Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1077/UBND-VP
Tham luận tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ

Hải Dương, ngày 17 tháng 05 năm 2016

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, tỉnh Hải Dương đã tiến hành triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, trong giai đoạn 2010 - 2015.

UBND tỉnh Hải Dương có một số ý kiến tham luận như sau:

I. Về thực trạng sản xuất gạch không nung và kết quả thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh Hải Dương:

1. Thực trạng sản xuất gạch không nung: Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 4 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với các sản phẩm và công suất thiết kế như sau:

- Gạch bê tông xi măng - cốt liệu, công suất thiết kế 111,1 triệu viên QTC/năm.

- Gạch bê tông khí chưng áp AAC công suất thiết kế 248,2 triệu viên QTC/năm.

- Vữa cho bê tông nhẹ công suất thiết kế 60.000 Tấn/năm.

Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp đang triển khai và chuẩn bị triển khai dự án sản xuất VLXKN với tổng công suất thiết kế khoảng 392,8 triệu viên QTC/năm.

Trên địa bàn tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã đều có các hộ gia đình sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu quy mô nhỏ, sản lượng từ 100.000 đến 500.000 viên QTC/năm; tập trung nhiều tại các huyện có nguồn nguyên liệu hoặc thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu, như: Kinh Môn, Chí Linh, Kim Thành, Tứ Kỳ. Sản phẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu tại chỗ, xây bờ kè, tường quây, nhà cấp 4.

2. Kết quả thực hiện chương trình:

a) Về công tác triển khai Quy định pháp luật:

Triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 21-5-2014 về việc tăng cường sử dụng gạch không nung và hạn chế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 21-5-2014 của UBND tỉnh Hải Dương, đối với người quyết định đầu tư và chủ đầu tư các dự án xây dựng khi lập dự án đầu tư xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công, lập hồ sơ mời thầu thi công phải chú ý việc ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung như sau:

Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình:

+ Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% vật liệu xây không nung năm 2014, từ năm 2015 trở đi phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung;

+ Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung kể từ năm 2014 đến hết năm 2015, từ năm 2016 phải sử dụng 100% gạch không nung;

- Các công trình xây dựng 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 phải sử dụng tối thiểu 30%, sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây);

- Khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt khu vực đô thị, không phân biệt số tầng;

- Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại vật liệu xây không nung phù hợp với từng loại kết cấu theo các tiêu chuẩn về vật liệu xây không nung;

- Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ quy định của thiết kế về sử dụng vật liệu xây không nung và các tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật về thi công, nghiệm thu vật liệu xây không nung;

- Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng thiết kế được phê duyệt;

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo yêu cầu bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng quy định.

UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và đang tích cực chỉ đạo lập Chương trình phát triển vật liệu xây không nung giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

b) Tình hình thực tiễn:

Ngay từ khi Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND ngày 21-5-2014 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tăng cường sử dụng gạch không nung và hạn chế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hiệu lực, đối với các công trình khi thẩm định đều yêu cầu bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung với tỉ lệ theo quy định tại Chỉ thị. Đến thời điểm hiện tại, các công trình đầu tư bằng vốn Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đều sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng lộ trình trong Chỉ thị.

II. Kinh nghiệm và bài học trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch

UBND tỉnh Hải Dương đó quan tâm rất sớm đến việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Ngày 15-3-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND về việc phê duyệt lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch sét nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015, trong đó “Đình chỉ hoạt động và yêu cầu tháo dỡ các cơ sở sản xuất gạch liên tục kiểu đứng và lò thủ công xử lý khí thải đối với các lò trên địa bàn các phường của thành phố Hải Dương và thị xã Chí Linh; các lò cạnh khu dân cư nhỏ hơn 200m; các lò gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở, cảnh báo nhiều lần hoặc nhân dân tố cáo phản đối tập thể nhiều lần trước ngày 30-6-2011. Cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng còn lại hoạt động đến hết ngày 31-12-2015; các lò thủ công xử lý khí thải hoạt động đến hết ngày 31-12-2012;

Đối với các lò thủ công có xử lý khí thải bằng nước vôi đủ điều kiện chuyển đổi công nghệ xử lý khí thải được UBND tỉnh phê duyệt phải tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất theo yêu cầu và chấm dứt hoạt động đến hết ngày 31-12-2015. Trường hợp các lò không đủ điều kiện hay không thực hiện chuyển đổi công nghệ đến hết ngày 31-12-2012 phải chấm dứt hoạt động.

Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Hải Dương thường xuyên chỉ đạo các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và Công nghệ phải theo dõi, giám sát và có những đề xuất hợp lý trong từng giai đoạn để thực hiện lộ trình được phê duyệt.

Ngày 08-01-2016, UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 71/QĐ-UBND về việc thành lập 02 Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc thực hiện chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công trên địa bàn Tỉnh. Đoàn đã làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực hiện Quyết định số 661/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn. Trao đổi làm rõ các nội dung trong công tác chỉ đạo chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công và thực tế triển khai của các địa phương, các cơ sở sản xuất; kiểm kê số lò gạch thủ công còn tồn tại trên địa bàn. Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng tổng hợp và đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

III. Những đề xuất để tăng cường phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung

1. Những khó khăn trong sử dụng vật liệu xây không nung:

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay tình hình triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn còn nhiều bất cập, vật liệu xây không nung chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân sau:

- Thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng, giá thành sản phẩm gạch không nung cao so với gạch đất sét nung; đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm vật liệu xây không nung còn thiếu; các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển vật liệu xây không nung; các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách.

- Tình hình kinh tế khó khăn nên các sản phẩm vật liệu xây dựng tiêu thụ chậm, thậm chí một số sản phẩm không tiêu thụ được;

- Việc huy động vốn để sản xuất, đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại đồng bộ gặp nhiều khó khăn.

2. Những đề xuất, giải pháp:

Để đạt mục tiêu chương trình đã đề ra, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

a) Nhóm giải pháp về thực hiện cơ chế chính sách:

Áp dụng các chính sách của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Hoạt động phát triển sản xuất GXKN được hưởng các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính theo Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12-12-2008 của Bộ Tài chính với một số điểm chính như sau:

- Thuế nhập khẩu:

+ Trang thiết bị nhập khẩu để hình thành tài sản cố định của cơ sở xử lý chất thải rắn được miễn thuế nhập khẩu.

+ Nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của cơ sở xử lý chất thải rắn được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi cơ sở xử lý chất thải rắn bắt đầu hoạt động.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động phát triển GXKN kể từ ngày 01-01-2009 thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03-6-2008 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

- Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất GXKN hoặc chế tạo thiết bị cho sản xuất GXKN được xếp vào mục 3, Điều 9 Luật Chuyển giao Công nghệ số 80/2006/QH ngày 29-11-2006 và được hưởng các ưu đãi của Điều 39 Luật này.

- Các quy định và khuyến khích sử dụng GXKN: Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTG ngày 16-4-2012 của Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng gạch xây không nung trong các công trình xây dựng.

- Chi tiết và cụ thể hóa về cơ chế, chính sách.

- Phân loại đô thị, công trình phải sử dụng GXKN.

- Ban hành chế tài và thực hiện quy định như:

+ Thưởng, phạt các chủ đầu tư tuân thủ, không tuân thủ đúng quy định về sử dụng GXKN.

+ Thưởng, phạt các doanh nghiệp sử dụng và phát thải phế thải công nghiệp.

+ Dừng hoạt động các lò nung gạch thủ công.

+ Quy định và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất làm gạch đất sét nung...

b) Nhóm các giải pháp về khoa học kỹ thuật:

- Nghiên cứu về công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Nghiên cứu chế tạo thiết bị, hạn chế tối đa phần nhập khẩu.

- Tổ chức các hội thảo, tập huấn về hướng dẫn sản xuất và sử dụng.

c) Nhóm các giải pháp về thông tin, truyền thông:

Công tác thông tin, truyền thông có ý nghĩa đặc biệt, tác động nhiều đến sự thành công của Chương trình, do đó cần được quan tâm.

Thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó chú ý truyền thông đại chúng bằng các phương tiện báo, đài, truyền hình... về các nội dung:

- Sự cần thiết và cấp bách của Chương trình phát triển GXKN: Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng nguồn phế thải, giảm thiểu ô nhiễm và đem lại lợi ích.

- Ưu điểm của việc sản xuất và sử dụng GXKN.

- Triển khai cụ thể, chi tiết cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ trong việc bắt buộc, khuyến khích, hướng dẫn sản xuất và sử dụng GXKN... tại các văn bản của các Bộ, ngành có liên quan như: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thuế...

d) Nhóm, giải pháp về đầu tư:

- Đa dạng hơn các hình thức đầu tư.

- Tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thuê đất cho đầu tư, sản xuất và sử dụng GXKN.

e) Nhóm giải pháp về đào tạo:

- Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về ích lợi của sử dụng vật liệu xây không nung và phương pháp sử dụng từng loại trong các công trình.

- Đào tạo về công nghệ sản xuất sản phẩm, sử dụng vật liệu thi công phù hợp và kỹ thuật thi công công trình sử dụng VLXKN.

Trên đây là một số nội dung tham luận, UBND tỉnh Hải Dương báo cáo để Bộ Xây dựng tổng hợp làm cơ sở kiểm điểm, đánh giá công tác triển khai Chương trình sau 5 năm thực hiện nhằm hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình tốt hơn, đạt hiệu quả cao cho giai đoạn 2016-2020./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh (Vũ Đức Chén);
- Lưu VT, Trọng Hải (12b)

KT. CH TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Anh Cương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1077/UBND-VP năm 2016 về tham luận tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 1077/UBND-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Anh Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản