Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15974/SXD-QLCLXD
V/v triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2015

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện;
- Các Ban Quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý công trình, các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố.

 

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Mục 7 Công văn số 6963/UBND-CNN ngày 12/11/2015 về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị thực hiện những nội dung sau:

1. Liên quan đến việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố, khi thiết kế xây dựng các công trình công cộng, trụ sở cơ quan, nhà ở, chung cư, công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phải đảm bảo công trình có khả năng chịu được gió bão mạnh, siêu bão (từ cấp 12 trở lên); phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra, thiết kế xây dựng công trình. Danh sách các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tham khảo theo Phụ lục đính kèm.

2. Liên quan đến việc phân loại nhà ở, công trình hạ tầng và công tác chằng chống nhà cửa khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn tại Công văn số 7705/SXD-QLCLXD ngày 20/7/2015 về việc hướng dẫn Nhà an toàn theo các cấp bão của Bộ Xây dựng, đề nghị Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tăng cường, hướng dẫn về Nhà an toàn cho người dân, cụ thể:

- Đối với các công trình nhà hiện hữu, được thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng của Nhà nước (Nhà theo tiêu chuẩn), khi cấp bão lớn hơn cấp thiết kế cần có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái. Trong trường hợp cần thiết cần tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.

- Đối với các công trình nhà hiện hữu, không được thiết kế và thi công theo các tiêu chuẩn và các quy định về quản lý xây dựng của Nhà nước (Nhà phi tiêu chuẩn), thực hiện phân loại, hướng dẫn Nhà an toàn theo cấp bão như sau (căn cứ theo văn bản hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão ban hành kèm theo Công văn số 1145/BXD-KHCN ngày 28/5/2015 của Bộ Xây dựng):

+ Nhà kiên cố (là nhà có ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 10, khi xảy ra bão đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 11, khi xảy ra bão đến cấp 12 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà, khi bão trên cấp 12, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn;

+ Nhà bán kiên cố (là nhà có hai trong ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà bán kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 9, khi xảy ra bão từ cấp 10 đến cấp 11 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 11, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn;

+ Nhà thiếu kiên cố (là nhà có một trong ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà thiếu kiên cố xây dựng thành cụm, ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 8, khi xảy ra bão từ cấp 9 đến cấp 10 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 10, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn;

+ Nhà đơn sơ (là nhà có cả ba kết cấu chính cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu không bền chắc): Nằm riêng lẻ ở vị trí trống trải, ven sông, ven biển chịu được bão đến cấp 6, khi xảy ra bão từ cấp 7 đến cấp 8 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 8, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn. Nhà đơn sơ xây dựng thành cụm ở vị trí có che chắn chịu được bão đến cấp 7, khi xảy ra bão từ cấp 8 đến cấp 9 cần có biện pháp phòng ngừa và gia cố nhà; khi bão trên cấp 9, mọi người dân trong nhà phải được di dời đến nơi trú ngụ an toàn.

- Riêng đối với các công trình có kết cấu chịu lực chính được thiết kế và thi công tuân thủ các tiêu chuẩn nhưng các kết cấu mái, tường làm bằng tôn, fibro xi măng hoặc các vật liệu tương tự không được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn (Các loại nhà khác), khi cấp bão lớn hơn cấp bão trong giới hạn thiết kế kết cấu cần có biện pháp chống gia cố, với cấp bão từ cấp 8 đến 9 trở lên phải có biện pháp phòng chống và gia cố chống sập đổ và tốc mái đối với các kết cấu bao che và kết cấu mái. Trong trường hợp cần thiết cần tiến hành di dân đến nơi trú ngụ an toàn.

3. Liên quan đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn: Đề nghị Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến sâu rộng “SỔ TAY hướng dẫn một số biện pháp, phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành tháng 10 năm 2014” đến mọi người dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân đang sinh sống trên các khu vực xung yếu, vùng thấp trũng, ven sông, ven biển, trong những căn nhà đơn sơ không đảm bảo an toàn, ngư dân hoạt động nghề cá... giúp cho người dân, cơ quan, tổ chức biết tham khảo để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

4. Liên quan đến việc triển khai đảm bảo an toàn cho các nhà, xưởng, chung cư cũ xuống cấp khi xảy ra bão mạnh - rất mạnh:

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương rà soát, thống kê (đối với quận, huyện chưa có báo cáo gửi Sở Xây dựng) các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, nghiêng, lún, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, các chung cư xây dựng trước năm 1990 có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nằm trên địa bàn theo Công văn số 14166/SXD-QLCLXD ngày 09/11/2015 của Sở Xây dựng.

- Chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý công trình tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng đối với các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng. Khi cấp bão lớn cần có biện pháp phòng chống và gia cố, đặc biệt đối với các kết cấu bao che, kết cấu mái, các thiết bị lắp đặt bên ngoài công trình (như bồn nước, dàn nóng máy lạnh, cột ăng-ten, kim thu sét...).

5. Liên quan đến việc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đảm bảo an toàn thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, đà giáo cốt pha, vận hành cần trục tại các công trình:

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Ban Quản lý khu đô thị mới, khu công nghiệp khu chế xuất, khu công nghệ cao tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ công tác quản lý chất lượng, kết hợp kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn thi công xây dựng tại các công trình xây dựng được phân công quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lắp đặt, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo tại các Công văn số 720/UBND-ĐTMT ngày 05/02/2015 và Công văn số 7262/UBND-ĐTMT ngày 26/11/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố; tổ chức tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 02/11/2015 của Bộ Xây dựng về việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.

- Các chủ đầu tư, nhà thầu khi thi công khi lắp đặt, sử dụng giàn giáo (là một hệ thống kết cấu tạm thời đặt trên nền vững hoặc có thể treo hoặc neo, tựa vào công trình để tạo ra nơi làm việc cho công nhân tại các vị trí cao so với mặt đất hay mặt sàn cố định) phải có thiết kế, nghiệm thu, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCXDVN 296:2004 ; khi lắp đặt cốt pha và đà giáo trong thi công các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu theo tiêu chuẩn TCVN 4453:1995 để thiết kế, kiểm tra và nghiệm thu; khi lắp đặt, vận hành cần trục tháp phải tuân thủ các Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 15/11/2011 ban hành Quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND ngày 30/11/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Trên đây là ý kiến của Sở Xây dựng liên quan đến triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố, đề nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan kịp thời thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBNDTP (để báo cáo);
- Ban chỉ huy PCLB thành phố;
- Các Sở: KHĐT, TC, TN&MT, GTVT, QHKT, NNPTNT, VHTT, DL, CT, KHCN, TTTT, Nội vụ, Ngoại vụ;
- Công an TP, Cảnh sát PC&CC;
- Giám đốc SXD (để báo cáo);
- Thanh tra Sở (để phối hợp);
-  Văn phòng Sở (để đăng tải Website);
- Lưu: VT, PQLCLXD.
Đính kèm: Phụ lục
CVĐ: 26403, 26436, 27597

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Lê Hòa Bình

 

Phụ lục

(Đính kèm theo Công văn số 15974/SXD-QLCLXD ngày 07/12/2015 của Sở Xây dựng)

DANH MỤC QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THIẾT KẾ - XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

- QCXDVN 09 : 2005 - Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả;

- QCXDVN 05 : 2008/BXD - Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe;

- QCVN : 01/2008/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng". Quy chuẩn này thay thế phần II (về quy hoạch xây dựng ) - Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam tập 1 - 1997;

- QCVN 02:2009/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng;

- QCVN 06 : 2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;

- QCVN 07 : 2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- TCVN 4055:2012 - Công trình xây dựng - Tổ chức thi công;

- TCVN 4205:2012 - Công trình thể thao - Sân thể thao - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4252:2012 - Quy trình lập thiết kế tổ chức xây dựng và thiết kế tổ chức thi công;

- TCVN 4260:2012 - Công trình thể thao - Bể bơi - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4319:2012 - Nhà, công trình công cộng, nguyên tắc cơ bản để thiết kế;

- TCVN 4451:2012 - Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế;

- TCVN 4470:2012 - Bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4529:2012 - Công trình thể thao - Nhà thể thao - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4601:2012 - Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế;

- TCVN 4602:2012 - Trường trung cấp chuyên nghiệp - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 4604:2012 - Xí nghiệp công nghiệp, nhà sản xuất, tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 5574:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 5575:2012 - Kết cấu thép - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9115:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Thi công và nghiệm thu;

- TCVN 9205:2012 - Cát nghiền cho bê tông và vữa;

- TCVN 9206:2012 - Đặt thiết bị điện trong nhà ở và công trình công cộng - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9210:2012 - Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9211:2012 - Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9212:2012 - Bệnh viện đa khoa khu vực - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9213:2012 - Bệnh viện quận huyện - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9214:2012 - Phòng khám đa khoa khu vực - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9345:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - hướng dẫn kỹ thuật phòng chống nứt dưới tác động của khí hậu nóng ẩm;

- TCVN 9346:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển;

- TCVN 9257:2012 - Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9364:2012 - Nhà cao tầng - Kỹ thuật đo đạc phục vụ công tác thi công;

- TCVN 9365:2012 - Nhà văn hóa thể thao - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế;

- TCVN 9369:2012 - Nhà hát - Tiêu chuẩn thiết kế;

- TCVN 9377-1:2012 , TCVN 9377-2:2012 , TCVN 9377-3:2012 - Công tác hoàn thiện trong xây dựng - Thi công và nghiệm thu;

- TCVN 9379:2012 - Kết cấu xây dựng và nền - Nguyên tắc cơ bản về tính toán;

- TCVN 9380:2012 - Nhà cao tầng - Kỹ thuật sử dụng giáo treo;

- TCVN 9385:2012 - Chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống;

- TCVN 9386-1 : 2012 - Thiết kế công trình chịu động đất - Phần 1: Quy định chung, tác động động đất và quy định với kết cấu nhà;

- TCVN 9386-2 : 2012 - Thiết kế công trình chịu động đất - Phần 2: Nền móng, tường chắn và các vấn đề kỹ thuật địa kỹ thuật. Áp dụng để tính toán thiết kế công trình chịu động đất;

- TCVN 9393:2012 - Cọc - Phương pháp thử nghiệm tại hiện trường bằng tải trọng tĩnh ép dọc trục;

- TCVN 9395:2012 - Cọc khoan nhồi - Thi công và nghiệm thu;

- TCVN 9398:2012 - Công tác trắc địa trong công trình xây dựng - Yêu cầu chung;

- TCVN 9411:2012 - Nhà ở liền kề - Tiêu chuẩn thiết kế;

- Các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành khác có liên quan đến khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, xây dựng công trình công cộng, nhà ở, chung cư,...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 15974/SXD-QLCLXD năm 2015 thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó với tình huống bão mạnh - rất mạnh ảnh hưởng đến địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 15974/SXD-QLCLXD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/12/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản