Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1542/BTC-CST
V/v trả lời kiến nghị của cử tri

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển tới tại công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022 như sau:

Nội dung kiến nghị:

Cử tri phản ánh, hiện nay, Bộ Tài chính áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như (thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000đ/lít; 4 loại thuế chiếm 38%), chi phí khác như: chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62% dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế và phí cho phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân (cử tri huyện Phú Xuyên).

Bộ Tài chính xin trả lời như sau:

1. Về diễn biến giá xăng dầu trong thời gian gần đây

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá xăng dầu thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó dự báo và sẽ chịu sự chi phối của nhiều nhân tố, đặc biệt là các biện pháp can thiệp vào nguồn cung của các nước, các vấn đề về chính trị ở một số khu vực cũng như sự phục hồi kinh tế của các nước trên thế giới sau đại dịch Covid-19.

Trong nước, để giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới đối với giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá (BOG), đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng thấp hơn mức tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Cụ thể, từ cuối tháng 11 năm 2021 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã bảy lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới (bao gồm điều chỉnh giảm và điều chỉnh tăng).

2. Về chính sách thuế, cơ cấu thuế, phí và các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

Hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam. So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm khoảng từ 5% đến 8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể như sau:

a) Về thuế nhập khẩu

Về thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là 20%; đối với mặt hàng dầu diezen, madút, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.

Về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA), mặt hàng xăng (bao gồm cả E5, E10) có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định ATIGA, Hiệp định VKFTA là 8%, Hiệp định VNEAEU là 8,8%-8% và Hiệp định ACFTA là 20%[1]; các mặt hàng dầu diezen, madút, dầu hỏa và nhiên liệu bay có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định VNEAEU là 7%, theo Hiệp định ATIGA và Hiệp định VKFTA là 0%.

Từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước thì lượng xăng dầu nhập khẩu giảm đáng kể. Quý III/2021 lượng xăng nhập khẩu chỉ chiếm 7,2% tổng lượng xăng tiêu thụ trong nước và dầu nhập khẩu chỉ chiếm 31,15%. Như vậy, lượng xăng sản xuất trong nước chiếm đến 92,8% tổng sản lượng xăng tiêu thụ của cả nước. Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

b) Về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Pháp luật thuế GTGT không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Việc quy định mức thuế suất thuế GTGT thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

c) Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Tương tự thuế GTGT, pháp luật thuế TTĐB không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Hiện hành, chỉ có mặt hàng xăng thuộc diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất là 10% (không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế TTĐB là 8% và xăng E10 là 7%. Đây là mức trung bình thấp so với nhiều nước và việc quy định mức thuế suất thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

d) Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định cụ thể đối tượng chịu thuế và khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Căn cứ khung thuế BVMT này, UBTVQH đã quy định mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: xăng (trừ etanol): 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn: 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học (như xăng E5, E10- chứa 5%, 10% etanol) thì chỉ tính thuế BVMT đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cấu trong xăng sinh học.

Mức thuế BVMT hiện hành cơ bản phù hợp với nguyên tắc xây dựng mức thuế BVMT quy định tại Luật thuế BVMT. Việc sử dụng thuế BVMT với mục tiêu bình ổn giá cũng không thực sự phù hợp với bản chất của sắc thuế này vì thuế BVMT là công cụ chính sách nhằm thu vào các sản phẩm gây tác động xấu đối với môi trường khi sử dụng.

e) Chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức

Hiện nay, các khoản chi phí khác cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu được quy định cụ thể tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở. Các khoản chi phí này được rà soát, đánh giá hàng năm trên cơ sở các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thông báo điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, toàn bộ các khoản chi phí định mức áp dụng trong công thức giá cơ sở chiếm khoảng từ 5% đến 8% mức giá cơ sở hiện hành.

3. Về điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua

Hiện nay, giá xăng dầu hiện nay đang được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thời gian qua, công cụ Quỹ BOG xăng dầu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả đã giúp cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá. Năm 2021, Quỹ BOG gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, qua đó, góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/01/2022, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Tại Việt Nam, giá xăng E5 RON92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 07/02/2022 là 23.590 đồng/lít và xăng RON95 là 24.360 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).

Gần đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như: gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền chậm nộp tiền thuế để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trước các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, quy định giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có lợi thế và hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế thuế TTĐB.

Liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.

Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPQH (Vụ Dân nguyện);
- VPCP (Vụ QHĐP);
- VPB; Vụ PC;
- Cục THTK (để đăng tải cổng TTĐT);
- TCHQ; TCT; Cục QLG;
- Lưu: VT, CST.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc

 



[1] ATIGA: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; VKFTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc; VNEAEU: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu; ACFTA: Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1542/BTC-CST năm 2022 chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1542/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản