Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH YẾU TỐ CẤU THÀNH TRONG CÔNG THỨC GIÁ CƠ SỞ XĂNG DẦU

Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).

Các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP bao gồm: Giá Etanol nhiên liệu; Tỷ lệ thể tích xăng không chì, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu; Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; Chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu; Chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt; Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, Premium trong nước; Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức; Lợi nhuận định mức; Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Điều 2. Nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu

1. Yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

2. Các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu là khoản chi phí tổng hợp tối đa được rà soát, đánh giá và xây dựng trên cơ sở nguồn số liệu sau đây:

a. Số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tổng hợp báo cáo từ các khoản chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này; Số liệu tổng hợp từ kết quả khảo sát, đánh giá chi phí thực tế của Bộ Tài chính tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (nếu có).

b. Việc thu thập, tổng hợp số liệu được thực hiện trên cơ sở báo cáo của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm trên 70% sản lượng tiêu thụ trên cả nước. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

3. Các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức được rà soát, đánh giá và xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và hàng năm tương ứng với từng khoản chi phí theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức theo dõi, nắm bắt và đánh giá tình hình thực hiện thực tế tại đơn vị, kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để có cơ sở xem xét điều chỉnh cho phù hợp theo quy định; chịu trách nhiệm về báo cáo của mình.

Điều 3. Khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu

1. Khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định bằng (=) Mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền (%) nhân (x) {Giá xăng dầu thế giới nhân (x) tỷ giá ngoại tệ cộng ( ) Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam}. Trong đó:

a. Mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền (%) bằng (=) {Mức thuế suất thuế nhập khẩu1 nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩu1 cộng ( ) Mức thuế suất thuế nhập khẩu2 nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩu2 cộng ( ) ... cộng ( ) Mức thuế suất thuế nhập khẩun nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩun} chia (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu trong kỳ. Trong đó:

- Các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định căn cứ trên mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định theo thống kê từ cơ quan hải quan.

- Trường hợp sản lượng xăng dầu nhập khẩu tại thời điểm kê khai hải quan ghi nợ C/O thì mức thuế suất thuế nhập khẩu đưa vào tính toán là mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

- Sản lượng xăng dầu nhập khẩu được xác định theo thống kê định kỳ từ cơ quan hải quan trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý bao gồm sản lượng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả sản lượng xăng dầu nhập từ nước ngoài và sản lượng xăng dầu nhập từ kho ngoại quan; không bao gồm dung môi và nhiên liệu bay).

b. Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới để tính chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức giá cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

2. Định kỳ hàng Quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng cuối Quý (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền để Bộ Công Thương xác định khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu áp dụng trong công thức giá cơ sở.

Điều 4. Khoản chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt

1. Khoản chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định trên cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (%) theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Trong đó:

a) Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.

b) Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu, được xác định như sau:

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng hoặc trừ (±) premium trong nước.

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng ( ) Chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng ( ) Chi phí về thuế nhập khẩu cộng ( ) Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) (Chi phí kinh doanh định mức Lợi nhuận định mức) cộng ( ) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá (nếu có).

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt để tính giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) Tỷ lệ phần trăm thể tích xăng (%) nhân (x) [{Giá xăng thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng ( ) Chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng ( ) Chi phí về thuế nhập khẩu xăng} nhân (x) Tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu (%) cộng ( ) {Giá xăng thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng ( ) premium trong nước ( ) Chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)} nhân (x) Tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước (%)}] cộng ( ) Tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) Giá Etanol nhiên liệu cộng Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) (Chi phí kinh doanh định mức Lợi nhuận định mức) cộng ( ) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá (nếu có).

2. Căn cứ báo cáo chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quy định tại Điều 7 Thông tư này; Trước ngày 01 tháng 7 hàng năm, Bộ Tài chính rà soát, thông báo tỷ lệ phần trăm (%) của (chi phí kinh doanh định mức lợi nhuận định mức) (nếu có) để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức giá cơ sở.

3. Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới để tính chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Điều 5. Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam

1. Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

a) Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam bao gồm premium, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài hoặc từ kho ngoại quan về cảng Việt Nam và các chi phí phát sinh khác (nếu có).

b) Định kỳ trước ngày 21 tháng 6, ngày 21 tháng 12 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả rà soát chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21 tháng 6 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 12 năm trước liền kề đến ngày 31 tháng 5 năm báo cáo. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21 tháng 12 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11 năm báo cáo.

2. Trên cơ sở báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin.

Định kỳ vào ngày 10 tháng 01, ngày 10 tháng 07 hàng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá cơ sở. Trường hợp có biến động đột biến về chi phí do yếu tố khách quan (tăng hoặc giảm), trên cơ sở đề xuất của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét quyết định việc điều chỉnh khoản chi phí này cho phù hợp.

Điều 6. Khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước

1. Premium trong nước chỉ có giá trị để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua từ thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu trong kỳ tính toán.

Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân nhân (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%). Giá thế giới bình quân làm cơ sở so sánh được xác định trên cơ sở bình quân theo sản lượng của giá xăng dầu thế giới thực tế mua bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ tính toán.

2. Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) chỉ có giá trị để tính giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng.

Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng gồm các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến các cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I theo quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam, các văn bản quy định hướng dẫn Bộ luật hàng hải Việt Nam và các văn bản sửa đổi bổ sung thay thế (nếu có); bao gồm chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt và chi phí khác (nếu có); không bao gồm: chi phí lưu kho, lưu bãi, các chi phí phát sinh thuê tiếp phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển xăng dầu về đến kho đặt tại cảng biển.

3. Định kỳ trước ngày 21 tháng 6, ngày 21 tháng 12 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo tổng hợp premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21 tháng 6 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 12 năm trước liền kề đến ngày 31 tháng 5 năm báo cáo. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21 tháng 12 được tổng hợp từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11 năm báo cáo.

4. Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin.

Định kỳ ngày 10 tháng 01, ngày 10 tháng 07 hàng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá cơ sở. Trường hợp có biến động đột biến về chi phí do yếu tố khách quan (tăng hoặc giảm), trên cơ sở đề xuất của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc điều chỉnh khoản chi phí này cho phù hợp.

Điều 7. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức

1. Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu) để tính giá cơ sở theo mức tối đa. Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức được xác định trên cơ sở báo cáo chi phí thực tế phát sinh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong đó:

- Các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn.

- Sản lượng xăng dầu đưa vào tính toán là sản lượng kg, lít thực tế tiêu thụ trong nước trong kỳ báo cáo.

2. Trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi các báo cáo chuyên đề về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước):

- Báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu;

- Báo cáo về chi phí thù lao kinh doanh xăng dầu dành cho đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, khách hàng khác (nếu có);

- Báo cáo sản lượng xăng dầu nhập mua, xuất bán, tồn kho chi tiết từng chủng loại xăng dầu.

3. Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin.

Định kỳ trước ngày 01 tháng 07 hàng năm, Bộ Tài chính thông báo chi phí kinh doanh định mức để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 8. Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; Tỷ lệ thể tích xăng không chì, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học

1. Tỷ giá ngoại tệ để quy đổi giá xăng dầu thế giới trong công thức giá cơ sở là tỷ giá ngoại tệ bán ra cuối ngày của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân theo số ngày có giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế giữa hai kỳ công bố giá cơ sở

2. Tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì, tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học tại Thông tư này là tỷ lệ cao nhất được phép pha trộn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với từng chủng loại xăng sinh học; tỷ lệ pha trộn thực tế nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Xác định giá Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học

1. Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học quy định tại Thông tư này gồm Etanol nhiên liệu không biến tính và Etanol nhiên liệu biến tính (sau đây gọi chung là Etanol). Giá Etanol chỉ có giá trị để tính giá cơ sở, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng các mức giá Etanol trong nước và giá Etanol nhập khẩu.

a. Giá Etanol trong nước là giá mua Etanol tại nhà máy theo lít thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua từ nguồn sản xuất trong nước để thực hiện phối trộn xăng sinh học (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng); Sản lượng Etanol trong nước là sản lượng lít thực tế tương ứng mức giá etanol báo cáo.

Giá Etanol nhập khẩu là giá CIF cộng thuế nhập khẩu (nếu có) tính theo lít thực tế. Sản lượng Etanol nhập khẩu là sản lượng lít thực tế được giám định tại tàu cảng dỡ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ báo cáo.

b. Chu kỳ tính giá Etanol là 01 tháng (trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề đến ngày 20 tháng báo cáo). Giá Etanol bình quân trong tháng báo cáo sẽ áp dụng cho kỳ tính giá cơ sở xăng sinh học tháng tiếp theo.

c. Trên cơ sở số liệu báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính xác định giá Etanol nhiên liệu và thông báo cho Bộ Công Thương áp dụng tính giá cơ sở xăng sinh học.

2. Vào ngày 21 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo giá Etanol trong nước, giá Etanol nhập khẩu, sản lượng Etanol mua từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu tương ứng về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước). Trường hợp ngày báo cáo trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định, việc gửi báo cáo được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.

Điều 10. Xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu

1. Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu được xác định như sau:

a) Sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là sản lượng xăng dầu bán ra của các nhà máy lọc dầu trong nước (không bao gồm dung môi, nhiên liệu bay; không bao gồm sản lượng xăng dầu tự dùng và xuất khẩu). Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước bằng (=) Sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước chia cho (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước trong kỳ báo cáo của thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.

b) Sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu thực hiện như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này. Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu bằng (=) Sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu chia cho (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu trong kỳ báo cáo.

c) Thời gian thu thập số liệu thực hiện theo Quý (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý).

2. Hàng Quý, định kỳ vào ngày 21 tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sản lượng xăng dầu xuất bán chi tiết từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý. Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu báo cáo.

3. Trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, Bộ Công Thương tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Điều 11. Khoản lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở xăng dầu

Khoản lợi nhuận định mức quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu; lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức giá cơ sở là 300 đồng/lít, kg được Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản để điều chỉnh phù hợp với thực tế điều hành xăng dầu. Lợi nhuận thực tế thu được trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Điều 12. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022. Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở xăng dầu tiếp tục thực hiện theo mức đã được Bộ Tài chính thông báo cho đến khi có thông báo mới thay thế.

Bãi bỏ Điều 4, Điều 5 và khoản 2 Điều 15 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Bãi bỏ khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT ngày 24/6/2016 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này.

Bãi bỏ Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 76/2020/TT-BTC ngày 14 tháng 08 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; Thông tư số 138/2007/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Sơn La.

2. Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị khác có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện Thông tư này theo quy định.

3. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt và tổng hợp số liệu thực tế tại đơn vị, báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) theo đúng quy định tại Thông tư này. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Việc gửi báo cáo được thực hiện bằng một trong các phương thức: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Gửi qua Fax hoặc thư điện tử (bản scan) theo địa chỉ thư điện tử của Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) là: bcxangdau@mof.gov.vn và thư điện tử của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) là: xangdau@moit.gov.vn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.