Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2007/TT-BBCVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2007 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 169/2006/QĐ-TTG NGÀY 17/07/2006, VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 223/2006/QĐ-TTG NGÀY 04/10/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐẦU TƯ, MUA SẮM CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ VỐN CÓ NGUỒN GỐC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP, ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 07 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định 169) và Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 169/2006/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Quyết định 223).
Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Quyết định 169 và Quyết định 223 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sau:

I.  Về đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Quyết định 169 và Quyết định 223 được hiểu bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (gọi chung là các cơ quan, tổ chức), không bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu, hoặc kiểm soát, hoặc được hưởng đặc quyền, hoặc độc quyền.

II.  Tiêu chí đối với các sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên

Sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên theo Quyết định 169 và Quyết định 223 là các sản phẩm công nghệ thông tin nằm trong Danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin đã sản xuất được trong nước, hoặc trong Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan nhà nước do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành, hoặc các sản phẩm công nghệ thông tin thoả mãn các tiêu chí sau đây (sau đây gọi chung là sản phẩm công nghệ thông tin đã sản xuất được trong nước).

1. Đối với các sản phẩm phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử

Về xuất xứ sản phẩm:

- Sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam; hoặc

- Sản phẩm được lắp ráp, chỉnh sửa, nâng cấp trên lãnh thổ Việt Nam mà các hoạt động này đóng góp tối thiểu 25% giá trị của sản phẩm, hoặc tạo việc làm ổn định cho tối thiểu 50 lao động Việt Nam, bao gồm các cán bộ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), kiểm tra chất lượng (KCS), kỹ sư và công nhân trực tiếp sản xuất.

Về chất lượng sản phẩm:

Sản phẩm phải thoả mãn các tiêu chí sau:

a) Sản phẩm đã công bố phù hợp tiêu chuẩn với Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), hoặc tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế. Tiêu chuẩn công bố phù hợp phải là tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật; hoặc

Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chứng chỉ ISO 9001. Các cụm linh phụ kiện, công nghệ áp dụng để sản xuất sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;

b) Nhà cung cấp sản phẩm niêm yết rõ ràng trách nhiệm và điều kiện bảo hành đối với sản phẩm để khách hàng và cơ quan quản lý có thể tham khảo và giám sát thực hiện.

2. Đối với các sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số

Về xuất xứ sản phẩm:

- Sản phẩm được sản xuất, phát triển tại Việt Nam bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung tại Việt Nam; hoặc

- Sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài nhưng được chỉnh sửa, nâng cấp hoặc bản địa hoá thông qua việc Việt hóa cho phù hợp với yêu cầu sử dụng của Việt Nam mà các hoạt động này tạo việc làm ổn định cho tối thiểu 30 lao động Việt Nam.

Về yêu cầu chất lượng:

Sản phẩm phải thoả mãn các tiêu chí sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, phát triển sản phẩm có chứng chỉ ISO 9001 hoặc CMM, CMMI mức 3 trở lên hoặc có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng tương đương của Việt Nam hoặc nước ngoài;

b) Nhà cung cấp sản phẩm niêm yết rõ ràng trách nhiệm và điều kiện bảo hành sản phẩm để khách hàng và cơ quan quản lý có thể tham khảo và giám sát thực hiện. 

3. Đối với các dịch vụ công nghệ thông tin

Dịch vụ phải thoả mãn các tiêu chí sau:

- Dịch vụ được cung cấp bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin tương ứng, và đáp ứng được các yêu cầu về chức năng và điều kiện cung cấp dịch vụ tương ứng theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tương tự; hoặc có chứng chỉ ISO 9001 hoặc chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tương đương của Việt Nam hoặc nước ngoài về hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.

4. Đối với sản phẩm phần mềm mã nguồn mở

Sản phẩm phần mềm nguồn mở phải thoả mãn các tiêu chí sau:

- Sản phẩm được sản xuất, phát triển tại Việt Nam bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung tại Việt Nam;

- Sản phẩm được Bộ Bưu chính, Viễn thông hoặc cơ quan có thẩm quyền do Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ định xác nhận có chức năng, tính năng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan nhà nước;

- Tổng chi phí đầu tư, mua sắm sản phẩm (bao gồm phí bản quyền, triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng và bảo hành) ngang bằng hoặc thấp hơn so với các chi phí tương ứng đối với sản phẩm phần mềm nguồn đóng cùng loại; hoặc việc đầu tư mua sắm sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đó đem lại những lợi ích lớn hơn cho chủ đầu tư về làm chủ công nghệ, tính tương thích, khả năng mở rộng, sự an toàn bảo mật so với phần mềm nguồn đóng.

III. Về quy trình phê duyệt mua hàng nhập ngoại đối với các loại sản phẩm đã sản xuất được trong nước.

Trong trường hợp cần mua hàng nhập ngoại đối với các loại sản phẩm công nghệ thông tin đã sản xuất được trong nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg, các cơ quan liên quan phải tuân thủ quy trình phê duyệt sau:

1. Chủ đầu tư lập hồ sơ giải trình chi tiết về sự cần thiết phải mua hàng nhập ngoại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án và gửi xin ý kiến Cơ quan chuyên môn quy định tại khoản 2 Mục này. Hồ sơ bao gồm:

- Tài liệu giải trình đặc thù kỹ thuật của dự án cần mua hàng nhập ngoại;

- Tài liệu, sở cứ so sánh khả năng đáp ứng của sản phẩm nhập ngoại so với sản phẩm công nghệ thông tin đã sản xuất được trong nước;

- Các tài liệu khác liên quan đến dự án theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan chuyên môn được hiểu như sau:

- Đối với các cơ quan Trung ương, Cơ quan chuyên môn là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của cơ quan đó. Trong trường hợp cơ quan đó chưa có đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thì Bộ Bưu chính, Viễn thông giữ vai trò là Cơ quan chuyên môn để chủ đầu tư xin ý kiến;

- Đối với các cơ quan địa phương, Cơ quan chuyên môn là Sở Bưu chính, Viễn thông.

3. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình của chủ đầu tư dự án, cơ quan chuyên môn nêu tại khoản 2 Mục này phải có văn bản trả lời gửi chủ đầu tư dự án và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án trong đó nêu rõ ý kiến về đề nghị mua hàng nhập ngoại của chủ đầu tư và các lý giải cho ý kiến của mình.

4. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án căn cứ vào văn bản của Cơ quan chuyên môn nêu tại khoản 3 mục này và hồ sơ giải trình của chủ đầu tư để phê duyệt đề xuất mua hàng nhập ngoại và phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quyết định cho phép mua sắm sản phẩm nhập ngoại nói trên.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Bưu chính, Viễn thông để kịp thời giải quyết./.

                  

 

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Sở BCVT;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ BCVT;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu VT, CNCNTT.

BỘ TRƯỞNG

 

  

 

Đỗ Trung Tá