Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3699/BGDĐT-GDTrH
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1;
- Các trường trung học phổ thông trực thuộc.

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục trung học và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Thực hiện Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT ngày 04/8/2021 của Bộ GDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 với các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

2. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình GDPT 2018) đối với lớp 6, tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình GDPT 2006) đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

4. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Bảo đảm an toàn trường học phòng, chống Covid-19, hoàn hành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục

1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học

a) Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tại địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lí; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

b) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường trong trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lí; duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp học theo quy định; thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời các vật dụng cần thiết để bảo đảm an toàn khi học sinh đến trường học tập.

c) Kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học, báo cáo với cơ quan Y tế tại địa phương để thực hiện phương án xử lý theo quy định.

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học

Các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT, trong đó bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương. Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến. Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

a) Đối với lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

- Các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022; xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

- Tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật) bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

- Tổ chức dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018 đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Đối với các nhà trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018, tiếp tục thực hiện môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2006, trong đó lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học này theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp trung học phổ thông.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở GDĐT, Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.

b) Đối với các lớp thực hiện theo Chương trình GDPT 2006

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT; bảo đảm chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và hoàn thành chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018, chuẩn bị cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp trung học phổ thông.

c) Đối với các trường thực hiện mô hình trường học mới, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017; Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2017 về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện triển khai mô hình trường học mới; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019 về việc xét tốt nghiệp học sinh mô hình trường học mới.

d) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính, phòng chống tệ nạn xã hội; giáo dục quyền con người; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường; giáo dục chăm sóc mắt và phòng chống mù loà cho học sinh; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo, quốc phòng và an ninh; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục thông qua di sản; giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông và văn hóa giao thông; giáo dục tăng cường năng lực số, chuyển đổi số và các nội dung giáo dục lồng ghép phù hợp khác theo quy định.

đ) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Chỉ đạo các Cơ sở giáo dục trung học duy trì nền nếp thực hiện các bài thể dục, tập luyện và tổ chức thi đấu các môn thể thao nhằm phát triển thể lực toàn diện cho học sinh.

e) Chỉ đạo các trường vùng dân tộc thiểu số (nhất là các trường nội trú, bán trú) có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, thể chất, kĩ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về kết quả học tập; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và tổ chức dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số khi có đủ điều kiện theo quy định. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật; triển khai mô hình giáo dục từ xa cho học sinh khuyết tật không có điều kiện đến trường dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.

3. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học

a) Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học, chú trọng đến các nội dung cốt lõi để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp hoặc phối hợp giữa dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến, đảm bảo linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Chú trọng việc hướng dẫn học sinh tự học, rèn luyện cho học sinh tự học ở nhà, học trực tuyến; ưu tiên dạy học trực tuyến theo thời gian thực, chủ yếu tổ chức cho học sinh thuyết trình, thảo luận, báo cáo sản phẩm, kết quả học tập; dành nhiều thời gian học trực tiếp trên lớp cho việc luyện tập, thực hành, thí nghiệm.

b) Khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới. Tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản trong dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục phù hợp.

c) Thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường.

4. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá

a) Thực hiện việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GDĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

b) Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6:

- Môn Lịch sử và Địa lí bao gồm 02 phân môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn chọn 02 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì; bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 02 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 02 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

- Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập. Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

- Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương: giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập. Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định.

c) Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kĩ (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, việc xây dựng ma trận, đặc tả của đề kiểm tra cần phối hợp theo tỷ lệ phù hợp giữa câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận. Khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.

d) Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định2, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

5. Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng

a) Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục trung học cơ sở và sau trung học phổ thông, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp3; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

b) Định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông theo học các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường trung học; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.

6. Tham gia tổ chức các kì thi, cuộc thi

Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương; tổ chức lựa chọn học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

II. Phát triển mạng lưới trường, lớp, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

1. Phát triển mạng lưới trường, lớp

a) Phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đồng thời chủ động triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định. Tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Chuẩn bị và tham gia tổ chức việc tổng kết đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của các trường chuyên, phù hợp với thực tế. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và quản lí hoạt động giáo dục của trường trung học phổ thông chuyên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

2. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

a) Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Tiếp tục tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định, bảo đảm chính xác, chất lượng, hiệu quả; từng bước nâng cao mức độ và chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại địa phương.

b) Nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá và báo cáo về tình hình phổ cập giáo dục trung học cơ sở, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin điện tử để quản lí phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và thường xuyên cập nhật và kiểm tra tính xác thực của các số liệu trên hệ thống.

III. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học

1. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

a) Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

- Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục trung học theo tiêu chuẩn Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng GDĐT; tiêu chuẩn Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn hiệu trưởng.

- Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu, nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, Âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định.

- Rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông theo chuẩn đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2019 để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

b) Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục

- Tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí cốt cán các mô-đun triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch năm học 2021-2022. Tiếp tục rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học, hoạt động giáo dục; triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí đại trà theo phương thức bồi dưỡng qua mạng, thường xuyên, liên tục, ngay tại trường; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và cụm trường.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán; triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà tại các địa phương, nhà trường.

- Chủ động phối hợp với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí cho địa phương; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo Chương trình GDPT 2018.

2. Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu

a) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; đầu tư và tận dụng tối đa cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức dạy học nhiều hơn 06 buổi/tuần, bảo đảm chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình trong bối cảnh ứng phó với tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

b) Bảo đảm phòng học và phòng chức năng phù hợp với các thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục trung học; tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật để bảo đảm chất lượng việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến; khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học, không để thiết bị dạy học được trang bị đến trường nhưng không được đưa ra lớp để sử dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát tần suất sử dụng thiết bị và đồ dùng học tập trong quá trình dạy học.

c) Phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng; phân công các trường dạy học và ghi hình bài học theo môn học để tổ chức dạy học trên truyền hình, sử dụng trong dạy học trực tuyến.

Lựa chọn giáo viên giỏi các môn học, hoạt động giáo dục để tổ chức xây dựng các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; đồng thời sử dụng để hỗ trợ trực tiếp học sinh học tập trong trường hợp học sinh không có điều kiện tiếp cận học trực tuyến, học trên truyền hình.

d) Tổ chức biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục của địa phương của các khối lớp tiếp theo bảo đảm chất lượng và tiến độ. Tổ chức hiệu quả việc góp ý sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; tổ chức lựa chọn, cung ứng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 chuẩn bị cho các năm học tiếp theo, bảo đảm kịp thời, chất lượng, đúng quy định.

IV. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lí giáo dục

1. Tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ kế hoạch của tổ chuyên môn, báo cáo Phòng GDĐT (đối với trung học cơ sở) và Sở GDĐT (đối với trung học phổ thông). Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh.

3. Tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường4; quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo theo quy định. Nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục trung học; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lí giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lí, báo cáo.

4. Tăng cường kiểm tra, tư vấn hướng dẫn công tác quản lí hoạt động dạy học, kiểm định chất lượng giáo dục của các nhà trường; nâng cao hiệu quả quản lí các cơ sở giáo dục trung học tư thục, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các chương trình giáo dục tích hợp, chương trình giáo dục của nước ngoài, chương trình giáo dục bằng tiếng nước ngoài5; nội dung giáo dục bắt buộc dành cho học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài6.

5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tiếp nhận mọi nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhà trường bảo đảm rõ về mục đích tài trợ và sử dụng các nguồn tài trợ đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; chủ động tham mưu, đề xuất thực hiện khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục trung học; xây dựng, phát triển các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường cơ hội trao đổi kinh nghiệm học tập, giảng dạy, quản lý giáo dục, nguồn học liệu mở cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục tư thục đẩy mạnh xây dựng phát triển liên kết giáo dục với nước ngoài thực hiện chương trình tích hợp theo quy định.

7. Chủ động cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới đối với giáo dục trung học; tình hình và kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với giáo dục trung học để được chia sẻ, đồng thuận, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

8. Khuyến khích đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục chủ động viết và đưa tin, bài về các kết quả hoạt động của ngành; các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để khích lệ các cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

V. Công tác thi đua, khen thưởng

1. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục trung học, cán bộ quản lí và giáo viên trung học theo quy định.

2. Cụ thể hóa các tiêu chí thi đua theo hướng dẫn của Bộ GDĐT thành các hoạt động cụ thể để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các mặt công tác trong nhiệm vụ năm học; bảo đảm công bằng, minh bạch, gắn với hiệu quả công việc.

3. Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và môi trường cho giáo viên thi đua xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình, phát triển học liệu điện tử để chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp, ứng phó kịp thời với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, nhà trường.

4. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học thực hiện tốt việc khen thưởng, kỷ luật vì sự tiến bộ của học sinh; bảo đảm thực hiện đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, tạo cảm hứng và động lực phấn đấu cho học sinh; tăng cường các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực để rèn luyện ý thức kỷ luật, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, thầy, cô, bạn bè, gia đình và cộng đồng.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn tại Công văn này, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở GDĐT phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để kịp thời giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đại học, trường đại học có trường trung học;
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 



1 Đối với tỉnh Bạc Liêu là Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.

2 Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

3 Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.

4 Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

5 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018; Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014.

6 Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH năm 2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 3699/BGDĐT-GDTrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/08/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản