Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1448/VKSTC-V5 | Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2013 |
Kính gửi: | - Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố TW |
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Công văn số 06/HD-VKSTC-V5 ngày 18/01/2013 của Vụ 5 Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổ chức cho Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự rút kinh nghiệm.
Để thống nhất về nhận thức, phương pháp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) tạm thời hướng dẫn một số nội dung như sau:
- Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án tổ chức một số phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự có chất lượng, hiệu quả nhằm giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên rút kinh nghiệm nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự.
- Các phiên tòa để Kiểm sát viên tham gia rút kinh nghiệm phải là những phiên tòa giải quyết các vụ án điển hình, như loại tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương; đa dạng người tham gia tố tụng và người bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự. Các vấn đề tố tụng cũng như về nội dung liên quan đến quan hệ pháp luật có tranh chấp được xem xét giải quyết tại phiên tòa giúp cho Kiểm sát viên tham dự đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các trường hợp tương tự.
- Viện kiểm sát các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa cụ thể; phối hợp với Tòa án cùng cấp về việc lựa chọn vụ án điển hình. Khi chọn vụ án thích hợp, Viện kiểm sát thông báo với Tòa án về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đề nghị Tòa án phối hợp thực hiện nhằm bảo đảm việc xét xử đúng thời hạn, đầy đủ thành phần, phiên tòa diễn ra nghiêm túc. Cử Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các bước chuẩn bị:
1.1- Nghiên cứu nắm chắc nội dung vụ án; lập hồ sơ kiểm sát, trích cứu các nội dung, chứng cứ, tài liệu quan trọng, nhằm giải quyết các vấn đề:
Thứ nhất: Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì; tính chất và nội dung tranh chấp như thế nào; Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng hay không ?; tư cách của nguyên đơn, bị đơn trong vụ án; các yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; các tình tiết khác liên quan đến vụ án như thế nào...Bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không và nếu có yêu cầu thì họ đã thực hiện nghĩa vụ tạm nộp án phí hay chưa ?. Các bên xuất trình được những tài liệu gì liên quan đến yêu cầu tranh chấp. Xem xét toàn diện các vấn đề như vậy mới đánh giá được khách quan và đầy đủ chứng cứ của vụ án.
Thứ hai: Làm rõ việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, người tham gia tố tụng. Để làm rõ vấn đề này, Kiểm sát viên phải nghiên cứu từng văn bản tố tụng, như: Thông báo thụ lý, giấy triệu tập người tham gia tố tụng, quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, biên bản lấy lời khai, biên bản tiến hành hòa giải, biên bản thẩm định; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng biện pháp khẩn, cấp tạm thời (nếu có)...Kiểm sát viên phải nghiên cứu chi tiết từng văn bản như ngày, tháng, năm ban hành; thẩm quyền ban hành, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền. Khi nghiên cứu phải đồng thời đối chiếu với quy định của pháp luật xem văn bản đó có phù hợp với pháp luật không. Tất cả các vấn đề tố tụng như thời hạn, thời hiệu, trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ; áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời...đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không.
Thứ ba: Làm rõ các vấn đề chứng cứ. Khi nghiên cứu hồ sơ để làm rõ các vấn đề chứng cứ, cán bộ, Kiểm sát viên phải trả lời được các câu hỏi chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ chưa, các chứng cứ có hợp pháp không ?.
Tiêu chuẩn để xác định được chứng cứ đã đầy đủ là chứng cứ đó đã xác định được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh; chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như thế nào?.
Chứng cứ hợp pháp là những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dân sự được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 81 BLTTDS sửa đổi. Để khẳng định được chứng cứ có hợp pháp hay không, Kiểm sát viên phải kiểm tra từng loại nguồn chứng cứ và đủ cơ sở khẳng định nguồn chứng cứ đó là hợp pháp; đồng thời, kiểm tra thủ tục đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ cho Tòa án để xác định chứng cứ đó là hợp pháp.
Thứ tư: Khi nghiên cứu hồ sơ cần phải chú ý phân tích các tài liệu để trả lời cho câu hỏi: Khi tham gia quan hệ pháp luật có tranh chấp thì các bên có quyền và nghĩa vụ gì; các quyền và nghĩa vụ đó được pháp luật bảo vệ hay không; các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như thế nào trong thực tế; bên nào thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, bên nào vi phạm nghĩa vụ; nguyên nhân vi phạm là gì; việc vi phạm đó ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm; nếu bị vi phạm có thiệt hại thì thiệt hại là bao nhiêu; thiệt hại đó có phải do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra không...Trên cơ sở đó, cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ mới định hướng đường lối giải quyết vụ án và những văn bản pháp luật cần áp dụng.
1.2. Dự kiến diễn biến phiên tòa, những tình huống có thể xảy ra trong quá trình xét xử, như việc yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên; về sự vắng mặt của đương sự; luật sư, người bào chữa, người giám định; bổ sung người tham gia tố tụng; xuất hiện chứng cứ mới hoặc lý do khác dẫn đến tạm hoãn phiên tòa, đình chỉ xét xử...Kiểm sát viên phải nắm vững các căn cứ pháp luật áp dụng giải quyết các tình huống xảy ra; những vấn đề có thể Hội đồng xét xử xin ý kiến Kiểm sát viên trước khi quyết định thì phải có phương án trả lời.
Dự kiến hỏi những vấn đề qua nghiên cứu hồ sơ thấy có mâu thuẫn; nghi vấn chứng cứ, tài liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thiếu chứng cứ cơ bản, thu thập chứng cứ không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Những vấn đề này, nếu tại phiên tòa Hội đồng xét xử đã hỏi và được làm rõ thì Kiểm sát viên không hỏi lại. Dự thảo bản phát biểu của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
1.3. Báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về việc nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa; trình dự thảo bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa để báo cáo lãnh đạo Viện.
Kiểm sát viên báo cáo nội dung vụ án, những vi phạm pháp luật đã phát hiện (cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng); nhận định về hướng giải quyết vụ án của Tòa án (Kiểm sát viên không đề xuất hướng giải quyết vụ án tại phiên tòa); nêu quan điểm về hướng giải quyết vụ án; báo cáo, xin ý kiến những vấn đề cần thiết khác. Kiểm sát viên tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát và bổ sung, hoàn thiện những tài liệu, văn bản đã dự thảo để chuẩn bị tham gia phiên tòa:
2. Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm
2.1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX, Thẩm phán, Thư ký tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng khác, chú ý những vấn đề sau đây:
+ Kiểm sát viên phải kiểm tra về số lượng, điều kiện tham gia Hội đồng xét xử (HĐXX) của mỗi thành viên HĐXX; đối chiếu danh sách HĐXX tại phiên tòa với với danh sách HĐXX được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử; kiểm tra tư cách pháp lý của Thư ký Tòa án. Trường hợp phát hiện trong danh sách thành phần HĐXX có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Kiểm sát viên phải đề nghị thay Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký Tòa án và đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Nếu có đương sự đề nghị thay đổi thành viên HĐXX hoặc Thư ký tòa án và HĐXX đề nghị Viện kiểm sát cho biết quan điểm thì Kiểm sát viên phải viện dẫn các quy định pháp luật liên quan để chấp nhận hay không chấp nhận.
Thông qua việc Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa tiến hành các thủ tục kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 213 BLTTDS sửa đổi, Kiểm sát viên căn cứ các Điều 56, 63, 65, 67, 68 BLTTDS sửa đổi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của đương sự và những người tham gia tố tụng khác.
Trường hợp phát hiện người giám định, người phiên dịch thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 68, khoản 3 Điều 70 BLTTDS sửa đổi, Kiểm sát viên phải yêu cầu HĐXX thay người giám định, người phiên dịch theo quy định.
Trường hợp HĐXX không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên về thay đổi thành viên HĐXX, Thư ký phiên tòa, người giám định, người phiên dịch... mà vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của HĐXX.
+ Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát đối với trường hợp HĐXX hoãn phiên tòa theo quy định của BLTTDS sửa đổi; có quyền đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
- Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng;
- Người làm chứng, người giám định, người phiên dịch vắng mặt mà sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử vụ án;
- Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa, nhưng Kiểm sát viên xét thấy cần phải hoãn phiên tòa để chờ sự tham gia của người này nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án được đúng đắn.
Trong các trường hợp Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa có căn cứ nhưng HĐXX không chấp nhận và vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của HĐXX.
Những trường hợp người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có ý kiến đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa và xin ý kiến Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải vận dụng các căn cứ hoãn phiên tòa được quy định trong BLTTDS sửa đổi để có quan điểm nhất trí hoặc không nhất trí việc hoãn phiên tòa.
+ Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên tòa của HĐXX, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi khai mạc đến khi kết thúc phiên tòa, bao gồm các thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi, tranh luận, thủ tục nghị án và tuyên án, bảo đảm việc xét xử tại phiên tòa được tiến hành công minh, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục tố tụng thì Kiểm sát viên yêu cầu HĐXX khắc phục kịp thời.
+ Kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa; lắng nghe các câu hỏi và nội dung trả lời phân tích thông tin trong câu hỏi và câu trả lời để xem các vấn đề của vụ án đã được hỏi làm rõ hay chưa ? có chứng cứ mới phát sinh không ?. Qua việc hỏi, nếu phát hiện HĐXX hỏi thiên lệch theo định kiến một cách cố ý hoặc vô ý; thái độ không tôn trọng người tham gia tố tụng; hỏi phiến diện hoặc không triệt để...Kiểm sát viên có trách nhiệm khắc phục vi phạm bằng cách tham gia hỏi người tham gia tố tụng để làm rõ những vấn đề liên quan đến giải quyết vụ án.
2.2. Kiểm sát viên tham gia hỏi
Kiểm sát viên tham gia hỏi sau khi các đương sự đã hỏi xong theo thứ tự quy định tại Điều 222 BLTTDS sửa đổi. Kiểm sát viên hỏi là để kiểm tra chứng cứ và để khắc phục vi phạm, thiếu sót trong việc hỏi của HĐXX. Việc hỏi của Kiểm sát viên không chỉ giới hạn trong phạm vi pháp luật tố tụng mà hỏi cả những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án nhằm làm rõ các tình tiết, các căn cứ, giúp cho việc đánh giá, áp dụng pháp luật nội dung cũng như pháp luật tố tụng được đúng đắn; làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo thuộc chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát là cân nhắc việc kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền.
Khi hỏi Kiểm sát viên phải đề nghị Chủ tọa phiên tòa và được Chủ tọa phiên tòa đồng ý; tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; phải đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, câu hỏi không được mang tính gợi ý trả lời. Khi hỏi xong, Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe câu trả lời, so sánh, đối chiếu giữa câu hỏi và nội dung trả lời xem trả lời đã đáp ứng yêu cầu hay chưa. Nếu câu trả lời không đúng, khó hiểu thì Kiểm sát viên phải nhắc lại câu hỏi và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm; nếu câu trả lời chưa đầy đủ, Kiểm sát viên có thể hỏi bổ sung.
Sau khi hỏi xong, Kiểm sát viên phải đánh giá tổng thể kết quả hỏi để phát hiện có nội dung nào mới xuất hiện không; có vấn đề nào mâu thuẫn với chứng cứ có trong hồ sơ; có vấn đề mới nào khác với định hướng về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát trước khi tham gia phiên tòa không; những thay đổi đó có cần báo cáo lãnh đạo Viện hay Kiểm sát viên tự quyết định.
2.3. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa
Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải căn cứ diễn biến tại phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ vụ án để đánh giá, nhận định việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX, việc chấp hành pháp luật của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, kể từ khi thụ lý đến trước khi HĐXX nghị án; nêu căn cứ và phân tích các vi phạm pháp luật trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ của Tòa án; việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự và người tham gia tố tụng.
3. Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm
Các bước chuẩn bị và hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm về cơ bản thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ những vấn đề liên quan đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, nhất là thủ tục xét xử phúc thẩm quy định tại Chương XVII của BLTTDS sửa đổi, để áp dụng vào vụ án cụ thể được Tòa án đưa ra xét xử.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên tham gia hỏi phải tập trung hỏi sâu về nội dung vụ án, các chứng cứ cần thiết; việc hỏi phải nhằm làm sáng tỏ vấn đề để có cơ sở nhận định cũng như hướng giải quyết vụ án.
- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật tố tụng trong giai đoạn phúc thẩm và những vấn đề về nội dung liên quan đến kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải căn cứ diễn biến của phiên tòa với sự chuẩn bị khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và ý kiến của lãnh đạo Viện kiểm sát để trình bày nội dung quan điểm về việc giải quyết vụ án (phạm vi và nội dung phát biểu của Kiểm sát viên được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT ngày 1/8/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; Quy chế số 567/QĐ-VKSTC ngày 8/10/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Tại phiên tòa nếu có tình tiết mới làm thay đổi nhận định của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải tự xem xét, kết luận, nhưng ngay sau phiên tòa phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình về tình tiết mới đó và kết luận của mình tại phiên tòa.
4. Theo dõi diễn biến phiên tòa và tuyên án của HĐXX
- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải theo dõi và ghi chép diễn biến tại phiên tòa, từ khi khai mạc đến khi kết thúc phiên tòa, làm cơ sở cho việc bổ sung hoặc thay đổi nhận định của Viện kiểm sát; làm cơ sở để đối chiếu, so sánh với nội dung tuyên án của HĐXX, với biên bản phiên tòa.
- Kiểm sát việc tuyên án của HĐXX có đúng quy định hay không, đồng thời phải ghi chép nội dung, kết quả HĐXX đã tuyên xử; sau phiên tòa phải đối chiếu với dự kiến giải quyết vụ án của Kiểm sát viên để rút kinh nghiệm. Ghi chép ý kiến của đương sự sau khi nghe HĐXX tuyên án; Kiểm sát viên có quyền yêu cầu kiểm tra biên bản phiên tòa, nếu thấy biên bản có sai sót hoặc chưa chính xác với thực tế phiên tòa đã diễn ra thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Hội đồng xét xử ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản theo quy định.
5. Tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên tòa
Sau mỗi phiên tòa, Viện kiểm sát tổ chức rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa. Nội dung tập trung vào một số vấn đề sau:
- Về việc nghiên cứu hồ sơ, lập hồ sơ kiểm sát, chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm; về tác phong, bản lĩnh nghiệp vụ của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
- Nhận xét, đánh giá xem Kiểm sát viên đã thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát tại phiên tòa hay chưa; phát hiện được đầy đủ, chính xác các vi phạm và kiến nghị HĐXX khắc phục chưa ?. Rút kinh nghiệm về nhận thức pháp luật, kỹ năng áp dụng trong việc phân tích đánh giá vi phạm, về việc giải quyết vụ án.
- Việc quán triệt và vận dụng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát tuân theo pháp luật tại phiên tòa, kiến nghị xử lý vi phạm, về việc thay đổi, bổ sung quan điểm giải quyết vụ án như thế nào ?.
- Rút kinh nghiệm về kết quả xét xử vụ án của Hội đồng xét xử và trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Trên đây là hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) về việc Viện kiểm sát các cấp phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử vụ án dân sự nhằm rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Trong quá trình thực hiện, các Viện Kiểm sát địa phương có thể chủ động, sáng tạo thêm những nội dung, tổ chức thực hiện hoặc có những vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm dân sự, đề nghị các đơn vị báo cáo về Vụ 5 để tập hợp rút kinh nghiệm chung./.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |
- 1Nghị quyết số 293A/2007/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự cho các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Nghị quyết số 720/2008/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ Luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ Luật tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 3Nghị quyết số 781/2009/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ Luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ Luật tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 4Hướng dẫn 32/HD-VKSTC năm 2018 về tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 1Bộ luật Tố tụng dân sự 2004
- 2Nghị quyết số 293A/2007/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự cho các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 3Nghị quyết số 720/2008/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ Luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ Luật tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 4Nghị quyết số 781/2009/UBTVQH12 về việc giao thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ Luật tố tụng hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại Điều 33 của Bộ Luật tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
- 5Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 6Quyết định 567/QĐ-VKSTC năm 2012 về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Hướng dẫn 06/HD-VKSTC-V5 công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự năm 2013 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 8Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2013 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Công văn 1448/VKSTC-V5 năm 2013 hướng dẫn tổ chức phiên tòa Xét xử vụ án dân sự rút kinh nghiệm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 1448/VKSTC-V5
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 10/03/2013
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Trần Đình Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra