Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1549/BNN-TY
V/v chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại gần 18.000 ha và 1.358 bè, vèo, tổn thất ước tính trên 1.000 tỷ đồng; trong đó, diện tích dịch bệnh trên 5.600 ha (bao gồm: tôm nuôi bị bệnh trên 5.030 ha, chủ yếu là bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tụy cấp tính; cá tra nuôi bị bệnh trên 500 ha, chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ; các loài thủy sản khác với gần 80 ha) và khoảng 1.358 bè, vèo nuôi thủy sản. Tuy nhiên, có trên 12.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại nhưng không được người nuôi và cơ quan chuyên môn các cấp lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân. Từ đầu năm 2022 đến nay, các bệnh nguy hiểm nêu trên đã gây thiệt hại trên 180 ha và 112 bè, vèo nuôi trồng thủy sản; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng trong vụ nuôi chính tới đây là rất cao, gây tổn thất rất lớn về kinh tế, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Theo báo cáo của Cục Thú y, kết quả giám sát dịch bệnh thủy sản năm 2021 cho thấy một số loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở các vùng nuôi như: Hoại tử gan tụy cấp tính có 463/11.770 mẫu dương tính (tỷ lệ 4%), bệnh Đốm trắng có 758/13.913 mẫu dương tính (5,4%), bệnh Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô với tỷ lệ khoảng 2% và bệnh do vi bào tử trùng với 11,8% mẫu dương tính trên tôm; bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra (tỷ lệ mẫu giám sát dương tính từ 17-19%), bệnh sữa trên tôm hùm, bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển, một số bệnh ký sinh trùng,... kết hợp với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, làm cho sức khỏe động vật thủy sản bị giảm sút, tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gia tăng việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, gây thiệt hại cho người nuôi và ngân sách nhà nước.

Qua kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, diễn biến dịch bệnh cũng như thiệt hại của thủy sản trong thực tế phức tạp hơn rất nhiều so với báo cáo. Số liệu dịch bệnh thủy sản tại một số địa phương chưa phản ánh đúng thực tế, thiếu rất nhiều so với diễn biến dịch bệnh thủy sản đang xảy ra trên địa bàn (hàng tuần chỉ 4-5/28 tỉnh nuôi tôm, 3/12 tỉnh nuôi cá tra báo cáo có ổ dịch); nhiều hộ nuôi xử lý động vật thủy sản chết, nghi mắc bệnh chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; chưa kiểm soát hiệu quả việc sử dụng hóa chất, thuốc thú y; công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y chưa được các cơ quan chức năng quan tâm và chỉ đạo sát sao; công tác kiểm dịch thủy sản giống vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh,... Những tồn tại, bất cập nêu trên đã gây nhiều khó khăn cho việc chỉ đạo sản xuất và tổ chức phòng, chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu cũng như uy tín thủy sản của Việt Nam (trong thực tế đã có nhiều quốc gia cảnh báo các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam có mầm bệnh, bị ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh và đã bị trả về), một số thị trường đã nâng mức cảnh báo và áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với thủy sản của Việt Nam.

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thú y thủy sản, đặc biệt là tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo Điều 6 Luật Thú y và Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”.

2. Tổ chức rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí đủ kinh phí và nguồn lực để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung của “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 4117/BNN- TY ngày 01/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022.

3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn thú y, thuỷ sản các cấp của địa phương:

a) Bố trí, phân công lực lượng thú y, thủy sản, đặc biệt tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm nhằm theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết bất thường để thống kê, báo cáo chính xác thực trạng dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định; hướng dẫn các giải pháp xử lý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả; tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước cấp, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải, khử trùng tiêu độc kịp thời, không làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

c) Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi kết quả giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường giữa cơ quan quản lý thú y thủy sản và cơ quan quản lý nuôi thủy sản, đảm bảo thống nhất (i) tổng hợp, báo cáo hiện trạng sản xuất, nuôi và dịch bệnh; (ii) hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

d) Tổ chức đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản để xuất khẩu.

đ) Tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật thủy sản sử dụng làm giống theo quy định hiện hành, đảm bảo cung cấp thủy sản giống đạt chất lượng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh; xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm.

e) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; vận động người nuôi trồng thủy sản mua thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành; hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản không sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản; tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác thú y thủy sản; chủ động thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến những địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu vụ nuôi; đặc biệt lưu ý những địa bàn có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh hoặc những khu vực thường xuyên xảy ra dịch bệnh, có thủy sản bị thiệt hại nhiều trong các vụ nuôi trước đây. Tổ chức kiểm tra, thanh tra tại cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y; lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng.

5. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y; đặc biệt hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản và đẩy mạnh xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương thành lập các đoàn, tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ nêu trên.

Bộ Nông nghiệp và PTNT trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản (để t/h);
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Sở NN&PTNT, CCTY/CCCN&TY/CCCNTY&TS, CCNTTS/CCTS các tỉnh, thành phố (để t/h);
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1549/BNN-TY năm 2022 về chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1549/BNN-TY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Phùng Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản