiểm tra, đánh giá không nặng về ghi nhớ gây áp lực đối cho học sinh mà hướng đến phát huy khả năng tự học, học tập với sự hỗ trợ của hệ thống quản lý học tập, với học liệu số; học tập trải nghiệm, học qua dự án học tập, …
2. Đối với hoạt động dạy học ở khối lớp 6, 7, 8 triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2023 - 2024
2.1. Môn Lịch sử và Địa lí
a) Trường THCS, Phòng GD&ĐT cử giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên tự tin và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học chương trình môn học; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp để triển khai dạy học hiệu quả môn Lịch sử và Địa lí ở khối lớp 8 năm học 2023 - 2024; tăng cường xây dựng học liệu số, sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS để nâng cao hiệu quả dạy học.
b) Hiệu trưởng dự kiến phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học khối 8 theo CT GDPT 2018 năm học 2023 - 2024.
c) Tổ/nhóm chuyên môn thống nhất việc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học theo định hướng, mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học thuộc CT GDPT 2018. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được tổ/nhóm chuyên môn phối hợp xây dựng ma trận, đặc tả phù hợp với chủ đề.
2.2. Môn Khoa học tự nhiên
a) Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng; đề cử giáo viên tham gia các chương trình bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
2.3. Nội dung giáo dục của địa phương
a) Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên, giao nhiệm vụ Tổ/nhóm chuyên môn phụ trách xây dựng kế hoạch dạy học; thảo luận, chia sẻ học liệu, tư liệu dạy học các chủ đề phù hợp.
b) Tăng cường ứng dụng CNTT, học liệu số, hệ thống quản lý học tập để xây dựng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
2.4. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
a) Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.
b) Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
c) Cán bộ quản lí, giáo viên phải thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động được phân công theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
2.5. Môn Tin học và Ngoại ngữ 1
Tổ chức dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh khối 5, khối 9 học các môn học này theo hướng tiếp cận Chương trình GDPT 2018.
Thực hiện mua sắm máy tính, đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa nâng cấp phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ để dạy Tin học theo chuẩn quốc tế và dạy học ngoại ngữ với đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tiếp tục xây dựng và triển khai giảng dạy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Coding, Blockchain tại các trường trung học.
2.6. Tổ chức dạy học môn Nghệ thuật
a) Chương trình môn Nghệ thuật gồm 02 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc tổ chức dạy học cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.
b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và Kế hoạch giáo dục của giáo viên.
c) Việc kiểm tra, đánh giá: mỗi nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, sản phẩm học tập hoặc dự án học tập. Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.
3. Đối với hoạt động dạy học ở khối lớp 10 và chuẩn bị triển khai CT GDPT 2018 ở khối lớp 11 năm học 2023 - 2024
Thực hiện các hình thức tư vấn (lập tổ tư vấn; phối hợp trường THCS tư vấn cho học sinh lớp 9; thông tin đầy đủ các môn lựa chọn, cụm chuyên đề lựa chọn trên bản đồ GIS; cung cấp thông tin dạy học môn lựa chọn, qui định việc chuyển đổi môn lựa chọn trên trang thông tin điện tử) cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Nhà trường công khai các hình thức tổ chức dạy học môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.
Xây dựng phương án thực hiện môn lựa chọn, các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và điều kiện thực tế nhà trường; đăng ký nhu cầu, thực hiện tuyển dụng giáo viên các môn học còn thiếu thuộc CTGDPT 2018 để thực hiện CT GDPT 2018 hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh.
Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn.
Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định theo hướng dẫn của văn bản số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn huyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông; thực hiện báo cáo về Sở GD&ĐT (trên trang thông tin: quanly.hcm.edu.vn).
4. Dạy học Ngoại ngữ 1 tiếng Nhật
Đối với các trường THCS và THPT tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1 tiếng Nhật theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường có trách nhiệm tổ chức ngoại ngữ 2 tiếng Anh để đảm bảo quyền lợi của học sinh khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp cuối cấp.
5. Môn học tự chọn
Khuyến khích các cơ sở giáo dục trung học triển khai dạy học các môn tự chọn khi nhà trường có điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
6. Thông báo danh mục, mua sắm sách giáo khoa năm học 2023 - 2024
Ngay sau khi UBND Thành phố có Quyết định phê duyệt sách giáo khoa (SGK) sử dụng cho năm học 2023 - 2024, cơ sở giáo dục trung học thông báo danh mục SGK trường sử dụng trong năm học 2023 - 2024; thực hiện đăng ký số lượng SGK theo thông báo và thực hiện mua sắm đầy đủ số lượng SGK (theo danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt) cho thư viện.
Tổ chức, vận động mọi lực lượng xã hội trao tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động học sinh tặng SGK đã qua sử dụng (còn tốt) cho thư viện để học sinh mượn sử dụng, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để sử dụng hàng năm.
7. Công tác thư viện, thiết bị, thực hành
7.1. Triển khai thực hiện Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Bộ GD&ĐT về ban hành Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Phòng GD&ĐT quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham mưu UBND quận, huyện xây dựng thí điểm thư viện thông minh tại 01 trường THCS của địa phương.
Trường THPT (theo phân công của Sở GD&ĐT) đề xuất thực hiện trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại theo Kế hoạch số 939/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố.
7.2. Rà soát lập Kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu
Rà soát, thống kê các trang thiết bị đã quá hạn sử dụng, không đủ tiêu chuẩn hoặc không phù hợp với Chương trình GDPT 2018; đề xuất biện pháp tiêu hủy hoặc thay thế phù hợp.
Chuẩn bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; hoạt động dạy học, giáo dục từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học phát triển năng lực.
- Cấp THCS: rà soát lập Kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục đính kèm Thông tư 38/2022/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
- Cấp THPT: Rà soát lập Kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục đính kèm Thông tư 39/2022/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
7.3. Nâng cao chất lượng thực hành, thí nghiệm.
Giáo viên bộ môn cần bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thiết bị thí nghiệm hiệu quả.
Khuyến khích giáo viên tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học và tận dụng, sử dụng thật hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học sẳn có.
Tận dụng tiến bộ công nghệ, khai thác nguồn học liệu trên internet, kho tài liệu số, phần mềm… để lấy hình ảnh minh họa hoặc video làm thực hành, thí nghiệm ảo, tranh, ảnh, mô hình…
Giáo viên cần được tập huấn thường xuyên kỹ năng dạy học thực hành thí nghiệm; xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chuyên trách phòng thí nghiệm.
8. Các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình nước ngoài, Chương trình tích hợp theo quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT
8.1. Ngay sau khi UBND Thành phố có Quyết định phê duyệt sách giáo khoa (SGK) sử dụng cho năm học 2023 - 2024, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình nước ngoài thông báo danh mục SGK các môn học thuộc Chương trình Bộ GD&ĐT Việt Nam (được qui định trong Quyết định cho phép hoạt động giáo dục của nhà trường) sử dụng trong năm học 2023 - 2024; thực hiện đăng ký số lượng SGK theo thông báo và thực hiện mua sắm đầy đủ số lượng SGK (theo danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt) cho thư viện.
8.2. Thực hiện việc xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường, Kế hoạch giáo dục môn học và tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên để triển khai dạy học các môn học theo Chương trình GDPT 2018 đúng theo các quyết định được phê duyệt. Tổ chức dạy các môn học chương trình Việt Nam học theo qui định tại Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2020.
II. Tổ chức thực hiện
1. Tiếp tục triển khai tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên, bảo đảm cho cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ hơn về CT GDPT 2018.
2. Trên cơ sở nhu cầu học tập của học sinh và điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhà trường xây dựng các hình thức tổ chức dạy học nhất là đối với các môn học lựa chọn phù hợp. Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ giúp học sinh trong quá trình tuyển sinh và tiếp nhận học sinh trúng tuyển.
3. Làm tốt công tác thông tin truyền thông để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ quy định về chương trình giáo dục trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.
4. Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện CT GDPT 2018; đổi mới công tác quản lý; giảm hồ sơ, sổ sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tạo môi trường làm việc sáng tạo cho giáo viên.
5. Xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).
6. Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT- GDTrH ngày 03 tháng 10 năm 2017 hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).
III. Thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Thành phố
1. Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời
Phòng GD&ĐT Quận 1 và Quận 12 tham mưu UBND quận thực hiện mô hình thí điểm trường học thông minh, lớp học thông minh theo kế hoạch số 939/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” từ năm 2023 đến năm 2025.
2. Đề án dạy học Tin học theo chuẩn quốc tế
Các cơ sở giáo dục trung học đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án trong năm học 2022 - 2023, thực hiện báo cáo trên trang quanly.hcm.edu.vn.
Lập kế hoạch sửa chữa, mua sắm thiết bị, tuyển dụng giáo viên để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện việc dạy học Tin học theo chuẩn quốc tế. Quan tâm phát triển câu lạc bộ Tin học trong trường phổ thông theo mô hình câu lạc bộ học thuật, gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng Kế hoạch đào tạo, đưa vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên; tạo điều kiện để giáo viên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu năng lực dạy theo các chuẩn quốc tế.
Định hướng, khuyến khích học sinh học và thi đạt các chứng chỉ Tin học quốc tế. Phối hợp với các đơn vị được ủy quyền tổ chức thi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông Thành phố tham gia các kỳ thi chứng chỉ Tin học quốc tế. Xây dựng chế độ khuyến khích trong tuyển sinh cho các em đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Đối với các trường chất lượng cao “Tiên tiến và hội nhập quốc tế” chú ý xây dựng Kế hoạch thực hiện để 100% học sinh được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế; đối với các trường phổ thông còn lại xây dựng Kế hoạch để thực hiện Đề án hướng đến đáp ứng 50% nhu cầu học sinh và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT và Lãnh đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Sở GD&ĐT (qua Phòng Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn./.
| GIÁM ĐỐC |
- 1Công văn 4748/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2022 hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Công văn 4989/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2023 hướng dẫn thực hiện giảng dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh học chương trình trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Công văn 4891/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2023 hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 5 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH năm 2017 về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH năm 2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Công văn 3799/BGDĐT-GDTH năm 2021 thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 5 đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10Thông tư 39/2021/TT-BGDĐT về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11Thông tư 38/2021/TT-BGDĐT về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Trung học cơ sở do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 12Công văn 3995/SGDĐT-GDTrH năm 2022 hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 13Công văn 4748/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2022 hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 14Công văn 68/BGDĐT-GDTrH năm 2023 về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 15Công văn 4989/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2023 hướng dẫn thực hiện giảng dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh học chương trình trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 16Công văn 4891/SGDĐT-GDTXCNĐH năm 2023 hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 17Kế hoạch 939/KH-UBND năm 2023 triển khai Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030” từ năm 2023 đến năm 2025
Công văn 1652/SGDĐT-GDTrH năm 2023 hướng dẫn triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 1652/SGDĐT-GDTrH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 10/04/2023
- Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/04/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra