Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Việt Nam”) và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc (“Hàn Quốc”), sau đây gọi chung là “các Bên” và gọi riêng là “Bên”:

Nhận thức tình hữu nghị lâu đời và bền vững và sự cần thiết tăng cường mối quan hệ kinh tế gần gũi giữa hai Bên;

Tin tưởng rằng một khu vực thương mại tự do sẽ tạo lập một thị trường rộng mở và an toàn cho hàng hóa và dịch vụ trong lãnh thổ của hai Bên và tạo môi trường ổn định và có thể dự đoán trước cho đầu tư, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước trên thị trường toàn cầu;

Nhận thức sự cần thiết tăng cường khuôn khổ hợp tác kinh tế mở rộng và sâu sắc hơn;

Mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm mới;

Nhận thức trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa hai Bên;

Nỗ lực thiết lập các quy tắc rõ ràng và cùng có lợi để điều chỉnh thương mại, đầu tư của các Bên và để giảm bớt hoặc loại trừ các rào cản thương mại và đầu tư giữa hai Bên;

Thúc đẩy một môi trường kinh doanh có thể dự đoán, minh bạch và nhất quán nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hiệu quả và sử dụng các nguồn lực hợp lý;

Quyết tâm đóng góp cho sự phát triển hài hòa và mở rộng của thương mại thế giới bằng cách loại bỏ những rào cản đối với thương mại thông qua việc thành lập một khu vực thương mại tự do;

Xây dựng dựa trên các quyền và nghĩa vụ tương ứng của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và các hiệp định đa phương, khu vực, và song phương khác mà cả hai Bên là thành viên; và

Khẳng định lại mong muốn xây dựng cam kết của hai Bên theo Hiệp Định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa các Chính phủ các Nước Thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Đại Hàn Dân Quốc và các hiệp định liên quan khác của Hiệp Định Khung này;

ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:

CHƯƠNG 1

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1.1: Thành lập khu vực thương mại tự do

Phù hợp với Điều XXIV của GATT 1994 và Điều V của GATS, các Bên bằng Hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do.

Điều 1.2: Mục tiêu

Các mục tiêu của Hiệp định này là:

(a) nhằm đạt được sự tự do hóa đáng kể về thương mại hàng hóa giữa các Bên, phù hợp với Điều XXIV của GATT 1994;

(b) nhằm đạt được sự tự do hóa đáng kể về thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các Bên, phù hợp với Điều V của GATS;

(c) thúc đẩy sự cạnh tranh trong nền kinh tế của mỗi Bên, cụ thể là sự cạnh tranh liên quan đến quan hệ kinh tế giữa các Bên;

(d) bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ; và

(e) thiết lập một khuôn khổ tăng cường hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực được các Bên thỏa thuận theo Hiệp định này.

Điều 1.3: Mối quan hệ với các hiệp định khác

1. Các Bên khẳng định lại các quyền và nghĩa vụ của các Bên trong các hiệp định hiện tại mà cả hai Bên là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc.

2. Để rõ ràng hơn, Hiệp định này sẽ không được hiểu là làm giảm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào giữa các Bên mà theo đó cho phép đối xử đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hoặc cá nhân thuận lợi hơn so với các quy định theo Hiệp định này.

3. Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này, trong trường hợp có sự không thống nhất giữa Hiệp định này và bất kỳ hiệp định nào mà các Bên cùng là thành viên, các Bên sẽ ngay lập tức tham vấn lẫn nhau nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng cho cả hai Bên.

Điều 1.4: Phạm vi của các nghĩa vụ

Nhằm thực hiện các nghĩa vụ và cam kết theo Hiệp định này, mỗi Bên trong phạm vi lãnh thổ của mình sẽ đảm bảo sự tuân thủ của chính quyền và các cơ quan nhà nước cấp địa phương và của các cơ quan phi chính phủ khi thực hiện các thẩm quyền được trao bởi chính phủ và cơ quan nhà nước cấp trung ương hoặc địa phương.

Điều 1.5: Các định nghĩa chung

Đối với Hiệp định này, trừ khi có quy định khác,

Hiệp định Nông nghiệp nghĩa là Hiệp định về Nông nghiệp, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

Hiệp định Chống bán phá giá nghĩa là Hiệp định về thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc nghĩa là Hiệp Định Khung về Hợp Tác Kinh Tế Toàn Diện giữa Các Chính phủ Các Nước Thành Viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á và Chính Phủ Nước Đại Hàn Dân Quốc và các hiệp định có liên quan khác được liệt kê tại đoạn 1 Điều 1.4 của Hiệp Định Khung;

cơ quan hải quan nghĩa là cơ quan, theo pháp luật của mỗi Bên, có thẩm quyền quản lý và giám sát thực thi các luật và quy định hải quan của Bên đó:

(a) đối với Việt Nam, là Tổng Cục Hải Quan; và

(b) đối với Hàn Quốc, là Bộ Chiến lược và Tài chính, hoặc Cơ quan Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc;

hoặc cơ quan kế nhiệm tương ứng;

thuế hải quan nghĩa là bất kỳ loại hình thuế hải quan hoặc thuế nhập khẩu và bất kỳ khoản phí nào bao gồm thuế phụ thu và phí phụ thu, được áp dụng với việc nhập khẩu hàng hóa, nhưng không bao gồm:

(a) phí tương đương với thuế nội địa được áp dụng theo các quy định của Điều III:2 của GATT 1994 liên quan đến hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa có tính cạnh tranh trực tiếp của một Bên, hoặc hàng hóa có thể thay thế hoặc liên quan đến hàng hóa làm nguyên liệu để chế biến hoặc sản xuất toàn bộ hay một phần hàng hóa nhập khẩu;

(b) thuế theo quy định của luật và các quy định trong nước của một Bên phù hợp với Chương 7 (Phòng vệ Thương mại);

(c) phí hoặc bất cứ khoản lệ phí nào khác liên quan đến việc nhập khẩu tương ứng với chi phí dịch vụ phải trả;

(d) các khoản phí bảo hiểm được cung cấp hoặc phải thu đối với hàng hóa nhập khẩu phát sinh từ bất kỳ hệ thống đấu thầu nào đối với việc quản lý hạn chế số lượng nhập khẩu hay hạn ngạch thuế quan; hoặc

(e) thuế được quy định đối với bất kỳ biện pháp tự vệ trong nông nghiệp nào được thực hiện theo Hiệp định Nông nghiệp;

các luật và quy định hải quan nghĩa là các luật và các quy định được quản lý và giám sát thực thi bởi cơ quan hải quan của các Bên liên quan đến nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa, có liên quan đến thuế hải quan, các lệ phí, và các loại thuế khác, hoặc liên quan đến việc cấm, hạn chế, và các biện pháp kiểm soát tương tự đối với sự di chuyển của các hạng mục được kiểm soát qua biên giới lãnh thổ hải quan của mỗi Bên;

Hiệp định Định giá Hải quan nghĩa là Hiệp định về thực thi Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

ngày nghĩa là ngày dương lịch, bao gồm cả các ngày cuối tuần và các ngày nghỉ lễ;

doanh nghiệp nghĩa là bất kỳ tổ chức nào được thành lập hợp pháp hoặc được tổ chức theo các luật và các quy định hiện hành, dù là hoạt động vì lợi nhuận hay không, và dù là doanh nghiệp do tư nhân hay do chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm công ty, quỹ tín thác, hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, hiệp hội, hoặc tổ chức tương tự;

đang có hiệu lực nghĩa là còn hiệu lực thi hành vào ngày có hiệu lực thi hành của Hiệp định này;

GATS nghĩa là Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, tại Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;

GATT 1994 nghĩa là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, bao gồm các điều khoản bổ sung và các ghi chú của nó, là một phần của Hiệp định WTO;

hàng hóa nghĩa là bất kỳ vật phẩm, sản phẩm, hoặc nguyên liệu, vật liệu nào;

Hệ thống Hài hòa (HS) nghĩa là tập hợp của Hệ thống Hài hòa Mô tả và Mã hóa Hàng hóa được nêu trong Công ước Quốc tế về Hệ thống Hài hòa Mô tả và Mã hóa Hàng hóa và các ghi chú pháp lý kèm theo, có hiệu lực và được sửa đổi tùy từng thời điểm;

Ủy ban hỗn hợp nghĩa là Ủy ban hỗn hợp được thành lập theo Điều 17.1 (Ủy ban Hỗn hợp);

pháp nhân nghĩa là bất kỳ tổ chức nào được thành lập hợp pháp hoặc tổ chức theo các luật và các quy định hiện hành, dù là hoạt động vì lợi nhuận hay không, và thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước, bao gồm công ty, quỹ tín thác, hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân hay hiệp hội;

biện pháp nghĩa là bất kỳ biện pháp nào của một Bên, dù dưới hình thức luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định, hành vi/quyết định hành chính hay hình thức nào khác;

biện pháp do một Bên ban hành hoặc duy trì nghĩa là biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi:

(a) chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương hoặc địa phương; và

(b) các cơ quan phi chính phủ thực hiện theo sự ủy quyền/phân công của chính phủ và cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương hoặc địa phương;

công dân nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam, bất kỳ người nào mang quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Hiến pháp và Luật Quốc tịch Việt Nam, hoặc văn bản sửa đổi sau này; và

(b) đối với Hàn Quốc, công dân Hàn Quốc được quy định tại Luật Quốc tịch, hoặc văn bản sửa đổi sau này;

hàng hóa có xuất xứ nghĩa là hàng hóa hoặc nguyên liệu đáp ứng đủ quy định về xuất xứ theo Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và quy trình cấp xuất xứ);

cá nhân nghĩa là bất kỳ một thể nhân hoặc pháp nhân hoặc doanh nghiệp nào;

ưu đãi thuế quan nghĩa là miễn giảm thuế quan áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ thông qua áp dụng các mức thuế suất theo Hiệp định này;

Hiệp định Các biện pháp tự vệ nghĩa là Hiệp định về các Biện pháp tự vệ, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

Hiệp định SCM nghĩa là Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

lãnh thổ nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam, vùng đất bao gồm đất liền và các đảo, các vùng nội thủy, lãnh hải và vùng trời bên trên lãnh thổ, vùng biển bên ngoài lãnh hải, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, và các tài nguyên thiên nhiên trên đó mà Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán phù hợp với pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế; và

(b) đối với Hàn Quốc, lãnh thổ đất liền, vùng biển, và vùng trời thuộc chủ quyền của Hàn Quốc, và các vùng lãnh hải bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tiếp giáp với lãnh hải và bên ngoài lãnh hải mà Hàn Quốc có quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước;

Hiệp định TRIPS nghĩa là Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ, tại Phụ lục 1C của Hiệp định WTO;

UNCITRAL nghĩa là Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế;

WTO nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới; và

Hiệp định WTO nghĩa là Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, hoàn thành vào ngày 15 tháng 4 năm 1994.

CHƯƠNG 2

ĐỐI XỬ QUỐC GIA VÀ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA

Điều 2.1: Phạm vi

Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, Chương này sẽ áp dụng đối với thương mại hàng hóa giữa các Bên.

Phần A: Đối xử quốc gia

Điều 2.2: Đối xử quốc gia đối với quy định và thuế nội địa

Mỗi Bên sẽ phải dành sự đối xử quốc gia đối với hàng hóa của Bên kia phù hợp với Điều III của GATT 1994, bao gồm cả các chú thích diễn giải. Với mục đích này, Điều III của GATT 1994 và các chú thích diễn giải được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định, với những điều chỉnh phù hợp.

Phần B: Cắt giảm hoặc Xóa bỏ Thuế hải quan

Điều 2.3: Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan

1. Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, mỗi Bên sẽ phải cắt giảm dần hoặc xóa bỏ thuế hải quan của mình đối với hàng hóa có xuất xứ dựa theo Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A.

2. Khi có đề nghị của một Bên, các Bên phải tham vấn để xem xét việc đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan quy định trong Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A. Thỏa thuận của các Bên nhằm đẩy nhanh cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với một mặt hàng sẽ thay thế cho bất kỳ mức thuế hay lộ trình được xác định trong Biểu cam kết tại Phụ lục 2-A đối với mặt hàng đó khi được mỗi Bên chấp thuận dựa theo các thủ tục pháp lý có thể áp dụng của mỗi Bên.

3. Một Bên có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan quy định trong Biểu thuế tại Phụ lục 2-A vào bất cứ lúc nào nếu như Bên đó có ý định sửa đổi Biểu thuế tại Phụ lục 2-A. Bên đó cần phải nhanh chóng thông báo cho Bên kia thông qua công hàm ngoại giao sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết trong nước để các sửa đổi có hiệu lực. Những sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực kể từ ngày được quy định trong công hàm ngoại giao, hoặc trong bất cứ trường hợp nào, trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo. Bất cứ sự nhượng bộ nào của một Bên trong việc đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ như vậy sẽ không thể được rút lại.

4. Nếu bất cứ khi nào một Bên giảm mức thuế suất tối huệ quốc đã được áp dụng của mình (kể từ đây gọi tắt là “MFN”) sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này, mức thuế suất đó sẽ được áp dụng đối với hoạt động thương mại thuộc Hiệp định này nếu như và miễn là mức thuế suất đó thấp hơn mức thuế suất được tính toán dựa theo Biểu thuế tại Phụ lục 2-A.

Điều 2.4: Giữ nguyên trạng

Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định, không Bên nào được tăng bất cứ mức thuế hải quan nào đã được xác định trong Biểu thuế của Bên đó tại Phụ lục 2-A, hoặc áp dụng bất kỳ loại thuế hải quan mới nào, đối với một mặt hàng có xuất xứ của Bên kia. Tuy nhiên, không loại trừ việc một Bên có thể:

(a) tăng mức thuế hải quan đối với một mặt hàng có xuất xứ của Bên kia mà trước đó đã được giảm một cách đơn phương không theo quy định, tại đoạn 2 hay 3 của Điều 2.3 lên mức thấp hơn so với mức quy định trong Biểu thuế của Bên đó tại Phụ lục 2-A hoặc mức quy định tại đoạn 2 hoặc 3 của Điều 2.3; hoặc

(b) duy trì hoặc tăng mức thuế hải quan dưới sự cho phép của Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO.

Phần C: Cơ chế đặc biệt

Điều 2.5: Tạm nhập hàng hóa

1. Mỗi Bên sẽ cho phép tạm nhập miễn thuế đối với các loại hàng hóa sau đây được nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên với mục đích cụ thể và nhằm tái xuất trong một khoảng thời gian cụ thể và không có sự thay đổi nào đối với hàng hóa ngoại trừ sự khấu hao thông thường trong quá trình sử dụng, đồng thời đáp ứng tất cả các quy định của Điều này, bất kể nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa:

(a) thiết bị chuyên nghiệp, bao gồm thiết bị dành cho báo chí, truyền hình, phần mềm, và thiết bị phát thanh và điện ảnh, cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh hay tác nghiệp của một cá nhân đủ điều kiện nhập cảnh theo luật của Bên nhập khẩu;

(b) hàng hóa với mục đích trưng bày hoặc trình diễn;

(c) hàng mẫu thương mại và tài liệu quảng cáo[1]; và

(d) hàng hóa được nhập có mục đích thể thao.

2. Khi có đề nghị của cá nhân có liên quan và với các lý do mà cơ quan hải quan thấy phù hợp, mỗi Bên sẽ gia hạn thời gian tối đa tạm nhập hàng hóa vượt qua thời hạn được xác định ban đầu phù hợp với luật và quy định trong nước của Bên đó.

3. Không Bên nào được áp đặt điều kiện đối với việc tạm nhập miễn thuế hàng hóa được nêu tại đoạn 1, trừ khi nhằm yêu cầu hàng hóa đó:

(a) chỉ được sử dụng bởi hoặc dưới sự giám sát cá nhân của một công dân hoặc cư dân của Bên kia trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh, tác nghiệp, hoặc hoạt động thể thao của cá nhân đó;

(b) không được bán hoặc cho thuê khi còn ở trong lãnh thổ của Bên đó;

(c) phải kèm theo một khoản đặt cọc với số tiền không vượt quá mức phí mà hàng hóa đó đáng lẽ bị thu khi tạm nhập hoặc nhập khẩu và khoản này có thể được hoàn lại khi hàng hóa được xuất đi;

(d) có thể được nhận diện khi xuất đi;

(e) được xuất đi cùng với sự xuất cảnh của cá nhân được nêu tại điểm (a), hoặc trong khoảng thời gian khác liên quan tới mục đích của việc tạm nhập mà Bên đó có thể quy định;

(f) được nhập khẩu với lượng không lớn hơn so với lượng hợp lý cho mục đích sử dụng; và

(g) đáng lẽ ra được nhập khẩu vào lãnh thổ theo các luật và quy định của Bên đó.

4. Nếu bất cứ điều kiện nào mà một Bên áp dụng tại khoản 3 không được đáp ứng, Bên đó có thể áp dụng thuế quan và bất cứ khoản phí nào khác mà thông thường được thu đối với hàng hóa đó cộng với bất cứ khoản phí hoặc mức phạt nào được quy định tại luật và quy định trong nước của Bên đó.

5. Mỗi Bên sẽ nỗ lực áp dụng và duy trì các thủ tục quy định việc giải phóng nhanh chóng cho hàng hóa nhập theo Điều này. Trong phạm vi cho phép, những thủ tục đó cần phải quy định rằng khi một mặt hàng đi cùng với một công dân hoặc cư dân của Bên kia, là người đang xin nhập cảnh, thì hàng hóa đó sẽ được giải phóng đồng thời với việc nhập cảnh của công dân hoặc cư dân đó.

6. Mỗi Bên sẽ cho phép hàng hóa được tạm nhập theo Điều này được xuất khẩu thông qua một cửa khẩu hải quan khác với cửa khẩu mà hàng hóa được nhập khẩu.

7. Căn cứ theo những quy định và luật trong nước, mỗi Bên sẽ quy định rằng nhà nhập khẩu hay cá nhân khác có trách nhiệm đối với hàng hóa được tạm nhập theo Điều này sẽ không phải chịu trách nhiệm khi không thể xuất được hàng hóa đó đi khi đã đưa ra bằng chứng thỏa đáng trước Bên nhập khẩu rằng hàng hóa đó đã bị tiêu hủy trong khoảng thời gian tạm nhập được ấn định từ ban đầu hoặc bất cứ khoảng thời gian gia hạn hợp lệ nào.

8. Căn cứ các Chương 8 (Thương mại Dịch vụ) và 9 (Đầu tư):

(a) mỗi Bên sẽ cho phép một công-ten-nơ sử dụng trong giao thông quốc tế đi vào lãnh thổ của Bên đó từ lãnh thổ của Bên kia được ra khỏi lãnh thổ của mình thông qua bất kỳ tuyến đường nào hợp lý về mặt kinh tế và thời gian liên quan tới việc xuất cảnh của công-ten-nơ đó[2];

(b) không Bên nào được yêu cầu bất cứ khoản đặt cọc hay áp dụng việc xử phạt hoặc thu phí chỉ vì lý do liên quan tới sự khác biệt giữa cửa khẩu nhập khẩu và cửa khẩu xuất khẩu của công-ten-nơ;

(c) không Bên nào có thể áp đặt điều kiện để giải phóng bất kỳ nghĩa vụ nào, bao gồm bất cứ khoản đặt cọc nào, mà Bên đó áp dụng liên quan tới việc nhập khẩu của công-ten-nơ vào lãnh thổ của Bên đó, đối với việc xuất khẩu của công-ten-nơ đó thông qua bất cứ cửa khẩu nào; và

(d) không Bên nào có thể yêu cầu rằng xe tải chở công-ten-nơ từ lãnh thổ của Bên kia vào lãnh thổ của mình phải chính là phương tiện chở công-ten-nơ tới lãnh thổ của Bên kia.

Điều 2.6: Hàng hóa tái nhập sau khi đã sửa chữa hoặc thay thế

1. Căn cứ theo các quy định và luật trong nước của mỗi Bên, không Bên nào có thể áp dụng một loại thuế hải quan đối với một mặt hàng, bất kể nguồn gốc xuất xứ, khi tái nhập vào lãnh thổ của mình sau khi hàng hóa đó đã được tạm xuất từ lãnh thổ của Bên đó tới lãnh thổ của Bên kia để sửa chữa hoặc thay thế, bất kể việc sửa chữa hoặc thay thế đó:

(a) có thể được thực hiện trong lãnh thổ của Bên mà hàng hóa được xuất khẩu ra để sửa chữa hoặc thay thế; hoặc

(b) làm gia tăng giá trị của hàng hóa.

2. Phù hợp với luật và các quy định trong nước của mỗi Bên, không Bên nào có thể áp dụng một loại thuế hải quan đối với một hàng hóa, bất kể nguồn gốc xuất xứ, được tạm nhập từ lãnh thổ của Bên kia để sửa chữa hoặc thay thế.

3. Đối với Điều này, “sửa chữa hoặc thay thế” không bao gồm một hoạt động hoặc quá trình mà:

(a) phá bỏ các đặc tính của một hàng hóa hoặc tạo ra một hàng hóa mới hay khác biệt về mặt thương mại; hoặc

(b) biến một hàng hóa chưa hoàn thiện thành một hàng hóa hoàn thiện.

Điều 2.7: Nhập khẩu miễn thuế hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và tài liệu in ấn quảng cáo

Mỗi Bên sẽ cho phép nhập khẩu miễn thuế đối với hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể, và với tài liệu in ấn quảng cáo phù hợp với luật và các quy định trong nước, được nhập khẩu từ lãnh thổ của Bên kia, bất kể nguồn gốc xuất xứ, nhưng có thể yêu cầu:

(a) hàng mẫu được nhập khẩu chỉ nhằm để thu hút đơn đặt hàng sản phẩm, hoặc dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của Bên kia hoặc Bên không ký kết; hoặc

(b) tài liệu quảng cáo được nhập khẩu trong gói mà mỗi gói chứa không quá một bản sao của mỗi tài liệu và cả các tài liệu và các gói không phải là một phần của một kiện hàng lớn hơn.

Phần D: Các biện pháp phi thuế

Điều 2.8: Các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu

1. Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định, không Bên nào có thể duy trì bất kỳ biện pháp cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của Bên kia hay việc xuất khẩu bất cứ hàng hóa nào vào lãnh thổ của Bên kia, trừ những trường hợp phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mình trong WTO. Để đảm bảo điều này, Điều XI của GATT 1994 cùng với những chú thích diễn giải liên quan được gắn với và là một bộ phận của Hiệp định này, với những điều chỉnh phù hợp.

2. Các Bên hiểu rằng các quyền và nghĩa vụ trong GATT 1994 bao gồm bởi đoạn 1 cấm một Bên, trong bất cứ hoàn cảnh nào mà ở đó các biện pháp hạn chế khác bị cấm, được phép áp dụng hoặc duy trì:

(a) các yêu cầu về giá xuất khẩu và nhập khẩu, trừ khi được cho phép trong quá trình thực thi các lệnh hoặc biện pháp về áp thuế đối kháng hoặc thuế chống bán phá giá;

(b) việc cấp phép nhập khẩu với điều kiện đáp ứng được yêu cầu hoạt động; hoặc

(c) biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện không phù hợp với Điều VI của GATT 1994, như được thực hiện theo Điều 18 của Hiệp định SCM và Điều 8.1 của Hiệp định Chống bán phá giá.

3. Trong trường hợp một Bên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ trong WTO của mình, áp dụng hay duy trì một biện pháp cấm hoặc hạn chế đối với việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu một hàng hóa từ/tới một Bên không ký kết, không có điều khoản nào của Hiệp định này được hiểu là ngăn cấm Bên đó không được:

(a) hạn chế hay cấm việc nhập khẩu hàng hóa của Bên thứ ba từ lãnh thổ của Bên kia; hoặc

(b) yêu cầu như một điều kiện để xuất khẩu hàng hóa của Bên đó tới lãnh thổ của Bên kia, rằng hàng hóa đó không được tái xuất tới Bên thứ ba, trực tiếp hoặc gián tiếp, mà không được tiêu thụ trên lãnh thổ của Bên kia.

4. Trong trường hợp một Bên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mình trong WTO, áp dụng hay duy trì một biện pháp cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của một Bên thứ ba, các Bên, theo đề nghị của một trong hai Bên, sẽ phải tham vấn với quan điểm tránh những sự can thiệp quá mức hoặc việc làm méo mó đối với các hoạt động về định giá, marketing hoặc phân phối trong lãnh thổ của Bên kia.

5. Không Bên nào có thể yêu cầu, như là một điều kiện để tham gia vào việc nhập khẩu hoặc để nhập khẩu một mặt hàng, một cá nhân của Bên kia phải thiết lập hoặc duy trì một quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối trong lãnh thổ của mình.

6. Để chắc chắn hơn, đoạn 5 không ngăn cấm một Bên có quyền yêu cầu cá nhân đề cập trong đoạn đó phải chỉ định một đại lý với mục đích tạo thuận lợi cho việc liên hệ giữa các cơ quan thẩm quyền của Bên đó với cá nhân trên.

7. Đối với đoạn 5, nhà phân phối có nghĩa là một cá nhân của một Bên có trách nhiệm đối với việc phân phối thương mại, làm đại lý, nhượng bộ, hay đại diện trong lãnh thổ của Bên đó đối với hàng hóa của Bên kia.

Điều 2.9: Thủ tục cấp phép nhập khẩu

1. Không Bên nào có thể áp dụng hoặc duy trì một biện pháp không phù hợp với Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu.[3]

2. (a) Trong vòng 30 ngày sau khi Hiệp định này đi vào hiệu lực, mỗi Bên cần thông báo cho Bên kia về các thủ tục cấp phép nhập khẩu hiện tại nếu có. Thông báo cần:

(i) bao gồm những thông tin được nêu cụ thể trong Điều 5 của Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu; và

(ii) không bao gồm định kiến đối với việc liệu thủ tục cấp phép nhập khẩu có phù hợp với Hiệp định này.

(b) Trước khi áp dụng bất cứ thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hay sửa đổi, một Bên cần phải đăng công báo về thủ tục mới hoặc sửa đổi trên một trang web chính thức của Chính phủ. Trong chừng mực có thể, Bên đó sẽ phải tiến hành việc này ít nhất 20 ngày trước khi thủ tục mới hoặc sửa đổi có hiệu lực.

Điều 2.10: Các thủ tục và phí hành chính

Mỗi Bên cần phải đảm bảo rằng các phí và lệ phí được thu liên quan tới việc nhập khẩu và xuất khẩu phải phù hợp với các nghĩa vụ của các Bên theo Điều VIII:1 của GATT 1994 cùng với các chú thích diễn giải liên quan, mà theo đây được gắn với và trở thành một phần của Hiệp định này, với những điều chỉnh phù hợp.

Điều 2.11. Các biện pháp phi thuế liên quan tới thương mại

Mỗi Bên cần phải đảm bảo sự minh bạch của các biện pháp phi thuế có ảnh hưởng với thương mại giữa các Bên và bất cứ biện pháp nào như vậy cũng không được xây dựng, lựa chọn hay áp dụng với quan điểm hay tác dụng tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại giữa các Bên.

Điều 2.12: Quản lý và thực hiện hạn ngạch thuế quan

1. Khi một Bên thiết lập hạn ngạch thuế quan (sau đây được gọi tắt là “HNTQ”) được quy định trong Phụ lục 2-A-1 thì sẽ phải thực hiện và quản lý các HNTQ này phù hợp với Điều XIII của GATT 1994 và, để chắc chắn hơn, kể cả các chú thích diễn giải, và Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu, cùng bất cứ Hiệp định có liên quan nào của WTO.

2. Một Bên cần phải đảm bảo rằng các biện pháp quản lý và thực hiện HNTQ của mình là nhất quán, minh bạch và không được lựa chọn hoặc duy trì nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử đối với Bên kia. Theo đó, một Bên sẽ phải đảm bảo các loại phí và lệ phí được thu trong quá trình nhập khẩu thông qua hệ thống HNTQ phải tương xứng với chi phí của các dịch vụ được cung cấp.

Phần E: Các điều khoản chung và điều khoản thể chế

Điều 2.13: Các biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán

Khi một Bên trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán và tài chính đối ngoại hoặc đứng trước nguy cơ này, Bên đó có thể, phù hợp với GATT 1994, bao gồm cả những Điều khoản về Nhận thức đối với Cán cân thanh toán của GATT 1994, áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Để áp dụng các biện pháp này, Bên đó cần phải tham vấn ngay với Bên kia.

Điều 2.14: Ủy ban Thương mại hàng hóa

1. Các Bên cùng thiết lập Ủy ban Thương mại hàng hóa (từ đây gọi tắt là “Ủy ban”), bao gồm các đại diện của mỗi Bên.

2. Ủy ban sẽ họp theo đề nghị của một Bên hoặc của Ủy ban hỗn hợp để cân nhắc các vấn đề phát sinh trong Chương này.

3. Các chức năng của Ủy ban bao gồm:

(a) xúc tiến thương mại hàng hóa giữa các Bên, bao gồm cả việc thông qua tham vấn việc đẩy nhanh cắt giảm thuế quan theo Hiệp định này và các vấn đề khác nếu phù hợp;

(b) xem xét các vấn đề liên quan tới các biện pháp phi thuế và giải quyết các rào cản thương mại hàng hóa giữa các Bên với quan điểm đảm bảo các quyền và nghĩa vụ trong WTO và tạo thuận lợi thương mại giữa các Bên, và, nếu phù hợp, đưa các vấn đề đó lên Ủy ban hỗn hợp để xem xét;

(c) rà soát những sửa đổi Hệ thống Hài hòa để đảm bảo những nghĩa vụ của mỗi Bên trong Hiệp định này không bị thay đổi, và tham vấn để giải quyết những mâu thuẫn giữa:

(i) những sửa đổi đó đối với Hệ thống Hài hòa và Phụ lục 2-A; hoặc

(ii) Phụ lục 2-A và biểu thuế trong nước;

(d) tham vấn và nỗ lực để giải quyết bất cứ sự khác biệt có thể phát sinh nào giữa các Bên trong các vấn đề liên quan tới phân loại hàng hóa theo Hệ thống Hài hòa; và

(e) cung cấp một diễn đàn để thảo luận hay trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan tới mục (a) tới mục (d), mà có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới thương mại giữa các Bên, với quan điểm nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới thương mại và tìm kiếm những giải pháp thay thế cùng chấp nhận được.

Phần F: Định nghĩa

Điều 2.15: Định nghĩa

Đối với Chương này:

hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể có nghĩa là hàng mẫu có giá trị, tính riêng lẻ hoặc được cộng gộp khi xuất đi, không nhiều hơn định mức được quy định trong luật, quy định hoặc các thủ tục của một Bên, quy định về tạm nhập hàng hóa, hay được đánh dấu, xé, đục lỗ hoặc được xử lý theo cách khác để xác định hàng này không phù hợp để bán hoặc sử dụng trừ khi là như hàng mẫu.

tiêu thụ có nghĩa là:

(a) thực tế được tiêu thụ; hoặc

(b) được tiếp tục xử lý hoặc chế tạo nhằm dẫn tới sự thay đổi đáng kể về giá trị, hình dáng, hay cách sử dụng của hàng hóa hoặc để sản xuất ra hàng hóa khác;

miễn thuế có nghĩa là miễn thuế hải quan;

hàng hóa được dùng để trưng bày hoặc trình diễn bao gồm các bộ phận, phụ tùng máy móc và phụ kiện của hàng hóa đó;

hàng hóa được tạm nhập cho mục đích thể thao có nghĩa là đồ dùng thể thao cần thiết để sử dụng trong thi đấu thể thao, trình diễn, hoặc đào tạo trên lãnh thổ của một Bên và được nhập cảnh vào lãnh thổ của Bên kia;

thủ tục cấp phép nhập khẩu có nghĩa là thủ tục hành chính yêu cầu việc nộp đơn hoặc các giấy tờ khác (khác với những giấy tờ được yêu cầu chung cho mục đích thông quan) lên cơ quan hành chính liên quan như là một điều kiện ban đầu đối với việc nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên nhập khẩu;

Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu có nghĩa là Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

yêu cầu hoạt động có nghĩa là một yêu cầu rằng:

(a) một mức hay phần trăm của hàng hóa phải được xuất khẩu;

(b) hàng hóa nội địa của Bên cấp giấy phép nhập khẩu thay thế cho hàng hóa nhập khẩu;

(c) một cá nhân hưởng lợi từ một giấy phép nhập khẩu phải mua hàng hóa hoặc dịch vụ khác trong lãnh thổ của Bên cấp giấy phép nhập khẩu, hoặc phải dành ưu đãi cho hàng hóa được sản xuất trong nước;

(d) một cá nhân hưởng lợi từ một giấy phép nhập khẩu phải sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, trong lãnh thổ của Bên cấp giấy phép nhập khẩu, với một mức hoặc phần trăm nhất định hàm lượng nội địa; hoặc

(e) cần có sự liên hệ, theo bất kỳ cách nào, giữa số lượng và giá trị của hàng nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu hoặc với lượng vào của dòng ngoại hối;

nhưng không bao gồm một yêu cầu rằng một hàng hóa nhập khẩu phải:

(f) sau đó phải được xuất khẩu;

(g) được sử dụng như là một nguyên liệu để sản xuất hàng hóa khác mà sau đó sẽ được xuất khẩu;

(h) được thay thế bởi một hàng hóa giống hệt hoặc tương tự được sử dụng như là một nguyên liệu để sản xuất hàng hóa khác mà sau đó sẽ được xuất khẩu; hoặc

(i) được thay thế bởi một hàng hóa giống hệt hoặc tương tự và sau đó sẽ được xuất khẩu; và

tài liệu in ấn quảng cáo có nghĩa là một số hàng hóa nhất định được phân loại trong Chương 49 của Hệ thống Hài hòa, bao gồm các sách quảng cáo, pam-fơ-lê, tờ rơi, ca-ta-lo thương mại, biên niên do các hiệp hội xuất bản, các tài liệu xúc tiến du lịch, và áp-phích được dùng để xúc tiến, quảng bá, quảng cáo một hàng hóa hoặc dịch vụ, và được dùng chủ yếu để quảng cáo một sản phẩm hoặc dịch vụ, và được cung cấp miễn phí.

 

PHỤ LỤC 2-A

CẮT GIẢM HOẶC XÓA BỎ THUẾ HẢI QUAN

1. Trừ khi quy định khác trong Biểu cam kết của Phụ lục này, lộ trình sau áp dụng cho việc xóa bỏ thuế hải quan của mỗi Bên phù hợp với đoạn 1 của Điều 2.3:

(a) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-1” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

(b) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-3” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 3 năm từ thuế suất cơ sở, bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ ba;

(c) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-5” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 5 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ năm;

(d) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-7” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 7 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ bảy;

(e) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-8” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 8 năm từ thuế suất cơ sở, bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ tám;

(f) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-10” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 10 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 1 tháng 1 của năm thứ mười;

(g) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “Y-15” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 15 năm từ thuế suất cơ sở bắt đầu từ ngày Hiệp định có hiệu lực, và hàng hóa này sẽ không chịu thuế hải quan từ ngày 01 tháng 01 của năm thứ mười lăm;

(h) thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ thuộc lộ trình “E” trong Phần A của Biểu cam kết của một Bên sẽ được duy trì ở mức thuế suất cơ sở.

2. Việc xóa bỏ thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ đặt trong Phần B của Biểu cam kết của một bên thuộc Phụ lục này sẽ phù hợp với mức thuế suất quy định cho năm đó trong Phần B.

3. Thuế suất cơ sở trong Biểu cam kết thuộc Phụ lục này là:

(a) Đối với phần A, là thuế suất thấp hơn của mức thuế suất MFN của một Bên có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 và mức thuế suất ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012; và

(b) Đối với phần B, thuế suất ưu đãi của một Bên trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015.

4. Thuế suất cơ sở của thuế hải quan và lộ trình để xác định thuế suất của từng giai đoạn cho một mặt hàng được xác định cho hàng hóa đó trong Biểu cam kết của mỗi Bên.

5. Thuế suất trong lộ trình cắt giảm sẽ được làm tròn xuống đến mức ít nhất là phần thập phân của phần trăm hoặc, nếu thuế hải quan được thể hiện bằng đơn vị tiền tệ, thì ít nhất đến mức đồng won gần nhất đối với trường hợp của Hàn Quốc.

6. Đối với Phụ lục này và Biểu cam kết của một bên, năm thứ 1 là năm Hiệp định có hiệu lực như quy định tại Điều 17.8 (Hiệu lực).

7. Đối với Phụ lục này và Biểu cam kết của một Bên, bắt đầu từ năm thứ hai, việc cắt giảm thuế quan hàng năm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1 tháng 1 của năm tương ứng.

8. Trong trường hợp thuế hải quan của hàng hóa có xuất xứ theo Hiệp định này phù hợp với điểm b, c, d, e, f, g của đoạn 1 khác với thuế hải quan của cùng hàng hóa theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, thuế suất hải quan thấp hơn sẽ được áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ theo Hiệp định này.

9. Các Bên đảm bảo rằng sự chuyển đổi mã HS sẽ không ảnh hưởng đến giá trị nhượng bộ thuế quan theo Phụ lục.

 

CHÚ GIẢI

BIỂU THUẾ CỦA VIỆT NAM

1. Liên quan đến Biểu thuế theo Hệ thống mã HS của Việt Nam (sau đây gọi là “HSVN”). Các quy định của Biểu thuế này được diễn giải theo các quy định của HSVN và chú giải của các quy định trong Biểu thuế được điều chỉnh trong Chú giải, Chú giải phần, Chú giải chương của HSVN. Đối với các điều khoản của Biểu thuế giống với các quy định tương ứng của HSVN thì các điều khoản của Biểu thuế sẽ có nghĩa tương tự với nghĩa của các điều khoản tương ứng trong HSVN.

2. Lộ trình. Đối với lộ trình cắt giảm theo đoạn 1 của phụ lục 2-A, Biểu thuế này bao gồm danh mục cắt giảm S-2, S-3, A và B-2:

(a) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình S-2 sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2021 và sẽ giảm xuống 0 đến 5% chậm nhất là 01/01/2021;

(b) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình S-3 sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2017 và sẽ giảm xuống còn 20% chậm nhất là 01/01/2017 và duy trì mức thuế này đến trước 01/01/2021 và sẽ giảm xuống còn 0 đến 5% chậm nhất là 01/01/2021;

(c) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình A sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2021 và sẽ giảm xuống không cao hơn 50% chậm nhất là 01/01/2021;

(d) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo danh mục cắt giảm B-2 sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2021 và sẽ giảm không ít hơn 20% mức thuế suất MFN được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc[4] chậm nhất là 01/01/2021[5].

 

BIỂU THUẾ CỦA HÀN QUỐC

1. Liên quan đến Biểu thuế theo Hệ thống mã HS của Hàn Quốc (sau đây gọi là “HSK”). Các quy định của biểu thuế này được diễn giải theo quy định của HSK và chú giải của các quy định theo biểu thuế này sẽ được điều chỉnh trong Chú giải, phần giải và chương giải của HSK. Đối với các điều khoản của Biểu thuế giống với các quy định tương ứng của HSK thì các điều khoản của Biểu thuế sẽ có nghĩa tương tự với nghĩa của các điều khoản tương ứng của HSK.

2. Lộ trình. Đối với lộ trình cắt giảm theo đoạn 1 của phụ lục 2-A, Biểu thuế này bao gồm danh mục cắt giảm S-1, B-1, C và R:

(a) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình S-1 sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2016 và sẽ giảm xuống còn 0-5% không muộn hơn 01/01/2016;

(b) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình B-1 sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2016, và sẽ giảm không ít hơn 20% mức thuế MFN được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc[6] không muộn hơn 01/01/2016[7];

(c) Thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ được quy định theo lộ trình C sẽ duy trì mức thuế cơ sở đến trước 01/01/2016 và sẽ giảm không ít hơn 50% mức thuế MFN được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc không muộn hơn 01/01/2016[8]; và

(d) Đối với những hàng hóa không có nghĩa vụ về thuế theo Hiệp định này sẽ được áp dụng theo lộ trình R. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của Hàn Quốc khi thực hiện các cam kết được đề ra trong tài liệu WT/Let/492 của WTO (chứng nhận về sửa đổi và cải chính Biểu LX - Hàn Quốc) ngày 13/4/2015 và bất kỳ sửa đổi nào sau đó.

 

PHỤ LỤC 2-A-1

QUẢN LÝ HẠN NGẠCH THUẾ QUAN CỦA HÀN QUỐC

1. Phụ lục này áp dụng đối với HNTQ được quy định trong Hiệp định này và quy định những sửa đổi đối với HSK mà phản ánh HNTQ Hàn Quốc áp dụng đối với một số hàng hóa có xuất xứ nhất định theo Hiệp định này. Cụ thể, hàng có xuất xứ Việt Nam bao gồm trong Phụ lục này sẽ được hưởng mức thuế quy định trong Phụ lục này thay vì mức thuế quy định trong Chương 1 tới Chương 97 của HSK. Dù có bất kỳ những quy định nào khác trong HSK, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam với số lượng được quy định cụ thể trong Phụ lục này sẽ được cho phép nhập khẩu vào lãnh thổ Hàn Quốc như đã quy định trong Phụ lục này. Ngoài ra, bất cứ lượng hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nào nhập khẩu theo HNTQ được quy định trong Phụ lục này sẽ không bị tính vào lượng hạn ngạch của bất kỳ HNTQ nào dành cho hàng hóa đó được quy định trong HSK.

2. (a) Tổng số lượng hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được mô tả trong điểm (c) mà sẽ được cho phép nhập khẩu miễn thuế trong một năm cụ thể được quy định chi tiết như sau:

Năm

Lượng
(Tấn)

1

2

3

4

5

6

10.000

11.000

12.100

13.310

14.641

15.000

Sau năm thứ sáu, số lượng trong hạn ngạch sẽ duy trì như lượng của năm thứ sáu;

(b) Thuế hải quan của hàng hóa được nhập khẩu với tổng lượng vượt quá lượng được liệt kê trong điểm (a) cần phải theo quy định phù hợp với lộ trình “E” như đã mô tả trong điểm 1(h) của Phụ lục 2-A; và

(c) Điểm (a) và (b) áp dụng đối với những mã HSK sau đây: 0306161090, 0306169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000, và 1605219000.

 

CHƯƠNG 3

QUY TẮC XUẤT XỨ VÀ QUY TRÌNH CẤP XUẤT XỨ

Phần A: Quy tắc xuất xứ

Điều 3.1: Tiêu chí xuất xứ

1. Trong phạm vi Hiệp định này, hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện đế được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:

(a) có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu như được định nghĩa tại Điều 3.2;

(b) không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng quy định tại Điều 3.3 hoặc 3.4 hoặc 3.5 hoặc 3.6; hoặc

(c) được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu chỉ từ những nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam hoặc Hàn Quốc.

2. Ngoại trừ những quy định tại Điều 3.6, điều kiện để đạt được xuất xứ nêu ra tại Chương này là các công đoạn sản xuất hoặc chế biến phải được thực hiện liên tục tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu.

Điều 3.2: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Theo quy định tại điểm 1(a) Điều 3.1, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Bên trong các trường hợp sau:

(a) cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại đó;

(b) động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại đó;

(c) các sản phẩm chế biến từ động vật sống nêu tại điểm (b) của Điều này;

(d) sản phẩm thu được từ săn bắn hoặc đặt bẫy tại vùng đất của Bên đó, hoặc được đánh bắt hay nuôi trồng trong vùng nội thủy hoặc tại lãnh hải của Bên đó;

(e) khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ các điểm (a) đến (d), được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Bên đó;

(f) sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt bằng tàu được đăng ký tại một Bên và được phép treo cờ của Bên đó, và các sản phẩm khác do Bên hoặc người của Bên đó khai thác1 từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của Bên đó, với điều kiện Bên đó có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế2;

(g) sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu đăng ký tại một Bên và được phép treo cờ của Bên đó, từ các sản phẩm được đề cập đến tại điểm (f);

(h) sản phẩm được khai thác từ không gian vũ trụ với điều kiện phải do một Bên hoặc một người của Bên đó thực hiện;

(i) các vật phẩm thu được tại Bên đó nhưng không thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể hủy bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế;

(j) phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:

(i) quá trình sản xuất tại Bên đó; hoặc

(ii) sản phẩm đã qua sử dụng được thu nhặt tại Bên đó, với điều kiện hàng hóa đó chỉ phù hợp với làm nguyên vật liệu thô; và

(k) hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu đó từ các sản phẩm được đề cập đến từ điểm (a) đến điểm (j) của Điều này.

Điều 3.3: Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy

1. Trong phạm vi điểm 1(b) Điều 3.1, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy nếu đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục 3 - A sẽ được coi là có xuất xứ.

2. Công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (sau đây gọi tắt là “RVC”) như sau3:

(a) Công thức trực tiếp

VOM là trị giá nguyên liệu có xuất xứ, bao gồm trị giá chi phí nguyên liệu có xuất xứ, chi phí nhân công, chi phí phân bổ, lợi nhuận và các chi phí khác, trong đó:

(i) chi phí nguyên liệu là trị giá nguyên liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa có xuất xứ do người sản xuất mua hoặc tự sản xuất;

(ii) chi phí nhân công bao gồm lương, thù lao và các khoản phúc lợi khác cho người lao động;

(iii) chi phí phân bổ là tổng toàn bộ chi phí điều hành; và

(iv) các chi phí khác bao gồm các chi phí phải chịu trong khi xếp hàng lên tàu hoặc lên các phương tiện vận tải phục vụ xuất khẩu khác bao gồm nhưng không giới hạn bởi phí vận tải nội địa, phí lưu kho lưu bãi, phí bốc dỡ hàng tại cảng, phí môi giới và các phí dịch vụ khác.

hoặc

(b) Công thức gián tiếp

Trong đó VNM là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ, cụ thể là:

(i) trị giá CIF của nguyên liệu, phụ tùng hay hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu; hoặc

(ii) giá mua đầu tiên xác định được của nguyên liệu, phụ tùng hay hàng hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Bên nơi diễn ra các công đoạn gia công hoặc chế biến.

3. Để áp dụng đoạn 1 nêu trên và các Quy tắc Cụ thể Mặt hàng có liên quan quy định tại Phụ lục 3-A, các quy tắc yêu cầu nguyên liệu sử dụng phải trải qua một quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa, hoặc một quy trình sản xuất hay hoạt động chế biến cụ thể chỉ áp dụng cho nguyên liệu không có xuất xứ.

4. Trường hợp một hàng hóa có xuất xứ sử dụng trong công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác, phần trị giá nguyên liệu không có xuất xứ trong hàng hóa có xuất xứ đó sẽ không được tính đến khi xác định xuất xứ cho hàng hóa được sản xuất tiếp theo.

Điều 3.4: Quy tắc Cụ thể Mặt hàng

Đối với Điều 3.1, hàng hóa đáp ứng các Quy tắc Cụ thể Mặt hàng quy định tại Phụ lục 3-A được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của Bên nơi diễn ra quá trình sản xuất và chế biến hàng hóa đó.

Điều 3.5: Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt

Không xét đến quy định tại các Điều 3.1, 3.3 và 3.4, một số hàng hóa đặc biệt liệt kê tại Phụ lục 3-B và đáp ứng tất cả các quy định của Phụ lục này, dù được sản xuất hoặc gia công chế biến tại khu công nghiệp Khai Thành tại Bán đảo Triều Tiên từ nguyên liệu xuất khẩu từ một Bên, sau đó được tái nhập trở lại Bên đó vẫn được coi là có xuất xứ.

Điều 3.6: Cộng gộp

Trừ khi có quy định khác tại Chương này, hàng hóa có xuất xứ của một Bên, được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của Bên kia để sản xuất ra một thành phẩm đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan, được coi là có xuất xứ từ Bên nơi diễn ra quá trình sản xuất hoặc chế biến thành phẩm đó4.

Điều 3.7: Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Mặc dù có quy định tại bất kỳ điều khoản nào tại Chương này, hàng hóa sẽ không được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của một Bên nếu những công đoạn gia công, chế biến dưới đây được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau tại lãnh thổ của Bên đó:

(a) những công đoạn bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho;

(b) thay đổi bao bì, tháo dỡ và lắp ghép các kiện hàng;

(c) rửa, lau chùi, tẩy bụi và các chất oxít, dầu, sơn hoặc các chất tráng, phủ bề mặt khác một cách đơn giản5;

(d) là hoặc ép thẳng vải;

(e) sơn và các công đoạn đánh bóng đơn giản5;

(f) xay xát, bóc vỏ, tẩy trắng một phần hoặc toàn bộ, đánh bóng và làm láng ngũ cốc và gạo;

(g) nhuộm màu đường hoặc tạo đường miếng;

(h) bóc vỏ, trích hạt, hoặc làm tróc hạt6 đơn giản5;

(i) mài sắc, mài giũa đơn giản hoặc cắt đơn giản;

(j) giần, sàng, lựa chọn, phân loại, xếp loại hoặc xếp nhóm;

(k) đóng đơn giản vào các chai, lon, khuôn, túi, bao, hộp, lựa chọn thẻ hoặc bìa và các công đoạn đóng gói bao bì đơn giản khác;

(I) dán hoặc in nhãn, mác hoặc lô-gô và các dấu hiệu phân biệt tương tự lên sản phẩm hoặc lên bao bì của sản phẩm;

(m) trộn đơn giản7 các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại;

(n) lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh hoặc tháo rời sản phẩm thành từng phần;

(o) kiểm tra hoặc thử nghiệm đơn giản 5; hoặc

(p) giết mổ động vật8.

2. Hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của một Bên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu cho dù hàng hóa đó được xuất khẩu từ Bên kia, nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến không nằm ngoài phạm vi quy định tại đoạn 1.

Điều 3.8: Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của Chương này và phải được vận chuyển trực tiếp giữa các lãnh thổ của các Bên.

2. Mặc dù có quy định tại đoạn 1, trường hợp hàng hóa trong quá trình vận chuyển phải quá cảnh qua một hay nhiều nước không phải là thành viên Hiệp định này, ngoài lãnh thổ của các Bên, vẫn được coi là vận chuyển trực tiếp, với điều kiện:

(a) việc quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc do yêu cầu có liên quan đặc biệt đến vận tải;

(b) hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; và

(c) hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác, ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt.

Điều 3.9: De Minimis

1. Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ nếu:

(a) Đối với hàng hóa không thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 trong Hệ thống Hài hòa, trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 10 phần trăm trị giá FOB của hàng hóa; và

(b) Đối với hàng hóa thuộc từ Chương 50 đến Chương 63 trong Hệ thống Hài hòa, trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 10 phần trăm tổng trọng lượng hàng hóa, hoặc trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 10 phần trăm trị giá FOB của hàng hóa.

và hàng hóa nêu tại các điểm (a) và (b) phải đáp ứng tất cả các điều kiện khác về quy tắc xuất xứ quy định tại Chương này.

2. Tuy nhiên, khi áp dụng tiêu chí RVC cho hàng hóa, trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ được đề cập tại đoạn 1 vẫn được tính vào trị giá nguyên liệu không có xuất xứ theo công thức tính nêu tại điểm 2(b), Điều 3.3 của Chương này.

Điều 3.10: Quy định về đóng gói và vật liệu đóng gói

1. (a) Trường hợp áp dụng tiêu chí RVC theo quy định tại Điều 3.3 và Phụ lục 3-A, trị giá của bao bì và vật liệu đóng gói để bán lẻ được coi là một cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

(b) Trường hợp không áp dụng tiêu chí RVC theo quy định tại Điều 3.3 và Phụ lục 3-A, bao bì và vật liệu đóng gói để bán lẻ, khi được phân loại cùng với hàng hóa sẽ không được xét đến khi xác định nguyên liệu không có xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa đáp ứng tiêu chí phù hợp quy định tại Điều 3.3 và Phụ lục 3 - A.

2. Vật liệu đóng gói và bao gói dùng để vận chuyển hàng hóa không được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó.

Điều 3.11: Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

Xuất xứ của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm với hàng hóa không được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa đó, với điều kiện các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin này được phân loại cùng với hàng hóa và thuế nhập khẩu của chúng được Bên nhập khẩu thu cùng với hàng hóa đó.

Điều 3.12: Các yếu tố trung gian

Khi xác định xuất xứ hàng hóa, không phải xác định xuất xứ của những yếu tố dưới đây đã được sử dụng trong quá trình sản xuất và không còn nằm lại trong hàng hóa đó:

(a) năng lượng và nhiên liệu;

(b) dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;

(c) phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng;

(d) dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;

(e) găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị và nguồn cung an toàn;

(f) các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để kiểm nghiệm hoặc giám sát hàng hóa; và

(g) bất kỳ nguyên liệu nào khác không còn nằm lại trong hàng hóa nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Điều 3.13: Nguyên liệu hoặc hàng hóa giống nhau và có thể thay thế nhau

1. Việc xác định xuất xứ của các nguyên liệu hoặc hàng hóa giống nhau và có thể thay thế nhau có thể dựa vào các nguyên tắc, quy tắc và thông lệ kế toán về quản lý tài sản tồn kho đang được áp dụng rộng rãi tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu.

2. Khi đã quyết định sử dụng một phương pháp kế toán về quản lý tài sản tồn kho nào thì phương pháp này phải được sử dụng suốt trong năm tài chính đó.

Phần B: Quy trình cấp xuất xứ

Điều 3.14: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Hàng hóa có xuất xứ tại một Bên, khi được nhập khẩu vào Bên kia sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định tại Hiệp định này nếu có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục 3-C.

2. Mặc dù có quy định tại đoạn 1, hàng hóa có xuất xứ trong phạm vi của Chương này, theo quy định tại Điều 3.17, vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan mà không cần nộp Giấy chứng nhận xuất xứ nêu tại đoạn 1.

3. Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ do tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu cấp, dựa trên đơn đề nghị của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu hoặc người được ủy quyền. Giấy chứng nhận xuất xứ phải:

(a) được làm trên khổ giấy A4, phù hợp với mẫu quy định tại Bản đính kèm 1 của Phụ lục 3-C. Trường hợp phải khai nhiều mặt hàng trên một Giấy chứng nhận xuất xứ, các Bên có thể sử dụng Tờ khai bổ sung phù hợp với mẫu quy định tại Bản đính kèm 2 của Phụ lục 3-C;

(b) bao gồm một bản gốc và hai bản sao. Bản gốc do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu để nộp cho cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu. Bản thứ hai do tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu lưu. Bản thứ ba do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu lưu;

(c) được làm bằng tiếng Anh và có thể khai một hoặc nhiều hơn một sản phẩm trong một lô hàng;

(d) được ký, đóng dấu và in tay hoặc ký, đóng dấu và in dưới hình thức điện tử;

(e) bao gồm thông tin về mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng của hàng hóa phải phù hợp với lô hàng được xuất khẩu; và

(f) mang số tham chiếu riêng của tổ chức cấp C/O.

4. Giấy chứng nhận xuất xứ có thể được cấp trước hoặc vào thời điểm hàng lên tàu, hoặc trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc9 kể từ ngày hàng lên tàu. Trường hợp ngoại lệ khi Giấy chứng nhận xuất xứ không được cấp trước hoặc vào thời điểm hàng lên tàu, hoặc trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày hàng lên tàu do vô ý sai sót hoặc có lý do xác đáng, Giấy chứng nhận xuất xứ có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày hàng lên tàu và phải mang dòng chữ “ISSUED RETROACTIVELY”

5. Nhà sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ tại bất kỳ thời điểm nào sẽ phải chuẩn bị tất cả các chứng từ cần thiết theo yêu cầu của tổ chức cấp C/O Bên xuất khẩu, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và các quy định khác của Chương này, nhằm chứng minh xuất xứ của hàng hóa có liên quan.

6. Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có thể nộp đơn gửi tổ chức cấp C/O đề nghị cấp bản sao chứng thực của Giấy chứng nhận xuất xứ gốc trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu tại tổ chức cấp C/O và bản sao này phải mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” vào ô số 12 của Giấy chứng nhận xuất xứ. Bản sao này mang ngày cấp của bản gốc. Bản sao chứng thực được cấp trong thời gian không quá một năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ gốc.

7. Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên Giấy chứng nhận xuất xứ. Mọi sửa đổi phải được thực hiện bằng cách gạch bỏ chỗ có lỗi và bổ sung các thông tin cần thiết. Tất cả những sửa đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận xuất xứ và được tổ chức cấp C/O xác nhận. Các phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm. Cách khác là một Giấy chứng nhận xuất xứ mới có thể được cấp để thay thế Giấy chứng nhận xuất xứ bị cấp lỗi. Tổ chức cấp C/O phải ghi rõ ngày cấp của Giấy chứng nhận xuất xứ bị cấp lỗi trước đó lên Giấy chứng nhận xuất xứ mới.

Điều 3.15: Tổ chức cấp C/O

1. Mỗi Bên phải duy trì việc cập nhật danh sách tên và mẫu con dấu của tổ chức cấp C/O của Bên đó.

2. Mỗi Bên phải thông báo cho Bên kia tên và mẫu con dấu của tổ chức cấp C/O của mình.

3. Bất kỳ thay đổi nào trong danh sách tên và mẫu con dấu nêu trên phải được thông báo cho Bên kia và có hiệu lực 15 ngày sau ngày thông báo hoặc vào ngày muộn hơn như ngày đã ghi trong thông báo.

4. Tổ chức cấp C/O của mỗi Bên phải đảm bảo rằng:

(a) mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng của hàng hóa đã khai phải khớp với thông tin lô hàng xuất khẩu; và

(b) một C/O mang một hệ số tham chiếu riêng của tổ chức cấp C/O.

Điều 3.16: Đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan

1. Mỗi Bên phải quy định rằng nhà nhập khẩu có thể đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan dựa trên Giấy chứng nhận xuất xứ.

2. Mỗi Bên có thể yêu cầu nhà nhập khẩu đề nghị cho hưởng ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó:

(a) khai báo trong chứng từ nhập khẩu rằng hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa có xuất xứ;

(b) sở hữu một Giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 3.14 tại thời điểm khai báo đề cập ở tiểu đoạn 2(a) nêu trên; và

(c) cung cấp, theo yêu cầu của cơ quan hải quan Bên nhập khẩu, Giấy chứng nhận xuất xứ, các chứng từ chứng minh như hóa đơn, vận tải đơn chở suốt được cấp tại lãnh thổ Bên xuất khẩu và các tài liệu khác theo luật và quy định trong nước của Bên nhập khẩu.

3. Một Giấy chứng nhận xuất xứ có giá trị trong vòng một năm kể từ ngày cấp.

4. Mỗi Bên phải quy định trường hợp hàng hóa có xuất xứ khi nhập khẩu vào lãnh thổ Bên đó nhưng nhà nhập khẩu không được hưởng thuế quan ưu đãi tại thời điểm nhập khẩu, trong vòng một năm sau ngày hàng nhập khẩu, nhà nhập khẩu có thể đề nghị cho hưởng thuế quan ưu đãi và xin hoàn bất kỳ khoản thuế dư nào phải trả khi hàng hóa chưa được hưởng ưu đãi nếu xuất trình với Bên nhập khẩu:

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ; và

(b) bất kỳ chứng từ chứng minh nào khác khi Bên nhập khẩu đó yêu cầu.

Điều 3.17: Miễn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ

Một Bên phải quy định không yêu cầu nộp Giấy chứng nhận xuất xứ nếu hàng hóa nhập khẩu có trị giá không quá 600 đô la Mỹ tính theo trị giá FOB hoặc một mức cao hơn nữa theo quy định của Bên nhập khẩu, với điều kiện hàng hóa nhập khẩu đó không phải là một phần của một loạt lô hàng nhập khẩu mà theo luật và quy định trong nước điều chỉnh các yêu cầu xin hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này của Bên nhập khẩu đó đây là sự sắp đặt nhằm trốn tránh việc xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 3.18: Yêu cầu lưu trữ hồ sơ

1. Để phục vụ quy trình xác minh xuất xứ, nhà sản xuất hoặc xuất khẩu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phải, theo pháp luật và quy định của Bên xuất khẩu, lưu trữ chứng từ xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ trong thời gian ít nhất là năm năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

2. Nhà nhập khẩu phải lưu giữ các chứng từ nhập khẩu phù hợp với luật và quy định của Bên nhập khẩu.

3. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tất cả các chứng từ liên quan phải được tổ chức cấp C/O lưu giữ trong thời hạn ít nhất là năm năm kể từ ngày cấp.

4. Thông tin liên quan đến giá trị hiệu lực của Giấy chứng nhận xuất xứ được người có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận xuất xứ, với xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ, cung cấp theo yêu cầu của Bên nhập khẩu.

5. Bất kỳ thông tin nào được trao đổi giữa các Bên phải được bảo mật theo quy định tại Điều 4.6 (Bảo mật thông tin) và chỉ được dùng cho mục đích xác nhận Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 3.19: Xử lý các khác biệt nhỏ và lỗi nhỏ

1. Trường hợp không có nghi ngờ xuất xứ của hàng hóa thì việc phát hiện những khác biệt nhỏ giữa Giấy chứng nhận xuất xứ và các chứng từ nộp cho cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu để làm thủ tục nhập khẩu sẽ không vì thế làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận xuất xứ, nếu những khác biệt này vẫn phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.

2. Dựa vào những lỗi nhỏ trên Giấy chứng nhận xuất xứ được phát hiện nhưng không làm ảnh hưởng đến xuất xứ của hàng hóa, cơ quan hải quan Bên nhập khẩu phải thông báo cho nhà nhập khẩu những lỗi sai làm Giấy chứng nhận xuất xứ không được chấp nhận này.

3. Nhà nhập khẩu phải nộp đơn đề nghị sửa Giấy chứng nhận xuất xứ cho phù hợp hoặc nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mới để thay thế Giấy chứng nhận xuất xứ bị cấp lỗi theo quy định tại đoạn 7, Điều 3.14 trong vòng 30 ngày tiếp sau ngày nhận được thư thông báo của cơ quan hải quan Bên nhập khẩu.

4. Nếu nhà nhập khẩu không đề nghị sửa Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mới trong thời gian quy định tại đoạn 3 nêu trên, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu có thể tiến hành xác minh theo quy định tại Điều 3.21.

5. Trong trường hợp một Giấy chứng nhận xuất xứ có nhiều mặt hàng thì việc có vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không làm ảnh hưởng hoặc gây chậm trễ cho hưởng ưu đãi thuế suất và thông quan hàng hóa đối với các mặt hàng còn lại trên Giấy chứng nhận xuất xứ.

Điều 3.20: Hóa đơn do nước không phải nước thành viên phát hành

Bên nhập khẩu không được từ chối Giấy chứng nhận xuất xứ chỉ vì lý do hóa đơn được phát hành tại lãnh thổ của một nước không phải là thành viên Hiệp định này.

Điều 3.21: Xác minh xuất xứ

1. Bên nhập khẩu có thể yêu cầu tổ chức cấp C/O10 của Bên xuất khẩu kiểm tra hồi tố hoặc kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính chính xác của các chứng từ hoặc tính xác thực của các thông tin liên quan đến xuất xứ thực sự của sản phẩm hay bộ phận của sản phẩm. Thủ tục kiểm tra, xác minh xuất xứ như sau:

(a) yêu cầu kiểm tra hồi tố của Bên nhập khẩu phải được gửi kèm với Giấy chứng nhận xuất xứ liên quan, đồng thời nêu rõ lý do và bất kỳ thông tin bổ sung nào dẫn đến nghi ngờ tính xác thực của Giấy chứng nhận xuất xứ, trừ trường hợp yêu cầu kiểm tra ngẫu nhiên.

(b) khi nhận được yêu cầu xác minh xuất xứ của cơ quan Hải quan Bên nhập khẩu, tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu phải phản hồi ngay việc nhận được yêu cầu đó qua thư điện tử hoặc dưới hình thức fax.

(c) khi nhận được yêu cầu kiểm tra hồi tố, tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu phải phản hồi ngay việc đã nhận được yêu cầu và cung cấp kết quả xác minh trong vòng sáu tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không nhận được trả lời, Bên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa đang bị kiểm tra hồi tố;

(d) cơ quan hải quan Bên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ đợi kết quả xác minh. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan có thể cho phép nhà nhập khẩu được thông quan hàng hóa nếu đáp ứng các biện pháp quản lý cần thiết và hàng hóa nhập khẩu không thuộc loại hàng cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận; và

(e) tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu phải gửi ngay kết quả xác minh Bên nhập khẩu để làm cơ sở quyết định lô hàng đang bị nghi vấn có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không. Toàn bộ quá trình kiểm tra hồi tố, bao gồm cả quá trình Bên nhập khẩu thông báo cho tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu về kết quả quyết định xuất xứ của lô hàng phải được hoàn thành trong vòng 10 tháng. Trong quá trình tiến hành kiểm tra hồi tố, điểm 1(d) được áp dụng.

2. Cơ quan hải quan Bên nhập khẩu có quyền yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thông tin và tài liệu liên quan tới xuất xứ của sản phẩm nhập khẩu phù hợp với pháp luật và quy định của Bên nhập khẩu trước khi yêu cầu tiến hành kiểm tra hồi tố theo quy định tại đoạn 1.

3. Nếu Bên nhập khẩu không đồng ý với kết quả kiểm tra hồi tố, trong trường hợp đặc biệt, có thể yêu cầu xác minh trực tiếp tại Bên xuất khẩu.

4. Trước khi tiến hành xác minh trực tiếp tại Bên xuất khẩu theo đoạn 3:

(a) Bên nhập khẩu phải gửi thông báo bằng văn bản về dự định tiến hành xác minh tại Bên xuất khẩu, thông báo đồng thời được gửi tới:

(i) nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu có kho hàng, nhà xưởng sẽ được kiểm tra;

(ii) tổ chức cấp C/O, nơi sẽ được kiểm tra;

(iii) cơ quan hải quan, nơi sẽ được kiểm tra; và

(iv) nhà nhập khẩu hàng hóa đang chịu sự kiểm tra.

(b) văn bản thông báo nêu tại điểm 4(a) phải có đầy đủ các nội dung, trong đó, ngoài các nội dung khác, sẽ bao gồm các nội dung sau:

(i) tên cơ quan hải quan có thẩm quyền ra văn bản thông báo;

(ii) tên nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu có kho hàng, nhà xưởng sẽ được kiểm tra;

(iii) ngày dự kiến kiểm tra;

(iv) phạm vi dự định kiểm tra, bao gồm mặt hàng chịu sự kiểm tra;

(v) tên và thông tin về cán bộ được chỉ định sẽ tiến hành kiểm tra.

(c) Bên nhập khẩu phải nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu về các kho hàng, nhà xưởng được tiến hành kiểm tra.

(d) trường hợp không nhận được văn bản chấp thuận của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo theo quy định tại điểm 4(a) nêu trên, Bên thông báo có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa được đề cập đến trong Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc diện phải kiểm tra; và

(e) khi nhận được thông báo, tổ chức cấp C/O có thể đề nghị trì hoãn việc kiểm tra và thông báo cho Bên nhập khẩu trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bên nhập khẩu. Dù có trì hoãn thì việc kiểm tra sẽ phải được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bên nhập khẩu, hoặc thời hạn này có thể lâu hơn tùy theo thỏa thuận của các Bên.

5. Bên tiến hành kiểm tra phải cung cấp cho nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu có hàng hóa chịu sự kiểm tra và tổ chức cấp C/O có liên quan kết quả xác định bằng văn bản về việc hàng hóa bị nghi vấn có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không.

6. Mọi trì hoãn về việc cho hưởng ưu đãi thuế quan phải được xem xét lại căn cứ kết quả xác định bằng văn bản theo quy định tại đoạn 5 nêu trên xác định rằng hàng hóa bị nghi vấn đáp ứng tiêu chí xuất xứ.

7. Nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có quyền đề nghị bằng văn bản hoặc cung cấp thêm các thông tin liên quan để chứng minh về xuất xứ của hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác định bằng văn bản. Nếu hàng hóa đó vẫn không được coi là có xuất xứ phù hợp, quyết định cuối cùng sẽ được thông báo bằng văn bản cho tổ chức cấp C/O trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến hoặc giải trình bổ sung của nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu.

8. Toàn bộ quá trình xác minh trực tiếp, bao gồm việc đi kiểm tra thực tế và quyết định hàng hóa bị nghi vấn có đáp ứng tiêu chí xuất xứ hay không theo quy định tại đoạn 5 nêu trên, phải được thực hiện và thông báo kết quả cho tổ chức cấp C/O liên quan trong thời hạn tối đa là sáu tháng kể từ ngày đầu tiên xác minh trực tiếp. Trong quá trình tiến hành xác minh, điểm 1(e) của Điều này được áp dụng.

Điều 3.22: Từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan

Ngoại trừ các quy định khác tại Chương này, Bên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan hoặc truy thu khoản tiền thuế phải nộp phù hợp với pháp luật và quy định của nước mình nếu mặt hàng không đáp ứng các quy tắc yêu cầu quy định trong Hiệp định.

Điều 3.23: Chứng từ áp dụng cho quy định vận chuyển trực tiếp

Để thực hiện Điều 3.8, khi hàng hóa được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước trung gian, không phải là Bên xuất khẩu và Bên nhập khẩu, các chứng từ sau phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền liên quan của Bên nhập khẩu:

(a) vận tải đơn chở suốt được phát hành tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu;

(b) Giấy chứng nhận xuất xứ;

(c) bản sao của bản gốc hóa đơn thương mại của lô hàng; và

(d) các chứng từ liên quan khác để chứng minh rằng các yêu cầu của quy định vận chuyển trực tiếp tại Điều 3.8 được đáp ứng.

Điều 3.24: Quy định chuyển tiếp đối với hàng hóa đang vận chuyển hoặc lưu kho

Các điều khoản của Hiệp định này có thể được áp dụng đối với hàng hóa tuân thủ các điều khoản quy định tại Chương này và vào ngày Hiệp định này có hiệu lực, hàng hóa đó hoặc đang trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời tại kho ngoại quan hoặc tại các khu phi thuế quan đặt tại mỗi Bên, nếu như trong vòng mười hai tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nhà nhập khẩu gửi tới các cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu bản đề nghị cho hưởng ưu đãi thuế quan hồi tố, kèm theo các chứng từ chứng minh hàng hóa được vận chuyển trực tiếp theo quy định tại các Điều 3.8 và 3.23.

Điều 3.25. Điều khoản thực thi

Sau ba năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, các Bên đồng ý xem xét lại hệ thống cấp xuất xứ, ngoại trừ Giấy chứng nhận xuất xứ để cân nhắc việc triển khai quy trình thực thi trong nước liên quan đến hệ thống nhà xuất khẩu được ủy quyền.

Phần C: Định nghĩa

Điều 3.26: Định nghĩa

Đối với Chương này:

nuôi trồng thủy hải sản là việc nuôi trồng các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động vật không xương sống dưới nước khác và thực vật thủy sinh từ các loại con giống như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ và ấu trùng bằng cách can thiệp vào các quá trình nuôi trồng hoặc tăng trưởng nhằm thúc đẩy sinh sản như nuôi cấy, cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt;

CIF là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu. Trị giá này được tính theo quy định tại Điều VII của Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan;

nhà xuất khẩu là thể nhân hoặc pháp nhân thường trú tại lãnh thổ của một Bên, nơi hàng hóa được xuất khẩu bởi chính thể nhân hoặc pháp nhân đó;

FOB là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải từ nhà sản xuất đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến. Trị giá này được tính theo quy định tại Điều VII của Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan;

nguyên vật liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau là những nguyên vật liệu cùng loại có chất lượng như nhau, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật, và một khi các nguyên vật liệu này được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất xứ thông qua bất kỳ dấu hiệu nào v.v...;

nhà nhập khẩu là thể nhân hoặc pháp nhân thường trú tại lãnh thổ của một Bên, nơi hàng hóa được nhập khẩu bởi chính thể nhân hoặc pháp nhân đó;

tổ chức cấp C/O là tổ chức có thẩm quyền do chính phủ của Bên xuất khẩu chỉ định cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và được thông báo đến Bên kia theo quy định tại Chương này;

nguyên liệu bao gồm các bộ phận, nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện và cụm lắp ráp được sử dụng trong quá trình sản xuất;

hàng hóa không có xuất xứ là sản phẩm hoặc nguyên liệu không đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định tại Chương này;

vật liệu đóng gói và bao gói để vận chuyển là hàng hóa được sử dụng để bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển sản phẩm đó mà không phải là vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ;

nhà sản xuất là cá nhân thực hiện việc sản xuất hàng hóa tại lãnh thổ của một Bên;

Quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc yêu cầu nguyên liệu phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc trải qua một công đoạn gia công cụ thể, hoặc phải đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC), hay tiêu chí kết hợp của các tiêu chí vừa nêu; và

sản xuất là các phương thức để thu được sản phẩm, bao gồm việc nuôi trồng, khai thác mỏ, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, tập hợp, thu lượm, săn bắt, đánh bắt, đặt bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hoặc lắp ráp hàng hóa;

 

PHỤ LỤC 3-A

QUY TẮC CỤ THỂ MẶT HÀNG

Chú thích

1. Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục này được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa 2012. Trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa phần mô tả tại Phụ lục này với phần mô tả tại văn kiện pháp lý của Hệ thống Hài hòa do Tổ chức Hải quan Thế giới xây dựng, phần mô tả tại Hệ thống Hài hòa của Tổ chức Hải quan Thế giới sẽ được áp dụng.

2. Quy tắc xuất xứ cụ thể hoặc bộ quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho một phân nhóm HS riêng biệt được xây dựng liền kề ngay phân nhóm đó.

3. Khi một phân nhóm HS cụ thể áp dụng tiêu chí xuất xứ lựa chọn, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các tiêu chí lựa chọn đó.

4. Khi một quy tắc xuất xứ cụ thể quy định sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, mỗi nguyên liệu không có xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa đó phải đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa tương ứng. Yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ.

5. Khi một quy tắc xuất xứ cụ thể quy định sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, tuy nhiên loại trừ chuyển đổi từ các dòng thuế ở cấp độ chương, nhóm hoặc phân nhóm của Hệ thống Hài hòa, mỗi Bên phải hiểu rõ quy tắc xuất xứ này nhằm đòi hỏi các nguyên liệu phân loại tại các trường hợp mã HS loại trừ đó phải có xuất xứ thì hàng hóa mới được coi là có xuất xứ.

6. Đối với Phụ lục này:

chương là hai chữ số đầu tiên trong dãy số phân loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài hòa;

nhóm là bốn chữ số đầu tiên trong dãy số phân loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài hòa; và

phân nhóm là sáu chữ số đầu tiên trong dãy số phân loại thuế quan thuộc Hệ thống Hài hòa.

7. Đối với cột 5 của Phụ lục này:

CC có nghĩa là tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (mã HS) ở cấp 2 số;

CTH có nghĩa là tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số; và

CTSH có nghĩa là tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã HS ở cấp 6 số.

RVC(XX) có nghĩa là hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị khu vực không dưới XX% theo cách tính được quy định tại Điều 3.3; và

WO có nghĩa là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ theo định nghĩa quy định tại Điều 3.2.

 

PHỤ LỤC 3-B

QUY ĐỊNH ĐỔI VỚI MỘT SỐ HÀNG HÓA ĐẶC BIỆT

1. Quy định về xuất xứ

(a) “Hàng hóa đặc biệt” nêu tại Điều 3.5 được liệt kê tại đoạn 7 dưới đây và bất kỳ sửa đổi nào sau đó, được tái nhập khẩu dưới dạng sản phẩm không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, chế biến đơn giản nào bên trong lãnh thổ của Bên tái nhập khẩu để xuất khẩu theo quy định tại Điều 3.7, phải được coi là có xuất xứ từ lãnh thổ của Bên tái nhập khẩu đó, với điều kiện tổng trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ11 không vượt quá 40% trị giá FOB của thành phẩm được coi là có xuất xứ.

(b) Ngoại trừ các quy định khác được nêu trong Phụ lục này, các quy tắc liên quan trong Chương này phải được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp, đối với việc cấp xuất xứ cho các mặt hàng áp dụng Điều 3.5.

2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa áp dụng Điều 3.5

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa áp dụng Điều 3.5 phải do tổ chức cấp C/O12 của Bên xuất khẩu cấp theo quy định tại Phần B của Chương này.

(b) Tổ chức cấp C/O của Bên xuất khẩu phải ghi rõ trên Giấy chứng nhận xuất xứ rằng hàng hóa đó áp dụng Điều 3.5.

(c) Ngoại trừ các quy định khác tại Phụ lục này, các Điều liên quan trong Phần B của Chương này phải được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp, đối với hàng hóa áp dụng Điều 3.5.

(d) Hàn Quốc sẽ hỗ trợ cơ quan hải quan của Việt Nam tiến hành kiểm tra hàng hóa áp dụng Điều 3.5 theo quy định tại các Điều liên quan trong Phần B của Chương này.

3. Cơ chế tự vệ đặc biệt

(a) Khi một Bên xác định số lượng nhập khẩu một sản phẩm áp dụng Điều 3.5 vào lãnh thổ của Bên đó đang tăng lên, theo đó có thể gây ra hoặc đe dọa gây tổn thất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp trong nước, thì Bên đó được tự ngừng áp dụng Điều 3.5 đối với sản phẩm đó trong một khoảng thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn, đối phó với tổn thất đó hoặc với nguy cơ gây tổn thất đối với ngành công nghiệp trong nước của Bên đó.

(b) Một Bên muốn ngừng áp dụng Điều 3.5 theo quy định tại điểm (a) nêu trên phải thông báo cho Bên kia hai tháng trước khi bắt đầu giai đoạn ngừng thực hiện, đồng thời cho Bên kia cơ hội để trao đổi về việc ngừng thực hiện này.

(c) Thời hạn được đề cập đến tại điểm (a) nêu trên có thể được gia hạn với điều kiện Bên đó đang có hành động ngừng thực hiện và xác định việc ngừng thực hiện là cần thiết và nên tiếp tục nhằm ngăn chặn hoặc đối phó với tổn thất.

(d) Trong trường hợp khẩn cấp nếu việc trì hoãn có thể gây ra tổn thất khó có thể khắc phục, việc ngừng áp dụng Điều 3.5 theo quy định tại điểm (a) nêu trên có thể được thực hiện tạm thời mà không cần phải thông báo trước hai tháng cho Bên kia, với điều kiện thông báo đó phải được thực hiện trước khi việc ngừng áp dụng Điều 3.5 có hiệu lực.

(e) Khi một Bên đã ra quyết định ngừng thực hiện theo quy định tại điểm(a) nêu trên và đáp ứng các quy định nêu tại điểm (b) nêu trên, Bên đó có thể đơn phương và vô điều kiện ngừng áp dụng Điều 3.5, bao gồm các nội dung sau:

(i) không có nghĩa vụ phải chứng minh rằng có tổn thất nghiêm trọng;

(ii) không có nghĩa vụ phải tham vấn trước;

(iii) không có bất kỳ hạn chế nào đối với thời hạn hoặc tần suất đối với việc ngừng áp dụng; và

(iv) không có nghĩa vụ phải bồi thường.

4. Rà soát hàng năm

(a) Các Bên phải rà soát việc thực hiện và áp dụng Điều 3.5 tại Ủy ban Hỗn hợp. Để thực hiện quy định này:

(i) bên xuất khẩu phải cung cấp cho Ủy ban Hỗn hợp một bản tường trình ngắn gọn về việc áp dụng Điều 3.5, bao gồm một bảng thống kê số liệu xuất khẩu của từng mặt hàng được nêu tại đoạn 7 dưới đây cho Bên nhập khẩu trong thời gian một năm trước; và

(ii) bên nhập khẩu phải cung cấp, theo yêu cầu của Ủy ban Hỗn hợp các thông tin liên quan đến việc từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, nếu có, bao gồm số lượng C/O không được chấp nhận, và lý do từ chối cho hưởng ưu đãi.

(b) Ủy ban Hỗn hợp có thể đề nghị Bên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin nếu được xem là cần thiết để rà soát việc thực thi và áp dụng Điều 3.5.

(c) Sau khi xem xét kết quả rà soát theo quy định tại điểm(a), Ủy ban Hỗn hợp có thể đưa ra đề xuất nếu xét thấy cần thiết.

5. Giải quyết tranh chấp

Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến cách giải thích, thực thi hoặc áp dụng Phụ lục này không phải tuân theo các thủ tục và cơ chế của Chương 15 (Giải quyết Tranh chấp).

6. Liên quan đến các điều khoản khác của Hiệp định này

Không có quy định nào trong Phụ lục này ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên trong Hiệp định, kể cả Điều 7.1 (Áp dụng biện pháp tự vệ).

7. Danh mục hàng hóa đặc biệt

Dưới đây là danh mục hàng hóa đặc biệt quy định tại Phụ lục này. Một Bên có thể đề nghị sửa đổi danh mục được đề cập đến tại đoạn này, và sẽ được Bên kia xem xét một cách thiện chí. Sửa đổi này sẽ được thông qua nếu được cả hai Bên nhất trí.

STT

Mã HS 6 số (2012)

Mô tả hàng hóa (mã HS 6 số)

1

121221

- - Thích hợp dùng làm thức ăn cho người

2

321310

- Bộ màu vẽ

3

340700

Bột nhão dùng để làm khuôn mẫu, tạo hình, kể cả đất nặn dùng cho trẻ em; các chế phẩm được coi như “sáp dùng trong nha khoa” hay như “các hợp chất tạo khuôn răng”, đã đóng gói thành bộ để bán lẻ hoặc ở dạng phiến, dạng móng ngựa, dạng thanh hoặc các dạng tương tự; các chế phẩm khác dùng trong nha khoa, với thành phần cơ bản là thạch cao plaster (thạch cao nung hoặc canxi sulphat nung).

4

350610

- Các sản phẩm phù hợp dùng như keo hoặc như các chất kết dính, đã đóng gói để bán lẻ như keo hoặc như các chất kết dính, trọng lượng tịnh không quá 1kg

5

391740

- Các phụ kiện

6

392310

- - Hộp, hòm, thùng thưa và các loại tương tự

7

392329

- - Từ plastic khác:

 

8

392350

- Nút, nắp, mũ van và các nút đậy khác

 

9

392690

- Loại khác:

 

10

401699

- - Loại khác:

 

11

420229

- - Loại khác

12

481940

- Bao và túi xách loại khác, kể cả hình nón cụt (cones)

13

520839

- - Vải dệt khác

14

550932

- - Sợi xe (folded) hoặc sợi cáp

15

560811

- - Lưới đánh cá thành phẩm

16

580421

 - - - Từ xơ nhân tạo

17

581092

- - Từ xơ nhân tạo

18

610230

- Từ sợi nhân tạo

19

610290

- Từ các vật liệu dệt khác

 

20

610711

- - Từ bông

 

21

610791

- - Từ bông

22

610821

- - Từ bông

23

610822

- - Từ sợi nhân tạo

24

610891

- - Từ bông

25

610910

- Từ bông

26

610990

- Từ các vật liệu dệt khác

27

611011

- - Từ lông cừu

28

611120

- Từ bông

29

611130

- Từ sợi tổng hợp

30

611522

- - Từ sợi tổng hợp, có độ mảnh sợi đơn từ 67 dexitex trở lên

31

611529

- - Từ các vật liệu dệt khác:

32

611594

- - Từ lông cừu hoặc lông động vật loại mịn

33

611595

- - Từ bông

34

611596

- - Từ sợi tổng hợp

35

611599

- - Từ các vật liệu dệt khác

36

620113

- - Từ sợi nhân tạo

37

620119

- - Từ các vật liệu dệt khác

38

620193

- - Từ sợi nhân tạo

39

620211

- - Từ lông cừu hay lông động vật loại mịn

40

620213

- - Từ sợi nhân tạo

41

620293

- - Từ sợi nhân tạo

42

620312

- - Từ sợi tổng hợp

43

620319

- - Từ các vật liệu dệt khác

44

620331

- - Từ lông cừu hay lông động vật loại mịn

45

620333

- - Từ sợi tổng hợp

46

620341

- - Từ lông cừu hay lông động vật loại mịn

47

620342

- - Từ bông

48

620343

- - Từ sợi tổng hợp

49

620433

- - Từ sợi tổng hợp

50

620443

- - Từ sợi tổng hợp

51

620453

- - Từ sợi tổng hợp

52

620462

- - Từ bông

53

620463

- - Từ sợi tổng hợp

54

620520

- Từ bông

55

620530

- Từ sợi nhân tạo

56

620640

- Từ sợi nhân tạo

57

620690

- Từ các vật liệu dệt khác

58

620711

- - Từ bông

59

620719

- - Từ vật liệu dệt khác

60

620799

- - Từ vật liệu dệt khác

61

620892

- - Từ sợi nhân tạo

62

621143

- - Từ sợi nhân tạo

63

621600

Găng tay, găng tay hở ngón và găng tay bao

64

630231

- - Từ sợi bông

65

630493

- - Không dệt kim hoặc móc, từ sợi tổng hợp

66

630532

- - Túi, bao đựng hàng loại lớn có thể gấp, mở linh hoạt

67

630533

- - Loại khác, từ polyetylen hoặc dải polypropylen hoặc dạng tương tự

68

630612

- - Từ sợi tổng hợp

69

630790

- Loại khác

70

650700

Băng lót vành trong thân mũ, lớp lót, lớp bọc, cốt, khung, lưỡi trai và quai dùng để sản xuất mũ và các vật đội đầu khác.

71

691200

Bộ đồ ăn, bộ đồ nhà bếp, đồ gia dụng và đồ vệ sinh bằng gốm, trừ loại bằng sứ.

72

691490

- Loại khác

73

732393

- - Bằng thép không gỉ

74

761699

- - Loại khác:

75

841330

- Bơm nhiên liệu, dầu bôi trơn hoặc chất làm mát dùng cho động cơ đốt trong kiểu piston:

76

842123

- - Bộ lọc dầu hoặc xăng cho động cơ đốt trong

77

848490

- Loại khác

78

850110

- Động cơ có công suất không quá 37,5 W

79

850300

Các bộ phận chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cho các loại máy thuộc nhóm 85.01 hoặc 85.02.

80

851240

- Cái gạt nước, gạt và chống tạo sương và tuyết

81

851290

- Bộ phận

82

851610

- Dụng cụ điện đun nước nóng tức thời hoặc đun và chứa nước nóng và đun nước nóng kiểu nhúng

83

851660

- Các loại lò khác; nồi nấu, bếp đun dạng tấm đun, vòng đun sôi, thiết bị kiểu vỉ nướng và lò nướng

84

851690

- Bộ phận

85

851770

- Bộ phận

86

852990

- Loại khác

87

853669

- - Loại khác

88

853670

- Đầu nối dùng cho sợi quang, bó sợi quang hoặc cáp quang

89

853890

- Loại khác

90

853990

- Bộ phận

91

854430

- Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác loại sử dụng cho xe có động cơ, máy bay hoặc tàu thuyền

92

854442

- - Đã lắp với đầu nối điện:

93

870892

- - Ống xả và bộ giảm thanh; bộ phận của nó

94

870894

- - Vô lăng, trụ lái và cơ cấu lái; bộ phận của nó:

95

870899

- - Loại khác:

96

940510

- Bộ đèn chùm và đèn điện trần hoặc đèn điện tường khác, trừ các loại được sử dụng ở nơi công cộng hoặc đường phố lớn

97

940592

- - Bằng plastic:

98

940599

- - Loại khác:

99

960820

- Bút phớt và bút phớt có ruột khác và bút đánh dấu

100

960910

- Bút chì và bút chì màu, có lõi chì trong vỏ cứng

 

PHỤ LỤC 3-C

GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

BẢN ĐÍNH KÈM 1

Original (Duplicate/Triplicate)

1. Goods consigned from (Exporter’s business name, address, country)

Reference No.

VIETNAM-KOREA FREE TRADE AGREEMENT

PREFERENTIAL TARIFF

CERTIFICATE OF ORIGIN (Combined Declaration and Certificate)

FORM VK

Issued in ____________ (Country)

See Notes Overleaf

2. Goods consigned to (Consignee's name, address, country)

3. Means of transport and route (as far as known)

Departure date

 

Vessel’s name/Aircraft etc.

 

Port of Discharge

 

4. For Official Use

Preferential Tariff Treatment Given Under Viet Nam- Korea Free Trade Agreement

Preferential Tariff Treatment Not Given (Please State reason/s)

 

……………………………………….

Signature of Authorized Signatory of the Importing Country

5. Item number

6. Marks and numbers on packages

7. Number and type of packages, description of goods (including quantity where appropriate and HS code of the good in the importing country)

8. Origin criterion (see Overleaf Notes)

9. Gross weight or other quantity and value (FOB only when RVC criterion is used)

10. Number and date of invoices

 

 

 

 

 

 

11. Declaration by the exporter

The undersigned hereby declares that the above details and statement are correct, that all the goods were produced in

……………………………………..

(Country)

and that they comply with the origin requirements specified for these goods in the Viet Nam-Korea Free Trade Agreement for the goods exported to

……………………………….

(Importing Country)

…………………………………

Place and date, signature of authorized signatory

12. Certification

It is hereby certified, on the basis of control carried out, that the declaration by the exporter is correct.

 

 

 

 

 

 

 

………………………………

Place and date, signature and stamp of certifying authority

13. Remarks

 

 

OVERLEAF NOTES

1. The Parties which accept this form for the purposes of preferential tariff treatment under the Viet Nam-Korea Free Trade Agreement (VKFTA):

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
THE REPUBLIC OF KOREA

2. CONDITIONS: To enjoy preferential tariff under the VKFTA, goods sent to any Party listed above shall:

(i) fall within a description of goods eligible for concessions in the country of destination;

(ii) comply with the transportation conditions in accordance with Article 3.8(Direct Transport) of the VKFTA; and

(iii) comply with the origin criteria in Chapter 3(Rules of Origin and Origin Procedures) of the VKFTA.

3. ORIGIN CRITERIA: For goods that meet the origin criteria, the exporter or producer must indicate in box 8 of this Form, the origin criteria met, in the manner shown in the following table:

Circumstances of production or manufacture in the exporting party named in box 11 of this form

Insert in box. 8

(a) Goods wholly obtained or produced in the territory of the exporting Party

“WO”

(b) Goods satisfying the Product specific Rules

- Change in Tariff Classification

- Regional Value Content

- Regional Value Content + Change in Tariff Classification

- Specific Processes

- “CTC”

- “RVC” that needs to be met for the good to quality as originating; e.g. “RVC 45%"

- The combination rule that needs to be met for good to qualify as originating; e.g. “CTH + RVC 40%”

“Specific Processes”

(c) Goods produced entirely in the territory of the exporting Party exclusively from originating materials

“PE”

(d) Goods satisfying Article 3.5

“Article 3.5”

4. EACH ARTICLE MUST QUALIFY: It should be noted that all the goods in a consignment must qualify separately in their own right. This is of particular relevance when similar articles of different sizes or spare parts are sent.

5. DESCRIPTION OF GOODS: The description of goods must be sufficiently detailed to enable the goods to be identified by the customs officers examining them. Any trade mark shall also be specified.

6. FREE-ON-BOARD (FOB) VALUE: The FOB value in box 9 shall be reflected only when the Regional Value Content criterion is applied in determining the origin of goods.

7. HARMONIZED SYSTEM CODE: The Harmonized System code shall be that of the importing Party.

8. EXPORTER: The term “exporter” in box 11 may include the manufacturer or the producer.

9. FOR OFFICIAL USE: The customs authority of the importing Party must indicate (Ö) in the relevant boxes in box 4 whether or not preferential tariff treatment is accorded.

10. REMARKS IN BOX 13:

(i) In cases where invoices are issued by a non-party, “Non-Party Invoicing,, should be recorded and such information as name and country of the company issuing the invoice shall be indicated;

(ii) Other remarks should be recorded as necessary.

 

 

BẢN ĐÍNH KÈM 2

Original (Duplicate/Triplicate)

(Additional Page)

 

Reference No.

5. Item number

6. Marks and numbers on packages

7. Number and type of packages, description of goods (including quantity where appropriate and HS code of the good in the importing country)

8. Origin criterion (see Overleaf Notes)

9. Gross weight or other quantity and value (FOB only when RVC criterion is used)

10. Number and date of invoices

 

 

 

 

 

 

11. Declaration by the exporter

The undersigned hereby declares that the above details and statement are correct, that all the goods were produced in

………………………….

(Country)

and that they comply with the origin requirements specified for these goods in the Viet Nam-Korea Free Trade Agreement for the goods exported to

……………………………

(Importing Country)

…………………………..

Place and date, signature of authorized signatory

12. Certification

It is hereby certified, on the basis of control carried out, that the declaration by the exporter is correct.

 

 

 

 

 

 

 

………………………………

Place and date, signature and stamp of certifying authority

13. Remarks

 

 

CHƯƠNG 4

THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI

Điều 4.1: Công bố

1. Mỗi Bên phải công bố, bao gồm cả công bố trên mạng thông tin điện tử, các luật, quy định, và thủ tục hành chính chung trong lĩnh vực hải quan, trong khả năng có thể, bằng tiếng Anh.

2. Mỗi Bên phải chỉ định hoặc duy trì một hoặc các đầu mối để giải đáp các câu hỏi của các đối tượng có quan tâm liên quan tới các vấn đề hải quan và phải công bố công khai các thông tin liên quan đến thủ tục giải đáp các câu hỏi đó trên mạng thông tin điện tử.

3. Trong khả năng có thể, mỗi Bên phải công bố trước bất kỳ các quy định về việc áp dụng chung đối với các vấn đề về hải quan mà Bên đó đề xuất thông qua và phải tạo cơ hội cho các đối tượng có quan tâm được tham gia ý kiến trước khi thông qua các quy định đó.

Điều 4.2: Giải phóng hàng

1. Nhằm tạo thuận lợi thương mại song phương, mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì thủ tục hải quan được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho việc giải phóng hàng.

2. Theo đoạn 1, mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì thủ tục:

(a) quy định hàng được giải phóng trong khoảng thời gian không quá khoảng thời gian cần thiết để đảm bảo tuân thủ luật và quy định hải quan trong nước;

(b) quy định việc nộp và xử lý thông tin hải quan điện tử trước khi hàng đến nhằm giúp hàng được giải phóng khi đến;

(c) cho phép hàng hóa được giải phóng tại nơi hàng đến, không tạm thời chuyển lưu kho hoặc chuyển tới các địa điểm khác; và

(d) cho phép nhà nhập khẩu được lấy hàng trước khi có quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu về thuế hải quan, phí và nghĩa vụ hải quan khi những khoản này chưa thể được xác định trước hoặc ngay khi hàng đến, với điều kiện hàng hóa đáp ứng các điều kiện khác liên quan.1

Điều 4.3: Tự động hóa

Trong khả năng có thể, mỗi Bên phải sử dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh thủ tục giải phóng hàng và phải:

(a) cung cấp hệ thống điện tử cho người khai hải quan sử dụng;

(b) nỗ lực sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế;

(c) nỗ lực phát triển các hệ thống điện tử tương thích với các hệ thống của Bên kia nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi song phương về dữ liệu thương mại quốc tế; và

(d) nỗ lực xây dựng bộ các yếu tố dữ liệu chung và xử lý phù hợp với mô hình dữ liệu Hải quan của Tổ chức hải quan thế giới (sau đây gọi tắt là “WCO”) và những khuyến cáo, hướng dẫn của WCO.

Điều 4.4: Quản lý rủi ro

Mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì hệ thống quản lý rủi ro tự động hoặc điện tử để đánh giá và xác định trọng điểm nhằm giúp các Bên tập trung các hoạt động kiểm tra vào các hàng hóa có rủi ro cao và đơn giản hóa việc thông quan và luân chuyển hàng hóa có rủi ro thấp.

Điều 4.5: Hợp tác

Trong phạm vi có thể, các Bên cam kết tạo thuận lợi cho sự luân chuyển hàng hóa chính đáng và phải trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp nhằm cải thiện nghiệp vụ và thủ tục hải quan liên quan đến hệ thống điện tử hóa, và những vấn đề khác mà các Bên cùng thống nhất.

Điều 4.6: Bảo mật thông tin

1. Một Bên phải duy trì việc bảo mật thông tin do Bên kia cung cấp liên quan đến Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ), và đảm bảo không tiết lộ thông tin mà việc tiết lộ thông tin này ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của người cung cấp thông tin. Mọi vi phạm về bảo mật thông tin phải được các Bên xử lý phù hợp với luật và quy định trong nước của mỗi Bên.

2. Thông tin được nêu tại đoạn 1 không được phép công bố nếu không được sự cho phép cụ thể của người hoặc Chính phủ cung cấp thông tin đó ngoại trừ trong trường hợp có thể được yêu cầu công bố trong thủ tục tố tụng hành chính hoặc thủ tục khiếu nại theo đó.

Điều 4.7: Hàng chuyển phát nhanh

Mỗi Bên phải áp dụng và duy trì thủ tục hải quan nhanh chóng cho hàng chuyển phát nhanh, không xét đến trọng lượng hoặc trị giá hải quan mà vẫn duy trì sự kiểm soát và chọn lựa thích hợp của hải quan. Những thủ tục này phải:

(a) quy định thủ tục hải quan riêng và nhanh chóng cho hàng hóa chuyển phát nhanh;

(b) quy định các thông tin cần thiết để giải phóng một lô hàng chuyển phát nhanh được nộp tờ khai và xử lý thông tin điện tử trước khi hàng đến;

(c) cho phép nộp bản lược khai hàng hóa đơn cho tất cả các hàng hóa trong lô hàng chuyển phát nhanh bằng phương thức điện tử nếu có thể;

(d) trong phạm vi có thể, quy định hàng hóa cụ thể được thông quan, với số lượng chứng từ tối thiểu; và

(e) trong những tình huống thông thường, quy định không thu thuế hoặc phí hải quan hoặc yêu cầu chứng từ đối với hàng hóa chuyển phát nhanh có trị giá không vượt quá ngưỡng miễn thuế theo luật pháp và quy định của các Bên.2

Điều 4.8: Rà soát và khiếu nại

Đối với việc quyết định các vấn đề về hải quan, mỗi Bên phải đảm bảo rằng, nhà nhập khẩu trong lãnh thổ của mình được tiếp cận:

(a) cấp rà soát hành chính độc lập đối với cơ quan hoặc nhân viên đưa ra quyết định3, và

(b) rà soát pháp lý đối với quyết định.

Để chắc chắn hơn, mỗi Bên phải cho phép nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp thông tin trực tiếp cho Bên đang tiến hành rà soát và yêu cầu Bên nhận được thông tin phải giữ thông tin dưới dạng mật như quy định tại Điều 4.6.

Điều 4.9: Xử phạt

Mỗi Bên phải áp dụng hoặc duy trì các biện pháp cho phép cơ quan Hải quan của một Bên áp dụng hình phạt đối với các vi phạm luật, quy định hải quan và yêu cầu thủ tục trong nước bao gồm các luật và quy định quản lý việc phân loại thuế quan, trị giá hải quan, xuất xứ, và các khiếu nại về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

Điều 4.10: Xác định trước

1. Mỗi Bên, thông qua cơ quan hải quan của mình phải cấp, trước khi hàng nhập khẩu vào lãnh thổ của mình, phán quyết trước xuất xứ bằng văn bản dựa trên yêu cầu bằng văn bản của người nhập khẩu tại nước đó, hoặc nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất trên lãnh thổ của Bên kia4 về:

(a) việc phân loại mã số hàng hóa;

(b) việc áp dụng các tiêu chí xác định trị giá hải quan cho trường hợp cụ thể, phù hợp với Hiệp định trị giá hải quan;

(c) nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; và

(d) những vấn đề khác mà các Bên có thể đồng ý.

2. Mỗi Bên, thông qua cơ quan hải quan, phải ban hành thông báo xác định trước xuất xứ trong vòng 90 ngày sau ngày nhận được đề nghị với điều kiện người nộp đơn đã cung cấp toàn bộ thông tin liên quan theo quy định của Bên yêu cầu, bao gồm hàng mẫu, nếu được yêu cầu. Trong quá trình ban hành thông báo xác định trước, Bên cấp phải xem xét các yếu tố thực tế và tình huống mà người xin cấp đề nghị. Nếu các yếu tố và hoàn cảnh để xem xét đưa ra xác định trước có liên quan đến việc rà soát pháp lý hoặc hành chính, thì Bên nhận được đề nghị có thể từ chối việc đưa ra xác định trước. Bên nhận được yêu cầu, theo quy định của Khoản này, khi từ chối ban hành xác định trước phải kịp thời thông báo bằng văn bản tới người xin cấp nêu rõ lý do từ chối.

3. Mỗi Bên phải quy định xác định trước phải có hiệu lực vào ngày ban hành, hoặc ngày khác được nêu rõ trong thông báo, với điều kiện rằng các yếu tố và tình huống thực tế liên quan đến xác định trước không thay đổi.

4. Cơ quan cấp có thể sửa đổi hoặc thu hồi xác định trước trong trường hợp:

(a) kết quả xác định trước dựa trên lỗi thực tế hoặc luật (kể cả lỗi do con người);

(b) thông tin được cung cấp không chính xác hoặc sai sự thật;

(c) có sự thay đổi luật trong nước phù hợp với Hiệp định; hoặc

(d) có sự thay đổi về thực tế hoặc tình huống mà xác định trước đó.

5. Cơ quan ban hành có thể sửa đổi hoặc thu hồi một xác định trước chỉ khi quy định được căn cứ vào thông tin không đúng hoặc thiếu chính xác do người nộp đơn cung cấp.

6. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng người nộp đơn được tiếp cận thủ tục rà soát hành chính về xác định trước.

7. Theo yêu cầu của luật của mình về bảo mật thông tin, mỗi Bên phải công bố xác định trước, cả trên mạng thông tin điện tử.

Điều 4.11: Tham vấn

1. Cơ quan hải quan của mỗi Bên có thể yêu cầu tham vấn với cơ quan hải quan Bên kia đối với bất kể vấn đề phát sinh nào trong quá trình thực hiện hoặc triển khai của Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ). Việc tham vấn phải được thực hiện thông qua đầu mối liên lạc phù hợp.

2. Trong trường hợp các bên không giải quyết được vướng mắc thông qua tham vấn, Bên yêu cầu có thể đưa vấn đề lên Ủy ban Hải quan như được nêu tại Điều 4.12.

Điều 4.12: Ủy ban Hải quan

1. Các Bên sau đây phải thiết lập Ủy ban Hải quan gồm cơ quan hải quan của các Bên. Cơ quan có thẩm quyền của các Bên có thể tham gia vào Ủy ban Hải quan nếu các Bên xét thấy cần thiết.

2. Ủy ban Hải quan phải đảm bảo thống nhất thực hiện Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ) và xử lý các vấn đề phát sinh khi áp dụng các Chương này.

3. Chức năng của Ủy ban phải bao gồm:

(a) giám sát và thực hiện Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ);

(b) ban hành các hướng dẫn chung để giải thích phù hợp, thống nhất và hiệu quả Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ);

(c) sửa đổi Phụ lục 3-A (Quy tắc cụ thể mặt hàng) khi chuyển đổi mã số hàng hóa HS;

(d) khi cần thiết, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề về phân loại mã số, trị giá hải quan, xác định giá trị hàm lượng khu vực và những vấn đề hải quan khác có ảnh hưởng đến thuận lợi hóa thương mại giữa các Bên trong quá trình thực hiện Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ; và

(e) rà soát bản sửa đổi và đạt sự đồng thuận đối với bản sửa đổi của Chương này và Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và Quy trình cấp xuất xứ).

4. Ủy ban phải họp luân phiên hàng năm, hoặc do các Bên thống nhất.

CHƯƠNG 5

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

Điều 5.1: Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này nhằm:

(a) thúc đẩy việc thực thi Hiệp định SPS của các Bên, có tính đến các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế được xây dựng bởi các tổ chức quốc tế liên quan;

(b) giảm thiểu các tác động tiêu cực tới thương mại song phương đồng thời bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người, động vật hoặc thực vật trong phạm vi lãnh thổ của các Bên; và

(c) tăng cường hợp tác và tham vấn kỹ thuật giữa các cơ quan chức năng của các Bên.

Điều 5.2: Phạm vi và Định nghĩa

1. Chương này sẽ được áp dụng đối với việc thông qua và triển khai thực hiện tất cả các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (sau đây gọi tắt là “SPS”) của một Bên mà có thể, trực tiếp hoặc gián tiếp, ảnh hưởng tới thương mại song phương giữa các Bên.

2. Đối với Chương này:

(a) Hiệp định SPS được hiểu là Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật được nêu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO; và

(b) các định nghĩa nêu tại Phụ lục A của Hiệp định SPS của WTO sẽ được áp dụng.

Điều 5.3: Các quy định chung

1. Các Bên tái khẳng định các quyền và nghĩa vụ hiện có của mình đối với nhau theo Hiệp định SPS, có tính đến các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế được xây dựng bởi các tổ chức quốc tế liên quan.

2. Không Bên nào được áp dụng biện pháp SPS của mình như một sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô căn cứ hoặc như một hạn chế trá hình đối với thương mại giữa các Bên.

Điều 5.4: Hợp tác kỹ thuật

1. Các Bên đồng ý tìm kiếm cơ hội hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực SPS, với mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết chung về các hệ thống quy định của các Bên, xây dựng năng lực của các Bên, đạt được sự tin tưởng giữa các cơ quan chức năng của các Bên, và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thương mại song phương.

2. Các Bên cam kết sẽ cân nhắc thích đáng đối với việc hợp tác liên quan tới các vấn đề SPS. Các vấn đề hợp tác này, dựa trên các điều khoản và điều kiện thống nhất chung, có thể bao gồm, nhưng không giới hạn đối với:

(a) đẩy mạnh hơn trao đổi về kinh nghiệm và hợp tác trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp SPS của quốc gia cũng như các tiêu chuẩn quốc tế;

(b) tăng cường hợp tác, cùng với các vấn đề khác, về các phương pháp phân tích rủi ro, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hoặc sâu hại, và các kỹ thuật kiểm tra trong phòng thí nghiệm;

(c) xây dựng các chương trình trao đổi các cán bộ liên quan của các cơ quan chức năng với mục tiêu xây dựng năng lực và sự tin tưởng của các Bên liên quan đến quản lý bệnh động vật và dịch hại cây trồng;

(d) trao đổi thông tin, căn cứ trên yêu cầu của một Bên; về việc bùng phát bất cứ một dịch bệnh đáng chú ý nào hoặc các sự vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, các biện pháp giám sát tiếp theo bao gồm các quy định trong nước liên quan và việc giải thích các quy định này;

(e) thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các điểm Hỏi đáp WTO về SPS của các Bên;

(f) tiến hành các nghiên cứu chung và chia sẻ kết quả của các nghiên cứu này trong lĩnh vực bệnh động vật, sâu hại cây trồng và an toàn thực phẩm; và

(g) bất cứ hoạt động hợp tác nào được các Bên đồng ý thống nhất chung.

Điều 5.5: Ủy ban về các Biện pháp An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật

1. Nhằm mục tiêu thực hiện và vận hành hiệu quả Chương này, các Bên đồng ý thành lập một Ủy ban về Các biện pháp An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (sau đây gọi là “Ủy ban”) bao gồm các đại diện của cơ quan chức năng của mỗi Bên về các vấn đề SPS.

2. Chức năng của Ủy ban sẽ bao gồm:

(a) giám sát việc thực hiện Chương này;

(b) cung cấp một diễn đàn để trao đổi thông tin liên quan đến các biện pháp SPS của mỗi Bên, mà có thể, trực tiếp hoặc gián tiếp, ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên;

(c) tiến hành tham vấn và rà soát bất cứ vấn đề nào trong việc xây dựng hoặc áp dụng các biện pháp SPS mà ảnh hưởng, hoặc có thể ảnh hưởng, thương mại giữa các Bên, và trong trường hợp cần thiết, căn cứ trên yêu cầu của một Bên, cân nhắc tích cực trong việc thành lập nhóm công tác kỹ thuật, trong một khoảng thời gian hợp lý, dựa trên các điều khoản và điều kiện được Ủy ban thống nhất.

(d) thúc đẩy nhận thức chung về biện pháp SPS và các quy trình quy định liên quan tới các biện pháp này của từng Bên;

(e) xác định, thảo luận và rà soát hợp tác kỹ thuật giữa các Bên bao gồm cả các nỗ lực hợp tác trên các diễn đàn quốc tế; và

(f) thực thi các chức năng khác được các Bên thống nhất.

3. Mỗi Bên cam kết rằng các đại diện phù hợp có trách nhiệm đối với các vấn đề SPS tham gia vào các cuộc họp Ủy ban, và tất cả các quyết định được Ủy ban đưa ra trên cơ sở đồng thuận.

4. Ủy ban sẽ họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và ít nhất một lần hàng năm tiếp theo hoặc tại bất cứ thời điểm nào được các Bên thống nhất xác định. Các cuộc họp có thể được tiến hành thông qua điện đàm, video trực tuyến, hoặc thông qua các cách thức khác được các Bên thống nhất xác định.

5. Nhằm mục tiêu tìm kiếm cách thức hiệu quả nhất để thực hiện Hiệp định SPS, liên quan đến các biện pháp SPS được thông qua bởi một Bên có tác động tới thương mại song phương, căn cứ trên yêu cầu của Bên kia, các Bên sẽ, trong trường hợp cần thiết, thực hiện tham vấn dựa trên các điều khoản và điều kiện được thống nhất bởi Ủy ban, trong một khoảng thời gian hợp lý kể từ ngày yêu cầu, với mục đích tìm kiếm phương thức giải quyết cho các vấn đề SPS mà các Bên cùng quan tâm.

6. Các Bên cam kết thành lập Ủy ban không chậm hơn 90 ngày sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này thông qua việc trao đổi thư xác định đại diện sơ bộ của mỗi Bên trong Ủy ban và xây dựng điều khoản tham chiếu của Ủy ban.

7. Với mục tiêu điều phối các phiên họp của Ủy ban và xây dựng một phương thức trao đổi thông tin trong một khoảng thời gian hợp lý, các Bên sẽ chỉ định các đầu mối liên lạc sau, đảm bảo các thông tin đã cung cấp là cập nhật:

(a) phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và

(b) phía Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn; hoặc các cơ quan kế nhiệm tương ứng.

Điều 5.6: Giải quyết tranh chấp

Các quy định tại Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) sẽ không áp dụng đối với bất cứ vấn đề nào phát sinh từ Chương này.

CHƯƠNG 6

HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 6.1: Mục đích

Mục đích của chương này là nhằm:

(a) tăng cường và thuận lợi hóa thương mại giữa các Bên thông qua việc tăng cường thực hiện Hiệp định TBT;

(b) đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại; và

(c) tăng cường hợp tác chung giữa các Bên.

Điều 6.2: Khẳng định Hiệp định TBT

Các Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ hiện tại của mình liên quan đến Bên kia theo Hiệp định TBT, và Hiệp định TBT được viện dẫn và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

Điều 6.3: Phạm vi

1. Chương này áp dụng đối với toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương mà có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa giữa các Bên.

2. Mặc dù đã có quy định tại đoạn 1, Chương này không áp dụng đối với các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật như đã quy định tại Phụ lục A của Hiệp định SPS hoặc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật hoặc các quy định kỹ thuật do các cơ quan chính phủ đề ra đối với các yêu cầu sản xuất hoặc tiêu thụ của các cơ quan đó.

Điều 6.4: Tiêu chuẩn quốc tế

1. Mỗi Bên sẽ sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn và khuyến nghị liên quan trong phạm vi quy định tại Điều 2.4 và 5.4 của Hiệp định TBT làm cơ sở cho quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp.

2. Khi xác định liệu rằng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn hay khuyến nghị được nêu tại Điều 2.4, 5.4 và Phụ lục 3 của Hiệp định TBT có tồn tại hay không, mỗi Bên phải áp dụng các Quyết định của Ủy ban về các Nguyên tắc Xây dựng các Tiêu chuẩn quốc tế, Hướng dẫn, Kiến nghị liên quan đến Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định1 này được áp dụng từ ngày 13 tháng 11 năm 2000 của Ủy ban WTO về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (sau đây gọi tắt là "Ủy ban TBT").

Điều 6.5: Quy chuẩn kỹ thuật

1. Khi có yêu cầu bằng văn bản của Bên kia, mỗi Bên phải tích cực xem xét việc chấp nhận các quy chuẩn kỹ thuật được coi là tương đương của Bên kia, ngay cả trong trường hợp các quy chuẩn này khác biệt với các quy chuẩn của mình, miễn là các quy chuẩn này hoàn toàn đáp ứng với những mục tiêu của các quy chuẩn của mình.

2. Khi một Bên không chấp nhận quy chuẩn kỹ thuật của một Bên kia tương đương với quy chuẩn kỹ thuật của mình, Bên đó phải giải thích lý do theo yêu cầu của Bên kia.

Điều 6.6 Quy trình đánh giá sự phù hợp

1. Mỗi Bên phải xem xét tích cực việc chấp nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp của Bên kia, ngay cả khi những quy trình này khác với các quy trình của mình, miễn là các quy trình đó đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn áp dụng tương đương.

2. Mỗi Bên sẽ cố gắng chấp nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia với mục đích nâng cao hiệu quả, tránh trùng lặp và đảm bảo hiệu quả chi phí của việc đánh giá sự phù hợp. Về vấn đề này, mỗi Bên có thể lựa chọn nhiều cơ chế khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của mình và các lĩnh vực cụ thể liên quan. Các phương pháp này có thể bao gồm nhưng không giới hạn:

(a) thỏa thuận chấp nhận lẫn nhau các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp đối với quy chuẩn kỹ thuật cụ thể được tiến hành bởi các tổ chức hoạt động trong lãnh thổ của Bên kia;

(b) một Bên có thể áp dụng các quy trình công nhận hoặc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ điều kiện hoạt động trong lãnh thổ của Bên kia;

(c) chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trong lãnh thổ của Bên kia;

(d) một Bên thừa nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia;

(e) thỏa thuận tự nguyện giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trong lãnh thổ của mỗi Bên; và

(f) tự công bố sự phù hợp của nhà cung cấp.

3. Các Bên cần phải trao đổi thông tin về kinh nghiệm của mình trong việc triển khai và áp dụng các cơ chế nêu tại các mục 2 (a) đến (f) và các cơ chế thích hợp khác nhằm tạo thuận lợi cho việc chấp nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp.

4. Một Bên, theo yêu cầu của Bên kia, phải giải thích lý do vì sao không chấp nhận kết quả của bất kỳ thủ tục đánh giá sự phù hợp được thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia.

5. Một Bên, theo yêu cầu bằng văn bản của Bên kia, phải xem xét có thiện chí việc công nhận, phê duyệt, cấp phép, hoặc nói cách khác là thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp mà Bên kia giới thiệu và có đại diện trên lãnh thổ của một Bên.

6. Các Bên sẽ cố gắng thúc đẩy trao đổi thông tin liên quan đến Thỏa thuận của APEC về Thừa nhận lẫn nhau trong Đánh giá sự phù hợp đối với Thiết bị Viễn thông.

Điều 6.7: Minh bạch hóa

1. Theo yêu cầu của Bên kia, bất cứ khi nào có thể, mỗi Bên phải cung cấp cho Bên kia đường dẫn trực tuyến, hoặc bản sao hoặc toàn vẹn văn bản quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp đã được thông báo theo Điều 2.9.3 và 5.6.3 của Hiệp định TBT.

2. Bất cứ khi nào có thể, mỗi Bên sẽ cho phép một khoảng thời gian ít nhất là 60 ngày sau khi thông báo ra công chúng và cho Bên kia về các quy định kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp được đề xuất để có ý kiến bằng văn bản, trừ trường hợp các vấn đề khẩn cấp liên quan đến an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh.

3. Theo yêu cầu của Bên kia, mỗi Bên sẽ cung cấp thông tin về các mục tiêu, và lý do của một quy chuẩn kỹ thuật hoặc một quy trình đánh giá sự phù hợp mà Bên đó đã áp dụng hoặc đang đề xuất để áp dụng.

4. Một Bên sẽ cố gắng xem xét một cách có thiện chí yêu cầu hợp lý của Bên kia, được nhận trước khi kết thúc giai đoạn góp ý sau khi có thông báo về quy chuẩn kỹ thuật dự kiến ban hành, để tăng khoảng thời gian giữa việc công bố quy chuẩn kỹ thuật đến thời điểm nó có hiệu lực, trừ trường hợp điều này sẽ không có hiệu quả khi thực hiện các mục tiêu pháp lý cần thiết.

5. Các Bên sẽ đảm bảo, bất cứ khi nào có thể, tất cả các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đã áp dụng luôn sẵn có trên trang thông tin điện tử chính thức.

Điều 6.8: Hợp tác chung

1. Các Bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp với quan điểm để tăng sự hiểu biết lẫn nhau về các hệ thống tương đương và tạo điều kiện tiếp cận thị trường của mình. Đặc biệt, các Bên sẽ xác định, triển khai và thúc đẩy các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp dành riêng cho các vấn đề hay lĩnh vực cụ thể.

2. Những sáng kiến này có thể bao gồm:

(a) trao đổi thông tin về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;

(b) hợp tác về các vấn đề pháp lý, chẳng hạn như minh bạch hóa, quảng bá quy chế thực hành tốt, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, và sử dụng việc công nhận để đánh giá các tổ chức đánh giá sự phù hợp;

(c) hỗ trợ kỹ thuật nhằm tuân thủ đầy đủ và hiệu quả các nhu cầu về đo lường phát sinh từ Chương này và Hiệp định TBT;

(d) sử dụng các cơ chế để tạo thuận lợi cho việc chấp nhận các kết quả của quy trình đánh giá sự phù hợp được tiến hành trong lãnh thổ của Bên.

3. Một Bên sẽ cố gắng xem xét có thiện chí đối với bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào theo đề xuất của Bên kia để hợp tác sâu rộng hơn trong khuôn khổ của Chương này, ví dụ: vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế v.v,...

Điều 6.9: Trao đổi thông tin

1. Bất kỳ thông tin hoặc giải thích mà một Bên cung cấp theo yêu cầu của Bên kia theo Chương này phải được thông báo trong một thời hạn hợp lý, bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc bất kỳ phương tiện khác được chấp nhận bởi các Bên, bao gồm cả thư điện tử. Một Bên sẽ cố gắng để đáp ứng từng yêu cầu trong vòng 60 ngày.

2. Không điều nào trong Chương này được hiểu là yêu cầu một Bên phải cung cấp bất kỳ thông tin tiết lộ được coi là trái với các lợi ích an ninh thiết yếu của mình.

Điều 6.10: Ủy ban về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại

1. Nhằm mục đích hoạt động và thực hiện hiệu quả Chương này, Ủy ban về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (sau đây gọi là "Ủy ban") sẽ được thành lập. Ủy ban sẽ bao gồm đại diện của các Bên.

2. Các chức năng của Ủy ban bao gồm:

(a) tạo thuận lợi cho việc thực hiện Chương này và hợp tác giữa các bên trong mọi vấn đề liên quan đến Chương này;

(b) giám sát việc thực hiện, thực thi và quản lý Chương này;

(c) kịp thời giải quyết mọi vấn đề do một Bên đưa ra liên quan đến việc xây dựng, chấp nhận, áp dụng, hoặc thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp;

(d) phối hợp và tăng cường hợp tác chung giữa các Bên tham gia trong các lĩnh vực quy định tại Điều 6.8;

(e) xác định các lĩnh vực ưu tiên đã được hai Bên nhất trí để tăng cường hợp tác, trong đó có việc xem xét có thiện chí đối với bất kỳ đề nghị nào do một trong hai Bên đề xuất;

(f) trao đổi thông tin, theo yêu cầu của một Bên, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;

(g) trao đổi thông tin về sự phát triển tại các diễn đàn đa phương phi chính phủ, khu vực và tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;

(h) theo yêu cầu bằng văn bản của một Bên, tư vấn với mục đích giải quyết trong một thời gian hợp lý bất kỳ vấn đề phát sinh nào của Chương này;

(i) rà soát lại Chương này theo sự phát triển của Hiệp định TBT và triển khai các khuyến nghị sửa đổi của Chương này nếu cần thiết;

(j) khi cần thiết để đạt được các mục tiêu của Chương này, thiết lập các nhóm Công tác đặc biệt theo lĩnh vực hoặc theo vấn đề cụ thể;

(k) báo cáo lên Ủy ban Hỗn hợp về việc thực hiện Chương này, khi thích hợp; và

(l) thực hiện bất kỳ bước nào khác mà các Bên cho là sẽ hỗ trợ họ trong việc thực hiện Chương này.

3. Ủy ban phải tổ chức họp khi có yêu cầu của một Bên. Các cuộc họp có thể là gặp trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến qua mạng điện thoại, truyền hình hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác do các Bên cùng thỏa thuận.

4. Trường hợp các Bên cần tham vấn theo khoản 2(h), Ủy ban phải tổ chức tham vấn theo Điều 15.4 (Tham vấn) nếu các Bên đồng ý.

5. Ủy ban sẽ được điều phối bởi:

(a) về phía Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; và

(b) về phía Hàn Quốc, Cục Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc; hoặc các cơ quan kế nhiệm tương ứng.

6. Mỗi Bên sẽ chỉ định một đầu mối liên lạc có trách nhiệm phối hợp thực hiện Chương này; và cung cấp cho Bên kia tên của đầu mối liên lạc và các thông tin liên lạc của các cán bộ liên quan trong tổ chức đó, bao gồm cả số điện thoại, fax, e-mail và các chi tiết liên quan khác. Mỗi Bên phải thông báo ngay lập tức cho Bên kia về bất kỳ sự thay đổi nào về đầu mối liên lạc hoặc bất kỳ thông tin sửa đổi nào của các cán bộ liên quan.

Điều 6.11: Định nghĩa

1. Đối với Chương này, Hiệp định TBT nghĩa là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

2. Các định nghĩa trong Phụ lục 1 của Hiệp định TBT sẽ được áp dụng.

CHƯƠNG 7

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Mục A: Các biện pháp tự vệ

Điều 7.1: Áp dụng biện pháp tự vệ

Nếu, do kết quả của sự giảm bớt hay xóa bỏ một loại thuế hải quan theo Hiệp định này, một hàng hóa xuất xứ của Bên kia nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên với số lượng tăng đột biến, cả về tuyệt đối và tương đối so với sản xuất trong nước, và trong điều kiện là hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Bên kia là nguyên nhân trọng yếu gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp của hàng hóa đó trong lãnh thổ của Bên nhập khẩu, Bên nhập khẩu có thể áp dụng một biện pháp tự vệ dưới hình thức:

(a) đình chỉ việc cắt giảm thêm bất kỳ mức thuế hải quan đối với hàng hóa đó theo quy định của Hiệp định này; hoặc

(b) tăng mức thuế hải quan đối với hàng hóa đó đến một mức độ không vượt quá mức thấp hơn trong số các mức thuế sau:

(i) mức thuế tối huệ quốc (MFN) đang áp dụng cho hàng hóa đó có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp; hoặc

(ii) mức thuế hải quan cơ bản được quy định trong Lộ trình tại Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.3 (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan).

Điều 7.2: Các điều kiện và giới hạn áp dụng

1. Một Bên phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản về việc khởi xướng một cuộc điều tra được mô tả tại khoản 2 và phải tham vấn với Bên kia sớm nhất có thể trước khi áp dụng biện pháp tự vệ, nhằm xem xét lại các thông tin thu được từ cuộc điều tra và trao đổi quan điểm về biện pháp áp dụng.

2. Một Bên chỉ được áp dụng biện pháp tự vệ trên cơ sở một cuộc điều tra tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó theo quy định tại Điều 3 và 4.2 (c) của Hiệp định Tự vệ, và theo đó, Điều 3 và 4.2(c) của Hiệp định Tự vệ được hợp nhất vào và là một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

3. Trong quá trình điều tra theo quy định tại khoản 2, Bên tiến hành điều tra phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra của Điều 4.2(a) và 4.2(b) của Hiệp định Tự vệ, và theo đó, Điều 4.2(a) và 4.2(b) của Hiệp định Tự vệ được hợp nhất vào và là một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

4. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình kết thúc bất kỳ cuộc điều tra này trong vòng một năm kể từ ngày khởi xướng.

5. Không Bên nào được áp dụng biện pháp tự vệ:

(a) ngoại trừ trong phạm vi, và trong thời gian cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và để tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh;

(b) trong khoảng thời gian dài hơn hai năm, trừ trường hợp có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian lên đến 1 năm nếu cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu xác định, phù hợp với các thủ tục quy định tại điều này, rằng biện pháp vẫn còn cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và để tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh và có bằng chứng cho thấy rằng ngành sản xuất trong nước đang điều chỉnh, với điều kiện tổng thời gian áp dụng một biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng đầu tiên và bất kỳ thời gian gia hạn nào, không được vượt quá ba năm; hoặc

(c) vượt quá thời hạn chuyển đổi, trừ trường hợp được sự đồng ý của Bên kia.

6. Không Bên nào được áp dụng một biện pháp tự vệ nhiều hơn một lần đối với cùng một hàng hóa.

7. Trường hợp thời gian dự kiến của biện pháp tự vệ nhiều hơn một năm, Bên nhập khẩu phải từng bước nới lỏng biện pháp một cách đều đặn.

8. Trường hợp một Bên hủy bỏ một biện pháp tự vệ, mức thuế hải quan sẽ là mức thuế mà, theo Lộ trình của Bên đó theo Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan), đáng lẽ đang có hiệu lực nếu như không có biện pháp tự vệ.

Điều 7.3: Các biện pháp tự vệ tạm thời

1. Trong các trường hợp khẩn cấp mà việc trì hoãn sẽ gây ra thiệt hại khó có thể khắc phục được, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ trên cơ sở tạm thời căn cứ theo một quyết định sơ bộ của cơ quan có thẩm quyền của Bên đó rằng có bằng chứng rõ ràng rằng việc nhập khẩu một hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia đã gia tăng do kết quả của sự cắt giảm hay xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này, và hàng nhập khẩu đó là nguyên nhân trọng yếu gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

2. Trước khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên có thể ban hành quyết định sơ bộ, Bên đó phải công bố thông báo công khai trong đó chỉ ra làm thế nào để các Bên liên quan, bao gồm cả các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có thể nhận được bản không mật của đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ, và phải cho các Bên liên quan có ít nhất 20 ngày kể từ ngày công bố thông báo để đưa ra chứng cứ và quan điểm về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Một Bên không được áp dụng biện pháp tạm thời trong vòng ít nhất 45 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền của Bên đó khởi xướng điều tra.

3. Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải thông báo với Bên kia trước khi áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, và phải tiến hành tham vấn sau khi áp dụng biện pháp tạm thời.

4. Thời hạn của bất kỳ biện pháp tạm thời nào không được vượt quá 200 ngày, trong thời gian đó Bên áp dụng phải tuân thủ các yêu cầu tại khoản 2 và 3 Điều 7.2.

5. Bên áp dụng phải ngay lập tức hoàn trả bất kỳ khoản thuế tăng thêm nào nếu cuộc điều tra quy định tại khoản 2 Điều 7.2 không đưa ra được kết luận rằng các yêu cầu tại Điều 7.1 được thỏa mãn. Thời hạn của bất kỳ biện pháp tạm thời nào đều phải được tính là một phần của thời hạn quy định tại tiểu khoản 5(b) Điều 7.2.

Điều 7.4: Bồi thường

1. Không chậm hơn 30 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ, một Bên phải tạo cơ hội cho Bên kia để tham vấn về việc bồi thường thương mại thích hợp dưới các hình thức nhượng bộ có tác động thương mại tương đương đáng kể hoặc tương đương với giá trị của các khoản thuế bổ sung là kết quả của biện pháp tự vệ. Bên áp dụng phải bồi thường theo thỏa thuận của các Bên.

2. Nếu các Bên không thỏa thuận được về việc bồi thường qua các buổi tham vấn theo quy định tại khoản 1 trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn, Bên có hàng hóa bị áp dụng biện pháp có thể đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ đối với hàng hóa xuất xứ của Bên áp dụng biện pháp mà có tác động thương mại tương đương đáng kể với biện pháp tự vệ.

3. Nghĩa vụ bồi thường của Bên áp dụng biện pháp theo quy định tại khoản 1 và quyền đình chỉ các nhượng bộ của Bên kia theo quy định tại khoản 2 sẽ chấm dứt vào ngày bãi bỏ biện pháp tự vệ.

4. Bất kỳ bồi thường nào đều phải dựa trên tổng thời gian áp dụng của biện pháp tự vệ và biện pháp tự vệ tạm thời.

5. Quyền đình chỉ quy định tại khoản 2 không được áp dụng trong 24 tháng đầu tiên kể từ khi biện pháp tự vệ có hiệu lực, nếu biện pháp tự vệ này được áp dụng như là kết quả của sự tăng tuyệt đối hàng nhập khẩu và biện pháp tự vệ này phù hợp với các quy định của Hiệp định này.

Điều 7.5: Các biện pháp tự vệ toàn cầu

1. Mỗi Bên giữ nguyên các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều XIX Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ. Hiệp định này không quy định bất kỳ quyền hay nghĩa vụ bổ sung nào đối với các Bên liên quan tới các hành vi thực hiện theo Điều XIX Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ, ngoại trừ trường hợp một Bên áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Bên kia nếu hàng nhập khẩu đó không phải là nguyên nhân trọng yếu gây thiệt hại nghiêm trọng hay đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng.

2. Dựa trên yêu cầu của Bên kia, Bên dự định áp dụng biện pháp tự vệ phải ngay lập tức gửi thông báo bằng văn bản về tất cả các thông tin thích hợp về việc khởi xướng điều tra một vụ việc tự vệ, kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của cuộc điều tra.

3. Không Bên nào được áp dụng, đối với cùng một hàng hóa, tại cùng một thời điểm:

(a) một biện pháp tự vệ; và

(b) một biện pháp theo Điều XIX Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ.

Mục B: Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng

Điều 7.6: Các quy định chung

1. Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định này, mỗi Bên giữ nguyên quyền và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định WTO về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng.

2. Các Bên phải đảm bảo, ngay sau khi bất kỳ biện pháp tạm thời nào được áp dụng và trong bất kỳ trường hợp nào trước khi có kết luận cuối cùng, công bố đầy đủ và có nghĩa tất cả các dữ liệu thực tế quan trọng và các lý do làm cơ sở cho việc quyết định áp dụng biện pháp, mà không vi phạm Điều 6.5 Hiệp định Chống bán phá giá và Điều 12.4 Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng. Việc công bố phải được thực hiện bằng văn bản, và các bên liên quan phải có đủ thời gian để đưa ra các ý kiến bình luận.

3. Các Bên sẽ tiến hành các hoạt động sau đây với nhau trong các vụ việc chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp để tăng cường tính minh bạch trong việc thực hiện các Hiệp định WTO:

(a) khi biên độ phá giá được thiết lập, đánh giá hoặc rà soát theo các Điều 2, 9.3, 9.5, và 11 của Hiệp định Chống bán phá giá, không kể tới những căn cứ so sánh theo Điều 2.4.2 của Hiệp định Chống bán phá giá, tất cả biên độ riêng, dù là dương hay âm, nên được tính vào mức trung bình;

(b) nếu một quyết định được thực hiện để áp thuế chống bán phá giá theo quy định tại Điều 9.1 của Hiệp định Chống bán phá giá, Bên ban hành quyết định có thể áp dụng quy tắc “thuế thấp hơn”, bằng cách áp mức thuế thấp hơn so với biên độ bán phá giá trong trường hợp mức thuế thấp hơn như vậy sẽ là đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; và

(c) Bên điều tra sẽ yêu cầu một nhà xuất khẩu hoặc sản xuất trong lãnh thổ của Bên kia trả lời đúng thời hạn bản câu hỏi điều tra của mình. Khi Bên điều tra thấy có sự thiếu hụt lớn thông tin trong một bản trả lời nhận được trước thời hạn của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất liên quan hoặc yêu cầu làm rõ thêm vì mục đích điều tra, Bên điều tra sẽ yêu cầu các thông tin còn thiếu hoặc yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan đến các câu trả lời cho bản câu hỏi. Thủ tục này sẽ không được sử dụng để gây ra sự chậm trễ không chính đáng trong việc điều tra hoặc để phá vỡ các thời hạn được quy định trong pháp luật và quy định trong nước của Bên điều tra.

Điều 7.7: Thông báo và Tham vấn

1. Khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên nhận được Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá hợp lệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia, và không muộn hơn 15 ngày trước khi khởi xướng điều tra, Bên điều tra phải có thông báo bằng văn bản đến Bên kia về việc nhận được đơn kiện và tổ chức một buổi họp với Bên kia hoặc tạo các cơ hội khác tương đương liên quan đến đơn kiện, phù hợp với các quy định và pháp luật trong nước của Bên điều tra.

2. Khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên nhận được Đơn yêu cầu áp dụng thuế đối kháng hợp lệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia, và trước khi khởi xướng điều tra, Bên điều tra phải có thông báo bằng văn bản đến Bên kia về việc nhận được đơn kiện và tổ chức một buổi họp với Bên kia để tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của Bên điều tra về đơn kiện.

Điều 7.8: Các cam kết

1. Sau khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên khởi xướng điều tra một vụ việc chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, Bên khởi xướng đó phải gửi thông tin bằng văn bản cho Đại sứ quán hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên kia về các trình tự thủ tục của mình cho việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Bên khởi xướng điều tra xem xét một cam kết về giá bao gồm khung thời gian cho việc đề xuất và kết luận về bất kỳ cam kết nào như vậy nếu có thể.

2. Trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá, khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên đã ra quyết định sơ bộ khẳng định về phá giá và thiệt hại gây ra bởi sự phá giá đó, Bên đó phải xem xét hợp lý, và tạo cơ hội thích hợp để tham vấn, cho các nhà xuất khẩu của Bên kia về các cam kết giá đề xuất mà, nếu được chấp nhận, có thể dẫn tới việc đình chỉ điều tra mà không áp thuế chống bán phá giá, thông qua các quy định của pháp luật, quy định và thủ tục trong nước của Bên điều tra.

3. Trong một vụ việc điều tra chống trợ cấp, khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên đã ra quyết định sơ bộ khẳng định về trợ cấp và thiệt hại gây ra bởi trợ cấp đó, Bên đó phải xem xét hợp lý, và tạo cơ hội thích hợp để tham vấn, cho Bên kia và các nhà xuất khẩu của Bên kia về các cam kết giá đề xuất mà, nếu được chấp nhận, có thể dẫn tới việc đình chỉ điều tra mà không áp thuế chống trợ cấp, thông qua các quy định của pháp luật, quy định và thủ tục trong nước của Bên điều tra.

Điều 7.9: Điều tra sau khi bãi bỏ biện pháp do kết quả của một đợt rà soát

Các Bên thống nhất kiểm tra, với sự chú trọng đặc biệt, bất kỳ đơn yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một hàng hóa xuất xứ từ bên kia và đối với các biện pháp chống bán phá giá đã hủy bỏ trong 12 tháng trước đó do kết quả của một đợt rà soát. Trừ trường hợp việc kiểm tra trước khi khởi xướng cho thấy các tình huống đã thay đổi, việc điều tra sẽ không được tiến hành.

Điều 7.10: Đánh giá tích lũy

Khi hàng nhập khẩu từ nhiều hơn một nước đồng thời là đối tượng của vụ việc điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, một Bên phải kiểm tra, với sự quan tâm đặc biệt, liệu đánh giá tích lũy về tác động của hàng nhập khẩu từ Bên kia có phù hợp với những điều kiện về cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và những điều kiện về cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa tương tự trong nước hay không.

Mục C: Ủy ban về Phòng vệ thương mại

Điều 7.11: Ủy ban về Phòng vệ thương mại

1. Các Bên theo đó thành lập một Ủy ban về Phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là “Ủy ban”), bao gồm các đại diện ở một vị trí thích hợp từ các cơ quan liên quan của mỗi Bên mà chịu trách nhiệm về các vấn đề phòng vệ thương mại, bao gồm chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp đối khác, và các vấn đề tự vệ.

2. Chức năng của Ủy ban bao gồm:

(a) nâng cao kiến thức và hiểu biết của một Bên về các quy định, luật pháp, chính sách và thực tiễn phòng vệ thương mại của Bên kia;

(b) giám sát việc thực hiện Chương này;

(c) tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề về phòng vệ thương mại của các Bên;

(d) cung cấp một diễn đàn cho các Bên để trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp đối kháng và tự vệ;

(e) cung cấp một diễn đàn cho các Bên để thảo luận về các chủ đề có liên quan khác mà là mối quan tâm chung bao gồm:

(i) các vấn đề quốc tế có liên quan đến phòng vệ thương mại, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến các cuộc đàm phán về nguyên tắc tại vòng đàm phán Doha của WTO; và

(i) thực tiễn điều tra của các cơ quan có thẩm quyền của các Bên trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, ví dụ như việc áp dụng “các thông tin bất lợi có sẵn” và thủ tục thẩm tra; và

(f) hợp tác về các vấn đề khác mà các Bên thỏa thuận là cần thiết.

3. Ủy ban họp ít nhất một lần một năm và có thể họp thường xuyên hơn nếu các Bên đồng ý.

Mục D: Các định nghĩa

Điều 7.12: Định nghĩa

Đối với Chương này:

ngành sản xuất trong nước nghĩa là, liên quan tới một hàng hóa nhập khẩu, toàn bộ các nhà sản xuất của sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp hoạt động tại lãnh thổ của một Bên, hoặc các nhà sản xuất có tổng sản lượng của hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản xuất trong nước của hàng hóa đó;

biện pháp tự vệ là một biện pháp được mô tả tại Điều 7.1;

thiệt hại nghiêm trọng là sự suy giảm chung đáng kể về vị trí của ngành sản xuất trong nước;

nguyên nhân trọng yếu là nguyên nhân quan trọng và không kém hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác;

đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng là thiệt hại nghiêm trọng mà, trên cơ sở thực tế và không chỉ đơn thuần dựa trên cáo buộc, phỏng đoán, hoặc khả năng xa, là rõ ràng sắp xảy ra; và

giai đoạn chuyển đổi là giai đoạn 10 năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, trừ trường hợp đối với bất kỳ hàng hóa nào mà Lộ trình tại Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan) của Bên áp dụng biện pháp tự vệ cho phép Bên đó xóa bỏ thuế quan của mình đối với hàng hóa trong một thời hạn dài hơn 10 năm, thì giai đoạn chuyển đổi là thời hạn xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa quy định trong Lộ trình.

CHƯƠNG 8

THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Điều 8.1: Phạm vi

1. Chương này áp dụng đối với các biện pháp của một Bên ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ. Các biện pháp này bao gồm các biện pháp liên quan đến:

(a) việc mua, sử dụng hoặc thanh toán cho dịch vụ;

(b) việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ, mà một Bên được yêu cầu phải đưa ra phục vụ công chúng một cách phổ biến; và

(c) sự hiện diện, bao gồm cả hiện diện thương mại, trong lãnh thổ của mình, của nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia.

2. Đối với Chương này, các biện pháp của một Bên nghĩa là các biện pháp được thực hiện bởi:

(a) chính quyền hoặc các cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương, địa phương; và

(b) các cơ quan phi chính phủ thực hiện các quyền do chính quyền hoặc các cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương, địa phương ủy quyền.

3. Chương này không áp dụng đối với:

(a) dịch vụ được cung cấp để thi hành thẩm quyền của chính phủ trong lãnh thổ mỗi Bên;

(b) các biện pháp ảnh hưởng đến thương quyền vận tải hàng không, cho dù có được cấp; hoặc các biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi thương quyền vận tải hàng không, trừ các biện pháp ảnh hưởng đến:

(i) dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay;

(ii) việc bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không; và

(iii) dịch vụ đặt vé qua hệ thống máy tính.

(c) dịch vụ vận tải biển nội địa;

(d) trợ cấp hoặc tài trợ của một Bên, hoặc bất kỳ điều kiện nào liên quan đến việc nhận hoặc tiếp tục nhận trợ cấp và tài trợ, ngoại trừ quy định tại Điều 8.16; hoặc

(e) các biện pháp ảnh hưởng tới thể nhân đang tiếp cận thị trường việc làm của một Bên và các biện pháp liên quan tới quyền công dân, việc thường trú dài hạn hay việc làm dài hạn.

4. Không quy định nào trong Chương này ngăn cản một Bên áp dụng các biện pháp điều chỉnh việc thể nhân của Bên kia nhập cảnh hoặc tạm trú trong lãnh thổ của mình, bao gồm các biện pháp cần thiết bảo vệ sự toàn vẹn biên giới và đảm bảo việc di chuyển có trật tự của thể nhân qua biên giới, với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng theo cách thức vô hiệu hóa hoặc tổn hại lợi ích1 dành cho Bên kia theo một cam kết cụ thể.

5. Điều 8.2 đến 8.4 không áp dụng đối với luật, quy định hoặc yêu cầu điều chỉnh việc mua sắm của các cơ quan chính phủ về dịch vụ phục vụ cho mục đích của chính phủ và không nhằm mục đích bán lại hoặc dùng cho việc cung cấp dịch vụ mang tính chất thương mại.

Điều 8.2: Đối xử quốc gia

Trong các ngành được nêu trong Biểu cam kết cụ thể của mình, và tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong đó, mỗi Bên phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình trong tình huống tương tự.

Điều 8.3: Đối xử tối huệ quốc

1. Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, nếu một Bên tham gia vào bất kỳ hiệp định nào về thương mại dịch vụ với một bên không phải thành viên của Hiệp định này, trong đó dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của bên đó đối xử ưu đãi hơn đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia theo Hiệp định này trong tình huống tương tự thì Bên kia có thể yêu cầu tham vấn để thảo luận khả năng đối xử trong khuôn khổ Hiệp định này không kém ưu đãi hơn đối xử trong khuôn khổ hiệp định với bên không phải thành viên của Hiệp định này. Bên được yêu cầu phải tham gia tham vấn với Bên yêu cầu trên cơ sở xem xét cân bằng lợi ích tổng thể.

2. Đối xử tại đoạn 1 không bao gồm đối xử ưu đãi nào dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ theo:

(a) bất kỳ hiệp định song phương, khu vực hay quốc tế hiện đang tồn tại với một bên không phải thành viên của Hiệp định này;

(b) bất kỳ hiệp định song phương hay đa phương nào giữa các nước thành viên ASEAN.

Điều 8.4: Tiếp cận thị trường

1. Đối với việc tiếp cận thị trường theo các phương thức cung cấp dịch vụ được định nghĩa tại Điều 8.20, mỗi Bên phải dành cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém ưu đãi hơn sự đối xử theo các điều khoản, hạn chế và điều kiện đã được thỏa thuận và quy định trong Biểu cam kết cụ thể của mình.2

2. Trong các ngành có cam kết mở cửa thị trường, một Bên không được ban hành hoặc duy trì những biện pháp sau đây, dù là ở quy mô vùng hoặc trên toàn lãnh thổ của Bên đó, trừ trường hợp được quy định trong Biểu cam kết cụ thể:

(a) hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ dù dưới hình thức hạn ngạch theo số lượng, độc quyền, toàn quyền cung cấp dịch vụ hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(b) hạn chế về tổng trị giá giao dịch về dịch vụ hoặc tài sản dưới hình thức hạn ngạch theo số lượng, hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(c) hạn chế tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng số lượng đầu ra dịch vụ tính theo số lượng đơn vị dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;3

(d) hạn chế về tổng số thể nhân có thể được tuyển dụng trong một ngành dịch vụ cụ thể hoặc tổng số thể nhân một nhà cung cấp dịch vụ có thể tuyển dụng và những người cần thiết hoặc trực tiếp liên quan tới việc cung cấp một dịch vụ cụ thể dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu đáp ứng kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(e) các biện pháp hạn chế hoặc yêu cầu hình thức công ty liên doanh hoặc các hình thức pháp nhân cụ thể mà thông qua đó nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ; và

(f) hạn chế về tỷ lệ vốn góp của nước ngoài bằng việc quy định giới hạn phần trăm tối đa cổ phần nắm giữ của nước ngoài hoặc tổng trị giá đầu tư nước ngoài tính đơn hoặc tính gộp.

Điều 8.5: Cam kết bổ sung

Các Bên có thể đàm phán các cam kết liên quan đến các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ không thuộc đối tượng phải cam kết tại Điều 8.2 và 8.4, kể cả các cam kết về trình độ, tiêu chuẩn hoặc những vấn đề liên quan tới cấp phép. Các cam kết này phải được ghi vào Biểu cam kết cụ thể của mỗi Bên.

Điều 8.6: Biểu cam kết cụ thể

1. Mỗi Bên sẽ nêu trong một Biểu cam kết cụ thể các cam kết của mình theo Điều 8.2, 8.4 và 8.5. Đối với những ngành dịch vụ có cam kết, mỗi Biểu cam kết cụ thể phải chỉ rõ:

(a) điều khoản, giới hạn và điều kiện tiếp cận thị trường;

(b) các điều kiện và tiêu chuẩn về đối xử quốc gia;

(c) cam kết liên quan đến cam kết bổ sung;

(d) lộ trình để thực hiện các cam kết đó, nếu thích hợp; và

(e) ngày có hiệu lực của các cam kết này.

2. Các biện pháp không phù hợp với Điều 8.2 được ghi vào cột liên quan đến Điều 8.2, và các biện pháp không phù hợp với Điều 8.4 được ghi vào cột liên quan đến Điều 8.4.

3. Biểu cam kết cụ thể đính kèm theo Chương này và trở thành một phần không thể tách rời của Chương.

Điều 8.7: Minh bạch hóa

Ngoài các quy định tại Chương 14 (Minh bạch hóa):

(a) mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì các cơ chế thích hợp để trả lời những câu hỏi của Bên kia về các quy định áp dụng chung liên quan đến các nội dung của Chương này;

(b) phù hợp với đoạn 2 và 4 của Điều 14.1 (Công bố), nếu một Bên không công bố trước và cho phép góp ý về các quy định áp dụng chung liên quan đến các nội dung của Chương này mà Bên đó đề xuất thông qua thì phải trả lời bằng văn bản lý do, trong chừng mực có thể, nếu có yêu cầu bằng văn bản của Bên kia; và

(c) căn cứ luật và quy định trong nước, mỗi Bên phải đặt ra một khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố các quy định áp dụng chung cuối cùng liên quan đến các nội dung của Chương này và thời điểm có hiệu lực của các quy định này.

Điều 8.8: Quy định trong nước

1. Trong các ngành dịch vụ có cam kết cụ thể, mỗi Bên phải đảm bảo rằng tất cả các biện pháp áp dụng chung ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được quản lý một cách hợp lý, khách quan và bình đẳng.

2. (a) Mỗi Bên phải duy trì hoặc thiết lập ngay khi có thể các tòa hoặc các thủ tục tư pháp, trọng tài hoặc hành chính cho phép xem xét một cách nhanh chóng, theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng, đối với các quyết định hành chính ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ và các biện pháp khắc phục phù hợp trong trường hợp có cơ sở. Trong trường hợp các thủ tục này không độc lập với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hành chính liên quan thì mỗi Bên phải bảo đảm rằng các thủ tục trên thực tế cho phép việc xem xét một cách khách quan và công bằng.

(b) Các quy định tại điểm (a) không được hiểu là yêu cầu một Bên phải thiết lập tòa án hoặc thủ tục trái với thể chế hiến pháp hoặc bản chất hệ thống pháp luật của Bên đó.

3. Trong trường hợp có yêu cầu phê duyệt đối với việc cung cấp một dịch vụ có cam kết cụ thể, cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên, trong thời gian hợp lý kể từ khi hồ sơ được xem là hoàn chỉnh theo luật và quy định trong nước, phải thông báo cho người nộp đơn quyết định liên quan đến hồ sơ đề nghị phê duyệt. Theo yêu cầu của người nộp hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận hồ sơ phải cung cấp các thông tin có liên quan đến tình trạng của hồ sơ mà không trì hoãn không cần thiết.

4. Nhằm đảm bảo rằng các biện pháp liên quan tới yêu cầu về trình độ, thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cấp phép không tạo ra những trở ngại không cần thiết cho thương mại dịch vụ, Ủy ban hỗn hợp, thông qua các cơ quan thích hợp do Ủy ban thành lập, sẽ xây dựng các nguyên tắc cần thiết. Các nguyên tắc nhằm đảm bảo rằng các yêu cầu này phải, không kể các khía cạnh khác:

(a) dựa trên những tiêu chí khách quan và minh bạch, như năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ;

(b) không phiền hà hơn mức cần thiết để bảo đảm chất lượng dịch vụ; và

(c) trong trường hợp áp dụng thủ tục cấp phép, không trở thành hạn chế đối với việc cung cấp dịch vụ.

5. (a) Trong các ngành dịch vụ một Bên có cam kết cụ thể, cho tới khi các nguyên tắc đối với các ngành này được xây dựng theo đoạn 4 có hiệu lực, Bên này không được áp dụng các yêu cầu về cấp phép, trình độ và tiêu chuẩn kỹ thuật làm vô hiệu hoặc giảm bớt nghĩa vụ cam kết theo cách thức:

(i) không phù hợp với các tiêu chí đề ra tại khoản 4(a), (b) hoặc (c); và

(ii) mà Bên kia không thể dự đoán được một cách hợp lý tại thời điểm đưa ra cam kết cụ thể trong các lĩnh vực đó.

(b) Khi xác định liệu một Bên có tuân thủ nghĩa vụ tại đoạn (a), cần tính đến các tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức quốc tế liên quan4 được Bên đó áp dụng.

6. Trong những ngành có các cam kết cụ thể liên quan đến dịch vụ chuyên môn, mỗi Bên phải quy định thủ tục đầy đủ để kiểm tra năng lực chuyên môn của người cung cấp dịch vụ chuyên môn của Bên kia.

Điều 8.9: Công nhận

1. Nhằm mục đích đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc tiêu chí tương ứng đối với việc phê duyệt, cấp phép hoặc chứng nhận cho nhà cung cấp dịch vụ, một Bên có thể công nhận trình độ học vấn, kinh nghiệm, các yêu cầu, giấy phép hoặc chứng chỉ được cấp bởi Bên kia. Việc công nhận này có thể đạt được thông qua quá trình hài hòa hóa hoặc dựa trên một hiệp định hoặc thỏa thuận giữa các Bên hoặc các cơ quan có thẩm quyền liên quan hoặc có thể được hưởng theo quy định của một Bên.

2. Khi một Bên là thành viên tham gia một hiệp định hoặc thỏa thuận thuộc dạng được nêu tại đoạn 1, bất kể hiệp định hoặc thỏa thuận đó đang có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trong tương lai, Bên đó phải tạo cơ hội đầy đủ cho Bên kia, nếu Bên kia quan tâm, được đàm phán gia nhập hiệp định hoặc thỏa thuận đó, hoặc được đàm phán thỏa thuận tương đương. Nếu một Bên có quy định cho hưởng sự công nhận, Bên đó phải tạo cơ hội đầy đủ cho Bên kia chứng minh rằng trình độ học vấn, kinh nghiệm, giấy phép, chứng chỉ hoặc việc đáp ứng các yêu cầu trong lãnh thổ của Bên kia được hưởng sự công nhận.

3. Một Bên sẽ không cho hưởng sự công nhận theo cách tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia hoặc hạn chế trá hình đối với thương mại dịch vụ khi áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí để phê duyệt, cấp phép hoặc chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ.

4. Mỗi Bên phải nỗ lực:

(a) thông báo cho Ủy ban hỗn hợp các biện pháp công nhận hiện có và chỉ rõ liệu các biện pháp đó dựa vào các loại hiệp định hoặc thỏa thuận được nêu tại đoạn 1 hay không, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực;

(b) thông báo trước cho Ủy ban hỗn hợp sớm nhất có thể việc mở đàm phán các loại hiệp định hoặc thỏa thuận được nêu tại đoạn 1 nhằm cho Bên kia cơ hội đầy đủ để thể hiện sự quan tâm của mình trong việc tham gia đàm phán trước khi bước vào giai đoạn thực chất; và

(c) nhanh chóng thông báo cho Ủy ban hỗn hợp thời điểm Bên này thông qua biện pháp công nhận mới hoặc sửa đổi đáng kể các biện pháp hiện có và chỉ rõ liệu các biện pháp đó có dựa trên các hiệp định hoặc thỏa thuận các loại được nêu trong đoạn 1.

5. Khi phù hợp, sự công nhận sẽ phải dựa trên các tiêu chí được thống nhất đa phương. Trong các trường hợp phù hợp, các Bên sẽ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ liên quan để xây dựng và thông qua các tiêu chuẩn và tiêu chí quốc tế chung cho việc công nhận và tiêu chuẩn quốc tế chung đối với thông lệ thương mại dịch vụ và ngành nghề liên quan.

Điều 8.10. Nhà cung cấp dịch vụ đặc quyền và độc quyền

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng bất kỳ nhà cung cấp một dịch vụ độc quyền nào trên lãnh thổ của mình, khi cung cấp dịch vụ độc quyền trên thị trường liên quan, sẽ không hành động trái với các cam kết cụ thể của Bên đó trong Chương này.

2. Trong trường hợp một nhà cung cấp dịch vụ độc quyền của một Bên cạnh tranh, trực tiếp hoặc thông qua pháp nhân trực thuộc, khi cung cấp dịch vụ nằm ngoài phạm vi độc quyền của mình và thuộc các cam kết cụ thể, Bên này phải bảo đảm rằng nhà cung cấp dịch vụ sẽ không lạm dụng vị trí độc quyền để thực hiện các hành vi trái với các cam kết trên lãnh thổ của mình.

3. Nếu một Bên có lý do để tin rằng một nhà cung cấp dịch vụ độc quyền của Bên kia đang hành động không phù hợp với quy định tại đoạn 1 và 2, Bên này có thể yêu cầu Bên kia xác định, duy trì hoặc cho phép nhà cung cấp dịch vụ này cung cấp thông tin cụ thể về các hoạt động liên quan.

4. Điều này cũng áp dụng đối với các trường hợp của nhà cung cấp dịch vụ đặc quyền, trong trường hợp một Bên, chính thức hoặc trên thực tế:

(a) cho phép hoặc thiết lập một số lượng nhỏ các nhà cung cấp dịch vụ; và

(b) hạn chế đáng kể cạnh tranh giữa các nhà cung cấp đó trên lãnh thổ của mình.

Điều 8.11: Thông lệ kinh doanh

1. Các Bên thừa nhận rằng thông lệ kinh doanh nhất định của các nhà cung cấp dịch vụ, ngoài phạm vi của Điều 8.10, có thể hạn chế cạnh tranh và do đó hạn chế thương mại dịch vụ.

2. Một Bên sẽ, theo yêu cầu của Bên kia (sau đây gọi là “Bên yêu cầu”), tiến hành tham vấn nhằm xóa bỏ các thông lệ nêu tại đoạn 1. Bên được yêu cầu phải nghiêm túc xem xét đầy đủ yêu cầu đó và hợp tác bằng cách cung cấp các thông tin sẵn có, không bí mật liên quan. Bên được yêu cầu cũng phải cung cấp các thông tin sẵn có cho Bên yêu cầu tùy thuộc luật và quy định trong nước cũng như trên cơ sở thỏa thuận thỏa đáng với Bên yêu cầu về việc bảo đảm tính bảo mật của các thông tin đó.

Điều 8.12: Thanh toán và chuyển tiền5

1. Trừ các trường hợp được xác định tại Điều 8.13, một Bên không được áp dụng các hạn chế đối với chuyển tiền quốc tế và thanh toán cho các giao dịch vãng lai liên quan tới các cam kết cụ thể.

2. Không quy định nào trong Hiệp định này ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của một Bên là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (sau đây gọi là “IMF”) theo các Điều lệ của IMF, bao gồm cả việc sử dụng các hoạt động ngoại hối phù hợp với các Điều lệ của IMF, với điều kiện một Bên không hạn chế về bất kỳ giao dịch vốn nào trái với cam kết cụ thể liên quan đến giao dịch này, trừ trường hợp được quy định tại Điều 8.13 hoặc theo yêu cầu của IMF.

Điều 8.13: Các hạn chế để bảo vệ cán cân thanh toán

1. Khi một Bên đang gặp khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán và khó khăn tài chính đối ngoại hoặc bị đe dọa bởi những vấn đề này, Bên đó có thể thông qua hoặc duy trì các hạn chế về thương mại dịch vụ phù hợp với Điều XII của Hiệp định GATS.

2. Bất cứ hạn chế nào được thông qua hoặc duy trì bởi một Bên theo đoạn 1, hoặc bất kỳ sự thay đổi nào theo đó, phải được thông báo ngay lập tức cho Bên kia.

Điều 8.14: Từ chối lợi ích

1. Một Bên có thể từ chối cho hưởng lợi ích của Chương này:

(a) đối với việc cung cấp dịch vụ, nếu Bên này chứng minh được rằng dịch vụ đó được cung cấp từ hoặc trong phạm vi lãnh thổ của một bên không phải là thành viên của Hiệp định;

(b) trong trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải đường biển, nếu Bên này chứng minh được rằng dịch vụ đó được cung cấp:

(i) bằng một tàu được đăng ký theo luật và quy định của một bên không phải thành viên của Hiệp định; và

(ii) do người của một Bên không phải thành viên Hiệp định mà người này vận hành hoặc sử dụng toàn bộ hoặc một phần con tàu; và

(c) đối với nhà cung cấp dịch vụ là một pháp nhân, nếu Bên này chứng minh được rằng nhà cung cấp dịch vụ này không phải là nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia.

2. Một Bên có thể từ chối cho hưởng lợi ích của Chương này đối với nhà cung cấp dịch vụ là pháp nhân của Bên kia:

(a) nếu pháp nhân đó bị sở hữu hoặc kiểm soát bởi một người hoặc một số người của một bên không phải thành viên của Hiệp định và Bên từ chối cho hưởng lợi ích áp dụng hoặc duy trì các biện pháp đối với bên này hoặc một người hoặc một số người của bên này ngăn cấm giao dịch với pháp nhân đó hoặc các biện pháp sẽ bị vi phạm hoặc vô hiệu hóa nếu lợi ích của Chương này được dành cho pháp nhân đó; hoặc

(b) nếu pháp nhân đó bị sở hữu hoặc kiểm soát bởi một người hoặc một số người của một bên không phải là thành viên của Hiệp định hoặc của Bên từ chối cho hưởng lợi ích và pháp nhân đó không có hoạt động kinh doanh đáng kể trong lãnh thổ của Bên kia.

3. Bên từ chối cho hưởng lợi ích, trong chừng mực có thể, phải thông báo cho Bên kia trước khi từ chối cho hưởng lợi ích. Nếu Bên từ chối cho hưởng lợi ích thông báo, Bên từ chối cho hưởng lợi ích phải tham vấn với Bên kia khi Bên kia yêu cầu.

Điều 8.15: Tham vấn khi thực hiện biện pháp tự vệ

Trong trường hợp việc thực hiện Chương này gây nên tác động bất lợi đáng kể đối với một ngành dịch vụ của một Bên, Bên bị ảnh hưởng có thể yêu cầu tham vấn với Bên kia nhằm mục đích thảo luận về bất kỳ biện pháp nào đối với ngành dịch vụ bị ảnh hưởng. Bất kỳ biện pháp nào thực hiện theo quy định tại Điều này phải được các Bên nhất trí. Bên kia phải cân nhắc tình huống của vụ việc cụ thể và xem xét nghiêm túc đối với việc Bên này đang tìm kiếm áp dụng một biện pháp.

Điều 8.16: Trợ cấp

1. Nếu trợ cấp hoặc tài trợ của một Bên ảnh hưởng đáng kể đến thương mại dịch vụ cam kết trong Chương này, Bên kia có thể yêu cầu tham vấn nhằm tìm ra giải pháp thân thiện cho vấn đề này.

2. Theo Chương này, một Bên phải cung cấp thông tin về trợ cấp liên quan đến thương mại dịch vụ cam kết trong Chương này theo yêu cầu của Bên kia.

Điều 8.17: Sửa đổi Biểu cam kết

1. Một Bên có thể sửa đổi hoặc rút bỏ bất kỳ cam kết nào trong Biểu cam kết cụ thể của mình vào bất kỳ thời điểm nào sau 3 năm kể từ ngày các cam kết có hiệu lực, với điều kiện:

(a) Bên đó thông báo cho Bên kia ý định sửa đổi hoặc rút bỏ cam kết không muộn hơn 3 tháng trước ngày dự kiến thực hiện sửa đổi hoặc rút bỏ; và

(b) Bên đó tiến hành đàm phán với Bên kia để thống nhất sự điều chỉnh đền bù cần thiết.

2. Khi thống nhất sự điều chỉnh đền bù, các Bên phải đảm bảo mức độ chung của cam kết cùng có lợi là không kém thuận lợi hơn cho thương mại so với cam kết trong Biểu cam kết cụ thể trước khi đàm phán.

Điều 8.18: Các Điều khoản khác

Phụ lục 8-A đến 8-D và tất cả các văn kiện pháp lý trong tương lai được thống nhất theo Chương này sẽ trở thành một phần không tách rời của Hiệp định này.

Điều 8.19: Đàm phán lại dựa trên cách tiếp cận chọn bỏ

1. Nếu, sau khi Hiệp định này có hiệu lực, một Bên phê chuẩn bất kỳ hiệp định nào về thương mại dịch vụ áp dụng cách tiếp cận chọn bỏ với một hoặc một số bên không phải thành viên của Hiệp định, Bên kia có thể yêu cầu đàm phán lại các Chương và Phụ lục liên quan tới thương mại dịch vụ và đầu tư dựa trên cách tiếp cận chọn bỏ.

2. Khi nhận được yêu cầu, và tùy thuộc việc đáp ứng thủ tục và yêu cầu trong nước của mỗi Bên, các Bên sẽ tiến hành đàm phán với mục tiêu hoàn thành đàm phán trong vòng 1 năm.

3. Các Bên khi tiến hành đàm phán phải tính đến lợi ích cân bằng tổng thể giữa các Bên trong các lĩnh vực được các Bên cùng nhất trí. Trong bất kỳ trường hợp nào, các Bên không được làm giảm mức độ cam kết tự do hóa của Hiệp định này khi đàm phán.

4. Không Bên nào được viện dẫn tới Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Điều này.

Điều 8.20: Định nghĩa

Đối với Chương này:

dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay là các hoạt động được tiến hành với một chiếc máy bay hoặc một bộ phận của máy bay khi máy bay không hoạt động dịch vụ và không bao gồm dịch vụ được gọi là “bảo trì trên đường bay”.

hiện diện thương mại là bất kỳ loại hình tổ chức kinh doanh hay tổ chức nghề nghiệp nào, bao gồm:

(a) việc thành lập, sáp nhập hoặc duy trì một pháp nhân; hoặc

(b) việc thiết lập hoặc duy trì một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trong lãnh thổ của một Bên với mục đích cung cấp dịch vụ;

dịch vụ đặt vé qua hệ thống máy tính (CRS) là các dịch vụ được cung cấp qua hệ thống máy tính gồm thông tin về lịch trình máy bay chuyên chở, tình trạng chỗ, giá vé và quy tắc về giá vé, mà thông qua hệ thống đó có thể đặt chỗ hay phát hành vé;

pháp nhân của Bên kia là pháp nhân hoặc:

(a) được thành lập hoặc tổ chức theo luật và quy định trong nước của Bên kia, và có hoạt động kinh doanh đáng kể trong lãnh thổ của Bên kia; hoặc

(b) trong trường hợp việc cung cấp dịch vụ được thực hiện thông qua hiện diện thương mại, được sở hữu hoặc kiểm soát bởi người là:

(i) thể nhân của Bên kia; hoặc

(ii) pháp nhân của Bên kia được xác định theo điểm (a).

một pháp nhân:

(i) được sở hữu bởi người của một Bên nếu người của Bên này nắm giữ trên 50% cổ phần của pháp nhân này;

(ii) được kiểm soát bởi người của một Bên nếu người này có quyền chỉ định đa số thành viên ban giám đốc hoặc điều hành hoạt động của pháp nhân đó một cách hợp pháp; hoặc

(iii) là thành viên Iiên kết với người khác khi pháp nhân đó kiểm soát hoặc chịu kiểm soát bởi người khác; hoặc khi pháp nhân và người khác cùng chịu sự kiểm soát bởi cùng một người;

nhà cung cấp dịch vụ độc quyền là bất kỳ người nào, dù là thuộc khu vực công hay tư nhân, được một Bên cho phép, hay được thành lập một cách chính thức hay trên thực tế là nhà cung cấp duy nhất dịch vụ đó, trong phạm vi thị trường tương ứng của lãnh thổ của Bên này;

thể nhân của Bên kia là một thể nhân cư trú trong lãnh thổ của Bên kia hoặc bất kỳ nơi nào khác, và là công dân của Bên kia theo luật và quy định của Bên này;

ngành dịch vụ là:

(a) một hoặc nhiều hoặc tất cả các phân ngành của một ngành dịch vụ, có liên quan đến một cam kết cụ thể, chi tiết trong Biểu cam kết cụ thể của một Bên; hoặc

(b) nếu không thì sẽ là toàn bộ ngành dịch vụ đó, bao gồm tất cả các phân ngành.

bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không là các cơ hội đối với các hãng vận tải hàng không liên quan được tự do bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không của mình, gồm tất cả các hình thức tiếp thị như nghiên cứu thị trường, quảng cáo và phân phối. Các hoạt động này không bao gồm việc định giá của dịch vụ vận tải hàng không hoặc các điều kiện áp dụng;

dịch vụ bao gồm bất cứ dịch vụ nào trong bất cứ ngành nào trừ các dịch vụ cung cấp thuộc thẩm quyền chính phủ;

người tiêu dùng dịch vụ là bất kỳ người nào tiếp nhận hoặc sử dụng một dịch vụ;

dịch vụ của Bên kia là dịch vụ được cung cấp:

(a) từ hoặc trong lãnh thổ của Bên kia, hoặc trong trường hợp vận tải hàng hải, được cung cấp bởi tàu được đăng ký theo luật và quy định trong nước của Bên kia, hoặc bởi một người của Bên kia cung cấp dịch vụ thông qua vận hành hoặc sử dụng một phần hoặc toàn bộ con tàu; hoặc

(b) bởi một nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, trong trường hợp việc cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại hoặc hiện diện thể nhân;

dịch vụ được cung cấp thuộc thẩm quyền của chính phủ là bất kỳ dịch vụ nào được cung cấp không trên cơ sở thương mại, cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ;

nhà cung cấp dịch vụ là bất kỳ nhà cung cấp một dịch vụ nào;6

cung cấp dịch vụ bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán và cung cấp dịch vụ;

thương mại dịch vụ được định nghĩa là sự cung cấp dịch vụ:

(a) từ lãnh thổ của một Bên sang lãnh thổ của Bên kia;

(b) trong lãnh thổ của một Bên cho người tiêu dùng dịch vụ của Bên kia;

(c) bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một Bên, thông qua hiện diện thương mại trên lãnh thổ của Bên kia; hoặc

(d) bởi một nhà cung cấp dịch vụ của một Bên thông qua hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của Bên kia;

thương quyền là quyền đối với các dịch vụ có lịch trình hoặc không có lịch trình vận hành hoặc chuyên chở hành khách, hàng hóa, thư tín có thu phí hoặc được thuê từ, trong hoặc qua lãnh thổ của một Bên, gồm các điểm được phục vụ, các chặng được hoạt động, loại hình chuyên chở, năng lực cung cấp, phí phải trả và các điều kiện liên quan và tiêu chí chỉ định hãng hàng không, gồm cả tiêu chí về số hiệu, quyền sở hữu và kiểm soát.

 

PHỤ LỤC 8-A

DỊCH VỤ TÀI CHÍNH

1. Phạm vi

Phụ lục này áp dụng đối với các biện pháp tác động đến việc cung cấp dịch vụ tài chính.

2. Ngoại lệ thận trọng7, ổn định tài chính và tỷ giá

(a) Dù có các quy định khác trong Hiệp định này, một Bên sẽ không bị ngăn cản trong việc thực hiện các biện pháp vì lý do thận trọng8, bao gồm các biện pháp để bảo hộ nhà đầu tư, người gửi tiền, người có hợp đồng bảo hiểm hoặc những người mà nhiệm vụ ủy thác do một nhà cung cấp dịch vụ tài chính nắm giữ, để đảm bảo tính thống nhất và sự ổn định của hệ thống tài chính, hoặc để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá9 bao gồm cả việc ngăn chặn dòng vốn đầu cơ, đáp ứng các điều kiện sau:

(i) khi các biện pháp nêu trên trái với các quy định của Hiệp định này, các biện pháp đó sẽ không được sử dụng như là một phương thức để lẩn tránh những cam kết hoặc nghĩa vụ của một Bên theo Hiệp định này;

(ii) đối với các biện pháp để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá bao gồm cả việc ngăn chặn dòng vốn đầu cơ, các biện pháp này sẽ không quá mức cần thiết và sẽ bị loại bỏ trong vòng một năm hoặc khi không đủ cơ sở giải thích cho việc thiết lập hoặc duy trì các biện pháp này; và

(iii) đối với các biện pháp để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá bao gồm cả việc ngăn chặn dòng vốn đầu cơ, các biện pháp này sẽ được áp dụng trên cơ sở nghĩa vụ tối huệ quốc.

(b) Không có điều khoản nào trong Hiệp định này được hiểu là nhằm yêu cầu một Bên tiết lộ những thông tin liên quan đến tình hình và tài khoản của người tiêu dùng dịch vụ cá nhân hoặc bất kỳ thông tin mật hoặc độc quyền nào thuộc sở hữu của các tổ chức công.

(c) Không ảnh hưởng đến các phương thức khác của quy định thận trọng của thương mại qua biên giới trong dịch vụ tài chính, một Bên có thể yêu cầu việc đăng ký đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới của Bên kia và các công cụ tài chính.

3. Minh bạch hóa

(a) Các Bên công nhận rằng các quy định và chính sách minh bạch điều chỉnh các hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài và hoạt động của các nhà cung cấp này trên các thị trường của nhau. Mỗi Bên cam kết thúc đẩy tính minh bạch đối với các quy định quản lý dịch vụ tài chính.

(b) Mỗi Bên phải đảm bảo rằng tất cả các quy định áp dụng chung chịu sự điều chỉnh của Phụ lục này được quản lý một cách hợp lý, khách quan và bình đẳng.

(c) Mỗi Bên, trong phạm vi có thể:

(i) phải công bố trước bất kỳ quy định áp dụng chung nào liên quan đến nội dung của Phụ lục này mà Bên đó đề xuất thông qua và mục đích của quy định đó;

(ii) phải tạo điều kiện thích hợp cho các cá nhân quan tâm và Bên kia để góp ý10 đối với các quy định được đề xuất; và

(iii) vào thời điểm thông qua quy định cuối cùng, thể hiện bằng văn bản những ý kiến trọng yếu của các cá nhân quan tâm về các quy định được đề xuất.

(d) Mỗi Bên sẽ quy định một khoảng thời gian hợp lý kể từ khi công bố các quy định áp dụng chung cuối cùng cho tới ngày có hiệu lực của các quy định đó, phù hợp với pháp luật trong nước.

(e) Mỗi Bên phải duy trì hoặc thành lập các cơ chế thích hợp để phản hồi các thắc mắc từ các cá nhân quan tâm về các quy định áp dụng chung chịu sự điều chỉnh của Phụ lục này.

(f) Các cơ quan quản lý của mỗi Bên phải công khai các yêu cầu, bao gồm các tài liệu cần thiết, để hoàn thiện hồ sơ liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính.

(g) Trên cơ sở yêu cầu của người nộp đơn, cơ quan quản lý của một Bên phải thông báo cho người nộp đơn về tình trạng của hồ sơ. Nếu cơ quan chức năng yêu cầu thêm thông tin từ người nộp đơn, cơ quan đó phải thông báo cho người nộp đơn trong khoảng thời gian mà pháp luật quy định.

(h) Cơ quan quản lý của một Bên phải đưa ra một quyết định hành chính trên cơ sở một bộ hồ sơ đầy đủ về việc cung cấp một dịch vụ tài chính của một tổ chức tài chính, hoặc một nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới của Bên kia trong vòng 180 ngày11, và phải ngay lập tức thông báo quyết định cho người nộp đơn. Một bộ hồ sơ sẽ không được coi là đầy đủ cho đến khi giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan đã được trình bày và nhận được tất cả các thông tin cần thiết. Trong trường hợp không thể đưa ra quyết định trong vòng 180 ngày, cơ quan quản lý phải thông báo cho người nộp đơn mà không trì hoãn thái quá và nỗ lực đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian hợp lý sau đó.

(i) Trên cơ sở yêu cầu của người nộp đơn bị từ chối, cơ quan quản lý đã từ chối đơn, trong phạm vi có thể, phải thông báo cho người nộp đơn những lý do từ chối đơn.

4. Hệ thống thanh toán và bù trừ

Theo các điều khoản và điều kiện của nghĩa vụ đối xử quốc gia, mỗi Bên phải cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Bên kia đã được thành lập trên lãnh thổ của mình tiếp cận với các hệ thống thanh toán và bù trừ do các tổ chức công vận hành và tiếp cận với các công cụ tài trợ và cho vay lại chính thức sẵn có trong quá trình kinh doanh thông thường. Điều khoản này không nhằm mục đích cho phép tiếp cận với công cụ người cho vay cuối cùng của một Bên.

5. Dịch vụ tài chính mới

Mỗi Bên sẽ nỗ lực cho phép nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Bên kia đã được thành lập trên lãnh thổ của mình cung cấp bất kỳ dịch vụ tài chính mới nào mà Bên đó, trong những trường hợp tương tự, theo pháp luật trong nước, sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của mình cung cấp, với điều kiện là việc đưa ra dịch vụ tài chính mới đó không đòi hỏi phải ban hành luật mới hoặc sửa đổi pháp luật hiện hành. Một Bên có thể xác định hình thức thể chế và pháp lý mà qua đó dịch vụ tài chính mới có thể được cung cấp và có thể yêu cầu cấp phép để cung cấp dịch vụ. Trường hợp một Bên yêu cầu phải xin giấy phép, quyết định phải được đưa ra trong một khoảng thời gian hợp lý và việc cấp phép chỉ có thể bị từ chối vì các lý do thận trọng12.

6. Xử lý dữ liệu

(a) Mỗi Bên phải cho phép nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Bên kia đã được thành lập trên lãnh thổ của mình chuyển thông tin dưới dạng điện tử hoặc dạng khác, vào và ra khỏi lãnh thổ của Bên đó nhằm xử lý dữ liệu trong trường hợp việc xử lý đó là cần thiết trong quá trình kinh doanh thông thường của nhà cung cấp dịch vụ tài chính đó.

(b) Không có quy định nào trong đoạn (a) hạn chế quyền của một Bên trong việc thông qua hoặc duy trì các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân, và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải được cơ quan quản lý hữu quan, trên cơ sở các cân nhắc thận trọng, cấp phép trước khi chuyển các thông tin đó.

7. Ngoại lệ cụ thể

(a) Không có quy định nào trong Phụ lục này được hiểu là ngăn cản một Bên, bao gồm cả các tổ chức công của Bên đó, thực hiện hoặc cung cấp một cách độc quyền trên lãnh thổ của mình các hoạt động hoặc các dịch vụ tạo thành một bộ phận của hệ thống luật pháp về an sinh xã hội hay các chương trình hưu trí công, trừ khi các hoạt động đó có thể do các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thực hiện nhằm cạnh tranh với các tổ chức công hoặc tổ chức tư nhân theo quy định trong nước của Bên đó.

(b) Không có quy định nào trong Hiệp định này áp dụng đối với các hoạt động do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý tiền tệ hoặc bất kỳ tổ chức công nào khác thực hiện nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ hoặc tỷ giá.

(c) Không có quy định nào trong Phụ lục này được hiểu là ngăn cản một Bên, bao gồm cả các tổ chức công của Bên đó, thực hiện hoặc cung cấp một cách độc quyền trên lãnh thổ của mình các hoạt động hoặc các dịch vụ vì lợi ích hoặc dưới sự bảo lãnh hoặc sử dụng nguồn tài chính của Bên đó, bao gồm cả các tổ chức công của Bên đó trừ khi các hoạt động đó có thể do các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thực hiện nhằm cạnh tranh với các tổ chức công hoặc tổ chức tư nhân theo quy định trong nước của Bên đó.

8. Giải quyết tranh chấp

(a) Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) sẽ áp dụng để giải quyết các tranh chấp về dịch vụ tài chính chỉ phát sinh theo Phụ lục này, trừ các trường hợp khác quy định trong điều khoản này.

(b) Bất kể quy định tại Điều 15.8 (Thành phần Tòa trọng tài), nếu các Bên nhất trí, tòa trọng tài và các trọng tài viên được lựa chọn cho việc giải quyết tranh chấp về dịch vụ tài chính chỉ phát sinh theo Phụ lục này phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cũng như pháp luật liên quan tới dịch vụ tài chính, trong đó có thể bao gồm cả các quy định về các nhà cung cấp dịch vụ tài chính.

9. Công nhận

(a) Một Bên có thể công nhận các biện pháp thận trọng của Bên kia khi xác định cách thức áp dụng những biện pháp về dịch vụ tài chính của Bên đó. Việc công nhận đó có thể được tiến hành thông qua hài hòa hóa hoặc theo một cách khác, có thể dựa trên thỏa thuận hoặc hiệp định giữa các Bên, hoặc có thể được công nhận theo quy định của một Bên.

(b) Một Bên là thành viên của một hiệp định hoặc thỏa thuận được nêu tại đoạn (a) với một Bên thứ ba, bất kể tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc sau đó, phải tạo cơ hội thích hợp cho Bên kia được đàm phán tham gia hiệp định hoặc thỏa thuận đó, hoặc đàm phán về thỏa thuận hoặc hiệp định tương tự trong trường hợp có thể có những quy định, việc giám sát và thực hiện những quy định đó tương tự, và nếu có thể, những thủ tục liên quan đến chia sẻ thông tin giữa các Bên tham gia hiệp định hoặc thỏa thuận đó. Khi một Bên thực hiện việc công nhận theo quy định của Bên đó, Bên đó phải tạo đầy đủ cơ hội cho Bên kia trình bày về sự tồn tại những tình huống cho việc công nhận.

10. Ủy ban về dịch vụ tài chính

(a) Bằng điều khoản này, các Bên thành lập một Ủy ban về dịch vụ tài chính (dưới đây gọi là “Ủy ban”) bao gồm các cán bộ chịu trách nhiệm về dịch vụ tài chính của mỗi Bên như sau:

(i) đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính; và

(ii) đối với Hàn Quốc, Ủy ban Dịch vụ tài chính và Bộ Chiến lược và Tài chính;

hoặc cơ quan kế nhiệm tương ứng.

(b) Ủy ban sẽ:

(i) giám sát việc thực hiện Phụ lục này;

(ii) xem xét các vấn đề liên quan đến dịch vụ tài chính do một Bên giao cho, bao gồm cách thức để các Bên hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; và

(iii) tham gia vào các thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 8 của Phụ lục này.

(c) Ủy ban sẽ họp như thỏa thuận để đánh giá vai trò của Hiệp định này khi nó được áp dụng đối với các dịch vụ tài chính.

11. Tham vấn

(a) Một Bên có thể yêu cầu tham vấn với Bên kia về bất kỳ vấn đề nào có tác động đến dịch vụ tài chính phát sinh trong khuôn khổ Hiệp định này. Bên kia phải xem xét một cách thỏa đáng đối với yêu cầu đó. Các Bên phải báo cáo kết quả tham vấn lên Ủy ban.

(b) Tham vấn tại Điều này bao gồm các cán bộ của các cơ quan chức năng quy định tại đoạn 10(a) của Phụ lục này.

12. Định nghĩa

Đối với Phụ lục này:

dịch vụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính do một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một Bên thực hiện. Dịch vụ tài chính bao gồm các dịch vụ dưới đây:

(a) dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm:

(i) bảo hiểm trực tiếp (bao gồm đồng bảo hiểm), nhân thọ, phi nhân thọ;

(ii) tái bảo hiểm và tái nhượng bảo hiểm;

(iii) trung gian bảo hiểm, như môi giới và đại lý; và

(iv) dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm, như dịch vụ tư vấn, thống kê, đánh giá rủi ro và giải quyết khiếu nại; và

(b) ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác (trừ bảo hiểm):

(i) nhận tiền gửi và các khoản tiền có thể thanh toán khác từ công chúng;

(ii) cho vay dưới các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao thanh toán và tài trợ các giao dịch thương mại;

(iii) thuê mua tài chính;

(iv) mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và ghi nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng;

(v) bảo lãnh và cam kết;

(vi) kinh doanh tài khoản riêng hoặc tài khoản của khách hàng, dù tại sở giao dịch và trên thị trường không chính thức, hoặc các giao dịch khác về:

(A) công cụ thị trường tiền tệ (gồm séc, hóa đơn, chứng chỉ tiền gửi);

(B) ngoại hối;

(C) các sản phẩm phái sinh, bao gồm nhưng không hạn chế các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;

(D) các công cụ tỷ giá hối đoái và lãi suất, bao gồm các sản phẩm như thỏa thuận hoán đổi, thỏa thuận lãi suất kỳ hạn;

(E) chứng khoán có thể chuyển nhượng; và

(F) các công cụ có thể chuyển nhượng khác và tài sản tài chính, bao gồm vàng nén;

(vii) tham gia phát hành mọi loại chứng khoán, bao gồm bảo lãnh phát hành và chào bán như đại lý (dù công khai hoặc theo thỏa thuận riêng) và cung cấp dịch vụ liên quan tới việc phát hành đó;

(viii) môi giới tiền tệ;

(ix) quản lý tài sản, như quản lý tiền mặt hoặc danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, dịch vụ giám hộ, lưu ký và ủy thác;

(x) các dịch vụ thanh toán và bù trừ tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm tài chính phái sinh và các công cụ có thể đàm phán khác;

(xi) cung cấp và chuyển thông tin về tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan; và

(xii) các dịch vụ về tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác liên quan đến các hoạt động nêu từ điểm (i) đến (xi), kể cả tham khảo và phân tích tín dụng, nghiên cứu và tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại và về tái cơ cấu và chiến lược doanh nghiệp.

nhà cung cấp dịch vụ tài chính là thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên muốn cung cấp hoặc đang cung cấp những dịch vụ tài chính nhưng không bao gồm tổ chức công;

dịch vụ tài chính mới là một dịch vụ có bản chất tài chính, bao gồm các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm hoặc cách thức cung cấp sản phẩm mới và hiện hành, chưa được cung cấp bởi một nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong lãnh thổ của một Bên nhưng được cung cấp trong lãnh thổ của Bên kia; và

tổ chức công là:

(a) chính phủ, ngân hàng trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý tiền tệ của một Bên, hoặc một tổ chức do một Bên sở hữu hoặc kiểm soát, chủ yếu thực hiện chức năng chính phủ hoặc các hoạt động vì mục đích của chính phủ, không bao gồm tổ chức chủ yếu cung cấp những dịch vụ tài chính trên cơ sở những điều kiện thương mại; hoặc

(b) một tổ chức tư nhân, thực hiện các chức năng thông thường vẫn do một ngân hàng trung ương hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý tiền tệ thực hiện.

 

PHỤ LỤC 8-B

VIỄN THÔNG

1. Phạm vi

(a) Phụ lục này sẽ áp dụng đối với các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên mà ảnh hưởng đến thương mại mạng và dịch vụ viễn thông công cộng.

(b) Ngoại trừ việc đảm bảo các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khai thác các đài và hệ thống cáp phát thanh và truyền hình quảng bá tiếp tục được quyền truy nhập và sử dụng dịch vụ và mạng viễn thông công cộng, Phụ lục này sẽ không áp dụng đối với bất cứ biện pháp nào liên quan đến quảng bá hoặc phân phối qua cáp các chương trình phát thanh và truyền hình.

(c) Không có điều khoản nào trong Phụ lục này được hiểu là:

(i) đòi hỏi một Bên, hoặc đòi hỏi một Bên buộc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, phải thiết lập, xây dựng, mua, thuê, khai thác hoặc cung cấp dịch vụ hay mạng viễn thông không được cung cấp ra công cộng; hoặc

(ii) đòi hỏi một Bên buộc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ độc quyền trong lĩnh vực quảng bá hoặc phân phối qua cáp chương trình phát thanh hoặc truyền hình phải dành cơ sở hạ tầng quảng bá hay hệ thống cáp truyền dẫn để làm mạng viễn thông công cộng.

2. Truy cập và sử dụng dịch vụ13

(a) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các nhà cung ứng dịch vụ của Bên kia có quyền truy nhập và sử dụng bất cứ mạng và dịch vụ viễn thông công cộng nào, bao gồm cả các kênh đi thuê, mà được cung cấp trong phạm vi lãnh thổ hoặc qua biên giới của Bên đó, trên cơ sở những điều khoản và điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử, bao gồm các điều khoản được quy định từ mục (b) đến mục (f) dưới đây.

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của Bên kia được phép:

(i) mua hoặc thuê, và gắn các thiết bị đầu cuối hoặc thiết bị khác mà giao tiếp với một mạng viễn thông công cộng, cần thiết cho việc cung cấp các dịch vụ của doanh nghiệp đó;

(ii) kết nối các kênh riêng hoặc kênh, đi thuê của mình, với mạng và dịch vụ viễn thông công cộng hoặc với các kênh riêng hoặc kênh đi thuê của nhà cung ứng dịch vụ khác;14

(iii) sử dụng các giao thức khai thác do mình lựa chọn để cung cấp dịch vụ, ngoại trừ khi cần đảm bảo sự sẵn có của các mạng và dịch vụ viễn thông công cộng phục vụ công chúng.

(c) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của Bên kia có thể sử dụng các mạng và dịch vụ viễn thông công cộng để lưu chuyển thông tin trong phạm vi quốc gia hoặc qua biên giới, bao gồm truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp, và để truy cập thông tin được chứa trong các cơ sở dữ liệu hoặc dạng khác mà được lưu trữ dưới dạng có thể đọc được trên lãnh thổ của bất cứ Bên nào.

(d) Tuy có quy định như mục (c), nhưng một Bên vẫn có thể đưa ra những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh và bảo mật các thông tin, với điều kiện những biện pháp này không được áp dụng theo cách tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc hạn chế trá hình đối với thương mại dịch vụ.

(e) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng không có điều kiện nào được đặt ra đối với việc truy cập và sử dụng mạng và dịch vụ viễn thông công cộng, ngoại trừ các điều kiện đó là sự cần thiết để:

(i) bảo hộ các nghĩa vụ dịch vụ công của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và mạng viễn thông công cộng, đặc biệt là khả năng để các doanh nghiệp cung ứng các mạng hoặc dịch vụ của họ cho công chúng;

(ii) bảo vệ tính thống nhất kỹ thuật của các mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng; hoặc

(iii) đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của Bên kia không cung cấp các dịch vụ trừ khi các dịch vụ đó được phép cung cấp theo các cam kết trong Biểu cam kết cụ thể của Bên đó.

(f) Quy định rằng các điều kiện đáp ứng các tiêu chí đã được đặt ra tại mục (e), các điều kiện được đặt ra đối với việc truy cập và sử dụng dịch vụ và mạng viễn thông công cộng có thể bao gồm:

(i) hạn chế đối với việc bán lại hoặc chia sẻ việc sử dụng các dịch vụ đó;

(ii) yêu cầu sử dụng các giao diện kỹ thuật nhất định, bao gồm các giao thức giao diện để kết nối với các dịch vụ hay mạng đó;

(iii) những yêu cầu, khi cần thiết, đối với khả năng tương thích của các mạng và dịch vụ đó;

(iv) việc phê duyệt chủng loại thiết bị đầu cuối hoặc các thiết bị khác mà có giao diện kết nối với mạng, và các yêu cầu kỹ thuật đối với việc gắn các thiết bị này vào mạng đó;

(v) hạn chế việc kết nối kênh đi thuê hay kênh của mình với các mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng hoặc với các kênh đi thuê hoặc kênh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khác; hoặc

(vi) thủ tục thông báo, đăng ký và cấp phép.

3. Bảo hộ cạnh tranh

(a) Mỗi Bên sẽ cấm các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng, một mình hoặc liên kết, mà là các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình không được thực hiện hoặc duy trì các hành vi phản cạnh tranh.

(b) Các hành vi phản cạnh tranh được quy định trong điều khoản này sẽ bao gồm:

(i) tham gia vào việc trợ cấp chéo phản cạnh tranh;

(ii) sử dụng các thông tin có được từ đối thủ cạnh tranh với mục đích phản cạnh tranh; và

(iii) không cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hay mạng viễn thông khác những thông tin kỹ thuật về cơ sở hạ tầng thiết yếu hoặc các thông tin thương mại liên quan, mà những thông tin đó là cần thiết đối với các doanh nghiệp đó để cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng.

4. Thủ tục cấp phép

(a) Khi một Bên có yêu cầu một doanh nghiệp cung ứng mạng và dịch vụ viễn thông công cộng phải có giấy phép, Bên đó sẽ phải công khai:

(i) toàn bộ các tiêu chí cấp phép và các thủ tục áp dụng;

(ii) thời hạn thông thường để đi đến một quyết định liên quan đến yêu cầu cấp phép; và

(iii) các điều khoản và điều kiện của tất cả các loại giấy phép đang có hiệu lực.

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, nếu có yêu cầu, người nộp đơn xin cấp phép sẽ nhận được những lý do từ chối cấp phép.

5. Kết nối15

(a) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp chủ đạo trên lãnh thổ quốc gia của mình cung cấp kết nối cho các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông của Bên kia tại bất cứ điểm nào trên mạng của doanh nghiệp chủ đạo đó mà khả thi về mặt kỹ thuật. Những kết nối này sẽ:

(i) được cung cấp kịp thời, trên cơ sở những điều khoản và điều kiện (bao gồm cả các tiêu chuẩn và các thông số kỹ thuật), và với cước kết nối dựa trên chi phí, hợp lý (có xem xét đến tính khả thi về mặt kinh tế), không phân biệt đối xử và minh bạch;

(ii) được bóc tách một cách đầy đủ, để doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông đang có nhu cầu kết nối không phải trả tiền cho những phần từ mạng hay các trang thiết bị mạng không liên quan đến việc cung ứng dịch vụ đó;

(iii) được cung ứng với chất lượng không thấp hơn so với chất lượng mà doanh nghiệp chủ đạo cung cấp cho dịch vụ tương tự của chính doanh nghiệp đó hoặc dịch vụ tương tự của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ không liên kết, hoặc của các công ty con hoặc các tổ chức liên kết của doanh nghiệp chủ đạo này; và

(iv) được cung cấp trên cơ sở yêu cầu, tại các điểm kết nối ngoài các điểm đầu cuối trên mạng lưới được cung cấp cho đa số người sử dụng, với giá cước phản ánh chi phí cần thiết để xây dựng thêm các trang thiết bị phục vụ kết nối.

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các điều kiện, điều khoản và giá cước (bao gồm các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật) đối với việc kết nối giữa các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình và các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng của Bên kia có thể được thiết lập (tối thiểu):

(i) thông qua đàm phán thương mại; hoặc

(ii) thông qua dẫn chiếu đến một bộ những điều khoản, điều kiện và giá cước tiêu chuẩn mà doanh nghiệp chủ đạo đó đưa ra chung cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hay mạng viễn thông công cộng khác, và bộ đó phải được phê duyệt hoặc được hoặc được cơ quan quản lý viễn thông quy định.

(c) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các thủ tục kết nối với các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình phải được thông báo công khai.

(d) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình phải có những biện pháp hợp lý để bảo vệ tính bảo mật đối với các thông tin thương mại nhạy cảm, hoặc thông tin liên quan đến các doanh nghiệp và người sử dụng cuối cùng của các dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng mà doanh nghiệp chủ đạo có được từ các thỏa thuận kết nối và doanh nghiệp chủ đạo chỉ được sử dụng những thông tin đó vào mục đích cung cấp các dịch vụ kết nối.

6. Chung điểm đặt thiết bị16

(a) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình phải:

(i) cung cấp cho các doanh nghiệp cung ứng các mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng có cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của Bên kia chung điểm đặt thiết bị vật lý cần thiết để kết nối; và

(ii) trong trường hợp chung điểm vật lý theo quy định ở mục (i) không khả thi vì lý do kỹ thuật hoặc vì không gian đặt thiết bị hạn chế, hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng có hạ tầng nằm trên lãnh thổ của Bên kia để tìm và triển khai các giải pháp thay thế có tính thực tiễn và thương mại.17

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình phải cung cấp chung điểm đặt thiết bị vật lý hoặc các giải pháp thay thế có tính thương mại và thực tiễn theo quy định tại mục (a) một cách kịp thời và trên cơ sở các điều khoản, điều kiện (bao gồm các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật) và giá cước một cách hợp lý (có xem xét đến tính khả thi về mặt kinh tế), không phân biệt đối xử và minh bạch.

(c) Mỗi Bên có thể quyết định, theo quy định pháp luật của mình, các vị trí mà buộc các doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình phải cung cấp chung điểm đặt vật lý hoặc các giải pháp thay thế như quy định tại mục (a).

7. Dịch vụ kênh đi thuê18

Trừ khi không khả thi về mặt kỹ thuật, Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình phải luôn sẵn sàng cung ứng dịch vụ kênh đi thuê (là dịch vụ viễn thông công cộng) cho doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng của Bên kia một cách kịp thời, và trên cơ sở các điều khoản, điều kiện (bao gồm các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật) và với giá cước hợp lý (có xem xét đến tính khả thi về mặt kinh tế), không phân biệt đối xử và minh bạch.

8. Bán lại19

Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng doanh nghiệp chủ đạo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình không được đặt ra các điều kiện hay hạn chế một cách bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử trong việc bán lại các dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng của mình.

9. Chuyển mạng giữ số20

Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình phải cung cấp khả năng chuyển mạng giữ số đối với các dịch vụ điện thoại di động khi có tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật, và trên cơ sở các điều khoản và điều kiện hợp lý.

10. Cơ quan quản lý viễn thông

(a) Mỗi Bên sẽ thiết lập hoặc duy trì, như là một phần của khung pháp lý trong nước, một cơ quan quản lý viễn thông.

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng mọi cơ quan quản lý viễn thông mà được thiết lập hoặc duy trì phải độc lập, không có trách nhiệm, đối với bất cứ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng nào.

(c) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các chức năng và trách nhiệm của cơ quan hoặc các cơ quan quản lý viễn thông sẽ bao gồm cả việc thực thi các cam kết được quy định tại khoản 5, và mọi thẩm quyền ban hành quyết định của mình sẽ phải được quy định trong quy định pháp luật trong nước của mỗi Bên.

(d) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các quyết định, và các thủ tục được áp dụng bởi một hoặc nhiều cơ quan quản lý viễn thông phải mang tính công tâm đối với mọi thực thể có liên quan.

(e) Mỗi Bên sẽ đảm bảo bất cứ doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng của Bên kia mà bị thiệt hại hoặc những quyền lợi của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định của cơ quan quản lý viễn thông của Bên đó, có thể được một tòa tư pháp, trọng tài hoặc hành chính hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định đó theo thủ tục tư pháp, trọng tài hoặc hành chính. Khi các thủ tục mà không độc lập với cơ quan quản lý viễn thông, Bên đó sẽ đảm bảo các thủ tục đó trên thực tế được xem xét một cách khách quan và công tâm.

11. Dịch vụ phổ cập

Mỗi Bên sẽ quản lý bất cứ nghĩa vụ dịch vụ phổ cập nào mà nó duy trì một cách minh bạch, không phân biệt đối xử và trung lập cạnh tranh, đồng thời sẽ đảm bảo rằng nghĩa vụ dịch vụ phổ cập đó không trở thành gánh nặng quá mức cần thiết đối với loại hình dịch vụ phổ cập đó mà nó được xác định.

12. Phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên quý hiếm

(a) Mỗi Bên sẽ quản trị các thủ tục của mình đối với việc phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên viễn thông quý hiếm, bao gồm tần số, kho số, và quyền đi cáp một cách khách quan, kịp thời, minh bạch và không phân biệt đối xử.

(b) Mỗi Bên sẽ công khai tình trạng hiện tại các băng tần được phân bổ, nhưng có quyền không cung cấp các thông số chi tiết các băng tần được phân bổ hay ấn định cho mục đích sử dụng của chính phủ.

(c) Các biện pháp phân bổ và ấn định phổ tần cũng như quản lý tần số của một Bên không phải là những biện pháp mà tự nó không phù hợp với Điều 8.4 (chương Tiếp cận thị trường). Theo đó, mỗi Bên được quyền thiết lập và áp dụng các chính sách quản lý tần số và phổ tần mà có thể có tác động làm hạn chế số lượng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng, với điều kiện chính sách đó phải tuân thủ với các quy định khác của Hiệp định này. Nguyên tắc này bao gồm khả năng phân bổ băng tần, có xem xét đến các nhu cầu hiện tại và tương lai, cũng như khả năng sẵn có của phổ tần.

13. Giải quyết tranh chấp viễn thông

(a) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng của Bên kia có thể đề nghị cơ quan quản lý viễn thông hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp của bên đó giải quyết những tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật nước đó.

(b) Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng bất cứ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng nào mà bị ảnh hưởng bởi quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý viễn thông hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan có thể có được sự xem xét tư pháp độc lập đối với các quyết định đó phù hợp với quy định pháp luật của Bên đó. Không Bên nào cho phép việc xem xét tư pháp độc lập này làm cơ sở để không thực hiện quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý viễn thông hay cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan, trừ khi cơ quan tư pháp liên quan đình chỉ hoặc bãi bỏ quyết định đó.

14. Minh bạch hóa

Cụ thể hơn đối với Điều 14.1 (Công bố), mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các thông tin liên quan đến điều kiện truy nhập và sử dụng dịch vụ và mạng viễn thông công cộng được công khai, bao gồm các thông tin về:

(a) bảng cước và các điều khoản, điều kiện của dịch vụ;

(b) các thông số giao diện kỹ thuật liên quan đến các mạng và dịch vụ đó;

(c) thông tin về các cơ quan có trách nhiệm trong việc chuẩn bị xây dựng, sửa đổi và thông qua các biện pháp liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật;

(d) các điều kiện áp dụng đối với việc gắn các thiết bị đầu cuối hoặc các thiết bị khác vào mạng viễn thông công cộng; và

(e) thủ tục thông báo, cho phép, đăng ký hoặc các yêu cầu về cấp phép, nếu có.

15. Liên quan đến các tổ chức quốc tế và hiệp định khác

Các Bên đều thừa nhận tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế đối với khả năng tương thích và phù hợp giữa các mạng và dịch vụ viễn thông trên phạm vi toàn cầu, và cam kết thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế đó thông qua hoạt động của các tổ chức quốc tế liên quan, bao gồm Liên minh Viễn thông quốc tế và Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn.

16. Khái niệm

Đối với mục đích của Phụ lục này:

chung điểm đặt thiết bị (về cơ học) nghĩa là việc tiếp cận vào một không gian để lắp đặt, duy trì hoặc sửa chữa các thiết bị tại địa điểm thuộc sở hữu hoặc kiểm soát và sử dụng bởi doanh nghiệp chủ đạo để cung ứng các dịch vụ viễn thông;

trên cơ sở chi phí nghĩa là dựa trên cơ sở chi phí và có thể bao gồm lợi nhuận hợp lý, và có thể bằng các phương pháp tính chi phí khác nhau được tính cho các trang thiết bị hoặc dịch vụ khác nhau;

người sử dụng cuối cùng nghĩa là người tiêu dùng hoặc thuê bao cuối cùng của một mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng, bao gồm cả doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mà không phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng;

phương tiện thiết yếu nghĩa là các trang thiết bị mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng mà:

(a) được cung ứng độc quyền hoặc chủ yếu bởi một hoặc một số lượng hạn chế các doanh nghiệp cung ứng; và

(b) không khả thi để có thể được thay thế về mặt kinh tế hoặc kỹ thuật nhằm cung cấp dịch vụ.

doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng nghĩa là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng mà:

(a) là các nhà khai thác có hạ tầng được cấp phép cung ứng dịch vụ ở Việt Nam; và

(b) là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mà sở hữu các trang thiết bị truyền dẫn phù hợp với Đạo luật kinh doanh viễn thông ở Hàn Quốc;

kết nối nghĩa là việc liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng để cho phép những người sử dụng của một doanh nghiệp này có thể liên lạc được với những người sử dụng của doanh nghiệp khác và để truy cập dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp khác;

kênh đi thuê nghĩa là phương tiện viễn thông giữa hai hay nhiều điểm xác định được thiết lập tách biệt nhằm mục đích dùng riêng của một người sử dụng nhất định, hoặc tính sẵn của phương tiện viễn thông cho một người sử dụng nhất định;

doanh nghiệp chủ đạo nghĩa là các nhà cung ứng dịch vụ có khả năng tác động về mặt vật chất, về giá cước và cung ứng dịch vụ, tới việc tham gia vào thị trường liên quan để cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng, hoặc trở thành một phần của thị trường, từ kết quả của việc:

(a) kiểm soát các phương tiện thiết yếu; hoặc

(b) sử dụng vị trí của mình trên thị trường;

không phân biệt đối xử nghĩa là sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử mà đã dành cho bất cứ người sử dụng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng tương tự khác, trong những hoàn cảnh tương tự;

chuyển mạng giữ số nghĩa là khả năng của người sử dụng dịch vụ viễn thông công cộng cuối cùng duy trì số điện thoại khi chuyển sang nhà cung ứng cùng loại dịch vụ viễn thông công cộng (di động) khác;

mạng viễn thông công cộng nghĩa là hạ tầng viễn thông công cộng mà cho phép liên lạc giữa và trong số các điểm đầu cuối mạng xác định;

dịch vụ viễn thông công cộng nghĩa là bất cứ dịch vụ viễn thông nào mà một Bên yêu cầu phải cung cấp ra công cộng một cách rõ ràng hoặc trên thực tế. Các dịch vụ này có thể bao gồm, không kể những cái khác, dịch vụ điện báo, điện thoại, truyền số liệu, có đặc trưng là liên quan đến việc truyền các thông tin được tạo ra bởi khách hàng với thời gian thực giữa hai hay nhiều điểm xác định mà không làm thay đổi về dạng hay nội dung thông tin giữa đầu thu và đầu phát thông tin;

viễn thông nghĩa là truyền và nhận các tín hiệu bởi bất cứ phương tiện điện tử nào;

cơ quan quản lý viễn thông nghĩa là bất cứ cơ quan hay các cơ quan trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình có trách nhiệm đối với việc quản lý nhà nước về viễn thông, theo luật của Bên đó; và

người sử dụng nghĩa là người sử dụng cuối cùng hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng.

 

PHỤ LỤC 8-C

DI CHUYỂN THỂ NHÂN

1. Phạm vi

(a) Phụ lục này áp dụng đối với các biện pháp ảnh hưởng đến việc di chuyển của thể nhân của một Bên vào trong lãnh thổ của Bên kia, theo các phân loại cụ thể trong Phụ lục 8-D.

(b) Phụ lục này không áp dụng đối với các biện pháp ảnh hưởng đến thể nhân của một Bên tìm cách gia nhập thị trường việc làm của Bên kia, cũng như các biện pháp về quyền công dân, việc cư trú hoặc việc làm lâu dài.

(c) Không quy định nào trong Phụ lục này ngăn cản một Bên áp dụng các biện pháp quy định việc nhập cảnh hay cư trú tạm thời của thể nhân một Bên vào lãnh thổ Bên kia, bao gồm các biện pháp cần thiết bảo vệ sự toàn vẹn biên giới và di chuyển của thể nhân có trật tự qua biên giới, với điều kiện những biện pháp này không được áp dụng theo cách thức nhằm vô hiệu hóa hoặc làm tổn hại lợi ích cho Bên kia theo Phụ lục này.

(d) Việc một Bên yêu cầu thể nhân của Bên kia phải thực hiện thủ tục nhập cảnh không được xem là vô hiệu hóa hoặc làm tổn hại lợi ích dành cho Bên kia theo Phụ lục này, hoặc làm tổn hại hay chậm trễ thương mại hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc việc thực hiện các hoạt động đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định này.

2. Mục tiêu

Mục tiêu của Phụ lục này là đặt ra các quyền và nghĩa vụ bổ sung ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định trong Chương này liên quan đến di chuyển của thể nhân giữa các Bên nhằm mục đích kinh doanh.

3. Thủ tục nộp đơn

(a) Sớm nhất có thể sau khi nhận hồ sơ xin nhập cảnh hoàn chỉnh, mỗi Bên phải đưa ra quyết định đối với hồ sơ và thông báo cho người nộp đơn về quyết định, bao gồm thời gian lưu trú và các điều kiện khác nếu đồng ý phê duyệt.

(b) Theo yêu cầu của người nộp đơn, một Bên khi nhận được hồ sơ nhập cảnh hoàn chỉnh phải nhanh chóng cung cấp, không trì hoãn, các thông tin liên quan đến tình trạng của hồ sơ. Mỗi Bên phải thông báo cho người nộp đơn xin nhập cảnh tạm thời, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua chủ lao động, về kết quả cuối cùng, bao gồm cả thời gian lưu trú và các điều kiện khác. Trong trường hợp hồ sơ không hoàn chỉnh, Bên nhận hồ sơ phải thông báo cho người nộp đơn tất cả các thông tin bổ sung cần thiết để hoàn thiện hồ sơ và tạo cơ hội để khắc phục thiếu sót.

(c) Nếu một hồ sơ bị từ chối, mỗi Bên phải, ở mức độ tối đa, thông báo cho người nộp đơn các nguyên nhân quyết định từ chối bằng văn bản và không trì hoãn. Người nộp đơn, tùy ý muốn, có khả năng nộp lại hồ sơ mới.

(d) Các chi phí cho quá trình xử lý hồ sơ nhập cảnh phải hợp lý và phù hợp với luật và quy định trong nước của mỗi Bên, nhằm tránh gây tổn hại hoặc làm chậm trễ thương mại hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc việc thực thi các hoạt động đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định này.

4. Điều kiện và hạn chế đối với di chuyển thể nhân

(a) Mỗi Bên phải xây dựng các cam kết cụ thể trong Phụ lục 8-D liên quan tới việc di chuyển của thể nhân của Bên kia vào trong lãnh thổ của mình, trong đó chỉ rõ các điều kiện và hạn chế đối với việc nhập cảnh và tạm trú, bao gồm thời hạn lưu trú, đối với từng hạng mục thể nhân.

(b) Mỗi Bên phải đảm bảo thể nhân trong cam kết cụ thể thuộc mục (a) nêu trên được phép nhập cảnh và tạm trú phù hợp với các điều khoản và điều kiện của các cam kết cụ thể trong Phụ lục 8-D, với điều kiện thể nhân đáp ứng luật và quy định nhập cảnh áp dụng đối với việc nhập cảnh và tạm trú.

(c) Việc một Bên cho phép thể nhân của Bên kia nhập cảnh tạm thời theo Phụ lục này không được hiểu là miễn cho thể nhân đó yêu cầu cấp phép và các yêu cầu khác liên quan để thực thi một công việc chuyên môn hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác.

5. Minh bạch hóa

(a) Mỗi Bên phải công bố hoặc cung cấp bằng cách khác cho Bên kia tại ngày có hiệu lực của Hiệp định này các thông tin về yêu cầu và thủ tục nộp đơn liên quan tới các cam kết cụ thể của mình cho di chuyển thể nhân của Bên kia để được phép nhập cảnh, tạm trú hoặc gia hạn tạm trú ở Bên này.

(b) Mỗi Bên phải duy trì hoặc thiết lập đầu mối liên lạc hoặc các cơ chế khác để trả lời các câu hỏi của Bên kia về các quy định ảnh hưởng đến di chuyển thể nhân.

(c) Phù hợp với luật và quy định trong nước, mỗi Bên phải đặt ra khoảng thời gian hợp lý giữa thời điểm công bố các quy định ảnh hưởng đến việc di chuyển thể nhân và ngày có hiệu lực của các quy định này.

(d) Trong vòng 3 tháng kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, các Bên phải trao đổi thông tin về các thủ tục hiện hành liên quan đến quá trình xử lý hồ sơ xin nhập cảnh tạm thời.

(e) Mỗi Bên phải nỗ lực nhanh chóng thông báo cho Bên kia về việc ban hành bất kỳ yêu cầu và thủ tục mới nào, hoặc các thay đổi về yêu cầu và thủ tục hiện hành theo điểm (a) ảnh hưởng đến việc thể nhân của Bên kia làm hồ sơ xin phép nhập cảnh, tạm trú hoặc gia hạn tạm trú tại Bên này.

6. Giải quyết tranh chấp

(a) Một Bên không được dẫn chiếu đến Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) liên quan đến việc từ chối cho phép nhập cảnh tạm thời theo Phụ lục này trừ khi:

(i) vấn đề liên quan đến một thông lệ và

(ii) thể nhân bị ảnh hưởng đã vận dụng hết tất cả các biện pháp hành chính trong nước liên quan đến vấn đề cụ thể.

(b) Các biện pháp được nêu trong tiết (ii) của điểm (a) sẽ được coi là vận dụng hết nếu quyết định cuối cùng về vấn đề không được Bên kia đưa ra trong một thời hạn hợp lý, kể từ ngày bắt đầu thủ tục khắc phục, bao gồm thủ tục xem xét lại hoặc phúc thẩm và việc không đưa ra quyết định không phải do sự chậm trễ của thể nhân.

7. Ủy ban về Di chuyển thể nhân

(a) Các Bên sẽ thành lập Ủy ban về di chuyển thể nhân (sau đây gọi là “Ủy ban”) gồm có đại diện của mỗi Bên, bao gồm cả các cán bộ xuất nhập cảnh. Trừ khi có thỏa thuận khác, Ủy ban sẽ tổ chức họp mỗi năm một lần.

(b) Ủy ban sẽ:

(i) xây dựng các thủ tục để trao đổi thông tin về các biện pháp ảnh hưởng đến việc nhập cảnh tạm thời của thể nhân theo Phụ lục này;

(ii) xem xét xây dựng các biện pháp để tạo thuận lợi hơn cho việc nhập cảnh tạm thời của thể nhân theo Phụ lục này;

(iii) xem xét việc thực thi và quản lý Phụ lục này;

(iv) chia sẻ thông tin, theo yêu cầu của một Bên và trên cơ sở thỏa thuận giữa các Bên, về các vấn đề liên quan đến nhập cảnh và tạm trú của thể nhân, tùy thuộc vào luật và quy định trong nước; và

(v) thảo luận bất kỳ vấn đề nào khác được một Bên đưa ra và cùng thống nhất.

8. Hợp tác

Thừa nhận rằng các Bên có thể hưởng lợi từ việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển và áp dụng các thủ tục liên quan đến quy trình xử lý thị thực, an ninh biên giới và quản lý thể nhân, các Bên sẽ xem xét tiến hành các hoạt động hợp tác được thống nhất, tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có, bao gồm:

(a) cung cấp thông tin về việc phát triển và thực thi hệ thống điện tử xử lý thị thực;

(b) chia sẻ thông tin về quy định và công nghệ cũng như kinh nghiệm về thực hiện các chương trình liên quan đến an ninh biên giới và quản lý thể nhân; và

(c) hợp tác trong các diễn đàn đa phương để thúc đẩy việc cải thiện quy trình, ví dụ như trong điểm (a) và (b).

9. Định nghĩa

Đối với Phụ lục này:

thủ tục nhập cảnh nghĩa là thị thực, giấy phép, giấy thông hành hoặc giấy tờ khác hoặc dưới dạng điện tử cho phép thể nhân của một Bên khác được nhập cảnh và tạm trú trong lãnh thổ của Bên kia; và

di chuyển thể nhân nghĩa là việc nhập cảnh tạm thời vào lãnh thổ một Bên của thể nhân của Bên kia mà không có ý định thường trú.

CHƯƠNG 9

ĐẦU TƯ

Phần A: Đầu tư

Điều 9.1: Phạm vi

1. Chương này áp dụng cho các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên ký kết liên quan đến:

(a) nhà đầu tư của Bên ký kết kia;

(b) khoản đầu tư được bảo hộ; và

(c) liên quan đến Điều 9.9, tất cả các khoản đầu tư trên lãnh thổ của một Bên ký kết.1

2. Để rõ ràng hơn, Chương này không ràng buộc bất kỳ Bên ký kết nào liên quan đến các hành vi hoặc sự kiện đã được thực hiện hoặc bất kỳ tình huống nào đã kết thúc trước khi Hiệp định này có hiệu lực

3. Chương này không áp dụng với:

(a) các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên ký kết liên quan đến mua sắm Chính phủ;

(b) trợ cấp hoặc hỗ trợ do một Bên ký kết thực hiện hoặc các điều kiện gắn với việc nhận hoặc tiếp tục nhận của các trợ cấp hoặc hỗ trợ đó, ngoại trừ quy định tại Điều 9.9, bất kể việc trợ cấp hoặc hỗ trợ này có được dành riêng cho nhà đầu tư trong nước hoặc khoản đầu tư trong nước hay không; hoặc

(c) Các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi một Bên ký kết ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của Bên ký kết đó theo Chương 8 (Thương mại dịch vụ) bất kể lĩnh vực dịch vụ cụ thể2 có được liệt kê tại Biểu cam kết cụ thể của các Bên ký kết tại Phụ lục 8-D (Biểu cam kết cụ thể) hay không.

4. Mặc dù có quy định tại điểm 3(c), các Điều từ 9.5 đến 9.8 và Điều 9.14, và Phần B3 sẽ áp dụng, với các sửa đổi thích hợp, với bất cứ biện pháp nào tác động đến việc cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ của một Bên ký kết thông qua hiện diện thương mại4 trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo quy định tại Chương 8 (Thương mại dịch vụ), nhưng chỉ trong phạm vi liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ.

Điều 9.2: Quan hệ với Chương 8 (Thương mại Dịch vụ)

Trong trường hợp có sự khác biệt giữa Chương này và Chương 8 (Thương mại dịch vụ), Chương 8 (Thương mại dịch vụ) sẽ được áp dụng trong phạm vi sự khác biệt đó.

Điều 9.3: Đối xử quốc gia

Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và khoản đầu tư được bảo hộ của nhà đầu tư đó sự đối xử không kém thuận lợi hơn, trong điều kiện tương tự, sự đối xử mà Bên ký kết đó dành cho nhà đầu tư của nước mình và các khoản đầu tư của họ trên lãnh thổ của Bên ký kết đó liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư trên lãnh thổ nước mình.

Điều 9.4: Đối xử tối huệ quốc

1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn, trong điều kiện tương tự, sự đối xử mà Bên ký kết đó dành cho nhà đầu tư của bất kỳ Bên không ký kết nào liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư trên lãnh thổ nước mình.

2. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho khoản đầu tư được bảo hộ, trong điều kiện tương tự, sự đối xử mà Bên ký kết đó dành cho đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết đó của nhà đầu tư của bất kỳ Bên không ký kết nào liên quan đến thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư.

3. Sự đối xử được quy định tại khoản 1 và 2 Điều này không bao gồm:

(a) bất kỳ sự đối xử ưu đãi nào dành cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của họ có được từ các hiệp định song phương, khu vực hoặc quốc tế hoặc bất kỳ hình thức hợp tác kinh tế hoặc hợp tác khu vực hiện hành nào của một Bên ký kết với một Bên không ký kết, và

(b) Bất kỳ sự đối xử ưu đãi đang tồn tại hoặc trong tương lai dành cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của họ trong các Hiệp định hoặc thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

4. Mặc dù có quy định tại các khoản 1 và 2, nếu một Bên ký kết dành sự đối xử thuận lợi hơn cho nhà đầu tư của một Bên không ký kết hoặc cho khoản đầu tư của họ theo bất kỳ hiệp định hoặc thỏa thuận nào trong tương lai mà Bên ký kết đó là thành viên, Bên ký kết đó không có nghĩa vụ phải dành sự đối xử tương tự cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia hoặc khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bên ký kết kia, Bên ký kết đó sẽ dành cơ hội thỏa đáng để đàm phán về việc hưởng các lợi ích nêu trên.

Điều 9.5: Tiêu chuẩn đối xử5

1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho khoản đầu tư được bảo hộ sự đối xử công bằng và bình đẳng và bảo hộ đầy đủ và an toàn theo luật tập quán quốc tế.

2. Khái niệm “đối xử công bằng và bình đẳng” và “bảo hộ đầy đủ và an toàn” tại Điều này không đòi hỏi sự đối xử nằm ngoài hoặc vượt quá sự đối xử theo các quy tắc của luật tập quán quốc tế, và không tạo ra các quyền bổ sung. Để rõ ràng hơn:

(a) “đối xử công bằng và bình đẳng” bao gồm nghĩa vụ không từ chối công lý trong các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính phù hợp với trình tự thủ tục luật định; và

(b) “bảo hộ đầy đủ và an toàn” đòi hỏi mỗi Bên ký kết cung cấp mức độ bảo vệ của cảnh sát liên quan đến an ninh vật chất của khoản đầu tư được bảo hộ theo yêu cầu của luật tập quán quốc tế.

3. Việc xác định rằng đã có vi phạm một quy định khác của Hiệp định này, hoặc của một hiệp định quốc tế khác, không được coi là cơ sở để xác định rằng đã có vi phạm Điều này.

Điều 9.6: Bồi thường thiệt hại

1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia, và khoản đầu tư được bảo hộ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên ký kết đó, trong các điều kiện tương tự, dành cho nhà đầu tư nước mình hoặc nhà đầu tư của một Bên không ký kết liên quan đến các biện pháp mà Bên ký kết đó ban hành hoặc duy trì dẫn đến thiệt hại cho các khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết đó do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang hoặc bạo loạn, nổi loạn hoặc xung đột dân sự khác.

2. Mặc dù có quy định tại khoản 1, nếu nhà đầu tư của một Bên ký kết, trong trường hợp được quy định tại khoản 1, bị thiệt hại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia do:

(a) bị quân đội hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó trưng dụng một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư; hoặc

(b) bị quân đội hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó phá hủy một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư, trong trường hợp không cần thiết,

Bên ký kết đó sẽ dành cho nhà đầu tư đó khoản đền bù, bồi thường hoặc cả hai nếu hợp lý, cho các thiệt hại đó. Việc bồi thường phải diễn ra nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu quả;

Điều 9.7: Tước quyền sở hữu và Bồi thường6

1. Các Bên ký kết sẽ không tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa một khoản đầu tư được bảo hộ, bất kể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua biện pháp tương đương với tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa (sau đây được gọi là “tước quyền sở hữu”), trừ trường hợp:

(a) vì mục đích công cộng;

(b) trên cơ sở không phân biệt đối xử;

(c) có đền bù nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu quả; và

(d) phù hợp với thủ tục pháp luật.

2. Khoản bồi thường theo quy định tại khoản 1 (c) sẽ:

(a) được trả không chậm trễ;

(b) tương ứng với giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu ngay trước thời điểm khi việc tước quyền sở hữu xảy ra hoặc việc tước quyền sở hữu được công bố, tùy theo thời điểm nào được áp dụng;

(c) không phản ánh sự thay đổi về giá trị do việc tước quyền sở hữu dự kiến đã bị tiết lộ trước đó; và

(d) có tính thanh khoản đầy đủ và được tự do chuyển nhượng.

3. Tiền bồi thường nêu tại khoản 1(c) sẽ bao gồm tiền lãi tính theo lãi suất thương mại hợp lý của đồng tiền đó, tính từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày thanh toán. Tiền bồi thường, bao gồm cả tiền lãi, sẽ được trả bằng đồng tiền của Bên ký kết tước quyền sở hữu, hoặc nếu nhà đầu tư có yêu cầu, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi.

4. Trường hợp nhà đầu tư yêu cầu trả tiền bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, tiền bồi thường nêu tại khoản 1(c), bao gồm cả tiền lãi, sẽ được chuyển thành đồng tiền thanh toán theo tỷ giá thị trường tại thời điểm trả tiền.

5. Mặc dù có quy định tại khoản 1 đến 4 Điều này, trong trường hợp Việt Nam là Bên ký kết tước quyền sở hữu, bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu nào liên quan đến đất đai, theo định nghĩa tại văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực, sẽ được thực hiện theo mục đích và với việc thanh toán tiền bồi thường phù hợp với văn bản pháp luật đó. Việc bồi thường này sẽ tuân thủ bất kỳ sự sửa đổi nào đối với văn bản pháp luật nói trên liên quan đến số tiền bồi thường, khi sự sửa đổi đó phù hợp với xu hướng chung về giá thị trường của đất đai.

6. Điều này không áp dụng đối với việc cấp văn bằng bắt buộc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hoặc rút, giới hạn hoặc tạo ra của quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Hiệp định TRIPs.

Điều 9.8: Chuyển tiền7

1. Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép thực hiện việc chuyển tiền liên quan đến các khoản đầu tư được bảo hộ được thực hiện một cách tự do, không chậm trễ vào và ra khỏi lãnh thổ nước mình. Việc chuyển tiền này bao gồm:

(a) phần vốn góp ban đầu và các khoản thêm vào để duy trì hoặc phát triển khoản đầu tư;

(b) lợi nhuận, cổ tức, thu nhập từ vốn, và tiền thu được từ việc bán toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư được bảo hộ hoặc thanh lý một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư được bảo hộ;

(c) lợi nhuận, tiền bản quyền quyền sở hữu trí tuệ, phí quản lý và phí hỗ trợ kỹ thuật và các khoản phí khác;

(d) các khoản tiền trả theo hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng vay;

(e) các khoản tiền trả theo Điều 9.6 và Điều 9.7; và

(f) các khoản tiền phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp.

2. Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép việc chuyển tiền liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển tiền.

3. Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép chuyển lợi nhuận bằng hiện vật liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ đã được cho phép hoặc được nêu rõ trong thỏa thuận giữa một Bên ký kết và khoản đầu tư được bảo hộ hoặc nhà đầu tư của Bên ký kết kia.

4. Mặc dù có quy định tại khoản 1 đến khoản 3, một Bên ký kết có thể ngăn cản việc chuyển tiền thông qua việc áp dụng một cách công bằng, không phân biệt đối xử và có thiện chí theo pháp luật của nước mình liên quan đến:

(a) phá sản, vỡ nợ hoặc việc bảo vệ quyền của chủ nợ;

(b) phát hành, buôn bán, hoặc giao dịch chứng khoán, hợp đồng tương lai, quyền mua cổ phần hoặc các công cụ phái sinh khác;

(c) tội phạm hoặc vi phạm hình sự;

(d) báo cáo tài chính hoặc việc lưu giữ sổ sách về chuyển tiền khi cần hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật hoặc cơ quan quản lý tài chính;

(e) bảo đảm việc tuân thủ lệnh hoặc phán quyết trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính;

(f) an sinh xã hội, chế độ hưu trí công, hoặc chương trình tiết kiệm bắt buộc;

(g) trợ cấp thôi việc của người lao động; và

(h) thuế.

Điều 9.9: Các yêu cầu hoạt động

1. Không Bên ký kết nào được áp đặt hoặc thực thi bất kỳ một yêu cầu nào dưới đây liên quan đến việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, bán hoặc một hình thức chuyển nhượng đầu tư khác của nhà đầu tư của Bên ký kết hoặc Bên không ký kết:

(a) đạt một mức hoặc một tỷ lệ nhất định hàm lượng nội địa;

(b) mua, sử dụng, hoặc dành ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong lãnh thổ của mình, hoặc phải mua hàng hóa từ các thể nhân hoặc pháp nhân trong lãnh thổ của mình;

(c) ràng buộc số lượng hoặc giá trị nhập khẩu với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ gắn với đầu tư của nhà đầu tư đó;

(d) hạn chế việc bán hàng trên lãnh thổ của mình mà do đầu tư của nhà đầu tư đó sản xuất hoặc cung ứng thông qua sự ràng buộc việc bán hàng đó với số lượng hoặc giá trị xuất khẩu hoặc các khoản thu từ ngoại tệ;

(e) xuất khẩu đạt một mức hoặc một tỷ lệ nhất định hàng hóa;

(f) chuyển giao công nghệ đặc biệt, quy trình sản xuất, hoặc một kiến thức độc quyền khác cho một thể nhân hay pháp nhân trong lãnh thổ của mình; hoặc

(g) cung cấp hàng hóa trên lãnh thổ của Bên ký kết do đầu tư sản xuất cho một thị trường khu vực cụ thể hoặc thế giới.

2. Khoản 1 sẽ không ngăn cản một Bên ký kết trong việc ban hành các điều kiện đối với việc nhận hoặc tiếp tục nhận các ưu đãi liên quan đến việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, thực hiện, vận hành, bán hoặc định đoạt theo cách khác khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia hoặc của Bên không ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết đó phù hợp với các yêu cầu được quy định từ điểm 1 (e) đến 1 (g).

3. Để rõ ràng hơn, điểm 1 và 2 sẽ không áp dụng cho bất kỳ yêu cầu khác ngoài các yêu cầu quy định tại các khoản đó.

4. Điều này không ảnh hưởng đến hiệu lực của bất kỳ cam kết, thỏa thuận, hoặc yêu cầu giữa chủ thể tư.

5. Điều này không hạn chế các quyền và nghĩa vụ của các Bên ký kết theo Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.

Điều 9.10: Quản lý cao cấp và Hội đồng quản trị

1. Không Bên ký kết nào được yêu cầu doanh nghiệp của Bên ký kết đó là khoản đầu tư được bảo hộ phải chỉ định các chức danh quản lý cao cấp là thể nhân mang quốc tịch của một nước nhất định.

2. Một Bên ký kết có thể yêu cầu đa số thành viên Hội đồng quản trị, hoặc bất kỳ Ủy ban nào của Hội đồng quản trị, của một doanh nghiệp của một Bên ký kết là khoản đầu tư được bảo hộ, mang một quốc tịch nhất định, hoặc cư trú trên lãnh thổ của Bên ký kết ban đầu, với điều kiện yêu cầu này không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng kiểm soát khoản đầu tư của nhà đầu tư.

Điều 9.11: Từ chối lợi ích

1. Một Bên ký kết có thể từ chối lợi ích của Chương này đối với nhà đầu tư của Bên ký kết kia là doanh nghiệp của Bên ký kết kia và đầu tư của nhà đầu tư đó nếu:

(a) thể nhân của một Bên không ký kết sở hữu hoặc kiểm soát doanh nghiệp đó; và

(b) Bên ký kết từ chối lợi ích ban hành hoặc duy trì các biện pháp liên quan đến Bên không ký kết hoặc thể nhân của Bên không ký kết mà các biện pháp này cấm giao dịch với doanh nghiệp đó hoặc các biện pháp đó có khả năng bị vi phạm hoặc tránh áp dụng nếu lợi ích của Chương này được dành cho doanh nghiệp và khoản đầu tư đó.

2. Một Bên ký kết có thể từ chối dành lợi ích của Chương này cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia là doanh nghiệp của Bên ký kết kia và khoản đầu tư của họ nếu doanh nghiệp đó không có hoạt động kinh doanh thực chất trên lãnh thổ của Bên ký kết đó và doanh nghiệp đó được sở hữu hoặc kiểm soát bởi thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên không ký kết hoặc của Bên ký kết từ chối lợi ích. Trong chừng mực có thể, Bên ký kết từ chối lợi ích sẽ thông báo cho Bên ký kết kia trước khi từ chối lợi ích. Trường hợp Bên từ chối lợi ích thực hiện việc thông báo này, theo yêu cầu của Bên ký kết kia, Bên từ chối lợi ích sẽ tham vấn với Bên ký kết đó.

Điều 9.12:  Các biện pháp không tương thích

1. Điều 9.3, 9.4, 9.9 và 9.10 sẽ không áp dụng đối với:

(a) bất kỳ biện pháp hiện hành được duy trì bởi một Bên ký kết tại:

(i) Chính quyền cấp trung ương, như được Bên ký kết đó nêu tại Danh mục bảo lưu của Phụ lục I của nước mình; hoặc

(ii) Chính quyền cấp địa phương;8

(b) việc tiếp tục áp dụng hoặc áp dụng lại bất kỳ biện pháp không tương thích nêu tại điểm (a); hoặc

(c) việc sửa đổi bất kỳ biện pháp không tương thích nêu tại điểm (a), trong chừng mực việc sửa đổi đó không làm giảm mức độ tương thích của biện pháp đó với Điều 9.3, 9.4, 9.9, và 9.10 tại thời điểm Danh mục bảo lưu của Phụ lục I của Bên ký kết đó có hiệu lực.

2. Các Điều 9.3, 9.4, 9.9 và 9.10 không áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào được một Bên ký kết ban hành hoặc duy trì liên quan đến các ngành, phân ngành, hoặc hoạt động nêu tại Danh mục bảo lưu của Phụ lục II của nước mình.

3. Đối với những biện pháp áp dụng sau ngày Hiệp định có hiệu lực quy định tại Danh mục bảo lưu của Phụ lục II, không Bên ký kết nào được yêu cầu nhà đầu tư của Bên ký kết kia vì lý do quốc tịch, phải bán hoặc bằng cách khác từ bỏ một khoản đầu tư tồn tại vào thời điểm biện pháp đó có hiệu lực.

4. Chương này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ theo các hiệp định quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà các Bên ký kết là thành viên, bao gồm Hiệp định TRIPS và các hiệp định khác trong khuôn khổ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

5. Các Bên ký kết sẽ bắt đầu đàm phán Danh mục bảo lưu nêu tại Phụ lục I và II ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực để kết thúc trong vòng 1 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực:

(a) Điều 9.3, 9.4, 9,9 và 9.10 sẽ không được áp dụng cho đến khi Danh mục bảo lưu của các Bên ký kết tại Phụ lục I và II có hiệu lực; và

(b) Các Bên ký kết sẽ nỗ lực cao nhất để phản ánh mức độ tốt nhất của các cam kết tự do hóa trong các Danh mục tại các hiệp định đầu tư của mình tại thời điểm đàm phán để đảm bảo sự cân bằng chung về quyền lợi giữa các Bên ký kết.9

Điều 9.13: Thủ tục đặc biệt và tiết lộ thông tin

1. Quy định tại Điều 9.3 không được hiểu là ngăn cản một Bên ký kết ban hành hoặc duy trì biện pháp quy định các thủ tục đặc biệt liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ, bao gồm việc khoản đầu tư được bảo hộ phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật của Bên ký kết đó10, với điều kiện các thủ tục này không làm tổn hại đáng kể đến sự bảo hộ mà Bên ký kết đó dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và khoản đầu tư được bảo hộ theo Chương này.

2. Mặc dù có quy định tại Điều 9.3 và 9.4, một Bên ký kết có thể yêu cầu nhà đầu tư của một Bên ký kết kia hoặc khoản đầu tư được bảo hộ cung cấp thông tin liên quan đến đầu tư chỉ nhằm mục đích thông tin hoặc thống kê. Bên ký kết đó sẽ bảo vệ để các thông tin bí mật không bị tiết lộ nếu việc tiết lộ các thông tin đó gây thiệt hại đến vị thế cạnh tranh của nhà đầu tư và khoản đầu tư được bảo hộ. Khoản này không được hiểu là ngăn cản một Bên ký kết bằng cách khác thu thập hoặc tiết lộ thông tin thông qua việc áp dụng pháp luật nước mình một cách công bằng và có thiện chí.

Điều 9.14: Thế quyền

1. Khi một Bên ký kết hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó dành một hợp đồng bảo hiểm hoặc bất kỳ hình thức bảo đảm tài chính nào khác đối với những rủi ro phi thương mại liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ của nhà đầu tư của mình trên lãnh thổ của Bên ký kết kia và đã thanh toán theo hợp đồng hoặc bảo đảm tài chính đó thì Bên ký kết sau sẽ công nhận quyền của Bên ký kết ban đầu hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết ban đầu theo nguyên tắc của thế quyền đối với quyền của nhà đầu tư.11

2. Khi một Bên ký kết hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó trả tiền cho nhà đầu tư của Bên ký kết đó và đã tiếp nhận quyền và quyền đòi tiền của nhà đầu tư đó thì nhà đầu tư đó không được sử dụng các quyền và quyền đòi tiền để chống lại Bên ký kết kia, trừ trường hợp được Bên ký kết đó hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó ủy quyền.

Phần B: Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và một Bên ký kết

Điều 9.15: Phạm vi giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và một Bên ký kết12

1. Phần này sẽ áp dụng đối với các tranh chấp đầu tư giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của một Bên ký kết kia liên quan đến việc khởi kiện Bên ký kết ban đầu vi phạm nghĩa vụ theo Phần A, ngoại trừ Điều 9.11 đến Điều 9.14 và việc vi phạm nghĩa vụ này phải gây thiệt hại cho:

(a) nhà đầu tư liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ; hoặc

(b) khoản đầu tư được bảo hộ đã được thực hiện bởi nhà đầu tư đó,

liên quan đến việc quản lý, thực hiện, vận hành hoặc bán hoặc định đoạt theo cách khác khoản đầu tư được bảo hộ.

2. Thể nhân mang quốc tịch của một Bên ký kết không được khởi kiện chống lại Bên ký kết đó theo Chương này.

Điều 9.16: Tham vấn và đàm phán

Trong trường hợp có tranh chấp đầu tư, nhà đầu tư tranh chấp và Bên ký kết tranh chấp sẽ nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán, việc tham vấn này có thể bao gồm thủ tục không ràng buộc, có sự tham gia của bên thứ ba. Việc tham vấn sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo ý định khởi kiện ra trọng tài, trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

Điều 9.17: Thông báo ý định khởi kiện ra trọng tài

1. Nhà đầu tư tranh chấp phải gửi thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết tranh chấp kia về ý định khởi kiện ra trọng tài (sau đây gọi là thông báo ý định khởi kiện) ít nhất 90 ngày trước ngày nộp đơn khởi kiện. Thông báo ý định khởi kiện này bao gồm những nội dung sau:

(a) tên và địa chỉ của nhà đầu tư tranh chấp;

(b) các điều khoản của Chương này được cho là bị vi phạm và bất cứ điều khoản có liên quan nào khác;

(c) căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc khởi kiện, bao gồm các biện pháp đang tranh chấp; và

(d) Biện pháp khắc phục và mức độ thiệt hại ước tính.

2. Nhà đầu tư tranh chấp phải gửi kèm theo Thông báo ý định khởi kiện, bằng chứng chứng minh nhà đầu tư tranh chấp là nhà đầu tư của Bên ký kết kia.

Điều 9.18: Điều kiện tiên quyết của việc nộp đơn khởi kiện ra trọng tài

1. Nhà đầu tư tranh chấp chỉ có thể nộp khiếu kiện lên trọng tài theo Điều 9.15 khi:

(a) nhà đầu tư tranh chấp chấp thuận việc khởi kiện ra trọng tài phù hợp với thủ tục quy định của Chương này;

(b) thời điểm nộp đơn xảy ra sau ít nhất 6 tháng kể từ khi phát sinh sự kiện gây tranh chấp;

(c) thời điểm nộp đơn xảy ra không quá 3 năm kể từ ngày nhà đầu tư có tranh chấp biết hoặc phải biết về việc vi phạm và về việc nhà đầu tư có tranh chấp bị thiệt hại phát sinh từ vi phạm đó;

(d) nhà đầu tư tranh chấp đã gửi Thông báo ý định khởi kiện theo quy định tại Điều 9.17; và

(e) nhà đầu tư tranh chấp và doanh nghiệp, trong trường hợp khiếu nại liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp của Bên ký kết kia mà doanh nghiệp đó là pháp nhân thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà đầu tư có tranh chấp, từ bỏ quyền khởi kiện ra tòa hành chính hoặc tòa án theo luật pháp trong nước của bất kỳ Bên ký kết nào, hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp khác liên quan đến biện pháp của một Bên ký kết tranh chấp mà biện pháp đó bị coi là vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 9.15, trừ các thủ tục về biện pháp khắc phục tạm thời, không liên quan đến việc thanh toán thiệt hại, trước tòa hành chính hoặc tòa án theo pháp luật trong nước của Bên ký kết tranh chấp.13

2. Chấp thuận về việc khởi kiện ra trọng tài và văn bản từ bỏ quyền khởi kiện quy định tại Điều này sẽ được gửi cho Bên ký kết tranh chấp và được gửi kèm hồ sơ khởi kiện lên trọng tài.

3. Văn bản từ bỏ quyền khởi kiện của doanh nghiệp theo điểm 1(e) sẽ không là yêu cầu bắt buộc nếu Bên ký kết tranh chấp tước quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư có tranh chấp.

4. Trong trường hợp các điều kiện quy định từ khoản 1 đến khoản 3 không được đáp ứng thì chấp thuận về việc khởi kiện của các Bên ký kết tại Điều 9.20 không có hiệu lực.

Điều 9.19: Nộp đơn khởi kiện ra Trọng tài

1. Nhà đầu tư tranh chấp đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 9.18 có thể nộp đơn khởi kiện ra trọng tài:14

(a) theo Công ước ICSID và Quy tắc ICSID về tố tụng trọng tài, với điều kiện cả hai Bên ký kết là thành viên của Công ước ICSID;

(b) theo Quy tắc Phụ trợ ICSID, với điều kiện chỉ một Bên ký kết là thành viên của Công ước ICSID;

(c) theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL; hoặc

(d) bất kỳ tổ chức trọng tài nào hoặc bất kỳ quy tắc trọng tài nào nếu các bên tranh chấp đồng ý.

2. Quy tắc trọng tài sẽ điều chỉnh quá trình trọng tài trừ các vấn đề đã được Phần này điều chỉnh.

3. Một khi nhà đầu tư đã đưa tranh chấp ra tòa án hoặc tòa hành chính của Bên ký kết tranh chấp hoặc bất kỳ cơ chế trọng tài nào quy định tại khoản 1 thì lựa chọn về cơ quan giải quyết tranh chấp đó là lựa chọn cuối cùng.

4. Đơn khởi kiện được coi là nộp ra trọng tài theo Phần này khi:

(a) yêu cầu khởi kiện ra trọng tài theo khoản 1 Điều 36 của Công ước ICSID được Tổng thư ký chấp nhận.

(b) thông báo về xét xử của trọng tài theo Điều 2 Phụ lục C của Quy tắc Phụ trợ ICSID được Tổng thư ký chấp nhận.

(c) bên tranh chấp nhận được thông báo về xét xử của trọng tài theo quy tắc trọng tài UNCITRAL; hoặc

(d) bên tranh chấp nhận được thông báo hoặc yêu cầu trọng tài xét xử theo bất kỳ tổ chức trọng tài hoặc bất kỳ quy tắc trọng tài nào được lựa chọn theo điểm 1 (d).

Điều 9.20: Chấp thuận việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài

1. Mỗi Bên ký kết chấp thuận việc khởi kiện ra trọng tài phù hợp với các thủ tục quy định của Hiệp định này.

2. Chấp thuận theo khoản 1 và việc nộp đơn khởi kiện ra trọng tài của nhà đầu tư tranh chấp phải đáp ứng các yêu cầu của:

(a) Chương II của Công ước ICSID và Cơ chế phụ trợ ICSID về chấp thuận bằng văn bản của các bên tranh chấp; và

(b) Điều II của Công ước New York về thỏa thuận bằng văn bản.

Điều 9.21: Trọng tài viên

1. Trừ trường hợp Tòa trọng tài được thành lập theo Điều 9.22, và trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, Tòa trọng tài sẽ bao gồm 3 trọng tài viên, mỗi bên tranh chấp chỉ định một trọng tài và trọng tài thứ ba là người chủ tọa do các bên tranh chấp thỏa thuận chỉ định.

2. Trọng tài viên phải:

(a) Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về công pháp quốc tế, thương mại quốc tế, hoặc các quy tắc đầu tư quốc tế, hoặc các biện pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hiệp định đầu tư hoặc thương mại quốc tế; và

(b) Độc lập và không có mối liên hệ với hoặc chịu sự hướng dẫn từ bất kỳ Bên ký kết nào hoặc của nhà đầu tư tranh chấp.

3. Các bên tranh chấp sẽ thống nhất mức thù lao của các trọng tài viên. Trường hợp các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận về mức thù lao trước khi Tòa trọng tài được thành lập, mức thù lao của trọng tài sẽ theo quy định của ICSID.

4. Ngoài trường hợp Tòa trọng tài được thành lập theo Điều 9.22, trường hợp các bên tranh chấp không thành lập được Tòa trọng tài trong vòng 90 ngày kể từ ngày tranh chấp được khởi kiện ra trọng tài, theo đề nghị của một trong các bên tranh chấp, Cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên hoặc các trọng tài viên mà chưa được các bên tranh chấp chỉ định. Chủ tọa không được mang quốc tịch của bất kỳ Bên ký kết nào.

Điều 9.22: Hợp nhất vụ kiện

1. Trừ khi có các điều kiện khác quy định tại Phần này, Tòa trọng tài được thành lập theo Điều này sẽ được thành lập theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL và hoạt động phù hợp với các quy tắc đó.

2. Nếu Tòa trọng tài thành lập theo Điều này cho rằng các khiếu kiện được đưa ra trọng tài theo Điều 9.19 có các vấn đề chung về cơ sở pháp lý và thực tiễn, trên cơ sở xem xét lợi ích công bằng và giải pháp hiệu quả đối với các vụ kiện, và sau khi nghe các bên tranh chấp trình bày, Tòa trọng tài có thể quyết định:

(a) Xác định Tòa trọng tài có thẩm quyền đối với các khiếu kiện đó, và xem xét và quyết định đồng thời toàn bộ hoặc một phần các vụ kiện.

(b) Xác định Tòa trọng tài có thẩm quyền đối với các vụ kiện, xem xét và quyết định một hoặc nhiều hơn các vụ kiện mà Tòa trọng tài cho rằng quyết định đó có thể hỗ trợ để giải quyết các vụ kiện khác.

3. Một Bên ký kết tranh chấp muốn thực hiện thủ tục theo khoản 2 phải yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền chỉ định thành lập Tòa trọng tài và nêu rõ trong bản yêu cầu đó:

(a) Tên của các nhà đầu tư tranh chấp của các vụ kiện đang được đề nghị thực hiện theo thủ tục hợp nhất vụ kiện.

(b) Bản chất của thủ tục; và

(c) Căn cứ để áp dụng thủ tục đó.

4. Bên ký kết tranh chấp phải gửi một bản sao của yêu cầu đó đến nhà đầu tư tranh chấp trong vụ kiện đang được đề nghị thực hiện thủ tục này.

5. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tổng thư ký thành lập Tòa trọng tài bao gồm 3 trọng tài viên do Tổng thư ký quyết định lựa chọn.

6. Trường hợp Tòa trọng tài được thành lập theo Điều này, nhà đầu tư tranh chấp đã nộp đơn khởi kiện ra trọng tài theo Điều 9.19 và chưa được nêu tên theo khoản 2 có thể nộp văn bản yêu cầu tới Tòa trọng tài để thông báo rằng nhà đầu tư đó thuộc trường hợp hợp nhất các vụ kiện theo khoản 2, và xác định các nội dung sau trong bản yêu cầu:

(a) Tên và địa chỉ của nhà đầu tư tranh chấp;

(b) Bản chất của thủ tục được áp dụng;

(c) Căn cứ để áp dụng thủ tục đó.

7. Tòa trọng tài thành lập theo Điều 9.19 không có thẩm quyền quyết định một vụ kiện, hoặc một phần của vụ kiện mà một Tòa trọng tài khác được thành lập phù hợp với Điều này đã xác định thẩm quyền đối với vụ kiện hoặc một phần vụ kiện đó.

Điều 9.23: Tiến hành trọng tài

1. Theo đề nghị của Tòa trọng tài, bằng văn bản thông báo gửi tới các bên tranh chấp, Bên ký kết không tranh chấp có thể gửi bản đệ trình bằng văn bản hoặc bằng lời nói đến Tòa trọng tài về việc giải thích Hiệp định này. Theo đề nghị của một bên tranh chấp, Bên ký kết không tranh chấp phải nộp đệ trình bằng lời nói nêu trên dưới dạng văn bản.

2. Trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, Tòa trọng tài phải tổ chức phiên xét xử trong lãnh thổ của một Bên ký kết là thành viên của Công ước New York, được lựa chọn phù hợp với:

(a) Quy tắc phụ trợ ICSID, nếu việc xét xử được thực hiện theo các quy tắc này hoặc theo Công ước ICSID; hoặc

(b) Quy tắc trọng tài UNCITRAL, nếu việc xét xử được thực hiện theo quy tắc này.

3. Trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, ngoài trụ sở của trọng tài, Tòa trọng tài có thể quyết định địa điểm của các cuộc họp và các phiên xét xử tại nơi khác địa điểm trọng tài. Trong trường hợp này, Tòa trọng tài sẽ xem xét sự thuận tiện cho các bên và trọng tài viên, địa điểm nơi xảy ra vụ việc, và gần nơi có chứng cứ.

4. Khi các vấn đề liên quan đến thẩm quyền hoặc khả năng thụ lý vụ kiện được đưa ra thành phản đối ban đầu, vào bất kỳ khi nào có thể, Tòa trọng tài sẽ quyết định các vấn đề đó trước khi tiến hành xem xét các vấn đề về nội dung. Các bên tranh chấp sẽ có cơ hội hợp lý để đưa ra quan điểm và bình luận của mình cho Tòa trọng tài. Nếu Tòa trọng tài quyết định rằng yêu cầu khởi kiện rõ ràng là không có cơ sở hoặc không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài, Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết theo nội dung đó.

5. Tòa trọng tài có thể, nếu có cơ sở, phán quyết cho bên thắng kiện được nhận số tiền tương ứng với chi phí hợp lý và các chi phí phát sinh khác từ việc nộp đơn phản đối hoặc phản bác đơn phản đối này. Để xác định xem có cơ sở để ra phán quyết loại này hay không, Tòa trọng tài sẽ xem xét liệu yêu cầu khởi kiện hoặc phản đối có thiếu căn cứ hoặc rõ ràng là không có cơ sở, và sẽ cho các bên tranh chấp cơ hội hợp lý để trình bày ý kiến.

6. Tòa trọng tài có thể ban hành các biện pháp bảo vệ tạm thời để bảo vệ quyền của một bên tranh chấp, hoặc để đảm bảo thẩm quyền của Tòa trọng tài được thực hiện hoàn toàn hiệu quả, bao gồm thủ tục để bảo vệ chứng cứ thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của một bên tranh chấp hoặc để bảo vệ thẩm quyền của Tòa trọng tài. Tòa trọng tài không được ra lệnh tịch thu tài sản hoặc cản trở việc áp dụng các biện pháp bị nghi ngờ vi phạm nêu tại Điều 9.15. Với mục đích của Điều này, lệnh bao gồm cả khuyến nghị.

7. Trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, ngôn ngữ của quá trình xét xử trọng tài, bao gồm điều trần, quyết định, và phán quyết, sẽ là:

(a) Tiếng Việt Nam và tiếng Anh nếu Việt Nam là một Bên ký kết tranh chấp; và

(b) Tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh nếu Hàn Quốc là một Bên ký kết tranh chấp.

Điều 9.24: Giải thích chung

1. Giải thích của Ủy ban hỗn hợp về một quy định15 của Hiệp định này sẽ ràng buộc Tòa trọng tài thành lập theo Phần này và phán quyết theo Phần này sẽ phải phù hợp với giải thích đó.

2. Trường hợp Bên ký kết tranh chấp đưa ra một biện hộ rằng biện pháp bị nghi ngờ vi phạm thuộc phạm vi của một bảo lưu hay ngoại lệ được quy định tại Phụ lục I hoặc II, theo yêu cầu của Bên ký kết tranh chấp, Tòa trọng tài sẽ yêu cầu Ủy ban hỗn hợp giải thích nội dung đó. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày gửi bản yêu cầu, Ủy ban hỗn hợp phải nộp văn bản giải thích của mình đến Tòa trọng tài. Giải thích đó sẽ ràng buộc Tòa trọng tài. Nếu trong vòng 60 ngày, Ủy ban hỗn hợp không nộp được giải thích đó, Tòa trọng tài sẽ quyết định nội dung đó.

Điều 9.25: Phán quyết cuối cùng

1. Trường hợp Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng chống lại một Bên ký kết tranh chấp, Tòa trọng tài có thể phán quyết riêng rẽ hoặc hỗn hợp chỉ gồm các nội dung sau:

(a) thanh toán thiệt hại về tiền và tiền lãi nếu có; hoặc

(b) khôi phục tài sản, trong trường hợp này phán quyết sẽ nêu rõ Bên ký kết tranh chấp có thể trả bồi thường thiệt hại bằng tiền và tiền lãi nếu có thay cho việc khôi phục tài sản.

Tòa trọng tài có thể phán quyết về các chi phí phù hợp với quy tắc trọng tài được áp dụng.

2. Tòa trọng tài không được yêu cầu một Bên ký kết tranh chấp phải trả các khoản thiệt hại có tính trừng phạt

Điều 9.26: Tính chung thẩm của phán quyết và thực thi phán quyết

1. Phán quyết của Tòa trọng tài chỉ ràng buộc các bên tranh chấp và trong trường hợp cụ thể đó.

2. Phù hợp với khoản 3 và thủ tục xem xét áp dụng cho một phán quyết tạm thời, mỗi bên tranh chấp phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết không chậm trễ.

3. Mỗi bên tranh chấp sẽ không yêu cầu thực thi phán quyết cuối cùng cho đến khi:

(a) Trong trường hợp phán quyết cuối cùng theo Công ước ICSID:

(i) Hết thời hạn 120 ngày kể từ ngày ra phán quyết và không bên tranh chấp nào yêu cầu xem xét lại hoặc hủy bỏ phán quyết; hoặc

(ii) Việc xem xét lại hoặc hủy bỏ phán quyết đã hoàn tất; hoặc

(b) Trong trường hợp phán quyết cuối cùng theo Quy tắc phụ trợ của ICSID hoặc Quy tắc trọng tài UNCITRAL:

(i) Hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra phán quyết và không bên tranh chấp nào tiến hành thủ tục xem xét lại, đình chỉ, hoặc hủy bỏ phán quyết; hoặc

(ii) Một tòa án đã từ chối hoặc chấp nhận đơn yêu cầu xem xét lại, đình chỉ hoặc hủy bỏ phán quyết, và không có kháng cáo tiếp.

4. Mỗi Bên ký kết sẽ tổ chức thực thi phán quyết trên lãnh thổ nước mình.

5. Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư được thiết lập theo Phần này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên ký kết tại Chương 15 (Giải quyết tranh chấp).

6. Một bên tranh chấp có thể yêu cầu thực thi phán quyết trọng tài theo Công ước ICSID, hoặc Công ước New York.

7. Yêu cầu khởi kiện nộp đến trọng tài theo Phần này được coi là phát sinh từ một giao dịch hoặc quan hệ thương mại với mục đích tại Điều 1 của Công ước New York.

Điều 9.27: Nơi nhận tài liệu

Các thông báo và tài liệu liên quan sẽ được chuyển đến mỗi Bên ký kết theo địa chỉ sau:

(a) Về phía Việt Nam:

Bộ Tư pháp Việt Nam

60 Trần Phú, Hà Nội, Việt Nam.

(b) Về phía Hàn Quốc:

Phòng pháp luật quốc tế

Bộ Tư pháp

Tòa nhà #1 Government Complex-Gwacheon
47, Gwanmun-ro, Gwacheon-si, Gyeonggi-do
Hàn Quốc.

hoặc các cơ quan kế nhiệm tương ứng.

Phần C: Định nghĩa

Điều 9.28: Định nghĩa

Với mục đích của Chương này:

Cơ quan có thẩm quyền chỉ định là:

(a) Tổng thư ký của ICSID trong trường hợp trọng tài hoặc hòa giải theo Quy tắc ICSID hoặc Quy tắc phụ trợ của ICSID tại điểm 1(a) và 1(b) của Điều 9.19,

(b) Tổng thư ký của Tòa Trọng tài thường trực trong trường hợp trọng tài theo Quy tắc UNCITRAL tại điểm 1(c) Điều 9.19; hoặc

(c) Bất kỳ người nào được các bên tranh chấp đồng ý.

khoản đầu tư được bảo hộ là, đối với một Bên ký kết, khoản đầu tư trên lãnh thổ của nước đó của nhà đầu tư của Bên ký kết kia đang tồn tại vào thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc được thành lập, mua lại hoặc mở rộng sau đó, và được công nhận16 phù hợp với pháp luật của nước nơi đầu tư được thực hiện.

nhà đầu tư tranh chấp là nhà đầu tư khởi kiện theo Phần B;

các bên tranh chấp là nhà đầu tư tranh chấp và Bên ký kết tranh chấp;

Bên ký kết tranh chấp là một Bên ký kết bị khởi kiện theo Phần B;

bên tranh chấp là nhà đầu tư tranh chấp hoặc Bên ký kết tranh chấp;

doanh nghiệp là tổ chức được thành lập hoặc tổ chức phù hợp với pháp luật hiện hành, bất kể lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và bất kể sở hữu hoặc kiểm soát bởi nhà nước hay tư nhân, bao gồm công ty, quỹ tín thác, hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, hiệp hội, và chi nhánh17 của doanh nghiệp;

doanh nghiệp của một Bên ký kết là doanh nghiệp được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật trong nước của một Bên ký kết, và chi nhánh18 trên lãnh thổ của một Bên ký kết và đang thực hiện các hoạt động kinh doanh ở đó;

đồng tiền tự do sử dụng là đồng tiền được Quỹ tiền tệ quốc tế xác định là đồng tiền tự do sử dụng theo Điều lệ của Quỹ này và các sửa đổi sau đó;

ICSID là Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) được thành lập theo Công ước ICSID;

Quy tắc phụ trợ của ICSID là Các quy tắc điều chỉnh cơ chế phụ trợ về tổ chức tố tụng của Ban thư ký Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư;

Công ước ICSID là Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của các quốc gia khác làm tại Oa-sinh-tơn ngày 18 tháng 3 năm 1965;

đầu tư19 là mọi loại tài sản mà nhà đầu tư sở hữu hoặc kiểm soát, có đặc điểm của một khoản đầu tư, như cam kết về vốn hoặc các nguồn lực khác, kỳ vọng về thu nhập hoặc lợi nhuận, hoặc chấp nhận rủi ro. Đầu tư bao gồm nhưng không chỉ là:

(a) doanh nghiệp;

(b) cổ phiếu, cổ phần và bất kỳ hình thức tham gia góp vốn nào vào pháp nhân và các quyền phái sinh từ đó, bao gồm các tài sản hình thành trong tương lai và các quyền chọn mua, quyền chọn bán

(c) trái phiếu, giấy nhận nợ, các khoản vay và bất kỳ công cụ nợ nào khác20 của doanh nghiệp bao gồm quyền phái sinh từ đó;

(d) hợp đồng chìa khóa trao tay, xây dựng, quản lý, sản xuất, nhượng quyền kinh doanh, phân chia sản phẩm, và các nhượng quyền kinh doanh khác21 theo quy định của pháp luật hoặc theo hợp đồng;

(e) quyền sở hữu trí tuệ; và

(f) tài sản vô hình hoặc hữu hình, động sản hoặc bất động sản, và các quyền liên quan đến tài sản, như cho thuê, thế chấp, cầm cố, và đặt cọc.

nhưng đầu tư không bao gồm quyền đòi tiền chỉ phát sinh từ:

(g) hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ bởi thể nhân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của một Bên ký kết với thể nhân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

(h) việc cấp tín dụng liên quan đến một giao dịch thương mại, như tài chính thương mại.

nhà đầu tư của một Bên không ký kết là, đối với một Bên ký kết, là nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư22, đang thực hiện hoặc đã thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết đó mà không phải là đầu tư của một trong hai Bên ký kết.

nhà đầu tư của một Bên ký kết là thể nhân hoặc doanh nghiệp của một Bên ký kết, hoặc một Bên ký kết23 đang tìm kiếm cơ hội đầu tư24, đang thực hiện hoặc đã thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia;

thể nhân của một Bên ký kết nghĩa là bất kỳ thể nhân mang quốc tịch của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó.

Công ước New York là Công ước của Liên hợp quốc về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được ký tại New York ngày 10 tháng 6 năm 1958;

Bên ký kết không tranh chấp là Bên ký kết có nhà đầu tư tranh chấp;

thu nhập là khoản tiền thu được từ một khoản đầu tư, bao gồm nhưng không chỉ là lợi nhuận, cổ tức, lãi tiền vay, thu nhập từ vốn, tiền bản quyền sở hữu trí tuệ hoặc phí;

Tổng thư ký là Tổng thư ký của ICSID; và

Quy tắc trọng tài UNCITRAL là quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế được sửa đổi năm 201025.

 

PHỤ LỤC 9-A

LUẬT TẬP QUÁN QUỐC TẾ

Các Bên ký kết khẳng định quan điểm chung rằng “luật tập quán quốc tế” nói chung và như được đề cập cụ thể tại Điều 9.5 và Phụ lục 9-B là kết quả từ các hành vi thực tiễn phổ biến và nhất quán của các Nhà nước và được các Nhà nước tuân thủ như nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Liên quan đến Điều 9.5, quy tắc áp dụng của luật tập quán quốc tế dẫn chiếu đến tất cả các nguyên tắc của luật tập quán quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế của người nước ngoài.

 

PHỤ LỤC 9-B

TƯỚC QUYỀN SỞ HỮU

Các Bên ký kết khẳng định quan điểm chung rằng:

a) Một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên ký kết sẽ không được coi là tước quyền sở hữu trừ khi hành động đó tác động đến quyền tài sản hữu hình hoặc vô hình trong một khoản đầu tư.

(b) Khoản 1 Điều 9.7 đề cập đến hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là tước quyền sở hữu trực tiếp, khi một khoản đầu tư được bảo hộ bị quốc hữu hóa hoặc bị tước quyền sở hữu trực tiếp thông qua việc chuyển giao chính thức hoặc tước đoạt trắng trợn.

(c) Trường hợp thứ hai được đề cập tại khoản 1 Điều 9.7 là tước quyền sở hữu gián tiếp, khi một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên ký kết có tác động tương đương với tước quyền sở hữu trực tiếp mà không có sự chuyển giao chính thức hoặc tước đoạt trắng trợn:

(i) Việc xác định một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên ký kết, trong một tình huống thực tế cụ thể, có cấu thành việc tước quyền sở hữu gián tiếp cần được điều tra trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên thực tế trong đó cân nhắc đến các yếu tố có liên quan đến đầu tư đó, bao gồm:

(A) tác động kinh tế của các hành động của chính phủ, mặc dù trên thực tế nếu một hành động hoặc một loạt các hành động của một Bên ký kết có tác động tiêu cực đến giá trị kinh tế của một khoản đầu tư, thì riêng việc đó không đủ cơ sở để xác định rằng việc tước quyền sở hữu đã xảy ra;

(B) Phạm vi tác động của hành động của chính phủ đối với các kỳ vọng cụ thể, hợp lý xây dựng trên cơ sở đầu tư.

(C) Tính chất của hành động của chính phủ, bao gồm mục đích và hoàn cảnh của hành động đó.26

(ii) Trừ các trường hợp đặc biệt, ví dụ, khi một hành động hoặc một loạt các hành động của Chính phủ rất nghiêm trọng và không phù hợp khi đối chiếu với mục đích hoặc kết quả của hành động đó, các hành vi chính sách trên cơ sở không phân biệt đối xử của một Bên ký kết được thiết lập và áp dụng để đạt được mục đích công cộng hợp pháp, như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường sẽ không được coi là tước quyền sở hữu gián tiếp.27 28

 

PHỤ LỤC 9-C

CHUYỂN TIỀN

1. Chương này và Chương 8 (Thương mại dịch vụ) không được hiểu là ngăn cản một Bên ký kết ban hành hay duy trì các biện pháp tự vệ tạm thời liên quan đến thanh toán và di chuyển vốn

(a) trong trường hợp khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán hoặc khó khăn về tài chính đối ngoại hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn đó; hoặc

(b) trong trường hợp đặc biệt, khi việc thanh toán và di chuyển vốn gây ra hoặc đe dọa gây ra bất ổn nghiêm trọng về kinh tế hoặc tài chính hoặc khó khăn nghiêm trọng đối với việc vận hành chính sách tiền tệ hoặc chính sách tỷ giá tại một trong hai Bên ký kết.

2. Các biện pháp được nêu tại khoản 1:

(a) Phải được dỡ bỏ trong vòng 1 năm hoặc khi không còn các điều kiện là cơ sở của việc thiết lập hoặc duy trì các biện pháp đó;29

(b) Phải phù hợp với Điều lệ của Hiệp định thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế (sau đây được gọi là “Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế”), và các sửa đổi;

(c) Phải không vượt quá mức độ cần thiết để giải quyết tình trạng mô tả tại khoản 1;

(d) Phải tránh các thiệt hại không cần thiết đối với lợi ích thương mại, kinh tế, hoặc tài chính của Bên ký kết kia;

(e) Phải tạm thời và được dỡ bỏ dần dần khi tình trạng làm cơ sở để ban hành các biện pháp trên được cải thiện;

(f) Phải được thông báo ngay lập tức cho Bên ký kết kia; và

(g) Phải được áp dụng theo cách thức phù hợp với Điều 9.3 và 8.2 (Đối xử quốc gia) và Điều 9.4 và 8.3 (Đối xử tối huệ quốc) phù hợp với các Danh mục bảo lưu được nêu tại Phụ lục I và II30 và Phụ lục 8-D (Danh mục các cam kết cụ thể)31.

3. Chương này và Chương 8 (Thương mại dịch vụ) không ảnh hưởng đến việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ của một Bên ký kết với tư cách là thành viên của Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế, bao gồm việc sử dụng các hoạt động hối đoái phù hợp với Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế.

CHƯƠNG 10

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Điều 10.1: Những quy định chung

Các Bên thừa nhận sự tăng trưởng kinh tế và cơ hội mà lĩnh vực thương mại điện tử đóng góp, và tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại điện tử giữa các Bên, tăng cường hợp tác giữa các Bên trong lĩnh vực phát triển thương mại điện tử, và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu.

Điều 10.2: Thuế hải quan

1. Một Bên có thể không áp thuế hải quan đối với các truyền dẫn điện tử phù hợp với bất cứ cam kết nào liên quan đến thương mại điện tử trong khuôn khổ WTO, mà cả hai Bên đều là thành viên tham gia các cam kết đó.

2. Để chắc chắn hơn, không có nội dung nào trong khoản 1 cấm một Bên không được áp đặt các chính sách thuế, phí hay các khoản phí khác trong nước đối với các nội dung được truyền dẫn bằng phương thức điện tử.

Điều 10.3: Chứng thực điện tử, chữ ký điện tử và xác thực số

1. Mỗi Bên sẽ nỗ lực ban hành hoặc duy trì luật pháp đối với chứng thực điện tử mà:

(a) cho phép các bên tham gia vào một giao dịch điện tử được cùng nhau quyết định công nghệ chứng thực điện tử thích hợp và các mô hình thực hiện các giao dịch điện tử của họ;

(b) cho phép các bên tham gia vào một giao dịch điện tử có cơ hội chứng minh rằng giao dịch điện tử của họ phù hợp với luật và quy định trong nước của Bên đó về chứng thực điện tử; và

(c) không hạn chế sự công nhận về công nghệ chứng thực và các mô hình thực hiện.

2. Trường hợp có thể, các Bên sẽ nỗ lực để hướng tới việc công nhận lẫn nhau đối với xác thực số và chữ ký điện tử mà được các Bên ban hành hoặc đã công nhận trên cơ sở các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận.

3. Các Bên sẽ nỗ lực khuyến khích khả năng tương thích xác thực số được các doanh nghiệp sử dụng.

Điều 10.4: Khung quản lý trong nước

Mỗi Bên sẽ nỗ lực ban hành mới hoặc duy trì các quy phạm pháp luật trong nước của mình nhằm quản lý các giao dịch điện tử, có xem xét đến Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1996 của UNCITRAL.

Điều 10.5: Bảo vệ khách hàng trực tuyến

1. Các Bên sẽ nỗ lực ban hành mới hoặc duy trì các biện pháp minh bạch để bảo vệ khách hàng khỏi những hành vi lừa đảo và gian lận thương mại khi họ tham gia vào thương mại điện tử.

2. Trường hợp có thể, mỗi Bên sẽ có quy định bảo vệ khách hàng khi sử dụng thương mại điện tử, tối thiểu phải bằng với quy định bảo vệ khách hàng đối với các loại hình thương mại khác theo luật, quy định và chính sách trong nước có liên quan.1

Điều 10.6: Bảo vệ dữ liệu cá nhân

1. Mỗi Bên sẽ nỗ lực ban hành mới hoặc duy trì các biện pháp pháp lý đảm bảo cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của những người sử dụng thương mại điện tử. Trong quá trình phát triển các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử, mỗi Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chí của các tổ chức quốc tế liên quan.

2. Mỗi Bên đều thừa nhận sự cần thiết của việc đưa ra một mức độ bảo hộ đầy đủ đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng thương mại điện tử được quyền giữa các Bên.

Điều 10.7: Thương mại phi giấy tờ

1. Mỗi Bên sẽ nỗ lực đưa ra công khai phiên bản điện tử đối với các loại giấy tờ hành chính.

2. Mỗi Bên sẽ nỗ lực để chấp nhận các giấy tờ hành chính thương mại được nộp bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý ngang với hình thức nộp bằng văn bản giấy thông thường2

3. Trong khả năng có thể, mỗi Bên sẽ hướng đến việc triển khai các sáng kiến liên quan đến việc sử dụng thương mại phi giấy tờ.

Điều 10.8. Hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử

1. Thừa nhận tính chất toàn cầu của thương mại điện tử, các Bên sẽ duy trì những cơ chế về hợp tác, bao gồm các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, nhằm tăng cường sự phát triển thương mại điện tử. Nội dung hợp tác này có thể bao gồm, nhưng không hạn chế, những nội dung sau:

(a) chữ ký điện tử và chứng thực điện tử;

(b) an ninh thương mại điện tử, bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, khách hàng trực tuyến, tạo thuận lợi cho việc điều tra khẩn cấp và giải quyết các sự cố lừa đảo;

(c) thúc đẩy việc sử dụng các phiên bản điện tử đối với các giấy tờ hành chính thương mại được một hoặc hai Bên sử dụng;

(d) tìm cách thức hỗ trợ giữa các Bên trong việc thực thi khung khổ pháp lý thương mại điện tử; và

(e) tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và đa phương để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

2. Các Bên sẽ nỗ lực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm đối với luật và quy định liên quan đến thương mại điện tử và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua những trở ngại trong việc sử dụng thương mại điện tử.

3. Mỗi Bên sẽ, trong khả năng có thể, thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền khi dữ liệu cá nhân được truyền qua biên giới bị rò rỉ.

4. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cấp trung ương của các Bên về những hoạt động liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới để nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng.

Điều 10.9: Các định nghĩa

Đối với Chương này:

xác thực số được hiểu là các tài liệu hoặc hồ sơ điện tử được phát hành hoặc bằng hình thức khác gắn với một người tham gia vào một giao dịch hoặc trao đổi điện tử để nhằm mục đích thiết lập nhận diện người tham gia.

chữ ký điện tử được hiểu là dữ liệu dưới dạng điện tử, được gắn hoặc liên kết lô-gic với một bản tin dữ liệu, có thể được dùng để xác định chữ ký liên quan đến bản tin dữ liệu đó và chỉ ra sự chấp thuận của bên ký đối với thông tin chứa trong bản tin dữ liệu; và

tài liệu hành chính thương mại được hiểu là các mẫu được ban hành hoặc được kiểm soát bởi một Bên, tài liệu này phải được hoàn thành bởi hoặc dành cho nhà xuất khẩu hay nhà nhập khẩu liên quan đến xuất khẩu hay nhập khẩu hàng hóa.

CHƯƠNG 11

CẠNH TRANH

Điều 11.1: Các mục tiêu

Các Bên ghi nhận tầm quan trọng của cạnh tranh không bị bóp méo trong quan hệ thương mại giữa các Bên. Các Bên nhận thức rằng việc cấm các hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp, thực thi luật1 và chính sách cạnh tranh, và hợp tác về các vấn đề cạnh tranh sẽ góp phần vào việc phòng ngừa những lợi ích của tự do hóa bị tổn hại và nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh tế cũng như phúc lợi của người tiêu dùng.

Điều 11.2: Các nguyên tắc thực thi luật

1. Mỗi Bên cần phải áp dụng hoặc duy trì pháp luật cạnh tranh toàn diện nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường bằng việc cấm các hành vi phản cạnh tranh, và cần phải thực hiện các hành động thích đáng đối với các hành vi phản cạnh tranh nhằm mục tiêu thúc đẩy hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng.

2. Mỗi Bên cần phải duy trì một hoặc nhiều cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật cạnh tranh của Bên đó.

3. Việc thực thi pháp luật cạnh tranh của một Bên cần phải phù hợp với các nguyên tắc minh bạch, kịp thời, không phân biệt đối xử và công bằng trong trình tự, thủ tục.

Điều 11.3: Thực hiện

1. Các Bên công nhận giá trị của việc thực thi pháp luật cạnh tranh của mỗi nước một cách càng minh bạch càng tốt và sẽ nỗ lực công bố hoặc cho công chúng có thể tiếp cận được các luật và quy định điều chỉnh về cạnh tranh công bằng, bao gồm thông tin về bất kỳ miễn trừ nào được áp dụng theo các luật và quy định đó.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng bất kỳ trường hợp miễn trừ nào được áp dụng theo pháp luật cạnh tranh cần minh bạch và được thực hiện trên cơ sở chính sách công hoặc lợi ích công.

3. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng tất cả các quyết định chính thức của cơ quan cạnh tranh khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh cần phải được thể hiện bằng hình thức văn bản và đưa ra mọi kết luận có liên quan cùng với việc phân tích lý do và cơ sở pháp lý để ban hành quyết định. Mỗi Bên phải đảm bảo thêm rằng quyết định cần được thông báo cho những người có liên quan. Bản quyết định có thể không chứa thông tin thuộc bí mật kinh doanh được pháp luật trong nước bảo hộ không công bố.

4. Theo yêu cầu của Bên kia, một Bên phải cung cấp cho Bên yêu cầu những thông tin được công bố về chính sách và thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh của mình.

5. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng một người là đối tượng bị điều tra có cơ hội được lắng nghe và trình bày chứng cứ tại một phiên điều trần. Mỗi Bên cũng phải cho phép một người là đối tượng bị áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có cơ hội được khiếu nại về biện pháp trừng phạt hoặc khắc phục hậu quả thông qua rà soát hành chính và tư pháp phù hợp với pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.4: Áp dụng pháp luật cạnh tranh

1. Tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế, bất kể hình thức sở hữu là nhà nước hoặc tư nhân, đều phải thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh được dẫn chiếu tại Điều 11.2, trong phạm vi việc áp dụng các quy định đó không cản trở việc thực hiện theo luật hoặc trên thực tế các nhiệm vụ công ích cụ thể mà họ được giao.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành và lĩnh vực độc quyền nhà nước không được thực hiện hoặc duy trì bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào được quy định trong pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.5: Hợp tác

1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của việc hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh tương ứng trong việc thúc đẩy sự thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh và thi hành các mục tiêu của Hiệp định này. Các Bên nhất trí sẽ hợp tác theo một cách thức phù hợp với luật, quy định và các lợi ích quan trọng của mình, và trong khuôn khổ các nguồn lực sẵn có hợp lý.

2. Mỗi Bên, thông qua cơ quan cạnh tranh của mình, phải thông báo kịp thời cho cơ quan cạnh tranh Bên kia hoạt động thực thi liên quan đến các hành vi phản cạnh tranh khi cơ quan cạnh tranh của một Bên lưu ý rằng lợi ích quan trọng của Bên kia có thể bị ảnh hưởng, với điều kiện rằng điều này không trái với pháp luật cạnh tranh của mỗi bên và không ảnh hưởng đến bất kỳ một cuộc điều tra nào đang được tiến hành.

3. Cơ quan cạnh tranh một Bên có thể đề nghị phối hợp với cơ quan cạnh tranh Bên kia về một vụ việc cụ thể, khi các lợi ích quan trọng của bên đề nghị bị ảnh hưởng đáng kể. Yêu cầu này không làm phương hại đến quyền tự do đầy đủ về quyết định cuối cùng của cơ quan cạnh tranh có liên quan. Bên kia cần xem xét một cách thỏa đáng đối với yêu cầu đó, nếu phù hợp và tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Điều 11.6: Trao đổi thông tin

Cơ quan cạnh tranh một Bên, theo yêu cầu của cơ quan cạnh tranh Bên kia, phải nỗ lực cung cấp các thông tin sẵn có để tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả pháp luật cạnh tranh với điều kiện rằng đó không phải các thông tin mật.

Điều 11.7: Bảo mật thông tin

1. Mỗi Bên phải duy trì việc bảo mật mọi thông tin được cung cấp bí mật từ cơ quan cạnh tranh Bên kia.

2. Cơ quan cạnh tranh một Bên không được tiết lộ các thông tin đó cho bất kỳ thực thể nào không được sự chấp thuận của cơ quan cạnh tranh Bên cung cấp thông tin.

Điều 11.8: Tham vấn

1. Để tăng cường sự hiểu biết giữa các Bên hoặc nhằm xử lý các vấn đề cụ thể phát sinh từ Hiệp định này mà không làm phương hại đến sự tự chủ của mỗi Bên trong việc phát triển, duy trì và thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh, khi có yêu cầu của Bên kia, một Bên phải, tham gia tham vấn về những vấn đề do Bên yêu cầu đưa ra. Trong yêu cầu của mình, Bên đó phải nêu ra, nếu phù hợp, lý do vì sao vấn đề đó ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên.

2. Bên được yêu cầu tham gia cần phải xem xét thỏa đáng các quan ngại của Bên kia.

Điều 11.9: Hỗ trợ kỹ thuật

Các Bên có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực cạnh tranh tùy thuộc vào các nguồn lực sẵn có hợp lý, bao gồm:

(a) trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy và thực thi luật và chính sách cạnh tranh;

(b) trao đổi các thông tin được công khai về luật và chính sách cạnh tranh;

(c) trao đổi cán bộ để đào tạo;

(d) trao đổi chuyên gia và tư vấn về luật và chính sách cạnh tranh;

(e) tham gia của các cán bộ với tư cách là giảng viên, tư vấn, hoặc người dự tại các khóa đào tạo về luật và chính sách cạnh tranh;

(f) tham gia của các bộ trong các chương trình phổ biến, tuyên truyền;

(g) trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các hoạt động liên quan đến tuyên truyền, phổ biến về cạnh tranh và thúc đẩy văn hóa cạnh tranh; và

(h) bất kỳ hình thức hợp tác kỹ thuật nào mà các Bên thống nhất.

Điều 11.10: Giải quyết tranh chấp

Các điều khoản của Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) không áp dụng đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Chương này.

Điều 11.11: Định nghĩa

Đối với Chương này:

cơ quan cạnh tranh nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam: Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam và Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam; và

(b) đối với Hàn Quốc: Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc;

hoặc các cơ quan kế nhiệm tương ứng; và

pháp luật cạnh tranh nghĩa là:

(a) đối với Việt Nam, Luật cạnh tranh Việt Nam và các quy định hướng dẫn thi hành;

(b) đối với Hàn Quốc: Luật quy định về độc quyền và thương mại công bằng và các quy định hướng dẫn thi hành; và

(c) bất kỳ sự sửa đổi nào đối với các văn bản pháp luật nêu trên có thể được ban hành sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

CHƯƠNG 12

SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 12.1: Mục tiêu

Các mục tiêu của Chương này nhằm:

(a) nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong hoạt động sáng tạo, chuyển giao và phổ biến công nghệ và thương mại;

(b) giảm trở ngại đối với thương mại và đầu tư thông qua việc tạo ra, tận dụng, bảo hộ và thực thi đầy đủ và hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, có tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế và năng lực, cũng như những khác biệt về hệ thống pháp luật quốc gia của các Bên;

(c) duy trì sự cân bằng thích hợp giữa quyền của chủ sở hữu và lợi ích hợp pháp của người sử dụng và cộng đồng đối với những đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ;

(d) đảm bảo rằng quyền sở hữu trí tuệ được thực thi có hiệu quả nhằm, bên cạnh các mục tiêu khác, giảm thiểu việc buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền và rằng các biện pháp và thủ tục thực thi quyền không trở thành rào cản đối với thương mại hợp pháp.

Điều 12.2: Nguyên tắc chung

1. Mỗi Bên phải cung cấp bảo hộ đầy đủ, hiệu quả và không phân biệt đối xử đối với quyền sở hữu trí tuệ, và quy định các biện pháp phù hợp để thực thi các quyền này.

2. Đối với tất cả đối tượng sở hữu trí tuệ có trong Chương này, mỗi Bên phải trao cho công dân1 của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho công dân của mình trong việc bảo hộ và thụ hưởng 2 các quyền sở hữu trí tuệ, và mọi lợi ích có được từ các quyền đó, phù hợp với các Điều 3 và 5 Hiệp định TRIPS.

3. Các Bên được tự do quyết định cách thức phù hợp để thi hành các điều khoản của Chương này trong hệ thống pháp luật và thực tiễn thi hành của nước mình.

4. Mỗi Bên sẽ công nhận các mục tiêu chính sách xã hội cơ bản của các hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc gia, kể cả các mục tiêu phát triển và công nghệ. Không quy định nào trong Chương này được hiểu là sự ngăn cản một Bên thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình.

Điều 12.3: Khẳng định các cam kết quốc tế

1. Mỗi Bên khẳng định các quyền và nghĩa vụ hiện tại của mình theo Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế khác về sở hữu trí tuệ mà hai Bên cùng là thành viên. Không quy định nào trong Chương này ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ hiện tại mà các Bên có với nhau theo các điều ước quốc tế này.

2. Mỗi Bên sẽ nỗ lực ở mức hợp lý để phê chuẩn hoặc gia nhập những điều ước quốc tế sau:

(a) Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (sau đây gọi tắt tổ chức này là “WIPO”) (năm 1996); và

(b) Hiệp ước về Cuộc biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (năm 1996).

Khi một Bên có ý định gia nhập bất kỳ điều ước quốc tế nào nêu trên thì có thể tìm kiếm sự hợp tác từ Bên kia để được hỗ trợ cho việc gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế đó.

Điều 12.4: Bảo hộ cao hơn

Mỗi Bên có thể, nhưng không có nghĩa vụ, quy định sự bảo hộ cao hơn đối với các quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật của mình so với quy định của Chương này, với điều kiện rằng sự bảo hộ cao hơn đó không trái với các quy định của Chương này.

Điều 12.5: Nhãn hiệu

Bảo hộ nhãn hiệu

1. Mỗi Bên phải đảm bảo sự bảo hộ đầy đủ và hiệu quả đối với nhãn hiệu phù hợp với Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, không Bên nào được từ chối đăng ký nhãn hiệu chỉ với lý do rằng nhãn hiệu đó chứa dấu hiệu là các yếu tố hình họa hoặc hình dạng của hàng hóa hoặc hình dạng của bao bì hàng hóa.

2. Mỗi Bên phải quy định rằng chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký có độc quyền ngăn cấm người khác mà không được sự cho phép của mình sử dụng trong hoạt động thương mại các dấu hiệu trùng hoặc tương tự, cho những hàng hóa hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa và dịch vụ đã đăng ký của chủ sở hữu nhãn hiệu, nếu việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn. Việc sử dụng cùng một dấu hiệu cho cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ phải được coi là có khả năng gây nhầm lẫn.

Ngoại lệ về quyền đối với nhãn hiệu

3. Mỗi Bên có thể quy định các ngoại lệ hạn chế đối với quyền được cấp cho nhãn hiệu, chẳng hạn việc sử dụng có mục đích lành mạnh các thuật ngữ có tính mô tả, với điều kiện những ngoại lệ này có tính đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu và của bên thứ ba.

Nhãn hiệu nổi tiếng

4. Không Bên nào được yêu cầu nhãn hiệu phải được đăng ký tại Bên đó như điều kiện để xác định nhãn hiệu đó là nổi tiếng.

5. Điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ tài sản công nghiệp (năm 1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp, cho những hàng hóa hoặc dịch vụ không trùng hoặc không tương tự với hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng,3 dù có đăng ký hay không, với điều kiện rằng việc sử dụng nhãn hiệu đó cho những hàng hóa hoặc dịch vụ nói trên có khả năng chỉ ra mối liên hệ giữa hàng hóa hoặc dịch vụ với chủ sở hữu nhãn hiệu, và với điều kiện rằng lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu có khả năng bị tổn hại từ việc sử dụng đó.

6. Mỗi Bên sẽ phải quy định các biện pháp phù hợp để từ chối đơn hoặc hủy bỏ đăng ký và cấm sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, cho hàng hóa hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự, nếu việc sử dụng nhãn hiệu đó có khả năng:

(a) gây nhầm lẫn với,

(b) lừa dối hoặc lừa gạt về mối liên hệ giữa nhãn hiệu với chủ sở hữu của, hoặc

(c) gây tổn hại đến danh tiếng của,

nhãn hiệu nổi tiếng có trước.

Các Bên được khuyến khích áp dụng các biện pháp tương tự, với những sửa đổi thích hợp, đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan đến những hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng,

Đơn và đăng ký nhãn hiệu

7. Mỗi Bên phải thiết lập một hệ thống để đăng ký nhãn hiệu, trong đó các lý do từ chối đăng ký nhãn hiệu phải được thông báo bằng văn bản và có thể được gửi bằng phương tiện điện tử cho người nộp đơn - người mà sẽ có cơ hội khiếu nại việc từ chối đó và khiếu kiện ra tòa án về quyết định từ chối cuối cùng.

8. Mỗi Bên phải quy định khả năng phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu.

9. Mỗi Bên phải quy định rằng thời hạn đăng ký lần đầu và mỗi lần gia hạn đăng ký nhãn hiệu sẽ không ít hơn 10 năm.

Điều 12.6: Bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh

1. Mỗi Bên phải bảo hộ có hiệu quả chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mọi hành vi cạnh tranh trái với hoạt động công nghiệp và thương mại trung thực sẽ được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, những việc dưới đây phải bị cấm:

(a) mọi hành vi có bản chất nhằm tạo ra sự nhầm lẫn bằng mọi cách về cơ sở kinh doanh, hàng hóa hoặc các hoạt động thương mại hoặc công nghiệp, của đối thủ cạnh tranh;

(b) những cáo buộc sai lệch trong hoạt động thương mại có bản chất nhằm làm mất uy tín cơ sở kinh doanh, hàng hóa, hoặc các hoạt động thương mại hoặc công nghiệp, của đối thủ cạnh tranh;

(c) sử dụng các chỉ dẫn hoặc cáo buộc trong hoạt động thương mại có khả năng lừa dối công chúng về bản chất, quy trình sản xuất, đặc điểm, tính phù hợp với mục đích, hoặc số lượng, của hàng hóa;

(d) các hành vi sử dụng, hoặc chiếm đoạt hoặc nắm giữ quyền sử dụng, tên miền trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng tại mỗi Bên nhằm các mục đích được quy định trong pháp luật của Bên đó, như có dụng ý kiếm lợi một cách thiếu lành mạnh hoặc gây tổn hại cho người khác.

2. Mỗi Bên sẽ phải đảm bảo trong pháp luật của mình sự bảo hộ đầy đủ và hiệu quả thông tin bí mật phù hợp với Điều 39 Hiệp định TRIPS.

3. Mỗi Bên phải thiết lập các chế tài phù hợp để ngăn chặn hoặc trừng phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, mỗi Bên phải bảo đảm rằng bất kỳ ai thấy rằng lợi ích kinh doanh của mình bị thiệt hại bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì đều có thể yêu cầu áp dụng hành động pháp lý và yêu cầu đình chỉ hoặc ngăn chặn hành vi đó, tiêu hủy hàng hóa tạo thành hành vi xâm phạm, tiêu hủy nguyên liệu và phương tiện được sử dụng trong hành vi đó, hoặc yêu cầu bồi thường cho những tổn thất gây ra bởi hành vi đó, trừ khi được quy định khác trong pháp luật trong nước của Bên đó.

Điều 12.7: Sáng chế

1. Mỗi Bên sẽ phải cấp bằng độc quyền sáng chế cho mọi sáng chế, dù là sản phẩm hay quy trình, thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó phải mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

2. Mỗi Bên có thể loại trừ việc bảo hộ sáng chế cho:

(a) những sáng chế, mà việc cấm khai thác thương mại trong lãnh thổ nước đó là cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, kể cả để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe của con người và động vật hoặc thực vật hoặc để tránh gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường, với điều kiện ngoại lệ đó được quy định không chỉ vì việc khai thác các sáng chế tương ứng bị pháp luật của nước đó ngăn cấm;

(b) các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật để chữa bệnh cho người và động vật; và

(c) thực vật và động vật không phải là chủng vi sinh, và quy trình sản xuất thực vật và động vật chủ yếu mang tính chất sinh học mà không phải là quy trình phi sinh học hoặc vi sinh.

3. Mỗi Bên có thể quy định các ngoại lệ hạn chế đối với độc quyền được cấp cho sáng chế, với điều kiện những ngoại lệ đó không mâu thuẫn một cách bất hợp lý với việc khai thác bình thường của sáng chế và không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế, có tính đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.

4. Mỗi Bên không được sử dụng các thông tin được bộc lộ công khai để xác định liệu sáng chế đó có tính mới hoặc có trình độ sáng tạo không nếu việc bộc lộ công khai đó:

(a) được thực hiện hoặc được sự cho phép bởi người nộp đơn, hoặc thực hiện mà không có sự cho phép của người nộp đơn, phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia;4

(b) xảy ra trong vòng sáu tháng trước ngày nộp đơn tại lãnh thổ Bên đó.

Thẩm định nhanh

5. Mỗi Bên có thể, phù hợp với pháp luật trong nước, cho phép người nộp đơn yêu cầu thẩm định nhanh đối với đơn đăng ký sáng chế với điều kiện rằng sáng chế được yêu cầu bảo hộ:

(a) đang được sử dụng bởi người khác mà không phải người nộp đơn sau khi công bố đơn; hoặc

(b) đang được sử dụng hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng bởi người nộp đơn.

Điều 12.8: Quyền tác giả và quyền liên quan

Bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan

1. Mỗi Bên sẽ quy định dành cho các tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng có quyền cho phép hoặc cấm mọi hình thức sao chép sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, bằng bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào.

2. Mỗi Bên sẽ quy định là bất kỳ cá nhân5 nào sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm đã được công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền thù lao6 cho người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm.

Quản lý tập thể quyền

3. Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của các Hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan, để đảm bảo việc quản lý hiệu quả các quyền được ủy thác, và phân phối hợp lý các khoản nhuận bút, thù lao thu được, sau khi khấu trừ một tỷ lệ phí quản lý phù hợp nhằm phát huy việc khai thác, sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, hoặc bản ghi âm, trên cơ sở minh bạch và quy trình quản lý hiệu quả, phù hợp với pháp luật của mỗi Bên.

4. Mỗi Bên sẽ nỗ lực để tạo điều kiện thiết lập các thỏa thuận giữa các Hiệp hội tập thể quyền tương ứng nhằm mục đích bảo đảm tạo điều kiện dễ dàng tiếp cập và truyền đạt nội dung thuận lợi giữa các Bên, cũng như, việc đảm bảo chuyển giao cho nhau tiền bản quyền sử dụng tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khác của các Bên một cách thuận lợi. Mỗi Bên sẽ nỗ lực để đạt được mức độ hợp lý hóa cao nhất và nâng cao tính minh bạch liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ của các Hiệp hội tập thể quyền tương ứng.

Bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa

5. Mỗi Bên sẽ quy định các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự, phù hợp với pháp luật và quy định nước mình đối với các hành vi sau:

(a) Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, bán, cho thuê hoặc phân phối khác một thiết bị hoặc hệ thống, do bất kỳ người nào thực hiện khi biết hoặc có cơ sở để biết rằng thiết bị hoặc hệ thống đó chủ yếu để giúp cho việc giải mã không được phép của nhà phân phối hợp pháp tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa; và

b) Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp tín hiệu đó

Hạn chế và ngoại lệ

6. Mỗi Bên phải giới hạn những hạn chế và ngoại lệ đối với các độc quyền trong những trường hợp đặc biệt nhất định, không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường một tác phẩm và không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người nắm quyền.

Điều 12.9: Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Nghĩa vụ chung

1. Các Bên công nhận tầm quan trọng của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như được quy định tại Hiệp định TRIPS, đặc biệt là các Điều từ 41 đến 61 của Hiệp định này.

Giả định về quyền tác giả hoặc quyền sở hữu

2. Trong vụ kiện dân sự, hình sự, và nếu áp dụng, hành chính liên quan đến quyền tác giả hoặc quyền liên quan, mỗi Bên phải quy định giả định rằng, trong trường hợp không có chứng cứ ngược lại, người có tên được chỉ dẫn theo cách thông thường sẽ là chủ sở hữu quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm hoặc phát sóng như chỉ dẫn.

Các thủ tục và chế tài dân sự và hành chính

3. Trong vụ kiện dân sự, mỗi Bên phải phải quy định rằng tòa án có quyền ra lệnh buộc người xâm phạm phải trả cho chủ thể quyền khoản đền bù thỏa đáng để bồi thường thiệt hại mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải gánh chịu do hành vi xâm phạm của người thực hiện hành vi xâm phạm quyền khi đã biết hoặc có cơ sở để biết điều đó.

4. Mỗi Bên phải quy định rằng tòa án, trừ trường hợp ngoại lệ, phải có quyền ra lệnh, theo kết luận của vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan, xâm phạm quyền đối với sáng chế hoặc nhãn hiệu, rằng bên thua kiện phải trả án phí và chi phí luật sư phù hợp, theo quy định của pháp luật Bên đó.

5. Trong vụ kiện dân sự, mỗi Bên phải, ít nhất đối với các tác phẩm, bản ghi âm và buổi biểu diễn được bảo hộ quyền tác giả hoặc quyền liên quan, và trong trường hợp hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thiết lập hoặc duy trì mức bồi thường thiệt hại ấn định trước. Mức bồi thường này phải đủ để đền bù cho chủ thể quyền những thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm.7

6. Trong vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu, mỗi Bên phải quy định rằng tòa án có quyền ra lệnh thu giữ hàng hóa bị cho là xâm phạm quyền, nguyên liệu và phương tiện liên quan đến hành vi xâm phạm, và, ít nhất đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu, tài liệu chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền8.

7. Mỗi Bên phải quy định rằng liên quan đến thủ tục dân sự về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tòa án có quyền phạt các bên liên quan, luật sư của các bên, các chuyên gia, hoặc những người khác tùy theo quy định của tòa, về việc vi phạm lệnh của tòa liên quan đến bảo vệ thông tin bí mật phát sinh hoặc trao đổi trong quá trình tố tụng.

8. Mỗi Bên phải nỗ lực, khi cần, để cải thiện hệ thống tư pháp nhằm quy định các chế tài dân sự hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời

9. Mỗi Bên phải quy định rằng tòa án có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách nhanh chóng và hiệu quả khi có yêu cầu. Tòa án cũng phải có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi nghe ý kiến của bị đơn, trong trường hợp phù hợp, đặc biệt, trong trường hợp sự chậm trễ có khả năng gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền, hoặc trong trường hợp có nguy cơ rõ ràng rằng chứng cứ đang bị tiêu hủy.

10. Mỗi Bên phải quy định rằng tòa án có quyền yêu cầu người nộp đơn, liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời, cung cấp mọi chứng cứ có được một cách hợp lý đủ để thuyết phục ở mức độ chắc chắn rằng quyền của người nộp đơn đang bị xâm phạm hoặc hành vi xâm phạm là hiển nhiên, và để ra lệnh cho buộc người nộp đơn phải nộp khoản bảo đảm hoặc bảo chứng tương đương đủ để bảo vệ bị đơn và ngăn ngừa sự lạm dụng, và không cản trở một cách bất hợp lý đến các thủ tục này.

Các yêu cầu đặc biệt liên quan đến biện pháp kiểm soát biên giới

11. Mỗi Bên phải quy định rằng mọi chủ thể quyền nào tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thông quan hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu9, vào lưu thông tự do, đều phải cung cấp đầy đủ bằng chứng để thỏa mãn cơ quan có thẩm quyền rằng, theo pháp luật của nước nhập khẩu, có chứng cứ hiển nhiên về hành vi xâm phạm quyền và phải cung cấp mô tả chi tiết đầy đủ về hàng hóa để cơ quan có thẩm quyền có thể dễ dàng nhận biết những hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền đó.

12. Mỗi Bên có thể, không ảnh hưởng đến pháp luật của Bên đó về quyền riêng tư hoặc bảo mật thông tin, cho phép cơ quan có thẩm quyền của Bên đó, trong trường hợp các cơ quan đó đã tạm giữ hoặc thu giữ, hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thông báo cho chủ thể quyền, người đã nộp đơn yêu cầu được hỗ trợ thông tin về hàng hóa mà có thể giúp họ trong việc theo đuổi một biện pháp chế tài. Thông tin này có thể bao gồm mô tả về và số lượng hàng hóa, tên và địa chỉ của người gửi hàng, người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người nhận, và, nếu biết, nước xuất xứ của hàng hóa, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hàng hóa.

13. Mỗi Bên phải quy định rằng hàng hóa đã bị đình chỉ thông quan bởi cơ quan hải quan của nước mình, và hàng hóa bị tịch thu như hàng giả mạo nhãn hiệu, sao chép lậu, phải bị tiêu hủy hoặc loại khỏi kênh thương mại theo cách mà tránh bất kỳ sự tổn hại nào cho chủ thể quyền. Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, việc đơn thuần gỡ bỏ nhãn hiệu gắn trên hàng hóa một cách bất hợp pháp không đủ để cho phép hàng hóa đó được vào lưu thông trong các kênh thương mại.

Các biện pháp và thủ tục hình sự

14. Mỗi Bên phải quy định các thủ tục và hình phạt hình sự phải được áp dụng ít nhất trong các trường hợp cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm bản quyền ở quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp.

Các biện pháp đặc biệt chống lại người xâm phạm quyền tác giả nhiều lần trên mạng thông tin điện tử

15. Mỗi Bên phải nỗ lực quy định các biện pháp nhằm giảm thiểu các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan lặp đi lặp lại trên mạng thông tin điện tử.

Điều 12.10: Hợp tác

1. Các Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả và sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ một cách có lợi và cân bằng.

2. Theo yêu cầu của một Bên, Bên kia sẽ, ở mức có thể và phù hợp, hỗ trợ kỹ thuật cho Bên yêu cầu trong việc tạo ra, đăng ký, bảo hộ, sử dụng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ vì sự sáng tạo trong nước và sự phát triển kinh tế của Bên đó.

3. Các Bên nhất trí trao đổi quan điểm và thông tin về quy định pháp lý, quản trị, đăng ký và bảo vệ quyền, bao gồm thông tin về những nỗ lực của mình trong việc thực thi hiệu quả, các quyền sở hữu trí tuệ.

4. Các Bên cũng nhất trí hợp tác, thông qua các cơ quan sở hữu trí tuệ của mình, về các vấn đề sau đây:

(a) Xây dựng năng lực cho các cán bộ hoặc chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ;

(b) Quản trị sở hữu trí tuệ, và hệ thống đăng ký, bao gồm các cơ sở dữ liệu để công chúng có thể truy cập được;

(c) Giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ;

(d) Thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

(e) Nâng cao quy trình quản lý chất lượng; và

(f) Các lĩnh vực khác do các Bên thỏa thuận.

5. Với mục đích nâng cao tính minh bạch trong hệ thống quản trị về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các Bên cũng nhất trí hợp tác trong việc cung cấp công khai các thông tin về đơn và đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và các đối tượng khác, khi thích hợp.

6. Các Bên cũng nhất trí thúc đẩy đối thoại về các vấn đề sở hữu trí tuệ thông qua:

(a) chỉ định đầu mối liên lạc để triển khai các hoạt động hợp tác theo Điều này; và

(b) khuyến khích sự tương tác chủ thể quyền sở hữu trí tuệ để mở rộng sự hiểu biết về hệ thống sở hữu trí tuệ của nhau.

7. Các hoạt động hợp tác sẽ được thực hiện theo các điều khoản thỏa thuận và phụ thuộc vào nguồn lực tài chính.

Điều 12.11: Định nghĩa

Đối với Chương này, sở hữu trí tuệ bao gồm tất cả đối tượng sở hữu trí tuệ có trong Chương này và/hoặc có trong các Mục 1 đến 7 Phần II của Hiệp định TRIPS.

CHƯƠNG 13

HỢP TÁC KINH TẾ

Điều 13.1: Các nguyên tắc cơ bản

1. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác kinh tế giữa các Bên, các Bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, có tính đến sự khác biệt về mức độ phát triển và năng lực của các Bên.

2. Để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc thực thi hợp tác kinh tế, các Bên sẽ tiến hành hợp tác giữa các cơ quan ở các cấp chính quyền và, khi cần thiết và thích hợp, sẽ khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác kể cả trong trường hợp một hoặc cả hai phía không là cơ quan các cấp chính quyền. Trên cơ sở lợi ích chung của các Bên đối với các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm, các Bên sẽ tiến hành hợp tác dưới các hình thức hoạt động phù hợp.

3. Tái khẳng định giá trị của các sáng kiến hợp tác kinh tế hiện nay giữa các Bên, các Bên phải sẽ tôn trọng và khuyến khích các hợp tác kinh tế hiện có của mình trong các khuôn khổ khác ngoài Hiệp định này.

4. Các Bên thừa nhận các điều khoản nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế được quy định tại Hiệp định này phù hợp với luật và quy định tương ứng trong nước.

Điều 13.2: Các lĩnh vực hợp tác

1. Các Bên, trên cơ sở lợi ích chung, sẽ tìm hiểu và tiến hành các hoạt động hợp tác.

2. Các ngành liên quan đến công nghiệp có thể bao gồm:

(a) ô tô;

(b) thép và kim loại;

(c) hóa dầu;

(d) điện tử;

(e) máy móc;

(f) may mặc, dệt may và giày dép;

(g) phân phối và logistics; và

(h) các ngành hợp tác khác có thể được thỏa thuận giữa các Bên

3. Các ngành liên quan đến nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp có thể bao gồm:

(a) chăn nuôi và trồng trọt;

(b) làm vườn;

(c) cải thiện điều kiện đầu tư trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản;

(d) đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phù hợp với luật và quy định tương ứng của mỗi Bên;

(e) quản lý tài nguyên thủy sản;

(f) quản lý rừng;

(g) chế biến nông sản và thực phẩm; và

(h) các ngành hợp tác khác do các Bên thỏa thuận.

4. Các lĩnh vực liên quan đến các quy tắc và thủ tục thương mại có thể bao gồm:

(a) các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp;

(b) thủ tục hải quan;

(c) quy tắc xuất xứ và các khía cạnh thực thi các cam kết thuế quan;

(d) sở hữu trí tuệ; và

(e) các lĩnh vực hợp tác khác do các Bên thỏa thuận.

5. Các lĩnh vực khác có thể bao gồm:

(a) chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

(b) thống kê;

(c) cạnh tranh lành mạnh;

(d) cơ sở hạ tầng;

(e) đầu tư;

(f) các dịch vụ liên quan đến văn hóa; và

(g) các lĩnh vực hợp tác khác có thể được thỏa thuận giữa các Bên.

Điều 13.3: Các hình thức hợp tác

Các hình thức hợp tác kinh tế có thể bao gồm, nhưng không bị giới hạn ở các hình thức sau:

(a) hỗ trợ kỹ thuật;

(b) đào tạo nguồn nhân lực;

(c) trao đổi quan điểm và thông tin;

(d) trao đổi chuyên gia;

(e) hội nghị và hội thảo;

(f) xây dựng và cải thiện thể chế;

(g) xây dựng quy hoạch tổng thể ngành;

(h) xây dựng chiến lược phát triển;

(i) chia sẻ kinh nghiệm quản lý tốt;

(j) nghiên cứu cơ bản;

(k) cùng nghiên cứu và phát triển;

(l) tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư;

(m) chuyển giao mô hình và công nghệ; và

(n) các hình thức hợp tác khác có thể được thỏa thuận giữa các Bên.

Điều 13.4: Thực hiện

1. Việc hợp tác phải được thực hiện phù hợp với pháp luật và quy định trong nước của mỗi Bên.

2. Nhằm mục đích thực hiện và thi hành hiệu quả Chương này, Ủy ban về Hợp tác kinh tế (sau đây gọi tắt là “Ủy ban”) sẽ được thành lập. Các Bên sẽ ký kết một thỏa thuận thực thi để quy định các hình thức và chức năng của Ủy ban.

3. Các Bên sẽ triển khai các dự án hợp tác vào những khoảng thời gian theo thỏa thuận. Việc thực hiện các dự án này phải được quản lý và xem xét bởi Ủy ban để đảm bảo hiệu quả thực hiện.

4. Có tính đến sự khác biệt về mức độ phát triển và năng lực, các Bên sẽ đóng góp chi phí thực hiện một cách thích hợp, theo thỏa thuận. Kinh phí tiến hành các lĩnh vực hợp tác sẽ được quy định chi tiết trong thỏa thuận thực thi.

Điều 13.5: Nguồn lực cho hợp tác kinh tế

1. Các Bên sẽ hợp tác nhằm sử dụng các cách thức có hiệu quả nhất để thực thi Chương này.

2. Các Bên sẽ nỗ lực huy động nguồn lực tài chính và các nguồn lực cần thiết khác để tiến hành hợp tác kinh tế được quy định trong Chương này phù hợp theo luật pháp và quy định trong nước tương ứng của các Bên.

3. Kinh phí cho hợp tác kinh tế được quy định trong Chương này phải được đóng góp dựa theo thỏa thuận chung, có tính đến mức độ phát triển khác nhau của các Bên.

 

PHỤ LỤC 13-A

HỢP TÁC TRONG CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA

1. Vì các lợi ích chung, ghi nhận rằng sự hợp tác góp phần vào việc tăng cường hiểu biết giữa các Bên và sự phát triển của các ngành dịch vụ, các Bên sẽ nỗ lực hợp tác trong các ngành dịch vụ, ví dụ như nghe - nhìn, du lịch, giải trí (bao gồm các dịch vụ nhà hát, ban nhạc sống và xiếc), di sản văn hóa, bảo tàng và thư viện.

2. Với mục đích thúc đẩy sự phát triển các ngành có liên quan, phù hợp với luật pháp và quy định trong nước, sự hợp tác này sẽ được tạo điều kiện thông qua việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực, liên quan đến chính sách trong nước, công nghệ tiêu chuẩn, và luật và quy định có liên quan của mỗi Bên.

CHƯƠNG 14

MINH BẠCH HÓA

Điều 14.1: Công bố

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các luật, quy định, thủ tục và quyết định hành chính trong nước mang tính áp dụng chung liên quan đến tới bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này sẽ ngay lập tức được đăng tải hoặc công bố công khai theo cách khác.

2. Trong chừng mực có thể, phù hợp với các luật và quy định trong nước của mình, mỗi Bên sẽ:

(a) công bố trước các biện pháp nêu tại đoạn 1 mà Bên đó dự kiến ban hành;

(b) tạo cơ hội hợp lý để các cá nhân có quan tâm và Bên kia đóng góp ý kiến đối với các biện pháp đề xuất ban hành đó.

3. Đối với luật và quy định trong nước mang tính áp dụng chung1 liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này, mỗi Bên sẽ công bố những luật và quy định đó trong một ấn phẩm chính thức duy nhất2 được lưu hành toàn quốc và sẽ khuyến khích lưu hành dưới dạng các ấn phẩm khác.

4. Đối với các dự thảo luật và quy định mang tính áp dụng chung3 do chính quyền cấp trung ương đề xuất liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này mà đã được công bố như tại đoạn 2(a), mỗi Bên nên, trong nhiều trường hợp, công bố dự thảo luật và quy định đó ít nhất 40 ngày trước ngày việc lấy ý kiến công chúng kết thúc.

Điều 14.2: Cung cấp thông tin

Khi một Bên có yêu cầu, Bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi liên quan đến các biện pháp thực tế hoặc đề xuất ban hành được nêu tại Điều 14.1 mà Bên yêu cầu cho rằng có thể ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định này.

Điều 14.3: Tố tụng hành chính

Nhằm thực thi một cách nhất quán, công bằng và hợp lý các luật, các quy định, thủ tục và quyết định hành chính trong nước mang tính áp dụng chung liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này, mỗi Bên sẽ đảm bảo những nội dung sau đây trong vụ việc tố tụng hành chính mà các biện pháp nêu trên áp dụng đối với cá nhân, hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể của Bên kia trong từng trường hợp cụ thể:

(a) bất kỳ khi nào có thể, phù hợp với các luật và quy định trong nước hiện hành, khi một thủ tục được bắt đầu các cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi một quy trình tố tụng của Bên đó sẽ được cung cấp một thông báo phù hợp, trong đó bao gồm việc mô tả bản chất vụ kiện, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đã khởi xướng vụ việc và giới thiệu chung về mọi vấn đề gây tranh cãi;

(b) tạo cơ hội hợp lý cho cá nhân của Bên trực tiếp liên quan đến vụ việc tố tụng hành chính được trình bày sự việc và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình trước khi có bất kỳ quyết định/hành vi hành chính cuối cùng nào khi mà bản chất của vụ việc và lợi ích công cộng cho phép; và

(c) các thủ tục tố tụng hành chính của mỗi Bên phải phù hợp với các luật và quy định trong nước của mình.

Điều 14.4: Rà soát và kháng cáo

1. Phù hợp với các luật và quy định trong nước của mình, mỗi bên sẽ thành lập hoặc duy trì các tòa án hoặc cơ quan xét xử hành chính hoặc thủ tục pháp lý nhằm mục đích rà soát lại ngay và, khi được phép, chỉnh sửa lại các quyết định/hành vi hành chính liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi Hiệp định này. Các tòa án sẽ phải công bằng và độc lập với các cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi hành chính hoặc sẽ không có bất kỳ sự ảnh hưởng đáng kể nào đối với kết quả của vấn đề đó.

2. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng, đối với các cơ quan xét xử hoặc thủ tục nêu trên, các Bên trong vụ việc sẽ được trao quyền để:

(a) có cơ hội hợp lý để lập luận ủng hộ hoặc bảo vệ quan điểm của mình; và

(b) quyết định dựa trên bằng chứng và hồ sơ được nộp hoặc khi luật và quy định trong nước quy định, việc ghi chép lại hồ sơ vụ việc sẽ được thực hiện bởi cơ quan hành chính.

3. Mỗi bên sẽ đảm bảo rằng, trong trường hợp có kháng cáo hoặc khi rà soát lại vụ việc theo quy định của luật và quy định trong nước, bất kỳ quyết định nào được nêu tại đoạn 2(b) sẽ được thực thi bởi, và sẽ điều chỉnh thực tế quản lý của các cơ quan liên quan đến quyết định/hành vi hành chính được đề cập.

Điều 14.5: Định nghĩa

Đối với Chương này:

quyết định hành chính có tính áp dụng chung nghĩa là một quyết định hoặc giải thích hành chính áp dụng đối với mọi cá nhân và trong mọi tình huống thực tế, nhìn chung nằm trong phạm vi của phán quyết đó và tạo ra một quy chuẩn hướng dẫn áp dụng nhưng không bao gồm:

(a) một phán quyết hoặc quyết định tố tụng hành chính áp dụng đối với một cá nhân, hàng hóa hoặc dịch vụ của Bên kia trong các trường hợp cụ thể; hoặc

(b) một phán quyết điều chỉnh một hành vi hoặc thực tiễn cụ thể.

CHƯƠNG 15

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 15.1: Mục tiêu

1. Mục tiêu của Chương này nhằm quy định một quy trình có hiệu quả, thuận tiện và minh bạch cho việc ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định này.

2. Các Bên sẽ luôn nỗ lực đạt thỏa thuận về việc giải thích và áp dụng Hiệp định này và sẽ cố gắng hết sức thông qua hợp tác và tham vấn để đi đến một giải pháp chung giải quyết mọi vấn đề được đưa ra phù hợp với Chương này.

Điều 15.2: Phạm vi

1. Trừ khi được quy định khác trong Hiệp định hoặc do các Bên thỏa thuận khác, Chương này sẽ được áp dụng nhằm ngăn ngừa hoặc giải quyết tất cả các tranh chấp giữa các Bên liên quan tới việc giải thích và áp dụng Hiệp định này khi một Bên thấy rằng:

(a) Bên kia áp dụng một biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ của mình quy định tại Hiệp định này; hoặc

(b) Bên kia không thực hiện các nghĩa vụ của mình quy định tại Hiệp định này.

2. Mặc dù có quy định tại đoạn 1, Chương này sẽ không được áp dụng đối với Chương 5 (Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), Chương 11 (Cạnh tranh), Chương 13 (Hợp tác kinh tế), Điều 8.19 (Đàm phán lại dựa trên cách tiếp cận chọn - bỏ) và Phụ lục 3-B (Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt)

Điều 15.3: Lựa chọn Diễn đàn Giải quyết Tranh chấp

1. Khi một tranh chấp liên quan đến bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Hiệp định này và Hiệp định WTO hoặc hiệp định khác mà các Bên là thành viên, Bên khởi kiện có thể lựa chọn diễn đàn để giải quyết tranh chấp.

2. Một khi Bên khởi kiện đã yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài hoặc đệ trình một vấn đề lên hội đồng giải quyết tranh chấp theo một hiệp định như đã nêu tại đoạn 1, diễn đàn giải quyết tranh chấp được lựa chọn sẽ loại trừ các diễn đàn khác, trừ khi diễn đàn được lựa chọn không có thủ tục và thẩm quyền để khởi xướng quy trình giải quyết tranh chấp.

Điều 15.4: Tham vấn

1. Một Bên có thể yêu cầu tham vấn đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này căn cứ theo đoạn 1 Điều 15.2.

2. Một yêu cầu tham vấn phải được gửi bằng văn bản nêu rõ lý do tham vấn bao gồm việc xác định cụ thể biện pháp vi phạm hoặc các vấn đề khác và cơ sở pháp lý của việc khiếu nại.

3. Trong trường hợp có yêu cầu tham vấn, Bên được yêu cầu tham vấn phải trả lời yêu cầu trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu đó. Các Bên sẽ tiến hành tham vấn một cách thiện chí trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn nhằm đạt được giải pháp thỏa đáng cho cả hai Bên. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, tham vấn sẽ diễn ra tại lãnh thổ của Bên được yêu cầu tham vấn.

4. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp có liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, các Bên sẽ bắt đầu tham vấn trong thời hạn không quá 15 ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn.

5. Khi bắt đầu tham vấn, các Bên sẽ cung cấp thông tin cho việc xem xét các biện pháp vi phạm có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này và bảo mật các thông tin được trao đổi trong quá trình tham vấn.

6. Tham vấn theo Điều này sẽ được bảo mật và không ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo của Hiệp định này hoặc các quy trình tố tụng khác.

Điều 15.5: Trung gian, hòa giải

1. Trung gian, hòa giải có thể được yêu cầu ở bất kỳ thời điểm nào bởi bất kỳ Bên nào. Quá trình trung gian, hòa giải có thể bắt đầu từ bất kỳ thời điểm nào theo thỏa thuận của các Bên và kết thúc tại bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu của một trong hai Bên.

2. Nếu các Bên đồng ý, quá trình trung gian, hòa giải có thể tiến hành song song với quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài được quy định tại Chương này.

3. Các quá trình trung gian, hòa giải và đặc biệt là quan điểm của các Bên trong các quá trình đó sẽ được bảo mật và không làm ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo của Hiệp định này hoặc các quy trình tố tụng khác.

Điều 15.6: Thành lập Hội đồng Trọng tài

1. Bên khởi kiện đã yêu cầu tham vấn theo Điều 15.4 có thể yêu cầu bằng văn bản về việc thành lập hội đồng trọng tài tới Bên bị kiện,

(a) nếu Bên bị kiện không tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày hoặc trong 15 ngày đối với trường hợp khẩn cấp bao gồm cả trường hợp có liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn; hoặc

(b) nếu các Bên không giải quyết được tranh chấp thông qua tham vấn trong vòng 60 ngày hoặc trong 30 ngày đối với trường hợp khẩn cấp bao gồm cả trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn.

2. Các yêu cầu về việc thành lập hội đồng trọng tài sẽ được gửi bằng văn bản đến Bên bị kiện. Bên khởi kiện sẽ chỉ rõ trong yêu cầu, những biện pháp tranh chấp cụ thể, và cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý của việc khởi kiện đủ để làm rõ vấn đề.

Điều 15.7: Điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài

Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài, điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài sẽ là:

“Xem xét, dựa trên các điều khoản liên quan của Hiệp định này, vấn đề được đưa ra trong yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo Điều 15.6, để đưa ra kết luận cùng với lập luận về sự phù hợp của biện pháp với Hiệp định này và đưa ra báo cáo bằng văn bản nêu rõ lý do cho các kết luận về biện pháp để giải quyết tranh chấp.”

Điều 15.8: Thành phần của hội đồng trọng tài

1. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, một hội đồng trọng tài sẽ bao gồm ba trọng tài viên.

2. Mỗi Bên sẽ chỉ định một trọng tài viên mà có thể là công dân nước mình và đề xuất ba ứng viên cho vị trí trọng tài viên thứ ba, người sẽ giữ vị trí chủ tịch của hội đồng trọng tài, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài. Các Bên sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận về việc chỉ định trọng tài viên thứ ba, người sẽ là chủ tịch của hội đồng trọng tài, trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài, có xem xét đến các ứng viên được đề cử. Nếu các Bên không thỏa thuận và chỉ định được trọng tài viên thứ ba trong vòng 45 ngày, các Bên sẽ họp trong vòng bảy ngày để chọn ra vị trí chủ tịch bằng phương thức bốc thăm từ các ứng viên được đề xuất bởi hai Bên.

3. Các ứng viên cho vị trí trọng tài viên thứ ba như nêu tại đoạn 2 sẽ không phải là công dân của các Bên, không cư trú thường xuyên ở các Bên, cũng như không làm việc cho bất kỳ Bên nào hay không liên quan đến tranh chấp ở bất kỳ khía cạnh nào.

4. Ngày thành lập hội đồng trọng tài là ngày trọng tài viên thứ ba được chỉ định.

5. Các trọng tài viên sẽ có kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong các lĩnh vực luật, thương mại quốc tế hoặc các lĩnh vực khác liên quan đến Hiệp định này hoặc trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các hiệp định thương mại quốc tế. Mỗi trọng tài viên phải độc lập, làm đúng vị trí của mình và không có liên hệ hoặc nhận chỉ đạo từ bất cứ Bên nào hoặc tổ chức nào có liên quan đến tranh chấp, và tuân thủ theo Phụ lục 15-B.

6. Khi một Bên nhận thấy rằng một trọng tài viên không tuân thủ các yêu cầu tại Phụ lục 15-B, các Bên sẽ tham vấn và nếu thống nhất được, sẽ thay thế trọng tài viên phù hợp theo đoạn 7.

7. Nếu một trọng tài viên được chỉ định theo Điều này xin rút lui hoặc không còn khả năng tham gia vụ kiện, hoặc bị thay thế theo đoạn 6, trọng tài viên kế nhiệm sẽ được chỉ định trong vòng 15 ngày phù hợp với phương thức lựa chọn quy định theo các đoạn 2 và 3, với những điều chỉnh phù hợp. Trọng tài viên kế nhiệm sẽ có toàn quyền và thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên mà người đó thay thế. Công việc của hội đồng trọng tài sẽ bị tạm ngừng trong một giai đoạn bắt đầu từ ngày mà trọng tài viên ban đầu rút lui hoặc không còn khả năng tham gia vụ kiện hoặc bị thay thế theo đoạn 6. Công việc của hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục vào ngày trọng tài viên kế nhiệm được chỉ định.

Điều 15.9: Thủ tục tố tụng của hội đồng trọng tài

1. Hội đồng trọng tài sẽ họp kín. Các Bên sẽ chỉ có mặt ở các phiên họp khi được hội đồng trọng tài mời tham dự.

2. Các Bên sẽ có cơ hội nộp ít nhất một đệ trình bằng văn bản và có mặt tại các buổi tường trình, trình bày hoặc phản bác trong quá trình tố tụng trọng tài. Mọi thông tin cung cấp hoặc văn bản đệ trình lên hội đồng trọng tài của một Bên, bao gồm bình luận đối với báo cáo sơ bộ và trả lời câu hỏi của hội đồng trọng tài, sẽ được cung cấp cho Bên kia.

3. Một Bên khi khẳng định biện pháp của Bên kia không phù hợp với Hiệp định này sẽ có nghĩa vụ chỉ ra sự không phù hợp đó. Một Bên khi khẳng định một biện pháp áp dụng thuộc trường hợp ngoại lệ của Hiệp định này sẽ có trách nhiệm chỉ ra các ngoại lệ được phép áp dụng.

4. Hội đồng trọng tài sẽ tham vấn với các Bên nếu thấy phù hợp và tạo cơ hội đầy đủ cho các Bên để có thể đi đến một giải pháp thỏa đáng chung cho giải quyết tranh chấp.

5. Hội đồng trọng tài sẽ giải thích Hiệp định này phù hợp với các quy tắc tập quán trong việc diễn giải công pháp quốc tế bao gồm Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế có xem xét một cách hợp lý các giải thích được áp dụng bởi Ủy ban hỗn hợp phù hợp với đoạn 4 Điều 17.1 (Ủy ban hỗn hợp) và trên thực tế các Bên sẽ thực hiện Hiệp định này một cách thiện chí và không trốn tránh thực hiện nhiệm vụ.

6. Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra quyết định của mình, bao gồm cả các báo cáo, bằng đồng thuận, nhưng cũng có thể ra quyết định của mình, bao gồm cả các báo cáo, dựa trên biểu quyết đa số.

7. Khi có yêu cầu của một Bên hoặc khi thấy cần thiết, hội đồng trọng tài có thể tìm thêm thông tin từ các nguồn liên quan và có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia về một số khía cạnh cụ thể của vấn đề. Hội đồng trọng tài sẽ cung cấp cho các Bên bản sao ý kiến tư vấn của chuyên gia và tạo cơ hội để các Bên bình luận về các ý kiến tư vấn đó.

8. Nội dung thảo luận của hội đồng trọng tài và các tài liệu được đệ trình sẽ được giữ bí mật.

9. Mặc dù có quy định tại đoạn 8, mỗi Bên có thể công bố quan điểm của mình về tranh chấp, nhưng sẽ giữ bí mật đối với thông tin và văn bản đệ trình của Bên kia cho hội đồng trọng tài mà Bên kia cho là văn bản mật. Khi một Bên cung cấp thông tin hoặc văn bản đệ trình được coi là mật, Bên đó sẽ, trong vòng 20 ngày kể từ ngày có yêu cầu của Bên kia, cung cấp bản tóm tắt không bảo mật về thông tin hoặc cung cấp văn bản đệ trình có thể được công bố công khai.

10. Báo cáo của hội đồng trọng tài sẽ được soạn thảo mà không có sự hiện diện của các Bên. Hội đồng trọng tài sẽ dựa vào các điều khoản liên quan của Hiệp định này, các bản đệ trình và lập luận của các Bên, và có thể xem xét đến các thông tin được cung cấp cho hội đồng trọng tài để đưa ra báo cáo.

11. Báo cáo của hội đồng trọng tài sẽ bao gồm phần miêu tả tóm tắt các văn bản đệ trình và/hoặc lập luận của các Bên, và các kết luận và phán quyết của hội đồng trọng tài. Nếu các Bên nhất trí, hội đồng trọng tài sẽ đưa các khuyến nghị giải quyết tranh chấp vào trong báo cáo. Các kết luận và phán quyết của hội đồng trọng tài, và khuyến nghị, nếu có, để giải quyết tranh chấp không thể làm phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong Hiệp định này.

12. Địa điểm diễn ra quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài sẽ được quyết định theo thỏa thuận giữa các Bên. Nếu không có sự thống nhất, địa điểm tổ chức sẽ luân phiên tại thủ đô của các Bên, cuộc họp đầu tiên của hội đồng trọng tài sẽ được tổ chức tại thủ đô của Bên bị kiện.

Điều 15.10: Tạm ngừng hoặc chấm dứt vụ kiện

1. Khi các Bên đồng ý, hội đồng trọng tài có thể tạm ngừng công việc của mình tại bất kỳ thời điểm trong một khoảng thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày có sự nhất trí của hai Bên. Khi có yêu cầu của một Bên, hội đồng trọng tài của vụ kiện có thể tiếp tục làm việc sau khoảng thời gian tạm ngừng. Trong trường hợp đó, khoảng thời gian thực hiện công việc của hội đồng trọng tài sẽ được gia hạn thêm một khoảng thời gian bằng khoảng thời gian tạm ngừng đó. Nếu, trong mọi trường hợp, khoảng thời gian tạm ngừng công việc của hội đồng trọng tài hơn 12 tháng, thẩm quyền của hội đồng trọng tài sẽ hết hiệu lực, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác. Sự hết hiệu lực này sẽ không ảnh hưởng đến các quyền của Bên khởi kiện khi yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài về cùng một vấn đề ở giai đoạn sau.

2. Các Bên có thể đồng ý chấm dứt quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài bằng việc cùng thông báo cho chủ tịch hội đồng trọng tài tại bất kỳ thời điểm nào trước khi báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài được đưa ra cho các Bên.

3. Trước khi hội đồng trọng tài ra quyết định, ở bất kỳ giai đoạn nào của vụ kiện, hội đồng trọng tài có thể đề nghị các Bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thân thiện.

Điều 15.11: Báo cáo sơ bộ

1. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra báo cáo sơ bộ đi kèm với phần miêu tả, các kết luận và phán quyết, và khuyến nghị nếu có, về việc:

(a) liệu biện pháp đưa ra có không phù hợp với các nghĩa vụ của Hiệp định này hay không; hoặc

(b) liệu các Bên có không thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Hiệp định này hay không,

cũng như khả năng áp dụng các quy định liên quan và lý do cơ bản để đưa ra phán quyết.

2. Khi hội đồng trọng tài nhận thấy rằng không thể kịp thời hạn để đưa ra báo cáo sơ bộ, hội đồng trọng tài có thể gia hạn thêm thời gian với sự đồng ý của các Bên qua thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo sơ bộ. Trong mọi trường hợp, báo cáo sơ bộ phải được đưa ra không muộn hơn 120 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài.

3. Mỗi Bên có thể đưa ra bình luận bằng văn bản đối với báo cáo sơ bộ gửi hội đồng trọng tài trong vòng 15 ngày kể từ đưa ra báo cáo. Sau khi xem xét các bình luận của các Bên về báo cáo sơ bộ, hội đồng trọng tài có thể điều chỉnh lại báo cáo và tiến hành xem xét thêm nếu thấy cần thiết.

Điều 15.12: Báo cáo cuối cùng

1. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo sơ bộ.

2. Khi hội đồng trọng tài nhận thấy rằng không kịp thời hạn để đưa ra báo cáo cuối cùng, hội đồng trọng tài có thể gia hạn thêm thời gian với sự đồng ý của các Bên qua thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo cuối cùng. Trong mọi trường hợp, báo cáo cuối cùng phải được đưa ra không muộn hơn 150 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài.

3. Trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp có liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực đưa ra báo cáo sơ bộ và báo cáo cuối cùng trong một nửa thời hạn tương ứng của đoạn 1 Điều 15.11 và đoạn 1 Điều 15.12

Điều 15.13: Thực thi báo cáo cuối cùng

1. Phán quyết trong báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài sẽ là chung thẩm và ràng buộc các bên, không bị kháng cáo.

2. Nếu trong báo cáo cuối cùng, hội đồng trọng tài xác định rằng Bên bị kiện không tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định này, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, Bên bị kiện sẽ xóa bỏ ngay lập tức các biện pháp không phù hợp, hoặc nếu không thực hiện được ngay, sẽ phải xóa bỏ trong một khoảng thời gian hợp lý.

3. Khoảng thời gian hợp lý được nêu tại đoạn 2 sẽ được các Bên cùng xác định. Khi các Bên không thống nhất được về khoảng thời gian hợp lý trong vòng 45 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài, một trong các Bên có thể đưa vấn đề này lên hội đồng trọng tài ban đầu để xác định khoảng thời gian hợp lý.

4. Bên bị kiện sẽ thông báo cho Bên khởi kiện các biện pháp đã được thực hiện theo phán quyết của hội đồng trọng tài, trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý mà các Bên thống nhất hoặc được xác định bởi hội đồng trọng tài ban đầu theo quy định tại đoạn 3. Khi không có thống nhất giữa các Bên về việc Bên bị kiện đã xóa bỏ các biện pháp không phù hợp như trong báo cáo của hội đồng trọng tài trong khoảng thời gian hợp lý nêu tại đoạn 3, một trong các Bên có thể đưa vấn đề này lên hội đồng trọng tài ban đầu.

Điều 15.14: Không thực thi, bồi thường và tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác

1. Nếu Bên bị kiện không thông báo các biện pháp thực thi trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý hoặc thông báo cho Bên khởi kiện rằng không thể thực thi phán quyết, hoặc hội đồng trọng tài mà đang xem xét vấn đề theo đoạn 4 Điều 15.13 xác nhận rằng Bên bị kiện chưa xóa bỏ các biện pháp không phù hợp trong khoảng thời gian hợp lý, Bên bị kiện sẽ, nếu được yêu cầu, tiến hành đàm phán với Bên khởi kiện nhằm đạt được thỏa thuận chung về bồi thường.

2. Nếu không có sự thống nhất chung về bồi thường trong vòng 20 ngày sau ngày nhận được yêu cầu được nêu ở đoạn 1, Bên khởi kiện có thể bất kỳ lúc nào gửi thông báo bằng văn bản tới Bên bị kiện ý định tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác của Hiệp định này. Bên khởi kiện có thể bắt đầu việc tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác sau 30 ngày sau khi có thông báo về việc tạm ngừng. Thông báo về việc tạm ngừng sẽ không được đưa ra trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu ở đoạn 1.

3. Vấn đề bồi thường nêu tại đoạn 1 và tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác nêu tại đoạn 2 sẽ chỉ là những biện pháp tạm thời. Việc bồi thường và tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác sẽ không được ưu tiên bằng việc xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp không phù hợp trong báo cáo của hội đồng trọng tài. Việc tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác sẽ chỉ được áp dụng đến khi các biện pháp không phù hợp được xóa bỏ hoàn toàn hoặc các Bên đạt được giải pháp thỏa đáng chung.

4. Khi xem xét về việc tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác theo đoạn 2:

(a) Bên khởi kiện trước tiên sẽ tạm ngừng ưu đãi hoặc nghĩa vụ trong cùng một lĩnh vực hoặc trong các lĩnh vực mà tại báo cáo của hội đồng trọng tài theo Điều 15.12 chỉ ra rằng có sự không tuân thủ với các nghĩa vụ theo Hiệp định này;

(b) nếu các Bên khởi kiện nhận thấy không khả thi hoặc không hiệu quả khi tạm ngừng ưu đãi và nghĩa vụ ở cùng một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực mà được nêu ra tại báo cáo của hội đồng trọng tài, Bên khởi kiện có thể tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác ở các lĩnh vực khác. Thông báo về việc tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác như tại đoạn 2 sẽ chỉ rõ lý do của việc ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác ở lĩnh vực đó; và

(c) mức độ tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác tại đoạn 2 sẽ tương đương với mức độ vi phạm hoặc mức độ thiệt hại.

5. Nếu Bên bị kiện thấy rằng các yêu cầu về tạm ngừng các ưu đãi hoặc các nghĩa vụ khác của Bên khởi kiện tại đoạn 2, 3 hoặc 4 là không phù hợp, Bên bị kiện có thể đưa vấn đề này ra một hội đồng trọng tài.

6. Hội đồng trọng tài được thành lập vì mục đích của Điều này hoặc Điều 15.13, khi có thể, sẽ bao gồm các trọng tài viên của hội đồng trọng tài ban đầu. Nếu không thể, các trọng tài viên của hội đồng trọng tài được thành lập vì mục đích của Điều này hoặc Điều 15.13 sẽ được chỉ định theo Điều 15.8. Hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều này hoặc Điều 15.13 sẽ đưa ra báo cáo trong vòng 20 ngày về khoảng thời gian hợp lý và trong vòng 45 ngày về các vấn đề khác kể từ ngày vấn đề được đưa lên hội đồng trọng tài. Khi nhận thấy không đưa ra được báo cáo trong khoảng thời gian nói trên, hội đồng trọng tài có thể gia hạn thêm tối đa 30 ngày với sự đồng ý của các Bên. Báo cáo sẽ có tính chất bắt buộc thi hành với các Bên.

Điều 15.15: Các quy định về thủ tục

1. Quy trình giải quyết tranh chấp của Chương này sẽ được điều chỉnh bởi Các Quy Định về Thủ Tục của Hội Đồng Trọng Tài thiết lập tại Phụ lục 15-A. Các Bên khi tham vấn với hội đồng trọng tài có thể đồng ý thông qua các quy định bổ sung về thủ tục không trái với các điều khoản của Phụ lục đó.

2. Bất cứ khoảng thời gian hay các quy định nào về thủ tục của hội đồng trọng tài quy định tại Chương này và Phụ lục 15-A đều có thể được điều chỉnh nếu các Bên cùng nhất trí. Các Bên cũng có thể thống nhất vào bất kỳ thời điểm nào việc không áp dụng bất kỳ điều khoản nào của Chương này.

Điều 15.16: Chi phí

1. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, mỗi Bên sẽ chịu chi phí của trọng tài viên mà mình chỉ định và các chi phí pháp lý và chi phí riêng của Bên đó.

2. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, chi phí cho chủ tịch hội đồng trọng tài và các chi phí khác có liên quan đến vụ kiện sẽ được chia đều cho các Bên.

Điều 15.17: Các phụ lục

Các Phụ lục 15-A và 15-B là một phần không thể tách rời của Chương này.

Điều 15.18: Định nghĩa

Trong chương này:

hội đồng trọng tài nghĩa là một hội đồng được thành lập theo Điều 15.6;

trọng tài viên nghĩa là một thành viên của hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 15.6;

ứng viên nghĩa là một cá nhân được xem xét bổ nhiệm là trọng tài viên thứ ba theo Điều 15.8;

Bên khởi kiện nghĩa là Bên yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo Điều 15.6;

Bên bị kiện nghĩa là Bên bị cáo buộc vi phạm Hiệp định này như được đề cập tại Điều 15.2; và

quy trình tố tụng, trừ khi có quy định khác, theo Chương này nghĩa là một quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài.

 

PHỤ LỤC 15-A

CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC CỦA TRỌNG TÀI

Các vấn đề hành chính hậu cần

1. Trong trường hợp quy trình tố tụng được tổ chức trong lãnh thổ của một Bên, thì Bên đó sẽ chịu trách nhiệm về các công việc hành chính liên quan đến tố tụng trọng tài, cụ thể là việc tổ chức phiên xét xử, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

Thông báo

2. Bất kỳ yêu cầu, thông báo, văn bản đệ trình hoặc tài liệu nào khác do một Bên hoặc hội đồng trọng tài gửi đi phải được gửi bằng hình thức có xác nhận của người nhận, bằng thư bảo đảm, thư, fax, telex, điện báo hoặc bất kỳ hình thức truyền thông tin nào khác nhằm cung cấp một bản lưu của việc gửi những tài liệu trên.

3. Một Bên sẽ cung cấp một bản sao của các văn bản đệ trình tới Bên kia và tới từng trọng tài viên. Bản sao của tài liệu sẽ đồng thời được cung cấp dưới hình thức điện tử.

4. Mọi thông báo sẽ được thực hiện và được chuyển đến Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.

5. Các lỗi nhỏ về hình thức của bất kỳ yêu cầu, thông báo, văn bản đệ trình hoặc tài liệu nào khác liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài có thể được sửa đổi bằng cách gửi một tài liệu mới nêu rõ những sửa đổi.

6. Nếu ngày cuối cùng của hạn gửi một tài liệu1 rơi vào ngày nghỉ lễ của một Bên, thì tài liệu có thể được gửi vào ngày làm việc tiếp theo.

Bản đệ trình thứ nhất

7. Bên khởi kiện sẽ gửi văn bản đệ trình thứ nhất không muộn hơn 30 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài. Bên bị kiện sẽ gửi văn bản đệ trình phản hồi không muộn hơn 30 ngày sau ngày nhận được bản đệ trình thứ nhất của Bên khởi kiện.

Hoạt động của Hội đồng Trọng tài

8. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ chịu trách nhiệm điều hành mọi buổi họp của hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có thể giao cho chủ tịch hội đồng trọng tài ra các quyết định về hành chính và quyết định về thủ tục.

9. Trừ khi có quy định khác trong Chương này, hội đồng trọng tài có thể thực hiện các hoạt động của mình bằng bất kỳ hình thức nào, bao gồm điện thoại, fax hoặc kết nối máy tính.

10. Chỉ các trọng tài viên có thể tham gia vào việc thảo luận của hội đồng trọng tài, tuy nhiên hội đồng trọng tài có thể cho phép những nhân viên hỗ trợ của các trọng tài viên được xuất hiện trong suốt cuộc thảo luận.

11. Dự thảo của bất kỳ quyết định và phán quyết nào sẽ do hội đồng trọng tài chịu trách nhiệm toàn bộ và sẽ không được ủy quyền cho bất kỳ bên nào khác.

12. Khi có thắc mắc về thủ tục tố tụng phát sinh mà không được quy định trong Chương này, hội đồng trọng tài sau khi tham vấn với các Bên có thể ban hành một thủ tục tố tụng phù hợp mà không trái với quy định của Chương này.

13. Khi hội đồng trọng tài thấy rằng cần phải sửa đổi bất kỳ thời hạn tố tụng nào được quy định trong Chương này, hoặc cần điều chỉnh bất kỳ quy trình tố tụng hay hành chính nào khác, hội đồng trọng tài sẽ thông báo cho các Bên bằng văn bản về lý do của việc sửa đổi hoặc điều chỉnh, và xác định thời hạn cần sửa đổi hoặc điều chỉnh cần thiết.

14. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, lương và chi phí được trả cho trọng tài viên sẽ tương đương với tiêu chuẩn của WTO.

Phiên xét xử

15. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, sẽ có ít nhất một phiên xét xử được tổ chức. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ chọn ngày và thời gian tổ chức phiên xét xử sau khi tham vấn với các Bên và các thành viên khác của hội đồng trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ thông báo bằng văn bản cho các bên về ngày, thời gian và địa điểm của phiên xét xử. Khi các bên quyết định rằng phiên xét xử sẽ là công khai phù hợp với Điều 21 của Phụ lục này, thông tin nêu trên cũng sẽ được công bố công khai bởi Bên chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính cho phiên xét xử.

16. Hội đồng trọng tài có thể tổ chức phiên xét xử bổ sung nếu các Bên đồng ý.

17. Các trọng tài viên sẽ phải tham gia trong toàn bộ buổi xét xử.

18. Các đại diện của một Bên, các tư vấn viên của một Bên, các chuyên gia, nhân viên hành chính, phiên dịch viên và biên dịch viên, thư ký phiên xét xử và các nhân viên hỗ trợ của các trọng tài viên có thể tham gia (các) phiên xét xử, dù cho phiên xét xử công khai hay không công khai. Trừ khi hội đồng trọng tài có quyết định khác, chỉ các đại diện và tư vấn viên của một Bên mới có thể được phát ngôn trước hội đồng trọng tài.

19. Không muộn hơn năm ngày trước ngày xét xử, mỗi Bên sẽ gửi tới hội đồng trọng tài một danh sách tên những người sẽ phát ngôn hoặc trình bày phản biện tại phiên xét xử thay mặt cho Bên đó và tên những đại diện, tư vấn viên, phiên dịch viên và biên dịch viên của Bên đó sẽ tham gia phiên xét xử.

20. Những phiên xét xử của hội đồng trọng tài sẽ không được công khai. Các Bên có thể quyết định công khai một phần hay toàn bộ phiên xét xử.

21. Hội đồng trọng tài sẽ thực hiện phiên xét xử theo cách thức như sau, đảm bảo rằng Bên khởi kiện và Bên bị kiện được dành đủ một khoảng thời gian như nhau:

trình bày lập luận

(a) trình bày lập luận của Bên khởi kiện; và

(b) trình bày lập luận của Bên bị kiện.

phản biện lập luận

(a) trả lời của Bên khởi kiện; và

(b) phản hồi lại của Bên bị kiện.

22. Hội đồng trọng tài có thể hỏi trực tiếp từng Bên hoặc các chuyên gia tại bất kỳ thời điểm nào của phiên xét xử.

23. Hội đồng trọng tài sẽ chuẩn bị một bản lưu các ý kiến phát biểu của mỗi phiên xét xử và sẽ, sớm nhất có thể sau khi hoàn thành bản lưu, gửi bản sao của bản lưu đó đến các Bên. Các Bên có thể góp ý vào bản lưu và hội đồng trọng tài sẽ quyết định việc có tiếp thu những góp ý đó hay không.

24. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày xét xử, mỗi bên có thể gửi một bản đệ trình bổ sung bằng văn bản để phản hồi bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong phiên xét xử.

Các câu hỏi bằng văn bản

25. Hội đồng trọng tài có thể vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình tố tụng đưa ra các câu hỏi bằng văn bản cho một Bên hoặc cả hai Bên. Hội đồng trọng tài sẽ gửi các câu hỏi bằng văn bản tới Bên được hỏi và sẽ gửi một bản sao các câu hỏi tới Bên còn lại.

26. Bên nhận được câu hỏi của hội đồng trọng tài sẽ gửi bản sao bản trả lời bằng văn bản tới Bên kia và tới hội đồng trọng tài. Mỗi Bên sẽ có cơ hội góp ý kiến bằng văn bản đối với bản trả lời trong vòng bảy ngày kể từ ngày nhận được bản trả lời.

Tham vấn cá nhân

27. Không Bên nào được phép có sự tham vấn cá nhân với hội đồng trọng tài liên quan đến những vấn đề đang được xem xét bởi hội đồng trọng tài.

28. Không trọng tài viên nào được phép thảo luận bất kỳ nội dung nào của vụ việc với một Bên hoặc cả hai Bên nếu vắng mặt các trọng tài viên khác.

Trì hoãn thời hạn yêu cầu tư vấn kỹ thuật

29. Hội đồng trọng tài, sau khi tham vấn với các Bên và các chuyên gia, có thể xác định thời gian để các chuyên gia đưa ra ý kiến hoặc tư vấn. Nếu các chuyên gia không thể đưa ra các ý kiến hoặc tư vấn trong thời gian đó, hội đồng trọng tài sẽ tham vấn với các Bên để có thể đưa ra thời gian bổ sung cho các chuyên gia. Trong mọi trường hợp thời gian bổ sung này không vượt quá một nửa thời gian do hội đồng trọng tài xác định như tại câu đầu tiên của đoạn này.

30. Khi có yêu cầu trì hoãn đối với việc đưa ra báo cáo bằng văn bản của các chuyên gia, thì bất kỳ thời hạn nào trong quy trình tố tụng của trọng tài cũng sẽ bị trì hoãn kể từ ngày gửi yêu cầu trì hoãn và sẽ kết thúc vào ngày báo cáo được gửi tới hội đồng trọng tài.

Đệ trình Amicus Curiae

31. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác trong vòng ba ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài có thể nhận các văn bản đệ trình tự nguyện từ pháp nhân hoặc thể nhân có liên quan của các Bên, với điều kiện là các bản đệ trình được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài, và với điều kiện rằng bản đệ trình phải ngắn gọn và không dài quá 15 trang bao gồm cả các phụ lục, và rằng các đệ trình có liên quan trực tiếp tới các vấn đề pháp lý và vấn đề thực tế mà hội đồng trọng tài đang xem xét.

32. Bản đệ trình được đề cập đến tại đoạn 31 sẽ bao gồm nội dung chi tiết về cá nhân đưa ra bản đệ trình, dù là pháp nhân hay thể nhân, trong đó gồm cả thông tin về các hoạt động của cá nhân đó cũng như nguồn tài chính cung cấp cho hoạt động đó, và chỉ rõ quốc tịch hoặc nơi thành lập của cá nhân đó cũng như lợi ích của cá nhân đó đối với quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài. Các nội dung này sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ làm việc chung phù hợp với đoạn 34.

33. Hội đồng trọng tài sẽ liệt kê mọi ý kiến đệ trình mà hội đồng trọng tài nhận được mà phù hợp với đoạn 31 và 32 trong các phán quyết của mình. Hội đồng trọng tài sẽ không có nghĩa vụ phải nêu ra những lập luận trong các ý kiến đệ trình đó trong phán quyết của mình. Bất kỳ ý kiến đệ trình nào mà hội đồng trọng tài nhận được theo đoạn 31 đến đoạn 33 sẽ được gửi tới các Bên để lấy ý kiến góp ý.

Phiên dịch và Biên dịch

34. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác trong quá trình tham vấn theo Điều 15.4, và không muộn hơn phiên họp được nêu tại đoạn 8, ngôn ngữ làm việc chung cho quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài sẽ là tiếng Anh. Nếu một Bên quyết định sử dụng phiên dịch trong suốt quy trình tố tụng, chi phí và việc sắp xếp phiên dịch sẽ do Bên đó chịu trách nhiệm.

35. Bất kỳ tài liệu nào được đệ trình vì mục đích sử dụng cho quy trình tố tụng theo Chương này sẽ phải bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Nếu bất kỳ tài liệu nào không bằng ngôn ngữ tiếng Anh thì Bên đệ trình sẽ cung cấp bản dịch sang tiếng Anh tương ứng của tài liệu đó.

Tính toán thời gian

36. Mọi thời hạn quy định tại Chương này sẽ được tính theo ngày dương lịch, ngày đầu tiên là ngày tiếp theo hoạt động hoặc tiếp theo sự việc thực tế mà thời hạn đó đề cập tới.

37. Bằng lý do nêu tại đoạn 6, khi một Bên nhận được một tài liệu vào ngày khác với ngày mà tài liệu đó được nhận bởi Bên khác, các khoảng thời hạn áp dụng mà căn cứ vào ngày nhận tài liệu cũng sẽ được tính kể từ ngày cuối cùng nhận được tài liệu đó.

Các quy trình tố tụng khác

38. Phù hợp với các đoạn 3 và 4 của Điều 15.13 và đoạn 5 và 6 của Điều 15.14, Bên gửi yêu cầu tới hội đồng trọng tài sẽ gửi bản đệ trình thứ nhất trong vòng 15 ngày kể từ ngày đệ trình, và Bên kia sẽ gửi bản phản hồi trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được bản đệ trình thứ nhất.

39. Nếu phù hợp, hội đồng trọng tài sẽ ấn định thời hạn gửi các văn bản đệ trình, bao gồm cả những văn bản đệ trình phản biện, nhằm cung cấp cho mỗi Bên cơ hội hợp lý để đưa ra văn bản đệ trình theo thời hạn của quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài được quy định tại các Điều 15.13 và 15.14 và Phụ lục này.

40. Trừ khi có quy định khác, Phụ lục này cũng được áp dụng đối với các quy trình thủ tục tố tụng được thiết lập theo các Điều 15.13 và 15.14.

Định nghĩa

41. Đối với Chương này:

tư vấn viên nghĩa là người của một Bên làm nhiệm vụ tư vấn hoặc hỗ trợ Bên đó đối với các thủ tục tố tụng của hội đồng trọng tài;

nhân viên hỗ trợ nghĩa là người mà theo chỉ định của một trọng tài thực hiện các nghiên cứu hoặc cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho trọng tài đó; và

đại diện của một Bên nghĩa là bất kỳ người nào được chỉ định bởi một Bên phù hợp với luật và quy định trong nước của Bên đó.

 

PHỤ LỤC 15-B

QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA TRỌNG TÀI VIÊN

Trách nhiệm đối với quá trình giải quyết tranh chấp

1. Mọi ứng viên và trọng tài viên sẽ tránh thái độ tiêu cực và thể hiện thái độ tiêu cực, sẽ độc lập và công bằng, sẽ tránh những mâu thuẫn lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp và sẽ có thái độ hành xử chuẩn mực cao để đảm bảo sự trung thực và công bằng cho thủ tục giải quyết tranh chấp. Các trọng tài viên cũ phải tuân thủ các nghĩa vụ được đưa ra tại các đoạn từ 14 đến 17.

Nghĩa vụ công bố thông tin

2. Trước khi được chỉ định là trọng tài theo Điều 15.8, một ứng viên sẽ công bố mọi lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề mà có thể ảnh hưởng đến sự độc lập và công bằng của ứng viên đó hoặc có thể tạo ra những định kiến hoặc thiên vị trong quy trình tố tụng. Để đạt được điều này, một ứng viên sẽ nỗ lực hợp lý để nhận thức về những lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề đó.

3. Một trọng tài viên một khi đã được chỉ định sẽ nỗ lực hợp lý để nhận thức về bất kỳ lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề được đề cập tới tại đoạn 2 và sẽ công bố công khai những lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề đó. Nghĩa vụ công bố thông tin là nghĩa vụ có tính chất liên tục theo đó yêu cầu một trọng tài viên công bố bất kỳ lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề mà có thể phát sinh trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình tố tụng. Trọng tài viên sẽ công bố lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề đó thông qua việc gửi thông tin đến Ủy ban Hỗn hợp để các Bên xem xét.

Nghĩa vụ

4. Một trọng tài viên một khi đã được chỉ định sẽ thực hiện công việc của một trọng tài viên một cách toàn diện và nhanh chóng trong suốt quy trình tố tụng.

5. Một trọng tài viên sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ một cách công bằng và đúng đắn.

6. Một trọng tài viên sẽ xem xét chỉ những vấn đề phát sinh trong quy trình tố tụng và cần thiết để ra quyết định, và sẽ không giao nhiệm vụ quyết định vấn đề cho bất kỳ cá nhân nào.

7. Một trọng tài viên sẽ tạo mọi điều kiện hợp lý để đảm bảo rằng nhân viên và nhân viên hỗ trợ của trọng tài viên nhận thức được và tuân thủ với các đoạn 1, 2, 3, 15, 16 và 17.

8. Một trọng tài viên sẽ không thực hiện những tham vấn cá nhân về quy trình tố tụng phù hợp với các đoạn 27 và 28 của Phụ lục 15-A.

Sự độc lập và công bằng của các thành viên hội đồng trọng tài

9. Một trọng tài viên sẽ độc lập và công bằng. Một trọng tài viên sẽ cư xử đúng đắn, tránh thể hiện sự không phù hợp hoặc thiên vị và sẽ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân, áp lực bên ngoài, những cân nhắc chính trị, lợi ích công cộng, sự trung thành đối với một Bên hoặc sự lo ngại bị chỉ trích.

10. Một trọng tài viên sẽ không, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ chối bất kỳ nghĩa vụ nào hoặc chấp nhận bất kỳ lợi ích nào mà sẽ ảnh hưởng hoặc dường như sẽ ảnh hưởng, dù cho bằng cách nào, đến việc thực hiện một cách đầy đủ các trách nhiệm của trọng tài viên.

11. Một trọng tài viên sẽ không sử dụng vị trí của mình trong hội đồng trọng tài để ủng hộ cho bất kỳ lợi ích cá nhân hay tư nhân nào. Một trọng tài viên sẽ tránh những hành vi có thể tạo ra ấn tượng về việc trọng tài viên bị ảnh hưởng bởi những người khác

12. Một trọng tài viên sẽ không cho phép các mối quan hệ hoặc trách nhiệm tài chính, kinh doanh, gia đình hay xã hội hiện tại hoặc trong quá khứ làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử hoặc phán xét của trọng tài viên.

13. Một trọng tài viên sẽ tránh tham gia bất kỳ mối quan hệ nào hoặc đạt được bất kỳ lợi ích tài chính nào, mà có thể ảnh hưởng đến sự công bằng của một trọng tài viên hoặc có thể tạo ra những định kiến hoặc thiên vị không phù hợp.

Nghĩa vụ của trọng tài viên tiền nhiệm

14. Mọi trọng tài viên cũ phải tránh những hành vi có thể tạo ra ấn tượng rằng họ sai lầm trong việc thực thi nhiệm vụ hoặc trong việc tách biệt lợi ích khỏi những quyết định hoặc phán quyết của hội đồng trọng tài.

Bảo mật thông tin

15. Một trọng tài viên hoặc trọng tài viên tiền nhiệm sẽ không, vào bất kỳ thời điểm nào, tiết lộ hoặc sử dụng bất kỳ thông tin không công khai nào liên quan đến thủ tục tố tụng, hoặc đạt được trong thủ tục tố tụng, trừ trường hợp vì mục đích của quy trình tố tụng đó và trong mọi trường hợp sẽ không tiết lộ hoặc sử dụng bất kỳ thông tin nào nói trên để đạt được lợi ích cá nhân hoặc lợi ích cho người khác, hoặc để ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của người khác.

16. Một trọng tài viên sẽ không công bố phán quyết của hội đồng trọng tài hay từng phần của phán quyết đó trước khi phán quyết đó được công bố công khai.

17. Một trọng tài viên hoặc trọng tài viên tiền nhiệm sẽ không, vào bất kỳ thời điểm nào, tiết lộ nội dung thảo luận của hội đồng trọng tài hoặc quan điểm của bất kỳ trọng tài viên nào.

Định nghĩa

18. Đối với Chương này:

nhân viên, của một trọng tài, nghĩa là người thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo và điều hành của trọng tài, ngoài các nhân viên hỗ trợ.

CHƯƠNG 16

NGOẠI LỆ

Điều 16.1: Các ngoại lệ chung

1. Vì mục đích của các Chương 2 (Đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường hàng hóa), Chương 3 (Quy tắc xuất xứ và quy trình cấp xuất xứ), Chương 4 (Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại), Chương 5 (Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), Chương 6 (Hàng rào kỹ thuật trong thương mại), và Chương 7 (Phòng vệ thương mại), Điều XX của GATT 1994 và các chú thích diễn giải kèm theo Điều XX sẽ được viện dẫn và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi -phù hợp.

2. Vì mục đích của Chương 8 (Thương mại dịch vụ) và Chương 9 (Đầu tư), Điều XIV GATS (bao gồm cả các chú thích) được viện dẫn và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.

Điều 16.2: Các ngoại lệ an ninh

1. Không một quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là:

(a) yêu cầu một Bên phải cung cấp bất kỳ thông tin nào mà Bên đó cho rằng việc cung cấp thông tin đi ngược lại với lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó;

(b) ngăn cản một Bên tiến hành bất kỳ hành động nào dưới đây được cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó:

(i) liên quan tới mua bán vũ khí, đạn dược, vật dụng chiến tranh và các hàng hóa và nguyên nhiên vật liệu khác hay liên quan đến cung cấp dịch vụ, được thực hiện trực tiếp hay gián tiếp vì mục đích cung ứng cho quân đội;

(ii) liên quan đến việc tách hoặc làm giàu vật liệu hạt nhân hoặc những vật liệu có chứa hạt nhân;

(iii) được áp dụng để bảo vệ cơ sở hạ tầng công cộng trọng yếu, bao gồm thông tin liên lạc, điện và nước, khỏi các hành vi xâm phạm có chú ý nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu những cơ sở hạ tầng đó; hoặc

(iv) được áp dụng trong các tình huống khẩn cấp trong nước, hoặc thời kỳ chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế; hoặc

(c) ngăn cản một Bên có những biện pháp thực hiện nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

2. Ủy ban Hỗn hợp sẽ được thông báo một cách đầy đủ nhất về các biện pháp được thực hiện như tại tiểu đoạn 1(b) và (c) và việc ngừng áp dụng các biện pháp đó.

Điều 16.3: Thuế nội địa

1. Trừ các quy định trong Điều này, không quy định nào trong Hiệp định này được áp dụng đối với các biện pháp thuế nội địa.

2. Không quy định nào của Hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên trong các điều ước quốc tế về thuế nội địa. Trong trường hợp có sự không thống nhất giữa Hiệp định này và bất kỳ điều ước quốc tế về thuế nội địa nào khác, điều ước quốc tế khác đó sẽ được ưu tiên áp dụng đối với nội dung không thống nhất đó. Trong trường hợp có một điều ước về thuế nội địa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chỉ cơ quan có thẩm quyền theo điều ước quốc tế mới có trách nhiệm cùng xác định những nội dung không nhất quán giữa Hiệp định này và điều ước quốc tế về thuế nội địa đó.

3. Đoạn 2 của Điều 16.1 sẽ áp dụng đối với các biện pháp thuế nội địa1.

4. Mặc dù đã có quy định tại đoạn 2 nêu trên, Điều 2.2 (Đối Xử Quốc Gia Đối Với Quy Định và Thuế Nội Địa) và các điều khoản cần thiết khác của Hiệp định này để Điều 2.2 có thể được thực hiện sẽ được áp dụng đối với các biện pháp thuế nội địa, với cùng phạm vi như Điều III của GATT 1994.

5. Tiểu đoạn 4(h) của Điều 9.8 (Chuyển tiền) sẽ được áp dụng đối với các biện pháp thuế nội địa.

6. Việc xác định một biện pháp thuế nội địa trong một tình huống thực tế cụ thể, có là một hành vi tước quyền sở hữu hay không đòi hỏi sự điều tra cụ thể cho từng trường hợp và phải dựa trên thực tế để đánh giá tất cả các yếu tố có liên quan đến khoản đầu tư, bao gồm các yếu tố được liệt kê tại Phụ lục 9-B (Tước quyền sở hữu) và những yếu tố sau:

(a) việc áp đặt các loại thuế thường không được coi là một hành vi tước quyền sở hữu. Bản thân việc ban hành biện pháp thuế nội địa mới hoặc việc áp đặt biện pháp thuế nội địa trong nhiều hơn một lĩnh vực liên quan đến đầu tư thường không bị coi là hành vi tước quyền sở hữu;

(b) một biện pháp thuế nội địa phù hợp với các chính sách, nguyên tắc và thực tiễn áp dụng về thuế được quốc tế công nhận sẽ không phải là hành vi tước quyền sở hữu. Cụ thể là, một biện pháp thuế nội địa nhằm ngăn chặn việc trốn thuế nội địa thường không phải là hành vi tước quyền sở hữu;

(c) một biện pháp thuế nội địa được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử, đối lập với một biện pháp thuế nội địa nhằm vào những nhà đầu tư mang một quốc tịch cụ thể hoặc áp dụng đối với những người trả thuê cụ thể, ít có khả năng được coi là hành vi tước quyền sở hữu hơn; và

(d) một biện pháp thuế nội địa không phải là hành vi tước quyền sở hữu nếu nó đã có hiệu lực thi hành khi khoản đầu tư đã được thực hiện và thông tin về biện pháp này đã được công bố công khai.

7. (a) Không có nhà đầu tư nào có thể viện dẫn Điều 9.7 (Tước quyền sở hữu và Bồi Thường) làm cơ sở để khởi kiện khi một biện pháp đã được xác định không phải là hành vi tước quyền sở hữu theo tiểu đoạn này. Một nhà đầu tư viện dẫn đến Điều 9.7 (Tước quyền sở hữu và Bồi Thường) đối với một biện pháp thuế nội địa trước hết phải gửi yêu cầu bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, tại thời điểm đưa ra Thông báo về Ý định khởi kiện theo Điều 9.17 (Thông Báo về Ý định khởi kiện ra Trọng Tài), để quyết định xem việc ban hành biện pháp thuế nội địa có phải là hành vi tước quyền sở hữu hay không. Yêu cầu này nên bao gồm Thông báo về Ý định khởi kiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền không đồng ý xem xét hoặc đã xem xét nhưng không đồng ý rằng biện pháp này không phải là hành vi tước quyền sở hữu trong vòng sáu tháng kể từ ngày được yêu cầu, nhà đầu tư có thể khởi kiện ra trọng tài theo đoạn 1 Điều 9.19 (Khởi kiện ra Trọng tài).

(b) Đối với đoạn này, cơ quan có thẩm quyền nghĩa là:

(i) đối với phía Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính; và

(ii) đối với phía Hàn Quốc, Thứ trưởng về Thuế và Hải quan, Bộ Chiến lược và Tài chính;

hoặc người kế nhiệm tương ứng.

8. Đối với Điều này:

(a) điều ước quốc tế về thuế nội địa nghĩa là một điều ước quốc tế về tránh đánh thuế hai lần hoặc các hiệp định hay thỏa thuận quốc tế khác về thuế nội địa; và

(b) thuế nội địa và các biện pháp thuế nội địa không bao gồm thuế quan như quy định tại Điều 1.5 (Các định nghĩa chung) và các biện pháp được liệt kê trong các ngoại lệ (b), (c), (d) và (e) của định nghĩa đó.

Điều 16.4: Công bố thông tin

Không quy định nào của Hiệp định này được hiểu là yêu cầu một Bên cung cấp hoặc cho phép tiếp cận các thông tin bảo mật mà việc tiết lộ các thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật hoặc đi ngược lại lợi ích công cộng, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp công hoặc tư.

CHƯƠNG 17

CÁC ĐIỀU KHOẢN THỂ CHẾ VÀ CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Phần A: Các điều khoản thể chế

Điều 17.1: Ủy ban Hỗn hợp

1. Các Bên theo đây thành lập một Ủy ban Hỗn hợp.

2. Ủy ban Hỗn hợp sẽ bao gồm các cán bộ chính phủ có liên quan của mỗi Bên và được đồng chủ tọa ở cấp Bộ trưởng của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, hoặc người được chỉ định phù hợp. Ủy ban Hỗn hợp sẽ thỏa thuận về lịch trình các cuộc họp và thiết lập chương trình nghị sự.

3. Chức năng của Ủy ban Hỗn hợp sẽ là:

(a) rà soát và giám sát việc thực thi và triển khai Hiệp định này;

(b) giám sát và điều phối công việc của tất cả các Ủy ban, các nhóm công tác và các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định này;

(c) xem xét các cách thức để tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các Bên;

(d) không ảnh hưởng đến các thủ tục theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp), tìm cách giải quyết các vấn đề, tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này;

(e) thông qua các quy tắc về thủ tục của Ủy ban Hỗn hợp; và

(f) thực hiện bất kỳ chức năng nào khác có liên quan đến các lĩnh vực trong phạm vi của Hiệp định này mà các Bên có thể thống nhất.

4. Ủy ban Hỗn hợp có thể:

(a) thành lập và ủy quyền trách nhiệm cho các Ủy ban, các nhóm công tác và các cơ quan khác;

(b) đề xuất với các Bên những sửa đổi đối với Hiệp định này;

(c) thông qua cách giải thích các quy định của Hiệp định này; và

(d) đưa ra các kiến nghị.

5. Khi một Bên trình thông tin được xem là thông tin mật theo các luật và quy định trong nước của Bên đó lên Ủy ban Hỗn hợp, các y ban, các nhóm công tác hoặc các cơ quan khác thì Bên kia phải sử dụng theo chế độ mật những thông tin đó.

Điều 17.2: Thủ tục của Ủy ban Hỗn hợp

1. Trừ khi các Bên có ý kiến khác, Ủy ban Hỗn hợp sẽ tổ chức:

(a) phiên họp thường kỳ hàng năm, các cuộc họp sẽ được tổ chức luân phiên tại lãnh thổ của mỗi Bên; và

(b) phiên họp đặc biệt được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ khi có đề nghị của một Bên, phiên họp như vậy sẽ được tổ chức tại lãnh thổ của Bên được đề nghị họp hoặc tại địa điểm do các Bên nhất trí.

2. Các phiên họp của Ủy ban Hỗn hợp có thể được tiến hành gồm đại diện của các Bên hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật sẵn có do các Bên thỏa thuận với nhau.

3. Mọi quyết định của Ủy ban Hỗn hợp sẽ được thông qua dựa trên sự đồng thuận.

Điều 17.3:Các Ủy ban và nhóm công tác

1. Các ủy ban, nhóm công tác hoặc các cơ quan khác có thể được thành lập dưới sự bảo trợ của Ủy ban Hỗn hợp.

2. Thành phần, tần suất của các phiên họp, chức năng của các ủy ban, nhóm công tác hoặc bất kỳ các cơ quan nào khác phải phù hợp với các điều khoản liên quan của Hiệp định này hoặc được xác định phù hợp với Hiệp định này bởi Ủy ban Hỗn hợp.

3. Các ủy ban, nhóm công tác hoặc các cơ quan khác phải thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp về lịch trình và chương trình làm việc đầy đủ trước mỗi phiên họp. Tại mỗi phiên họp thường kỳ của Ủy ban Hỗn hợp, các cơ quan này phải báo cáo với Ủy ban Hỗn hợp về hoạt động của mình. Sự thành lập hoặc tồn tại của một ủy ban, một nhóm công tác hay bất kỳ cơ quan khác không ngăn cản một Bên nào nêu vấn đề trực tiếp với Ủy ban Hỗn hợp.

4. Ủy ban Hỗn hợp có thể quyết định thay đổi hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao cho một ủy ban, một nhóm công tác hoặc bất kỳ cơ quan nào hoặc có thể giải thể một ủy ban, một nhóm công tác hoặc bất kỳ cơ quan nào.

Phần B: Các điều khoản cuối cùng

Điều 17.4: Đầu mối liên lạc

1. Để tạo điều kiện thông tin liên lạc giữa các Bên về bất kỳ vấn đề thương mại nào trong phạm vi của Hiệp định này, các Bên thiết lập các đầu mối liên lạc sau:

(a) đối với phía Việt Nam, là Bộ Công Thương; và

(b) đối với phía Hàn Quốc, là Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng;

hoặc cơ quan kế nhiệm tương ứng.

2. Theo yêu cầu của một Bên, đầu mối liên lạc của Bên kia phải nêu rõ cơ quan hoặc cán bộ chịu trách nhiệm đối với bất kỳ vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định này và cung cấp hỗ trợ như được yêu cầu để thúc đẩy trao đổi thông tin với Bên yêu cầu. Mỗi Bên sẽ thông báo cho Bên kia về bất kỳ sự thay đổi nào về đầu mối liên lạc của mình đúng thời hạn.

Điều 17.5: Các sửa đổi

Các Bên có thể thỏa thuận bằng văn bản để sửa đổi Hiệp định này. Việc sửa đổi sẽ có hiệu lực sau khi các Bên trao đổi bằng văn bản thông báo qua kênh ngoại giao xác nhận đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước cần thiết, vào ngày do các Bên có thể thỏa thuận. Các sửa đổi là một phần không tách rời của Hiệp định này.

Điều 17.6: Sửa đổi đối với Hiệp định WTO

Nếu bất kỳ quy định nào của Hiệp định WTO mà các Bên viện dẫn vào Hiệp định này được sửa đổi, các Bên phải tham vấn để xem xét sửa đổi các điều khoản liên quan của Hiệp định này một cách thích hợp, phù hợp với Điều 17.5.

Điều 17.7: Các Phụ lục, Phụ chương và Chú thích

Các Phụ lục, Phụ chương và chú thích của Hiệp định này là một phần không tách rời của Hiệp định này.

Điều 17.8: Hiệu lực

1. Thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này tùy thuộc vào việc hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước cần thiết của mỗi Bên.

2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày các Bên trao đổi văn bản thông báo qua các kênh ngoại giao để thông báo cho nhau về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực, hoặc vào ngày khác do các Bên thỏa thuận.

Điều 17.9: Thời hạn

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vô thời hạn.

2. Mỗi Bên có thể thông báo cho Bên còn lại về ý định từ bỏ Hiệp định này bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao.

3. Việc bãi bỏ sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ khi có thông báo theo đoạn 2.

Điều 17.10: Bản gốc

Hiêp định này được lập thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh, mỗi bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự không thống nhất, bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng.

DƯỚI SỰ CHỨNG KIẾN, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền của Chính phủ hai Bên, đã ký Hiệp định này.

THỰC HIỆN tại Hà Nội vào ngày 05 của tháng 5 trong năm 2015.

 

Thay mặt Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:

Thay mặt Chính phủ Nước Đại Hàn Dân Quốc:

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1] Định nghĩa và nội dung có thể do cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu quy định.

[2] Để chắc chắn hơn, không có quy định nào trong đoạn này có thể được hiểu là để cấm một Bên áp dụng hay duy trì các biện pháp áp dụng chung về an toàn hay an ninh đường bộ và đường sắt, hoặc cấm một phương tiện hoặc công-ten-nơ không được vào hoặc ra khỏi lãnh thổ của Bên đó tại một khu vực mà Bên đó không duy trì một cửa khẩu hải quan. Mỗi Bên sẽ cung cấp một danh sách các cửa khẩu cho phép việc xuất khẩu của công-ten-nơ phù hợp với luật và quy định trong nước của Bên đó.

[3] Với các mục đích của khoản này và để chắc hơn, nhằm xác định một biện pháp có trái với Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu không, các Bên cần phải áp dụng định nghĩa “thủ tục cấp phép nhập khẩu” có trong Hiệp định đó.

[4] Mức thuế MFN được áp dụng của Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc nghĩa là mức thuế Việt Nam áp dụng từ 01/01/2005

[5] Nếu mức thuế giảm theo tiểu mục này lớn hơn mức thuế cơ sở thì sẽ áp dụng mức thuế cơ sở

[6] Mức thuế MFN được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc nghĩa là mức thuế mà Hàn Quốc áp dụng từ 01/01/2005

[7] Nếu mức thuế giảm theo tiểu mục này cao hơn mức thuế cơ sở thì sẽ áp dụng mức thuế cơ sở

[8] Nếu mức thuế giảm theo tiểu mục này cao hơn mức thuế cơ sở thì sẽ áp dụng mức thuế cơ sở

1 Các Bên hiểu rằng để xác định xuất xứ sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm khác, “các quyền” nêu tại điểm này bao gồm các quyền được tiếp cận nguồn thủy sản của một quốc gia ven biển, phát sinh từ những hiệp định hoặc các thỏa thuận khác được ký kết giữa một Bên và quốc gia ven biển đó ở cấp Chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân được ủy quyền hợp lệ.

2 “Luật quốc tế” nêu tại điểm này đề cập đến luật quốc tế đã được đa số các nước chấp nhận như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển;

3 Các Bên được phép linh hoạt lựa chọn công thức tính RVC là công thức gián tiếp hoặc là công thức trực tiếp.

4 Sau ba năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, các Bên đồng ý xem xét lại điều khoản này, có tính đến các hiệp định hội nhập kinh tế có hiệu lực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào thời điểm đó.

5 "Đơn giản" nói chung mô tả một hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị được sản xuất chỉ để thực hiện hoạt động đó.

6 Công đoạn này chắc chắn không áp dụng đối với mã HS 0801.32.

1 Một Bên có thể yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp bảo lãnh dưới dạng tài khoản đảm bảo, đặt cọc, hoặc các hình thức phù hợp khác mà các khoản này đủ để thanh toán các khoản thuế hải quan, thuế khác và phí liên quan tới việc nhập khẩu hàng hóa.

2 Mặc dù có quy định tại Khoản này, một Bên có thể yêu cầu vận đơn hàng không hoặc vận đơn khác gửi kèm hàng chuyển phát nhanh. Để đảm bảo, đối với hàng hóa bị hạn chế, một Bên có thể tính thuế hải quan hoặc thuế khác, và yêu cầu tài liệu nhập khẩu chính thức.

3 Đối với Hàn Quốc, rà soát hành chính theo Đoạn này có thể bao gồm rà soát của Tòa án thuế Hàn Quốc

4 Để chắc chắn hơn, nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể thông qua đại diện hợp pháp để nộp đơn đề nghị được ban hành Phán quyết trước.

1 Phụ lục 2, Phần 1 của G/TBT/1/Rev.11 và các phiên bản sửa đổi

1 Việc yêu cầu thị thực đối với thể nhân của một số nước và không yêu cầu thị thực đối với thể nhân của các nước khác không coi là làm vô hiệu hóa hoặc tổn hại lợi ích theo một cam kết cụ thể.

2 Nếu một Bên cam kết mở cửa thị trường liên quan đến việc cung cấp một dịch vụ thông qua hình thức cung cấp dịch vụ được nêu tại điểm (a) mục “thương mại dịch vụ” định nghĩa trong Điều 8.20 và nếu việc di chuyển vốn qua biên giới là phần không thể tách rời của dịch vụ, thì Bên đó cam kết cho phép việc di chuyển vốn như vậy. Nếu một Bên cam kết mở cửa thị trường liên quan đến việc cung ứng một dịch vụ thông qua phương thức cung cấp được nêu tại điểm (c) mục “thương mại dịch vụ” định nghĩa tại Điều 8.20, Bên đó cũng sẽ cam kết cho phép việc chuyển vốn liên quan vào lãnh thổ của mình.

3 Đoạn này không bao gồm các biện pháp của một Bên nhằm hạn chế đầu vào đối với việc cung cấp dịch vụ

4 Thuật ngữ “các tổ chức quốc tế liên quan” có nghĩa là các tổ chức quốc tế mà việc kết nạp thành viên được mở rộng cho các cơ quan hữu quan của ít nhất tất cả các Thành viên WTO.

5 Để chắc chắn hơn, Phụ lục 9-C (Chuyển tiền) áp dụng đối với Điều này.

6 Khi dịch vụ không được cung cấp trực tiếp bởi thể nhân mà thông qua các hình thức hiện diện thương mại như chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì nhà cung cấp dịch vụ đó (tức là thể nhân) phải thông qua sự hiện diện của mình được dành đối xử mà dành cho nhà cung cấp dịch vụ theo Hiệp định này. Những đối xử này phải được dành cho hiện diện mà qua đó dịch vụ được cung cấp và không cần phải dành cho phần nào khác của nhà cung cấp dịch vụ nằm ngoài lãnh thổ mà dịch vụ được cung cấp.

7 Đối với Hiệp định này, bất kỳ biện pháp nào được áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thành lập trên lãnh thổ của một Bên mà không được quy định và giám sát bởi các cơ quan giám sát tài chính của Bên đó sẽ được coi là một biện pháp thận trọng. Để chắc chắn hơn, biện pháp này sẽ được thực hiện phù hợp với điều khoản này.

8 Thuật ngữ "lý do thận trọng" được hiểu là có thể bao gồm việc duy trì sự an toàn, lành mạnh, thống nhất, hoặc trách nhiệm tài chính của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân.

9 Các biện pháp để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá bao gồm cả việc ngăn chặn dòng vốn đầu cơ sẽ không được thông qua hoặc duy trì nhằm mục đích bảo hộ một lĩnh vực cụ thể.

10 Để chắc chắn hơn, khi một Bên công bố trước quy định như được mô tả trong điểm (i), Bên đó sẽ cung cấp địa chỉ, dù là điện tử hay hình thức khác, để các cá nhân quan tâm và Bên kia có thể gửi ý kiến.

11 Các Bên khẳng định rằng khoảng thời gian 180 ngày không bao gồm các giai đoạn mà người nộp đơn đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu quản lý đối với các giấy phép có liên quan.

12 Đối với Việt Nam, việc cấp phép cho việc cung cấp các dịch vụ tài chính mới được thực hiện sau một khoảng thời gian thử nghiệm hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển của hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam.

13 Việt Nam có thể đặt ra các điều kiện cần thiết và hợp lý đối với việc truy nhập và sử dụng mạng và dịch vụ viễn thông công cộng để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng viễn thông trong nước cũng như năng lực dịch vụ, và tăng khả năng tham gia của Việt Nam vào hoạt động thương mại quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông.

14 Đối với Việt Nam, các mạng được phép thiết lập nhằm mục đích truyền thông tin thoại và dữ liệu, mục đích phi thương mại, giữa các thành viên trong một nhóm có mối liên hệ mật thiết chỉ có thể được kết nối trực tiếp với nhau khi được phép bằng văn bản của Cục Viễn thông.

15 Liên quan đến các điểm từ (i) đến (iii) thuộc mục (a), Hàn Quốc có thể cho phép các doanh nghiệp chủ đạo đưa ra những mức cước, điều kiện và điều khoản đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng không có hạ tầng ở mức đối xử kém thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng có hạ tầng. Để chắc chắn hơn, Hàn Quốc sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng không có hạ tầng có quyền khiếu kiện, theo quy định tại khoản 13, đến cơ quan quản lý viễn thông để giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến cước và các điều kiện, điều khoản kết nối. Điểm (iv) của mục (a) không áp dụng đối với Hàn Quốc với những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng không có hạ tầng mạng.

16 Đối với Việt Nam, chung điểm đặt thiết bị có thể không áp dụng đối với các cơ sở viễn thông thiết yếu như các trạm cáp biển hay các trạm cổng quốc tế. Cơ sở hạ tầng viễn thông thiết yếu sẽ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định. Nghĩa vụ này được áp dụng sau ba năm kể từ khi các nghĩa vụ này được phản ánh một cách đầy đủ trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam. Đối với Hàn Quốc, khoản này sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông không có cơ sở hạ tầng.

17 Các giải pháp thay thế có thể bao gồm:

(a) cho phép các doanh nghiệp có hạ tầng đặt thiết bị gần khu nhà trạm kết nối và kết nối thiết bị đó với mạng của doanh nghiệp chủ đạo;

(b) sắp xếp không gian đặt thiết bị bổ sung hoặc chung điểm đặt thiết bị ảo;

(c) tối ưu hóa việc sử dụng không gian hiện tại; và

(d) tìm kiếm không gian liền kề.

18 Đối với Việt Nam, nghĩa vụ này áp dụng sau 3 năm kể từ khi nó được phản ánh đầy đủ trong quy phạm pháp luật của Việt Nam. Hàn Quốc có thể cho phép các doanh nghiệp chủ đạo đưa ra những mức cước, điều kiện và điều khoản đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng không có hạ tầng ở mức đối xử kém hơn so với các doanh nghiệp cung ứng mạng hoặc dịch vụ viễn thông công cộng có hạ tầng. Để chắc chắn hơn, Hàn Quốc sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công cộng không có hạ tầng có quyền khiếu kiện, theo quy định tại khoản 13, đến cơ quan quản lý viễn thông để giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến cước và các điều kiện, điều khoản kết nối.

19 Đối với Việt Nam, bán lại dịch vụ có thể được cung cấp khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có giấy phép cung cấp các dịch vụ bán lại đó.

20 Nghĩa vụ này áp dụng sau ba năm kể từ khi nó được phản ánh một cách đầy đủ trong quy phạm pháp luật của Việt Nam.

1 Để rõ ràng hơn, nhà đầu tư của một Bên không ký kết không được yêu cầu bất kỳ quyền nào quy định trong Chương này.

2 Liên quan đến mối liên hệ giữa Chương 8 (Thương mại dịch vụ) và Chương này, các Bên ký kết khẳng định rằng các dịch vụ bao gồm bất kỳ dịch vụ nào trong bất cứ lĩnh vực nào, bao gồm nhưng không chỉ là các dịch vụ được phân loại trong các lĩnh vực, các ngành và hoạt động theo Phân loại Danh mục ngành Dịch vụ của WTO trong văn kiện số MTN.GNS/W/120, ngày 10 tháng 7 năm 1991.

3 Để rõ ràng hơn, các Phụ lục và ngoại lệ tại các Điều khoản nêu trên là một phần của khoản này.

4 Hiện diện thương mại có định nghĩa tương tự với định nghĩa tại Chương 8 (Thương mại Dịch vụ)

5 Điều này sẽ được giải thích phù hợp với Phụ lục 9-A

6 Điều này được giải thích phù hợp với Phụ lục 9-B

7 Để rõ ràng hơn, Phụ lục 9-C sẽ được áp dụng đối với Điều này

8 Đối với Hàn Quốc “chính quyền cấp địa phương” là chính quyền được định nghĩa trong Luật Chính quyền địa phương

9 Để rõ ràng hơn, việc đàm phán về Danh mục của Phụ lục I và II sẽ không ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh của Chương này và các đoạn từ 1 đến 4 của Điều này

10 Để rõ ràng hơn, đối với Việt Nam, yêu cầu này bao gồm yêu cầu mà khoản đầu tư bảo hộ phải được đăng ký theo pháp luật Việt Nam

11 Để rõ ràng hơn quyền hoặc quyền đòi tiền được thế quyền hoặc chuyển giao không được vượt quá các quyền hoặc quyền đòi tiền ban đầu của nhà đầu tư đó.

12 Một khoản đầu tư không thể khởi kiện theo Phần này.

13 Để rõ ràng hơn, biện pháp khắc phục tạm thời chỉ được áp dụng chỉ khi hành động này được thực hiện nhằm mục đích duy nhất là để bảo lưu các quyền và lợi ích của nhà đầu tư có tranh chấp trong quá trình thành lập tòa trọng tài

14 Để rõ ràng hơn, nhà đầu tư tranh chấp có thể đưa tranh chấp nêu tại Điều 9.15 ra tòa án hoặc tòa hành chính của Bên ký kết tranh chấp.

15 Để rõ ràng hơn, “quy định của Hiệp định này” bao gồm tất cả các Phụ lục của Hiệp định này.

16 Để rõ ràng hơn, trong trường hợp của Việt Nam, “đã được công nhận” nghĩa là “đã được đăng ký cụ thể hoặc được cho phép bằng văn bản, tùy từng trường hợp cụ thể”.

17 Để rõ ràng hơn, chi nhánh của một pháp nhân của Bên không ký kết sẽ không được coi là doanh nghiệp của một Bên ký kết.

18 Để rõ ràng hơn, chi nhánh trong định nghĩa này là chi nhánh của doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó. Chi nhánh của một pháp nhân của Bên không ký kết không được coi là doanh nghiệp của một Bên ký kết.

19 “Đầu tư” không bao gồm quyết định hoặc phán quyết được ban hành trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính

20 Một số hình thức vay nợ, như trái phiếu, giấy nhận nợ, và tín phiếu dài hạn là những hình thức thường được coi là có đặc điểm của một khoản đầu tư, trong khi các hình thức vay nợ khác ít được coi là có các đặc điểm của một khoản đầu tư.

21 Nhượng quyền kinh doanh có thể bao gồm quỹ đầu tư dành cho các dự án như Xây dựng-Kinh doanh và Chuyển giao (BOT) và Xây dựng-Kinh doanh và Sở hữu (BOO).

22 Để rõ ràng hơn, các Bên hiểu rằng một nhà đầu tư “đang tìm kiếm cơ hội đầu tư” là nhà đầu tư của một Bên không ký kết đã thực sự thực hiện các hoạt động cụ thể để bắt đầu quá trình thông báo hoặc phê duyệt để thực hiện đầu tư, tùy từng trường hợp cụ thể

23 Để rõ ràng hơn, một Bên ký kết sẽ không theo đuổi vụ kiện chống lại Bên ký kết kia theo Phần B trong tất cả các trường hợp

24 Để rõ ràng hơn, các Bên ký kết hiểu rằng nhà đầu tư “đang tìm kiếm cơ hội đầu tư” là nhà đầu tư của một Bên ký kết đã thực sự thực hiện các hoạt động cụ thể để bắt đầu quá trình thông báo hoặc phê duyệt để thực hiện đầu tư, tùy từng trường hợp cụ thể

25 Để rõ ràng hơn, Quy tắc của UNCITRAL về minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư dựa trên Hiệp định bằng thủ tục trọng tài không áp dụng đối với Chương này

26 Để rõ ràng hơn, đối với Hàn Quốc, các vấn đề cần xem xét liên quan có thể bao gồm liệu hành vi của chính phủ có buộc nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư cụ thể phải có sự hy sinh đặc biệt vượt quá những gì mà nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư đó lẽ ra phải chịu để đạt được lợi ích công cộng.

27 Để rõ ràng hơn, điểm này bao gồm quyền của Bên ký kết trong việc thực thi hành vi chính sách phù hợp với Hiến pháp của Bên đó

28 Để rõ ràng hơn, danh mục “các mục đích công cộng hợp pháp” tại khoản này không phải là đầy đủ. Danh mục đó có thể bao gồm các biện pháp, ví dụ như bình ổn giá bất động sản (thông qua, ví dụ, các biện pháp để cải thiện điều kiện nhà ở cho người có thu nhập thấp).

29 Để rõ ràng hơn, các biện pháp này có thể được kéo dài vượt quá thời hạn 1 năm nếu xảy ra các điều kiện là cơ sở áp dụng các biện pháp đó

30 Khoản này không áp dụng cho đến khi Danh mục bảo lưu nêu tại Phụ lục I và II của các Bên có hiệu lực

31 Để rõ ràng hơn, các biện pháp nêu tại khoản 1 và thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương này sẽ được áp dụng theo Điều 9.3 và 9.4 phù hợp với các Danh mục bảo lưu nêu tại Phụ lục I và II, và các biện pháp nêu tại khoản 1 và thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương 8 sẽ được áp dụng theo Điều 8.2 và 8.3 phù hợp với các Danh mục bảo lưu nêu tại Phụ lục 8-D (Danh mục các cam kết cụ thể), một cách riêng rẽ.

1 Một Bên sẽ không có nghĩa vụ thực hiện khoản này trước khi Bên đó đưa vào hiệu lực các luật hay quy phạm pháp luật hoặc thông qua các chính sách trong nước về bảo vệ khách hàng khi sử dụng thương mại điện tử.

2 Đối với Việt Nam, nghĩa vụ này có thể được áp dụng, trong trường hợp có thể, phù hợp với quy định và pháp luật trong nước đối với các lĩnh vực tương ứng.

1 Cụ thể là, các luật cạnh tranh của mỗi nước cần phải xử lý một cách có hiệu quả:

(a) Các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, quyết định của hiệp hội doanh nghiệp và các hành vi phối hợp cùng hành động với mục đích hoặc tác động ngăn cản sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh;

(b) Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền của một hoặc một nhóm doanh nghiệp; và

(c) Tập trung kinh tế của các doanh nghiệp, bao gồm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại một doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp, và các hình thức tập trung kinh tế khác.

1 Trong Điều này, thuật ngữ “công dân” được hiểu như trong Hiệp định TRIPS.

2 Trong khoản 2, thuật ngữ “bảo hộ” có nghĩa như trong Hiệp định TRIPS, và sẽ bao gồm:

(a) các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng đạt được, việc đăng ký, phạm vi, sự duy trì và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể trong Chương này; và

(b) các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được quy định tại Điều 12.8.

3 Khi xác định liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng không, Không Bên nào được yêu cầu rằng sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hóa phải vượt ra ngoài bộ phận người dân thường tiếp xúc với hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan.

4 Các Bên nhất trí rà soát việc mở rộng các ngoại lệ liên quan đến yêu cầu về tính mới và trình độ sáng tạo đối với khả năng bảo hộ của sáng chế được quy định trong đoạn này khi cần thiết.

5 “Cá nhân” được hiểu là thể nhân hoặc pháp nhân.

6 Tiền nhuận bút, thù lao được thanh toán trên cơ sở các điều khoản được thỏa thuận giữa người sử dụng và người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm hoặc xác định theo pháp luật của mỗi Bên.

7 Không Bên nào phải áp dụng đoạn 5 cho các hành vi xâm phạm quyền của một Bên hoặc một bên thứ ba thực hiện với sự cho phép hoặc đồng ý của Bên đó.

8 Một Bên có thể thực thi nghĩa vụ này bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

9 Trong đoạn này, các thuật ngữ “hàng giả mạo nhãn hiệu” và “hàng sao chép lậu” có nghĩa như được quy định tại Điều 51 Hiệp định TRIPS.

1 Vì mục đích của đoạn này, “các quy định mang tính áp dụng chung” đối với Việt Nam nghĩa là các Lệnh và các Quyết định của Chủ tịch Nước, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và Thông tư của Bộ trưởng; và đối với Hàn Quốc nghĩa là Nghị định của Tổng Thống, sắc lệnh của Thủ tướng và các sắc lệnh của Bộ trưởng.

2 Vì mục đích của đoạn này, đối với Việt Nam, “ấn phẩm chính thức duy nhất” nghĩa là Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3 Vì mục đích của đoạn này, “các quy định mang tính áp dụng chung” đối với Việt Nam nghĩa là các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và Thông tư của Bộ trưởng; và đối với Hàn Quốc là Nghị định của Tổng Thống, sắc lệnh của Thủ tướng và các sắc lệnh của Bộ trưởng.

1 Để chắc chắn hơn, đối với Phụ lục này, ngày gửi sẽ là ngày mà tài liệu đã đến nơi nhận.

1 Đối với đoạn này, việc áp dụng đoạn 2 Điều 16.1 đối với các biện pháp thuế nội địa liên quan tới Điều XIV (d) và (e) của GATS.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam - Hàn Quốc

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 05/05/2015
  • Nơi ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản