Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2017/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2017 |
QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP BẮT BUỘC
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn thi hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 37/2016/NĐ-CP).
1. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
b) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
c) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
d) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
e) Người làm việc theo hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
g) Người lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ thuộc các đối tượng quy định tại điểm c, d và đ khoản này.
2. Người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế.
3. Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
5. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì thực hiện theo quy định tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội.
Các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này sau đây gọi tắt là người lao động.
CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Điều 3. Tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này mà được cử đi học tập, thực tập, công tác trong nước và nước ngoài có hưởng tiền lương hoặc nghỉ việc do bị ngừng việc, chờ việc có hưởng tiền lương thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, ngừng việc, chờ việc.
2. Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau thời gian đóng bảo hiểm gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng đó.
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động được người sử dụng lao động nơi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội vào các quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Điều 4. Thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
2. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
d) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
4. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này khi bị tạm giam, bị tạm đình chỉ công tác mà phải tạm dừng tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu sau đó được đóng bù theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì thời gian đóng bù được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
6. Tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
a) Đối với trường hợp bị tai nạn lao động là tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động;
b) Đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp là tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng làm công việc mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp.
Một năm tính đủ 12 tháng.
Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trùng nhau của các hợp đồng lao động chỉ được tính một lần.
Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở.
1. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính như sau:
Mức trợ cấp một lần | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp |
| = | {5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} | + | {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L} |
Trong đó:
- Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
- L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư này.
- t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư này.
Ví dụ 1: Ông A là công chức bị tai nạn lao động ngày 16 tháng 6 năm 2017. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ra viện ngày 05 tháng 7 năm 2017. Ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông A có 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 5 năm 2017 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với hệ số là 3,66. Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 7 năm 2017 là 1.300.000 đồng, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với ông A được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.300.000 + (20 - 5) x 0,5 x 1.300.000 = 16.250.000 (đồng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,5 x 3,66 x 1.300.000 + (10 - 1) x 0,3 x 3,66 x 1.300.000 = 15.225.600 (đồng).
- Mức trợ cấp một lần của ông A là:
16.250.000 + 15.225.600 = 31.475.600 (đồng)
Ví dụ 2: Ông B bị tai nạn lao động ngày 12 tháng 5 năm 2017. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ra viện ngày 10 tháng 8 năm 2017. Ông B được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%.
Ông B bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 01 năm 2016 thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có 01 năm 4 tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 4 năm 2017 với hệ số là 2,34; Với mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng tại thời điểm tháng 8 năm 2017, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với ông B được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.300.000 + (20 - 5) x 0,5 x 1.300.000 = 16.250.000 (đồng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5 x 2.831.400 = 1.415.700 (đồng)
(mức đóng bảo hiểm xã hội tháng 4 năm 2017 của ông B là: 2,34 x 1.210.000 = 2.831.400 đồng)
- Mức trợ cấp một lần của ông B là:
16.250.000 + 1.415.700 = 17.665.700 (đồng)
Ví dụ 3: Ông Đ bị tai nạn lao động tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông Đ được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông Đ có 14 năm đóng bảo hiểm xã hội (trong đó có 01 năm đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ, 02 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hai chế độ hưu trí, tử tuất và 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 3.200.000 đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng.
Ông Đ thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.210.000+ (20- 5) x 0,5 x 1.210.000 = 15.125.000 (đồng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,5 x 3.200.000 + (10 - 1) x 0,3 x 3.200.000 = 10.240.000 (đồng)
- Mức trợ cấp một lần của ông Đ là:
15.125.000 + 10.240.000 = 25.365.000 (đồng).
Ví dụ 4: Ông B tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X từ tháng 9 năm 2016 và bị tai nạn lao động vào ngày 16 tháng 9 năm 2016. Sau khi thương tật ổn định và được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động 20%, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9 năm 2016 là 3.200.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông B thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1.210.000+ (20-5) x 0,5 x 1.210.000 = 15.125.000 (đồng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5 x 3.200.000 = 1.600.000 (đồng)
- Mức trợ cấp một lần của ông B là:
15.125.000 + 1.600.000 = 16.725.000 (đồng)
2. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng quy định tại Khoản 2 Điều 49 của Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính như sau:
Mức trợ cấp hằng tháng | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
Trong đó:
{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}
- Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
- L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư này.
- t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư này.
Ví dụ 5: Ông E trên đường đi họp bị tai nạn giao thông vào tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật ông E được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 40%.
Ông E có 12 năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 3.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông E thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.210.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,005 x 3.400.000 + (12 - 1) x 0,003 x 3.400.000 = 129.200 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hằng tháng của ông E là:
580.800 đồng/tháng + 129.200 đồng/tháng = 710.000 (đồng/tháng).
Ví dụ 6: Ông M tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X từ tháng 9 năm 2016 và bị tai nạn lao động vào ngày 05 tháng 9 năm 2016. Sau khi thương tật ổn định và được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động 40%, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9 năm 2016 là 3.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông M thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.210.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,005 x 3.400.000 = 17.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hằng tháng của ông E là:
580.800 đồng/tháng + 17.000 đồng/tháng = 597.800 (đồng/tháng)
Ví dụ 7: Ông Q có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2017 với mức lương là 17.000.000 đồng/tháng. Có thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp Z từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018 và với mức lương là 5.000.000 đồng/tháng.
Ngày 09 tháng 01 năm 2017 ông Q bị tai nạn lao động. Như vậy, Doanh nghiệp Z vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 01 năm 2017 đối với ông Q và thời gian, tiền lương làm căn cứ để tính khoản trợ cấp tai nạn lao động theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với ông Q như sau:
- Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động của ông Q chỉ được tính từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016.
- Tiền lương làm căn cứ tính hưởng trợ cấp theo thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của ông Q được xác định:
+ Là tổng tiền lương của tháng 12 năm 2016 tại Doanh nghiệp X và tiền lương của tháng 01 năm 2017 tại Doanh nghiệp Z nếu ông Q bị tại nạn lao động tại doanh nghiệp Z;
+ Là tiền lương của tháng 12/2016 tại Doanh nghiệp X nếu ông Q bị tai nạn lao động tại Doanh nghiệp X.
Ví dụ 8: Ông A giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X. Đồng thời, Ông A có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Y. Tháng 8 năm 2016, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì Ông A bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Ông A có 12 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng bắt đầu hưởng trợ cấp tai nạn lao động là 1.210.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.210.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 + (12 - 1) x 0,003 x 13.400.000 = 509.200 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp hàng tháng là 580.800 + 509.200 = 1.090.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Ví dụ 9: Tháng 8 năm 2016, ông A đồng thời có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y. Ngày 20 tháng 8 năm 2016, trên đường đi hội nghị theo sự phân công của người sử dụng lao động doanh nghiệp X thì ông A bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Tổng mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X và Doanh nghiệp Y là 13.400.000 đồng. Giả sử mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng. Ông A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 0,3 x 1.210.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.210.000 = 580.800 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 0,005 x 13.400.000 = 67.000 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp hàng tháng là 580.800 đồng/tháng + 67.000 đồng/tháng = 647.800 đồng/tháng.
Doanh nghiệp X có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho ông A.
Ví dụ 10: Bà A đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng với mức trợ cấp tại thời điểm tháng 12 năm 2016 là 2.000.000 đồng. Tháng 01 năm 2017 bà A ra nước ngoài định cư, bà A được hưởng mức trợ cấp một lần bằng: 3 x 2.000.000 đồng = 6.000.000 đồng.
4. Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng mức hưởng của người lao động bị bệnh nghề nghiệp do suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% không phải qua giám định y khoa.
Trường hợp giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn thì mức hưởng được tính theo mức suy giảm khả năng lao động tại kết luận của Hội đồng Giám định y khoa và hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa.
1. Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2007:
a) Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2007:
- Trường hợp sau khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động dưới 31% thì được hưởng mức trợ cấp một lần theo quy định sau:
Mức suy giảm khả năng lao động trước khi giám định lại | Mức suy giảm khả năng lao động sau khi giám định lại | Mức trợ cấp một lần |
Từ 5% đến 10% | Từ 10% trở xuống | Không hưởng khoản trợ cấp mới |
Từ 11% đến 20% | 4 tháng lương cơ sở | |
Từ 21% đến 30% | 8 tháng lương cơ sở | |
Từ 11% đến 20% | Từ 20% trở xuống | Không hưởng khoản trợ cấp mới |
Từ 21% đến 30% | 4 tháng lương cơ sở | |
Từ 21% đến 30% | Từ 30% trở xuống | Không hưởng khoản trợ cấp mới |
- Trường hợp sau khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Mức hưởng theo quy định tại điểm b khoản này.
Ví dụ 11: Ông B bị tai nạn lao động tháng 10/2006 với mức suy giảm khả năng lao động là 21%, đã nhận trợ cấp một lần là 5.400.000 đồng. Tháng 3/2017, do thương tật tái phát ông B được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 45%. Ông B có mức suy giảm khả năng lao động thuộc nhóm 2, được hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng 0,6 mức lương cơ sở.
Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp hàng tháng của ông B là: 0,6 x 1.210.000 = 720.000 (đồng/tháng).
b) Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2007, sau khi giám định lại thì căn cứ vào kết quả giám định lại mức suy giảm khả năng lao động, được hưởng mức trợ cấp hằng tháng theo quy định sau:
Mức suy giảm khả năng lao động | Mức trợ cấp hàng tháng |
Nhóm 1: Từ 31% đến 40% | 0,4 tháng lương cơ sở |
Nhóm 2: Từ 41% đến 50% | 0,6 tháng lương cơ sở |
Nhóm 3: Từ 51% đến 60% | 0,8 tháng lương cơ sở |
Nhóm 4: Từ 61% đến 70% | 1,0 tháng lương cơ sở |
Nhóm 5: Từ 71% đến 80% | 1,2 tháng lương cơ sở |
Nhóm 6: Từ 81% đến 90% | 1,4 tháng lương cơ sở |
Nhóm 7: Từ 91% đến 100% | 1,6 tháng lương cơ sở |
2. Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần từ ngày 01 tháng 01 năm 2007:
a) Sau khi giám định lại, có mức suy giảm khả năng lao động tăng so với trước đó và dưới 31% thì hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính bằng hiệu số giữa mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới với mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động trước đó.
Ví dụ 12: Ông C bị tai nạn lao động tháng 8/2013 với mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Tháng 10/2016, do thương tật tái phát ông C được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 30%. Mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Ông C được hưởng mức trợ cấp một lần như sau:
{5 x Lmin + (30 - 5) x 0,5 x Lmin} - {5 x Lmin + (20 - 5) x 0,5 x Lmin} =
= (5 x Lmin + 12,5 x Lmin) - (5 x Lmin + 7,5 x Lmin) = 5 x Lmin =
= 5 x 1.210.000 đồng = 6.050.000 đồng
Trong đó:
- Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
b) Sau khi giám định lại, có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động được tính trên mức suy giảm khả năng lao động mới; mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính với số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đã tính hưởng trợ cấp một lần trước đó.
Ví dụ 13: Ông P bị tai nạn lao động tháng 8/2016 với mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Tính đến trước tháng bị tai nạn lao động, ông P có 10 năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động là 3.500.000 đồng. Do thương tật tái phát, tháng 10/2018, ông P được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 32%. Giả sử mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.300.000 đồng/tháng. Ông P được hưởng mức trợ cấp hằng tháng tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp hàng tháng | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH |
| = | {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} | + | {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L} |
Trong đó:
- Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
- L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư này.
- t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư này.
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới là:
0,3 x Lmin + (32 - 31) x 0,02 x Lmin = 0,3 x Lmin + 0,02 x Lmin = 0,32 x Lmin
= 0,32 x 1.300.000 = 416.000 đồng
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội là:
0,005 x L + (10 - 1) x 0,003 x L = 0,005 x L + 0,027 x L = 0,032 x L
= 0,032 x 3.500.000 = 112.000 đồng
- Mức trợ cấp hằng tháng của ông P là:
416.000 đồng + 112.000 đồng = 528.000 đồng
3. Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi, khi giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động thay đổi thì mức trợ cấp hằng tháng mới được tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này, trong đó mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động được tính trên mức suy giảm khả năng lao động mới. Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội là mức hiện hưởng.
Ví dụ 14: Ông D bị tai nạn lao động tháng 9/2016 với mức suy giảm khả năng lao động là 40%, được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng, trong đó mức trợ cấp tính theo số năm tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện hưởng là 112.000 đồng/tháng. Do thương tật tái phát, tháng 11/2018, ông D được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 45%. Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.300.000 đồng/tháng.
Ông D được hưởng mức trợ cấp hàng tháng tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp hàng tháng | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH |
Trong đó:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới là:
0,3 x 1.300.000+ (45-31) x 0,02 x 1.300.000= 754.000 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là mức hiện hưởng bằng 112.000 đồng/tháng.
- Mức trợ cấp hàng tháng mới của ông D là:
754.000 đồng + 112.000 đồng = 866.000 đồng
4. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà mức suy giảm khả năng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà thương tật, bệnh tật tái phát sau khi giám định mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì mức trợ cấp tính theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5.
5. Mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được tính theo mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng Giám định y khoa.
6. Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định lại sau khi thương tật, bệnh tật tái phát, gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp; bản sao hợp lệ (là bản sao được chứng thực sao từ sổ gốc hoặc sao từ bản chính hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính) hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc kết quả đo đạc môi trường có yếu độc hại đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội.
d) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng Giám định y khoa đối với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.
đ) Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng giám định y khoa.
e) Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).
1. Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hằng tháng mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới thì tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định tổng hợp để giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó:
a) Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới được tính theo mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa hoặc tại tháng được cấp giấy xác nhận nhiễm HIV/AIDS.
b) Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định tổng hợp được tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng và mức tiền lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư này của lần bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp sau cùng.
Ví dụ 15: Bà K có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến tháng 10 năm 2017 với mức lương là 15.000.000 đồng/tháng. Ngày 09/7/2016 bà K bị tai nạn lao động, được hội đồng giám định y khoa giám định mức suy giảm khả năng lao động là 20%, bà K đã được hưởng chế độ tai nạn lao động một lần. Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017 bà K có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Z với mức lương là 4.000.000 đồng/tháng. Ngày 21/3/2017, Bà K tiếp tục bị tai nạn lao động và được hội đồng giám định y khoa giám định mức suy giảm khả năng lao động tổng hợp là 27%.
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động khi được giám định tổng hợp:
5 x 1.210.000 + (27- 5) x 0,5 x 1.210.000 = 19.360.000 đồng
- Mức trợ cấp tính theo thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
+ Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là: từ tháng 01/2015 đến tháng 02/2017 và từ tháng 01/2017 đến tháng 02 năm 2017 bằng 28 tháng. Do thời gian tham gia trùng từ tháng 1/2017 đến tháng 2/2017, nên thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là 26 tháng bằng 2 năm 2 tháng
+ Mức lương tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là: 15.000.000 đồng + 4.000.000 đồng = 19.000.000 đồng
+ Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng:
0,5 x 19.000.000 + (2-1) x 0,3 x 19.000.000 = 15.200.000 đồng
- Mức trợ cấp tai nạn lao động mới là:
19.360.000 đồng + 15.200.000 đồng = 34.560.000 đồng
Ví dụ 16: Ông G bị tai nạn lao động tháng 8/2016 với mức suy giảm khả năng lao động là 40%. Tháng 10/2016 ông G lại bị tai nạn lao động, được điều trị tại bệnh viện. Sau khi điều trị ổn định, tháng 11/2016 ông G ra viện và tháng 12/2016 ông được giám định tổng hợp tại Hội đồng giám định y khoa với mức suy giảm khả năng lao động sau khi giám định tổng hợp là 45%. Tính đến tháng 9/2016, ông G có 13 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 9/2016 là 3.680.000 đồng. Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng Giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Trợ cấp hằng tháng của ông G được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động sau khi được giám định tổng hợp:
0,3 x 1.210.000 + (45 - 31) x 0,02 x 1.210.000 = 701.800 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
0,005 x 3.680.000 + (13 - 1) x 0,003 x 3.680.000 = 150.880 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hàng tháng mới của ông G là:
701.800 đồng/tháng + 150.880 đồng/tháng = 852.680 (đồng/tháng)
Ví dụ 17: Ông A có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015 với mức lương là 20.000.000 đồng/tháng. Ngày 01/3/2014 ông bị tai nạn lao động, được hội đồng giám định y khoa giám định tỷ lệ thương tật là 45%, được hưởng chế độ tai nạn lao động hàng tháng. Từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2016 ông A có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp Y với mức lương 24.200.000 đồng/tháng. Đồng thời, ông A có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Z từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016 với mức lương là 3.000.000 đồng/tháng.
Ngày 01/12/2016, ông A bị tai nạn lao động, được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật là 58%. Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng của ông A được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động khi được giám định tổng hợp:
0,3 x 1.210.000 + (58-31) x 0,02 x 1.210.000= 1.016.400 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
+ Mức lương tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là:
24.200.000 + 3.000.000 = 27.200.000 (đồng) lớn hơn 20 lần lương cơ sở nên chỉ được tính bằng 20 lần lương cơ sở = 24.200.000 đồng.
+ Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là: 34 tháng (từ tháng 01/2013 đến tháng 10/2015) + 11 tháng (từ tháng 01/2016 đến tháng 11 năm 2016) = 45 tháng = 3 năm 09 tháng
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng:
0.005 x 24.200.000 + (3-1) x 0.003 x 24.200.000 = 266.200 đồng
- Mức trợ cấp tai nạn lao động mới là:
1.016.400 + 266.200 = 1.282.600 (đồng/tháng)
2. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở nhiều hợp đồng lao động, sau đó tiếp tục bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số lượng hợp đồng lao động ít hơn số lượng hợp đồng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần trước mà mức trợ cấp theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi tính theo Khoản 1 Điều này thấp hơn mức hiện hưởng thì giữ nguyên mức hiện hưởng.
Ví dụ 18: Trường hợp ông A nêu tại ví dụ 17, giả sử hợp đồng của Ông A với Doanh nghiệp Z từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 đến tháng 12 năm 2018 với mức lương là 3.000.000 đồng/tháng.
Ngày 01/3/2018, ông A tiếp tục bị tai nạn lao động, được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật là 70%. Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng của ông A được tính như sau:
- Mức trợ cấp hiện hưởng của Ông A là: 1.282.600 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động khi được giám định tổng hợp:
0,3 x 1.210.000 + (70-31) x 0,02 x 1.210.000= 1.306.800 (đồng/tháng)
- Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là: 34 tháng (từ tháng 01/2013 đến tháng 10/2015) + 26 tháng (từ tháng 01/2016 đến tháng 02 năm 2018) = 60 tháng = 5 năm
+ Mức lương tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động là: 3.000.000 (đồng).
+ Thời gian tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động mới là: 5 năm.
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng:
0.005 x 3.000.000 + (5 - 1) x 0.003 x 3.000.000 = 51.000 đồng
Như vậy mức trợ cấp mới tính theo số năm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức đang hưởng, nên giữ nguyên như mức hiện hưởng là 266.200 đồng
- Mức trợ cấp tai nạn lao động mới là:
1.306.800 + 266.200 = 1.573.000 (đồng)
3. Thời điểm hưởng trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú hoặc trong trường hợp không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện.
4. Hồ sơ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định tổng hợp do tiếp tục bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội; Bản sao hợp lệ (là bản sao được chứng thực sao từ sổ gốc hoặc sao từ bản chính hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính) hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của lần điều trị nội trú sau cùng.
c) Biên bản điều tra tai nạn lao động; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
d) Kết quả đo đạc môi trường có yếu độc hại đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
đ) Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước đã được giám định mức suy giảm khả năng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của lần giám định đó.
e) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu đối với lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng; trường hợp lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước đó nhưng chưa được giải quyết chế độ thì có thêm văn bản đề nghị giải quyết của đơn vị nơi đã xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước.
g) Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).
Điều 8. Quy định về cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và niên hạn cấp.
1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì tùy theo tình trạng thương tật, bệnh tật được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên (gọi tắt là cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng).
2. Loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và niên hạn
a) Tay giả;
b) Máng nhựa tay;
c) Chân giả;
d) Máng nhựa chân;
đ) Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình;
e) Nẹp đùi, nẹp cẳng chân;
g) Áo chỉnh hình;
h) Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc;
i) Nạng;
k) Máy trợ thính;
l) Lắp mắt giả;
m) Làm răng giả theo số răng bị mất; lắp hàm giả do hỏng hàm;
n) Mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với trường hợp bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động.
Trường hợp vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn chỉ được cấp một lần tiền để mua các đồ dùng sinh hoạt;
o) Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng của mỗi phương tiện là 06 năm.
3. Mức tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện), niên hạn cấp theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần.
Điều 9. Cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
1. Người được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này về việc sử dụng phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội
a) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, ra quyết định cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm theo toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đề nghị.
1. Trường hợp người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc mà còn trong thời gian bảo đảm, người lao động gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế.
2. Trường hợp người lao động chuyển việc khác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà còn trong thời gian bảo đảm, người lao động gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động.
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh nghề nghiệp cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.
3. Sau khi hoàn thiện hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp, người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc đề nghị đơn vị nơi người lao động đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu.
4. Sau khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì gửi hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo mẫu quy định tại Khoản 4, Điều 58 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
5. Thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Ví dụ 19: Ông T có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp H với công việc là công nhân khai thác đá thủ công từ tháng 01 năm 1990 đến tháng 6 năm 2016; từ tháng 7 năm 2016 chuyển sang làm việc công việc văn phòng. Ông T bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp do ảnh hưởng của điều kiện lao động khi làm công nhân khai thác đá thủ công. Tháng 7 năm 2017, ông T được Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động 20% do bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
Như vậy, tiền lương tháng làm căn cứ tính khoản phụ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp của ông T được xác định là tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm tại tháng 6 năm 2016; thời điểm hưởng trợ cấp kể từ tháng 7 năm 2017.
Các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động và một số trường hợp cá biệt quy định tại Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động về, như sau:
1. Đối với trường hợp người lao động sau khi về hưu mới đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động thì người sử dụng lao động nơi người bị tai nạn lao động lập thủ tục hồ sơ theo quy định chuyển cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi chi trả lương hưu và trong trường hợp này hồ sơ không gồm sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp đơn vị đang làm thủ tục giải thể thì Hội đồng giải thể có trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ; nếu đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ.
2. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho người lao động khi chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác mà được xác định là tai nạn lao động, thì đơn vị nơi người lao động đến làm việc được xác định là đơn vị nơi người lao động bị tai nạn lao động và người sử dụng lao động của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.
4. Tai nạn do các yếu tố bệnh lý trong quá trình lao động thì căn cứ kết quả điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động sau khi được thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt để giải quyết chế độ cho người lao động.
5. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian không đăng ký đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi đối với người lao động theo Khoản 4 Điều 39 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
6. Các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động
a) Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
c) Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất hoặc chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
HỖ TRỢ TỪ QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Điều 12. Kế hoạch tài chính, quản lý, sử dụng và quyết toán
1. Hằng năm, căn cứ dự toán thu quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo không vượt quá 10% nguồn thu quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân lập kế hoạch các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân đảm bảo không vượt quá 10% nguồn thu quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp thuộc quản lý của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
3. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện trong năm.
Điều 13. Xác định đối tượng và kế hoạch hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Trình tự phê duyệt đối tượng, kế hoạch hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP được thực hiện cụ thể như sau:
1. Trước ngày 10 tháng 6 hàng năm, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho năm tiếp theo, có văn bản (Mẫu số II-01 Phụ lục II) kèm theo danh sách các đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện (Mẫu số II - 02 Phụ lục II) gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để xem xét.
2. Trước ngày 20 tháng 6 hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp đề xuất của doanh nghiệp, lựa chọn đúng đối tượng theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương và lập bảng tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của năm tiếp theo gửi về Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Mẫu số II-03 Phụ lục II).
3. Cục An toàn lao động chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của các địa phương. Sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được quyết định giao dự toán thu, chi của Thủ tướng Chính phủ, Cục An toàn lao động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở dự toán chi quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giao năm kế hoạch, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phân bổ kinh phí cho các địa phương để hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong các ngành, lĩnh vực, khu vực cần ưu tiên hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp giao dự toán cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Điều 14. Triển khai huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Căn cứ phê duyệt kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực, khu vực cần ưu tiên hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Căn cứ vào đối tượng được ưu tiên hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và khả năng của doanh nghiệp hoặc các tổ chức dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, người lao động có thể tham gia lớp huấn luyện do doanh nghiệp tổ chức hoặc được người sử dụng lao động cử tham dự lớp huấn luyện tập trung để bảo đảm tiết kiệm và phù hợp với khả năng triển khai của địa phương.
3. Kế hoạch hỗ trợ sẽ được thông báo đến doanh nghiệp được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh (theo mẫu số II - 04 Phụ lục II).
4. Trong trường hợp các đối tượng ở từng doanh nghiệp không bảo đảm số lượng tổ chức lớp huấn luyện riêng thì doanh nghiệp có thể đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương đề cử người tham dự các lớp huấn luyện ghép với những người cùng nhóm đối tượng huấn luyện của các doanh nghiệp khác.
Căn cứ vào số lượng người lao động được các doanh nghiệp đăng ký huấn luyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định lựa chọn các tổ chức dịch vụ đủ điều kiện theo quy định để tổ chức lớp huấn luyện với sự tham gia của những người cùng một đối tượng huấn luyện đến từ nhiều doanh nghiệp.
Quy mô lớp huấn luyện, nội dung, chương trình và các điều kiện huấn luyện khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.
Điều 15. Mẫu văn bản đề nghị hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo Mẫu III-01, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức và kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp hoặc người lao động theo Mẫu IV- 01 Phụ lục IV. Nếu không đồng ý thì phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp hoặc người lao động và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp doanh nghiệp tự tổ chức huấn luyện, thì doanh nghiệp lập 02 bộ hồ sơ, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp để theo dõi và gửi 01 bộ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, phê duyệt. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo Mẫu III-01, Phụ lục III, ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bảng tổng hợp chi phí tổ chức huấn luyện kèm theo bản sao các chứng từ hợp lệ trong trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện tự huấn luyện, hoặc bản sao hợp đồng, thanh lý hợp đồng huấn luyện và hóa đơn tài chính trong trường hợp doanh nghiệp thuê Tổ chức huấn luyện đủ điều kiện thực hiện.
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và căn cứ giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để quyết định hỗ trợ kinh phí huấn luyện cho doanh nghiệp theo Mẫu IV- 01 Phụ lục IV và Mẫu IV- 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Căn cứ quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Điều 16. Nội dung thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Các chế độ, chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Điều kiện, quy trình, thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Quy định của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Điều 17. Nội dung thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Thực hiện giải quyết các thủ tục về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp; quản lý các đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng chính sách về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạo lập chứng từ điện tử.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đóng, giải quyết và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để quản lý đối tượng tham gia, thụ hưởng.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2017.
2. Các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
3. Đối tượng quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 2 được áp dụng quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện và đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết vướng mắc, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ghi, xác nhận quá trình đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc trên sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với một hoặc nhiều người sử dụng lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định và có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.
3. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có trách nhiệm giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động đang công tác trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời nghiên cứu giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
MỨC TIỀN CẤP MUA PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, VẬT PHẨM PHỤ VÀ VẬT DỤNG KHÁC
(Kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Số TT | Tên sản phẩm/nhóm sản phẩm | Niên hạn cấp | Mức cấp (đồng) |
1 | Tay giả tháo khớp vai | 03 năm | 2.800.000 |
2 | Tay giả trên khuỷu | 03 năm | 2.600.000 |
3 | Tay giả dưới khuỷu | 03 năm | 2.000.000 |
4 | Chân tháo khớp hông | 03 năm | 4.800.000 |
5 | Chân giả trên gối | 03 năm | 2.200.000 |
6 | Nhóm chân giả tháo khớp gối | 03 năm | 2.800.000 |
7 | Chân giả dưới gối có bao da đùi | 03 năm | 1.800.000 |
8 | Chân giả dưới gối có dây đeo số 8 | 03 năm | 1.600.000 |
9 | Chân giả tháo khớp cổ chân | 03 năm | 1.750.000 |
10 | Nhóm nẹp Ụ ngồi-Đai hông | 03 năm | 2.500.000 |
11 | Nẹp đùi | 03 năm | 950.000 |
12 | Nẹp cẳng chân | 03 năm | 800.000 |
13 | Nhóm máng nhựa chân và tay | 05 năm | 3.000.000 |
14 | Giầy chỉnh hình | 01 năm | 1.300.000 |
15 | Dép chỉnh hình | 01 năm | 750.000 |
16 | Áo chỉnh hình | 05 năm | 1.980.000 |
17 | Xe lắc tay | 04 năm | 4.100.000 |
18 | Xe lăn tay | 04 năm | 2.250.000 |
19 | Nạng cho người bị cứng khớp gối | 02 năm | 500.000 |
20 | Máy trợ thính | 02 năm | 1.000.000 |
21 | Răng giả | 05 năm | 1.000.000/chiếc |
22 | Hàm giả (chỉ cấp một lần duy nhất) |
| 4.000.000 |
23 | Mắt giả (chỉ cấp một lần duy nhất) |
| 5.000.000 |
24 | Vật phẩm phụ: |
|
|
| - Người được cấp chân giả | 01 niên hạn | 510.000 |
| - Người được cấp tay giả | 01 niên hạn | 180.000 |
| - Người được cấp áo chỉnh hình | 01 niên hạn | 750.000 |
25 | Bảo trì phương tiện đối với trường hợp được cấp tiền mua xe lăn, xe lắc | 01 năm | 300.000 |
26 | Kính râm và gậy dò đường | 01 năm | 100.000 |
27 | Đồ dùng phục vụ sinh hoạt | 01 năm | 1.000.000 |
Mẫu II -01: Văn bản đề xuất kế hoạch hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(Kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND/Cơ quan chủ quản (1)…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Kính gửi: - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ………..(1).........
Tên cơ sở đề nghị: .............................................................................................................
Địa chỉ: ...............................................................................................................................
Điện thoại: ..........................................................................................................................
Người đại diện ………………………………………..chức vụ..............................................
Đề nghị hỗ trợ huấn luyện cho người lao động đang làm việc tại cơ sở (có danh sách và dự trù kinh phí huấn luyện kèm theo) theo quy định tại Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ.
| ……….., ngày…. tháng…… năm…… |
____________________
(1) Tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/cơ quan chủ quản;
Mẫu II-02: Danh sách các đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(Kèm theo theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND/Cơ quan chủ quản (1)…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
(kèm theo Văn bản đề nghị số....của....)
TT | Họ và tên | Năm sinh | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Nhóm đối tượng huấn luyện | Thời gian đóng Bảo hiểm TNLĐ - BNN | Mức kinh phí đề nghị hỗ trợ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
TỔNG KINH PHÍ ĐỀ NGHỊ |
|
|
| ……., ngày ….. tháng……. năm |
Mẫu II -03: Bảng tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(Ban hành theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND tỉnh (thành phố) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
|
| , ngày tháng năm …….. |
BẢNG TỔNG HỢP NHU CẦU KINH PHÍ HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
TT | Tên doanh nghiệp | Lĩnh vực hoạt động chủ yếu | Tổng số lao động tham gia bảo hiểm | Số người đề nghị hỗ trợ huấn luyện | Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ | |||||
Tổng số | Nhóm 1 | Nhóm 2 | Nhóm 3 | Nhóm 5 | Nhóm 6 | |||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| TỔNG CỘNG |
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI LẬP BẢNG |
| GIÁM ĐỐC |
Mẫu II - 04: Kế hoạch hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(Ban hành theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND tỉnh (thành phố) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội ………
Căn cứ kinh phí huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê phân bổ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Bảo hiểm xã hội.... kế hoạch hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo danh sách dưới đây:
STT | Tên đơn vị | Địa chỉ đơn vị | Mã số đơn vị | Mức tiền hỗ trợ (đồng) | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
| ………….., ngày……tháng……năm 20….. |
Ghi chú: chỉ hiển thị những nội dung có phát sinh
Mẫu III- 01: Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp/chữa bệnh nghề nghiệp/phục hồi chức năng lao động/huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(Kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND/Cơ quan chủ quản (1)…. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Kính gửi: - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ……….(1) …………
I - THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ
1. Tên cơ sở đề nghị (2): .....................................................................................................
Địa chỉ (3): ...........................................................................................................................
Điện thoại (4): ......................................................................................................................
Người đại diện (5): ……………………………….chức vụ ....................................................
II - THÔNG TIN VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NỘI DUNG YÊU CẦU ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ
1. Danh sách và thông tin về người lao động đề nghị hỗ trợ (6):
2. Nội dung yêu cầu giải quyết (7):
□ Hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, với kinh phí là:...đồng
□ Hỗ trợ chi phí khám bệnh nghề nghiệp, với kinh phí là: …….đồng
□ Hỗ trợ chi phí chữa khám bệnh nghề nghiệp, với kinh phí là: …..đồng
□ Hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng lao động, với kinh phí là: ……đồng
□ Hỗ trợ chi phí huấn luyện ATVSLĐ, với kinh phí là: ……đồng
3. Yêu cầu khác: (8) ............................................................................................................
4. Hình thức nhận tiền hỗ trợ (9)
□ Tiền mặt □ Tại cơ quan BHXH □ Qua tổ chức dịch vụ BHXH
□ ATM: Chủ tài khoản……………………………………….. số CMND:………………………. Số tài khoản …………………Ngân hàng…………………. Chi nhánh
| …….., ngày…… tháng……. năm……. |
HƯỚNG DẪN LẬP MẪU III-01
(1) Ghi tên địa phương doanh nghiệp, cơ sở tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động được đề nghị giải quyết chế độ;
(2) Ghi đầy đủ tên cơ sở
(3) Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cơ sở đóng trụ sở: số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố), tỉnh, thành phố;
(4) Ghi rõ số điện thoại của đơn vị
(5) Ghi tên người đại diện của đơn vị
(6) Ghi danh sách những người lao động được đề nghị giải quyết chế độ cùng với các thông tin theo mẫu III-02 Phụ lục III; III-03 Phụ lục III; III-04 Phụ lục III; III-05 Phụ lục III.
(7) Đánh dấu vào ô tương ứng với nội dung yêu cầu hỗ trợ và ghi rõ số tiền bằng số và bằng chữ
(8) Trường hợp có yêu cầu khác thì ghi rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến yêu cầu giải quyết.
(9) Đánh dấu vào các ô tương ứng để chọn hình thức nhận tiền hỗ trợ.
Nếu nhận bằng tiền mặt thì đánh dấu tiếp để chọn nơi nhận là tại cơ quan BHXH hay thông qua tổ chức dịch vụ BHXH; nếu nhận thông qua tài khoản ATM thì ghi bổ sung tên chủ tài khoản, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng mở tài khoản
Mẫu III - 02: Danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí khám bệnh nghề nghiệp
(kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ SỞ…... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số TT | Họ và Tên | Ngày tháng năm sinh | Giới tính | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước | Số điện thoại (nếu có) | Công việc đang làm khi phát hiện bệnh nghề nghiệp | Bệnh nghề nghiệp được phát hiện | Kinh phí khám bệnh nghề nghiệp | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …….., ngày ……tháng….. năm…….. |
Mẫu III - 03: Danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp
(kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ SỞ…... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số TT | Họ và Tên | Ngày tháng năm sinh | Giới tính | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước | Số điện thoại (nếu có) | Công việc đang làm | Bệnh nghề nghiệp khi điều trị | Kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …….., ngày ……tháng….. năm…….. |
Mẫu III-04: Danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng lao động
(kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ SỞ…... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số TT | Họ và Tên | Ngày tháng năm sinh | Giới tính | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước | Số điện thoại (nếu có) | Công việc đang làm | Đơn vị phục hồi chức năng lao động/ Bệnh nghề nghiệp | Kinh phí phục hồi chức năng lao động | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …….., ngày ……tháng….. năm…….. |
Mẫu III - 05: Danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
(kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ SỞ…... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số TT | Họ và Tên | Ngày tháng năm sinh | Giới tính | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước | Số điện thoại (nếu có) | Công việc đang làm/ nhóm đối tượng | Đơn vị phục hồi chức năng lao động/ Bệnh nghề nghiệp | Kinh phí phục hồi chức năng lao động | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …….., ngày ……tháng….. năm…….. |
Mẫu III - 06: Danh sách đề nghị hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
(Ban hành theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
TÊN CƠ SỞ…... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số TT | Họ và Tên | Ngày tháng năm sinh | Giới tính | Số sổ BHXH/ Mã số BHXH | Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước | Số điện thoại (nếu có) | Công việc khi bị TNLĐ/BNN | Công việc sau khi chuyển đổi nghề | Kinh phí đào tạo nghề | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| …….., ngày ……tháng….. năm…….. |
Mẫu IV-01: Quyết định hỗ trợ kinh phí từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(Kèm theo Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
UBND tỉnh/thành phố….. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………../……….. | …………, ngày ….. tháng …. năm ……. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp/khám bệnh nghề nghiệp/chữa bệnh nghề nghiệp/ phục hồi chức năng lao động/ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI...
- Căn cứ Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ;
- Căn cứ Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Căn cứ hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp/ khám bệnh nghề nghiệp/ chữa bệnh nghề nghiệp/ phục hồi chức năng lao động/ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của …………………..
- Theo đề nghị của ……………………………..
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp/cơ quan/tổ chức/ông (bà):......
Tổng kinh phí hỗ trợ là: …………………………….
Chi tiết theo danh sách đính kèm
Điều 2. Trách nhiệm thực hiện
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố... chịu trách nhiệm chuyển kinh phí hỗ trợ cho theo đúng quy định.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
………………………..., cơ quan BHXH tỉnh (TP), tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| GIÁM ĐỐC |
Mẫu IV- 02: DANH SÁCH CHI TRẢ HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP, KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NGHỀ NGHIỆP, PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO ĐỘNG, HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
(Ban hành theo Quyết định số ngày tháng năm của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh...)
Đợt ……..tháng……. năm ………..
Tên đơn vị: …………………………….. Mã đơn vị: ……………………
Số tài khoản: …………………Mở tại: …………..Chi nhánh: …………………
STT | Họ và tên | Ngày, tháng, năm sinh | Mã số BHXH | Thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN | Mức tiền hỗ trợ | Ghi chú |
A | Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
| ||||
B | Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
| ||||
C | Hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
D | Hỗ trợ phục hồi chức năng lao động |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
E | Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động |
|
|
|
|
|
I | Nhóm 1 |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
|
|
|
|
|
II | Nhóm 2 |
|
|
|
|
|
1 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Cộng |
|
| ||||
Tổng cộng |
|
|
(Số tiền bằng chữ: …………………………………………………………………………đồng)
| …….., ngày….. tháng….. năm 20.... |
- 1Official Dispatch No. 2159/BHXH-BT dated June 01, 2017, Insurance premium rates made to the insurance fund for occupational accidents and occupational diseases and collection of social insurance, health insurance and unemployment insurance premiums, and insurance premiums for occupational accidents and occupational diseases according to new statutory pay rate
- 2Decree No. 44/2017/ND-CP dated April 14, 2017, on the rate of contribution to the occupational accident and disease insurance fund
- 1Official Dispatch No. 2159/BHXH-BT dated June 01, 2017, Insurance premium rates made to the insurance fund for occupational accidents and occupational diseases and collection of social insurance, health insurance and unemployment insurance premiums, and insurance premiums for occupational accidents and occupational diseases according to new statutory pay rate
- 2Decree No. 44/2017/ND-CP dated April 14, 2017, on the rate of contribution to the occupational accident and disease insurance fund
- 3Decree No. 14/2017/ND-CP dated February 17, 2017,
- 4Decree No. 37/2016/ND-CP dated May 15th, 2016, detailing and guiding the implementation of certain articles of the law on occupational safety and hygiene with regard to compulsory insurance for occupational accidents and occupational diseases
- 5Decree No. 44/2016/ND-CP dated 15 May 2016,
- 6Decree of Government No. 115/2015/ND-CP dated November 11, 2015, guidance on the law on social insurance regarding compulsory social insurance
- 7Law No. 84/2015/QH13 dated June 25, 2015, on occupational safety and hygiene
- 8Law No. 58/2014/QH13 dated November 20, 2014, on social insurance
- 9Decree No. 82/2013/ND-CP dated July 19, 2013, promulgating the list of narcotics and pre-substances
Circular No. 26/2017/TT-BLDTBXH dated September 20, 2017 on guidelines for statutory insurance for occupational accidents and diseases
- Số hiệu: 26/2017/TT-BLDTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/09/2017
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Doãn Mậu Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra