Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/VPCP-QHĐP
V/v xử lý kiến nghị của các địa phương

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Về các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các địa phương (bảng tổng hợp kèm theo), có văn bản trả lời địa phương và đồng gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 02 năm 2021 để báo cáo lãnh đạo Chính phủ. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Quý Bộ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các Phó TTgCP (để b/c);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: CN, NN, KTTH, KGVX, QHQT, NC, TCCV, PL, ĐMDN, V.I, TH; Cục KSTTHC; Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Đ.Minh.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

(Kèm theo Công văn số 108/VPCP-QHĐP ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ)

STT

ĐỊA PHƯƠNG

KIẾN NGHỊ

1

Cà Mau

Kiến nghị Trung ương xem xét, có chính sách cho các hộ gia đình, cá nhân được giao, nhận khoán rừng hiện đang sinh sống trong lâm phần rừng được xây dựng nhà ở kiên cố và các công trình phụ phục vụ đời sống trên đất lâm nghiệp, với diện tích tối đa 300m2/hộ, nhằm ổn định cuộc sống của người dân, gắn bó lâu dài, góp phần trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Do đặc thù phong tục tập quán người dân vùng ĐBSCL, sản xuất liền canh liền cư nên đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 22.000 xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp được giao, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp ổn định trên 20 năm. Hiện nay, thu nhập và chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, nhận khoán để bảo vệ và phát triển rừng đã nâng lên rõ rệt, đi vào ổn định. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp, nên người dân có nguyện vọng được xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định trên đất lâm nghiệp được giao, khoán.

2

Gia Lai

Về Kinh phí thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Lâm nghiệp bền vững theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, năm 2020 Trung ương cấp 22.800 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2021 Trung ương chưa cấp kinh phí này cho tỉnh. Để tiếp tục thực hiện công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân. Kính đề nghị Trung ương bố trí cho tỉnh Gia Lai 18.889 triệu đồng để thực hiện trong năm 2021.

3

Gia Lai

Tỉnh Gia Lai dự toán kinh phí năm 2021 cho nhiệm vụ thực hiện bảo vệ rừng sản xuất và rừng tự nhiên theo Quyết định số 2242/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 45 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay Trung ương chưa bố trí kinh phí này. Để các công ty lâm nghiệp có nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính bố trí cho tỉnh Gia Lai 45 tỷ đồng.

4

Gia Lai

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời đề nghị Trung ương sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới).

5

Hưng Yên

Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số tiêu chí trong Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phù hợp với quy mô sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng.

6

Quảng Nam

Kính đề nghị Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện (như: Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; tiêu chí huyện NTM, huyện NTM kiểu mẫu; nội dung đầu tư, hỗ trợ; chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các Đề án, cơ chế đặc thù; chính sách hỗ trợ tín dụng trong xây dựng NTM...) để tỉnh cụ thể hóa ở cấp tỉnh, làm cơ sở triển khai ngay từ đầu năm 2021. Trong đó, cần xem xét các tiêu chí NTM cho phù hợp với điều kiện thực tiễn đối với xã miền núi như: Tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, thu nhập, hộ nghèo,...

7

Quảng Nam

Hiện nay, các xã miền núi cao khi đạt chuẩn NTM sẽ thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn và không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ, như: Đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn, chi phí học tập đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, ... nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục tham gia xây dựng NTM sau khi đạt chuẩn NTM gặp khó khăn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số (xã đạt chuẩn NTM ở vùng này còn đến 12% hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn). Do đó, kính đề nghị Trung ương tiếp tục duy trì hỗ trợ các chế độ an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi (kể cả xã đã đạt chuẩn NTM thuộc khu vực 1 miền núi tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ), để các xã này có điều kiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM được bền vững.

8

Quảng Bình

kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát để điều chỉnh Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp hoặc ban hành Thông tư hướng dẫn rõ hơn về nội dung này, tránh vướng mắc, chồng chéo thủ tục đầu tư.

9

Quảng Bình

Hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất sau lũ, gồm: (1) Tạo sinh kế cho người dân sớm ổn định cuộc sống (Giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp, thiết bị vật tư gia đình, thức ăn chăn nuôi, phân bón,...); (2) Hỗ trợ khẩn cấp để gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch nông thôn bị hư hỏng trong các đợt lũ; Hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp vùng sạt lở do đợt lũ vừa qua;... với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.

10

Quảng Bình

Có chính sách đặc thù đối với vùng thường xuyên bị thiên tai để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

11

Yên Bái

Đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn; bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó: đề nghị nâng mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất lên mức 30 triệu đồng/ha; ban hành chính sách khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 6 triệu đồng/6 năm/1 ha; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung bằng cây gỗ lớn mức 10 triệu đồng/6 năm cho phù hợp, bảo đảm cho người dân tích cực chăm sóc bảo vệ rừng.

12

Yên Bái

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao miền Bắc tại tỉnh Yên Bái.

13

Yên Bái

Đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án truyền tải điện. Hiện nay, tỉnh Yên Bái và tập đoàn EVN đang triển khai thực hiện một số dự án truyền tải điện từ nguồn ngân sách nhà nước có sử dụng một phần đất rừng tự nhiên, tỉnh Yên Bái đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với các công trình này. Tuy nhiên đến nay chưa được chấp thuận, do đó, tỉnh Yên Bái và EVN chưa có căn cứ triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

14

Trà Vinh

Ngày 19/11/2018, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14. Theo đó, tại điểm h khoản 1 Điều 80 của Luật Chăn nuôi quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi”. Tuy nhiên, trong Luật Chăn nuôi chưa có khái niệm cụ thể về khu dân cư, UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội hướng dẫn về khái niệm khu dân cư để làm cơ sở cho việc ban hành nghị quyết của HĐND trên địa bàn tỉnh khả thi trong thực tế.

15

Sóc Trăng

Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng kinh phí để đầu tư dự án Hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo an ninh nguồn nước tỉnh Sóc Trăng (khoảng 700 tỷ đồng).

16

Bến Tre

Kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ưu tiên đưa Dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc, Nam Bến Tre vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm đầu tư khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi đầu mối, góp phần ngăn mặn, giữ ngọt và triều cường cũng như phát huy tối đa hiệu quả các công trình đã và đang triển khai đầu tư trong giai đoạn 1.

17

Bình Định

đề nghị Trung ương điều chỉnh quy hoạch cảng cá Tam Quan từ nhóm Cảng cá loại II lên nhóm Cảng cá loại I và đầu tư mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn theo quy mô Cảng cá loại I để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển khu vực Hoài Nhơn và tỉnh Bình Định (vì theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 12/11/2015; trong đó quy hoạch: Khu neo trú đậu tránh trú bão Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là cấp vùng (quy mô 1.200 tàu/ cỡ tàu 400 CV) kết hợp với cảng cá loại II phục vụ cho cảng cá ngừ chuyên dụng (quy mô 200 lượt tàu ngày/cỡ tàu 400 CV). Hiện nay hiện trạng cơ sở hạ tầng của cảng đã quá tải so với số lượng tàu thuyền hiện có trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, với số lượng tàu thuyền khoảng 2.400 chiếc, trong đó 2.000 tàu có chiều dài từ 15m trở lên).

18

Long An

Tại Thông báo số 367/TB-VPCP ngày 14/11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “về việc xây dựng hồ chứa nước ngọt: Tỉnh Long An phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án kỹ thuật, phê duyệt dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Hiện nay, tỉnh Long An đã hoàn thành bổ sung 04 hồ chứa nước ngọt vào Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất tỉnh Long An đến năm 2020 và đã hoàn chỉnh dự án, tổng mức đầu tư 04 hồ chứa nước ngọt khoảng 1.938 tỷ đồng, (gồm: Hồ chứa nước ngọt Thuận Bình huyện Thanh Hóa (100 ha) với tổng mức đầu tư 718 tỷ đồng; Hồ chứa nước ngọt Hưng Điền thuộc huyện Tân Hưng (150 ha) với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; Hồ chứa nước ngọt Bàu Biển thuộc huyện Vĩnh Hưng (120 ha) với tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng và Hồ chứa nước ngọt Bình Hiệp thuộc TX Kiến Tường (100 ha) với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng). Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ vốn cho tỉnh đầu tư 04 hồ chứa nước như trên, đây là nhu cầu cấp thiết hiện nay do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến rất phức tạp và ngày càng trầm trọng hơn.

19

Long An

Hiện nay, tỉnh Long An đang trình 30 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha tại các Bộ, ngành trung ương với tổng diện tích 1.916,6ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.443,6ha. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ, xem xét, sớm phê duyệt chủ trương để Long An sớm triển khai thực hiện dự án nhằm thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.

20

Khánh Hòa

Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể các trường hợp chuyển đổi chủ tàu theo Theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

21

Khánh Hòa

Theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67. Theo đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, giảm so với mức hỗ trợ theo Nghị định 67 (hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị,...). Hiện nay, với lý do điều kiện khai thác không thuận lợi, doanh thu không đủ bù đắp chi phí và Nhà nước giảm mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, các chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ (tài sản đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại) nhưng vẫn tiếp tục ra khơi khai thác, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho tài sản đảm bảo (95% giá trị tài sản được hình thành từ vốn vay ngân hàng). Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 17 theo hướng nâng mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 từ mức 50% lên 90%.

22

Khánh Hòa

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2023 nhưng đến nay vẫn chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, định mức hỗ trợ đối với từng loại cây trồng, danh mục các sản phẩm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh rất khó khăn vì chưa đầy đủ căn cứ pháp lý để thực hiện. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu Chính phủ ban hành quy trình hướng dẫn làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

23

Khánh Hòa

Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (kiểu chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025 và có văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

24

An Giang

Việc được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã và đang tạo ra thách thức cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Việc đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị là một chủ trương hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, do năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp là rất thấp so với các khu vực còn lại, dẫn tới thu nhập của người nông dân, đặc biệt là người trồng lúa là hết sức khó khăn. Do đó Tỉnh kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ Tỉnh trong việc thực hiện chủ trương lớn này như: hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ,... nhằm tăng năng suất, ổn định giá cả để người nông dân yên tâm giữ đất canh tác.

25

Thừa Thiên Huế

Trong những năm qua, miền Trung là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng, tác động nặng nề bởi thiên tai, bão lụt; đặc biệt, các đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung đã xảy ra hiện tượng sạt lỡ đất nghiêm trọng ở vùng núi tại một số tỉnh gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhà nước, tổ chức và người dân như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ di dời, sắp xếp lại dân cư ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định đời sống cho người dân.

26

Kon Tum

Mặc dù chính sách về Phát triển rừng Trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ nhưng nguồn vốn thực hiện hạn chế; chế tài xử phạt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa đủ mạnh để răn đe; đời sống người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng còn nhiều khó khăn và thiếu đất sản xuất dẫn đến bị các đối tượng dụ dỗ khai thác rừng trái phép;... Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ: (1) Quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chính sách của Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030, nhất là các chính sách về phát triển rừng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ để thúc đẩy người dân trồng rừng; (2) Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo hướng giảm khối lượng để đủ định lượng khởi tố hình sự vụ án, điều tra và xét xử các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

27

Kon Tum

Sâm Ngọc Linh và dược liệu nói chung là tiềm năng lớn của quốc gia, tuy nhiên việc mở rộng diện tích đang gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của Luật Lâm nghiệp nên chưa thể nuôi trồng, phát triển Sâm Ngọc Linh cũng như cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng. Do đó, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương thực hiện thí điểm phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng. Riêng đối với tỉnh Kon Tum đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT Phương án thí điểm phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tỉnh Kon Tum

28

Quảng Trị

Thiên tai trong các tháng cuối năm nay đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, đặc biệt trên 2.000 nhà dân bị hư hỏng và 110.810 lượt nhà dân bị ngập nước; sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, xây dựng, giáo dục, hệ thống điện, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt nông thôn bị ngập nước, hư hỏng nặng, sạt lở bờ sông bờ biển xảy ra nghiêm trọng. Ước giá trị thiệt hại bước đầu hơn 4.250 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp bị thiệt hại hơn 2.900 tỷ đồng; Kính đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành TW quan tâm, hỗ trợ tỉnh để sớm khôi phục sản xuất và đời sống.

29

Lai Châu

Là tỉnh đầu nguồn, rừng của Lai Châu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của vùng hạ lưu. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng hiện nay còn thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn. Để người dân sống bằng nghề rừng, tích cực bảo vệ rừng, coi bảo vệ, phát triển rừng là sinh kế bền vững, tỉnh Lai Châu đề nghị:

Nâng mức hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh không trồng bổ sung từ 3 triệu đồng/ha/6 năm(theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) lên 6 triệu đồng/ha/6 năm (vì hiệu quả của rừng khoanh nuôi cao và bền vững hơn rừng trồng rất nhiều, nếu nâng mức hỗ trợ lên thì việc khoanh nuôi phát triển thành rừng chỉ mất 6 triệu đồng/ha/6 năm, thấp hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư trồng rừng).

Sớm ban hành cơ chế, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, mở thêm hướng sản xuất, tạo thu nhập cho người dân.

30

Lai Châu

Hiện nay, tỉnh Lai Châu còn trên 900 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao phải di dời, do địa hình của tỉnh chia cắt phức tạp, hàng năm mùa mưa lũ thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, giông, lốc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí thêm nguồn lực thực hiện sắp xếp, ổn định, đảm bảo an toàn cho hơn 900 hộ dân này.

31

Lai Châu

Đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025 để tỉnh đầu tư hoàn thiện các tuyến kè bảo vệ, phòng chống sạt lở bờ sông, suối biên giới; đường tuần tra biên giới, nhằm bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an toàn, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

32

Tuyên Quang

Đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ (Đề nghị tăng từ 400.000 đồng/ha/năm lên 1.000.000 đồng/ha/năm). Vì hiện nay mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm là thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân.

33

Tiền Giang

Đối với Dự án Xây dựng cống trên sông Hàm Luông: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn và phục vụ sản xuất cho 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay và những năm tiếp theo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương có liên quan xem xét hỗ trợ tỉnh để thực hiện đầu tư, triển khai dự án.

34

Đồng Tháp

Xem xét việc giảm diện tích trồng lúa cho từng địa phương phù hợp để chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng, thuỷ sản có kinh tế cao hơn nhằm nâng thu nhập cho nông dân (hiện đang khá thấp), đồng thời chủ động ứng phó với những rủi ro, biến động về thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, cạnh tranh thương mại toàn cầu; khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,...); quy hoạch các vùng tích trữ nước ngọt.

35

Đồng Tháp

Trước tình hình sạt lở bờ sông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, việc di dời, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân là rất cấp thiết nhưng nguồn lực của Tỉnh còn hạn chế, do đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng 04 dự án bố trí ổn định dân cư biên giới (để bố trí chỗ ở ổn định cho 1.450 hộ) và 04 dự án vùng thiên tai cấp bách (để bố trí chỗ ở ổn định cho 490 hộ dân) (UBND Tỉnh đã báo cáo Bộ NNPTNT theo yêu cầu tại Báo cáo số 258/BC-UBND ngày 22/09/2020). Đề nghị phân bổ kinh phí hỗ trợ di dân 49,42 tỷ đồng để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh đã hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở trong những năm qua.

Hiện nay, nguy hiểm nhất là sạt lở đoạn sông Sở Thượng tại khu vực xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nằm trong khu vực vành đai biên giới, Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án khắc phục sạt lở chiều dài 650m với kinh phí 76 tỷ đồng (Công văn 420/UBND-ĐTXD ngày 14/12/2020) nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quản lý biên giới, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Trong dài hạn, kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các địa phương di dân do sạt lở bờ sông, nhất là khu vực tiếp giáp biên giới.

36

Bạc Liêu

Tỉnh đã xác định và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để hình thành và phát triển theo 03 Trung tâm, gồm: (i) Là một trong những trung tâm của cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với trọng tâm là Nhà máy Nhiệt điện khí LNG (dự kiến đưa vào vận hành 01 tổ máy 750MW trong năm 2024 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2027) và khoảng 3.000 MW điện gió, điện mặt trời; (ii) Là Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, với trọng tâm là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tạo hạt nhân lan tỏa, phấn đấu xuất khẩu tôm Bạc Liêu đạt 01 tỷ USD trước năm 2023; (iii) Là Trung tâm về du lịch của vùng ĐBSCL Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và chỉ đạo các Bộ, Ngành Trung ương hỗ trợ Bạc Liêu trong định hướng chiến lược phát triển nêu trên.

37

Bạc Liêu

Về đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi tôm vùng phía Nam Quốc lộ 1A của tỉnh: Hiện Tỉnh đang tập trung triển khai Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là vùng phía Nam Quốc lộ 1A bị xâm nhập mặn lớn, độ mặn vào mùa khô rất cao (thông thường lên đến 30- 35 phần ngàn), vượt ngưỡng thích ứng trong sinh trưởng của tôm, nên rất cần một lượng nước ngọt để pha loãng độ mặn này giúp con tôm phát triển tốt nhất (độ mặn thích hợp của tôm trong khoảng 10-25 phần ngàn). Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu, triển khai các giải pháp xử lý vấn đề này, trong đó, cần sớm đầu tư xây dựng 02 cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau để kết hợp với hệ thống cống trên đê biển điều tiết lượng nước mặn, ngọt cho phù hợp.

38

Hà Nam

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định các cơ chế, chính sách, trình tự và trách nhiệm thực hiện nhằm khuyến khích tập trung đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

39

Vĩnh Phúc

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Bộ tiêu chí quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

40

Vĩnh Long

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ đầu tư Dự án liên kết vùng Nạo vét kênh Xẻo Mát - Cái Vồn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp. Quy mô đầu tư: phục vụ cho diện tích tự nhiên của vùng dự án: 49.787 ha và diện tích đất nông nghiệp của vùng dự án: 34.303 ha. Ước tổng mức đầu tư khoảng 592 tỷ đồng.

41

Vĩnh Long

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ đầu tư Dự án liên kết vùng Hệ thống thủy lợi kênh Trà Ngoa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Quy mô đầu tư: phục vụ cho diện tích tự nhiên của vùng dự án: 112.343 ha và diện tích đất nông nghiệp của vùng dự án: 69.565 ha. Ước tổng mức đầu tư khoảng 603 tỷ đồng.

42

Vĩnh Long

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ đầu tư Dự án liên kết vùng nạo vét kênh Cái Cá - Mây Tức tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Quy mô đầu tư: phục vụ cho diện tích tự nhiên của vùng dự án: 87.681 ha và diện tích đất nông nghiệp của vùng dự án: 71.474 ha. Ước tổng mức đầu tư khoảng 888 tỷ đồng.

43

Vĩnh Long

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ đầu tư Dự án liên kết vùng nạo vét, nâng cấp mở rộng kênh La Ghì - Trà Côn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Quy mô đầu tư: Nạo vét kết hợp đắp bờ bao kênh La Ghì - Trà Côn: 26,0km; đầu tư xây dựng 10 cống hở. Ước tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

(UBND tỉnh đã có Công văn số 3093/UBND-TH ngày 14/8/2019 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

46

Vĩnh Long

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ đầu tư Dự án Hoàn thiện đê bao sông Mang thít tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2). Quy mô đầu tư: Nạo vét kết hợp đắp bờ bao 2 tuyến dài khoản 35km, nâng cấp các tuyến đê bao kết hợp đường giao thông khoảng 32km. Ước tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. (UBND tỉnh đã có Tờ trình số 150 /TTr-UBND ngày 08/10/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

47

Vĩnh Long

Các dự án chống sạt lở bờ sông, giảm nhẹ thiên tai; cải thiện năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu

(1) Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Tiền (thượng nguồn cầu Mỹ Thuận), chiều dài tuyến kè khoảng 1,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng.

(2) Dự án Kè bảo vệ bờ sông Vàm Tắc Từ tải, khu vực phường Thành Phước và phường Cái Vồn, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với chiều dài tuyến kè khoảng 3,6km, tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.

(3) Dự án Hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt khu vực các xã cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Quy mô 10 cống hở, ước tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.

(4) Dự án Đê bao dọc sông Cổ Chiên khu vực huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Quy mô đầu tư: Nâng cấp đê bao chiều dài khoảng 19,5km; nạo vét kênh kết hợp đắp bờ bao cấp II chiều dài khoảng 15,3km, đầu tư xây mới 10 cống hở; ước tổng mức đầu tư khoảng 427 tỷ đồng.

48

Lào Cai

Đầu tư công trình bảo vệ cột mốc, bảo vệ bờ sông biên giới, chủ quyền quốc gia: Lào Cai có 131,654 km biên giới sông, suối tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, hiện nay đã đầu tư 30,41 km, đang đầu tư 1,74km; còn 99,504km chưa đầu tư (trong đó có 24 đoạn với chiều dài 50km đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, cấp bách phải đầu tư sớm). Hiện nay phía bên kia biên giới tỉnh Vân Nam đã đầu tư toàn bộ hệ thống kè. Xem xét ưu tiên nguồn lực để đầu tư ngay tuyên kè biên giới sông Hồng khu mốc 97(2), xã Bản Qua, huyện Bát Xát và các đoạn xung yếu khác (trong 02 năm trên 1km bờ sông đã sạt lở sâu vào phía Việt Nam hơn 80m, làm thay đổi dòng chảy theo hướng bất lợi cho biên giới quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ).

49

Lào Cai

3. Về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn: UBND tỉnh Lào Cai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chọn tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm “Chương trình Bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết", ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh (ngoài định mức đã được phân bổ) thực hiện ở mỗi đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh 01 dự án; tổng kinh phí 205 tỷ đồng trong 03 năm, từ 2021-2023, thực hiện hình thức khoán gọn, nhu cầu còn lại tỉnh bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

50

Đắk Nông

Ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên để thực hiện hoàn thành Chương trình bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tự do và Chương trình ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện giai đoạn 2021-2025.

51

Đắk Nông

Chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét:

- Sớm sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.

- Cho phép tỉnh Đắk Nông khi hoàn thiện hồ sơ thuê rừng không thực hiện việc đấu giá rừng; miễn tiền thuê rừng đối với các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên.

- Xem xét, hỗ trợ cho tỉnh khoảng 20 tỷ đồng để thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng đối với 67.000 ha rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tất cả diện tích rừng đều có chủ quản lý theo quy định tại Điều 24, Luật Lâm nghiệp.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 108/VPCP-QHĐP năm 2021 về xử lý kiến nghị của các địa phương về nông nghiệp và nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 108/VPCP-QHĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/01/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản